Đừng Học Tiến Sĩ, Sẽ Hết Độc Thân

Chương 24: Mất đi rồi không nhất thiết sẽ lấy lại được




Thợ gõ: Dờ
Tòa nhà khoa Toán có hình chữ L với mái trắng tường đỏ. Trước tòa nhà là một bụi cây xanh um, hai bên bụi cây được dựng hàng rào, độ cao vừa đủ để che khuất tầng một.
Văn phòng của Biên Thành ở phía Đông của tầng bốn. Tòa nhà khoa Toán học có lịch sử lâu đời, lại chỉ có bốn tầng nên không được lắp đặt thang máy, những giáo sư còn trẻ tuổi sẽ được sắp xếp văn phòng ở trên cao.
Học sinh hẹn gặp đã đứng trước cửa, cậu ta đang cúi đầu chọc tay lên màn hình điện thoại. Nghe thấy tiếng bước chân, cậu ta cất điện thoại và gật đầu chào: "Thầy ạ."
Đó là Thẩm Lưu Xuyên, học sinh mà Biên Thành khen ngợi nhiều nhất của khóa này.
Biên Thành mở cửa văn phòng rồi bảo cậu ta đi vào. Phía trong cùng của văn phòng là một chiếc bàn màu nâu nhạt, tường phía bên trái dựng một tấm bảng trắng rất lớn, bên phải là một chiếc tủ đầy ắp sách vở và bản thảo. Thẩm Lưu Xuyên ngồi xuống chiếc ghế phía trước bàn.
"Tôi đã xem đại cương của cậu rồi," Biên Thành hỏi: "Cậu muốn sử dụng phương pháp phân tích phi cổ điển Berkovich để chứng minh một biến thể của giả thuyết cấu trúc Frobenius. Tại sao không sử dụng thuật toán Kontsevich - Soibelman?"
"Thuật toán K-S khó có thể được lý giải theo khái niệm hình học. Mô tả cấu trúc Frobenius và đối xứng gương đại số từ góc độ hình học có thể mang lại kết cấu trực quan hơn, đồng thời tránh được vấn đề tính toán phức tạp cần thiết khi xây dựng một biểu đồ tán xạ."
Biên Thành trầm ngâm nhìn đề tài luận văn tốt nghiệp được in ra ở trên bàn.
"Giáo sư thấy ý tưởng này không ổn ạ?"
Biên Thành im lặng một lát rồi mỉm cười: "Không phải," Anh buông bản thảo xuống, "Tôi rất ít khí thấy sinh viên nào dám chọn một đề tài phức tạp như thế này."
Thẩm Lưu Xuyên thở phào nhẹ nhõm rồi cũng mỉm cười: "Buổi họp tuần trước được nghe một đàn anh giảng về logarit afin nên tự dưng có ý tưởng."
"Tôi rất mong chờ," Biên Thành nói: "Nếu như kết quả tốt, biết đâu có thể được đăng lên Journal of Algebraic Geometry."
"Thế thì em không dám mơ," Thẩm Lưu Xuyên nói: "Đáng tiếc là không viết ra sớm hơn, nếu không lúc nộp còn có thể viết thêm một bài nữa."
Biên Thành nhớ rằng ngày hôm qua Thẩm Lưu Xuyên liên lạc với anh là vì chuyện thư giới thiệu, "Hiện tại cậu đã nộp đơn vào những trường nào rồi?"
"Ivy League đều nộp hết," Thẩm Lưu Xuyên đáp: "Cũng rải hồ sơ cho mấy trường ở Anh và Đức."
"Kollar là giáo sư của tôi ở Princeton, hướng nghiên cứu của ông ấy rất giống cậu," Biên Thành nói, "Nếu cậu quan tâm, tôi có thể liên hệ với ông ấy."
Thẩm Lưu Xuyên hơi khó xử, điều này thật là kỳ lạ. Kollar là một bậc thầy đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực Hình học Đại số, cơ hội ngàn năm có một, không có phản ứng gì cũng được thôi, nhưng sao lại tỏ ra khó xử như vậy?
