Công Công Đón Dâu

Chương 14: Thịt kho tàu




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Sáng sớm hôm sau, Cửu cô cô đến cung của thái hậu khám bệnh còn Sở Từ ngồi dưới mái hiên ngắm cơn mưa phùn. Lý trí kêu gào nàng không thể trốn tránh, dù có xin nghỉ ở nhạc phường thì vẫn nên đến chỗ Trường An cho phải phép.
Song có một tiếng nói chi phối hành động của nàng. Nó bảo sống ngày nào hay ngày ấy, đừng lo nghĩ nhiều như vậy. Cứ sống như hạt bụi sẽ biến mất cùng mưa gió, để tất cả mọi người – nhất là Trường An – quên đi sự tồn tại của nàng.
Giữa trưa, mặt trời lộ ra giữa những tầng mây, chói chang tới mức chả ai dám nhìn thẳng. Sở Từ nhớ còn nhiều thảo dược chưa phơi khô bèn vào phòng mang mấy cái sàng thảo dược ra phơi.
Dụ Thái đúng giờ tới cùng hộp đồ ăn bằng gỗ đỏ trên tay. Hắn thấy nàng có thể hoạt động thì nỗi lo trong lòng được cởi bỏ. Khi đã vào viện tử, hắn múc một bát canh tuyết lê rồi đặt trên bàn trúc dưới mái hiên.
Do còn bệnh nên Sở Từ vừa động tay động chân một chút đã bắt đầu đổ mồ hôi. Lực bất tòng tâm, nàng đành ngừng lại và dựa vào kệ thảo dược mà thở dốc.
Dụ Thái thấy vậy bèn cuống quít để đồ trong tay xuống rồi đỡ lấy nàng, “Chưa khỏi bệnh thì không cần làm.”
Sở Từ hơi choáng váng nên cái gật đầu của nàng gần như vô hình.
“Cửu cô cô dặn cô nương phải ăn thanh đạm, cô nương nếm thử xem.” Dứt lời, hắn đưa canh tuyết lê đến trước mặt Sở Từ.
Sở Từ chớp chớp đôi mắt mệt mỏi, mùi thơm ngọt nóng hổi chầm chậm đánh thức cái lưỡi mất cảm giác của nàng. Khóe miệng nàng cong lên, lúm đồng tiền thấp thoáng xuất hiện trên má, “Ngươi ăn chưa?”
Dụ Thái lắc đầu, tay áo hắn run run, hắn thì thầm, “Chưa, ta chỉ ghé qua một lát thôi.”
Hóa ra hắn cố tình đưa thức ăn tới cho nàng, Sở Từ nhìn món tuyết lê trắng mịn mà hai mắt ướt át. Nàng liếc nhìn chân hắn – vẫn là đôi giày cũ kỹ – chua xót thốt lên, “Bao giờ ngươi mới mang đôi giày ta làm?”
Nàng nghĩ nghĩ rồi hỏi, “Không vừa chân hay là…?”
“Không phải, tại đầu mùa hè hay có mưa to. Hơn nữa cũng qua mùa rồi, tới tết ta sẽ mang.”
Sở Từ cảm thấy hắn chỉ kiếm cớ để gạt chuyện này sang một bên, nhưng hắn đã nói thế thì nàng cũng khó mở miệng. Nàng nghẹn lời mãi rồi chỉ lẩm bẩm, “Trời lạnh cũng có thấy ngươi mang đâu.”
Thanh âm tuy nhỏ song đủ để Dụ Thái ngồi đối diện nghe được. Hắn thoáng sững sờ, sau đó lại cười ngây ngô.
Sở Từ cắn miếng tuyết lê, hương vị tươi mới và ngon ngọt cực kỳ. Nàng sung sướng nheo mắt, món ăn do đầu bếp trong cung nấu đúng là ngon thượng hạng. Nhưng khi nếm thêm vài miếng nữa thì ánh mắt nàng bất chợt trở nên nặng nề. Nàng dùng muỗng khuấy đáy bát, giọng nói đượm vẻ buồn bã, “Dụ Thái, ngươi biết không, phụ thân ta bận rộn công vụ nhưng rất giỏi nấu ăn. Mỗi ngày sau khi hạ triều, ông sẽ làm một bàn toàn món ngon cho mẫu thân và ta. Từ ngày ta có nhận thức đã như thế rồi. Về sau mẫu thân qua đời, phụ thân hiếm khi xuống bếp. Thanh di là người dạy ta thêu thùa, bà bảo tay nghề của phụ thân chỉ dành cho một mình mẫu thân.”
