Điều Bí Mật Của Chồng

Chương 20: Vị khách không mời mà đến




Bỗng đâu xuất hiện món nợ hai mươi vạn tệ làm lòng dạ bà mẹ chồng rối như mớ bòng bong. Sau khi nói chuyện với Tích Tích, bà loại trừ được khả năng Lý Dương có ác ý lừa bịp tống tiền. Thật ra, không cần con dâu phân trần, bà cũng hiểu Lý Dương không phải là người xấu bụng. Mười năm trước, kể từ lần đầu tiên Xuân Phong đưa anh về nhà chơi, thấy anh nghèo túng mà còn xách đến một túi hoa quả nặng trĩu, lúc nói chuyện ánh mắt luôn nhìn thẳng vào người đối diện, vẻ mặt chân thành, bà đã nhìn thấu anh là loại người nào. Những năm qua, phàm là những việc mà Xuân Phong không làm được, chỉ cần một cuộc điện thoại là Lý Dương có mặt ngay, cho dù có phải nhảy vào nước sôi lửa bỏng, anh cũng không mảy may từ chối. Anh làm đâu ra đấy, chẳng hề ngại khó ngại khổ, mà cũng không cần người khác mang ơn. Bất luận một trong hai người, ai gặp khó khăn thì người kia đều không khoanh tay đứng nhìn. Bởi vậy, nếu người ta có nói Lý Dương là anh em khác họ của Xuân Phong thì ngay cả người đa nghi như bà cũng phải công nhận.
Cả đời mẹ Xuân Phong quen sống chi li, tằn tiện nên bà rất băn khoăn về chuyện này. Có thể con trai bà thiếu nợ thật, nhưng sao lại là nợ nhà họ Lý, nhà họ chẳng phải giàu có gì cho cam, cũng chỉ là công nhân viên chức bình thường, khó khăn lắm mới dành dụm được ngần ấy tiền; cho nên, dù họ có bỏ qua nợ nần thì bà cũng không nỡ lòng nào để họ chịu thiệt. Bà rất bứt rứt khó chịu, ngặt nỗi Lý Dương không đưa ra được giấy nợ thì bà làm sao có thể ép Tích Tích trả tiền cho họ. Bà vắt óc suy nghĩ về các khả năng Xuân Phong cần sử dụng đến tiền nhưng cuối cùng mọi suy nghĩ vẫn quay về con số không, bà không thể biết tăm hơi số tiền đó đang nằm ở đâu.
Ông chồng thấy bà bứt rứt không yên liền khuyên nhủ:
- Từ từ rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, bà cứ sồn sồn lên thì được cái gì?
Bà bực bội tuôn ra một tràng dài:
- Tôi có thể bình chân như vại ư? Không tìm được số tiền đó, nhỡ đâu Tích Tích nghi ngờ Xuân Phong giấu giếm đưa cho tôi không? Trước đây Xuân Phong thường cho tôi chút tiền riêng, lần này tôi nhảy xuống sông Hoàng Hà cũng không rửa sạch vết nhơ. Bởi vậy, không tìm được thì không xong. Không tìm được thì tôi chẳng thể sống yên ổn ở đây!
Ông chồng trừng mắt:
- Bà làm sao thế? Hết nghi ngờ Tích Tích giữ làm của riêng thì lại nghĩ con bé nghi ngờ bà giấu tiền của con trai. Tôi nói cho bà biết, bà đừng có lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử nữa, không có trái ngọt mà ăn đâu.
- Đủ rồi, ông đừng lên lớp với tôi nữa. - Bà vợ quay người đi thẳng lên tầng, chui tọt vào thư phòng của con dâu.
Dạo này bà mê chơi game Nông trại Vui vẻ nên hôm nào giận dỗi chồng, bà lại tới thư phòng, dán mắt vào máy tính chơi game, cứ như là mắc nghiện ấy.
Hôm đó, bà đang chơi Nông trại Vui vẻ thì chợt nhớ ra một số thứ cần ghi chép lại, thề là bà mở ngăn kéo bàn máy tính, tìm bút và mẩu giấy. Trong ngăn kéo có một vài xấp giấy cùng mấy cuốn sách để lộn xộn. Bà lật đi lật lại, chợt thấy một xấp giấy in xếp ngay ngắn. Bà tiện tay mở ra xem, dòng chữ đầu tiên đập vào mắt làm bà nóng bừng cả người.
Một dòng là tin nhắn đến, một dòng là tin đã gửi, mỗi dòng ứng với một số điện thoại. Kết hợp thời gian với nội dung tin nhắn, mới đọc được mấy dòng, bà đã đỏ mặt tía tai.
Anh không thể chờ em rồi, anh phải về nhà, ngày mai gặp nhé.
Vậy ôm Hoa Nhi đi nào.
Cưng, ôm em, hôn em, cho em sương ngọt rượu ngon, nước ngọc quỳnh tương...
Hôn khắp nơi, để cho Hoa Nhi được tan thành nước nhé...
Láu lỉnh, em làm việc đi, tan ca anh phải về nhà rồi.
Ứ ừ, em muốn anh cơ.
...
Mới đầu bà còn tưởng là chuyện mờ ám của Tích Tích, cơn thịnh nộ trào dâng, suýt chút nữa bà nhấc điện thoại gọi con dâu về hỏi tội. Bà vuốt vuốt ngực cho xuôi cơn giận, tiếp tụ xem các trang tiếp theo, nghiền ngẫm về dãy số vô cùng quen thuộc. Lục lọi lại ký ức, bà sững sờ. Sợ mình nhớ sai, bà tá hỏa gọi ông chồng lên nhà, đọc số điện thoại đó cho ông nghe.
- Số điện thoại này là của ai? Ông có ấn tượng gì không? - Bà vợ sốt sắng hỏi.
- Có thế mà bà cũng phải hỏi à? Số điện thoại cũ của Xuân Phong chứ còn của ai nữa. - Ông chồng trả lời gãy gọn.
Còn số điện thoại kia là của ai nhỉ? Một người phụ nữ tên là “Hoa Nhi”. Bà dựa lưng vào giá sách, kinh hoàng một hồi, tim đập thình thịch. Ông trời ơi! Bí mật tày đình giấu trong ngăn kép đã bị con phát hiện ra rồi!
Xuân Phong không gửi tin nhắn cho Tích Tích! Bà tức giận mặt trắng bệch, cảm thấy hổ thẹn vô cùng, có cái gì đó giống như quả cầu lửa từ đáy lòng bay vụt lên cổ họng, xém chút nữa là nổ tung.
Ông chồng cũng sợ ngây người. Ông không thể ngờ được, đứa con thật thà ngay thẳng, rất mực yêu vợ thương con lại đồ đốn như thế. Con dâu còn luôn nói con trai ông là người chồng tốt nhất trần đời, thế mà nó lại làm cái chuyện khốn nạn này. Xuân Phong ơi là Xuân Phong! Sao mày có thể làm chuyện này hả? Lương tâm của mày bị chó tha mất rồi à? Mày không biết vỗ ngực mà ngẫm lại, nếu như không có nhà vợ hào phóng giúp đỡ thì mày có thể làm ông chủ không? Có sự nghiệp để vênh mặt với đời không hả?
Nếu Xuân Phong còn sống, chắc chắn ông sẽ cho nó một cái bạt tai để anh tỉnh táo lại. Nhưng dù sao ông trời cũng trừng phạt nó rồi... Ông bố chảy nước mắt, giọt ngắn giọt dài trên khuôn mặt già nua.
Bà mẹ lúng túng như thợ vụng mất kim, ngờ vực hỏi chồng:
- Đây là số điện thoại cũ mà Xuân Phong từng dùng, lẽ nào người ta hại nó?
Ông chồng hỏi vặn:
- Tích Tích hãm hại Xuân Phong? Tích Tích hãm hại chồng mình? Chồng cũng chẳng còn nữa, đời nào nó tự lấy dây buộc mình?
