Đông Chu Liệt Quốc

Chương 98: Vua tần đòi thủ cấp nguỵ tề bạch khởi chôn mấy vạn quân triệu




Lại nói Tu Giả được tha, luôn đêm chạy về Đại Lương, vào yết kiến vua Nguỵ, thuật lời nói của Phạm Chuy. Việc đưa gia quyến của Phạm Chuy là việc nhỏ có thể làm được, còn việc đòi chém đầu tướng quốc Nguỵ Tề thì có quan hệ đến thể diện, khó nói ra được. Vua Nguỵ trù trừ chưa quyết. Nguỵ Tề nghe biết tin ấy, bỏ lại tướng ấn, luôn đêm trốn sang nước Triệu, ở nhờ Bình Nguyên quân Triệu Thắng. Vua Nguỵ bèn sắp xe ngựa, một trăm cân vàng, một nghìn tấm lụa, đưa gia quyến Phạm Chuy đến Hàm Dương, và nói thực là Nguỵ Tề nghe tin đã bỏ trốn từ trước rồi, hiện nay ở nhờ Bình Nguyên quân nước Triệu, không dự gì đến việc nước Nguỵ nữa. Phạm Chuy tâu với vua Tần, vua Tần nói :
- Triệu vốn cùng Tần kết hiếu, Tần lại đem vương tôn Dị Nhân làm con tin ở Triệu, muốn để giữ bền tình giao hiếu. Trước đây quân Tần đánh Hàn, vây thành Ô Dữ, Triệu sai Lý Mục cứu Hàn, làm cho quân Tần phải thua to, quả nhân còn chưa hỏi tội, nay lại tự tiện dung người thù của thừa tướng, kẻ thù của thừa tướng, tức là kẻ thù của quả nhân. Quả nhân quyết ý đánh Triệu, một là báo cái thù Ô Dữ, hai là đòi bắt Nguỵ Tề.
Bèn thân đem hai mươi vạn quân, sai Vương Tiễn làm đại tướng, đánh Triệu lấy ba thành. Bấy giờ Huệ Văn vương nước Triệu mới mất, con là Hiếu Thành vương lên ngôi, tuổi còn bé, Huệ Văn thái hậu coi việc, nghe quân Tần đã kéo vào sâu, sợ quá. Lạn Tương Như vì có bệnh đã cáo lão; Ngu Khanh lên làm tướng quốc, sai đại tướng Liêm Pha mang quân cự địch, hai bên giữ nhau mãi không phân được thua. Ngu Khanh nói với Huệ Văn thái hậu rằng:
- Việc gấp lắm rồi, tôi xin đem Trường An Quân sang Tề làm tin để cầu cứu.
Thái hậu bằng lòng. Nguyên Triệu thái hậu là con gái Mân vương nước Tề, năm ấy Tề vương mới mất, con là thái tử Kiến lên ngôi cũng còn bé, Tề thái hậu cũng phải coi việc. Triệu thái hậu với Tề thái hậu một bên là em chồng, một bên chị dâu, tình nghĩa rất thân; Trường An quân lại là con út rất yêu quí của Triệu thái hậu, nay sang làm con tin ở Tề, Tề thái hậu làm sao chẳng động lòng, bèn sai Điền Đan làm đại tướng đem mười vạn quân đi cứu Triệu. Tướng Tần là Vương Tiễn nói với vua Tần rằng :
- Nước Triệu có nhiều tướng giỏi, lại có Bình Nguyên quân là người tài chưa dễ đánh được, huống chi quân cứu nước Tề lại sắp đến, chi bằng ta quay quân trở về.
Vua Tần nói :
- Không bắt được Nguỵ Tề, quả nhân còn mặt nào trông thấy Ứng hầu nữa.
Vua Tần bèn sai sứ sang bảo Bình Nguyên quân rằng :
- Tần đánh Triệu là chỉ cốt bắt Nguỵ Tề, nếu Triệu bắt Nguỵ Tề đem nộp, thì lập tức Tần sẽ lui quân.
Bình Nguyên quân đáp lại rằng :
- Nguỵ Tề không có ở nhà tôi, đại vương chớ nên nghe lời người ta nói.
Sứ giả ba lần đi, Bình Nguyên quân vẫn không chịu nhận. Vua Tần buồn bực không vui, muốn tiến đánh, lại sợ Tề Triệu hợp binh, được thua khó đoán; muốn kéo quân về, thì làm sao bắt được Nguỵ Tề; nghĩ đi nghĩ lại, liền sinh một kế, gửi bức thư tạ vua Triệu, đại ý nói rằng :
"Quả nhân cùng quân vương là chỗ anh em. Qủa nhân trót nghe lầm người ta nói, mà tưởng rằng Nguỵ Tề ở nhà Bình Nguyên quân, cho nên đem quân đến đòi hỏi. Nếu không, thì khi nào dám lấn vào đất Triệu? Ba thành đã lấy được, xin trả lại Triệu. Quả nhân lại xin nối lại tình giao hiếu, đi lại như thường".
Vua Triệu cũng sai sứ đáp thư, cảm tạ cái ý lui quân và trả lại thành. Điền Đan nghe quân Tần đã lui cũng trở về Tề. Vua Tần về đến Hàm Cốc, lại sai người gửi một phong thư cho Bình Nguyên quân, đại ý nói :
- "Quả nhân rất mến tấm òng cao nghĩa của ngài, xin cùng ngài kết giao làm bạn áo vải. Qủa nhân mong ngài sang chơi, quả nhân xin cùng uống rượu trong mười ngày để tỏ tình kính mến."
Bình Nguyên quân xem thư xong, vào tâu vua Triệu. Vua họp quần thần lại để bàn. Tướng quốc Ngu Khanh nói rằng :
- Tần là nước hổ lang, trước kia Mạnh Thường quân vào Tần xuýt không được về, huống chi nay Tần đang chờ Nguỵ Tề ở Triệu. Vậy Bình Nguyên quân không nên đi.
