Hoa Tường Vy Mùa Hạ

Chương 2:




Mùa hè, khi chị Nhã không phải đi học, ba mẹ tôi để chị sang ở với bà nội, và tôi cũng được gửi kèm theo vì chẳng còn ai trông chừng. Chú Bảy tôi cũng ở đó, nhưng thường đi làm cả ngày, thậm chí ban đêm cũng không về nhà, nên hầu như tôi chẳng thấy mặt chú là mấy. Chú chẳng có vợ con gì cả, chỉ lủi thủi một mình như vậy. Chú là một người ít nói, chẳng mấy khi chịu mở miệng với chúng tôi. Đôi khi, tôi nghe chú nói chuyện khi bị bà nội la rầy vì việc gì đó, nhưng khi bà nhắc đến chuyện cưới vợ thì chú chỉ im lặng. Bà rất hay cằn nhằn về việc lập gia đình với chú Bảy. Sau mỗi lần như vậy, chú lại lặng lẽ ra đứng dưới gốc cây khế ngoài sân, hút vài điếu thuốc, lẩm bẩm gì đó trong miệng rồi sụt sịt khóc. Tôi chợt nhận ra chú nói chuyện với cây khế còn nhiều hơn với tất cả những người trong nhà gộp lại. Điều đó khiến tôi có phần sợ chú. Thử nghĩ xem, dưới gốc cây khế tối thui không nhìn rõ lòng bàn tay, chú ấy cứ đứng khóc lóc rồi nói chuyện một mình thì đứa trẻ nào mà không sợ.
Nhắc tới cây khế thì có không ít truyền thuyết liên quan đến nó, nhưng toàn là truyện ma. Tôi nghe được những câu chuyện đó qua lời kể của bà nội. Phải đến sau này tôi mới biết bà chỉ bịa chuyện vì không muốn tôi ra ngoài vào buổi tối. Bà kể có một cô gái từng treo cổ trên cái cây đó, tòn teng trên cái cành ngay phía trước cánh cổng. Sau khi chết đi, hồn ma cô gái không chịu đầu thai mà cứ lảng vảng gần đó, hết bắt gà trộm chó lại ăn mất hồn của những đứa trẻ hư. Bà có ví dụ hẳn hoi về những vụ như thế, tất cả đều là những đứa trẻ gần nhà bà, nhưng tôi lại chẳng gặp được chúng bao giờ. Rồi mỗi khi một cơn gió lùa qua tán cây, phát ra những tiếng rít rợn người, bà lại la lên, bảo là cô ấy đến rồi. Còn chị Nhã thì không biết biến đi từ lúc nào, tắt mở cái công tắc đèn làm cho tôi sợ chết khiếp. Thế là tôi chẳng bao giờ dám rời khỏi cửa nửa bước khi trời bắt đầu nhá nhem tối. Nhưng có một lần vì không nghe lời, tôi bị bà nhốt ngoài cửa với cây khế khiến tôi sợ tè cả ra quần. Tôi không nhớ mình đã làm gì sai mà phải chịu cái hình phạt ghê gớm như thế nữa. Sau lần đó, tôi giận bà gần một tuần, nhưng vẫn ăn cơm và bánh của bà.
Bà làm bánh rất ngon, và rất hay làm bánh cho chị em tôi ăn. Tôi cũng muốn giống như chị Nhã, phụ giúp bà một tay, nhưng toàn bị đuổi đi. Thế là tôi lại trèo lên cây khế ngồi. Khi trời sáng, tôi không sợ cây khế, bà nói ma cỏ chỉ hoạt động vào buổi tối thôi. Những quả khế ấy cũng rất ngon, và tôi không cưỡng lại được. Dần dần, tôi trở thành một tay trèo cây điệu nghệ, còn cây khế trở thành ngôi nhà thứ ba của tôi. Tôi tìm được một cái chạc cây và hay ngồi lên đó, thỉnh thoảng lại nằm dài ra và tưởng tượng mình là một hiệp khách lang thang, giống như trong những bộ phim kiếm hiệp. Tôi ngửa mặt nhìn những tia nắng xuyên qua kẽ lá, rơi nhẹ trên mí mắt mình, tay cầm trái khế như cầm bầu rượu, vừa "uống rượu" vừa hát. Tôi hát đi hát lại bài "Cháu lên ba" vì chỉ biết mỗi bài đó, do chị Nhã dạy, nhưng hình như cũng không đúng lời.
