Chờ Đợi Giọng Nói Của Em

Chương 32: Đừng kéo căng dây đàn




Tiểu Đình, nữ, 17 tuổi, học sinh cấp ba.
Tôi là một đứa trẻ được bố mẹ nuông chiều. Ngay từ nhỏ tôi đã rất thích nhảy nhót, cứ Chủ Nhật hàng tuần mẹ lại dẫn tôi tới Cung thiếu nhi để học nhảy. Tháng đầu tiên đi học, tôi cảm thấy rất vui vẻ, nhưng về sau, học nhảy mãi tôi sinh ra chán, không chịu đi nữa, thế là mẹ đành phải chiều theo ý tôi. Về sau, thấy bạn bè biết chơi đàn điện tử, tôi rất ngưỡng mộ, liền đòi bố mua cho một cái. Thế là bố tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại vác về cho tôi một cây đàn điện tử Casio. Tôi mừng quá, nhảy cẫng lên, vỗ tay hoan hô ầm ĩ , bố tôi nhìn tôi mà không nhịn được cười. Tuy nhiên, thời gian tôi học đàn thậm chí còn ngắn hơn cả thời gian tôi học nhảy. Còn nhớ hồi học mẫu giáo, tôi có học qua tiếng Anh, vẽ, ngâm thơ… nhưng rồi tất cả đều bị bỏ dở giữa chừng do thói cả thèm chóng chán của tôi. Vậy mà bố mẹ chưa bao giờ mắng mỏ tôi về điều này, lại càng không bao giờ đánh tôi. Đấy, hồi nhỏ tôi được bố mẹ cưng chiều như thế đấy!
Do được bố mẹ nuông chiều quá nên tôi trở thành một cô bé hồn nhiên. Tôi thích chơi đùa cùng các bạn nam, thích đánh trận, trượt pa tanh, bắn súng cao su… Tôi còn hay chọc ghẹo, lên lớp, làm nũng bọn họ nữa. Nhưng không hiểu sao, các bạn ấy luôn nhường nhịn tôi. Đó là những tháng ngày thật vui vẻ!
Nhưng bốn năm trước, khi tôi mười ba tuổi, bố mẹ tôi đã ly hôn. Bố mẹ tôi trở nên bất hòa từ khi nào vậy nhỉ? Tôi không hề biết gì. Trước mặt tôi, bố mẹ chưa từng cãi nhau, tôi hoàn toàn không nghĩ rằng sẽ có ngày cái gia đình hạnh phúc này lại tan vỡ như hôm nay. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Tôi chọn ở với mẹ, bà ngoại nói con gái nên ở với mẹ. Tôi thấy bà nói đúng, hơn nữa, ngay từ khi tôi còn nhỏ, mẹ đã luôn ở bên cạnh và rất ít khi rời xa tôi. Tôi không thể nào tưởng tượng được nếu mình rời xa mẹ thì sẽ thế nào. Căn phòng chúng tôi đang ở là nhà đơn vị bố phân cho. Bố nói bố sẽ dọn đi, nhường lại căn phòng cho hai mẹ con tôi. Thế nhưng, vì lòng tự trọng quá cao, mẹ đã từ chối. Mẹ thu dọn đồ đạc của hai mẹ con tôi rồi dẫ tôi về nhà bà ngoại ở. Lúc tôi chuẩn bị đi, bố ôm lấy tôi mà khóc. Trong tôi, cái góc nhỏ yên tĩnh và xinh đẹp ngày nào giờ bỗng chốc mọc đầy cỏ dại. Trong phút chốc, tôi thấy mình đã lớn.
Nhà bà ngoại cách trường rất xa, hằng ngày tôi phải mất hai tiếng đồng hồ để đi học và về nhà. Tôi không biết mình đã lấy động lực từ đâu mà có thể chịu được khổ cực, không còn khóc lóc làm nũng mỗi khi có chuyện gì không vừa ý như trước nữa. Tôi cảm thấy như thế này cũng tạm ổn, bởi dù rời xa căn nhà ngày xưa nhưng giờ vẫn có một căn phòng đủ rộng để cho hai mẹ con tôi ở. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm bố, phát hiện ra giờ bố đã có người phụ nữ khác, tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi hiểu rằng, giờ đây bố không còn hoàn toàn thuộc về tôi nữa. Mẹ tôi vẫn ở một mình, tôi cảm thấy buồn thay cho mẹ, bởi vì người phụ nữ mới của bố trẻ đẹp hơn mẹ. Từ đó, tôi rất ít khi đến nhà bố, thế nên bố phải đến trường thăm tôi, cho tôi tiền sinh hoạt. Các bạn cùng lớp tôi nhìn thấy, họ bàn tán linh tinh làm tôi rất khó chịu.