Dụ Thái trầm mặc trước những lời đó, hắn vốn nghĩ Sở Từ xuất thân từ gia đình giàu có song nào ngờ nàng là tiểu thư nhà quan. Điều này càng khiến hắn ý thức được Sở Từ khác hẳn mình; hắn là một hoạn quan – thậm chí còn chẳng biết tên họ bản thân – hai người đứng cạnh nhau thật chênh lệch.
Khác với trước kia, Sở Từ không quá thương tâm khi nhắc tới phụ mẫu mà chỉ đơn thuần tưởng niệm họ. Phụ thân bị chém đầu, bi kịch từ hôn, tự tay phân phát hạ nhân trong phủ; nàng đã trải qua tất cả những việc đó, hiện tại nàng chỉ có thể đặt hy vọng vào tương lai tươi sáng.
“Cô nương có muốn ăn gì không?” Dụ Thái hỏi.
Sở Từ nghiêng đầu suy nghĩ, đôi mắt trong veo nhìn bầu trời chan hòa ánh nắng, cái miệng nhỏ quyết đoán trả lời, “Muốn ăn thịt kho tàu.”
Dụ Thái cười, cặp mắt cong cong chứ không phát ra tiếng.
Hắn nói chỉ ghé qua một lát song vẫn chẳng nhịn được mà nán lại chờ nàng ăn xong. Chỉ vậy thôi đã đủ khiến hắn vô cùng thỏa mãn.
“Sắp trễ rồi, ta đi đây.” Dụ Thái vừa đứng dậy vừa phủi ống tay áo.
Oo———oOo———oΟ
Buổi tối Cửu cô cô trở về thấy thảo dược phơi đầy sân thì kích động không thôi, bà vốn nghĩ mấy ngày mưa tầm tã sẽ khiến thảo dược mốc meo hết cả. Bà chạy đến cái kệ do chính mình dựng rồi vò một nhúm giảo cổ lam[1] được phơi khô và hài lòng gật gù.
Thảo dược xếp thành một ngọn núi nhỏ trên cái bàn dưới mái hiên, đây rõ ràng là công của nha đầu ngủ nhờ phòng bà.
Sở Từ đang quét rác, ngẩng đầu lên liền thấy Cửu cô cô đứng tại cửa và nhìn chằm chằm những rễ cây được chọn lọc từ đống thảo dược. Nàng chần chừ cất tiếng, “Cô cô đã về.”
“Mấy cái này là ngươi lựa ra?”
“Vâng, nô tỳ rảnh rỗi không có việc gì làm nên kiểm tra một lượt thảo dược trong viện.” Thanh âm Sở Từ khá nhỏ, càng về cuối càng khó nghe.
“Ngươi biết phân biệt thảo dược?” Cửu cô cô dò xét.
Sở Từ chậm chạp gật đầu, “Mẫu thân nô tỳ là thầy lang, người từng mở tiệm thuốc nên hồi nhỏ nô tỳ có học chút đỉnh.”
Cửu cô cô khá kinh ngạc, bà bốc một nhúm bạch vi[2] rồi hỏi, “Nói ta nghe, đây là gì?”
“Bạch vi, có tính lạnh và vị hơi đắng mặn. Nó có thể giải nhiệt, làm đông máu, lợi tiểu, giải độc, trị đau nhức. Bạch vi thường được dùng để trừ tà hay điều trị sốt, âm hư phát nhiệt, cốt chưng, sốt hậu sản do huyết hư[3], đái són, tiểu ra máu, mụn nhọn và sưng phù.”
“Không được dùng chung với thuốc gì?”
“Hoàng kỳ[4], đại hoàng[5], đại kích[6], can khương[7], can tất[8], đại táo[9], sơn thù du[10].”
Khóe miệng Cửu cô cô nhếch lên, bà thật sự tán thưởng Sở Từ. “Nếu người bệnh thấy đau lưng và lạnh bụng thì sao?”
