Cố Niên Hoa

Chương 39: Đêm trừ tịch




Dùng bữa sáng xong, tôi ôm trán nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra cách dập tắt tin đồn. Đừng nói đến việc tôi đang mất giọng không thể mở miệng giải thích với ai, dù tôi có đăng đàn thuyết giảng suốt ngày suốt đêm, người ta vẫn sẽ chỉ tin những gì họ muốn tin. Thế nhưng tôi lại không nỡ để lão già của tôi vừa tỉnh dậy đã phiền lòng vì những vặt vãnh này. Nghĩ mãi, đến khi thấy gia nhân đi đi lại lại vác những cành đào đã cắt mang vào đặt ở bình lớn đặt trước điện Phật chính, chuẩn bị để mọi người trong làng đến rước lộc mang về như những năm trước, tôi mới nhận ra ngày mai đã là năm mới.
- Tiên sinh đã khỏe hẳn chưa, năm nay người phải tự tay mừng tuổi cho em đấy.
Tôi nhẹ nhàng lau mồ hôi trên trán lão già, lẩm bẩm tự nói với mình dù không thành tiếng. Lão đã hạ sốt, vết thương trên lưng không còn rỉ máu, gương mặt cũng hoàn toàn thư thái, chắc chỉ nay mai là tỉnh lại. Chỉ mong khi ấy tôi đã nói chuyện được bình thường, nếu không sẽ bị lão mắng cho, có thể còn bị lão phạt vì không biết tự chăm sóc bản thân mình. Lão sẽ phạt tôi thế nào nhỉ? Bảo tôi chép kinh, cắt hết chi tiêu, hay là không cho đi chơi Tết, hay là... âm thầm để lại một phong thư rồi lại bỏ đi Hồng lộ như hai năm trước?
Gió thổi mành cửa lên cao để ánh nắng chiếu vào đúng chỗ lão đang nằm. Bóng lão hắt lên tường, bờ vai rộng càng rộng thêm chút nữa. Tôi thử đưa tay ra, để chiếc bóng của bàn tay tôi vỗ lên bóng vai của lão, tay còn lại vờ tự vuốt râu mình như những bậc cao niên rồi khẽ gật gù:
- Cậu trai trẻ, đã vất vả nhiều rồi.
Tôi thích thú bật cười trước trò đùa ấu trĩ của bản thân. Năm xưa những lúc tôi không ngủ được, lão cũng thường bày trò này chọc tôi cười. Mùa hè nóng bức, lão còn kéo tôi xuống ao, dạy tôi diễn trò rối nước. Chợt, tôi nhớ đến lời anh Thân kể, lão nói "sơ tâm" của trẻ con là thứ gần Phật nhất. Nếu tôi đã không thể khiến những người lớn sống ở đây thôi lo lắng, vậy tôi có thể bắt đầu từ những đứa trẻ vô tư lự kia không?
- Tiên sinh, không phải là em thất hứa. Em chỉ rời đi một tí để làm một việc cho người. Em sẽ quay lại ngay.
Nghĩ là làm, tôi đi tìm anh Thân và chị, nhờ người tìm giúp một phường rối nước, dựng gấp một buồng trò ở giữa ao sen, đồng thời cho gọi tất cả trẻ con trong làng đêm nay đến cùng đón giao thừa, bảo người chuẩn bị thêm thật nhiều quà bánh. Tôi cứ ngồi trước cửa phòng lão viết hết yêu cầu ra giấy để mọi người làm theo. Thế nhưng, trò tôi muốn diễn lại không phải là nội dung mà giáo phường đã quen thuộc, chúng tôi lại không có thời gian để tập luyện, nên tôi đã quyết định tự mình xuống nước điều khiển mấy con rối chính.
- Em đã ốm thế này còn ngâm nước cả đêm, trời thì vẫn rét. Không muốn sống nữa sao? – Chị tôi rất hiếm khi tức giận thế mà giờ cũng to tiếng với tôi.
- Cô Nhã Phong! – Anh Thân cũng mất kiên nhẫn. – Ngày xuân còn chưa bắt đầu, cô muốn diễn trò thì đợi bản thân khỏe hẳn cũng đâu muộn!