- Ôi thôi! Chắc chắn Xuân Phong không thể để thứ này ở nhà, nhất định là Tích Tích, hẳn là con bé biết chuyện chồng nó làm nên mới giấu thứ này trong ngăn kéo. - Bà vợ khóc ầm lên, - Con trai! Sao con lại hồ đồ như vậy! Con làm như vậy thì có lỗi với ai? Tích Tích ơi! Cả nhà ta đều có lỗi với con. Ông nói đúng, chúng ta không còn mặt mũi nào mà sống ở đây nữa...
Nghe bà vợ rên rẩm, lòng ông chồng cũng dịu bớt, ông lấy mấy tờ khăn giấy, lẳng lặng đặt vào tay bà.
- Tôi hiểu rồi, số tiền đó chắc chắn là do con nhân tình đó lấy. Lý Dương không biết nói dối, Tích Tích cũng không biết nói dối, số tiền biến mất một cách không rõ ràng, không để lại dấu vết, chính là do con nhân tình không đáng mặt làm người đó lấy đi. Cô ta ở đâu, tôi phải đi tìm cô ta! - Bà vợ sực tỉnh.
Nói xong, bà hùng hục đi ra cửa, ông chồng cuống cuồng ngăn bà lại.
Hơn chục phút sau, hai người xuống phòng khách. Sau khi bình tĩnh, bà mẹ xem lại tệp danh sách tin nhắn lần nữa. Đột nhiên bà phát hiện ra trang cuối ghi một hàng chữ nhỏ bằng bút bi, nét chữ thanh tú đẹp đẽ.
- Ông ơi, mau xem cái này đi, ở đây có số điện thoại và địa chỉ nơi ở.
Ông chồng nhìn thật kỹ, trên giấy ghi: 1360766xxxx, số điện thoại mới của Hoa Nhi. Địa chỉ nhà hiện nay là số nhà xx, khu chung cư xx, đường xx...
Ông nhận ngay ra nét chữ của Tích Tích.
- Tôi phải đi tìm cô ta. - Bà vợ quả quyết.
- Không biết Tích Tích tìm cô ta hay chưa? Không biết hai người họ nói chuyện với nhau thế nào? - Ông chồng ngậm ngùi.
- Bất kể Tích Tích tìm cô ta hay chưa, tôi cũng phải gặp cô ta.
- Bà không thể ích kỷ như vậy, bà phải nghĩ một chút cho Tích Tích chứ. Tích Tích là đứa sĩ diện, nếu bà làm loạn lên để nó biết chúng ta đã phát hiện ra bí mật của nó thì trong lòng nó nghĩ thế nào?
- Tôi ích kỷ? Tôi đang giúp Tích Tích đấy! Theo trực giác của tôi, Tích Tích không có khả năng đối đầu với người phụ nữ đó. Nếu đúng là cô ta lấy số tiền kia, tôi không ra mặt thì không xong. Tích Tích sĩ diện, tôi hiểu, trước khi giải quyết sự việc, chúng ta đừng nói gì với con bé, không được sao?
Ông chồng phân tích cho bà vợ hiểu:
- Cứ cho là người phụ nữ đó lấy tiền đi, bà muốn đòi lại à? Có thể đòi được không? Những người phụ nữ đang tâm phá vỡ gia đình người khác là vì cái gì? Miếng thịt đã nuốt vào miệng rồi. Có thể nhổ ra được không? Nhỡ cô ta nói là Xuân Phong tự nguyện tặng cho cô ta thì bà làm thế nào?
- Ít nhất tôi cũng phải tìm cô ta hỏi cho ra lẽ, con trai tôi mượn tiền của người ta mà chẳng thấy tiền đâu, rồi nó lại gặp tai nạn chết người. Tôi làm mẹ mà không có quyền hỏi sao? Cô ta có trả tiền hay không là một chuyện, còn tôi hỏi là chuyện khác.
Buổi tối Tích Tích đi làm về, bố chồng nén bực tức, không hề đả động đến chuyện của Xuân Phong nhưng mẹ chồng không chịu nhịn. Bà lảng lờ ánh mắt ngăn cản của ông chồng, cứ nói tuột ra.
- Mẹ có ý gì ạ? - Tích Tích giả bộ không hiểu.
- Nếu cô ta dám ăn hiếp con thì con cứ nói với mẹ, ăn hiếp con dâu của mẹ, chính là ăn hiếp mẹ. Mẹ phải cho cô ta nếm mùi lợi hại của bà già này, cho cô ta biết ăn hiếp người nhà họ Ngụy là chuyện ngu xuẩn nhất trần đời.
Tích Tích biết mình không thể giấu giếm sự việc được nữa, bèn an ủi mẹ chồng:
- Mẹ, con xử lý xong chuyện này rồi, mẹ không cần bận tâm đâu, không có chuyện gì đâu mẹ ạ.
- Không có chuyện gì? Tiền của Lý Dương đi đâu rồi? Con hỏi cô ta chưa?
- Cô ta nói cô ta không lấy. Con tin cô ta, chuyện này dừng lại ở đây thôi, bố mẹ đừng nghĩ ngợi nữa.
- Tin cô ta? Tin người giật chồng của con sao? Đừng nghĩ ngợi nữa sao? - Mẹ chồng nổi giận đùng đùng, - Mẹ dám chắc 80% là cô ta lấy số tiền đó. Con định buông tha con hồ ly tinh xấu xa đó? Cô ta là con cái nhà ai? Nếu là con mẹ thì mẹ phải cho nó vài cái tát!
- Mẹ lợi hại thật đấy! - Tích Tích mỉm cười.
- Ngày trước, người đàn bà chanh chua nhất cơ quan cũng bị mẹ trị cho một trận, nem nép một phép. Con tiện nhân đó là cái thá gì? - Mẹ chồng bỗng chảy nước mắt giàn giụa, - Đêm trước hôm Xuân Phong xảy ra chuyện, hai đứa nó ở cùng nhau, sáng hôm sau cô ta còn gửi tin nhắn, quấy rối tâm tư của nó. Xuân Phong xảy ra tai nạn giao thông, rõ ràng là liên quan đến cô ta, chính cô ta hại chết Xuân Phong. Nhất định mẹ phải bắt cô ta giải trình mọi chuyện với mẹ.
- Mẹ, mẹ làm sao vậy? Chuyện qua rồi, đừng nhắc lại nữa. Chuyện của người ta, mình không quản nổi đâu, không nên rước phiền não vào người mẹ ạ.
- Tích Tích, con không phải lo. - Mẹ chồng lau nước mắt, - Con cho rằng sự việc đã kết thúc, vậy thì chuyện này không liên quan đến con nữa, từ giờ trở đi đây là chuyện của mẹ, tối thiểu mẹ cũng phải tìm cô ta hỏi cho ra lẽ, rốt cuộc số tiền đó có liên quan đến cô ta hay không?
Tích Tích không muốn lún sâu vào chuyện này, cô cảm thấy sự việc đã vượt khỏi tầm kiểm soát của mình nên đành để ông trời đưa đẩy vậy. Ăn tối xong, cô ngồi lại khuyên mẹ chồng một lúc rồi đưa Hạo Hạo về phòng. Mỗi tối cô dành một tiếng đồng hồ dạy thằng bé học, cô nghĩ chuyện nuôi dạy con cái là quan trọng nhất, cho nên ngoài chuyện này ra, không có chuyện gì là cô không thể bỏ qua. Trong lúc hai mẹ con cùng học bài, thỉnh thoảng Tích Tích lại nhìn di động, xem có tin nhắn gửi đến hay không.
Không biết từ khi nào, cô bắt đầu có cảm giác chờ đợi và nhớ nhung. Khi cái tên Trương Duệ hiện trên màn hình điện thoại, dường như mỗi một tế bào trong cơ thể cô đều hưng phấn, ngược lại mấy ngày liền không nhận được tin nhắn của anh, cô có cảm giác thiếu thiếu điều gì đó.
