Ca Tẫn Đào Hoa

Chương 19: Nhật ký lần qua sông nguy hiểm




Lão Khánh tuổi khoảng sáu mươi, vừa đen vừa gầy, lưng cong, im lặng hút tẩu. Thấy chúng tôi xuống, ông ta chỉ giương mắt nhìn một chút, không có biểu cảm gì.
Tôi thấy ông ta gầy đến mức chỉ còn toàn xương khô, quẹt một que diêm có thể đốt thành đuốc. Một ông già như vậy còn có thể chống thuyền? Không phải tôi nghi ngờ bản lĩnh của ông ấy, mà tôi chỉ cảm thấy mình đang ngược đãi người già cả.
Từ Phượng Tiên như nhìn ra sự nghi hoặc của tôi, tâng bốc nói: “Đừng nhìn lão Khánh đầu của chúng ta gầy trơ xương mà coi thường, kỹ thuật chống thuyền thật ra không thể chê. Những bãi đá, mạch nước ngầm kia quen thuộc như đường trước cửa nhà lão ấy. Không hiểu rõ những thứ này, cho dù cường tráng đến mấy cũng vô dụng.”
Dùng điểm tâm qua loa, ba người chúng tôi rời đi trong sự đưa tiễn nhiệt tình của Từ Phượng Tiên nữ sĩ, theo lão Khánh đến bờ sông.
Hôm qua nhìn từ xa, tôi chỉ cảm thấy nước sông xanh như ngọc, rất đẹp. Hôm nay nhìn gần mới phát hiện có rất nhiều dòng nước ngầm đập vào đá ngầm, cuộn lên mãnh liệt. Dòng chảy trên mặt sông như miệng quái thú rộng mở, chờ cắn nuốt người ta, tiếng sóng nước ầm ầm rung động.
Lão Khánh kia quay về phía chúng tôi làm mấy dấu hiệu. Tống Tử Kính phiên dịch: “Ông ấy bảo chúng ta lên thuyền.”
Thì ra ông cụ không thể nói chuyện.
Tôi và Vân Hương đỡ nhau lên con thuyền nhỏ, ngồi xuống đuôi thuyền. Tống Tử Kính vén vạt áo định lên thuyền, bỗng nhiên ngừng lại, nghiêng đầu như đang nghe ngóng tiếng gì đó.
Tôi mờ mịt nhìn lại, chỉ thấy mấy con chim bay qua núi.
Tống Tử Kính quay đầu lại, vẻ mặt nghiêm trọng, bóng người chợt lóe lên, sau đó vững vàng hạ xuống đầu thuyền, thuyền nhỏ hơi lắc lư, ngay cả lão Khánh cũng lộ vẻ khen ngợi.
“Đại gia, đi thôi.” Tống Tử Kính thấp giọng nói.
Lão Khánh hơi gật đầu, Tôi và Vân Hương vội vàng nắm lấy nóc thuyền, thân thuyền nghiêng một cái, vòng một vòng lớn, sau đó bị một con sóng đưa đẩy, rời khỏi bờ mười thước.
Từ nhỏ tôi đã sợ những trò chơi tốc độ cao thế này, rất nhanh đã cảm thấy choáng váng. Tống Tử Kính đưa lưng về phía tôi, ngồi ở phía trước, thân mình vững như núi, sườn mặt lộ ra vẻ nghiêm túc, hung dữ. Trong lòng tôi biết có chuyện, không làm phiền anh ta, chỉ chịu đựng cảm giác khó chịu, nhắm chặt mắt, tay siết lấy nóc thuyền.
Lại một làn sóng đánh tới, thuyền nhỏ như một phiến lá trôi trên dòng nước siết, liên tục quay cuồng, nghiêng ngả, dập dềnh. Toàn bộ đầu óc tôi loạn như hồ dán, những thứ trong dạ dày dồn hết lên trên.
Chợt nghe Vân Hương thét lên sợ hãi, Tống Tử Kính hô: “Cẩn thận…”
Tôi bị một sức lực đẩy mạnh, chỉ nghe bên tai vù vù hai tiếng, thứ gì đó cắm thẳng vào boong thuyền.