Một hôm, bố lại đến trường tìm gặp tôi và cho tôi rất nhiều tiền. Bố nói bố phải đi xa một thời gian, bố với dì đi hưởng tuần trăng mật. Mặc dù biết chuyện này sớm muộn gì cũng xảy ra nhưng tôi vẫn thấy buồn. Trở lại phòng học, tôi không sao tập trung nghe cô giáo giảng được. Nghĩ đến chuyện kết hôn của bố, tôi không thể chịu đựng được, liền nằm úp mặt xuống bàn mà khóc…
Về nhà, một tin xấu nữa lại ập đến, mẹ tôi bị mất việc. Mẹ tôi phụ trách việc đào đạo công nhân viên trong một xí nghiệp nhỏ. Hiện nay, xí nghiệp đó bị phá sản, mẹ cùng rất nhiều công nhân viên khác bị mất việc làm. Mẹ tôi là một phụ nữ rất kiên cường. Vốn là một nhân viên thao tác máy, mẹ tự học và thi đỗ làm giáo viên. Mất việc quả là một cú sốc lớn đối với mẹ. Tôi cảm thấy rất lo lắng, mẹ mất việc rồi, tôi sẽ phải làm sao? Hai mẹ con tôi đều sống dựa vào đồng lương hằng tháng của mẹ.
Về sau, mẹ tìm được ba chỗ dạy ở ngoài, mỗi tuần khoảng ba mươi tiết. Hằng ngày mẹ phải chạy đôn chạy đáo ở bên ngoài, trưa còn không có thời gian về nhà, tối đến lại soạn giáo án tới tận khuya, thậm chí tôi còn không biết được hằng đêm mẹ có được ngủ chút nào không nữa. Mẹ gửi gắm ở tôi rất nhiều hy vọng. Chuyên ngành của mẹ là tiếng Anh, thế nên mẹ muốn sau này tôi thi vào trường đại học Ngoại Ngữ Bắc Kinh. Mẹ nói đó là trường đạo học bậc nhất trong nước, học ở đó sau này có nhiều cơ hội ra nước ngoài hơn. Để tôi có thể học tiếng Anh tốt hơn, mẹ cho tôi lên lớp đại học để học cùng các anh các chị sinh viên. Bây giờ, tôi chỉ còn một con đường duy nhất đó là thi đại học. Tôi hiểu điều này, thế nên mặc dù học hành rất mệt mỏi, chán nản, nhưng tôi luôn cố gắng chịu đựng. Mặc dù vậy, tôi mới là học sinh cấp ba, cũng có lúc cảm thấy không thể chịu đựng hơn được nữa. Nhìn dáng vẻ vất vả của mẹ, tôi không biết phải làm sao? Nhưng tôi luôn cho rằng, bản thân mình là một người hạnh phúc, vì tôi có một người mẹ thật tuyệt vời!
Chat room
Mặc dù ly hôn là chuyện của bố mẹ, nhưng người cảm thấy sợ hãi nhất lại chính là con cái. Bởi vì chúng vẫn còn quá nhỏ, vẫn cần sự chăm sóc của cả bố lẫn mẹ. Cho dù thiếu sự chăm sóc của ai thì cũng khiến cho chúng cảm thấy bị mất đi cảm giác an toàn. Vì thế, khi Tiểu Đình nói hai mẹ con cô bé chuyển đến nhà bà ngoại ở, cảm thấy cũng tạm ổn, lại khiến cho người nghe cảm thấy rất xót xa. Hơn nữa, thật cảm động khi thấy Tiểu Đình còn nhỏ tuổi mà đã phải gồng mình gánh chịu sức ép từ bên ngoài. Cô bé ngây thơ có cuộc sống vô lo vô nghĩ trước đây giờ đã trở thành một người lớn thực thụ, một cô bé kiên cường, hiểu chuyện và biết kiềm chế bản thân.
Bố mẹ đã ly hôn, đương nhiên bố Tiểu Đình có quyền tìm cho mình một cuộc hôn nhân khác. Tôi cảm thấy hiểu được sự đau khổ trong lòng Tiểu Đình, thế nhưng, Tiểu Đình cũng nên nhận thức được rằng, bố, cho dù là quá khứ hay hiện tại, thậm chí là tương lai, mãi mãi vẫn là bố của cô bé. Đây là một hiện thực không thể trốn tránh, bởi dòng máu đang chay trong người Tiểu Đình chính là máu thịt của bố.
Rõ ràng Tiểu Đình đã biến những đâu buồn trong cuộc sống thành động lực để học tập. Đây đáng lẽ là một điều đáng mừng, nhưng vì điều này tôi lại cảm thấy lo lắng. Tục ngữ có câu: “Dục tốc bất đạt”, tôi tin rằng Tiểu Đình cũng hiểu được hàm ý của câu tục ngữ này. Có khi nào hai mẹ con Tiểu Đình đang phạm phải sai lầm không? Có đôi lúc, do ước mơ, nguyện vọng quá mãnh liệt, con người luôn có cảm giác cực kì sốt ruột, làm việc không đạt được kết quả như mong muốn. Cũng giống như một vận động viên trên đường đua, nếu sợi dây đàn trong lòng bị kéo quá căng sẽ dễ bị đứt.
Tiểu Đình đã mười bảy tuổi rồi, đó là lứa tuổi tràn đầy sức sống. Nếu trong cuộc sống có bất cứ khó khăn gì, tôi tin rằng hai mẹ con bạn vẫn có đủ sức mạnh để vượt qua. Hơn nữa, cùng với sự trường thành của Tiểu Đình, cuộc sống của hai mẹ con sẽ dần tốt đẹp hơn!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.