Liêm Pha nói :
- Trước kia Lạn Tương Như mang ngọc bích một mình sang Tần, còn giữ trọn được ngọc bích mang về Triệu. Tần không có ý lừa Triệu; nếu không đi, thì lại càng làm cho Tần sinh nghi.
Vua Triệu cũng cho đó là ý tốt của vua Tần, không thể trái được, bèn sai Bình Nguyên quân cùng sứ Tần đi sang Hàm Dương. Vua Tần mới thấy, đã tỏ ý vui mừng, ngày ngày đặc tiệc khoản đãi. Được vài ngày, vua Tần nhân lúc vui, cất chén mời Bình Nguyên quân mà nói rằng :
- Quả nhân muốn phiền ngài một việc, nếu ngài bằng lòng, xin uống chén rượu này!
Bình Nguyên quân nói :
- Đại vương có điều gì sai bảo đến, khi nào Thắng này lại dám không vâng lời ?
Rồi đón lấy chén rượu, uống một hơi hết ngay. Vua Tần nói :
- Xưa kia Chu Văn vương được Lã Vọng, phong cho làm Thái công. Tề Hoàn công được Quản Trọng, phong cho làm Trọng phu, nay Phạm quân tức là Lã Vọng, Qủan Trọng của quả nhân này đó! Kẻ thù của Phạm quân là Nguỵ Tề hiện nay ở nhà ngài, ngài nên sai người về chặt lấy đầu đem sang đây để rửa thù cho Phạm quân, như vậy thì quả nhân chịu ơn ngài nhiều lắm !
Bình Nguyên quân nói :
- Tôi nghe, sang mà còn nhớ bạn cũ là nghĩ đến khi mình còn hèn; giàu mà còn nhớ bạn cũ là nghĩ đến lúc mình còn nghèo. Nguỵ Tề là bạn cũ của tôi, nếu thực có ở nhà tôi, tôi cũng không nỡ lòng nào mà đem ra được, huống chi là không có.
Vua Tần biến sắc nói rằng :
- Nếu ngài không bắt Nguỵ Tề đem đến đây, thì quả nhân cũng không để ngài ra khỏi cửa quan được.
Bình Nguyên quân nói :
- Cho ra hay không, đó là cái quyền của đại vương. Nhung đại vương lấy rượu mời tôi đến, nay lại lấy uy mà giữ tôi lại, phải trái đã có thiên hạ phẩm bình.
Vua Tần biết là Bình Nguyên quân không chịu phụ Nguỵ Tề, bèn đem về Hàm Dương, lưu ở trong quán xá, sai người đưa thư cho vua Triệu, đại ý nói :
- "Nay em của đại vương là Bình Nguyên quân thì ở Tần, mà kẻ thù của Phạm quân là Nguỵ Tề thì lại ở nhà Bình Nguyên quân. Vậy cái đầu của Nguỵ Tề buổi sáng đem đến Tần, thì Bình Nguyên quân buổi chiều sẽ được về Triệu. Nếu không thì quả nhân sẽ tự đem quân đến Triệu, đánh bắt Nguỵ Tề, mà sẽ không tha cho Bình Nguyên quân về nữa. Điều đó xin đại vương biết cho."
Vua Triệu được thư sợ quá, bảo quần thần rằng :
- Quả nhân há vì một kẻ vong thần nước khác mà đổi vị công tử trấn quốc của nước ta hay sao!
Rồi lập tức phái quân đến vây nhà Bình Nguyên quân để bắt Nguỵ Tề. Tân kh1ch trong nhà Bình Nguyên quân có nhiều người chơi thân với Nguỵ Tề, nhân ban đêm thả cho Nguỵ Tề trốn đi, đến ở nhà tướng quốc Ngu Khanh.
Ngu Khanh nói :
- Vua Triệu sợ nước Tần hơn hổ lang, không thể nói được, chi bằng ngài lại chạy về Nguỵ. Tín Lăng quân chiêu hiền nạp sĩ, những kẻ vong mệnh trong thiên hạ đều theo về, và ngài lại là bạn thân của Tín Lăng quân, tất nhiên Tín Lăng quân sẽ che chở cho ngài. Tuy vậy, ngài là người có tội không nên đi một mình, tôi xin đi cùng với ngài.
Rồi lập tức bỏ giá tướng ấn, làm một bức thư để lại tạ vua Triệu, cùng Nguỵ Tề đi sang Nguỵ. Khi đi đến ngoài thành, Ngu Khanh bảo Nguỵ Tề rằng :
- Tín Lăng quân là một đấng trượng phu, khẳng khái, hai ta đến đây chắc là ông ta lập tức tiếp đón, không phải chờ lâu.
Ngu Khanh đi chân không đến cửa nhà Tín Lăng quân, đưa danh thiếp vào. Tín Lăng quân đang xoã tóc sắp gội đầu, thấy danh thiếp thì cả sợ mà nói rằng :
- Ông này là tướng quốc nước Triệu, sao vô cớ lại đến đây ?
Rồi sai người nhà ra nói là chủ nhân đang gội đầu, tạm thời vào ngồi đợi, và hỏi đến việc gì. Ngu Khanh nóng ruột, đem đầu đuôi việc Nguỵ Tề đắc tội với Tần, và tự mình bỏ tướng ấn cùng đi sang đây. Người nhà vào nói, Tín Lăng quân trong lòng sợ Tần, không muốn dung Nguỵ Tề, lại nghĩ đến Ngu Khanh vì lòng mến mình, chẳng quản xa xôi mà đến theo mình, nếu cự tuyệt thì không phải, trong lòng do dự không biết tính thế nào. Ngu Khanh nghe Tín Lăng quân có ý khó khăn, không ra tiếp kiến ngay, thì giận quá bỏ đi ngay. Tín Lăng quân hỏi tân khách rằng :
- Ngu Khanh là người thế nào ?
Bấy giờ Hầu Sinh ở bên cạnh, cả cười nói rằng :
- Sao công tử lại tối tăm việc đời đến thế ? Ngu Khanh đem ba tấc lưỡi lấy được tướng ấn nước Triệu, phong vạn hộ hầu, nay Nguỵ Tề cùng khốn mà đến theo Ngu Khanh. Ngu Khanh không ham tước lộc, bỏ chức cùng theo, thiên hạ đã mấy người được như thế ? Thế mà công tử còn chưa biết được là người giỏi hay không ư ?