Đang định nhìn, Tống Tử Kính dùng một tay che mắt tôi: “Đừng mở mắt, nằm sấp xuống.”
Tiếng nói vừa dứt, anh ta đã rời đi, tôi chỉ nghe trong gió truyền đến tiếng kim loại keng keng. Một ngọn sóng nữa ập tới, trong nháy mắt thuyền bị nâng lên cao. Trái tim tôi cũng sắp nẩy ra ngoài, cảm giác như đang cưỡi mây đạp gió. Vân Hương ở bên cạnh sợ đến mức hét lớn, tôi nhìn sang, thấy cô ấy bị tung lên theo quán tính, hai chân đều ở trên không trung. Tôi không suy nghĩ nhiều, lập tức vươn tay túm cô ấy lại. Ai ngờ giây tiếp theo thuyền lại hạ xuống, Vân Hương bị tôi kéo vào trong thuyền, tôi ngược lại không có điểm tựa, lăn ra ngoài.
Vân Hương hét một tiếng chói tai. Chỉ trong thời gian ánh điện nhoáng lên, tôi liều mạng bắt được đuôi thuyền, thế nhưng nửa người tôi đều lơ lửng ở bên ngoài, nước sông lạnh lẽo lập tức thấm ướt toàn thân tôi. Lão Khánh quay đầu nhìn chúng tôi, hai mắt sáng như sao. Nhưng ông ta bận rộn chống thuyền, ốc còn không mang nổi mình ốc, chỉ có mau mau sang tới bờ bên kia mới là sự giúp đỡ tốt nhất.
Vân Hương đã bị dọa khóc, kêu to: “Tiểu thư… Tiên sinh mau tới cứu tiểu thư!”
Tống Tử Kính căn bảo không thoát được thân. Anh ta đứng ở mũi thuyền đón gió, tay áo tung bay, cầm trong tay một thanh nhuyễn kiếm, khua kín đến mức không có một kẽ hở. Chỉ nghe thấy những tiếng keng keng, sau đó tôi nhìn thấy vô số những vật màu đen rơi vào trong nước. Lại nhìn lên boong thuyền, cắm hai chiếc phi tiêu nhỏ, dính màu xanh nhạt, hiển nhiên là có độc.
Tôi ra sức bò vào trong, nhưng chân không có điểm tựa. Vân Hương muốn tới kéo tôi lên, kết quả là thuyền đảo một cái, cô ấy lại lăn ra xa.
Sóng lớn đánh tới, toàn thân tôi ướt đẫm, bởi vì dính nước nên tay dần dần không nắm chặt được, chỉ phải liều mạng bò lên. Cái gì mà thích khách, cái gì mà say sóng, toàn bộ đều bị ném ra sau. Tôi chỉ biết là, nếu buông tay sẽ rơi xuống dưới, dòng nước chảy xiết và nhiều đá ngầm như thế này, tôi rơi xuống sẽ chết không toàn thây.
Chợt nghe Tống Tử Kính hô lên một tiếng: “Tiểu Hoa… kiên trì…”
Anh ta muốn bứt ra mà không thể. Nếu không bảo vệ lão Khánh, thuyền mất khống chế, chúng tôi trái lại càng nguy hiểm.
Thuyền lại xóc nảy một lần nữa, một tay tôi trượt ra, sức nặng toàn thân đều tập trung vào tay phải. Vân Hương bò đến nắm lấy tay áo tôi, hô lên: “Tiểu thư! Tay kia!”
Tôi dùng sức duỗi tay về phía trước, vài lần đều không với tới. Thuyền nghiêng đi, cô ấy lại ngã sang một bên.
Tôi tuyệt vọng trong lòng, nghĩ tới những năm tháng tuổi hoa trong cuộc đời tôi mới chỉ bắt đầu đặc sắc đã phải đi làm quỷ sông, hơn nữa sau khi chết còn không quay trở về được cơ thể của mình. Xét thế nào cũng thấy lần xuyên qua này là một vụ buôn bán lỗ vốn.
