Ngày đầu tiên khai giảng, bạn cùng phòng đã đá lật đôi giày thêu hoa màu đỏ của tôi.
Cô ta chế nhạo: "Đã thời đại nào rồi, mà cậu vẫn còn ở đây bó chân chứ?"
Tôi cười lạnh: "Đây là đôi giày dùng để dẫn tổ tiên của cậu đi vào địa phủ, mình khuyên cậu nên nhanh chóng quỳ xuống nhận lỗi với nó."
Bạn cùng phòng cười ngặt nghẽo, nhấc một chiếc giày lên rồi ném ra ngoài cửa sổ: "Được thôi, để tổ tiên của tôi đến tìm tôi xem nào."
1.
Tôi tên là Lạc Vô Song.
18 tuổi, là sinh viên năm nhất, cũng là con cháu đời thứ 28 của nhà họ Lạc làm nghề dẫn hồn.
Công việc chính của tôi hàng ngày là dẫn các linh hồn đến gặp Mạnh Bà uống canh.
Và tôi có thể vào địa phủ là nhờ đôi giày thêu hoa đỏ truyền từ đời này sang đời khác.
Chỉ có điều đôi giày này rất đặc biệt.
Người không làm nghề dẫn hồn thì không được chạm vào.
Vì vậy trước ngày khai giảng, ông nội tôi đã dặn dò kỹ lưỡng: "Người sống không được chạm vào đôi giày này, bằng không sẽ bị phản phệ, con nhớ giữ kỹ..."
Nói xong, ông còn lấy ra một chiếc hộp gỗ cổ xưa, cẩn thận đựng đôi giày thêu hoa của tôi vào.
2.
Khi tôi cầm chiếc hộp gỗ vào phòng ký túc xá, các bạn cùng phòng đang tụ tập chia nhau các món đặc sản.
Căn phòng náo nhiệt bỗng chốc trở nên lạnh lẽo.
Các bạn cùng phòng đều nhìn về phía Triệu Oánh.
Tôi cũng đứng tại chỗ có chút lúng túng.
Không ngờ rằng áo phông trắng đơn giản và váy bò dài lại khiến chúng tôi đụng hàng với nhau.
Điều khiến người ta khó xử hơn nữa là...
Triệu Oánh mập hơn tôi ba, bốn lần.
Quần áo mặc trên người tôi thì tràn đầy vẻ thanh xuân tươi trẻ, nhưng mặc trên người cô ta lại trông nặng nề và cồng kềnh.
Tôi rõ ràng cảm nhận được sự không vui của cô ta.
Cô ta liếc nhìn tôi từ trên xuống dưới, cuối cùng ánh mắt dừng lại trên chiếc hộp gỗ của tôi.
Cô ta khinh miệt cười nhạt: "Đồ quê mùa. Thời đại nào rồi mà còn có người cầm cái thứ rách nát này."
Nói xong cô ta cao ngạo lấy từ vali ra một gói bánh trà, ném xuống chân tôi.
"Lần đầu gặp mặt, mọi người đều mang theo đặc sản. Cậu từ quê lên, chắc không mang theo gì đâu hả?"
Không khí căng thẳng khiến hai bạn cùng phòng khác vội vàng lấy xúc xích đỏ và bánh gạo nếp nhét vào tay tôi.
Giải thích rằng: "Triệu Oánh mang theo trà Phổ Nhĩ, cô ấy nói rất quý, cô ấy thật lòng với chúng ta đấy."
3.
Tôi không đáp lại.
Sự chú ý của tôi hoàn toàn đặt hết vào gói bánh trà dưới chân.
Trên đó có luồng khí đen mờ mịt quấn quanh.
Sắc mặt tôi hơi nghiêm trọng.
Đây là thứ chỉ có ở oan hồn.
Sao bên cạnh Triệu Oánh lại có thứ này?
"Cậu không nghe tôi nói à?!" Triệu Oánh đột nhiên hét lớn về phía tôi.
Làm tôi giật nảy mình.
Mẹ kiếp, tôi ghét nhất là bị người khác hét vào mặt.
Tôi thẳng chân giẫm lên gói bánh trà.
Tôi nhìn Triệu Oánh rồi mỉm cười, lấy ra từ ba lô ba chiếc bùa bình an bằng ngọc phỉ thúy cỡ bằng đồng xu.
"Các cậu thông cảm nhé, nhà mình chẳng có đặc sản gì, chỉ có nhiều ngọc phỉ thúy, hy vọng các cậu không chê."
Dưới ánh mắt ngạc nhiên của Triệu Oánh, tôi chọn ra hai miếng có màu sắc đẹp nhất để tặng cho hai bạn cùng phòng còn lại.
Mắt của các bạn ấy trợn tròn như cái chuông đồng.
Dù không biết nhiều về ngọc, họ cũng nhận ra với chất lượng này thì những miếng ngọc cũng có giá trị ít nhất là năm con số.
Còn Triệu Oánh đang đứng bên cạnh, lưng cô ta thẳng tắp.
Không còn thái độ hung hăng như lúc nãy.
Cô ta dường như có chút tiếc nuối.
Tôi mỉm cười, đưa tay ra trước mặt cô ta.
"Đây là của cậu."
Nghe vậy, mắt cô ta lập tức sáng lên.
"Cạch" một tiếng.
Chiếc ngọc phỉ thúy trong tay tôi rơi xuống đất, vỡ tan.
Tôi cười: "Cách tặng quà chỗ các cậu thật đặc biệt, mình học được rồi đấy."
Mặt Triệu Oánh đỏ bừng.
Cô ta hận không thể ngay lập tức lao lên xé xác tôi.
Tôi vẫn giữ vẻ mặt vô hại, tiến sát bên tai cô ta, thì thầm: "Gần đây cậu làm nhiều việc thất đức phải không? Cẩn thận sẽ bị thứ không sạch sẽ nhắm vào đấy."
Triệu Oánh cứng đờ người.
Cô ta đẩy mạnh tôi ra, ấp úng đáp trả: "Tôi không hiểu cậu đang nói gì cả."
Tôi liếc nhìn chiếc vali đầy khí đen của cô ta.
"Hy vọng là thế."