Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 66: Người bệnh (10)




Ngày càng có nhiều nghiên cứu sinh xin vào viện nghiên cứu, mà nhiều nhất là sinh viên trong nước và Singapore.
Khi các nghiên cứu sinh lần đầu đến chỗ Lương Chương đăng ký ghi danh, anh luôn hỏi bọn họ một câu vô cùng quen thuộc: “Vì sao anh/chị lại đến chỗ tôi làm nghiên cứu?”
Rất nhiều người hùng hồn trả lời đầy khách sáo: “Đương nhiên là vì “Sự tồn tại của nơtron” rồi! Không ngờ ngoài châu Âu, Nhật Bản và Mỹ ra, ở vùng thuộc địa trong nước ta cũng có một ngôi trường thực thụ để theo học!”
Và cũng có những người khá thành thật: “Vì thuận tiện. Vé tàu đi châu Âu mất hơn 80 đồng, đi Mỹ là 60 đồng, đi Nhật thì hơn 10 đồng, còn đến Hương Cảng chỉ mất 5 đồng. Vật giá ở Hương Cảng cũng thấp hơn Thượng Hải hay Bắc Bình.”
Thậm chí còn không thiếu những cô gái mang lòng hoài xuân: “Tôi đã đọc bài báo phỏng vấn giáo sư Từ ở Nam Khai rồi, ảnh chụp đẹp trai lắm! Người thật càng có khí chất hơn ảnh!”
Nếu đến thì cũng đã đến rồi, cho dù là vì cảm thấy có tiền đồ hay vì tiết kiệm tiền, hay thậm chí là vì “quảng cáo sống” Từ Thiếu Khiêm; tóm lại là muôn hình vạn trạng, Lương Chương thở dài rồi ghi tên hết.
Chandra* từ Ấn Độ đi thuyền tới cảng, từ khi đến viện nghiên cứu báo danh, Lương Chương không có lấy một ngày an nhàn.
(*Từ đây trở đi mình sẽ sử dụng tên tắt của Subrahmanyan Chandrasekhar là Chandra để dễ đọc hơn.)
Hễ rảnh rỗi là anh ta lại túm lấy Lương Chương, thao thao bất tuyệt về các suy nghĩ của mình khi ở trên thuyền.
Anh ta nói tiếng Anh giọng Ấn nghe rất “ma tính”, lải nhải từ sáng sớm đến tận chiều hôm, lời mở đầu toàn là: “Tôi nghe nói trên đời này chỉ có ba người có thể lý giải được thuyết tương đối rộng!”
Sau đó lấy “Có giới hạn về nguyên tắc không tương thích trong thuyết tương đối rộng” làm đề tài, triển khai bài phát biểu logic rõ ràng dài tận hai tiếng đồng hồ.
Bị ma âm tiếng Anh giọng Ấn rót vào tai mấy tuần liền, Lương Chương chỉ có thể bày tỏ vô cùng lấy làm tiếc: “Hiểu biết của tôi về vật lý thiên văn còn hạn chế, không thể giải đáp được nhiều nghi hoặc của cậu, vô cùng xin lỗi! Nhưng giáo sư Từ ở phòng bên lại rất am hiểu về lĩnh vực này, tôi đề nghị cậu nên đi tìm anh ta!”
Sở Vọng ngồi bên chống đầu nhìn Chandra với ánh mắt cổ vũ, thậm chí mấy lần suýt không kìm nén được muốn nói: “Anh nói hay lắm! Nhanh như thế đã thực hiện tính toán trọng lực sao lạnh, đưa ra Giới hạn Chandrasekhar rồi! Giải Nobel tiếp theo chắc chắn sẽ là của anh!”
Viện nghiên cứu ban đầu chỉ có ba người, bây giờ đột nhiên được tiêm thêm nhiều lượng máu mới, nhất thời rối ren suốt một thời gian dài. Gần như mọi chuyện vụn vặt trong viện nghiên cứu tại thời gian này đều do Lương Chương xử lý, còn Từ Thiếu Khiêm lại khóa trái cửa phòng bên cạnh, cũng không biết đang nghiên cứu gì nữa, chỉ biết phần lớn thì giờ anh toàn đóng cửa không gặp người.
Cho tới ngày Lise đến thì mọi chuyện mới miễn cưỡng được xem là đã đâu vào đấy.
Về phần bà Lise Meitner, Lương Chương quyết định dùng lễ nghĩa cao nhất mà viện nghiên cứu hiện có để đi đón người có chức vị giáo sư này: đích thân anh ta ra bến tàu đón người.
Kết quả là ngày hôm đó, anh ta đỏ mặt quay về.
Sở Vọng vui vẻ hỏi: “Ấy?”