Trong đầu cô lởn vởn câu hỏi: “Cậu đang ở đâu? Cậu đang làm gì?”
2
Lệ Sảnh đã trừ khử thành công Cầu Cầu.
Ngay từ đầu, Lệ Sảnh đã ghét Cầu Cầu vì cô vốn dị ứng với các loài chó, mèo... Trong nước dãi, phân, nước tiểu, móng, da, lông của chúng chứa nhiều loại vi khuẩn đáng sợ, không cẩn thận chúng sẽ reo rắc vi khuẩn khắp nơi.
Khổ nỗi Tông Nguyên thích chó, anh chăm sóc Cầu Cầu giống như đứa con mình đẻ ra. Anh thường nấu cho nó ăn, dắt nó đi dạo, hết mực chiều chuộng, cung phụng nó. Tất nhiên Cầu Cầu cũng rất nhanh nhẹn đáng yêu, biết đoán ý qua lời nói và sắc mặt để làm cho ông chủ vui. Điều Lệ Sảnh không thể chịu được ở con chó là khi Tông Nguyên đi làm về, vừa bước vào cửa thì Cầu Cầu đã quấn lấy chân anh. Anh âu yếm vuốt ve rồi đưa nó vào phòng vệ sinh tắm rửa. Đúng ra, anh không nhất thiết phải tắm cho nó hằng ngày nhưng do trời nóng, hơn nữa anh biết vợ mình ưa sạch sẽ, thành thử anh phải tắm cho Cầu Cầu mỗi ngày một lần. Ai đời việc này lại làm Lệ Sảnh càng ghét con chó hơn; bởi lẽ mỗi lần Cầu Cầu tắm xong, cô đều phải xịt nước khử trùng nên rất tốn kém, mà trong nhà lúc nào cũng nồng nặc mùi thuốc khử trùng, cay xè mũi.
Có điều Lệ Sảnh không tỏ thái độ ghét bỏ Cầu Cầu. Ở trước mặt mẹ chồng và chồng, cô không ôm hôn con chó nhưng cũng không ngược đãi nó. Khi nó trổ tài bắt tay, nhảy múa, cô cũng ra vẻ ngạc nhiên và thốt lên những lời khen ngợi:
- Ôi! Cầu Cầu thông minh quá.
Vì vậy Tông Nguyên chỉ biết Lệ Sảnh ưa sạch sẽ, chứ không hề biết trong lòng cô ghét cay ghét đắng Cầu Cầu.
Lúc đầu Lệ Sảnh còn miễn cưỡng chấp nhận Cầu Cầu nhưng từ khi xảy ra chuyện con chó xé rách hộp quà, cô càng hậm hực với nó.
Có một lần, Tông Nguyên đi làm về, trông thấy Lệ Sảnh đang bôi cồn vào ngón tay bị rớm máu. Anh lập tức hỏi:
- Em làm sao vậy?
Lệ Sảnh ỉu xìu:
- Lúc cho Cầu Cầu ăn, em sơ ý bị nó cắn.
Tông Nguyên xót vợ, quay sang mắng Cầu Cầu rồi bảo Lệ Sảnh:
- Em thay quần áo đi, anh đưa em đi tiêm phòng.
Lệ Sảnh từ chối khéo:
- Chuyện bé như hạt vừng mà cũng phải phiền đến giám đốc quỹ đầu tư à? Để mai em tự đi.
Mấy hôm sau Lệ Sảnh lại bị Cầu Cầu cắn. Cô thắc mắc, sao Cầu Cầu không cắn chồng và mẹ chồng mà chỉ cắn mỗi mình nhỉ? Ngay đến mẹ chồng và Tông Nguyên cũng cảm thấy kỳ lạ. Lệ Sảnh làm việc trong bệnh viện nên bị ám mùi thuốc, tắm rửa chưa chắc đã hết mùi, con người không ngửi thấy nhưng mũi chó rất thính, có lẽ Cầu Cầu không thích mùi trên người cô chăng?
Giữa vợ và chó, Tông Nguyên chỉ được chọn một. Anh nghĩ hai vợ chồng không còn trẻ nữa, không thể để con chó làm ảnh hưởng đến chuyện sinh con. Bất đắc dĩ anh phải tặng Cầu Cầu cho một người bạn. Chuyện này khiến Lệ Sảnh ý thức được rằng: Tình yêu chẳng những là đấu tranh mà còn phải có mưu mẹo, hôn nhân cũng giống như vậy. Đối với đối thủ mạnh hơn mình, tốt nhất không nên đối đầu bởi cô không muốn nhìn thấy kết cục hai bên cùng bị thương.
Xử lý xong Cầu Cầu, tâm sự của Lệ Sảnh ngày càng nặng nề.
Mẹ chồng như cái gai trong mắt cô. Trước đây cô không quen sống cùng mẹ chồng vì hai người vốn thuộc hai thế hệ khác nhau. Những tưởng cùng với thời gian, cô sẽ dần dần thích ứng với mẹ chồng, nhưng từ khi xảy ra chuyện hộp quà, cô không thể nhẫn nhịn được nữa, bất luận như thế nào cô cũng không hòa hợp được với bà.
Thực lòng mà nói, mẹ chồng sống ở đây cũng có cái tốt. Bà rất chịu khó, ngày nào cũng lau nhà một lượt từ trong ra ngoài, mỗi khi về cô đều cảm thấy nhà cửa sạch sẽ hơn cả khách sạn năm sao. Trong bếp chưa bao giờ thiếu đồ ăn thức uống; những vật dụng hằng ngày như giấy vệ sinh, khăn giấy, bàn chải cọ xoong nồi, loại nào dùng sắp hết, bà đều kịp thời bổ sung. Tông Nguyên thay quần áo ra là bà giặt ngay, đặc biệt áo sơ mi mùa hè anh thay hằng ngày bà đều giặt. Có điều bà không giặt quần áo của Lệ Sảnh vì cô không muốn bà giặt, sợ bà giặt quần áo không sạch. Đương nhiên lý do Lệ Sảnh đưa ra để thoái thác thì khác:
- Mẹ làm nhiều việc nhà như vậy đã đủ vất vả rồi, quần áo của con, mẹ cứ để con tự giặt cho đỡ vất vả.
Mẹ chồng thuộc tuýp người khá biết ý, con dâu không đồng ý thì bà chẳng cố đụng vào đồ của cô làm gì.
Mẹ chồng và nàng dâu cũng có thể sống hòa hợp với nhau nếu cả hai đều biết tự điều chỉnh bản thân trước đối phương; nhưng từ sau khi xảy ra chuyện hộp quà, Lệ Sảnh hoàn toàn mất đi ý thức “thích ứng với mẹ chồng”, cứ nhìn thấy bà là cô có cảm giác khó chịu như hóc xương cá ở cổ họng. Cô bài xích mẹ chồng, càng ở cùng bà thì cái gai trong mắt càng làm cô nhức nhối.
Dĩ nhiên mẹ chồng không giống với Cầu Cầu, bởi vì đuổi con chó thì chẳng có gì là khó. Lệ Sảnh nghĩ dẫu bà Quyên có là mẹ đẻ của Tông Nguyên thì việc cô hiếu thảo với mẹ chồng cũng chưa hẳn là tôn trọng anh. Vì vậy, để giải quyết mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, Lệ Sảnh rất thận trọng và đầy mưu kế.
3
Tông Nguyên có ba tiêu chuẩn chọn vợ: Thứ nhất là tốt bụng, hiếu thảo với mẹ chồng; thứ hai là xinh đẹp, đồng cam cộng khổ với chồng; thứ ba là thông minh và chung thủy. Vì theo đuổi ba tiêu chuẩn này mà anh gặp không ít trắc trở trong chuyện tình cảm. Anh từng ly hôn một lần và yêu mấy lần, ban đầu thì tốt đẹp nhưng kết thúc lại buồn bã. Người vợ trong mơ của anh là niềm ao ước của hết thảy đàn ông trong thiên hạ, chả thế mà các bạn của hay anh châm chọc: “Nếu có người phụ nữ nào như thế, e rằng chẳng đến lượt cậu”. Bởi vậy khi Tông Nguyên gặp được Lệ Sảnh thì họ đều im re.
