Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 97: Đêm (13)




Bà Chu nghe thấy động tĩnh, bước ra khỏi xe.
Bà ta có chiều cao trung bình, thoạt trông ngoài bốn mươi, ngũ quan bình thường, nhưng vì mặt nhỏ và trang điểm phù hợp với tuổi tác nên nom khá tinh tế. Có lẽ vì phơi nắng nhiều năm ở miền nhiệt đới Việt Nam nên mặt lấm tấm tàn nhang, và cũng vì thế nên da đen hơn phụ nữ Giang Nam bình thường, giống phụ nữ Đông Nam Á hơn. Nét dịu dàng trong thần thái của bà ta là phong tình Giang Nam hòa lẫn cùng cái chất của nông thôn châu Âu. Hai cánh môi mỏng đo đỏ, răng trắng như ngà, để lộ hàm răng đều như bắp mỗi lúc cười. Độ cong của nụ cười cũng được bà ta dày công điều chỉnh, chỉ tiếc tháng năm không tha cho bất cứ, dù mỹ nhân đang cười thì nơi khóe mắt cũng đã có nếp nhăn.
Bà ta vừa nghe là đã biết có chuyện xảy ra. Nhận lấy thư trong tay Lâm Du, đọc hết rồi cười nói: “Biết kiểu gì cô ta cũng làm chuyện này, hèn gì không đổi được tiền ở ngân hàng HSBC, đúng là cô ta đã lén cho người động tay động chân. Hừ, cuối cùng lại đợi chúng ta ở đây.”
Hồi trước lúc còn ở Việt Nam, bà ta định gửi tiền trang sức quý giá của Lâm Du vào ngân hàng Nam Dương của Pháp tại Việt Nam. Nhưng người Pháp ở ngân hàng báo cho bà ta biết: bà ta không có quyền lợi đó. Bà ta không có thân phận, nên tiền tiết kiệm cùng những thứ tài sản của ông ta ở Việt Nam, bà ta đều không có quyền quyết định hay sử dụng, mỗi một tháng, bà ta chỉ được phép lấy hai đồng franc từ ngân hàng.
Đương nhiên bà ta biết đây là thủ đoạn của ai. Đến khi người kia chết, Lâm Du tìm mọi cách đưa bà ta đến Pháp. Lần đó bà ta cũng thử chuyển số tiền kia từ ngân hàng Nam Dương đến ngân hàng Thụy Sĩ, nhưng lần nào cũng có vấn đề trong quá trình làm thủ tục; mấy tháng trước, bà ta còn nhận được một tin dữ: vì nhiều nguyên nhân mà số tiền kia đã bị đóng băng, bà ta phải đích thân về Việt Nam hoặc Trung Quốc ký tên.
Bắt đầu từ lúc ấy bà ta đã để ý.
Ngày còn du học ở Nhật Bản, bà ta và bà Kiều đã có quan hệ cá nhân gắn bó. Những chuyện vụn vặt trong sản nghiệp to lớn của nhà họ Lâm đều được bà ta và bà Kiều cùng nhau thương lượng. Vì liên quan với nhau quá nhiều, nên dù hai người đã không gặp thì vẫn duy trì quan hệ “hữu tình” ấy. Một khi có động tĩnh, bà ta sẽ là người đầu tiên gọi điện báo cho bà.
Nhận được bức điện báo của bà Kiều báo rằng cô ba và thầy giáo có quan hệ mập mờ, bà ta mừng như điên. Bởi vì gút mắc khó chịu nhiều năm của bà ta rất có thể sẽ nhờ đó mà được tháo gỡ.
Thế là bà ta dứt khoát thay chồng làm chủ, gửi điện báo đến tòa soạn lớn nhất Thượng Hải, công khai đăng mẩu tin kia.
Cô ba tuyệt đối không thể xóa tên khỏi gia phả. Chỉ cần nó còn ở nhà họ Lâm một ngày, thì ả đàn bà ở Hương Cảng kia sẽ không dám vọng động tới nhà họ Lâm; nếu không bà ta nhất định sẽ không từ bỏ ý đồ.
Cô ba nhất định phải là con gái nhà họ Lâm, hơn nữa cả đời này nó chỉ có thể là con gái của nhà họ Lâm.
Gửi bức điện báo đó, giải trừ hôn ước với nhà họ Tư, để xem sau này còn có ai chịu cưới nó nữa?