Từ Thiếu Khiêm cũng kết thúc sự im lặng kéo dài gần mười tuần, lần đầu tiên phá lệ bước ra khỏi phòng thí nghiệm đi tìm thành viên mới – với trạng thái sắc mặt ảm đạm, râu ria xồm xoàm chưa từng có, doạ mấy nữ sinh hay nói “ảnh chụp đẹp trai lắm! Người thật càng có khí chất hơn ảnh” phải ngậm miệng, cũng dọa Sở Vọng sợ không nhẹ.
Lương Chương nhìn anh ta thở dài, xoay người đi vào phòng thí nghiệm, ném toàn bộ bản nháp tính toán bị vo tròn vào thùng rác.
Lise Meitner dùng phát âm tiếng Anh kiểu Áo chủ động tự giới thiệu với Từ Thiếu Khiêm: “Lise Meitner. Tôi biết anh, Dr. Tusi. Luận án lượng tử của tôi có trích dẫn phỏng đoán  của anh về phương trình sóng.”
Từ Thiếu Khiêm nghĩ ngợi: “Còn tôi đã trích dẫn rất nhiều luận văn của chị và tiến sĩ Hahn, không thể nói hết trong chốc lát được.”
Sở Vọng đứng bên cạnh, nhìn hai người khích lệ đối phương ở mức trình độ học thuật cao, suýt đã không kìm được mà nói xen vào: tôi không trích dẫn luận văn của hai người bởi vì lý thuyết của cả hai đều quá kinh điển, đã được ghi rõ vào sách giáo khoa, trở thành kiến thức chung. Nên khi viết luận văn thì không cần phải đánh dấu nguồn trích dẫn làm gì.
Trong tay Lise Meitner vốn có bốn, năm dự án về nguyên tử, đi cùng là hai nghiên cứu sinh tiến sĩ quốc tịch Đức cùng than gia các dự án trên. Có lẽ hai người họ đang so sánh với đại học Berlin từng làm việc ngày trước, nên không đặt chuyện nghiên cứu khoa học ở đại học Hương Cảng vào mắt. Bởi vậy mà so với người hướng dẫn khiêm tốn của họ, trông họ có vẻ rất kiêu căng ngạo mạn.
Nhưng hai hôm sau, đột nhiên Từ Thiếu Khiêm đưa ra một quyết định: phân ngành.
Hơn nữa còn nói với mọi người là: tuần trước anh đã nộp đơn xin phân ngành rồi, việc nghiên cứu của Viện được chia thành hai hướng: vật lý thiên văn quy mô lớn và vật lý hạt nhân quy mô nhỏ.
Anh chịu trách nhiệm về vật lý thiên văn.
Còn vật lý hạt nhân được toàn quyền giao cho Lise, do Lương Chương giúp đỡ.
Sau đó, hơn hai mươi sinh viên đại lục, Hương Cảng và Singapore bao gồm Chandra theo Từ Thiếu Khiêm nghiên cứu về vật lý thiên văn.
Còn hơn mười người khác thì theo Lise và Lương Chương.
Sở Vọng cũng đã từng hỏi Từ Thiếu Khiêm vì sao lại đột nhiên sắp xếp như vậy. Từ Thiếu Khiêm nói: “Chị ấy có kinh nghiệm và khả năng dẫn đội. Dưới danh tiếng của chị ấy, tôi tin rằng sẽ còn có rất nhiều sinh viên châu Âu chọn tới đội ngũ nơi này. Như thế tôi cũng có thêm nhiều thời gian để suy ngẫm về thuyết tương đối rộng. Mặt khác, xuất phát từ tâm tư cá nhân, tôi hy vọng trong tương lai Lương Chương có thể tự mình đảm đương một lĩnh vực nào đó. Từ những điều trên, đây là một lựa chọn rất có lợi mà tôi có thể đưa ra.”
Ba người hướng dẫn đều có sở trường riêng, trong tương lai xa hẳn không chỉ có mỗi một bài viết là “Sự tồn tại của nơtron”. Sở Vọng thừa nhận, đấy quả thật là lựa chọn tốt nhất với viện nghiên cứu.
Cô cũng có tính toán riêng của mình. Xuất phát từ tư lợi bản thân, cô lựa chọn phòng thí nghiệm của nữ thần và Lương Chương.
Khi biết việc này, Từ Thiếu Khiêm đã cười hỏi: “Tôi có thể hỏi nguyên nhân vì sao không?”
Im lặng một lúc, Sở Vọng đáp: “Vì em thích.”
“Thích? Thật không?”
“Thầy đã hỏi một lần rồi.”