Tôi liều mạng giãy dụa, bỗng phát hiện ra dòng nước đã chậm hơn một chút, nhìn lại, thì ra chúng tôi đã qua được nơi nước xiết nhất, sắp sang tới bờ bên kia.
Tôi hơi thả lỏng, nhưng Tống Tử Kính đột nhiên quát lên: “Cẩn thận…”
Chỉ thấy một vệt đen phóng thẳng về phía tôi.
Tôi buông lỏng bàn tay nắm lấy mép thuyền.
“Tiểu Hoa…”
Dòng nước xiết lập tức cuốn tôi ra thật xa, như một mũi tên bắn vào trong nước. Nhưng tôi còn chưa kịp cảm thấy may mắn đã bị một dòng nước quấn lại. Tôi chỉ kịp hít sâu một hơi trước khi bị nước vùi dập.
Kỹ năng bơi của tôi không tệ, thế nhưng dòng nước cuộn trào mãnh liệt, tôi chỉ như một nhánh bèo trôi. Đoạn sông này không có đá ngầm, nhưng dưỡng khí của tôi dần không đủ. Tôi cố dức bơi lên trên, cũng không làm nên việc gì.
Cuối cùng, trước mắt bắt đầu biến thành màu đen, sức lực của tôi cũng càng ngày càng nhỏ. Không nín thở được nữa, nước từ mũi và miệng ùa vào.
Thì ra đây là cảm giác chết đuối. Liệu mạng hít thở, nhưng hít vào chỉ có nước, nước và nước.
Trí óc tôi dần dần mất đi tri giác…


Một luồng hơi ấm chạy thẳng vào ngực tôi, làm cho tôi phun ra một ngụm nước.
Tôi nghe được một người lớn tiếng nói: “Được rồi! Không chết được!”
Trong ngực tôi vô cùng đau đớn, tôi liên tục ho vài tiếng, nôn ra toàn bộ nước trong khí quản. Đầu còn choáng váng, trong đầu như bị gõ mạnh, còn có những tiếng vang dồn dập. Quần áo đương nhiên ướt sạch, bị gió thổi qua khiến tôi hắt xì liên tục.
Một bàn tay nhẹ nhàng vỗ lưng tôi, một hơi ấm từ bàn tay người đó truyền tới, sưởi ấm toàn thân tôi. Tôi hít thở từng ngụm, sau đó mở mắt.
Tôi đang dựa vào lòng người kia. Toàn thân người đó cũng ướt đẫm, tóc còn đang nhỏ nước, nhưng lại ôm chặt lấy tôi, liên tục giúp tôi thuận khí.
Tôi há miệng, trong cổ họng bật ra tiếng nói khò khè như kéo bễ: “Muội chết rồi sao…”
Tiêu Huyên vỗ một cái lên lưng tôi: “Còn sớm lắm!”
Tôi lại ho một trận nữa, vùng vẫy hỏi: “Tống tiên sinh và Vân Hương đâu?”
“Có Tử Kính ở đó, bọn họ không có việc gì.” Tiêu Huyên nói: “Chúng ta đang ở hạ lưu của sông, cách nơi bọn muội qua sông khoảng năm dặm.”
Tôi trôi những năm dặm mà không chết đuối, mạng đúng là lớn không giống bình thường. Đại nạn không chết, giờ mới bắt đầu thấy sợ, nhớ lại tình cảnh nguy hiểm lúc trước, toàn thân tôi run lên.
Bỗng một giọng nói non nớt hỏi tôi: “Tỷ tỷ, tỷ có khỏe không?”
Tôi ngẩng đầu, không biết từ lúc nào phía trước đã xuất hiện một cái đầu tròn vo của một thằng bé. Thằng bé này mập mạp trắng mịn, mặt mày thanh tú, nhìn thế nào cũng cảm thấy giống Tiêu Huyên vài phần, tôi giật mình sợ hãi: “Nhị ca, con trai ca đã lớn thế này rồi cơ à?”