Sở dĩ Tông Nguyên đặt tiêu chuẩn “hiếu thảo với mẹ chồng” lên đầu, ngoài lý do đó là đạo làm người, anh còn có một lý do sâu xa khác. Năm Tông Nguyên lên hai, mẹ anh mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời, bố anh khi đó là công nhân của một nhà máy ở Tề Nam được người ta giới thiệu lấy bà Quyên, một người phụ nữ nông thôn chân chất, không có khả năng sinh con nên hôn nhân tan vỡ. Từ khi Tông Nguyên lên ba, một tay bà Quyên chăm sóc anh, dành hết tình yêu thương bao la của một người mẹ cho con trai. Đáng tiếc cuộc sống tốt đẹp không kéo dài mãi, năm Tông Nguyên lên tám, bố anh thất nghiệp rồi mở quầy hàng ở trên phố. Một tối ông bố đi chở hàng qua ngã tư thì bị một chiếc xe tải phóng nhanh đâm chết ngay tại chỗ. Lái xe gây ra tai nạn bỏ trốn. Mùa đông năm ấy, trong cái lạnh cắt da cắt thịt, Tông Nguyên và bà Quyên chạy ra chỗ xảy ra tai nạn, anh đội khăn trắng, quỳ gối trên đường phố, tay giơ cao tấm biển tìm người chứng kiến vụ tai nạn nhưng không thu được kết quả gì. Phóng viên đài truyền hình tới hiện trường ghi hình, thu thập tin tức, cuối cùng không biết vì lý do gì, phóng sự không được ciếu trên tivi. Cảnh sát lập chuyên án điều tra cũng không tìm ra manh mối lái xe. Đó là một mùa đông lạnh lẽo và đau đớn nhất trong cuộc đời của Tông Nguyên, ba ngày quỳ ở ngã tư tìm hung thủ khiến anh lạnh cóng, ngất lịm. Bà Quyên lấy áo khoác phủ lên người anh rồi cõng về nhà, bà nấu một bát canh nóng, bón từng thìa vào miệng anh. Bình thường bà rất ít nói thế mà dạo ấy bà kiên cường, nuốt nước mắt khuyên nhủ anh suốt nửa năm trời. Bà nhắc đi nhắc lại mấy câu: “Con không được tự đày đọa bản thân. Hãy nén đau thương lại nghe con. Bố con mệnh khổ, chúng ta gặp người xấu nên phải chấp nhận số phận thôi con ạ...”.
Sau khi người cha qua đời, Tông Nguyên và bà Quyên sống nương tựa vào nhau. Hồi đó hai mẹ con sống rất khổ sở, để duy trì kế sinh nhai và tiếp tục cho anh đến trường, mỗi ngày bà Quyên phải làm ít nhất ba việc: Hơn năm giờ sáng, bà lóc cóc dậy nấu bữa sáng cho anh rồi vội vàng chạy đến nhà chủ để giúp việc; làm xong công việc của nhà này bà lại chạy sang nhà khác. Buổi chiều đến giờ anh đi học về, bà lại tất tả về nhà nấu cơm tối. Vì ngày xưa bà không được đi học, phải chịu nỗi khổ không biết chữ nên bà đặt nhiều hi vọng vào người con không do mình sinh ra, mong anh khỏa lấp cơn khát chữ của mình. Số tiền bà kiếm được đều dùng vào việc mua đồ dùng học tập và sách vở cho anh. Bà thường quan sát học sinh mặc cái gì, dùng cái gì, đeo cặp sách gì, rồi mua cho Tông Nguyên để anh được bằng bạn bằng bè. Hai mẹ con sống trong ngôi nhà lụp xụp tại khu ổ chuột, bà mẹ mua một con chó nhỏ ngoài chợ về nuôi để nó trông nhà và bầu bạn cùng anh mỗi khi bà vắng nhà.
Ngoài công việc nội trợ ra, bà Quyên còn rang hạt dưa, mang ra chợ đêm bán. Bà vừa thay chồng làm bổn phận người bố vừa đảm đương vai trò người mẹ, tần tảo sớm khuya nuôi con ăn học. Được cái Tông Nguyên ham học, anh học lên đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, nhờ thành tích học tập xuất sắc, anh liên tục được thử sức trong môi trường học tập và làm việc ở nước ngoài. Ban đầu Tông Nguyên có một cuộc sống ổn định ở nước Mỹ, anh từng lên kế hoạch đón bà Quyên sang sống cùng nhưng một lần bà sang thăm vợ chồng anh khi họ mới cưới, bà chỉ ở lại mấy ngày mà đã không thích ứng được. Sau này anh định đưa vợ về nước định cư thì người vợ phản đối kịch liệt, anh đành phải từ bỏ hôn nhân của mình để trở về chăm sóc bà mẹ kế.
Không ngờ duyên phận của anh và Lệ Sảnh là do bà làm mối.
Một lần bệnh đau lưng của bà tái phát, trong thời gian nằm viện, Lệ Sảnh đặc biệt quan tâm, chăm sóc bà cẩn thận khiến bà vô cùng xúc động. Từ góc độ của một bệnh nhân, bà thấy cô ý tá trưởng quả là người có tấm lòng nhân hậu và tinh thần trách nhiệm cao, không chỉ vì bà ở phòng bệnh cao cấp mới được cô chăm sóc đặc biệt mà đối với tất cả bệnh nhân, cô đều quan tâm và chăm sóc như người thân trong nhà. Những bệnh nhân cùng phòng với bà cũng hết lời khen ngợi, đánh giá cao cô y tá trưởng xinh đẹp.
Khi mới về nước, Tông Nguyên không màng đến chuyện tình cảm yêu đương. Bà mẹ trăn trở, mong anh gặp được người phụ nữ phù hợp, sớm yên bề gia thất để nhân lúc xương cốt còn dẻo dai, bà có thể giúp vợ chồng anh chăm sóc con cái một vài năm. Bằng không thêm mấy năm nữa già yếu không ngồi dậy nổi, bà không giúp được gì mà còn trở thành gánh nặng của anh nữa.
Bà Quyên thủ thỉ với Tông Nguyên:
- Con trai, mẹ chọn cho con một cô gái không thể chê vào đâu được, làm việc cẩn thận, tính tình dịu dàng, biết chịu đựng gian khổ. Nhưn nếu con không ưng thì mẹ không nhắc đến chuyện này nữa.
Tìm cơ hội thích hợp, trước khi ra viện, bà Quyên trịnh trọng giới thiệu Lệ Sảnh với Tông Nguyên. Tông Nguyên vẫn không thiết tha đi xem mặt nhưng để cho bà mẹ vui, anh vẫn nhận lời. Không ngờ, vừa mới gặp người mà mẹ lựa chọn cho mình, anh đã đem lòng yêu mến.
Lần đầu gặp qua, Tông Nguyên bị cuốn hút bởi vẻ đẹp bên ngoài của Lệ Sảnh. Anh vốn không phải là người vì ham mê sắc đẹp mà sẵn sàng gửi gắm cuộc đời của mình cho người ta, nếu không anh chẳng đời nào chịu lẻ bóng đến tậm bây giờ. Sắc đẹp chỉ khiến ánh mắt của anh dừng lại trên cơ thể cô mà thôi, nhờ có bà mẹ ra sức vun vén, anh mới có thiện cảm với cô và tiếp tục đi lại. Sau những lần hẹn hò, anh dần nhận ra, mẹ thật có con mắt tinh đời.