Thấy bà muốn kiểm tra kiến thức thì Sở Từ thở phào nhẹ nhõm, nàng tự tin lắc đầu, “Bản Thảo Kinh Sơ[11] ghi rằng người bị thương hàn, sốt cao đột ngột, đổ mồ hôi quá nhiều dẫn đến vong dương[12], chán ăn hay ăn không tiêu, đau lưng lẫn lạnh bụng, và đi ngoài do tiêu chảy thì không nên dùng bạch vi.”
Cửu cô cô cười sảng khoái, bà phe phẩy nhúm bạch vi trong tay, “Ngươi là mầm non tốt cho nghề thuốc, tại sao lại vào cung làm cung nữ?”
“Nô tỳ…” Sở Từ khựng lại, nàng không thể nói vì nhà mình mắc tội lớn. Nàng cứ cúi gằm đầu mãi mà chẳng giải thích được.
Cửu cô cô nhận ra nàng có nỗi niềm khó nói, bà cũng chả phải loại người tọc mạch nên lập tức bỏ qua đề tài này rồi thẳng thắn đề nghị, “Nhưng ngươi có thể dự tuyển vào Thái Y Viện, với tư chất của ngươi thì thành y nữ là chuyện nhỏ. Dù sao làm y nữ vẫn oai hơn cung nữ.”
Thái Y Viện? Đây là nơi Sở Từ còn chẳng dám mơ tưởng, là thứ xa xôi ngoài tầm với.
Để thuận tiện chiếu cố nữ quyến trong hậu cung, triều đình cho phép nữ tử hành nghề y. Đãi ngộ không khác mấy với nam tử, thậm chí nếu xét về trị bệnh kín thì nữ thái y còn được lòng chủ tử hơn nam thái y. Trong cung thái hậu, hoàng hậu, và quý phi đều có y nữ thân cận.
Ban đầu Cửu cô cô cho rằng nha đầu này rất tầm thường, da mặt đã mỏng mà tình tính còn như quả hồng mềm. Vụ phơi thảo dược hôm nay khiến bà thay đổi suy nghĩ; nàng kiệm lời nhưng cẩn thận chu đáo, tính hơi trầm song sở hữu năng lực phù hợp nghề bốc thuốc.
“Nô tỳ cảm ơn ý tốt của Cửu cô cô.”
Cửu cô cô ngỡ ngàng, “Ngươi không định dự thi?”
“Vâng,” Sở Từ đáp chắc như đinh đóng cột. Thành y nữ chỉ là suy nghĩ thoáng qua, nàng đã cân nhắc kỹ. “Sở Từ chỉ muốn đến tuổi ra cung, không cầu gì khác nữa.”
Câu trả lời trên làm Cửu cô cô suốt buột miệng chửi đồ nghĩ ngắn nhưng bà kiềm lại được; nàng dễ xấu hổ, mắng xong lại giận dỗi thì sao. Bà bất lực lắc đầu, “Hết thuốc chữa, ra cung có gì tốt chứ, suy nghĩ y chang Dụ Thái luôn. Thôi, ăn cơm đi.”
Đây là lần đầu tiên Sở Từ nghe có người khen cuộc sống trong cung. Với nàng mà nói, nơi này chẳng khác gì đầm rồng hang hổ, cứ nghĩ đến phải sống ở đây cả đời là nàng sởn tóc gáy.
Tối hôm ấy, thịt kho tàu đúng hẹn tới, Tiểu Tùng Tử còn đưa thêm mấy món ăn vặt. Sở Từ rướn cổ nhìn xung quanh nhưng không thấy Dụ Thái đâu.
“Đừng ngóng nữa, thái hậu bị bệnh nên Dụ Thái phải túc trực hầu hạ.” Cửu cô cô vừa nhận lấy hộp đồ ăn trong tay Tiểu Tùng Tử vừa báo cho nàng biết.
Thái hậu bị bệnh? Nàng lưu luyến thu hồi ánh mắt, cảm xúc hưng phấn tiêu tan hơn phân nửa.
Cửu cô cô đã bày đồ ăn ra bàn, bà nhìn món thịt kho tàu bóng mỡ rồi tiên phong nhấc đũa gắp.
Hôm sau trời trong nắng ấm, ánh mặt trời nóng rực chiếu vào mái ngói. Hôm qua trời còn rét căm căm mà chớp mắt đã sắp tới mùa hè, ai vẫn mặc ba lớp thì sẽ đổ mồ hôi trong chốc lát.
Trên đường trở về, Sở Từ tình cờ đụng trúng Trường An. Nàng quỳ gối bên bức tường đỏ và cúi đầu trộm nhìn y.