“Em đã nộp đơn xin chuyển sang CS.” Thẩm Lưu Xuyên nói.
Biên Thành im lặng một lúc rồi nói: "Vậy sao."
"Chuyên ngành phụ của em là khoa học máy tính."
Không phải một nửa, mà là hai phần ba sinh viên khoa toán của Đại học T sẽ học văn bằng hai là khoa học máy tính hoặc tài chính.
“Đàn anh khóa trên đã nộp trước nói rằng bên đó rất coi trọng Toán học, thư giới thiệu của thầy là điểm cộng,” Thẩm Lưu Xuyên nói, “Cho nên em muốn làm phiền thầy.”
99% thư giới thiệu của các giáo sư Trung Quốc đều do sinh viên tự viết, nhưng Biên Thành không làm vậy. Anh vẫn giữ thói quen từ thời còn học ở Princeton là thư giới thiệu phải tự mình viết cho sinh viên. Thư giới thiệu anh viết cực kỳ nghiêm túc, có nội dung rõ ràng, chi tiết, chân thành đồng thời vẫn rất có cá tính. Chỉ cần ứng viên có ưu điểm gì thì Biên Thành sẽ viết ra bằng hết. Danh tiếng quốc tế của Biên Thành rất lớn, nếu sinh viên có đủ tự tin vào kỹ năng của mình, có đủ can đảm - hoặc là một người yêu thích mạo hiểm - thì sẽ nhờ anh viết thư giới thiệu.
"Cậu rất có năng khiếu về Toán học," Biên Thành nói: "Thật sự không muốn nghiên cứu chuyên sâu? Cậu muốn vào nhóm nào, tôi sẽ giúp cậu hết sức."
Thẩm Lưu Xuyên gãi đầu: "Em vẫn muốn chuyển ngành, chỉ học mỗi lý thuyết Toán học thì ở lại trong nước không có tương lai..." Cậu ta ngập ngừng một lát, nói: "Em không có ý gì cả..."
"Tôi hiểu," Biên Thành nói: "Lúc nào thư tới nơi thì báo cho tôi một tiếng."
"Vâng ạ." Thẩm Lưu Xuyên lưỡng lự một lát rồi nói: "Em vẫn rất thích Toán học."
"Tôi biết." Biên Thành đáp.
Vài năm trở lại đây, những tài năng trẻ mà anh coi trọng đều đã chuyển sang ngành quản lý kinh tế, khoa học máy tính hoặc các nhóm liên ngành. Trong số những thiếu niên cùng tham gia đội tuyển quốc gia IMO năm ấy, giờ đây chỉ còn anh là người duy nhất vẫn nghiên cứu Toán học thuần túy.
Thẩm Lưu Xuyên cảm ơn rồi đứng dậy rời đi, đột nhiên nhớ ra điều gì đó: “Thầy."
"Sao vậy?"
"Chiếc cốc kia," Cậu ta chỉ vào cái cốc sứ trên bàn: "Hình như phải là Topologist mới đúng chứ ạ."
Biên Thành xoay cái cốc nửa vòng để dòng chữ đối diện với mình: "Tôi biết."
Thẩm Lưu Xuyên lại chào tạm biệt. Khi đi đến cửa, cậu ta tình cờ gặp phó giáo sư Uông dạy môn Lý thuyết nhóm ở cách vách. Thẩm Lưu Xuyên cất tiếng chào hỏi, giáo sư Uông dường như nhớ mặt cậu học trò này nên hàn huyên mấy câu.
Sau khi học sinh rời đi, giáo sư Uông đứng ở cửa và gõ mấy cái vào cánh cửa. Anh ta và Biên Thành đều vào trường từ đợt giới thiệu nhân tài nước ngoài, khá là thân quen với nhau. Trong cả khoa Toán, anh ta là người duy nhất sẵn lòng đến thăm văn phòng của Biên Thành.
Biên Thành ngẩng đầu lên khỏi máy tính.
"Lại chạy mất một đứa rồi à?" Giáo sư Uông hỏi.
Biên Thành gật đầu.