- Nếu em còn làm càn, chị sẽ nhốt em vào phòng, khi nào vương gia tỉnh thì giao lại cho ngài ấy xử lý đấy. – Chị nghiêm giọng.
Tôi biết chị không đùa nên cuống lên, nắm chặt tay chị, đoạn lại vạt áo anh Thân, giương đôi mắt đỏ hoe nhìn anh cầu cứu. Người phu xe thở dài:
- Cô Nhã Phong muốn diễn thế nào, tôi sẽ xuống nước điều khiển rối thay cô. – Anh nói. – Cô đứng ở bờ ao đánh trống hiệu cho tôi là được. Bẩm vương phi, như thế có được không ạ?
Cái nháy mắt của anh lúc chị không để ý khiến tôi lập tức hiểu ra ngay, vội vã cúi đầu cảm ơn cả hai người rối rít rồi lao đi chuẩn bị. Sau lưng tôi, dường như chị đã quở trách anh Thân vài câu vì học theo lão già mà chiều hư tôi, dường như người anh lớn của tôi đã bảo dù lão già có ở đây cũng làm như thế mà thôi.
***
Đêm xuống, người lớn trẻ nhỏ đã ngồi đầy khoảng sân cạnh Phật điện, nhìn ra hồ sen, hướng mắt lên buồng trò dựng ở thủy đình. Chị tôi phục sức trang trọng ngồi ở vị trí đẹp nhất bên bờ hồ, ngồi cạnh bên là sư ông Phúc Đường. Tất cả mọi người đều hướng mắt về phía chúng tôi. Tôi nở nụ cười rạng rỡ chào đón mọi người, đoạn lại nhanh tay nổi một hồi trống rộn ràng khiến người người vỗ tay không ngớt. Rồi trong nháy mắt, tôi nhanh chân chạy biến ra phía sau, quẳng dùi trống cho anh Thân rồi lao xuống nước, chộp lấy cần điều khiển rối. Cách một bức rèm, tôi không nhìn thấy vẻ mặt chị lúc này. Hẳn là chị đang giận lắm, nhưng giữa nơi đông người, tôi biết chị sẽ không buộc tôi dừng lại. Hậu quả thì cứ để diễn xong mới nghĩ cũng chẳng muộn.
Một hồi trống dài khác lại nổi lên, theo sau là tiếng đàn réo rắt, tôi khéo léo điều khiển chú tễu giáo trò bước ra sân khấu. Vở tôi muốn diễn dựa trên trò chăn trâu quen thuộc, song có thay đổi từ đứa trẻ chăn trâu chân chất thành một vị tướng tài ba còn nhỏ tuổi, dùng cờ lau thay cho giáo gươm để tập trận với bạn bè, sau khi trưởng thành thì tự mình lên ngựa bình định giang sơn.
- Đây là sự tích Đại Thắng Minh hoàng đế trước đây thầy Tuệ Trung kể đấy! – Có đứa trẻ reo lên.
- Đúng đấy! Đúng nhỉ!
Bọn trẻ đoán không sai, đây là vở diễn mà lão già đã dạy tôi ngày trước, do chính lão dựng, ngoài mấy người bọn tôi thì chưa từng có ai được xem qua. Thế nên dù cơ thể càng lúc càng lạnh, có khi run lên bần bật, tôi vẫn có thể thành thạo điều khiển mấy con rối đến khi tiếng trống báo hiệu hạ màn lại vang lên. Cả khoảng sân như vỡ òa với những tiếng reo hò:
- Hay quá!
- Em cũng muốn tập trận cờ lau để lần sau quân Thát có đến sẽ đánh chúng tan tác!
- Phải đấy!
- Từ ngày mai nhé!