Nàng suýt nữa chẳng nhận ra Trường An sau hai ngày không gặp. Y mặc quan bào đỏ tươi thay cho trang phục trắng ngà, vạt áo phía trước thêu con mãng xà vàng kim của quan nhị phẩm. Cổ tay áo có viền tơ vàng, từng đường kim mũi chỉ của các họa tiết đều khiến người nhìn lóa mắt. Đai lưng y mặc được thêu chỉ vàng, bên hông đeo miếng ngọc bội bóng mượt, chân thì mang giày tím.
Ở triều đại này, hoạn quan cao nhất có thể giữ chức nhị phẩm, tương đương với đại thần nội các. Ngoài ra còn sở hữu con dấu riêng và quyền chấp bút nữa. Ngoại trừ Vinh Lan từng mặc thì chỉ có Trường An được khoác lên mình bộ trang phục mãng xà này.
Trường An dẫn đầu đoàn người đông đảo bước đi giữa những bức tường đỏ, khuôn mặt vốn ít khi cười nói giờ còn toát lên vẻ uy nghiêm lẫn thận trọng.
“Sao ngươi lại ở đây?”
“Nô tỳ…” Sở Từ không ngờ y sẽ dừng lại, nàng tức khắc nghẹn lời chẳng biết đáp trả thế nào.
Trường An thích nhất dáng vẻ cúi đầu cụp mắt của nàng. Từ hồi đảm nhiệm vị trí mới, y chạy đông chạy tây cả ngày. Ngẫm lại thì y đã hai ngày không dùng bữa cùng nàng, kể cũng hơi lạnh nhạt.
“Buổi trưa bận công vụ tại Nội Vụ Phủ nên tối ngươi hãy đến phòng tìm bản công.”
“Vâng.”
Trường An vươn tay, năm ngón tay xinh đẹp khép hờ lộ ra khí chất dòng dõi thư hương, “Lại đây.”
Ánh mắt ngọt ngào và dịu dàng làm Sở Từ dỡ xuống sự đề phòng, nàng đứng dậy rồi chìa tay ra như bị mê hoặc.
Trong mắt mọi người, Trường An chắc chắn cưng chiều Sở Từ có thừa. Thử hỏi tìm đâu ra ở chốn hoàng cung này một đại tư công yêu thương đối thực như thế.
Nhạc phường là tầng dưới chót của hoàng cung, chẳng hề được hưởng chút phú quý nào từ tầng lớp vương quyền. Nói khó nghe thì bọn họ chỉ là thứ tiêu khiển giải trí cho chủ tử các cung, tính mạng còn rẻ mạt hơn đám tiểu thái giám. Sở Từ vừa trở về nhạc phường đã nghe mọi người bàn tán xôn xao vụ bạc hàng tháng.
“Vốn dĩ là một lượng năm, sao tự nhiên lại đổi thành một lượng hai. Trường An tổng quản cắt giảm quá nặng tay.”
“Ngươi đừng nói bậy. Tiền ít là chuyện nhỏ, ngộ nhỡ chọc giận đại tư công thì gánh chả nổi đâu.”
“Thôi quên đi, dù sao chỉ một năm nữa là ra cung, lo mấy chuyện này làm gì.”
Sở Từ ngồi chung với Bát Nguyệt ở bàn bên cạnh mà nghe người khác túm tụm oán trách, sắc mặt nàng thoáng thay đổi nhưng nàng không hề lên tiếng.
Sắc trời ban đêm tối tăm, nàng lại mang theo hộp đồ ăn tới phòng của Trường An. Mấy ngày qua trong cung rất căng thẳng; Trường An kiểm toán khắp nơi, chỉ riêng thái giám đã chết vài người.
Chú thích
[1] Còn có tên khác là cây trường sinh/cỏ thần kỳ/cỏ trường thọ. Giảo cổ lam là loại dược liệu quý. Từ xa xưa, vị thuốc này đã được vua chúa sử dụng để tăng sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, làm đẹp cho cung phi. Hình ảnh của giảo cổ lam:

[2] Hình ảnh của bạch vi:

[3] Theo quan niệm y học cổ truyền, cơ thể con người tồn tại khí âm và khí dương. Âm hư phát nhiệt là do âm dịch của cơ thể bị hao tổn quá mức. Biểu hiện lâm sàng là cơ thể nóng, người gầy, da nóng, hay ra mồ hôi, gò má đỏ, khát nước, họng khô, lưỡi đỏ, mất ngủ, tinh thần bực bội. Cốt chưng là triệu chứng xương nóng như đốt. Huyết hư là một trong những căn bệnh về máu, gây ra những cơn đau đầu, chóng mặt, cùng tình trạng mất ngủ.
[4] Hoàng kỳ được sử dụng từ lâu đời trong y học Trung Quốc để chữa các bệnh về suy giảm hệ miễn dịch. Hoàng kỳ có khả năng tăng cường ham muốn tình dục và khả năng của t*ng trùng. Hình ảnh của hoàng kỳ:

[5] Đại hoàng được làm thành thuốc nhuận tràng và chống tiêu chảy. Nó còn được sử dụng để chữa các vấn đề tiêu hóa bao gồm táo bón, ợ nóng, đau dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa và để rửa ruột trước khi thực hiện xét nghiệm đường tiêu hóa. Hình ảnh của đại hoàng:

[6] Đại kích được dân gian sử dụng khá nhiều trong các bài thuốc chữa ho suyễn, đờm ẩm tích tụ, đau lưng, đau hông, phù thủng tay chân và một số bệnh lý khác. Hình ảnh của đại kích:

[7] Chính là gừng đấy.
[8] Can tất dùng để phá ứ huyết, thông kinh nguyệt, sát trùng. Hình ảnh của can tất:

[9] Là quả táo tàu.
[10] Sơn thù du có tác dụng trị các chứng ù tai hoa mắt, đau nhức xương khớp, liệt dương, tiểu rắt, rong kinh. Hình ảnh của sơn thù du:

[11] Một bộ sách gồm ba mươi cuốn về thảo dược.
[12] Chứng vong dương là tên gọi chung cho dương khí đột nhiên bị suy kiệt, nguyên nhân chủ yếu do đổ mồ hôi nhiều hay bị thổ tả nặng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.