Tín Lăng quân cả thẹn, vội quấn tóc đội mũ, sai người đóng xe, kíp ruổi ra ngoài thành đuổi theo.
Lại nói Nguỵ Tề đứng chờ bên ngoài, mãi chẳng thấy tin tức, thì chắc là việc không xong. Một lát thấy Ngu Khanh đi đến, rơm rớm nước mắt nói rằng :
- Tín Lăng quân không phải là kẻ trượng phu, sợ Tần mà từ chối ta, tôi xin cùng ngài lẻn đường sang Sở.
Nguỵ Tề nói :
- Tôi vì nhất thời không biết suy xét mà đắc tội với Phạm thúc, đã luỵ Bình Nguyên quân rồi, nay lại luỵ đến ngài, thế mà còn để ngài phải vì tôi mà lặn lội, sang cầu chút sống tàn ở nước Sở, không chắc ra thế nào, như vậy còn sống làm gì nữa ?
Nói xong liền cởi gươm tự đâm cổ mà chết. Ngu Khanh vội chạy lại giật ra, nhưng cuống họng đã đứt rồi. Đang lúc Ngu Khanh thương xót, thì Tín Lăng quân đã đi xe đến. Ngu Khanh trông thấy vội chạy tránh đi, không muốn giáp mặt. Tín Lăng quân trông thấy thi thể Nguỵ Tề, bèn vỗ về và khóc mà nói rằng :
- Thực là cái lỗi của Vô Kỵ này !
Bấy giờ vua Triệu không bắt được Nguỵ Tề. Ngu Khanh lại bỏ đi mất. Vua Triệu biết hai người đưa nhau đi, không ở Hàn thì tất ở Nguỵ, mới biết Nguỵ Tề đã tự vẫn, liền tâu vua Nguỵ muốn xin cái đầu Nguỵ Tề để chuộc Bình Nguyên quân về nước. Tín Lăng quân sai khâm liệm thi thể Nguỵ Tề, không nỡ đem cho. Sứ giả nói :
- Bình Nguyên quân với ngài cũng là một. Bình Nguyên quân yêu Nguỵ Tề cùng một lòng như ngài. Nếu Nguỵ Tề còn thì tôi không dám nói. Nhưng nay ngài tiếc cái nấm xương đã chết, mà để Bình Nguyên quân phải tù ở nước Tần, liệu ngài có yên lòng được chăng ?
Tín Lăng quân không dừng được, bèn lấy cái đầu Nguỵ Tề đựng vào một cái hòm, trao cho sứ Triệu, còn thây thì chôn ở ngoài bãi. Ngu Khanh đã bỏ tướng ấn, cảm khái tình đời, không muốn làm quan nữa, bèn ẩn ở trong núi Bạch Vân, làm sách chế giễu việc đời, gọi là "Ngu thị xuân thu".
Vua Triệu đem đầu Nguỵ Tề gửi đến Hàm Dương. Vua Tần đưa cho Phạm Chuy. Phạm Chuy sai đem sơn làm máng đái, chỉ mà nói rằng :
- Mày cho tân khách say rượu đái vào ta, nay ta bắt mày ở dưới suối vàng phải uống nước đái ta!
Vua Tần theo như lễ thường đưa Bình Nguyên quân về Triệu. Triệu dùng làm tướng quốc thay Ngu Khanh. Phạm Chuy lại nói với vua Tần rằng :
- Hạ thần là kẻ hèn hạ, may được đại vương biết đến, cho làm khanh tướng, lại báo thù cho hạ thần, thực là một cái ân lớn không gì sánh nỗi. Nhưng hạ thần không có Trịnh An Bình thì không còn được sống ở Nguỵ, không có Vương Kê thì không được tiến cử ở Tần. Vậy xin đại vương biếm tưóoc trật của hạ thần để trả cho hai người ấy, để được trọn cái lòng báo ơn của hạ thần, thần có chết cũng không còn hối hận gì nữa.
Vua Tần nói :
- Thừa tướng không nói ra, xuýt nữa quả nhân quên mất đấy !
Lập tức dùng Vương Kê làm quan trấn thủ Hà Đông, Trịnh An Bình làm thiên tướng quân; từ đó chuyên dùng mưu của Phạm Chuy, trước đánh Hàn, Nguỵ, mà sai sứ thông hiếu với Tề, Sở.
Bấy giờ thái tử nước Sở là Hùng Hoàn làm con tin ở Tần, Tần giữ đã mười sáu năm không cho về, gặp lúc sứ Tần sang Sở giao hiếu, Sở cũng sai sứ là Chu Anh cùng đến Hàm Dương đáp lễ. Chu Anh nhân nói vua Sở đau nặng, e không sống được. Thái phó là Hoàng yết nói với Hùng Hoàn rằng :
- Vua đau nặng mà thái tử lại ở Tần, vạn nhất vua mất đi, thái tử không có ở đó, các công tử tất có người lên nối ngôi, nước Sở e không phải là của thái tử nữa. Tôi xin vì thái tử vào yết kiến Ứng hầu để xin cho thái tử về.
Hùng Hoàn bằng lòng. Hoàng Yết bèn đi đến tướng phủ nói với Phạm Chuy rằng :
- Thừa tướng có biết vua Sợ bị đau không ?
Chuy nói :
- Sứ giả đã có nói chuyện.
Hoàng Yết nói :
- Thái tử Sở ở Tần đã lâu, chơi thân với các tướng văn, tướng võ nước Tần. Nếu vua Sở mất mà thái tử được làm vua, thì tất phải một lòng theo Tần. Nếu thừa tướng nhân lúc này mà cho thái tử về Sở, thái tử tất cảm ơn thừa tướng vô cùng; nếu giữ lại không về, Sở lập vị công tử khác lên làm vua, thì thái tử ở Tần chẳng qua chỉ là một người áo vải ở thành Hàm Dương, mà Sở sẽ vì việc thái tử không được về mà căm giận chẳng chịu theo Tần nữa. Giữ lại một người áo vải, mà dứt tình giao hiếu của hai nước, tôi trộm lấy làm không nên.