Miễn cưỡng thu lại ánh mắt chăm chú khiến cô đứng ngồi không yên, anh xoay người đi đến phòng thí nghiệm nguyên tử bên cạnh.
***
Gửi anh Ngôn Tang,
Cám ơn bài dịch của anh.
Gần đây may mắn đọc được truyện Thư tình châu Âu của anh đăng trên tờ Diệc Báo, đọc kỹ hai lần. Người như anh Vương trong truyện là kiểu du học sinh tự phong cũng như tự xưng mình là “ nhân vật mới”. Bị ép thành thân trước khi xuất ngoại, cho rằng “vợ của tôi rất thông minh. Văn thơ hội họa không gì không biết, giỏi giang hơn tôi, lại biết được thời thế”, “Nhưng trước sau gì tôi vẫn phải đi, vạn bất đắc dĩ, tôi phải đến Pháp một mình.” Đến Pháp bốn năm, vừa có niềm vui mới là “lập tức viết thư về nói với cha rằng mình muốn ly hôn.” Suy cho cùng, chính “người tình châu Âu” đã một tay tạo nên bi kịch của người khác. Rất nhiều năm sau, đợi đến khi “người tình Trung Quốc” mang theo sắc màu bất hạnh qua đời thì bi kịch trên mới coi như chấm dứt.
Anh Ngôn Tang viết về tình người thường có sự châm biếm hài hước. Sau khi cuốn truyện được xuất bản ở châu Âu, người phương Tây đã đánh giá thế nào? Em thực sự rất muốn biết.
Những lời trên là lời nói nhảm từ một người không biết gì về sáng tác văn nghệ, xin anh đừng cười chê. Có lẽ anh không tin, nhưng em rất nghiêm túc đánh giá và đọc thuộc mỗi một bài thơ anh gửi kèm thư trước. Em rất mong đợi câu chuyện tiếp theo của Thư tình châu Âu.
Chúc anh những điều tốt lành
Sở Vọng 
Ngày 9 tháng 11 năm dân quốc 17.
Viết bức thư đó xong, cô lại viết kèm một phong thư khác, bên trên đề địa chỉ của Ngôn Tang ở Luân Đôn, nhờ bà Cát lấy danh nghĩa của cô gửi đến chỗ của ngài Dupont.
Khoản tiền lương thứ hai cùng với bật lửa hồng ánh kim khắc hoa hồng đã được gửi đến. Cô lấy bật lửa trước, định đợi tháng sau tới sinh nhật bà Cát thì sẽ tặng cho bà.
Lúc không đến trường thì cô sẽ ở trong nhà, cùng bà Cát uống trà vẽ tranh trong phòng khách.
Gần đây bà Cát đột nhiên thích mua nhà ở tô giới Thượng Hải. Bà lười quen rồi nên không có thời gian đến tô giới xem nhà; còn xét từ khía cạnh khác thì bà là một người cực kỳ kén chọn. Gộp đủ nguyên nhân lại khiến cách bà mua nhà vô cùng kỳ quái lại xảo quyệt.
Bà Cát mặc trường bào tơ lụa uống trà chiều, đội khăn che đầu; nâng một tách trà, nghiêng mình ngồi trên ghế sofa. Một người môi giới bất động sản từ Thượng Hải đến tay cầm cuốn tạp chí thiết kế, lật từng trang một cho bà Cát xem.
Nhân viên nọ nói mười câu, bà Cát cùng lắm cũng chỉ nói hai ba câu, nhưng toàn là “quá lệch”, “không có thang máy”, “không có chỗ để đậu xe hơi”, “mấy căn nhà trong ngõ mà cũng đem đến lừa tôi hả?”
Đến khi nhìn hơn mười căn nhà, bà Cát lại than đau đầu. Cô nhân viên ra vẻ áy náy, vâng dạ liên tục: “Bà Cát à, đây đều là những căn được ông chủ Hứa chọn lựa cẩn thận mới dám để tôi đưa đến Hương Cảng để bà xem.”
“Chọn lựa cẩn thận? Cô nói tôi nghe, ông ta đã chọn gì hả?”
Cô nhân viên không dám lên tiếng.
Bà Cát lườm cô ta, nhấp một ngụm trà. Qua một lúc thấy bà đã bớt giận, Sở Vọng lại gần cười nói: “Cô út, hay là để cháu xem hộ cho?”
Nhân viên thấy có hy vọng, ánh mắt cứ đảo qua đảo lại giữa bà Cát và Sở Vọng. Bà Cát nể tình cô nên miễn cưỡng đồng ý.
Sở Vọng không cần cô gái kia giới thiệu, tự cầm lấy sách ngồi trong góc xem.