Đến lúc đó dù ai có ý động vào số tiền kia, thì bà ta chỉ cần nói: “Đấy là tài sản của nhà mẹ cô ba, ngày trước được chuẩn bị cho cô ấy gả đến nhà họ Tư ở Bắc Bình, để tôi xem tên sói mắt trắng nào dám động đến của hồi môn của cô ba!”
Làm gì có gia đình nào có gia sản lẫn thế lực lớn mạnh hơn nhà họ Tư, lại chịu cưới một cô con gái thanh danh bị vấy bẩn?
Nhà họ Lâm đâu phải không nuôi nổi cô con gái như thế, dẫu gì thì, làm một cô gái độc thân còn đỡ hơn là dân tỵ nạn ở khu Hạp Bắc.
Dù là gả đại đi chăng nữa, thì đến lúc ấy cũng chưa biết được của hồi môn có được mấy đồng đâu.
Chắc hẳn nó sẽ không dám tự mình đăng báo muốn cắt đứt quan hệ với anh chị và cha!
Chu thị thấy bà Cát có vẻ đã rơi vào mong muốn của mình, bèn ôm con gái vào lòng, “Sợ gì chứ!”
Sau đó ghé vào tai Lâm Du cười nói hai câu, tiêm liều thuốc an thần cho ông ta. Mây mù trên mặt ông ta biến mất, lập tức gọi quản gia tới, gửi điện báo đến Hương Cảng.
***
Đọc hết bức điện báo, bà Cát vô cùng hứng khởi. Mật Thu đứng cạnh lột vỏ nho, cau mày khuyên, “Bà đừng cười lớn quá, cẩn thận để lại nếp nhăn đấy!”
“Em không nói ta cũng quên mất,” Tuy ngoài miệng nói thế, nhưng bà Cát vẫn cười vui vẻ, như thể có một đứa con nít biến khéo thành vụng, khiến bà cởi mở cười to nhớ đến bức điện báo có sức ‘bốn lạng bạt ngàn cân’ kia, “Của hồi môn của vợ trước, dĩ nhiên phải giữ lại để con gái xuất giá dùng. Hồi đó thì lấy lý do chuẩn bị gả cho nhà họ Tư số một Bắc Bình mà giữ lại, nay hôn ước không còn, nhưng vẫn giữ tiền đợi con bé gả vào một nhà khác… Chao ôi cái ả Chu thị này, nhiều năm không gặp, thủ đoạn đúng là khiến người ta vui vẻ.”
Mật Thu tức tối nói, “Bà ta nhất quyết giữ chân cô ba để ôm đồ cưới của tiền phu nhân, đúng là đồ vô liêm sỉ. Cô ba của chúng ta thanh tú xinh đẹp như thế, cả Hương Cảng này cũng không mấy người có thể sánh bằng. Ha, tưởng cô ba của chúng chỉ vì mẩu tin kia thì sẽ không gả được chắc?”
Bà Cát cười một hồi rồi nói, “Đồ cưới tiền bạc đồ trang sức, cũng nhiều năm rồi, dù có truy manh mối thì cũng khó mà kiếm đủ lại. Luật sư có nói với ta, những thứ này chỉ là nhỏ nhặt, coi như tha. Nhưng nay bà ta còn gửi cho ta thứ này… Trứng cút để chim sẻ nước ngoài ấp, cứ tưởng có thể bay thẳng lên trời thật chắc? Cùng lắm cũng chỉ có thể đập cánh hai cái. Ta làm thế là muốn để bà ta biết cái gì gọi là ‘tự chuốc rắc rối’.”
Bà vừa ăn nho vừa cầm bút viết điện báo, đúng lúc này điện thoại đổ chuông. Tuệ Tế nghe máy, nói là ngài Tưởng được ngài Đỗ ở Thượng Hải hẹn đi dự tiệc tối thứ sáu, cho nên buổi chiều không thể đến đánh mạt chược.
“Chuyển lời của ta đến nó: ‘Mời ông Tưởng đi dự tiệc, một đứa không tên không họ như nó chạy theo làm gì?’.”
Tuệ Tế cười hì hì chuyển lời, tới khi nghe đầu kia đáp thì càng cười run người, nói: “Cô Tạ bảo: ‘Cháu muốn đi tạo phúc cho giới quý tộc Thượng Hải. Những bữa tiệc lớn nhỏ trên cả nước không thể không có cháu, nếu không thì tìm ai để áp đảo sắc đẹp đây?’.”
Bà Cát cười phì, “Còn có cả chuyện áp đảo sắc đẹp nữa hả, đừng làm mất mặt người Hương Cảng chúng ta.”