Tôi cười tít mắt nghe bọn trẻ rộn ràng trong khi rất nhiều người lớn ngồi như chết lặng. Hẳn là họ đang hoài nghi những nghi kỵ của chính mình khi nhớ về những gì mà Hưng Ninh vương, mà Tuệ Trung thiền sư đã răn dạy họ trước đây về mấy chữ "trung quân ái quốc". Tôi hiểu rất rõ một vở diễn này chẳng thể hoàn toàn dập tắt tin đồn, nhưng tôi không biết nên làm gì khác để giúp lão, càng không cam tâm ngồi yên một chỗ nhìn thanh danh của lão bị người ta vấy bẩn. Tôi chỉ có thể nuôi dưỡng niềm tin của những đứa trẻ này, để người lớn nhìn vào chúng mà tự soi mình.
Bỗng từ phía xa có tiếng vỗ tay rất khoan thai.
- Đã lâu rồi không được xem một tuồng hay thế này! – Giọng lão già vang vang. – Ta mong mọi người cũng hài lòng.
- Vương gia! – Anh Thân reo lên rồi vội vã bỏ dùi trống chạy đến chỗ lão.
- Vương gia. – Chị tôi cũng đứng dậy hành lễ, mọi người xung quanh lập tức cúi chào.
Tôi len lén hé rèm ra xem, lão già của tôi được một người gia nhân dìu đến. Nét mặt lão đã hồng hào hơn trước, tóc búi gọn gàng, thân mặc lễ phục song cổ áo hơi mở rộng, để lộ dải băng quấn ngang ngực.
- Vương gia bị thương trong trận chiến vừa rồi ạ?
- Thế mà chúng ta chẳng biết gì cả!
Mọi người lại bàn tán râm ran. Trước đây lão không muốn mọi người biết mình bị thương, sợ ảnh hưởng sĩ khí, thế mà giờ lại cố tình để lộ, hẳn là lão đã ít nhiều biết những việc đang xảy ra trong trang viện. Thấy lão tỉnh lại tôi phải vui mừng mới đúng, thế mà đột nhiên tôi lại thấy chân nặng như chì, không dám bước ra khỏi buồng trò mình đang đứng để chạy đến chỗ lão, hệt như đứa trẻ trốn nhà đi chơi bị bắt gặp, chỉ biết nhìn mông lung vào chú tễu trên mặt nước. Mãi đến khi một bàn tay to lớn chìa ra trước mặt, tôi mới sực tỉnh, ngẩng đầu nhìn.
- Tiên sinh... - Tôi mấp máy môi, đoạn ngập ngừng nắm lấy tay lão để lão kéo lên.
Nửa người dưới ướt sũng, một cơn gió thổi qua cũng khiến tôi rét run. Lão già ra hiệu cho gia nhân theo hầu mang áo choàng đến cho tôi, còn tay lão vẫn siết chặt tay tôi đến mức tôi cảm thấy đau. Lão không nói gì, chỉ chậm rãi kéo tôi đến chỗ chị đang ngồi, đoạn thả tôi ra, hướng về phía sư ông, cúi lạy:
- Bạch sư phụ, đệ tử kính thỉnh sư phụ chủ trì tế lễ.
- Tuệ Trung. – Sư ông ôn tồn nói. – Thầy chỉ đến đây làm khách. Con cứ tiến hành như những năm qua, đừng để ảnh hưởng đến mọi người.
- Bẩm vâng. – Lão già cung kính cúi đầu.
Nói đoạn, lão từ tốn đi đến ban thờ đặt trước Phật điện, trang trọng và thành tâm làm lễ tiễn năm cũ và rước năm mới về. Lời khấn vừa dứt, anh Thân đã cho nổ ngay một ống pháo tre, rồi cả trang viện như bừng sáng với hàng loạt pháo đua nhau nổ, âm thanh giòn giã, đì đùng. Mọi người thi nhau đến thắp hương, bái Phật và xin lộc, tiếng cười nói càng lúc càng rộn ràng hơn cả tiếng pháo. Đáng lý ra tôi nên trở về phòng thay quần áo rồi mới quay lại chung vui cùng mọi người, song tôi chỉ biết đứng ngây một góc nhìn khung cảnh ấy, nhìn lão già của tôi được vây quanh bởi rất nhiều người đến thăm hỏi. Mãi lâu sau, khi sư ông của tôi đã trở về phòng nghỉ, anh Thân mới đưa tay làm loa, kêu lớn:
- Vương gia thưởng tiền mừng tuổi! Mọi người đến cả đây!