Thấy tôi nằm trên cây như vậy, bà tôi cuống cuồng la lên làm tôi giật mình và suýt ngã. "Cái cành cây nhỏ xíu vậy mà nằm lên, có ngày nó gãy thì té bể đầu nha con" - Bà bảo. Tôi ôm lấy cái cây, lồm cồm bò dậy nhìn bà, nhún nhún vài cái rồi cười hì hì nói:
- Không gãy được đâu bà.
Tôi không nhớ cái cành cây ấy to nhỏ cỡ nào, nhưng chắc chắn là ngay cả bà leo lên cũng không thể nào gãy được. Thế mà hôm đó tôi lại bị phạt. Bà không nhốt tôi ngoài cửa nữa vì không muốn chị Nhã phải giặt cái quần đầy nước tiểu như lần trước. Bà thương chị Nhã hơn so với ba tôi, hoặc ít ra thì cũng bình đẳng hơn. Bà làm một nồi lớn bánh bột lọc, nhưng lại không cho tôi động đến dù chỉ một cái. "Sao bà lúc nào cũng nghĩ ra được những hình phạt khủng khiếp như thế chứ" - Tôi ấm ức trong bụng. May thay, chị Nhã đã lén đem cho tôi một dĩa bánh lớn mà bà không hề hay biết.
Mặc dù bị phạt nhưng cái sở thích của tôi đối với cây khế không hề mất đi, mà ngược lại càng lớn hơn. Ngày nào tôi cũng leo lên đó, ngồi đung đưa hai chân trong khi nhấm nháp những trái khế ngon lành. Từng cơn gió vi vu trong tán lá, làm rung rinh những chùm hoa hồng hồng, tim tím. "Cứ ngồi đó đi, có ngày té chết cha mày" - Hình như bà nói vậy, nhưng thỉnh thoảng bà hoặc chị Nhã vẫn chạy ra ngó chừng tôi. Suốt mùa hè năm ấy, tôi làm bạn với cây khế và xem đó như thế giới riêng của mình.
Rồi một năm qua đi, mùa hè lại đến lần nữa. Tôi lớn hơn trước chút xíu nhưng bà thì vẫn chẳng có gì thay đổi, cả cây khế cũng vậy. Tôi có một sở thích mới là ngồi trên cây khế nhìn hoàng hôn, khung cảnh đẹp nhất tôi từng thấy ở cái tuổi đó. Trong lúc chờ đợi vầng mặt trời dần xuống núi, tôi hái một chiếc lá rồi đặt trên môi, thổi ra những tiếng kêu "te te". Âm thanh đó không bao giờ trở thành một bài nhạc hoàn chỉnh được, nhưng nó là giai điệu tuyệt vời nhất mà tôi có thể tạo ra. Tôi không ăn khế nhiều như trước nữa, chỉ ngồi như vậy trên cây, nhìn bầu trời phía xa chuyển dần sang màu tím, rồi chạy tót vào trong nhà khi ánh nắng cuối cùng sắp tắt đi.
Ngồi trên cây khế, tôi cũng quan sát được nhiều thứ về thế giới hơn, những thứ mà tôi không thể nhìn thấy hoặc chỉ có thể nhìn thấy một phần khi ở dưới mặt đất. Phía bên phải nhà bà chẳng có gì ngoài một bãi đất trống được rào lại bên ngoài, bên trong mọc đầy cỏ dại giữa lớp đất đá ngổn ngang. Phía bên trái nhà bà tôi là nhà ông Tư Khải, nhưng mọi người hay gọi là ông Tư cho gọn. Cây khế mọc ở gần bức tường giữa hai ngôi nhà nên thỉnh thoảng tôi lại nhìn sang nhà ông Tư. Nhà ông rất to, nhưng chỉ có vợ chồng ông ở đó cùng với một người con. Tôi chỉ thấy bà Tư vào buổi sáng sớm, nằm phơi nắng trên cái ghế dựa bằng gỗ đặt trước nhà. Khi nắng đã lên cao, ông Tư lại đưa bà vào trong, trên chiếc xe lăn, và không quay trở ra cho tới sáng hôm sau. Dường như bà ấy không đi lại được. Con trai ông Tư thì tôi chỉ nhìn thấy ở nhà vào một hai ngày trong tuần, còn những ngày khác lại chẳng thấy đâu. Chú ấy trông trẻ hơn chú Bảy của tôi nhiều, nhưng nghe bà nói thì tuổi của hai người bằng nhau.