Viết vội xong mấy chữ, bà gọi chú Henry đến, bảo ông gửi điện báo về Thượng Hải.
Bà đưa một tờ giấy cho ông: “Gửi cái này đến nhà họ Lâm.” Rồi ung dung ăn nho: “Để tôi xem ai sốt ruột hơn ai.”
Chú Henry cúi đầu nhìn, trên tờ giấy kia viết: “Điện báo cô gửi đến tôi đều lưu lại làm bằng chứng cả. Nếu gia sản thế lực của nhà chồng tương lai của con gái nhà họ Lâm lớn mạnh hơn nhà họ Tư, thì của hồi môn là cái sá gì?”
***. Truyện Đông Phương
Lúc điện báo được đưa tới nhà họ Lâm, Chu thị đang gọi thợ may đến may đồ mới cho con gái. Đi cùng thuyền về với bọn họ còn có vài tiểu thư trung học và du học sinh Anh, Pháp, đa số bọn họ đều có gia thế bối cảnh lớn. Nên khi về Thượng Hải, có không ít người chủ động mời xã giao.
Lúc ở châu Âu, cứ cách ba bốn hôm là bà ta lại mời thợ may đến nhà may đồ cho con gái, toàn là kiểu thịnh hành ở châu Âu; về đến Thượng Hải thì phải đổi, tất nhiên không thể thiếu sườn xám ôm người.
Bà cầm điện báo ngồi đằng xa đọc. Đọc hết rồi thì cười giễu: “Người có gia thế lớn mạnh hơn nhà họ Tư? Cưới nó làm con dâu? Lại còn vừa ý nó? Nực cười.”
Cách đó không xa, cô con gái của bà ta đang mặc váy ngủ, giang rộng tay dưới ánh đèn mờ để thợ may đo kích cỡ. Dù vẫn chưa thực sự là phụ nữ, nhưng dáng vẻ bên dưới váy ngủ vẫn uyển chuyển tựa như dòng nước chảy. Cũng uyển chuyển như thế là nụ cười và thần thái của con gái bà, cùng một chút vẻ đẹp thơ mộng phương Đông. Cũng chỉ có con bé, ở châu Âu hai năm qua, dù là Paris hay du lịch cùng cha đến Anh, Bỉ, Đức… không biết đã có bao nhiêu chàng trai nổi danh đang du học theo đuổi. Nhưng ai cũng đều bị từ chối. Có người từng tan nát con tim vì con bé, có người kiên trì không từ bỏ; đếm không hết bao con tim trẻ tuổi nóng bỏng bị con bà giẫm dưới chân, thậm chí cũng có người sẵn sàng chết vì con bé.
Chỉ có Doãn Yên của bà mới xứng đáng có được tình yêu như vậy. Cô ta được đàn ông cung phụng riết quen, đến nỗi mẹ cô ta là Chu thị cũng bị những người theo đuổi con gái nâng cao tiêu chuẩn, cho rằng tài tử Trịnh Diệc Dân không có tiếng kia quá hẹp hòi, gia sản lẫn học thức đều không xứng với Doãn Yên. Hai năm qua bà ta không hề thư từ qua lại với nhà họ Trịnh, nhà bọn họ từng gửi điện báo đến uyển chuyển hỏi, rốt cuộc hôn ước có còn hay không?
Đã hai năm không nghe được tin tức gì về cậu Trịnh. Giả sử có ngày trở thành nhân tài thật, vậy nếu bỏ qua thì đúng là đáng tiếc. Cho nên cũng chỉ gửi điện báo về đáp: Chuyện trọng đại, đợi ngày về nước gặp mặt trực tiếp rồi hẵng bàn lại.
Thế là cứ lần lữa đến tận bây giờ.
Nếu không phải từ nhỏ con gái đã si mê cậu cả của nhà họ Tư bên cạnh, thì bà cũng xem thường cả nhà họ.
Tuy tiểu tử kia hai năm qua có danh tiếng, bà cũng đã từng đọc tập truyện đầu tay “Thư tình châu Âu”, nhưng có cảm giác như đang châm chọc ai đó, khiến bà cảm thấy khó chịu. Rốt cuộc cậu Tư nghe được chuyện này từ đâu? Đang bất bình vì ai? Hai nhà Tư Lâm có quan hệ tốt như thế, bà Tư cũng chỉ là vợ kế của cha cậu ta, có lẽ sẽ không làm mất mặt cha như vậy. Nghĩ đến đây, bà thở hắt một hơi nghĩ, có lẽ chỉ là trùng hợp mà thôi, sau lại cũng không quan tâm thêm.