Lệ Sảnh chẳng những ứng xử nền nã, nghiệp vụ vững vàng mà còn tốt bụng. Cô có thể ngồi miệt mài đan khăn quàng cổ cho mẹ, chịu khó nghiên cứu sách vở để học cách nấu nồi canh làm ấm người khi anh đi làm về muộn. Đi dạo trên phố, thấy những đứa trẻ ăn xin chìa bàn tay lem luốc về phía mình, biết rõ chúng là tay sai của bọn lừa đảo nhưng cô vẫn lấy tiền lẻ trong túi ra, đưa tận tay cho chúng. Cô nói: “Trẻ con tội nghiệp lắm, cho chúng ít tiền, có lẽ chúng sẽ đỡ bị ăn đòn”. Nhìn thấy con mèo hoang trong khu chung cư, cô lại lấy thịt cá ăn thừa để ở khu vực con mèo hoang thường ra vào; đồ dùng cô từng sử dụng, cho dù là một chiếc áo lót bạc màu, cô cũng trân trọng, không nỡ vứt đi... Tông Nguyên để ý kỹ, mỗi việc Lệ Sảnh làm đều xuất phát từ sự chân thành nên đã khiến anh thật sự rung động.
Một người phụ nữ xinh đẹp có tấm lòng nhân hậu, giống như dòng suối ngọt ngào, róc rách chảy qua mặt đất khô cằn trong tâm hồn anh. Sau ba tháng đi lại với cô, anh đã ngỏ lời cầu hôn. Với những người đang yêu, ba tháng cũng đủ được coi là dài. Đêm tân hôn, Tông Nguyên nói chuyện tâm tình với vơ:
- Mẹ anh là mẹ kế nhưng cả đời anh chỉ có một người mẹ này thôi. Nếu không có mẹ thì không có anh ngày hôm nay. Ngày xưa mẹ vất vả nuôi anh khôn lớn nên anh muốn chăm sóc lại mẹ, cho đến lúc mẹ già yếu rồi rời xa thế giới này.
Lệ Sảnh ngầm hiểu ý của chồng, cô bày tỏ thái độ:
- Anh yên tâm, em sẽ cùng anh chăm sóc mẹ như mẹ đẻ của mình.
Nói vậy chứ cô rất khó chịu với mẹ chồng vì bà đã vô tình phá vỡ thế giới riêng của hai người.
Bình thường, mỗi tối Tông Nguyên đi làm về, anh đều ôm hôn vợ thắm thiết. Từ khi sống cùng mẹ chồng, về đến nhà, anh đều vào chào bà trước, quàng vai bá cổ thân mật. Nếu bà đang lúi húi trong bếp thì anh giúp bà nhặt hành, bóc tỏi. Có khi thấy vợ cũng ở nhà mà lại để mẹ chồng hì hụi vào bếp, anh lập tức gọi:
- Sảnh ơi, em tới giúp mẹ một tay đi.
Hoặc là:
- Sảnh, em bận à? Sao lại để mẹ nấu cơm một mình thế này?
Anh cực kỳ thương mẹ của mình. Có mẹ ở nhà thì vợ ra rìa. Những lúc như vậy, bất luận Lệ Sảnh đang làm dở việc gì, cô đều phải gác ngay việc, chạy vào bếp, xắn tay áo vào cuộc. Cô vui vẻ “đuổi” mẹ chồng ra ngoài để mẹ con họ ra phòng khách ngồi xem tivi và nói đủ thứ chuyện trên trời dười bể, những lúc này Tông Nguyên tỏ ra vô cùng hạnh phúc, song anh đâu biết rằng Lệ Sảnh đang bất bình vì phải thui thủi một mình trong bếp, mồ hôi vã ra như tắm.
Chả mấy khi ngày nghỉ của Lệ Sảnh trùng vào ngày cuối tuần của Tông Nguyên, cô muốn hai vợ chồng đi lang thang đâu đó, thế mà anh lại đánh tiếng mời mẹ mà không hỏi qua ý kiến cô:
- Mẹ ơi! Mẹ đi cùng chúng con nhé?
Nếu bà mẹ vui vẻ đồng ý đi cùng, thì anh hớn hở ra mặt. Đã thế anh còn hỏi ý kiến của bà trước:
- Mẹ muốn đi đâu?
Mỗi lần ba người ra ngoài, khi lên xe xuống xe hay là sang đường, Tông Nguyên luôn che chắn cho bà mẹ, còn Lệ Sảnh lẽo đẽo theo sau như một nhân viên tháp tùng. Trong sinh hoạt hàng ngày, bao giờ cũng là Lệ Sảnh chăm sóc chồng, còn chồng toàn tâm toàn ý chăm sóc bà mẹ kế quê mùa. Cũng không hẳn là anh không thèm đếm xỉa gì đến cô, khi chỉ có hai vợ chồng với nhau, anh hết mực cưng chiều vợ, nhưng chỉ vì sự có mặt của mẹ chồng nên hai người có rất ít thời gian bên nhau.
Lệ Sảnh coi bà Quyên như kẻ thù phá hoại hôn nhân của mình. Tuổi thơ cô đã bị mẹ kế ngược đãi, thành thử cô luôn có ác cảm với những người này. Cô nghĩ, một bà mẹ kế sao lại ở trong nhà của mình? Người Liễu Tông Nguyên kết hôn là Chu Lệ Sảnh, vì vậy mình phải có được tình yêu của anh, và trở thành nữ chủ nhân của ngôi nhà này. Mình nghĩ trăm phương ngàn kế để có được anh, chẳng nhẽ giờ lại phải chia sẻ thời gian ở bên anh, chia sẻ tình yêu của anh với một bà già sao? Ông trời ơi! Dương Tú Quyên mới ngoài sáu mươi tuổi, chân tay vẫn còn khỏe khoắn lắm, bà ta sống đến tám chín mươi tuổi là cái chắc. Lẽ nào mình phải ở cùng bà ta hai ba mươi năm nữa? Đúng là ác mộng. Đến lúc mình có thể chiếm trọn ông chồng thì mình già khắm già khú rồi, nói gì tới hôn nhân lãng mạn nữa? Mặc dù bà ta từng nuôi dưỡng Tông Nguyên nhưng anh cũng báo đáp đủ công ơn rồi còn gì. Anh gửi tiền dưỡng lão vào sổ tiết kiệm để bà ta lấy lãi, lại còn cho bà ta tiền tiêu vặt, muốn mua gì thì mua. Bà ta phải biết thế nào là đủ chứ! Tông Nguyên đã là chồng của mình rồi, bà ta nên rút về hậu trường, không được bá chiếm anh chứ.
Mới đầu là trách móc, lâu dần thành chán ghét. Trong con mắt của Lệ Sảnh thì bà Quyên người ngắn một mẩu, đồi mồi nổi đầy trên mặt và cánh tay, mái tóc muối tiêu động tí là rụng rơi tả. Có một dạo, Lệ Sảnh còn tưởng mình bị bệnh ghét người già, hễ nhìn thấy bà lão nào trên sáu mươi tuổi là cô lại cảm thấy khó chịu. Khi tiếp xúc với những bà lão có khuôn mặt phúc hậu, dễ gần, cô cũng có cảm tình nhưng nếu chẳng may nhìn thấy cánh tay bà nổi đồi mồi thì tự nhiên cô lại liên tưởng đến mẹ chồng của mình rồi ghét luôn người ta.