Phạm Chuy bằng lòng vào nói với vua Tần. Vua Tần nói :
- Nên cho thái phó Hoàng Yết về trước thăm bệnh vua Sở, nếu quả vua Sở đau nặng thật, bấy giờ sẽ cho thái tử về.
Hoàng Yết nghe thái tử không được cùng về, thì bàn riêng với thái tử :
- Vua Tần giữ thái tử không cho về, có ý lại muốn làm như việc giữ Hoài vương ngày xưa, nhân lúc nguy cấp để cầu cắt đất. Nếu Sở đến đón thì mắc kế Tần, mà không đến đón thì thái tử trọn đời làm tử ở Tần vậy.
Thái tử quì hỏi rằng :
- Vậy thái phó tính thế nào ?
Hoàng Yết nói :
- Cứ như ý ngu của tôi, chi bằng thái tử hãy cải trang làm người thường mà trốn về. Nay nhân sứ nước Sở đang đáp lễ sắp về, đó là dịp tốt chớ nên để lỡ. Tôi xin một mình ở lại lấy cái chết mà đối chọi với Tần.
Thái tử mừng nói rằng :
- Nếu việc thành, sẽ xin cùng thái phó cùng hưởng chung phú quý ở nước Sở!
Hoàng Yết liền đến yết kiến riêng Chu Anh, cùng Chu Anh thông mưu. Chu Anh bằng lòng, thái tử Hùng Hoàn bèn đổi mặc quần áo người thường, giả làm tên đánh xe, cùng sứ nước Sở là Chu Anh ra khỏi Hàm Cốc, không ai biết cả. Hoàng yết ở lại lữ xá, vua Tần sai người đến hỏi thăm.
Hoàng Yết nói :
- Thái tử vừa bị bệnh, không có người trông nom. Đợi thái tử khỏi, tôi sẽ xin vào bái từ rồi về Sở.
Hơn nửa tháng, Hoàng yết đoán chắc thái tử ra khỏi cửa quan đã lâu, bèn vào yết vua Tần, đập đầu tạ tội rằng :
- Tôi sợ vua Sở mất đi, thái tử không được nối ngôi, nên đã tự tiện cho thái tử về. Nay thái tử đã ra khỏi cửa quan rồi, Yết này có tội khi quân, xin chịu tội chết.
Vua Tần cả giận nói rằng :
- Người Sở lại hay lừa dối như thế à ?
Bèn thét tả hữu bắt Hoàng Yết giam lại, sắp đem giết. Thừa tướng Phạm Chuy can rằng :
- Giết Hoàng Yết không thể bắt lại được thái tử nước Sở nữa, lại chỉ thêm mất lòng Sở. Chi bằng khen ngợi lòng trung của hắn, mà cho hắn về. Vua Sở mất, thái tử nối ngôi, Hoàng Yết tất làm tướng. Vua tôi Sở đều cảm ơn Tần, tất phải một lòng theo Tần.
Vua Tần lấy làm phải, bèn hậu đãi Hoàng Yết rồi cho về.
Hoàng Yết về Sở được ba tháng, vua Sở mất. Thái tử Hùng Hoàn lên ngôi, ấy là Khảo Liệt vương, cử thái phó Hoàng Yết làm thừa tướng, phong làm Xuân Thân quân. Bấy giờ Mạnh Thường quân dẫu mất rồi, nhưng Triệu có Bình Nguyên quân, Nguỵ có Tín Lăng quân, đều đua nhau nuôi kẻ sĩ. Hoàng Yết lấy làm hâm mộ, cũng thu dùng tân khách, trong nhà khách ăn thường đến vài nghìn người. Bình Nguyên quân thường sai sứ đến nhà Xuân Thân quân, Xuân Thân quân đãi vào bậc thượng xá. Sứ Triệu muốn khoe khoang với người Sở dùng đồi mồi làm trâm, dùng ngọc châu nạm vỏ gươm và vỏ đao. Khi thấy Xuân Thân quân có ba nghìn khách, thượng khách nhà Xuân Thân quân đều dùng minh châu làm giày đi, thì sứ Triệu cả thẹn. Xuân Thân quân dùng mưu của tân khách, phía bắc kiêm tính đất hai nước Trâu, Lỗ, dùng vị hiền sĩ là Tuân Khanh làm lệnh ở Lan Lãng, sửa lại chính sự, luyện tập quân sĩ, nước Sở lại cường thịnh.
Lại nói vua Tần đã kết giao với Tề, Sở, bèn sai đại tướng Vương Hạt đem quân đánh Hàn, lấy được thành Gỉa Vương, tướng giữ thành Thượng Đảng là Phùng Đinh liệu thế không giữ được, bèn đem thành Thượng Đảng dâng vua Triệu, để làm cho Tần giận Triệu, tất dời quân đánh Triệu, bấy giờ Triệu phải cùng Hàn hợp sức để chống Tần. Vua Triệu đêm nằm chiêm bao, thấy mình mặc áo mới hai sắc, có con rồng từ trên trời xuống, liền cỡi lên lưng, rồng lập tức bay đi, chưa đến trời thì ngã xuống, thấy hai bên có hai toà núi vàng, núi ngọc, ánh sáng loà cả mắt, tỉnh dậy, đòi quan đại phu là Triệu Vũ nói cho biết. Triệu Vũ thưa rằng :
- Áo hai sắc là tàn tệ, cưỡi rồng lên trời, chưa đến nơi mà ngã xuống là công việc giữa chừng sinh biến, có danh không thực; vàng ngọc thành núi chỉ trông thấy mà không dùng được, đó là giấc chiêm bao không tốt, nhà vua nên cẩn thận mới được.