Không thích ở tô giới công cộng, không thích ở trong hẻm, phải có thang máy… Dùng phương pháp loại trừ lược bỏ đi rất nhiều, chốc lát sau chỉ còn lại hai căn nhà phù hợp.
Bà Cát nhận lấy nhìn, thở dài bật cười, “Đại tiểu thư của tôi ơi.”
Sở Vọng kéo sách qua, nghiêng người ngồi xuống cạnh bà: “Cô nghe cháu nói trước đã ạ. Cháu đã lược bỏ những căn nhà không phù hợp với yêu cầu của cô rồi, chỉ còn lại hai căn nhà ở tô giới Pháp. Căn đầu tiên tuy có hơi cũ, nhưng ta có thể tân trang lại. Căn thứ hai, dây điện vách tường đã hỏng, nhưng không phải còn hơn là xây thêm thang máy trong nhà không có thang máy sao?”
Còn với lý do vì sao không chọn tô giới công cộng mà chỉ có thể chọn tô giới Pháp, cô không giải thích rõ với bà Cát, chỉ cười ha ha rồi cho qua.
Bà Cát lắc đầu cười: “Căn thứ nhất nằm quá gần đường ray xe điện, ban đêm xe chạy ầm ầm thì ngủ thế nào hả? Còn căn thứ hai, chỉ có một hành lang với hai gian phòng, ngay cả phòng khách cũng không có, quá chật. Hơn nữa, hai nơi này không có chỗ đậu xe, đi lại không tiện.”
Sở Vọng quên mất bà Cát không thích đi bộ, đi đâu cũng phải có xe đưa đón, thế là cười nói: “Cũng đúng.” 
Khép sách lại tính trả lại cho cô nhân viên, nhưng cô bất chợt nghĩ đến gì đó, đột nhiên hỏi: “Căn nhà thứ hai nằm trên tầng thượng chung cư có thang máy ở tô giới Pháp, có hai phòng ngủ, một phòng tắm phòng bếp và hành lang dài thì khoảng chừng bao nhiêu tiền?”
Nhân viên bất động sản vốn vâng lệnh ông chủ đến Hương Cảng lôi kéo bà Cát, nghĩ nếu có thể bán được hai căn nhà này thì ông chủ sẽ vui vẻ, và cô ta cũng có nhiều hơn mười mấy đồng tiền hoa hồng, nhưng đâu ngờ bà Cát lại là người khó đối phó như thế, đi đi lại lại giữa Thượng Hải Hương Cảng cũng không rẻ, nên cô ta không muốn chuyến đi lần này rơi vào cảnh dã tràng xe cát. Thế là dùng ánh mắt hỏi bà Cát. Nhưng bà Cát không nhìn cô ta, chỉ hỏi Sở Vọng: “Cháu thích căn nhà này à?”
Sở Vọng gật đầu, nghĩ bụng: dù gì ba bốn năm qua cô qua cũng chỉ mới tích cóp đủ chín trăm đồng, thể nào cũng phải chi tiêu trước khi lạm phát bùng nổ mới được. Trong vành đai một tại Thượng Hải là tấc đất tấc vàng, lại cách Bến Thượng Hải chỉ mười phút đi bộ; tránh được cuộc pháo kích trong Chiến tranh Thượng Hải, cũng tránh được sau cuộc giải phóng, rành rành tốt hơn so với việc mua nhà ở Quận 8 Paris, thế thì việc gì lại không mua! 
Bà Cát liếc nhìn cô, nghĩ ngợi một hồi rồi hỏi nhân viên môi giới: “Giá thế nào?”
Người bán báo giá 1000 đồng.
Sở Vọng than chao ôi, không ngờ còn thiếu tận 100 đồng. Bà Cát híp mắt nhìn cô cười, rồi lại hỏi tiếp người kia: “Nếu tính theo giao tình giữa tôi và ông chủ Hứa nhà cô thì căn nhà này giá bao nhiêu?”
Người kia đâu dám đánh giá giao tình giữa bà Cát và ông chủ có giá mấy đồng tiền, nên không dám tùy tiện trả lời.
Bà Cát cười cười, đẩy trả lại cuốn sách cho cô ta, “Cô về Thượng Hải hỏi rõ ông tađi, rồi bảo ông ta gọi điện đến cho tôi.”
Người kia đảo mắt, trong đầu nghĩ: có thể ông chủ Hứa cử cô ta đến Hương Cảng chuyến này không phải là để cô bán nhà, mà là mượn danh nghĩa nhà cửa để kết thân thêm với bà Cát. Về phần giảm giá như thế nào, nếu phải về Thượng Hải hỏi ông chủ thì chắc chắn sẽ bị mắng là làm chuyện không xong. Rồi lại nghĩ, có thể với người bình thường 1000 đồng không phải là con số nhỏ, nhưng nghe nói bà Cát này có rất nhiều đất ở Hương Cảng Thượng Hải, chút tiền ít ỏi của căn nhà này chắc chắn không là gì với bà. Thế là cô ta án theo mức giá đã giảm cho một người khác trước đó, báo giá gấp bảy lần với bà Cát.
