*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Vào ngày hưu mộc, Sở Từ mang túi tiền tự tay làm đến tặng Thẩm Thanh Vân. Vì thân phận đặc thù nên nàng không ở lâu, chỉ nói vài câu ngắn gọn rồi về.
Lúc đi ngang hí viện, tiếng hát tuồng ê a phát ra. Chẳng biết là hoa đán[1] nào mà thanh âm trong trẻo mềm mại, Sở Từ nghe thấy câu, “Chẩm hàm xao phá lậu thanh tàn, tự túy như ngốc tử bất nan. Nhất đoạn ám hương mê dạ vũ, thập phân thanh sấu khiếp thu hàn…”[2]
Đây là một đoạn trong hồi Ly Hồn của Mẫu Đơn Đình. Lệ Nương bộc bạch tâm tình vào giây phút hấp hối, nàng ấy định mở cửa sổ ngắm trăng nhưng trời lại đổ mưa. Giọng hát bi thương khiến mắt người nghe bất giác ngấn lệ, ma xui quỷ khiến thế nào mà Sở Từ cất bước về phía tiếng hát.
Khi khúc hát kết thúc, Sở Từ đã ở trong hí viện và dùng tay áo lau nước mắt. ‘Lệ Nương’ đang vén váy biểu diễn để bước xuống sân khấu.
Sở Từ như bừng tỉnh khỏi giấc mộng, nàng hoàn hồn nhận ra mình đứng ngay dưới sân khấu. Người của hí viện đồng loạt quay đầu nhìn chằm chặp cô nương đột ngột xuất hiện này, mặt Sở Từ tức khắc đỏ lựng.
Nàng vừa nhấc chân muốn rời đi thì giám quan[3] đang ngồi thẩm định vở diễn khẽ mở miệng, “Ra đằng sau đi.”
Sở Từ xoay người lại liền thấy bộ bàn ghế đặt tại thính phòng. Trên bàn có trà, trái cây, lẫn bánh ngọt song người kia chỉ cúi đầu đọc kịch bản trong tay. Bộ trang phục thái giám màu xanh cũ kỹ chả biết đã giặt bao lần, sợi vải phai màu khiến xiêm y trông hơi trắng. Dưới chiếc mũ là khuôn mặt màu bánh mật khỏe mạnh chứ không trắng mịn như các thái giám khác. Đây đúng là người nàng đã lâu không gặp – Dụ Thái.
Ánh mắt chăm chú của nàng làm Dụ Thái ngượng ngùng, hắn cố tình quay mặt đi rồi phất tay ra hiệu cho nàng lại gần.
“Hôm nay cô nương nghỉ hưu mộc?”
“Ừm.”
Khoảng cách gần thế này khiến tai Dụ Thái chậm rãi đỏ lên một cách mất kiểm soát. Mùi thơm thoang thoảng đặc trưng của nữ tử lượn lờ quanh chóp mũi, đấy là hương thơm vô cùng dễ chịu. Hắn cố gắng giữ biểu cảm bình thản để rót nước trà xanh mình chưa hề nếm thử vào chén và đưa cho nàng.
“Cầm đi, rồi đứng ở góc khuất phía sau mà xem.”
Sở Từ mừng rỡ nhận chén trà. Nàng thoáng ngắm nhìn Dụ Thái, nội tâm thấy ngọt ngào tựa mật. Sau đấy nàng ngoan ngoãn chạy tới phía sau để đợi hắn.
Sắp đến tết âm lịch nên theo lệ thường thì hoàng cung không thể thiếu xem kịch. Đó là giây phút hiếm hoi các chủ tử được thư giãn, vì vậy phải cẩn thận tổng duyệt trước.
Dụ Thái vốn đang chú tâm xem kịch nhưng Sở Từ là điều ngoài dự kiến. Cứ nghĩ đến nàng đứng sau quan sát thì Dụ Thái thấy mình như ngồi trên bàn chông, thậm chí còn quên cầm kịch bản.
“Vở tiếp theo, Vũ Gia Pha[4].”