Hồi bà Quyên điều trị bệnh tại bệnh viện của Lệ Sảnh, hai người là quan hệ y tá và bệnh nhân nên cô đối xử rất tốt, rất nhã nhặn, rất thân thiện với bà, có thể chịu đựng những điều cô không thích, thậm chí cả thói quen đáng ghét của bà, vì cô nghĩ chỉ phải chịu đựng bà trong một khoảng thời gian ngắn, lại được báo đáp hậu hĩnh. Hơn nữa thái độ làm việc cần cù của Lệ Sảnh trong vai trò một cô y tá trưởng tốt nhằm mục đích để được cơ quan bình chọn là nhân viên tiên tiến, mẫu mực. Cô không chỉ diễn tốt vai diễn này mà còn phải diễn xuất sắc để cho người ta tâm phục khẩu phục. Khi ở bệnh viện, cô đóng vai một nhân vật hoàn hảo nên lúc nào cũng phải đeo mặt nạ. Còn khi trở về cuộc sống gia đình, Lệ Sảnh không còn sức để diễn kịch nữa. Sống chung một nhà với mẹ chồng thì bản chất thật trong con người cô dần dần được bộc lộ. Nếu không có Tông Nguyên thì bà Quyên là ai chứ? Một người dưng qua đường, chẳng liên quan gì đến cô. Vì chồng, Lệ Sảnh không thể không nhân nhượng bà. Cô vừa nhẫn nhịn vừa căm hận, cứ tiếp tục nhẫn nhịn như thế thì sớm muộn gì tình yêu và sự dịu dàng cũng bị lụi tàn mà thôi. Áp lực công việc và tinh thần sa sút khiến cô đôi lúc không làm chủ được bản thân hoặc cư xử không đúng mực; thêm vào đó, chuyện hộp quà như một giọt nước làm tràn ly khiến Lệ Sảnh không thể chịu đựng thêm được nữa.
4
Ban đầu, bà Quyên rất quý Lệ Sảnh, bà luôn đặt mình vào vị trí của các con để suy nghĩ cho chúng, bà chỉ lo vì chút bất cẩn của mình mà con cái thêm phiền hà này nọ. Nhưng không hiểu vì sao, giữa mẹ chồng và con dâu vẫn có những chỗ không vừa ý nhau; chẳng hạn những lúc Tông Nguyên vắng nhà, Lệ Sảnh tỏ ra khá quan tâm, dành thời gian trò chuyện cùng bà.
- Mẹ, vợ chồng con rất vui vì đón được mẹ lên đây. Chúng con muốn để mẹ được hưởng phúc tuổi già nhưng hằng ngày chúng con đều phải đi làm, mẹ ở nhà một mình có cảm thấy trống trải không? Ở Tế Nam còn có bà con họ hàng tới lui, giờ sống cảnh tù túng, xung quanh không có người quen cũng không có chị em gái rủ rỉ tâm sự, mẹ có quen không?
Nghe Lệ Sảnh hỏi han ân cần, bà Quyên rất cảm động. Bà nói thật lòng:
- Chỉ cần con và Tông Nguyên vui thì mẹ thế nào cũng được mà. Hằng ngày được nhìn thấy các con yêu thương, hòa thuận với nhau, cho dù không có ai nói chuyện với mẹ, mẹ cũng vui rồi.
- Tông Nguyên không biết làm thế nào để tận hiếu với mẹ, ngày lại ngày cứ nhốt mẹ trong nhà giống như vật nuôi ấy, mẹ thoải mái không?
Lệ Sảnh nói những lời kỳ cục làm bà Quyên nghe không lọt lỗ tai, thế mà bà vẫn nghĩ tốt về cô, có lẽ con dâu không có ác ý gì đâu, chỉ là cách nói của nó hơi thẳng thắn mà thôi. Bà mỉm cười:
- Lệ Sảnh, con đừng lo, nếu không thoải mái, mẹ sẽ nói với các con, mẹ sẽ tụ ra ngoài đi dạo.
- Thế thì được. Ôi! Con chỉ e một mình mẹ cô quạnh thôi.
- Cái đó thì con khỏi phải lo, ở quê mẹ cũng sống một mình nên quen rồi, bây giờ còn có các con ở bên nữa mà. Thực ra, trước đây mẹ đã nghĩ đến hoàn cảnh này rồi. Nếu con có thai để mẹ sớm có cháu ẵm, cháu gái cũng được, không phải nhà mình càng vui hơn sao? Mẹ làm gì có thời gian rảnh rỗi mà cảm thấy cô đơn, trống trải nữa.
Đây là lần đầu tiên bà Quyên đề cập đến chuyện con cái với Lệ Sảnh. Khi đó, bà vẫn có những ấn tượng tốt đẹp về con dâu.
Không ngờ Lệ Sảnh lại dội cho bà một gáo nước lạnh:
- Mẹ, mẹ rất muốn bế cháu à?
- Ừ, mẹ rất muốn.
- Rất rất muốn?
- Đúng là như thế đấy.
- Nuôi trẻ con vất vả lắm, nếu mẹ mệt thì làm thế nào? Hơn nữa Tông Nguyên hiếu thảo như vậy, anh ấy sao nỡ để mẹ vất vả chứ?
- Ôi dào, nuôi trẻ con thì vất vả gì chứ? Chăm cháu của mình, dẫu mệt đến mấy cũng vui! Tuổi của con và Tông Nguyên cũng không còn trẻ nữa, hai đứa phải sớm nghĩ đến chuyện này. Đây là chuyện quan trọng, không thể trì hoãn được con ạ, nhất là đối với phụ nữ.
- Vậy ạ? E là tạm thời chúng con không thể làm hai lòng mẹ. - Lệ Sảnh cười khẩy, - Mẹ thích có cháu nhưng cháu phải do con sinh ra, đúng không ạ? Mẹ muốn trông cháu cho con, vậy mẹ cũng phải xem con có bằng lòng cho mẹ trông cháu hay không đã chứ? Hiện tại con chưa có ý định khuấy động cuộc sống gia đình. Không riêng gì con, Tông Nguyên cũng chưa chuẩn bị chuyện này. Thị trường chứng khoán đang trong tình trạng ảm đạm, nửa năm nay, cổ phiếu của quỹ đầu tư liên tục xuống giá, áp lực công việc của Tông Nguyên rất lớn, mẹ không thấy anh ấy hút thuốc nhiều hơn trước sao? Cho nên chúng con không thể sinh cháu, mẹ chờ đợi vô ích rồi, con còn chưa biết năm nảo năm nào mới tính đến chuyện con cái nữa là.
Lệ Sảnh nói như xát muối vào lòng mẹ chồng. Ấy thế mà bà lại tự kiểm điểm mình: Có lẽ con dâu bận công tác nên trước mắt chưa muốn có con hoặc là nó không có khả năng sinh con. Tại mình vô tình chạm đến nỗi đau thầm kín của con dâu nên nó mới nói những lời cực đoan như vậy chăng? Bây giờ môi trường bị ô nhiễm nặng, báo chí đưa tin thành phố Thanh Đảo có tới 20% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh, Lệ Sảnh hơn ba mươi tuổi mới lấy chồng chẳng nhẽ là vì nguyên nhân này? Không sao, hiện nay y học phát triển, bệnh gì mà chẳng chữa được. Cho dù gặp trường hợp xấu nhất, cả đời Lệ Sảnh không sinh được con thì chỉ cần Tông Nguyên chấp nhận, hai đứa nó muốn gắn bó với nhau suốt đời thì mình cũng không có ý kiến. Không được ẵm cháu cũng đâu phải chuyện to tát gì, còn gì bằng khi bản thân được sống vui vẻ bên người thân?
Sau cuộc nói chuyện không mấy vui e vẻ ấy, bà Quyên không nhắc lại chuyện bế cháu nội nữa.
Về phần Lệ Sảnh, sau khi nói những lời cay độc với mẹ chồng, cô hơi hối hận, lòng thấp thỏm lo âu. Chuyện đến tai chồng thì kiểu gì cũng chết. Cho dù anh ta không nghĩ xấu về vợ thì ít nhất những ấn tượng tốt đẹp ban đầu của anh ta về người vợ đều phai nhạt.
