Bạn Gì Đó Ơi, Chúng Ta Là Vợ Chồng Hả

Chương 104: Nhật ký chiến trường




Khi vừa nhập ngũ, Ưng Túc không được đưa đến Ghazni ngay mà phải tham gia khóa đào tạo tân binh hết nửa năm. Mặc dù chiến trường Afghanistan đang rất sôi sục và ngày càng nóng lên nhưng quân đội Mĩ vẫn không vội vã đưa tân binh đến đó. Mỗi ngày Ưng Túc và những sĩ quan mới gia nhập quân đội khác đều phải học rất nhiều về chiến thuật, quy định và tập luyện thể chất. Dù chương trình tập huấn khó khăn và nặng nề nhưng vẫn không thể khiến Ưng Túc quên đi Bảo Vy. Những lúc ngồi một mình anh thường lấy bức ảnh hôm hai người đăng ký kết hôn ra nhìn ngắm rồi lại vuốt vuốt gương mặt của cô. Có lúc lại tự nhủ: “Bảo Vy, em nhất định phải chờ anh đến Ghazni, tuyệt đối không thể gặp chuyện gì bất trắc.”
Ghazni là một thành phố đậm chất Hồi giáo với những đền đài cổ kính được xây bằng đá tảng mang sắc vàng của sa mạc. Nơi này nằm giữa lòng đất nước Afghanistan, là một nơi khô nóng đúng nghĩa vào ban ngày và lạnh lẽo vào ban đêm. Những tòa tháp, đền đài trong huyền thoại về vùng đất thần thánh này phút chốc bị bao phủ bởi khói lửa và kẽm gai. Những chiếc xe tăng, những trạm đóng quân của Taliban rải rác khắp nơi. Phần còn lại là nơi trú quân của quân Mĩ. Phía khác lại có một nhóm phiến quân nổi loại ngày đêm gây hấn ném bom vào các nơi đồn trú. Những người lính và dân thường ngã xuống mỗi ngày không đếm xuể. Bảo Vy và rất nhiều người trong đoàn chữ thập đỏ của cô phải ra sức làm việc cật lực. Không ít người trong số họ đã hy sinh hoặc mất tích giữa sa mạc.
Mỗi ngày nhìn thấy bao nhiêu người ra đi, có cả người già và trẻ nhỏ, nhận lấy di vật của họ và làm theo tâm nguyện của họ Bảo Vy mới hiểu sâu sắc được rằng đau khổ trên Thế Giới thật sự quá nhiều. Có những lúc, đoàn xe viện trợ của Liên Hiệp Quốc gặp nạn trên đường đến được Ghazni khiến cho rất nhiều bệnh nhân không có thuốc. Họ kêu gào, họ cầu nguyện, họ khóc than khiến cho lòng Bảo Vy cũng rối bời theo. Cuộc sống ở đây hoàn toàn khác xa Los Angeles, nơi này không có máy móc hiện đại, nếu có cũng là ở trung tâm thành phố Ghazni, còn nơi cô làm nhiệm vụ thì chỉ có bác sĩ và bệnh nhân cùng nhau vượt qua đau khổ để tiếp tục sống.
Khi mà cuộc sống là mỗi ngày đối mặt với nguy hiểm thì con người cũng dần rơi vào bế tắc và tuyệt vọng đến nỗi không thể nghĩ đến chuyện gì khác nữa. Bảo Vy cũng dần nguôi nguây vết thương lòng. Cô không còn nghĩ đến chuyện yêu đương hay thù hận nữa. Việc mỗi ngày cô nghĩ đến là phải giúp đỡ cho các thương binh bớt đau đớn và quan trọng hơn là giữ được mạng để quay về Mĩ, đem theo di vật của đồng nghiệp chuyển về tận tay người thân của họ. Cảm giác lo sợ bản thân mình ngã xuống cứ đeo đuổi lấy cô mỗi ngày. Mỗi phút giây trôi qua ở chiến trường giống như chiếc đồng hồ báo tử liên tục rung lên. Bảo Vy là người mạnh mẽ, cũng là người thường xuyên đối mặt với sinh tử ở bệnh viện nhưng nếu nói cô không sợ khi nhìn thấy những cảnh tượng trước mắt thì chính là nói dối. Những tiếng kêu than khốc hòa lẫn mùi máu tanh khiến cho đầu óc Bảo Vy mỗi ngày đều căng lên như dây đàn.
Thời gian công tác của Bảo Vy tại Ghazni không kéo dài quá lâu. Nửa năm sau cô lại chuyển công tác đến một chiến trường khác. Lần này nơi cô đến là mặt trận phía Tây của Libya, nơi xảy ra cuộc nội chiến từ năm 2011 lật đổ nhà cầm quyền được cho là độc tài Muammar đến nay vẫn không ngừng xảy ra các cuộc đánh chiếm từ các thế lực khác nhau trong nội bộ Libya.
Hàng trăm ngàn người dân đã ngã xuống hoặc tản cư sang các vùng khác từ suốt giai đoạn đó đến nay. Mặt trận nơi này cũng đáng sợ không hề kém Afghanistan.
