Hôm Qua Như Chết Rồi

Chương 40:




Edit: Chocomi, OhHarry
***
Tịch Tông Hạc thực hiện đúng như những gì mình đã hứa, chỉ vài ngày sau, Vương Sâm gọi điện thoại đến cho tôi, nói rằng Dung Thân đã nguôi ngoai và đồng ý cho tôi tham gia vào đoàn phim như đã hẹn.
Tôi không biết anh và Dung Thân đã thỏa thuận với nhau thế nào, nhưng sự việc được giải quyết êm đẹp là tôi yên tâm rồi, coi như không uổng công tôi đau đít hai ngày.
Trước khi vào đoàn phim, tôi đã đến thôn Bạch Lãng để quay tập ba cho 《Trang trại ngôi sao》. Chương trình bắt đầu bước vào giai đoạn tuyên truyền, Tang Thanh nói với tôi rằng show đang nhận được sự kỳ vọng rất cao từ cư dân mạng, lượng tương tác cũng tăng lên theo từng ngày, đây là khởi đầu tốt cho chương trình.
Còn thành công hay không thì phải đợi tới lúc chương trình được phát sóng mới biết được. Tôi không lạc quan được như cậu ấy, nhớ lại hai tập trước, tôi cứ thấy cách ứng xử của mình vô vị, ở với chú Tài còn đỡ, chứ tiếp xúc với ba người kia thì tôi lại chẳng giao tiếp được bao nhiêu, nhất là Tịch Tông Hạc, cảm giác khó xử vô cùng, như thể tôi tham gia vào chương trình chỉ để làm đầu bếp thôi vậy.
Tối hôm trước ngày ghi hình, sau khi về đến khách sạn, Khương Yên và Tào Hi lại đến để thông báo về kế hoạch cho hôm sau. Khương Yên nói với tôi rằng tập đầu tiên của chương trình đã được biên tập xong, họ đã xác nhận và sửa đổi nhiều lần với lãnh đạo nhà đài, những nội dung đặc sắc, hấp dẫn nhất đều được giữ lại, thậm chí còn tổ chức buổi chiếu thử với 20 người và nhận được phản hồi rất tích cực. Cô ấy tin chắc rằng khán giả sẽ rất thích nó sau khi chương trình lên sóng.
Khương Yên thông báo rằng chủ đề của tập tiếp theo sẽ xoay quanh những trải nghiệm thực tế về cuộc sống dân dã đúng chất của người nông dân, ngày mai chúng tôi sẽ đi cấy lúa, sau đó sẽ cùng dùng bữa với đám trẻ con trong thôn.
“Cấy lúa ư?”, đây là “thuật ngữ” hết sức xa lạ với những người được sinh ra và lớn lên trong thành phố như tôi, so ra trong cả nhóm, chắc chỉ có chú Tài là hiểu rõ nhất.
Khương Yên cười cười, hóm hỉnh trả lời: “Xuân tới rồi, gieo trồng thôi.”
Tào Hi tâm sự: “Kinh tế của thôn Bạch Lãng vốn không phát triển, phần lớn thanh niên đều đi làm ăn xa, trong thôn chỉ còn lại những người già yếu, vấn nạn trẻ bị bỏ rơi cũng diễn ra vô cùng nghiêm trọng. Hy vọng chương trình sẽ góp phần vào việc thúc đẩy ngành du lịch địa phương, để nhiều người biết rằng ở nước mình, vẫn còn những địa điểm đẹp và giản dị thế này.”
Tôi gật đầu, trả lời một cách trịnh trọng: “Em sẽ cố gắng truyền tải thông điệp của chương trình đến với khán giả.”
Nói chuyện được nửa tiếng, Tào Hi thấy sắp đến giờ nên đứng dậy chào tạm biệt. Khương Yên liếc nhìn tôi, xoay người nói với anh ta: “Anh Tào, anh đi trước đi, em có chuyện muốn nói với anh Cố.”
Tào Hi vốn trầm tính, nghe Khương Yên bảo vậy thì anh ta cũng không hỏi gì nhiều mà rời đi luôn.