Tiêu Huyên cao giọng nói: “Cái gì?”
Cậu bé cũng nghiêng đầu hỏi: “Cái gì?”
Tôi lại nhìn cái đầu trọc lóc của thằng bé và trang phục hòa thượng rõ rành rành, lại càng kinh ngạc: “Ca còn để con trai đi làm hòa thượng?”
Tiêu Huyên thật sự muốn dùng một chưởng bóp chết tôi. Từ trên trời giáng xuống một tiếng “a di đà phật” đã cứu mạng tôi.
Một lão hòa thượng mặc áo cà sa, đầu bóng loáng, dáng người tong teo, ánh mắt sáng lấp lánh, và cả nụ cười gian xảo kia nữa. Con lừa trọc đầu này sao lại quen mắt thế nhỉ?
“Nữ thí chủ, xui xẻo… à, đã lâu không gặp.”
Tôi thất thanh kêu lên: “Tuệ Không?”
Tuệ Không hòa thượng gật đầu: “Chính là lão nạp.”
Tôi như nhìn thấy người sao hỏa xâm lược địa cầu: “Ông, ông, ông, sao ông lại ở đây?”
Lão hòa thượng vuốt râu cười nói: “Phật tổ có câu, ta không vào địa ngục, ai vào địa ngục?”
Tôi nói: “Còn tưởng ông sẽ nói ở đâu có đau khổ ở đó có bần tăng.”
Lão hòa thượng nói: “Thí chủ có tuệ căn, chính là ý này.”
Tôi nhìn về phía Tiêu Huyên, anh ta nói: “Đại sư sẽ cùng chúng ta đi về phía Bắc.”
“Việc làm ăn ở trên chùa, ông ấy mặc kệ sao?”
Tiêu Huyên nghiêm mặt nói: “Thứ nhất, đó không phải làm ăn. Thứ hai, đại sư đi cùng là muốn giúp ta một tay.”
Tôi cẩn thận đánh giá lão hòa thượng từ đầu đến chân, thật sự không nhìn ra lão còn bản lĩnh nào khác ngoài cái miệng quạ đen chuyên đi lừa người.
Lão Tuệ Không cười tủm tỉm vươn người tới đây: “Nữ thí chủ, sau này xin chiếu cố nhiều hơn.” Sau đó ông ta sờ sờ cái đầu trọc lóc của tiểu hòa thượng: “Đây là đồ tôn của ta, Giác Minh.”
Tiểu hòa thượng vô cùng hiểu chuyện, nói: “Tỷ tỷ lạnh, chúng ta đốt lửa được không?” Thật là đáng yêu chết được.
Tiếp đó chúng tôi di chuyển vào trong rừng đốt lửa. Mấy người đàn ông (bao gồm cả tiểu hòa thượng) đều tạm thời tránh ở trong bụi cây. Cậu bé Giác Minh kia năm nay sáu tuổi, năm hai tuổi cha mẹ mắc bệnh mà chết, lưu lạc đầu đường, được Tuệ Không hòa thượng lúc ấy đang đi khất thực nhặt về. Cậu bạn nhỏ này rất hiền lành thật thà, vô cùng đáng yêu. Hòa thượng đều ăn chay, không biết Tuệ Không cho thằng bé ăn cái gì mà có thể khiến thằng bé mập mạp như thế, giống một quả bóng nhỏ.
Tôi cách bụi cây hỏi Tiêu Huyên: “Vì sao không có thị vệ? Một ông già, một phụ nữ và một đứa trẻ, nhỡ may gặp phải tập kích thì ca có để mắt được hết không? Lý tướng quân với Đường thiếu hiệp kia đâu?”
Tiêu Huyên nói: “Bọn họ đều đang chờ ta ở huyện Nhân Thiện.”
Bỗng một con chim bay tới làm tôi giật mình, vội vàng buộc chặt quần áo. Kết quả lại là chim truyền tin, Tiêu Huyên nói cho tôi biết: “Tống tiên sinh của muội và Vân Hương đều đã qua sông bình an, hiện giờ đang hướng về Hồ châu.”