Mỗi lần chơi đánh bài với các phu nhân nhà giàu khác, nhắc đến “cậu Tư” kia, bà luôn nói: “Haiz, cũng là Doãn Yên thích nó, tôi cũng không có cách gì với con bé.” Ai bảo bà có một cô con gái như bảo bối, ngày ngày đều cưng chiều con?
Trong ánh mắt kén chọn của một người mẹ, bà vẫn cảm thấy cậu Tư không phải là bạn đời phù hợp của con gái. Nhưng có thể sánh cùng nhà họ Tư, ngoài Doãn Yên ra thì còn ai thích hợp hơn?
Cô ba kia ư? Nực cười thật đấy.
Nhưng giọng điệu trong bức điện báo lại có vẻ như đã định liệu kỹ lưỡng. Ngộ nhỡ có nhà nào đó mắt mù chịu cưới nó thì sao?
Nghĩ đến đây, bà càng lúc càng bất an.
Đúng lúc hồi chiều bà Tư uyển chuyển bày tỏ cũng muốn mời cô ba cùng tới Thượng Hải dự tiệc. Bà và Doãn Yên lập tức đồng ý.
Doãn Yên cười nói: “Vừa hay đã hai năm không gặp em ba, cũng không biết gửi ảnh cho con, sắp không nhớ nó trông thế nào nữa rồi.”
Câu này của cô ta là vừa lên án vừa khoe khoang, Chu thị nghe mà lòng hứng khởi.
Bà lập tức cùng bà Tư hỏi thăm địa chỉ của Sở Vọng. Ngồi nhà họ Tư đến đường Ferguson, xuống xe, hai bà đứng dưới lầu kiểm tra địa chỉ hộp thư, lúc đang do dự không biết có nên nhấn chuông không thì một sĩ quan thượng úy Anh Quốc xách hai túi đồ nấu ăn quay về. Thấy thế, anh lễ phép hỏi: “Có phải hai người đến tìm cô ba Lâm không?”
“Đúng thế.”
“Giờ cô ấy không có ở đây. Nếu muốn gửi đồ hay gửi lời thì có lẽ tôi có thể giúp.”
Chu thị không kìm được lên tiếng: “Xin hỏi… Cậu với nó… có quen nhau à?”
“Tôi được cô của cô ba nhờ ở Thượng Hải chăm sóc cô ấy.”
“Ồ.”
Thật ra Chu thị muốn sĩ quan kia mời hai người lên nhà ngồi đợi hơn, như vậy bà có thể dễ dàng xem xét đời sống của nó thế nào. Nhưng không ngờ chờ một hồi lâu, sĩ quan kia vẫn chỉ im lặng nhìn hai người, không nói gì thêm.
Ngược lại là bà Tư đưa thiệp mời, “Làm phiền chuyển giúp tôi thứ này cho cô Lâm.”
“Không có gì.”
Bị từ chối đón tiếp, Chu thị theo bà Tư lên xe. Tức giận một lúc rồi tổng kết: “Đúng là người Hoa da trắng, người Anh thật sự đâu lễ phép như vậy?”
Lại còn bảo: “Nhờ người chăm sóc mà còn tìm đàn ông, dù là cảnh sát nhưng tùy tiện ra vào nhà con gái người ta thì cũng không ổn chút nào.”
Bà Tư chỉ gật đầu cười, không nói gì.
Về đến nhà, Chu thị càng lúc càng hoang mang. Vội vã gọi người gửi điện báo cho bà Kiều, trong điện báo nhắc đến bức thư của luật sư, nội dung của hai bức điện tín đã gửi và nhận được từ bà Cát, cùng với  cuộc gặp gỡ hôm nay ở đường Ferguson… Từng câu từng chữ vô cùng rõ ràng, quả thực rất để tâm.
Nhưng nội dung bức điện báo của bà Kiều chỉ có một câu: “Cảnh sát Anh ở tô giới trông thế nào?”
Bà ta lấy làm nghi ngờ với việc bà Kiều không nắm được trọng điểm. Nhưng sau khi cẩn thận suy nghĩ, có lẽ bà Kiều có cách nghĩ đặc biệt, bèn dựa vào trí nhớ mà trả lời: “Da trắng, rất cao, cũng tuấn tú, khẩu âm Quảng Đông, là một thượng úy.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.