Phía sau Dụ Thái là vài thái giám, sau nữa là người hí viện. Kỳ thật đứng cuối làm Sở Từ không thấy rõ Dụ Thái, nàng chỉ thấy được bộ trang phục xanh đen bạc màu giữa khe hở của hàng người.
Ban đầu Sở Từ tới vì bị vở kịch lôi cuốn nhưng chẳng hiểu sao giờ lại mất hết hứng thú, ánh mắt nàng luôn vô thức dừng trên người Dụ Thái.
Đến gần giữa trưa, sau khi miễn cưỡng xem mấy vở kịch, Dụ Thái rốt cuộc chịu hết nổi bèn cho dừng lại.
“Hôm nay tới đây thôi. Nghỉ ngơi xong sẽ tiếp tục, mọi người giải tán đi.”
“Vâng.”
Người vừa lui xuống là Dụ Thái gấp gáp đi ra đằng sau. Thấy Sở Từ vẫn ở đó, niềm vui sướng vô danh nảy nở trong lòng hắn.
“Cô nương có đói bụng không?”
Sở Từ thẹn thùng gật đầu.
“Nếu không chê thì ăn tại hí viện đi, nhạc phường ở ngay bên cạnh, ăn xong hẵng về.”
Hí viện cũng ăn cơm đúng giờ giống nhạc phường, chỉ có cung nhân hầu hạ chủ tử phải đợi chủ tử dùng bữa xong mới được ăn.
Nhà ăn của hí viện nằm ở phía đông, Dụ Thái sống ở đây suốt mười mấy năm nên cực kỳ thông thuộc đường đi.
“Hình như ngươi rất quen thuộc nơi này?” Sở Từ nghiêng đầu hỏi.
Dụ Thái vừa nhìn biểu cảm chờ mong của nàng vừa gật đầu, “Ừm, nô tài vốn xuất thân từ hí viện. Mấy năm trước, có lần nô tài đến ngự tiền chúc thọ thì được thái hậu chuyển tới làm tại Lăng Xuân Cung.”
Sở Từ thầm nghĩ thì ra là thế rồi hỏi tiếp, “Vậy ngươi biết hát tuồng?”
“Biết một chút.”
Dụ Thái xấu hổ cúi đầu trò chuyện, chân bước càng lúc càng nhanh. Chẳng mấy chốc, hai người đã tới cửa nhà ăn.
Thái giám với cung nữ đang ăn cơm thấy Dụ Thái liền trợn tròn mắt. Có người mới cắn nửa miếng rau, nuốt không được mà nhả cũng chẳng xong. Có người đánh bạo nhét hết thức ăn vào miệng.
“Dụ chưởng sự.”
Tuy Dụ Thái không phải quan lớn nhưng lại là nhân vật huyền thoại tại hí viện. Từ ngày hí viện thành lập, hắn là con hát duy nhất được thái hậu coi trọng và điều tới ngự tiền làm thái giám hầu hạ. Hắn thăng bốn cấp liền, chưa kể còn nhận Đại tư công Vinh Lan là nghĩa phụ; có thể nói với hắn thì một bước lên mây ở ngay trong tầm tay.
Dụ Thái không thích dùng bữa tại nhà ăn. Thứ nhất vì đông người thì lời gì cũng nói được, thứ hai vì hắn không quen đi lấy lòng và cũng chả quen người ta nịnh bợ mình. Thế nên hắn chủ yếu ăn cơm tại phòng của nghĩa phụ cho yên tĩnh.
Sau khi tìm một cái bàn nhỏ, hai người ngồi đối diện nhau. Không đợi Sở Từ duỗi tay xới cơm, Dụ Thái đã vén tay áo rồi nhanh nhẹn làm.
Một bàn, hai người, ba món ăn; chỉ đơn giản như vậy nhưng Sở Từ thấy thật ấm áp. Tay nàng nhận chén cơm từ Dụ Thái, hai má không giấu được lúm đồng tiền duyên dáng.