“Bọn họ không sao chứ?”
“Trong thư không viết, có lẽ không có việc gì.” Tiêu Huyên nói: “Ta đã nói chuyện của muội cho hắn, chúng ta sẽ gặp nhau tại huyện Nhân Thiện.”
Tôi yên lòng.
Sấy khô y phục, chúng tôi sửa soạn lại một chút rồi lại tiếp tục xuất phát. Qua sông chính là Hồ châu. Chỉ là, chúng tôi cách xa quan đạo, vết chân rất thưa thớt. Không không không, đâu chỉ như vậy! Đó là những cây cổ thụ che trời, bám đầy rêu xanh, lá cây mục nát, dây mây quấn quanh. Rõ ràng chúng tôi đang ở trong rừng rậm nguyên thủy!
Tôi rụt cổ, nơm nớp lo sợ hỏi Tiêu Huyên đi phía sau: “Có khi nào có một con rắn lao ra cắn muội không?”
Tiêu Huyên vốn đã chê bai tốc độ của tôi quá chậm, mất kiên nhẫn nói: “Sao có thể…”
Anh ta nói còn chưa dứt lời, tôi đột nhiên cảm thấy có thứ gì đó lạnh lẽo quấn vào mắt cá chân tôi. Lông tơ của tôi dựng ngược lên trong nháy mắt, tôi hét lên một tiếng, nhảy lên người Tiêu Huyên.
“A rắn rắn rắn rắn rắn…..”
Tiêu Huyện bị tôi đụng lùi về sau vài bước. Lão hòa thượng quay đầu hỏi có chuyện gì?
Chân tôi đã cứng nhắc, nhắm mắt lại hét lên: “Rắn quấn vào chân tôi!”
Bé Giác Minh đưa tay gảy gảy: “Là dây mây này sao?”
Tôi trợn mắt, trên chân quả thật là một sợ dây mây mềm. Bé Giác Minh cởi xuống, nghi hoặc nhìn dây mây một chút rồi lại nhìn tôi.
Mặt tôi bùng một cái đỏ ửng.
Bé Giác Minh còn nói: “Tỷ tỷ đừng sợ. Khi chúng ta vào núi, trên người đã rắc thuốc phòng rắn rồi, tỷ không biết sao?”
Tôi quay đầu nhìn Tiêu huyên, tên khốn này đang nghẹn cười, giống như bị táo bón. Đáng ghét, rắc thuốc bột cho tôi lại không nói, chờ xem trò cười của tôi!
Đại khái vì sắc mặt của tôi vẫn rất khó coi, buổi tối khi nghỉ chân, anh ta cố ý bắt hai con thỏ và ba con gà rừng về, tự mình làm thịt.
Lúc này tôi mới phát hiện trên tay anh ta có rất nhiều vết thương nhỏ, còn mới, không khỏi hỏi: “Những vết thương này là thế nào?”
Tiêu đại hiệp còn chưa nói, bé Giác Minh đã cướp lời: “Khi ca ca nhảy xuống nước cứu tỷ bị đá và rong rêu làm bị thương.”
Tôi nhìn về phía Tiêu Huyên. Lôi Phong sống (Lôi Phong: anh hùng Trung Quốc) dường như đang vì phẩm chất cao thượng của mình mà mỉm cười đầy đắc ý, tiếp tục mổ ruột moi gan thỏ.
Tôi chộp lấy toàn bộ, nhẹ mắng anh ta: “Bị thương còn không sợ nhiễm trùng, mau đi rửa tay đi. Muội làm.”
Tiêu Huyên mở miệng muốn nói lại bị tôi đạp cho một cước, anh ta thành thật đi ra chỗ khác.
Tôi để nguyên lông gà, dùng bùn bọc lấy, chôn xuống mắt đất, bên trên đốt lửa, sau đó tự mình dùng bảo kiếm của Tiêu Huyên xiên thỏ, nướng trên lửa. Tiêu Huyên thấy vậy cơ mặt hơi giật giật một chút rồi cũng không nói gì.