Vua Triệu vì quá tin lời Triệu Vũ, nên không cho lời Cảm là phải. Sau đó ba ngày, bỗng thấy thái thú Thượng Đảng là Phùng Đinh, sai sứ đến dâng thư, đại ý nói Tần đánh Hàn gấp quá, thành Thượng Đảng sắp vào tay Tần, nhưng quan và dân chẳng muốn theo Tần mà muốn theo Triệu. Đinh không dám trái lòng quan và dân, xin đem mười bảy thành thuộc hạt, dâng lên vua Triệu, xin vua Triệu nhận cho. Vua Triệu cả mừng nói :
- Triệu Vũ nói ta có sự mừng rộng đất thêm của, ngày nay đã nghiệm rồi.
Bình Dương quân Triệu Bảo can rằng :
- Vô cớ mà được lợi, đó là cái hoạ xin nhà vua chớ nên nhận.
Vua Triệu nói :
- Người ta sợ Tần mà mến Triệu, cho nên theo về, sao lại bảo là vô cớ ?
Triệu Báo thưa rằng :
- Tần đánh đất Hàn, lấy thành Giã Vươg, tuyệt đường Thượng Đảng, không cho thông nha7, tự cho Thượng Đảng là vật ở trong tay, ngồi mà lấy được; nay đất ấy lại về Triệu, khi nào Tần chịu thôi. Tần thì ra sức cày mà Triệu được gặt lúa, vì thế nên tôi bảo là cái lợi vô cớ vậy. Vả Phùng Đinh không nộp đất cho Tần mà lại đem nộp cho Triệu, đó là gieo hoạ cho Triệu, để làm chậm sự nguy khốn cho Hàn, mưu ấy sao nhà vua lại không xét đến ?
Vua Triệu không cho là phải, lại đòi Bình Nguyên quân quyết đón xem nên thế nào. Bình Nguyên quân nói :
- Đem trăm vạn quân đến đánh nước người, qua năm nọ đến năm kia, chưa lấy được một thành, nay không phí một tên quân, một đấu lương mà được mười bảy thành, đó là mối lợi không gì bằng, đại vương chớ nên bỏ lỡ !
Vua Triệu cho là phải, bèn sai Bình Nguyên quân đem năm vạn quân đi đến Thượng Đảng nhận đất, phong cho Phùng Đinh ba vạn hộ, gọi là Hoa Lăng quân, vẫn giữ chức thái thú, mười bảy viên huyện lệnh đều phong ba nghìn hộ. Phùng Đinh đóng cửa mà khóc, không cùng Bình Nguyên quân giáp mặt. Bình Nguyên quân cố xin. Phùng Đinh nói :
- Tôi có ba điều bất nghĩa không thể tiếp kiến sứ giả được. Giữ đất cho chủ mà không giữ được, là một điều bất nghĩa; không do mệnh chủ mà tự tiện đem đất cho Triệu là hai điều bất nghĩa; bán đất của chủ mà được phú quí, là ba điều bất nghĩa.
Bình Nguyên quân khen là trung thần, đứng đợi ngoài cửa ba ngày không đi. Phùng Đinh cảm động bèn ra tiếp kiến, nhưng vẫn khóc không thôi, xin giao đất mà chọn dùng quan thái thú khác. Bình Nguyên quân hai ba lần an ủi rằng :
- Tâm sự ngài, Thắng này đã biết rõ. Nếu ngài không làm thái thú thì không phục được lòng dân.
Phùng Đinh bèn lại nhận chức thái thú như cũ, nhưng không chịu phong. Bình Nguyên quân sắp từ biệt, Phùng Đinh nói rằng :
- Tôi sở dĩ dâng thành Thượng Đảng cho Triệu là vì độc lực không thể chống được Tần, mong công tử về tâu vua Triệu, kíp cử danh tướng đem đại quân để chống Tần.
Bình Nguyên quân về. Vua Triệu đặt tiệc rượu mừng được đất, bàn việc ra quân, chưa quyết định. Đại tướng Tần là Vương Hạt tiến quân vây thành Thượng Đảng, Phùng Đinh cố giữ trong hai tháng mà viện binh Triệu vẫn chưa đến, bèn đem dân chạy sang Triệu. Bấy giờ vua Triệu cữ Liêm Pha làm thượng tướng đem hai vạn quân đi cứu Thượng Đảng, đi đến cửa ải Trương Bình thì gặp Phùng Đinh, mới biết là Thượng Đảng đã mất rồi, và quân Tần mỗi ngày một kéo đến gần. Liêm Pha liền dựng dinh đắp luỹ ở dưới núi Kim Môn, chia một vạn quân cho Phùng Đinh giữ thành Quang Lang. Hai vạn quân cho đô uý Cáp Phụ, Cáp Đông chia nhau thống suất, giữ hai mặt đông tây Chương Thành; lại sai tì tướng Triệu Giã đi dò quân Tần. Triệu Giả lĩnh năm nghìn quân bộ tiến ra ngoài cửa Trường Bình chừng hai mươi dặm, thì gặp tướng Tần là Tư Mã Ngạnh cũng vừa dẫn quân đến dọ thám. Triệu Gỉa khinh Tư Mã Ngạnh có ít quân, liền xông vào đánh, đang lúc đánh nhau, toán quân hộ tiễu thứ hai của Tần do Trương Đường thống suất lại kéo đến, Triệu Giả sợ hãi luống cuống, bị Tư Mã Ngạnh chém một đao chết ngay. Quân Triệu tan vỡ, bị giết rất nhiều. Liêm Pha nghe quân tuần tiễu bị thua, hạ lệnh cho các luỹ phải dụng tâm cố giữ, chớ đánh nhau với quân Tần, lại khiến quân lính đào đất sâu vài trượng để lấy nước, trong quân đều không hiểu ý ra thế nào. Đại quân Vương Hạt đã đến, cách núi Kim Môn mười dặm hạ trại, trước chia quân đánh Chương Thành, Cáp Phụ, Cáp Đông ra đánh đều bị thua vỡ. Vương Hạt thừa thắng đánh thành Quang Lang. Tư Mã Ngạnh hăng hái tranh lên trước, đại quân theo sau, Phùng Đinh lại thua chạy, chạy đến đại doanh núi Kim Môn, Liêm Pha cho vào. Quân Tần lại đến đánh luỹ. Liêm Pha truyền lệnh, hễ ai đánh, nếu được cũng chém. Vương Hạt đánh không được, bèn dời dinh trại đến gần, cách quân Triệu chỉ có năm dặm, khiêu chiến mấy lần, quân Triệu cũng không ra.