“Thức ăn ở đây chỉ có thế, cô nương tạm chấp nhận nhé.”
Dụ Thái không hề ngẩng đầu lên, hắn kìm nén sự rung động tận đáy lòng mà ra vẻ thoải mái ăn uống.
“Sao ngươi lúc nào cũng gọi ta là cô nương?” Sở Từ vừa ăn vừa giả vờ oán trách.
Bàn tay gắp đồ ăn của Dụ Thái khựng lại.
Hắn ở trong cung nhiều năm, ngôn ngữ lẫn cử chỉ đều biết thân biết phận vào hàng bậc nhất. Nơi đây thường có thái giám gọi cung nữ là cô nương, nhưng phần lớn toàn tiểu thái giám gọi thế; thái giám chưởng sự giống hắn đâu cần gọi cô nương làm gì. Song với Sở Từ, hắn cứ cảm thấy dùng xưng hô nào khác đều không phù hợp. Tuy nhiên, luôn miệng kêu cô nương lại có chút mập mờ khó tả.
“Ngươi có thể gọi ta là Sở Từ như mọi người, hoặc dùng tên thân mật hơn cũng được.”
Những lời của Sở Từ quá dạn dĩ, khuôn mặt Dụ Thái nhịn không được mà đỏ bừng. Biểu cảm này kết hợp cùng bộ quần áo bạc màu làm hắn toát ra vẻ e lệ chẳng nói nên lời.
“Gọi vậy…không ổn.”
Sở Từ đang rất vui nên không đôi co với hắn. Nàng thấy trong bát hắn chỉ có lèo tèo vài miếng rau bèn vô tư gắp thức ăn cho hắn, còn nhiệt tình dặn dò, “Ngươi gầy quá, ăn nhiều một chút.”
Động tác này thu hút vô số ánh mắt từ những cung nhân khác; có người hâm mộ, có người xì xào, có rất nhiều người ngừng tán gẫu để lao nhao cúi đầu nhịn cười.
Hai ngón tay nắm chặt đôi đũa chuyển thành màu trắng bệch, cảm xúc tận đáy lòng ngo ngoe rục rịch rồi mãnh liệt trào dâng. Dụ Thái cúi xuống với khuôn mặt điềm đạm ửng hồng đầy sức sống và tình ý thấp thoáng nơi đôi mắt.
Sở Từ chẳng sợ người khác đánh giá. Dù cũng hơi ngại khi bị người khác cười nhưng nàng không cúi đầu né tránh giống hoa mắc cỡ.
Dụ Thái là người đầu tiên trong cung sưởi ấm nàng. Hắn nhã nhặn lịch sự, mỗi lần nói chuyện đều nhỏ nhẹ như sợ mình hù dọa nàng.
Từ bôi thuốc ở Hội Kế Ti đến kiên nhẫn trấn an ngày Xảo Trân bị đánh chết, nàng thấy Dụ Thái tốt vô cùng. Nàng không thể nói rõ hắn tốt thế nào nhưng hắn sở hữu ma lực hấp dẫn người ta, khiến nàng muốn thân cận hơn bất kỳ ai khác trong cung.
Bữa cơm kết thúc trong im lặng. Dụ Thái quay lưng lại với gương mặt tươi cười và những bước chân lưu luyến của Sở Từ để giả bộ thong dong trở về hí viện.
Một vị công công lớn tuổi đứng tại cửa hí viện. Tay ông cầm bình sứ Thanh Hoa[5] chứa nước nóng, chiếc cổ thon dài ngó nghiêng hướng đi của Sở Từ, vẻ mặt tràn ngập sự tiếc rẻ.
Tâm tư Dụ Thái đã sớm bay mất nên hoàn toàn chả phát hiện người đứng ở cửa, tới tận lúc đến trước mặt ông thì hắn mới thảng thốt, “Sư phụ?”
Vu Liên là bậc lão thành của hí viện, trước kia người nào ở đây cũng từng bị ông cho ăn đòn. Dụ Thái học diễn kịch từ ông, dẫu mấy năm nay hắn hiếm khi hát tuồng nhưng hai người vẫn giữ tình nghĩa thầy trò. Vào ngày lễ tết thì kiểu gì hắn cũng quay về thăm Vu Liên.