Nhà ông Tư có một khoảng sân rộng, bao quanh là những song sắt hàng rào cao ngất, lúc nào cũng được canh gác bởi hai con chó béc-giê rất to. Một con màu cam có nhúm lông xù trên lưng, còn một con thì cả người đen thui, cả hai đều trông rất đáng sợ. Mỗi lần có người đi ngang qua là bọn chúng lại lao ra, xô hai chân lên cánh cửa kêu cái "ầm", sau đó nhìn chằm chằm người đó như nhìn một con mồi, gầm gừ trong tiếng thở phì phì như muốn ăn tươi nuốt sống miếng mồi vậy. Có vài chị gái đi xe đạp ngang qua đó, bị bọn chúng dọa cho té ngã ngửa ra đường rồi khóc bù lu bù loa.
Hồi đó, đoạn đường trước nhà ông Tư chưa được trải nhựa đến, và chỗ đó trở thành một cái sân bóng lý tưởng. Chiều chiều, khoảng năm, sáu anh trạc tuổi chị Nhã lại đến đó chơi bóng. Một hôm, khi mọi người đang chơi vui vẻ thì ông Tư mở cổng cho bọn chó đi dạo. Và chỉ một giây sau khi được thả ra, quả bóng đã nằm gọn trong mõm con Đen. Nó nhe hàm răng nhọn hoắc, nhiểu xuống đầy nước dãi, nhìn mọi người khiêu khích rồi lủng lẳng chạy đi chơi đùa cùng con Cam. Chẳng ai lên tiếng, mỗi người đều kiếm một góc tường rồi đứng nép vào đó, chờ tên cướp trắng trợn ấy bỏ đi mà không dám có bất kỳ hành động phản kháng nào, trừ khi muốn thế chỗ quả bóng. Ông Tư la hai con chó của mình, nhưng chúng lại tưởng ông muốn chơi đùa cùng và càng chạy đi xa. Một lúc sau, khi hai con chó đã chơi chán, ông Tư mới lấy lại được quả bóng và trả cho bọn họ. Nhưng quả bóng đã xẹp lép và đầy những lỗ thủng to bằng đầu ngón tay. Một anh cầm quả bóng lên thổi và nắn bóp đủ kiểu để nó phồng trở lại. Trận bóng tiếp tục, nhưng cứ được một lát là bị trì hoãn. Nguyên nhân là do quả bóng bị méo đi khi đá mạnh vào nó, và phải thổi lên mới chơi tiếp được.
Trong vài ngày, tôi không thấy bọn họ đá bóng trên đoạn đường đất ấy nữa. Tôi cứ tưởng bọn họ chuyển "sân bóng" của mình đi nơi khác, hoặc giải tán luôn cả hội. Nhưng không, bọn họ vẫn tiếp tục chơi sau đó, với một quả bóng mới. Có điều lần này, kinh nghiệm đã được rút ra. Mỗi khi cánh cổng nhà ông Tư sắp mở, một người trong đó nhanh trí ném quả bóng ngay vào sân nhà mình rồi cả đám đứng im như tượng. Bọn họ chờ đến khi hai tên cướp bị nhốt trở lại, sau đó mới vào nhà lấy quả bóng ra và tiếp tục chơi.
Nhìn mọi người, tôi cũng muốn chơi cùng lắm, nhưng vì tôi còn nhỏ nên không ai đồng ý. Bà tôi cũng dặn là không được chơi đá bóng với các anh. Bà kể trước đây có một anh mải chạy theo trái bóng mà không để ý chiếc xe đang lao tới, kết quả là bị tông gãy chân. Có lẽ đó là một trong những lần hiếm hoi tôi nghe lời bà. Dù sao thì cũng chẳng còn cách nào khác, tôi trở thành khán giả duy nhất của những trận bóng ấy, ngày này qua tháng nọ. Cho đến một hôm, tôi thấy có một đứa cũng đang xem bóng giống tôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.