Chẳng ai bảo ai, tất cả tập trung thành hàng ngay ngắn trước mặt lão già, đồng thanh:
- Kính chúc vương gia thân thể an khang, phúc lộc dồi dào.
- Kính chúc vương gia, vương phi năm mới sẽ có người nối dõi ạ.
Lời vừa nói ra, kẻ nọ đã bị mọi người xung quanh đưa tay che miệng. Năm nào cũng có kẻ mới đến không hiểu chuyện mà nói mấy lời này, những năm trước, tôi đều thấy rất buồn cười... Len lén nhìn sang, tôi thấy gương mặt chị vẫn giữ vẻ đoan trang niềm nở. Lão già cũng bình thản như thể không có gì cần suy nghĩ. Lão ngồi trên thềm cao, hiền từ đưa mắt nhìn khắp lượt, đoạn phe phẩy một phong bao đỏ rồi cất tiếng hỏi bâng quơ:
- Ai muốn nhận đầu tiên nhỉ?
Không hẹn mà tất cả mọi ánh mắt dểu đổ dồn về phía chỗ tôi đang đứng.
- Chị Nhã Phong!
- Cô Nhã Phong! Năm nào cô cũng lên tiếng trước mà!
Từ lúc lão xuất hiện đến giờ vẫn chưa nói lời nào với tôi, vì thế tôi không rõ lão có thất vọng vì khi tỉnh lại chẳng thấy tôi không, hay có giận vì tôi bày trò dại dột mà không đợi hỏi ý lão hay không. Lão già nhướn mắt nhìn tôi, vẫy tay bảo tôi đến gần. Tôi ren rén bước lên thềm, cố bày ra gương mặt vui vẻ nhất có thể. Lão nghiêng nghiêng đầu, giọng nói giễu cợt song cả ánh mắt và khóe môi vẫn không hề có ý cười:
- Em muốn nhận mừng tuổi thì mau chúc Tết.
Cả sân cười ầm lên. Suýt nữa tôi đã đánh kẻ ngồi trước mặt vì yêu cầu oái oăm. Song tôi chỉ dám giấu sự phẫn nộ ấy trong lòng, bày ra nụ cười nịnh bợ, lễ phép rót trà dâng lên lão, cố mấp máy môi thì thào mấy chữ:
- Em mừng tuổi tiên sinh ạ.
Phong bao trên tay lão chợt dừng giữa khoảng không rồi quay lại nằm trên bàn. Tôi biết lão chỉ muốn trêu chọc tôi chứ chẳng có ý gì, nhất là khi ở trước mặt nhiều người thế này. Song ngay lúc này đây, vì mệt mỏi và lo lắng nhiều ngày, tôi chỉ thấy tức giận, rồi bỗng tủi thân đến mức muốn khóc òa. Tôi len lén cắn môi để ngăn nước mắt chảy ra, chỉ sợ mọi người nhìn thấy. Lão dường như không hay biết, ung dung đứng lên, bước về phía chiếc bình lớn đặt giữa sân, chăm chú chọn một cành đào.
- Vương gia, hái lộc là phải tự tay mình, trao lộc cho người khác thì bản thân không còn may mắn đâu ạ. – Bên dưới có tiếng người ngăn cản.
Lúc này, khóe môi lão mới khẽ cong lên, lão vin một cành hoa nhỏ, toan cài lên búi tóc trên đầu tôi song dường như nghĩ ra gì đó, tay lão chợt dừng giữa khoảng không, rồi lão lại ấn cành hoa vào tay tôi, không cho phép tôi từ chối. Tôi như bị hoá đá. Tay lão vỗ nhẹ lên tóc tôi, tựa như muốn nói điều gì đó lại thôi. Giây lâu, lão quay về chỗ ngồi, tiếp tục công việc chỉ mới bắt đầu. Tôi đứng nép vào một góc, tay vẫn mân mê cành đào lão tặng. Có đứa trẻ đứng cạnh trêu tôi:
- Chị Phong thích nhé, được nhận hết phúc lộc của vương gia.