Mấy ngày sau, Lệ Sảnh thấy không khí gia đình yên bình, tình cảm vợ chồng vẫn mặn nồng như trước, tất cả mọi việc đều ổn. Điều này chứng tỏ, mẹ chồng không đưa chuyện với con trai, ngược lại bà còn đối xử tốt hơn với con dâu, khi đi siêu thị, bà mua cả đồ con dâu thích ăn; khi con dâu bận việc bà lại giúp cô là quần áo phẳng phiu rồi gấp ngay ngắn, cất vào từng ngăn tủ... Chính mắt Lệ Sảnh nhìn thấy những việc này, song cô chỉ cười mỉa mai, nghĩ bụng: Mẹ chồng đang nịnh nọt, lấy lòng con dâu đây mà. Bà ta làm như vậy để mình cho bà ta ăn, cho bà ta ở và mãi mãi không đuổi bà ta đi chứ gì.
Mẹ kế của Tông Nguyên quả là người thấp hèn, Lệ Sảnh nghĩ. Cảm giác tự cho mình hơn hẳn người khác của cô giống như cái cây đâm chồi nảy lộc, tiếp tục vươn cao mạnh mẽ. Nhận định của cô càng được củng cố khi cô cho rằng bản thân mình là nữ chủ nhân của gia đình này, về phương diện pháp luật, ngoài Tông Nguyên ra không ai có thể làm lung lay địa vị của cô. Còn bà Quyên chẳng qua cũng chỉ là mẹ kế, không có quan hệ huyết thống với Tông Nguyên, nếu bà ta muốn ở lại đây lâu dài để hưởng cuộc sống an nhàn thảnh thơi mà không phải trả giá thì có nghe được không?
Lệ Sảnh tiến một bước, bà Quyên lùi một bước. Bà Quyên lùi một bước, Lệ Sảnh tiến thêm một bước nữa. Nếu như bà Quyên không chịu lùi bước nữa, có lẽ Lệ Sảnh sẽ dừng bước, thậm chí bà không lùi mà còn tiến thì Lệ Sảnh sẽ lùi và nhường bước. Thế nhưng, bà Quyên lại nhường nhịn Lệ Sảnh để cho cô ta lấn lướt mình. Con người luôn khó hiểu, phần nhiều đều xử sự theo kiểu mềm nắn rắn buông, hoặc được đằng chân lân đằng đầu. Lệ Sảnh nắm được thóp của mẹ chồng, bà không nói với trai những chuyện không đáng nói để chia rẽ con trai và con dâu, càng không dám qua mặt cô; vì vậy, những lúc chỉ có hai mẹ con, Lệ Sảnh càng ngày càng ăn nói hỗn láo với mẹ chồng.
Bà Quyên thích ăn cơm tẻ, Lệ Sảnh thấy món ăn chính hàng ngày là cơm tẻ nên nhắc nhở:
- Mẹ, lúa gạo là thực phẩm có tính axit, ăn nhiều không tốt cho sức khỏe đâu. Nó làm độ pH trong cơ thể tăng dần lên, tạo môi trường thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển. Bây giờ người già vào viện, 30% là mắc bệnh ung thư, mỗi ngày số người chết vì ung thư chiếm hơn 80%. Mẹ phải thật chú ý.
Thoạt nghe, có vẻ như Lệ Sảnh quan tâm đến mẹ chồng nhưng ngẫm kỹ ra thì kỳ cục quá. Mẹ chồng hỏi thêm:
- Còn các loại thực phẩm được làm từ bột mì thì sao?
Lệ Sảnh nói:
- Thực phẩm được làm từ bột mì cũng có tính axit, tốt nhất là ăn ít thôi.
Mẹ chồng cảm thấy khó hiểu, không được ăn nhiều cơm tẻ và các loại thực phẩm được làm từ bột mì, vậy mỗi bữa không được ăn món chính nữa à?
Thấy mẹ chồng ăn rau xà lách chấm tương, Lệ Sảnh lại lèm bèm:
- Mẹ, rau xà lách phun nhiều thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và hoóc- môn kích thích tăng trưởng, mẹ ăn rau sống rất nguy hiểm, ngộ nhỡ sinh bệnh thì thế nào đây? Ôi! Người dân xem thường bệnh viện, người nào nằm viện hai ngày, không mất mấy vạn tệ mà được ra viện à?
Có hôm Lệ Sảnh trực ca đêm nên bữa tối mẹ chồng không nấu cơm cho cô, bà chỉ để dành cho Tông Nguyên ít canh. Ngờ đâu, anh bận họp đột xuất chưa về kịp, cô lai về trước. Vừa vào bếp, Lệ Sảnh đã nhìn thấy món canh chồng mình thích ăn, cô liền đơm một bát đầy, vừa ăn vừa chu mỏ lên nói mẹ chồng:
- Mẹ nấu nồi canh này hết mấy tiếng vậy? Có gà, sâm, còn có cua… Mẹ đừng nấu thế này, ăn quá nhiều chất dinh dưỡng không tốt đâu. Con biết mẹ thương nhà con nhưng mẹ phải hiểu ăn uống thừa chất dinh dưỡng, cơ thể không hấp thụ hết sẽ chuyển hóa thành mỡ, tích tụ dưới da gây nhiều bệnh. Buổi tối chỉ nên ăn nhẹ thôi. Mẹ nấu món canh không thể tiêu hóa được, chằng phải là hại anh ấy sao? Mẹ muốn chuyện người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh xảy ra với nhà mình à?
Mẹ chồng ưa sạch sẽ, ngày nào cũng tắm rửa. Lệ Sảnh chướng mắt:
- Mẹ không nên tắm mỗi ngày vì da người già dễ bị khô và mắc các bệnh ngoài da.
Thi thoảng Lệ Sảnh mua một hai cái áo mới cho mẹ chồng nhưng cô luôn mua cỡ nhỏ để cho bà mặc chật, không thoải mái. Bà mà không mặc thì cô lại bắt bẻ:
- Áo con mua cho mẹ, sao mẹ không mặc? Hay tại con không có mắt thẩm mỹ à?
Một lần mẹ chồng gọi người thu mua đồng nát vào nhà mua báo cũ, trông người đó đi đôi giày da rách bươm, thực sự rất đáng thương, bà động lòng trắc ẩn, mang một chồng báo cho không người ta. Lệ Sảnh trông thấy, cau mày, tiếc của:
- Mẹ tốt bụng quá, con thực sự rất cảm động. Nhưng mẹ à, lần sau mẹ không được làm như vậy nữa, tiền phải tích cóp dần dần mới có, cứ bỏ mỗi chỗ một tệ thì có dành dụm được đồng nào không? Người già hay trái gió trở trời, chẳng may đột nhiên mẹ gặp chuyện bất trắc, trong tay không có nhiều tiền thì làm sao qua khỏi? Mẹ đừng tưởng con trai mẹ làm quản lý quỹ đầu tư được trả mức lương cao hơn lương công nhân phổ thông nên mẹ vung tay quá trán nhé. Khi thị trường lên giá thì mới có chuyện tốt như thế, chứ thị trường xuống giá còn phải bù lỗ, kiếm đâu ra tiền mà hưởng lương cao? Anh ấy vẫn còn nợ tiền mua nhà, mỗi tháng gánh hai vạn tệ tiền lãi, con cũng đang điên đầu đây.
Sáng sớm mẹ chồng đi tập thể dục, Lệ Sảnh tình cờ gặp bà đi về cùng một ông lão trạc tuổi bà, cô liền làm trò ngay trước mặt ông lão đó. Cô rút khăn giấy trong túi ra, đưa cho mẹ chồng lau mồ hôi. Ông lão trầm trồ khen ngợi:
- Mẹ Tông Nguyên, con dâu của bà thật là hiếu thảo, cư xử với mẹ chồng như mẹ đẻ. Chắc là kiếp trước bà tích được nhiều đức lắm đây?
