Cuộc Đời Của Pi

Chương 18:




Ông ta lại còn có tính hay thình lình nổi trận lôi đình nữa chứ! Đấy, cái buổi sáng ấy ở chỗ Bethany, Thượng đế thấy đói, Thượng đế muốn ăn điểm tâm. Ngài tới cạnh một cây vả. Không phải mùa, nên cây vả chưa ra quả. Thượng đế nổi cáu. Con trai ngài liền lẩm bẩm: “Mày sẽ không bao giờ đơm hoa kết trái nữa.” Và tức thời, cây vả khô héo đi. Đấy là lời kể lại của Matthew, được cả Mark nhắc lại(1).
Tôi xin hỏi, cây vả thì có tội gì nếu lúc đó chưa phải đến mùa nó ra quả? Cái kiểu gì mà lại làm một việc như thế với cái cây vô tội, bắt nó phải khô héo đi ngay tức thời?
Tôi không thể xua ngài ra khỏi đầu mình. Đến giờ cũng vậy. Tôi mất ba ngày liền chỉ có suy nghĩ về ngài. Ngài càng gây phiền muộn cho tôi bao nhiêu, tôi lại càng khó quên ngài bấy nhiêu. Và tôi càng biết thêm về ngài bao nhiêu, càng không muốn rời ngài bầy nhiêu.
Ngày cuối cùng của chúng tôi ở Munnar, chỉ còn vài tiếng trước khi chúng tôi ra đi, tôi chạy quáng quàng lên trái đồi phía bên trái ấy. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy nó như một cảnh trí Cơ đốc điển hình. Cơ đốc giáo là một tín ngưỡng vội vàng. Cứ xem việc thế giới được tạo nên chỉ trong có bảy ngày thì thấy. Ngay cả chỉ là biểu tượng thôi, sự tạo tác ấy vẫn cứ là quá gấp gáp. Với một người sinh ra trong một tín ngưỡng mà một trận chiến vì một linh hồn duy nhất thôi cũng là một cuộc chạy tiếp sức qua nhiều thế kỷ, với vô vàn thế hệ nối tiếp nhau, thì cách giải quyết chóng vánh của Cơ đốc giáo có hiệu quả chóng cả mặt. Nếu tín ngưỡng Hinđu êm đềm trôi như dòng sông Hằng, thì Cơ đốc giáo sôi sùng sục như thành phố Toronto vào giờ cao điểm. Đó là một tín ngưỡng nhanh như chim cắt và hối vả như một cái ô tô cấp cứu. Nó quay tít thò lò, hiển lộ trong tức khắc. Ta mất hay còn chỉ trong cái tức khắc ấy. Cơ đốc giáo trải mãi qua bao thời đại, những cốt lõi nó chỉ tồn tại ở một thời: ngay bây giờ.
Tôi chạy thoăn thoắt lên trái đồi ấy. Mặt dù cha Martin không “có nhà” – cha mẹ ơi, cái cửa trượt của cha đầy qua phía khác – thế mà đội ơn Chúa, cha lại vẫn ở đó.
Tôi hổn hển, “Cha ơi, con muốn làm một người Cơ đốc, xin cha giúp con.”
Ông mỉm cười. “Piscine, con đã là vậy rồi đấy - tận đáy lòng con mà. Ai đã gặp đấng Christ với tấm lòng thành đến là người Cơ đốc cả. Con đã gặp ngài ở Munnar này rồi.”
Ông vỗ lên đầu tôi. Không phải những người ta vỗ về nhẹ nhàng đâu. Trên đầu tôi, tay ông như đang vang lên BUM BUM BUM.
Tôi tưởng mình sắp nổ tung vì sung sướng.
“Khi nào trở lại, cha con mình lại uống trà với nhau nhé.”
“Vâng, thưa cha.”
Nụ cười của ông thật tốt lành. Nụ cười của đấng Christ.
Tôi bước vào nhà thờ, lần này không còn sợ hãi gì nữa, vì bấy giờ nó đã là nhà của tôi nữa rồi. Tôi nói lời cầu nguyện dâng lên đấng Christ, là người đang sống. Rồi tôi chạy xúông trái đồi bên trái ấy để leo lên trái đồi bên phải để cảm tạ vị chúa tê Krishna đã đem Jesus người Nazareth, người có lòng nhân ái mãnh liệt đến thế, vào đời tôi.
Ghi chú:
(1) Matthew và Mark là hai tông đồ của Jesus, mỗi người chép lại những việc làm của Jesus trong một cuốn sách riêng, về sau thành hai tập trong kinh Tân Ước, còn gọi là Phúc Âm – Phúc Âm của thánh Matthew và Phúc Âm của thánh Mark. (ND)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.