Sở Vọng thở hắt: Ít nhất phải rẻ hơn gấp 4 lần! Giá mua nhà bây giờ chém cắt cổ thế cơ á?
Bà Cát thong thả uống trà, còn chẳng thèm nâng mí mắt lên nhìn: “Chút tiền cỏn con ấy, dù tôi có đứa thì chưa chắc ông chủ Hứa nhà cô đã muốn nhận.”
Nói rồi bà gọi chú Henry đến, nhân viên đi theo ông ra ngoài. Một lát sau lại vòng về, cầm hợp đồng mua nhà đưa cho bà Cát. Bà Cát nhướn mày chỉ vào Sở Vọng, nhân viên bèn đưa cho cô.
Cô mở hợp đồng ra, thấy đã có chữ ký, mọi thứ xong xuôi hết cả rồi. Tên đề tên cô, còn tài khoản chi phiếu là của bà Cát.
Sở Vọng cầm bản hợp đồng trên tay, đang định mở miệng thì bà Cát đã nhíu mày nói: “Cũng không phải trong nhà không trả nổi chút tiền đấy, cô út cháu cũng chỉ tốn ít nước bọt là xong, đừng có phân rạch ròi của cô của cháu làm gì, người ta nghe được lại tưởng keo kiệt. Còn mấy đồng lẻ trong túi, cháu cứ giữ đấy mà tiêu vặt.”
Sở Vọng há to miệng, lời đến bên mép đã bị bà Cát chặn lại. Cô mỉm cười vâng một tiếng.
“Cháu chưa bao giờ xin cô thứ gì, được mỗi lần này là mở miệng xin. Thế thì cứ để cô mua cho cháu một căn, làm chỗ nghỉ ngơi nếu có dịp cùng bạn bè đến Thượng Hải. Lúc trước khi Kiều Mã Linh kết hôn, cũng có người nói mấy căn nhà đó là cô tặng. Nên nếu cháu kết hôn, dĩ nhiên của hồi môn không thể ít được.”
Còn lâu lắm cháu mới kết hôn mà! Sở Vọng không nhịn được bật cười. Rồi lại ồ một tiếng, hỏi: “Căn nhà lúc trước thật sự do cô út tặng ạ?”
“Cô tặng? Mơ hay nhỉ!” Bà Cát liếc nhìn căn nhà bên kia, nói: “Hồi con gái chị ta kết hôn, bà dì đây mà không tặng gì thì lại khiến người khác trách cô keo kiệt. Còn nếu tặng, thì bà bác cả của cháu lại cảm thấy dễ dàng lấy được đồ tốt từ cô, cho rằng cô đang lấy lòng chị ta, bỏ qua hiềm khích ngày trước. Còn lâu cô mới nể cái bản mặt kia của chị ta. Vừa hay huân tước Tạ không muốn con trai bảo bối kết hôn qua loa ở Hương Cảng nên đến tìm cô bàn bạc. Sau khi suy ngẫm, cô đã thảo luận với ông ta là: ‘Thật trùng hợp, tôi có một ngôi nhà trên đường Barton. Tôi đã nói rõ ý của anh với cô cháu gái nhà tôi rồi, hỏi con bé có chịu kết hôn với con trai anh không; hay là chịu đoạn tuyệt với con trai anh, lấy căn nhà này, rạng rỡ gả cho người khác tốt hơn.’ Dĩ nhiên Kiều Mã Linh tự có quyết định của mình. Rồi cô mới đề nghị với lão Tạ: ‘Căn nhà kia không lớn, đủ để hai người sống qua ngày ở Hương Cảng, thêm vài người giúp việc nữa là đủ. Tôi giảm giá căn nhà này bốn phần, nếu anh chịu thì mua đi, lấy danh con gái nuôi làm quà kết hôn tặng cho nó. Như thế, anh vừa được tiếng thơm mà nhà họ Kiều cũng không bị mất mặt.’ Chuyện này là vậy đấy. Nói cho cùng thì cô cũng chỉ giảm giá bốn phần, thế mà người khác lại cứ nói cô lấy danh nghĩa hầu tước Tạ tặng cho con bé, thôi thì cô cũng vui.”
Sở Vọng nghe thế thì ngạc nhiên ra mặt. Thì ra còn có thể xử lý như vậy sao?
Cô lại hỏi: “Hồi trước cha của anh Tạ có tìm đến cô để bàn bạc chuyện hôn sự thật ạ?”