Trước khi tiếp nhận công tác mới, Bảo Vy có dịp được về Mĩ một tuần. Thời gian Bảo Vy quay về Mĩ rất ngắn, chỉ đủ thời gian để cô giao lại di vật và nói lại lời trăn trối của những người đồng đội tới người thân của họ mà thôi. “Sinh ly tử biệt” là nỗi đau lớn nhất đời người. Đến lúc này Bảo Vy mới thật sự thấm thía được chuyện đối mặt với người thân của những đồng đội đã hy sinh là khó khăn đến mức nào. Có những chuyện không phải không muốn thì không cần làm mà ngược lại càng phải dốc sức làm, bởi đó là tâm nguyện cuối cùng của người khác.
Ngày Ưng Túc được chuyển đến Ghazni thì đã không còn gặp Bảo Vy ở đó. Một nhóm mới từ tổ chức chữ thập đỏ của Mĩ đã được đưa đến thay thế chỗ của cô. Những gương mặt xa lạ, cuộc sống xa lạ và những tiếng súng lạnh lùng mỗi ngày khiến Ưng Túc rơi vào tâm trạng cô đơn cùng cực. Anh không biết rốt cục Bảo Vy đã chuyển đi đâu. Càng không biết làm sao mới có thể tìm được cô. Ưng Túc gửi một bức điện tín cho Lương Giang, bắt anh phải dò la cho được tin tức của Bảo Vy. Lương Giang lấy danh nghĩa công ty Phan Lục quyên không biết bao nhiêu tiền cho tổ chức chữ thập đỏ chỉ để mong có chút manh mối về nơi công tác của bác sĩ Bảo Vy. Những ngày chờ tin tức từ Mĩ của Lương Giang là những ngày Ưng Túc như ngồi trên đống lửa. Anh lo sợ nếu tin tức mà Lương Giang báo cho anh là tin báo tử của Bảo Vy thì anh phải làm sao?
“Nếu Bảo Vy chết đi trên cái chiến trường gió cát này thì anh phải làm sao?” - Mỗi đêm Ưng Túc đều tự hỏi mình như vậy rồi đau lòng đi vào giấc ngủ.
Trước sinh tử diễn ra hàng ngày nhiều không kể xiết trên chiến trường Ghazni, Ưng Túc càng lúc càng lo sợ nhận được tin xấu. Lần đầu tiên trong đời, anh tin vào ông Trời và cũng là lần đầu tiên trong đời anh chấp tay khấn nguyện cầu xin cho Bảo Vy còn sống.
Vài tuần sau, tin tức đưa đến cho Ưng Túc là Bảo Vy đã cùng nhóm chữ thập đỏ lên đường đến mặt trận phía Tây Libya. Ưng Túc không biết tin này có chính xác hay không nhưng cũng gấp rút làm đơn xin chuyển công tác đến phía Tây Libya. Vì anh không có lý do chính đáng để khẩn cấp đi đến mặt trận phía Tây Libya cho nên phải đến gần nửa năm sau đơn xin của Ưng Túc mới được xem xét. Lúc này quân Mĩ cũng gặp rất nhiều khó khăn bị buộc phải thu lại lực lượng của mình ở Libya bởi vì các phe phái khác đang lớn mạnh lên và đánh chiếm được nhiều vùng ở Libya. Cuộc sống trong quân đội Mĩ ở Libya khó khăn không kém gì ở chiến trường Afghanistan nhưng Ưng Túc trước sau đều không quan tâm. Anh đến Libya thì liền dò hỏi về tổ chức chữ thập đỏ tại đây. Một lần nữa anh lại vụt mất Bảo Vy khi đồng nghiệp của cô nói rằng sáng hôm qua cô đã lên đường bay đến Syria.
Đến lúc này thì Ưng Túc thực sự đã không còn chịu nổi nữa. Anh đưa chân đá vào chiếc xe thiết giáp bên cạnh mình, điên tiết rú lên. Gần một năm rưỡi chuyển từ mặt trận này sang mặt trận khác nhưng kết quả vẫn chỉ là một cuộc rượt đuổi trong vô vọng. Tại cái nơi gió cát máu tanh này, cuộc sống khổ sở bao nhiêu anh cũng không sợ, chỉ sợ bản thân mình cả đời bỏ lỡ người anh thương mà thôi.
Suốt khoảng thời gian từ lúc nhập ngũ đến hai năm sau đó, Ưng Túc chưa từng lấy phép về nhà. Ba mẹ và bà ngoại anh ngày nào cũng sống trong phập phồng lo sợ. Mẹ anh đêm nào cũng nằm mơ thấy khói lửa và và máu. Còn ba anh ngày nào cũng đọc báo theo dõi tình hình chiến sự ở vùng Tây Á. Nhất là từ khi anh chuyển sang chiến trường Al Tanf ở Syria. Hình ảnh từ chiến trường được vệ tinh truyền về khiến lòng ông càng thêm nóng ruột cho con mình. Nó sẽ là ai giữa chiến trường nắng gió? Nó sẽ ở đâu trong lớp cát sa mạc nóng hổi này? Đứa con trai ông yêu thương cưng chiều từ nhỏ liệu nó có chịu đựng nổi cực khổ hay không? Rồi ông lại lo sợ một ngày nào đó sẽ có người đem tin từ chiến trường đến báo với ông rằng con ông đã hy sinh. Nghĩ đến đây lòng của ông như thắt lại. Hôm nó đi lên máy bay nhập ngũ ông và mẹ nó không phải không đến, mà là chỉ dám đứng từ xa để nhìn. Hai người họ sợ rằng sẽ không kiềm lòng nỗi mà lao ra máy bay bắt nó về nhà. Cho nên đến cuối cùng cũng chỉ qua cái màn hình trong phòng khách của sân bay mà nhìn con quay đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.