Trong lòng bàn tay tôi, nụ hoa phớt hồng khẽ khàng lay động dưới gió đông, hệt như lòng tôi đang run rẩy lúc này.
***
Giao thừa mỗi năm, lão già của tôi cũng đều rất bận rộn. Hết cúng bái lại phải nhận chúc tụng và mời rượu, ban thưởng cho kẻ dưới, ban chữ cho những người đến xin lộc. Thông thường tôi sẽ loanh quanh giúp lão đón tiếp mọi người, nhưng giờ tôi chỉ biết ngồi một chỗ, nhìn không rời mắt để chắc chắn là lão đang dùng trà thay rượu. Được một chốc, lão già cáo bệnh, bảo chị tôi thay mặt lão tiếp tục tiếp đãi, đoạn lệnh cho tôi dìu lão về phòng nghỉ. Dọc đường đi, lão chẳng nói thêm gì, chỉ khe khẽ hát một khúc đồng dao. Ban nãy, tôi đã rất muốn giải thích với lão rằng tôi không hề thất hứa, rằng mọi việc tôi làm đều chỉ để bảo vệ người mà tôi trân trọng nhất trên đời. Thế nhưng khoảnh khắc nhận đóa hoa từ tay lão, tôi lại tự trách vì đã không tin tưởng lão, không tin tưởng mình. Vì sao tôi lại cho rằng mình phải giải thích thì cái người đáng trân trọng và thân thiết nhường vậy mới hiểu được tôi?
Lão dừng chân trước cửa phòng tôi, ấn tôi vào rồi bước ra ngoài, đóng cửa lại.
- Ta đói rồi. Em mau thay y phục rồi xuống bếp nấu cháo cho ta.
Tôi đồ rằng lão già bệnh lâu nên mất trí rồi, vì tôi nào biết nấu cháo? Nhưng lúc này tôi có gân cổ cãi thì lão cũng không nghe thấy, chỉ đành nhanh chóng thay một bộ y phục ấm áp rồi trở ra, sợ lão đợi lâu dưới trời gió lạnh. Khi tôi bước ra, lão đang ngồi trên thành bậc, trầm ngâm như suy nghĩ điều gì. Tôi đến trước mặt lão, khẽ lay ống tay áo gọi lão cùng đi. Lão chậm rãi đứng lên, nhếch mép hỏi tôi:
- Em định đi nấu cháo thật đấy à?
Tôi cúi đầu, lắc nhẹ. Ngoại trừ tô cháo miễn cưỡng nấu cho Nguyễn Nam năm xưa, tôi chưa từng đụng đến món này.
- Không biết chăm sóc người bệnh. Sợ nước. Sức khỏe không tốt, hễ trái gió trở trời thì lăn ra ốm mà lại hành sự liều lĩnh, bốc đồng...
Vừa mới khiến tôi vui giờ lại đạp tôi rơi từ trên đài cao xuống. Tôi đứng như trời trồng nghe lão dùng giọng giễu nhại kể hết những điểm yếu của mình, không biết giấu mặt vào đâu.
- Nhưng mấy ngày qua, ta đã ngủ rất yên.
Giọng lão nhỏ dần, đầy xót xa. Tôi bất giác òa lên khóc, cổ họng càng nghẹn ứ. Lão già cười khổ, xoa đầu tôi đến rối bù lên. Hồi lâu, lão đưa tay lau nước mắt cho tôi, cười cười trêu:
- Bị ốm, không già mồm được nên chỉ biết khóc nhè ư? Đầu năm mà khóc sẽ không may mắn đấy!
Tôi dẩu môi, quay mặt đi nơi khác. Lão cười thành tiếng, đoạn ôn tồn nắm chặt vai tôi:
- Đi thôi, ta nấu cho em. Ăn xong rồi ngủ một giấc sẽ khỏe lại ngay.