Vương Hạt nói :
- Liêm Pha là một vị lão tướng, hành quân trì trọng, chưa có thể đánh được.
Tì Tướng là Vương Lăng hiến kế rằng :
- Dưới núi Kim Môn có cái suối chảy gọi là Dương Cốc, quân Tần, Triệu đều phải lấy nướctừ tây chảy về đông nam, nếu đoạn tuyệt suối ấy, khiến nước không chảy về phía đông, thì quân Triệu không có nước uống, chỉ vài ngày tất sinh loạn. Nhân lúc quân họ loạn mà đánh thì thế nào cũng được. Vương Hạt cho là phải, sai quân lính đắp ngăn nước suối, không ngờ Liêm Pha đã cho đào hố lấy nước mạch từ trước, quân Triệu thừa nước uống. Tần, Triệu giữ nhau trong bốn tháng. Vương Hạt không được đánh một trận, không biết làm thế nào, sai người về tâu vua Tần. Vua Tần đòi Phạm Chuy vào bàn kế, Chuy nói :
- Liêm Pha là người từng trải, biết quân Tần thế mạnh nên không dám vội đánh, ý hắn cho rằng quân Tần đường xa không thể giữ lâu, muốn làm cho quân ta chán nản rồi mới thừa cơ ra đánh. Nếu không trừ được người ấy đi, thì không thể vào nước Triệu được.
Vua Tần hỏi :
- Thừa tướng có kế gì trừ bỏ Liêm Pha đi được không ?
Chuy đuổi tả hữu ra ngoài rồi nói rằng :
- Muốn trừ Liêm Pha, phải dùng kế phản gián, như thế, như thế...nhưng không bỏ ra nghìn vàng thì không xong.
Vua Tần cả mừng, bèn lấy nghìn vàng giao cho Phạm Chuy sai một môn khách tâm phúc theo đường tắt đi sang Hàm Đan, dùng nghìn vàng lễ đút các người tả hữu vua Triệu, lại nói rêu rao khắp nơi rằng tướng Triệu chỉ có Mã Phục quân là giỏi nhất, nghe đâu con trai là Triệu Quát lại giỏi hơn cha, nếu cho làm tướng thì không ai địch được. Liêm Pha già mà nhút nhát, đánh luôn đều thua, hại mất ba bốn vạn quân Triệu, nay bị quân Tần bức bách, chẳng bao lâu sẽ ra hàng.
Vua Triệu trước kia thấy bọn Triệu Gĩa bị giết, mất luôn ba thành, sai người đến Trường Binh giục Liêm Pha ra đánh, Liêm Pha cứ giữ cái mưu giữ vững đồn luỹ, không chịu ra đánh, vua Triệu đã ngờ là người nhút nhát, đến khi nghe lời phản gián ấy, tin ngay làm thực, bèn cho đòi Triệu Qúat vào hỏi rằng :
- Nhà ngươi có thể đánh được quân Tần không ?
Triệu Qúat nói :
- Nếu Tần sai Võ An quân làm tướng, tôi còn phải tốn công lo liệu, chứ như Vương Hạt thì không bỏ nói.
Vua Triệu hỏi :
- Sao lại nói thế ?
Triệu Quát nói :
- Võ An quân thường làm tướng quân Tần, trước đánh Hàn, Nguỵ ở Y Khuyết, chém hai mươi bốn vạn thủ cấp; sau lại đánh Nguỵ, lấy sáu mươi mốt thành lớn nhỏ; lại nam đánh Sở, lấy được Yên Dinh, định được Vu, Kiềm, rồi lại đánh Nguỵ, đuổi được Mang Mão, chém mười ba vạn thủ cấp; lại đánh Hàn, lấy năm thành chám năm vạn thủ cấp; lại chém tướng Triệu là Giả yến, đánh chìm hai vạn quân xuống sông, đánh đâu được đấy, uy danh lừng lẫy, quân lính đều khiếp sợ. Nếu tôi cùng hắn giao chiến, thì khó định được thua, cho nên còn phải tốn công lo liệu. Còn như Vương Hạt mới làm tướng Tần, nhân Liêm Pha nhất sợ, cho nên mới dám vào sâu. Nếu gặp hạ thần, thì sẽ như mùa thu gặp gió phải tan tác ngay.
Vua Triệu bằng lòng lắm, liền cử Triệu Quát làm thượng tướng, ban cho vàng lụa, sai cầm cờ tiết đến thay Liêm Pha, lại cấp thêm cho hai mươi vạn tinh binh nữa.
Triệu Qúat duyệt quân xong, chở vàng lụa về chào bà mẹ. Bà mẹ nói :
- Cha mày khi sắp mất, có dặn mày chớ nên làm tướng nước Triệu, sao mày không từ chối đi ?
Quát nói :
- Không phải là con không muốn từ chối, hiềm nỗi trong triều không có ai bằng Quát này cả.
Bà mẹ Quát liền dâng thư can vua Triệu rằng :
- Quát chỉ biết đọc sách của cha, không biết thông biến, đó không phải cái tài làm tướng, xin nhà vua chớ sai đi.
Vua Triệu cho đòi bà mẹ Qúat vào hỏi lại, bà thưa rằng :
- Cha Qúat là Triệu Xa làm tướng, được ban thưởng gì đều đem cho hết quân lính; ngày thụ mệnh liền ngủ ngay ở trong quân, không hỏi đến việc nhà; cùng quân lính đồng cam cộng khổ, mỗi việc đều hỏi ý mọi người, không dám tự chuyên. Nay Qúat mới được làm tướng, đã cậy mình mà ra uy, quân lính không dám trông mặt; vàng lụa vua cho, đều mang về nhà, làm tướng há nên như thế ? Khi cha Quát sắp mất có dặn tôi rằng : "Nếu Quát làm tướng thì tất có hại cho nước Triệu." Lời dặn ấy, tôi vẫn ghi nhớ trong lòng, xin nhà vua chọn vị lương tướng khác, chớ nên dùng Quát.