Bà Cát hừ lạnh: “Con trai ông ta chơi ở chỗ cô từ nhỏ đến lớn, coi như do một tay cô dạy dỗ. Tính cách thằng oắt đó ra sao cô hiểu rất rõ. Cô thấy cậu ta không tệ, sao có thể để con gái của bà chị cô trúng mánh được? Nếu qua được ải của cô thì chỉ cần cô nói tốt mấy câu trước mặt lão Tạ, kiểu gì hôn sự cũng thành thôi. Nhưng cô cứ không muốn chị ta được hời đấy.”
Sở Vọng không khỏi nhớ lại khung cảnh khi mới đến Hương Cảng, ở trên lầu nghe thấy bà Cát cả vú lấp miệng em giáo huấn bà Kiều.
Huống hồ bà Cát vẫn để Kiều Mã Linh tự lựa chọn: bánh mì hay tình yêu, tự cháu chọn đi.
Chẳng qua là bà không ưa gì bà Kiều xưa nay hay khinh người quá đáng mà thôi. Cũng chính vì vậy nên không muốn tốn nước bọt, xin cả bánh mì lẫn tình yêu cho Kiều Mã Linh.
Cô không khỏi nghĩ đến những người và tình cảm trong chuyện này.
Đương nhiên Tạ lão thái gia biết bà Cát đang bòn rút của mình. Nhưng hai người có giao tình nhiều năm, biết rõ tâm tư của đối phương cùng thủ đoạn hay dùng nên không nổi nóng cũng không buồn bã, trái lại còn rất vui vẻ hợp tác; cháu gái Kiều Mã Linh vốn không có thù oán với bà Cát cầu được ước thấy, dĩ nhiên không kể đến; còn bà Kiều mà bà Cát ghét cay ghét đắng tự cho rằng đã được lợi, thực chất đã bị bà Cát bóp mạnh vào tử huyệt; còn bà Cát ư, đổi lại được cái tiếng thơm rộng lượng với bên ngoài.
Dù quan hệ tình nghĩa có phức tạp đến đâu thì bà Cát vẫn có thể thành thạo ứng xử, để ý đến cảm xúc trên mọi phương diện và đồng thời còn có thể trả thù ngay cả việc nhỏ.
Thì ra người thông minh sẽ làm như vậy. Có nguyên nhân có kết quả, có mưu có kế, mạch lạc rõ ràng.
Cô cảm thán: Thiên đạo luân hồi tốt thật.
Đáng thương cho bạn Tạ trạch Ích, đang yêu đương yên lành lại vô duyên vô cớ làm bia đỡ đạn.
***
Phòng thí nghiệm nguyên tử ngày càng có nhiều dụng cụ mới: máy phát hạt và máy phát lửa quang phổ hoàn toàn mới, thậm chí có thêm buồng sương.
Ngoài máy móc ra, một vài nguyên tố đã được tinh lọc cũng được lặng lẽ vận chuyển đến phòng thí nghiệm, bao gồm Beryllium, Plutonium và một lượng nhỏ Uranium-235 nồng độ cao. 
Đương nhiên Sở Vọng biết phòng thí nghiệm muốn làm gì. Cô im lặng không nói năng gì, im lặng đứng cuối đám đông làm việc của mình: tính toán và ghi chép.
Phòng thí nghiệm bên cạnh cũng có kính viễn vọng mới. Nghe phong thanh trong trường đồn là hình như muốn lập một phòng thiên văn nhỏ trên núi Thái Bình, để tiện sau này có vốn đầy đủ sẽ phát triển thành đài thiên văn.
Lúc này báo chí đại lục bắt đầu trắng trợn nêu ra đủ loại thuyết âm mưu: “Vì sao đại học Hương Cảng lại thành lập phòng thiên văn chỉ sau khi dựng đài quan sát núi Tử Kim mấy tháng?”
Sở Vọng thở dài: chúng tôi ngồi thuyền đến nghiên cứu, các anh có thanh toán lộ phí và vé thuyền không?
Đây chính là một ngày bình thường ở phòng thí nghiệm.
Anh Chandra không dưới một lần gõ cửa tìm Sở Vọng, nét mặt ảo não, tay cầm một đống giấy nháp tính toán, cầu khẩn bằng tiếng Anh giọng Ấn: “Linzy, mau tính lực hấp dẫn và hệ số kéo theo này giùm anh với!”
Còn Lương Chương không dưới một lần vò đầu bứt tai la hét: “Vì sao không có cách nào tạo ra được Uranium nặng thế này! Vì sao toàn là chất lượng kém!”