***
Tôi chống cằm trên bàn, nhìn bóng lưng của lão già đi đi lại lại trong gian bếp ấm sực mùi khói. Tôi vốn chẳng muốn ăn gì, chỉ muốn vùi vào chăn ngủ cho đẫy giấc. Song nghĩ đến việc lão chẳng có gì vào bụng mấy ngày qua, tôi bèn ngoan ngoãn đi ăn để lão cùng ăn. Ngồi một lúc, tôi ngủ thiếp đi, khi lão lay tôi dậy, cháo đã nấu xong, mùi thơm xộc lên mũi khiến bụng đói cồn cào. Lão nấu món cháo cá quả. Gắp hết cá qua đĩa, lão chậm rãi gỡ xương rồi đặt vào bát của tôi. Tôi đưa tay dụi mắt, đoạn kéo đĩa cá về phía mình, thận trọng gỡ rồi đặt một miếng cá to lên thìa, đưa đến trước mặt lão.
- Ta không ăn, của em tất. – Lão cười hiền.
Tôi vẫn dí thìa cá vào miệng lão, nhăn nhó trỏ vào vết thương sau lưng lão. Lão thở dài, búng nhẹ lên trán tôi, đoạn ngoan ngoãn ăn hết sạch. Tôi mừng rỡ, lại bón thêm một thìa. Lão đanh giọng:
- Giờ em là người bệnh. Mau ăn cho no, uống thuốc rồi còn đi nghỉ.
Tôi tiu nghỉu đặt lại thìa vào bát mình, phụng phịu. Lão bèn gắp về bát một miếng cá, khó nhọc gỡ xương rồi tự mình ăn, có vẻ rất khổ sở. Tôi bật cười, biết tỏng dù tổ tiên họ Trần sống bằng nghề chài lưới, trước nay lão lại không ưa ăn cá vì thuở bé hay bị hóc xương, thế mà lão vẫn luôn rất kiên nhẫn làm món này cho tôi. Bàn tay to lớn quen cầm kiếm giương cung và hiệu lệnh mọi người đó, những năm qua đã vì một đứa trẻ như tôi mà trở nên rất tỉ mẩn, dịu dàng.
Lão già ăn xong lại đun thuốc giải cảm. Tôi cũng lấy thang thuốc trị thương dành cho lão ra đun, buộc lão cùng uống hết bát thuốc vừa to vừa đắng nọ một lúc với mình. Khi lão đưa tôi trở về phòng, người đàn ông cao quý vừa nhận muôn lời chúc tụng kia nói với tôi:
- Ngủ đi. Ta gác cửa cho em.
Tôi lập tức cau mày, lắc đầu nguầy nguậy. Lão trêu:
- Hôm nay chỉ được ăn cháo thôi. Thịt mỡ, dưa hành đợi em khỏe lại đã!
Tôi hậm hực trỏ vào lão, cố vừa nói vừa ra hiệu:
- Tiên sinh, ngủ.
Lão phì cười bảo:
- Ta đã ngủ ba ngày rồi, không ngủ thêm được nữa.
Tôi vẫn lắc đầu nguầy nguậy, cau mày. Lão già đành nhượng bộ:
- Được rồi, vậy ta cũng về phòng.
Tôi mỉm cười, gật gật đầu ra vẻ hài lòng. Lão xoay lưng đi được vài bước, ngoảnh đầu vẫn thấy tôi đứng đó.
- Đóng cửa, ngủ đi! – Lão nói.
Tôi lại lắc lắc đầu. Lão thở dài bất lực, nhanh chân đi về phòng mình, mở cửa bước vào rồi lại ngoái đầu nhìn tôi. Lúc này, tôi mới ngoan ngoãn khép cửa, thả mình lên chiếc giường êm ái. Bên kia, cửa phòng lão cũng đóng xịch. Tôi bất giác mỉm cười.
Mấy ngày qua luôn ở trạng thái cảnh giác và tập trung nên giờ tôi lại đâm khó ngủ dù thân thể rã rời. Tôi lăn trên giường mấy vòng, nghĩ ngợi mông lung về những gì đã xảy ra. Chợt từ phía phòng của lão già vẳng lên tiếng sáo du dương. Tôi khe khẽ hát theo một lúc rồi mơ màng chìm vào giấc ngủ.
Cuối cùng thì mùa xuân đã đến thật rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.