Lửa lách tách vang lên, thỏ dần dần tỏa hương thơm, lão hòa thượng kể cho tiểu hòa thượng câu chuyện về một vương tử rời nhà bỏ trốn, cuối cùng tu thành chính quả, tiểu hòa thượng ngồi không yên, thỉnh thoảng lại liếc về bên này.
Lão hòa thượng bất đắc dĩ thở dài: “Thôi, thôi. Tâm không ở Phật.”
Tôi cười khẩy: “Nếu trong lòng thật sự có Phật, không cần niệm, Phật cũng biết, cần gì suốt ngày phải thắp hương cầu xin?”
Lão hòa thượng nói: “Thành tâm cầu xin vì cầu Phật phù hộ.”
Tôi tiếp tục cười khẩy: “Xác suất sinh ra đánh bạc, nghệ thuật bắt nguồn từ thuật phù thủy. Còn tôn giáo thì sao? Thời viễn cổ có người rất nhàm chán, vì vậy hắn dùng bùn nặn lên một bức tượng, giả tưởng nó là thượng đế vạn năng, sau đó bắt đầu quỳ lạy nó. Đây chính là một quá trình không ngừng tự thôi miên mình của một người, thật lâu sau đó, chính hắn cũng tin thứ đó là thần vạn năng, còn sợ hãi bức tượng bùn đó. Đây thuần túy là tự tìm việc để làm.”
Lão hòa thượng vuốt râu, nở nụ cười: “Ngươi còn ghi hận ta nói ngươi sẽ là mẫu nghi thiên hạ?”
Tôi bị vạch trần, thẹn quá hóa giận, một mình xé thịt thỏ ăn.
Lão hòa thượng cũng xé một miếng, chia chân thỏ cho Giác Minh.
Tôi sửng sốt: “Tôi nghĩ ông là hòa thượng.”
Lão hòa thượng nói: “Đương nhiên ta là hòa thượng. Ta còn có kim sách của triều đình ban xuống nữa (Kim sách: chiếu thư sắc phong bằng vàng lá).”
Nói rồi lão lấy từ trong người ra một quyển sách cứng. Tôi mở ra nhìn, mấy chữ “Hoàng đế phụng thiên chi bảo” đỏ chót rất chói mắt. Tôi cảm thán: “Là chứng nhận quốc gia nha.”
Lão hòa thượng đắc ý.
Tiêu Huyên bới con gà lên, gõ vỡ lớp bùn, lộ ra thịt gà trắng bóc thơm ngào ngạt. Lão hòa thượng dâng lên của quý: “Muối.”
Tôi ngã ngửa. Tôi hỏi: “Trong áo cà sa của ngài còn cái gì nữa?”
Lão hòa thượng sờ sờ người rồi nói: “Bát, thuốc chữa thương, thuốc ngửi, thuốc viên, dao nhỏ, dây thừng… Hạt tiêu, cần không?”
“Cần.” Tôi cầm lấy rắc một ít lên cái đùi gà.
Ăn cơm xong, Tiêu Huyên nói với tôi: “Đi với ta một lát.”
Tôi theo anh ta đi tới bên cạnh một dòng suối nhỏ cách đó không xa.
Anh ta nói với tôi: “Cời giày ra.”
Tôi vội vàng rụt chân lại.
Tiêu Huyên nói: “Được thôi, ta mặc kệ mấy bọc nước trên chân muội.”
Tôi đành phải duỗi chân ra.
Anh ta giúp tôi cởi giày, đặt chân tôi lên đầu gối anh ta. Tôi bị đau, nhẹ hít vào, anh ta thở dài một tiếng rồi động tác lại càng nhẹ.
Chúng tôi đã đi cả ngày đường, lại xuyên rừng. Thân thể sống an nhàn sung sướng như tôi coi như đụng phải thử thách lớn. Chỉ là, tôi còn chưa nói, làm thế nào anh ấy biết chân tôi bị sưng nổi bong bóng nước?