“Cô nương này lợi hại, hút hồn đồ đệ ta không còn tí nào luôn,” Vu Liên thẳng thắn trêu ghẹo.
“Sư phụ đừng nói bậy, nàng là cô nương nhà đàng hoàng.”
Vu Liên suy cho cùng là người nhìn hắn lớn lên, vì vậy Dụ Thái nói năng thoải mái hơn và biểu cảm cũng tự nhiên hơn.
“Trong cung thiếu gì cô nương nhà đàng hoàng, ngươi đúng là đồ da mặt mỏng.”
Ban nãy đi ngang qua nhà ăn, Vu Liên còn tưởng mình hoa mắt; khuôn mặt đứa đồ đệ cứng đầu cứng cổ bị một tiểu nha đầu tô vẽ cho hết đỏ rồi trắng y hệt nhân vật trong Xuyên kịch[6].
Dụ Thái học diễn tại hí viện từ hồi năm, sáu tuổi nên ông liếc một cái là hiểu hết suy nghĩ của hắn chứ đừng nói là biểu hiện lồ lộ như vậy.
“Ta biết rồi nhé, ngươi phải lòng người ta.”
“Sư phụ đừng giễu cợt con.” Ông nói huỵch toẹt làm mặt Dụ Thái hoảng loạn thấy rõ, hắn đành van xin ông ngừng nói.
“Sao phải xoắn xít chứ, cô nương nhà người ta viết hết ý tứ trên mặt thì ngươi còn ngượng cái gì. Mà hình như Nội Vụ Phủ đã bắt đầu tìm đối thực cho ngươi? Cung nữ với thái giám đồn ầm lên kìa.”
Dụ Thái mơ màng nghe ông nói như đang đi trên mây. Vừa rồi hắn nghe rất rõ những lời của Sở Từ, từng câu từng chữ lặp đi lặp lại trong đầu hắn. Song nếu hỏi nàng có ý gì thì hắn sẽ không đáp; con người Dụ Thái trầm lặng giống hệt tên hắn[7].
“Lơ mơ miết thì cô nương sẽ thuộc về người khác đấy, đến lúc đó ngươi chỉ có nước hối hận thôi.”
Dụ Thái đứng lặng thinh tại chỗ, nét mặt hắn bình tĩnh nhưng lục phủ ngũ tạng không hiểu sao nôn nao đến khó chịu.
Chú thích
[1] Diễn viên đóng vai con gái có tính cách hoạt bát hoặc phóng đãng đanh đá.
[2] Dịch nghĩa: Gối ngọc đập vỡ tiếng kêu vang, như say như ngốc chết không từ; một đóa hoa mai say mưa đêm, xanh xao ủ rũ sợ thu lạnh. Câu này xuất phát từ hồi Ly Hồn trong vở Mẫu Đơn Đình – tác phẩm do nhà soạn kịch thời Minh là Thang Hiển Tổ viết năm 1598. Đây là vở kịch rất nổi tiếng và đến nay vẫn được người Trung Hoa nghiên cứu dựng lại cũng như diễn xướng. Mẫu Đơn Đình ca ngợi tình yêu tự do của nam nữ thanh niên, chống lại những khuôn phép ràng buộc của chế độ hôn nhân phong kiến.
[3] Quan giám sát.
[4] Là một đoạn trong vở kinh kịch Hồng Tông Liệt Mã.
[5] Là một trong những sản phẩm sứ Trung Quốc cao cấp, được vẽ hoa văn trang trí bằng nước men màu xanh lam. Ví dụ của sứ Thanh Hoa:
[6] Kịch hát Tứ Xuyên, lưu hành ở tỉnh Tứ Xuyên và một số vùng ở Quý Châu, Vân Nam, Trung Quốc.
[7] Chữ “thái” trong tên Dụ Thái có nghĩa là bình yên/yên ổn.