"Khoa chúng ta là trạm trung chuyển hay sao vậy? Chuyên tìm kiếm nhân tài cho ngành khác?" Giáo sư Uông than thở: "Ai gieo rắc ý nghĩ ấy vào đầu bọn nhóc không biết nữa, học cho cố rồi chuyển ngành. Lũ lượt vào đây rồi lại kéo nhau đi hết."
"Tình hình chung quá khó khăn, cũng không trách mấy đứa nhỏ được."
Giáo sư Uông lắc đầu: "Thầy tử tế với học sinh hơn với trưởng khoa nhiều quá.”
Đó là điều đương nhiên. Nghiên cứu Toán học thuần túy không được khoa coi trọng, nếu có nhân tài thì giữ được đứa nào hay đứa nấy, coi như bảo vật quý hiếm mà cung phụng.
"Lần trước ở buổi bảo vệ luận văn lên phó cao cấp, giám đốc Trần đã phím trước rồi mà thầy vẫn bỏ phiếu phản đối, làm cho học trò của người ta bị đánh trượt, có vẻ như ông ta bực lắm đấy."
“Trợ lý nghiên cứu còn lại có trình độ cao hơn,” Biên Thành nói, “Phương hướng nghiên cứu của người kia chỉ dễ viết luận văn hơn thôi."
“Lần trước giáo sư Lưu nộp đơn xin vào Quỹ Khoa học Tự nhiên, khoa mình tổ chức thi bảo vệ thử, thầy bảo ông ta dài dòng văn tự, trình bày không có mỹ quan, chuỗi logic lộn xộn như một mớ Tô pô thắt nút."
“Những gì ông ta viết đúng là vừa vô nghĩa vừa dài dòng."
"Tôi mong chờ đến buổi bảo vệ lên chính thức quá." Chỉ tưởng tượng ra cảnh ấy thôi mà giáo sư Uông đã chà xát tay, "Tôi xem bọn họ thẩm vấn hỏi tội thầy thế nào."
Trường có hệ thống dạy sinh viên và hệ thống dạy nghiên cứu sinh: Phó nghiên cứu viên, phó giáo sư là bậc “phó cao cấp”, nghiên cứu viên và giáo sư chính thức là bậc “cao cấp chính thức”. Việc thăng chức cho mỗi chức vụ phải được quyết định bằng biểu quyết của toàn thể giảng viên trong khoa Toán. Muốn được thăng chức thì phải có được phiếu thuận của tất cả mọi người - tất cả.
Biên Thành nói: "Một đám ăn không ngồi rồi mấy năm không có kết quả, hút máu học sinh để tăng hệ số tác động, đến cả định lý Riemann-Loch cũng quên mà lại dám hỏi tội tôi?" [1]
[1] Hệ số tác động (Impact factor - IF) của một tạp chí khoa học là tần số trích dẫn (citation) trung bình của các bài báo khoa học sau khi đã công bố trong vòng hai năm liên tiếp gần nhất trên tạp chí đó.
Giáo sư Uông tặc lưỡi: "Tốt lắm, lúc bảo vệ thầy cứ nói y như thế cho tôi."
Biên Thành phớt lờ vẻ phấn khích của anh ta, lại nhìn vào màn hình máy tính. Chức danh giảng dạy gần như là cố định, các giáo sư cao tuổi hiện tại còn lâu mới đến tuổi về hưu, cho dù có nghỉ hưu thì ở đây cũng ưu tiên thâm niên để cất nhắc nên không bao giờ đến lượt anh. Cái viễn cảnh biểu quyết ấy ít nhất vài năm nữa mới xảy ra.
Giáo sư Uông nghĩ tới cậu sinh viên bước ra khỏi văn phòng Biên Thành và chào hỏi mình, chợt nhớ ra điều gì đó: “Học sinh vừa rồi tên là Thẩm Lưu Xuyên phải không?”
“Đúng vậy,” Biên Thành nói, “Giành học bổng đặc biệt năm ngoái."
"Vừa nhìn đã biết là một học sinh khó nhằn rồi, cậu chàng luôn hỏi tôi những câu hóc búa trong tiết Lý thuyết nhóm." Giáo sư Uông nói: "Thầy biết không, năm ngoái lúc đánh giá giảng dạy, chính cậu học sinh đó đã cho thầy 1 điểm đấy."
