Gả Cho Nam Nhân Bệnh Lại Là Phúc Của Ta

Chương 11: Trái tim của quan ông - Gia đấu đến rồi đây




Những ngày sau đó, quan ông thường xuyên đến chỗ của chúng ta, lần nào cũng đều nghỉ lại. Kì thực, ông không phải là kẻ đam mê tửu sắc, xấu xa, bỉ ổi gì, chỉ là ông quá đa tình. Đối với bà cả là cha mẹ quyết định, đối với dì Nga là vì tình xưa nghĩa cũ, với mẹ ta là vì ngưỡng mộ tài nữ, với dì Hằng là thương hoa tiếc ngọc. Đối với các bà chưa từng quá tệ bạc, mẹ ta trước kia không được yêu thích, một tháng ông vẫn đến 1-2 lần, trò chuyện hỏi han. Các bà đều là do ông cưới hỏi đàng hoàng, ông càng không có chuyện ngủ với con hầu, bao nuôi kĩ nữ. Trong đường công danh đều khiêm tốn, thật thà, biết nhờ vã nhưng không luồn cúi, có thể tạm gọi là thanh liêm.
Trong ba bà vợ lẽ, chỉ có mẹ ta là ông ngưỡng mộ, dùng mọi cách cưới về. Bởi vì quan ông là một kẻ yêu thích văn thơ, đối ẩm. Mẹ ta đối với ông, có thể gọi là tri âm, tâm hồn đồng điệu. Mỗi lần ông sang phòng, mẹ ta và ông đều cùng nhau đối thơ, vẽ tranh, bình luận chuyện đời. Người mẹ này của ta, từ ngày hôm đó, tinh thần liền trở nên tươi tắn, thoát được mai rùa nặng nề kia với bà là cả một bước ngoặc lớn. Bà không ngừng chăm sóc cơ thể, bồi bổ bản thân. Đối với việc cha ta đến phòng, bà chưa từng đòi hỏi, ông đến bà liền tận tâm hầu hạ, chưa từng hỏi những việc đi quá bổn phận, ấy là chỗ cao minh của bà. So với người phụ nữ hệt tàn liễu rũ trước kia, mẹ ta bây giờ chính là một bông sen buổi sớm.
- Ông đợi em một lát, em đem nước cho ông rửa chân
- Sao nàng không gọi đầy tớ đem vào, lại tự mình đi lấy
- Ông thông cảm, chỗ em không có mấy người hầu, một đứa để bên thằng Khải, một đứa để bên cái Mai, đứa giữ bên mình em hôm nay lại bệnh, không tiện hầu hạ.
Quan ông ngồi trầm ngâm một lát, nhìn người phụ nữ đang dịu dàng xoa bóp cho mình. Ông thầm cảm phục, nàng chưa từng than vãn với ông một lời, chưa từng khiến ông khó xử. Nhìn quanh một vòng phòng dì Hoa, bày trí đơn giản, trang trí đơn sơ, không hề giống phụ nữ nhà quyền quý, nhưng lại có nét tao nhã, thoải mái. Nhớ lại ngày xưa, ông đến chơi làng Hạ, nhìn thấy một tốp con gái đứng dưới mái đình trú mưa, có một nàng mặc áo tứ thân màu đỏ thắm, đưa tay đón những giọt nước, đôi mắt trong veo, sinh động. Hỏi thăm mới biết, nàng là Thị Hoa, là con một ông đồ già, thi thư lễ nghĩa chu toàn. Quan ông đọc một bài thơ của nàng, càng đem lòng yêu mến. Chi ra một số bạc, rước được nàng về phủ, lòng ông vui khôn xiếc. Đêm đêm cùng tri âm, ngâm thơ, đối chữ, vẽ tranh, ngày tháng thật êm đẹp. Rồi nàng có mang, đôi uyên ương trẻ mong chờ giọt máu của mình được ra đời. Nào ngờ nàng sảy thai, ông cũng đau buồn lắm chứ, nhưng mỗi khi nhìn thấy nàng tiều tụy, nước mắt chan cơm, ông lại thấy tội lỗi. Cảm giác giống như ngươi đem một đóa hoa sen về nhà, hứa cho đóa hoa khoe sắc ngát hương nhưng chẳng bao lâu lại khiến nó héo úa, u sầu. Ông chăm sóc, an ủi cho nàng, thời gian sau nàng lại có mang, sinh được đứa con liền liều mạng bảo vệ, bao bọc lo sợ. Vẻ khúm núm sợ sệt đó, càng làm ông chán nản.
- Ngày mai nàng sang bà cả, nói bà thu xếp cho thêm mấy đứa hầu được việc. Con càng ngày càng lớn, nàng không nên vất vả nhiều.
Đêm khuya tịch mịch, quan ông đã sớm buông mành đi ngủ. Bỗng có tiếng gõ cửa phòng khô khốc vang lên
- Chuyện gì?
- Bẩm ông, dì Hằng nói cô Chi sốt cao, mời ông qua đó ạ - tên hầu nói vọng vào từ cửa
- Sốt thì mời thầy lang, gọi ta làm gì? - Đang say giấc bị đánh thức, quan ông không khỏi khó chịu
- Dạ, dì nói cô Chi khóc quấy, đòi gặp ông ạ!
- Ông cứ đi đi, con cái vẫn là quan trọng nhất, xem xem cái Chi thế nào, em đợi ông về! - mẹ ta ngước nhìn ông ngọt ngào như mật, rồi lại xoay người giúp ông khoác áo.
Ông nắm tay mẹ ta, ngâm trầm nói
- Nàng đợi ta đi một lát sẽ về.
Đêm hôm đó, vầng trăng bị mây mờ che phủ, dế kêu râm rang ngoài cửa sổ, nàng Thị Hoa nữ sĩ chong đèn, đợi người không thấy quay về.