Vua Triệu nói :
- Ý quả nhân đã quyết rồi !
Bà mẹ Quát nói :
- Đại vương không nghe lời thần thiếp, nếu quân thua thì xin chớ bắt tội lây đến cả nhà thần thiếp !
Vua Triệu bằng lòng, Triệu Quát bèn dẫn quân đi.
Lại nói người môn khách của Phạm Chuy sai đi, bấy giờ vẫn ở Hàm Đan, dò biết những lời Triệu Quát nói với vua Triệu, và vua Triệu đã cử Quát làm đại tướng thay Liêm Pha, bèn luôn đêm chạy về Hàm Dương báo tin. Vua Tần nói với Phạm Chuy rằng :
- Nếu không phải là Võ An quân thì không làm xong việc này được.
Lập tức lại cử Bạch Khởi làm thượng tướng. Vương Hạt làm phó, truyền cho trong quân phải giữ bí mật việc ấy, nếu ai nói hớ ra ngoài thì bị chém ngay.
Lại nói Triệu Quát dẫn quân đến cửa Trường Bình, Liêm Pha xét nghiệm binh phù rồi đem số quân trao cho Quát, một mình dẫn một đội quân hơn trăm ngườiđi về Hàm Đan. Triệu Quát đổi hết các điều ước thúc của Liêm Pha, mà hợp các quân luỹ thành một đại binh. Phùng Đinh cố can nhưng Quát không nghe. Quát lại đem các tướng của mình thay cho các tướng cũ, truyền lệnh nếu quân Tần đến thì đều phải phấn dũng tranh đi trước, hễ đánh được thì phải lập tức đuổi theo, cốt khiến cho Tần không còn một tên quân nào trở về. Bạch Khởi đã vào trong quân Tần, nghe Triệu Quát thay đổi hết quân lệnh của Liêm Pha thì trước tiên sai ba nghìn quân ra khiêu chiến. Triệu Qúat đem vạn quân ra nghinh địch, quân Tần đại bại chạy về. Bạch Khởi lên trên cao đứng nhìn xem quân Triệu, bảo Vương Hạt rằng :
- Tôi đã có cách đánh được nó rồi !
Triệu Quát đánh được một trận, thì múa tay hoa chân, sai người đến dinh Tần hạ chiến thư. Bạch Khởi bảo Vương Hạt phê hôm sau quyết chiến, rồi lui quân mười dặm. Quát mừng rằng:
- Quân Tần sợ rồi !
Rồi mổ trâu cho quân lính ăn, truyền lệnh hôm sau đại chiến, định bắt sống Vương Hạt để cùng chư hầu làm câu chuyện buồn cười. Bạch Khởi đóng dinh xong rồi, họp cả chư tướng lại để nghe lệnh, sai Vương Bí, Vương Lăng đốc suất một vạn quân bày trận, lần lượt cùng Triệu Quát đánh nhau, chỉ cần thua không cần được, cốt dẫn quân Triệu đến đánh đồn Tần, đó tức là công. Lại sai Tư Mã Thác, Tư Mã Ngạnh mỗi người dẫn một vạn năm nghìn quân, theo đường tắt quanh đánh sau lưng quân Triệu, để tuyệt đường chở lương. Lại sai đại tướng Hồ Thương đóng đô nơi gần phía tả, chờ lúc quân Triệu mở đồn ra đuổi, quân Tần lập tức xông ra, cốt chặt quân Triệu làm hai đoạn. Lại sai đại tướng Mông Vụ, Vương Tiễn đều mang năm nghìn quân khinh kị, chực sẵn tiếp ứng. Bạch Khởi cùng Vương Hạt giữ vững đại dinh. Triệu Quát phân phó trong quân, canh tư thổi cơm, canh năm nai nịt, sáng rõ bày trận tiến lên. Đi chưa được năm dặm, thì gặp quân Tần, hai bên đối trận. Triệu Qúat sai tiên phong Phó Bảo ra đánh, tướng Tần là Vương Bí ứng chiến, chừng hơn hai mươi hiệp, Vương Bí thua chạy, Phó Bảo đuổi theo. Triệu Quát lại sai Vương Dung đem quân giúp sức, lại gặp tướng Tần là Vương Lăng, đánh qua vài hiệp. Vương Lăng lại thua chạy. Triệu Quát thấy quân Triệu được luôn, tự đem đại quân đuổi theo, Phùng Đinh lại can rằng :
- Quân Tần hay lừa dối, họ thua nhưng không thể tin được, nguyên soái chớ nên đuổi theo.
Triệu Qúat không nghe, đuổi theo hơn mười dặm, đến tận đồn Tần. Vương Bí, Vương Lăng quành dinh mà chạy. Đồn Tần không mở, Triệu Qúat truyền lệnh nhất tề đánh phá. Đánh luôn mấy ngày, quân Tần giữ vững không thể vào được. Triệu Quát sai người giục hậu quân dời dinh đều tiến, bỗng thấy tướng Triệu là Tô Kỵ phi ngựa đến báo rằng hậu doạnh đã bị tướng Tần là Hồ Thương dẫn quân xông ra ngăn chận không đi được. Triệu Quát cả giận nói rằng :
- Hồ Thương vô lễ như thế, ta phải thân đi !
Rồi sai người dò hành động của quân Tần, tin về báo rằng "phía tây quân mã rất đông, phía đông không có ai". Triệu Qúat hạ lệnh các quân theo đường phía đông mà đi, chưa được hai ba dặm, đại tướng Tần là Mông Vụ dẫn một đạo quân ở đường ngách xông ra, nói to lên rằng:
- Triệu Qúat ! Mày trúng kế của Võ An quân ta rồi, còn chưa chịu đầu hàng à ?
Triệu Quát cả giận giơ dáo chực đánh, tì tướng của Qúat là Vương Dung chạy ra nói rằng :
- Không phải nhọc đến nguyên soái, để tôi lập công !