Tay của Biên Thành khựng lại.
Cuối mỗi học kỳ, sinh viên sẽ đánh giá và nhận xét về chương trình học mà mình tham gia. Điểm cao nhất là 7, điểm thấp nhất là 1. Nếu điểm giảng dạy quá thấp thì phòng giáo vụ sẽ thông báo phê bình và cho mời giáo viên lên để nói chuyện. Biên Thành luôn chấm điểm nghiêm ngặt theo quy định của trường, chỉ có 10% là điểm A, không quá nghiêm khắc mà cũng không quá nới tay. Giảng dạy là một mắt xích quan trọng trong việc nuôi dưỡng tài năng Toán học tương lai, anh luôn coi trọng điều này. Giáo trình, đề thi và tài liệu tham khảo đều được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Tuy học sinh thích lười biếng trong giờ học nhưng cũng dễ dàng cảm nhận được thầy cô có tận tâm và nghiêm túc hay không. Vì độ khó cao nên lớp của Biên Thành không có nhiều người đăng ký, nhưng cũng chưa từng có học sinh nào chấm anh 1 điểm.
Xem ra học trò yêu thích của anh không hề đồng tình với phương pháp giảng dạy của anh.
"Đánh giá giảng dạy là ẩn danh mà?" Biên Thành hỏi.
Giáo sư Uông nở nụ cười đầy hàm ý: "Chỉ cần tìm đúng người thì sẽ biết được thôi."
Biên Thành không nhận xét gì về hành vi này. Nếu như không ẩn danh thì việc đánh giá giảng dạy cũng không còn ý nghĩa.
"Cậu học sinh đó muốn thầy viết thư giới thiệu?" Giáo sư Uông thở dài: "To gan thật đấy."
Biên Thành im lặng một lúc rồi nhún vai: "Nhưng cậu ta có năng khiếu Toán học là sự thật."
Giáo sư Uông than vãn xong thì đi mất.
Biên Thành trả lời mail xong, anh lấy ra một bản thảo của học sinh viết cách đây vài ngày về các biến thể bất biến cấp cao, chỉnh sửa được một nửa thì điện thoại của anh đột nhiên rung lên.
Biên Thành liếc nhìn và thấy một dãy số quen thuộc.
Anh thở dài, độ dài của hơi thở này phải bằng mấy năm tổ chức biện luận cộng lại. Anh bấm chuột trên màn hình, cuối cùng vẫn nghe máy: "Bố."
Bên kia ngập ngừng một lát rồi hỏi: "Bận không?"
"Vẫn ổn," Biên Thành nói: "Có chuyện gì không bố?"
"Thứ Bảy bố có buổi họp lớp đại học, cách trường đại học T không xa. Năm nay đúng dịp kỷ niệm 35 năm, cũng tính là năm tròn nên rất nhiều bạn học cũ mang con cái đến, chắc chắn Tiểu Tống cũng sẽ đến. Con rảnh không? Nếu không bận việc gì thì đi một chuyến."
“Để con xem đã,” Biên Thành mở bản ghi nhớ ra, “Cuối tuần này hơi bận.”
"Được rồi, con sắp xếp đi." Bên kia nói: "Nếu thực sự không có thời gian thì thôi vậy."
Lời nói thật khẩn thiết khiến người ta chẳng thể từ chối. Mấy năm nay, không biết từ lúc nào mà quan hệ của hai bố con lại biến thành như vậy: Cảm ơn, xin lỗi, không sao.
"Con sẽ cố gắng."
Bên kia im lặng. Mấy giây tĩnh lặng này như kéo dài vô tận, phóng đại nhịp tim trong lồng ngực. "Được rồi," Bên kia nói xong lại tiếp tục chìm vào im lặng, một lát sau mới hỏi: "Thằng bé đang ở cùng con?"
"Đương nhiên."
"Nếu..."
"Yên tâm," Biên Thành nói: "Con sẽ không đưa thằng bé đến buổi họp lớp đâu."

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.