Sáng ngày hè, mặt trời lên sớm, không khí oi ả luồn lách khắp phòng. Hôm nay không phải đi học, ta liền làm một chiếc khăn vấn tóc thêu mây cho cha, dù sao nhờ ơn ông ấy, dạo này mọi chuyện đều tốt hơn hẳn. Bà Dung-người hầu bên gối của quan bà gõ cửa, dắt theo năm đứa bé gái đến phòng ta.
- Cô Mai, quan ông có căn dặn bà mua cho chỗ cô thêm mấy đứa đầy tớ, ở đây tôi chọn được năm đứa nhanh nhẹn, cô tự mình chọn lấy hai đứa hầu hạ bên mình, ba đứa còn lại thì cho làm việc vặt bên ngoài.
Ta nhìn năm đứa con gái, lớn nhất khoảng mười tuổi, nhỏ nhất khoảng tám tuổi, mặt mày đen đúa, bận áo đay chắp vá.
- Ta cảm ơn bà, bà ngồi xuống uống tách trà, đợi ta một tí, không phiền bà chứ?
- Không không, tôi đứng đợi được rồi, tôi tớ sao dám ngang hàng với cô chủ.
- Đừng khách sáo, bà là quản gia bên cạnh quan bà, sao tôi dám bạc đãi, bà ngồi xuống đi! - Ta đi đến ấn bà Dung ngồi xuống, bà ta thấy ta nhiệt tình, liền không khách sáo nữa.
Ta ngước nhìn đám hầu mới một lượt, cất tiếng nói
- Các chị nói ta nghe tên tuổi, vì sao mà bị bán đến đây, biết làm những gì!
Đứa lớn nhất tiến lên, không chút e dè. Nó tuy đen, nhưng mặt mày thanh tú, đôi mắt linh động, từ lúc vào cửa đã ngó ngó nghiêng nghiêng
- Tôi tên là Mai, năm nay mười một tuổi, cha mất nên bị dì ghẻ bán đi. Tôi biết chữ, biết may vá, tính toán.
Đứa bên cạnh tiếp lời
- Dạ, em là Na, năm nay chín tuổi, nhà nghèo nên cha bán em đi, em không biết chữ, nhưng em không ngại khổ, việc gì em cũng làm được.
- Em là Mót, năm nay mười tuổi, là trẻ mồ côi, em cũng không biết chữ, em có thể gánh nước chẻ củi, gì cũng làm miễn có cái ăn.
- Em là Bừa, năm nay tám tuổi, cha em là tá điền của quan, nhà thiếu ăn nên cha kêu em đến làm việc, em biết được chút chữ, biết may vá, thêu thùa, nấu cơm, dọn dẹp.
- Em là Tôm, năm nay chín tuổi, nhà đông con nên cho em đi làm đầy tớ, em biết làm việc nhà.
Ta nghĩ một lúc, sau đó chỉ vào con Na và con Bừa, nói
- Hai chị đến hầu ta, ba người con lại chia ra làm việc vặt, vú Khoai đi chợ về sẽ giao việc cho các người.
Cô ả tên Mai có vẻ không phục, bước lên phía trước, định đôi co vài câu liền bị bà Dung trừng mắt, co rúm lui xuống.
- Cô đổi tên cho chúng đi, con kia trùng tên cô nên đổi, đổi luôn cho con Lúa đi, tên quê mùa thế này, không hợp nhà quan.
Ta gật đầu với bà, quay sang đám hầu mới, nghĩ một lúc thì bắt đầu đặt tên
- Ta tên Mai vậy nên đổi cho các chị thành tên các loài hoa nhé! Chị Na đổi thành Huệ, Bừa đổi thành Cúc, Mót gọi là Lan, Tôm đổi thành Sen, chị Mai đổi tên thành Đào. Các chị thấy thế nào? - Bọn họ đồng loại gật đầu, sau ta quay sang con hầu Lúa - chị đổi thành Hồng nhé!
Đợi mọi việc xong xuôi, bà Dung đứng lên hành lễ, dặn dò bọn họ đôi ba quy tắc trong phủ rồi lui ra.
Buổi trưa, quan ông ghé sang chỗ chúng ta dùng cơm. Nhờ phước của ông, bữa cơm hàng ngày cải thiện rõ rệt, khẩu vị của ta cũng tốt hẳn. Mới một tháng, đã bị nuôi thành dáng vẻ mập mạp, trắng hồng.
- Mẹ đêm qua ngủ quên tắt đèn ạ? Con đi nhà xí, nhìn thấy canh ba rồi, đèn vẫn còn sáng!
Ta gắp cho bà một miếng thịt kho, tròn mặt hỏi. Bà nhìn ta, rồi lại nhìn sang quan ông, ấp úng bảo rằng quên. Ông ngừng đũa nhìn mẹ ta, mắt chứa đầy thâm tình. Có lẽ vì thấy có lỗi, đêm đó ông lại đến, thưởng cho ta một cuốn truyện tiếu lâm cùng một bát chè sen ướp lạnh, trò chuyện đôi câu, ta liền bị bà vú đưa về phòng. Đến khuya, dì Hằng lại cho người sang gọi ông bảo lồng ngực dì ta không ổn, hơi thở phập phồng. Bà mẹ cao minh của ta đứng dậy, khoác áo, bẽn lẽn thưa rằng “chỗ chị em, có những bệnh em hiểu hơn ông, hay là để em qua coi cho em ấy, ông cứ ngủ sớm, mai có sức đến công đường”. Thế là quan ông cảm động nhìn bà, sau đó hạ lưng lại xuống giường. Mẹ ta vừa đi đến cửa viện, bên kia đã bảo ngực không còn khó chịu nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.