Nói rồi ra đánh. Một đạo quân Vương Tiễn lại đến, quân Triệu chết hại rất nhiều, Triệu Quát liệu khó đánh được, bèn đánh chiêng thu quân, chọn chỗ có nước đóng dinh. Phùng Đinh lại can rằng :
- Quân khí cần phải hăng hái. Quân ta dẫu thua nhưng nếu cố đánhcòn có thể thoát về bản doanh, hợp sức cự địch, còn như an dinh ở đây, thì mặt trước mặt sau đều bị khốn, sau này không thể lại ra được.
Triệu Quát lại không nghe, sai quân đắp luỹ đài để cố giữ, một mặt phi tấu vua Triệu cầu viện, một mặt giục lấy lương thực hậu đội. Không ngờ đường chở lương đã bị Tư Mã Ngạnh dẫn quân chẹn giữ, đại quân Bạch Khởi chắn đằng trước, đại quân của Hồ Thương, Mông Vụ chẹn phía sau. Quân Tần mỗi ngày lại truyền đi cái tin Võ An quân làm tướng, chiêu Triệu Quát đầu hàng. Triệu Qúat bấy giờ mới biết Bạch Khởi thực ở trong quân, sợ quá chẳng còn hồn vía nào.
Lại nói vua Tần được Võ An quân báo tiệp, biết quân Triệu Quát bị khốn ở Trường Bình, liền thân đến Hà Nội, bắt những tráng đinh ở dân gian tuổi từ mười lăm, đều phải tòng quân, chia đường cướp lấy lương thảo của người Triệu, ngăn tuyệt quân cứu. Triệu Quát bị Tần vây khốn bốn mươi sáu ngày, trong quân không lương, quân lính giết nhau để ăn. Triệu Qúat bèn đem quân tướng chia làm bốn đội. Phó Báo dẫn một đội theo phía đông, Tô Xạ dẫn một đội theo phía tây, Phùng Đinh dẫn một đội theo phía nam, Vương Dung theo phía bắc, đều đánh trống xông ra, nếu một đội đánh thủng được,thì Triệu Quát mang quân ba đội kia đều chạy. Không ngờ Võ An quân Bạch Khởi lại tuyển sẵn những quân bắn giỏi mai phục chung quanh luỹ quân Triệu, phàm gặp quân Triệu ở trong luỹ đi ra, bất cứ quân tướng đều bắn chết. Quân mã bốn đội xông ra bốn lần đều bị bắn riết, phải quay lại cả. Lại hơn một tháng, Triệu Qúat căm giận quá, chọn kỹ năm nghìn tinh binh, đều mặc giáp nặng, cưỡi ngựa khoẻ, Triệu Quát cầm kích đi trước, Phó Báo, Vương Dung theo riết ở phía sau, liền xông vòng vây để ra. Vương Tiễn, Mông Vụ đều đem quân xông đến. Triệu Quát cố đánh vài hiệp không sao lọt ra được, lại muốn quay về Trường Bình, nhưng ngựa quỵ chân ngã xuống đất, trúng tên mà chết, Tô Xạ dẫn Phùng Đinh cùng chạy, Phùng Đinh nói :
- Tôi ba lần can mà Triệu Qúat không nghe, nay đến thế này, thực là trời bắt thế, còn trốn đi đâu !
Nói xong, tự đâm cổ mà chết. Còn Tô Xạ chạy thoát đi sang đất Hồ. Bạch Khởi sai dựng cờ chiêu hàng, quân Triệu đều bỏ đồ binh, cởi áo giáp hô vạn tuế. Bạch Khởi sai người giơ cao đầu Triệu Quát, đi đến dinh Triệu chiêu hàng, trong dinh còn hơn hai mươi vạn quân, nghe chủ soái bị giết, không ai dám ra đánh cả, cùng đều xin đầu hàng, giáp trụ khí giới chồng chất như núi, các xe ngựa ở trong dinh đều về tay quân Tần cả. Bạch Khởi tâu với Vương Hạt rằng :
- Trước đây quân Tần đã lấy được hai thành Gỉa Vương, Thương Đảng, dân ở đó không chịu theo Tần mà theo Triệu. Nay quân Triệu đầu hàng, trưóoc sau tổng cộng gần bốn mươi vạn người, nếu lỡ ra chúng nó lại sinh biến, thì phòng giữ làm sao được ?
Rồi đem hàng tốt chia làm mười doanh, sai mươi viên tướng thống suất, hợp với hai mươi vạn quân Tần, đều cho trâu rượu, ăn uống và nói rằng ngày mai Võ An quân sẽ lựa chọn quân Triệu, người nào khoẻ mạnh đánh trận được, thì cấp cho khí giới và đem về nước Tần sai dụng, còn người già yếu hay nhát sợ đều cho về Triệu. Quân Triệu cả mừng. Đêm ấy, Võ An quân truyền mật lệnh cho mười viên tướng rằng : "Quân Tần đều dùng vải trắng phủ đầu, nếu đầu không có vải trắng, thì tức là quân Triệu, đều phải giết đi". Quân Tần theo lệnh, cùng ra tay một lúc. Hàng tốt nước Triệu vì không biết có lệnh ấy, lại không có khí giới, nên đều bó tay chịu chết; có những người trốn ra khỏi cửa dinh, lại bị Mông Vụ, Vương Tiễn dẫn quân đi tuần bắt được giết ngay. Bốn mươi vạn quân Triệu trong một đêm đều bị chém chết cả. Võ An quân thu nhặt những đầu lâu quân Triệu, chất đống ở trong luỹ Tần, gọi là núi Đầu Lâu. Tính ra trong trận Trương Bình, trước sau quân Tần hoặc chém hoặc bắt cộng bốn mươi nhăm vạn quân Triệu, kể cả những quân Triệu đầu hàng Vương Hạt trước, đều bị giết sạch cả, chỉ còn hai trăm bốn mươi người ít tuổi được thả về Hàm Đan để tuyên dương cái oai của nước Tần.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.