Trong khi tính toán hệ số kéo nội bộ của ngôi sao cho Chandra, Sở Vọng bình tĩnh đưa ra đề nghị cũng như xúi giục: “Có lẽ anh nên ra ngoài đi dạo với dì Lise thử xem, giải sầu cho khuây khỏa, biết đâu có thể nghĩ ra vì sao.”
Cũng vì vậy nên Lương Chương không dưới một lần đến trước mặt Từ Thiếu Khiêm tố cáo: “Quản học trò của cậu đi! Suốt ngày con bé toàn nghi ngờ quan hệ đồng nghiệp trong sáng giữa tôi và cô Meitner, lại còn muốn gán ghép bọn tôi nữa!”
Sở Vọng cười thầm: tôi chỉ muốn đề nghị hai người ra ngoài đi dạo thôi mà. Vì trước đây, bà Lise Meitner đã nghĩ ra lý thuyết đó trong lúc tản bộ.
Còn chuyện đi dạo có làm tăng tình hữu nghị của hai người hay không thì đó cũng là chuyện tôi không ngăn cản được!
Trong tay Từ Thiếu Khiêm đã có một bản thành cảo luận văn, có điều vẫn đang trong giai đoạn bới lông tìm vết chứng minh. Anh bình tĩnh nghe xong, lại bình tĩnh cười nói: “Vậy kết quả của việc gán ghép thế nào?”
Lương Chương lớn hơn Từ Thiếu Khiêm mấy tuổi*. Nhưng vì chưa lập gia đình và có gương mặt khá non, nên Sở Vọng vẫn chỉ nghĩ anh mới 25, 26 tuổi. Về sau nghe nói Lise Meitner và anh hơn kém nhau không quá 18 tuổi, Sở Vọng mới yên tâm mạnh dạn đề nghị “tản bộ sau khi ăn”, cũng yên tâm mạnh dạn gán ghép hai người.
(*Qin: Xin lỗi các bạn vì các chương trước đã nhầm xưng hô tôi-cậu giữa Từ Thiếu Khiêm và Lương Chương, từ chương này trở đi sẽ thay đổi. Các chương trước mình sẽ sửa dần ở wordpress, mong các bạn thông cảm.)
Tuy bà Lise hơi lớn tuổi, song ở bà vẫn toát lên khí chất quý tộc độc thân, phong thái nhẹ nhàng tao nhã, nói năng có giáo dưỡng và có sức hút của một người phụ nữ trưởng thành. Phòng nghiên cứu không thiếu những cô gái trẻ tuổi, nhiều nhất là vùng duyên hải Đông Nam và Ấn Độ, Singapore, nói chung đều là các thiếu nữ chưa thành thân. Nhưng nếu đem so với bà thì có vẻ không bằng, thiếu vẻ phụ nữ.
Cũng vì vậy mà Lương Chương từng âm thầm đánh giá: “Phụ nữ da trắng đúng là ‘tay ra tay, chân ra chân’, tạng người cũng cao to hơn con gái Trung Quốc.”
Không biết từ khi nào mà câu đó đã lọt đến tai bac Lise. Cứ tưởng bà sẽ tức giận, không ngờ vào ngày nào đó sau khi làm việc xong, bà đi đến trước mặt Lương Chương, nói: “Hay là ra ngoài đi dạo nhé?”
***
Người đời sau khi làm thí nghiệm bắn phá nguyên tố sẽ mặc đồ chống phóng xạ, song người ở phòng thí nghiệm không mặc.
Sở Vọng từng đưa ra lời đề nghị, nhưng đã bị hai nghiên cứu sinh người Đức lấy lý do “các nhà khoa học làm thí nghiệm bắn phá ở phòng thí nghiệm Leiden và Cavendish không câu nệ tiểu tiết như cô” chặn họng.
Vậy là cô không đề nghị thêm nữa.
Gần đây bà Cát thấy rất nhiều cô gái mặc đồ Chiêu Quân —— mặc áo khoác lông trắng bên ngoài sườn xám hoặc áo váy. Đầu mùa Đông có lông cừu ngọc trai hoặc lông cừu tím, lấy lông chồn trắng làm lớp lông giữa, còn lớp lông dày được làm từ lông cáo bạc hoặc cáo đen… Hễ bà Cát thấy đẹp là đều mua cho cô một bộ treo trong tủ quần áo.
Nhưng vì sợ đến phòng thí nghiệm sẽ làm bẩn nên tránh để đau lòng, tới gần lễ Giáng Sinh cô mới có cơ hội mặc thử lần đầu.