Sắc trời đã tối sầm, nước suối phiếm một chút ánh sáng chiều tàn. Các đó không xa, bên đống lửa, lão hòa thượng đang kể chuyện cho tiểu hòa thượng. Núi rừng không yên lặng, chim muông bay về tổ đang vui mừng kêu lên. Trời đất một mảnh hài hòa.
Tôi nhẹ giọng hỏi: “Mang theo muội, không tiện, phải không?”
Tiêu Huyên tiếp tục bôi thuốc cho tôi, hỏi: “Cái gì mà tiện hay không tiện?”
“Tuy muội chưa từng trải qua những ngày bị người ta truy sát, nhưng muội biết, càng đông người, mục tiêu càng lớn, càng không an toàn.”
Tiêu Huyên ngừng lại, nhìn tôi chằm chằm rồi nói: “Thêm có một mình muội, mục tiêu có thể nhiều hơn bao nhiêu?”
Tôi nhún vai: “Muội không biết làm gì cả, chỉ biết tăng thêm phiền phức cho mọi người.”
Tiêu Huyên tiếp tục bôi thuốc cho tôi: “Thật vui vì muội tự biết mình như thế. Nhưng phải làm sao bây giờ? Vất muội lên núi nuôi cọp à?”
“A, không, không, không được vất tỷ tỷ lên núi nuôi cọp.” Bé Giác Minh không biết đã chạy tới từ lúc nào, giọng nói trẻ con tức giận: “Tỷ tỷ là người tốt, chỉ có người xấu mới bị đem đi nuôi cọp.” Nói xong còn ôm tay tôi, ngả cái đầu béo tròn lên vai tôi.
Tôi vui vẻ: “Nghe thấy không, nhị ca? Trẻ con còn biết phân biệt đúng sai hơn ca.”
Tiêu Huyên cười gian: “Giác Minh, sư gia gia của đệ còn chưa nói với đệ, nữ nhân chính là con cọp sao?”
Tiểu hòa thượng nghiêng đầu suy nghĩ: “Đệ đi hỏi sư gia gia.”
Tôi nhìn bóng lưng vui vẻ của thằng bé, đột nhiên hỏi: “Thằng bé không phải con trai của nhị ca thật sự của muội đấy chứ?”
Tiêu Huyên lại đen mặt: “Tạ Chiêu Hoa, muội đã học đếm chưa?”
“Sao có thể chưa?” Tôi giận dỗi.
“Vậy ta hỏi muội, nhị ca thật sự của muội đã chết bao nhiêu năm rồi?”
“Mười năm chứ bao nhiêu.”
“Vậy thằng bé bao nhiêu tuổi?”
“Sáu tuổi.”
“Vậy là rõ rồi.” Tiêu Huyên liếc nhìn tôi một cái khinh thường.
Tôi không phục: “Muội rất thông minh. Ca cho rằng ca không nói thì muội không biết hay sao?”
Tiêu Huyên liếc mắt nhìn tôi: “Vậy sao?”
Tôi bỗng nghĩ ra, nói: “Sau này muội không tên là Tạ Chiêu Hoa nữa.”
Tiêu Huyên cười: “Vậy sau này gọi muội là gì?”
“Tiểu Mẫn.” Tôi đắc ý rung đùi: “Tạ Chiêu Hoa đã theo Tống tiên sinh bỏ trốn rồi. Người tìm nơi nương tựa dưới trướng Yến vương chính là Tiểu Mẫn cô nương “ngọc diện thánh thủ””.
Những lời này nhắc nhở Tiêu Huyên: “Sách của Trương Thu Dương muội để ở đâu rồi?”
Tôi nói: “Ở nhà. Mang đi không thiết thực, hơn nữa muội học thuộc cả rồi.”
Tiêu Huyên nói: “Xem, muội có thể chữa bệnh chữa thương, cũng không phải hoàn toàn vô dụng.”
Tôi híp mắt: “Ca đang khen muội đấy sao?”
Tiêu Huyên chỉ cười không nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.