Đợi ông lão đi xa, Lệ Sảnh quay ngoắt, nói mẹ chồng:
- Mẹ, con hiểu mẹ ở nhà một mình lẻ loi. Chúng con đồng ý cho mẹ ra ngoài chơi, đồng ý cho mẹ kết bạn, nhưng mẹ phải cực kì chú ý, không được đến quá gần những ông lão đã có vợ con, ngộ nhỡ nảy sinh tình yêu ở tuổi xế chiều thì còn gì là thể diện của Tông Nguyên nữa! Nói thế nào anh ấy cũng là người có địa vị, chuyện này mà đồn ra ngoài thì không hay lắm đâu! Nhỡ đâu gặp phải kẻ lừa đảo, đến lúc xảy ra chuyện, chỉ e bản thân mẹ không chịu nổi thôi.
Những người quen biết bà Quyên đều nói bà là người tốt, hiền lành, nhiệt tình giúp đỡ mọi người, chưa từng chủ động cãi nhau, nổi cáu với người khác. Mỗi lần bà nói chuyện với Lệ Sảnh, đoạn đầu có vẻ như cô quan tâm, quý trọng mẹ chồng nhưng nghe tiếp đoạn sau bà lại cảm thấy chua chát, đau đớn. Trong thời gian sống cùng con dâu, ban đầu bà không có cảm giác khó chịu; nhưng hiện tại, không hiểu vì sao hai người có rất nhiều xích mích, những câu nói gay gắt của con dâu còn đau hơn là bị đánh.
Dù vậy, bà vẫn nhẫn nhịn không nói nửa lời, đôi khi bà quay mặt đi hướng khác để giấu hai hàng nước mắt đang ứa ra, chưa bao giờ muốn chống cự, càng không muốn trả đũa. Bà tự nhủ: Đứa con dâu này là do mình tự chọn, thế mà sau khi danh chính ngôn thuận bước vào nhà, nó lại chẳng coi mình ra gì. Không phải cô ta không yêu con trai mình, chỉ là cô ta không chấp nhận người mẹ này nên tìm đủ cách đuổi mình đi. Bà Quyên thừa nhận, có những người phụ nữ đúng là diễn viên, rất giỏi ngụy tạo cho bản thân mình một hình ảnh lung linh, đẹp đẽ. Dẫu bà sống đến hơn sáu mươi tuổi rồi, có thể đọc được suy nghĩ của người khác, nhưng cũng có lúc bị nhìn nhầm. Chuyện hôn nhân không giống như món hàng mua ngoài chợ, nếu thấy không ưng hoặc chất lượng có vấn đề thì có thể đổi cái khác hoặc trả lại hàng, nhưng trong hôn nhân, nhất là hôn nhân của con cái thì không phải do bà làm chủ. Bà khuyên con trai lấy cô ta rồi lại khuyên con trai tống cổ cô ta đi sao?
Dù đau đớn uất nghẹn nhưng bà Quyên chưa hề phàn nàn với Tông Nguyên về Lệ Sảnh, vì hai nguyên nhân: Trước hết, bà biết về công việc của Tông Nguyên, bà đã không giúp gì được cho anh thì ít nhất cũng không được cản bước anh, không được để cho anh vì chuyện gia đình mà phân tán tư tưởng, nhọc lòng lo nghĩ. Bà cũng không muốn anh nổi cáu với vợ, không muốn phá hỏng tâm trạng vui vẻ của anh. Lệ Sảnh thường nói, vui vẻ là cội nguồn của sức khỏe, bởi vậy bà không thể để anh mất đi cội nguồn sức khỏe.
Để Tông Nguyên được vui vẻ và thoải mái, để anh không phải vướng thêm những phiền não không cần thiết, bà nhẫn nhịn chịu đựng nàng dâu ngỗ ngược. Chỉ cần anh vui vẻ và hạnh phúc, bà có thể hi sinh tất cả, đó là quan niệm sống của bà. Tông Nguyên nhiều lần dò hỏi:
- Mẹ, Lệ Sảnh cư xử với mẹ thế nào? Nếu cô ấy cư xử không tốt với mẹ thì mẹ cứ nói thẳng với con.
Bà Quyên luôn mỉm cười:
- Tốt, vẫn tốt lắm.
Bà nhẹ nhàng hỏi lại anh:
- Cô vợ mẹ chọn cho con đối xử với con thế nào vậy?
Ngay lập tức, khuôn mặt của anh sáng bừng hạnh phúc:
- Không chê vào đâu được mẹ ạ. Cô ấy quan tâm đến con từng li từng tí, chăm con cứ như con nít ấy. Mẹ quả có con mắt tinh tường.
Quả đúng là như vậy, những lúc Tông Nguyên nằm đọc sách, Lệ Sảnh tự tay rửa sạch anh đào rồi mang đến đầu giường, bón từng quả vào miệng anh, sau đó cô còn chìa bàn tay trắng ngần để anh nhả hột. Hôm nào tâm trạng của anh không tốt, cô sờ tay lên trán anh xem có nóng không? Có bị cảm không? Lúc vợ chồng ân ái với nhau thì càng khỏi phải nói, cách yêu nào cũng khiến anh lên đỉnh, thỏa mãn mọi khao khát nhục dục. Hễ nghĩ đến vợ, anh lại cảm thấy sung sướng và hạnh phúc.
Bà mẹ gật đầu, sống mũi cay xè:
- Ừ, vậy thì tốt rồi!
Đây cũng chính là nguyên nhân thứ hai mà bà không thể thổ lộ nỗi lòng của mình với con trai. Bà nghĩ, Lệ Sảnh là vợ của Tông Nguyên, là người phụ nữ sẽ sống với nó cả đời. Người vợ trước của nó là người Mỹ nên không biết cách chăm sóc chồng, không dễ dàng gì nó mới ly hôn rồi đi bước nữa, e rằng nó không chịu nổi bi kịch lần nữa. Chỉ cần Lệ Sảnh đối xử tốt với Tông Nguyên, thật lòng thật dạ thương yêu, chăm sóc nó thì mình chịu tí uất ức có đáng là gì? Tông Nguyên rất hài lòng về người vợ này, rất yêu thương và chăm chút cho vợ, miễn là chúng nó đối tốt với nhau, bà già gần đất xa trời như mình, quá nửa đời người chịu khổ, còn có cái gì không thể cắn răng chịu đựng? Nhất thiết, mình không thể phá hoại quan hệ của chúng. Vả lại, con trai mới kế hôn chưa đầy nửa năm mà mình nói xấu con dâu, con trai sẽ nghĩ như thế nào về người mẹ này.
Thực ra cũng có lấy lần bà Quyên đòi về Tế Nam. Tông Nguyên không hiểu:
- Mẹ, vì sao mẹ cứ muốn sống một mình thế? Không được, con không đồng ý, con không thể để mẹ sống một mình.
Lệ Sảnh cũng mở to đôi mắt vô tội:
- Mẹ, mẹ không muốn ở cùng chúng con sao? Là vợ chồng con có chỗ nào không tốt? Nếu mẹ không vừa ý điều gì thì mẹ nói cho chúng con biết, để sửa chứ.
Cứ như vậy, bà ở lại hết ngày này qua ngày khác. Mặc dù mẹ chồng nàng dâu hục hặc nhưng dù sao chăng nữa bà cũng được nhìn thấy Tông Nguyên, trò chuyện với anh hằng ngày. Chỉ cần được ở cùng anh, bà đã thấy vui và hạnh phúc lắm rồi. Bà nguyện chịu đựng khổ đau để đổi lấy những phút giây hạnh phúc ngắn ngủi. Bà cô gắng chăm sóc cho anh chu đáo hơn, thậm chí bà còn lo lắng một ngày nào đó có thể con dâu sẽ phản bội con trai bà. Nhất là từ lúc chính tai bà nghe Lệ Sảnh nói, cô ta và người đàn ông nào đó đã làm chuyện có lỗi với Tông Nguyên, nỗi lo trong lòng bà càng lớn dần lên. Kể từ đó, bà hạ quyết tâm: Không đi, không đi đâu hết, mình phải ở bên con trai, chăm sóc cho nó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.