Tuy đã bắt đầu vào Đông, mặc quần áo dày hơn, nhưng vùng da lộ ra ngoài vẫn xuất hiện triệu chứng nhiễm phóng xạ thời kỳ đầu, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ. Một hôm nào đó ở nhà nghỉ trưa, đến khi tỉnh giấc thì nghe thấy dưới lầu có tiếng đàn dương cầm cùng với tiếng cười tiếng hát của các cô gái trẻ. Sở Vọng vỗ đầu, quên mất tối thứ sáu phải đến biệt thự nhà họ Kiều.
Nếu mặc đồ không thích hợp từ bên này sang bên đó, bị bà Kiều bắt gặp, thể nào cô út cũng bị bà Kiều chế giễu cho xem. Vậy là cô rửa mặt chải tóc, mặc sườn xám gấm cổ tròn, hoa văn giọt nước tối màu.
Dưới lầu đã bắt đầu sôi nổi ồn ào, tụ năm tụ ba chuyện trò. Lúc cô xuống cầu thang đi ra cửa, tất phải xuyên qua một quãng đường đầy đám đông ồn ào đó, sợ sẽ đụng phải người này người kia. 
Đứng ở đầu cầu thang, Sở Vọng thở hắ ra, đang nghĩ phải làm gì mới có thể không mất thể thống lại không để người ta chú ý mình ra ngoài, bất chợt nhác thấy bên dưới có một người đứng thẳng, mặc âu phục tối màu, đứng trong bóng tối nhìn đám chim thú trong đại sảnh. Dường như để ý thấy có người đi xuống, ngẩng đầu lên nhìn, bốn mắt nhìn nhau, là một ánh mắt cô chưa từng thấy trước kia.
Tạ Trạch Ích dùng ánh mắt ga lăng tán thưởng thục nữ kiểu mới, quan sát Sở Vọng thẳng thừng tới nỗi làm cô mất tự nhiên. Cô tựa vào lan can, cười nói: “Tôi cứ tưởng sẽ không gặp lại anh Tạ ở Hương Cảng nữa.” 
Tạ Trạch Ích cười, “Có lẽ vì có ai đó vô tình nhớ tôi, bảo tôi nhất định phải quay về một chuyến.”
Sở Vọng biết anh ta đang nói đùa nên không để ý nhiều.
Đúng lúc này, chợt có một vị tiên sinh chú ý đến Từ Thiếu Khiêm. Ông ta đi tới cầm ly rượu sâm panh, ngẩng đầu nhìn theo ánh mắt anh, thoáng khựng lại rồi hỏi: “Quý cô đây là…”
Tim Sở Vọng đập thịch, đang không biết phải tự giới thiệu mình với bạn của cô út thế nào thì Tạ Trạch Ích đã tiếp lời trước, tự nhiên cười nói: “Là bạn nhảy tối nay của tôi.”
Người kia gật đầu, vỗ vai Tạ Trạch Ích rồi xoay người rời đi.
Tạ Trạch Ích vươn tay ra với cô, đứng dưới cầu thang ra hiệu cô đi xuống.
Sở Vọng hiểu ý anh, đi xuống cầu thang khoác lấy tay anh. Xoay người lại, hai người sóng vai nhau, một cách tự nhiên đưa cô băng qua đại sảnh đi đến cửa.
Sở Vọng buông tay, thở ra làn khói trắng: “Cám ơn anh Tạ rất nhiều.”
Tạ Trạch Ích đút một tay trong túi áo, đứng trước gương soi, cười nói, “Không cần khách khí.”
Sở Vọng lấy chiếc áo lông cáo trắng treo trên giá mặc vào. Cổ áo trễ xuống, để lộ làn da trắng nõn. Trên cổ có mấy chấm đỏ nho nhỏ, trông như hai nốt ruồi son. Nếu là người khác thì khó mà nhận thấy. Nhưng trời sinh da cô trắng bóc, tựa như một miếng bạch ngọc trơn láng lại xuất hiện mấy chấm đỏ tì vết, song lai càng toát lên vẻ đẹp tì vết khác biệt.
Sở Vọng biết anh đang đứng sau lưng nhìn cổ mình. Cô xoay người lại, ngoái đầu nhìn vào trong gương, lập tức thấy hai chấm đỏ kia.
Cô giơ tay sờ cổ mình, nói, “À, vỡ mao mạch đấy.”
Nói đoạn, Sở Vọng xoay người bước ra khỏi cửa.
Rất nhiều năm sau, có người hỏi Tạ Trạch Ích: “Bình sinh anh có gặp người phụ nữ nào không hiểu phong tình nhất không? Là kiểu như thế nào?”
Khi ấy anh nhớ lại câu nói kia —— “À, vỡ mao mạch đấy.”
Vào mùa đông năm 1928, một cô gái cực kỳ lý trí đã bóp chết chuyện tình ngay từ trong trứng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.