Tôi đã đoán đại khái được chuyện mà Khương Yên muốn nói với mình, cô ấy là mối trung gian giữa tôi và 《Trăm năm nhà họ Thiện》, nếu có chuyện xảy ra với tôi, nhất định Vương Sâm sẽ thông báo ngay cho cô ấy.
Quả nhiên, Khương Yên cân nhắc trong chốc lát rồi cất tiếng: “Vương Sâm kể chuyện của anh cho em nghe rồi, anh có cần em chào hỏi giúp một tiếng không?”
Tôi biết ơn trước lòng tốt của cô ấy. Khương Yên đã giúp đỡ tôi rất nhiều, nhưng cho dù tôi có ân cứu mạng thì cô ấy cũng không nhất thiết phải lo lắng cho tôi từng li từng tí như thế. Vả lại, cô ấy không có địa vị cao như Dung Thân, nếu muốn giúp tôi, đoán chừng sẽ phải nhờ vả rất nhiều mối quan hệ, mà làm vậy chỉ tổ hao người tốn của, thà tôi tự nhét bóng bi-a vào “miệng dưới” của mình còn hơn.
Tất nhiên, điều quan trọng nhất là Tịch Tông Hạc đã giải quyết ổn thỏa giúp tôi rồi.
“Không cần đâu, giải quyết xong rồi.” Tôi nói.
Cơ mặt cô ấy giãn ra ngay tức khắc: “Vậy thì tốt quá rồi.”
Xã hội bây giờ, “thương người như thể thương thân” thì ít, mà “thấy sang mà bắt quàng làm họ” thì nhiều. Cô ấy rất giống với chị Mỹ Phương, đối xử chân thành với mọi người, cũng biết ơn những người đã giúp đỡ mình, cả hai đều là những người phụ nữ đáng quý.
“Vất vả cho em quá.”
Khương Yên mím môi cười cười, bảo: “Sao anh phải khách sáo thế. Em biết anh là một diễn viên giỏi và đáng để em tin tưởng mà, anh chỉ là thiếu một tị cơ hội nữa thôi. Rồi một ngày nào đó, nhất định anh sẽ tỏa sáng cho xem.”
Được tâng bốc mạnh như vậy nên tôi cũng thấy hơi ngượng, rồi thầm nhủ là do cô ấy hâm mộ mình “mù quáng” quá nên mới nói thế.
Khương Yên thấy tôi bằng mặt không bằng lòng thì nhướn mày, hỏi: “Anh tưởng em đang lừa anh à?”
Tôi lúng túng gãi mặt: “Ừ…”
“Thật ra trước khi anh cứu em, em từng gặp anh rồi.”
Tôi sửng sốt, ngón tay đang gãi mặt cũng khựng lại. Cái “trước khi” này là trước bao lâu nhỉ? Gặp nhau hồi tôi còn làm việc ở hộp đêm ư?
Nhưng khả năng này đã bị tôi bác bỏ ngay sau đó, khi ấy tôi mới ngoài hai mươi tuổi nên chắc cô ấy còn nhỏ hơn nữa, có lẽ sẽ không đến một nơi ăn chơi trác táng như thế đâu.
Khương Yên nói tiếp: “Chắc anh không nhớ đâu, hồi ấy anh mới chỉ là diễn viên tân binh, còn em là trợ lý đạo diễn. Lão đạo diễn của bộ phim đó đáng ghét lắm, lúc nào cũng quấy rối nhóm con gái chúng em, ăn nói tục tĩu, đi ăn thì toàn bắt chúng em rót rượu cho. Ai cũng sợ lão hết, chỉ có mình anh là bảo vệ chúng em, còn cản rượu giúp chúng em nữa. Có lần, anh cản rượu thay một cô gái làm trong bộ phận ekip, khiến cho lão đạo diễn nổi giận, hôm sau quay cảnh tuyết rơi, lão bắt anh quỳ cả tiếng đồng hồ, đến mức đầu gối tím tái cả đi. Chúng em đều biết chuyện gì xảy ra, nhưng không dám nói đỡ cho anh.” Vừa nói, Khương Yên vừa rưng rưng, cô áy náy: “Em từng nghĩ phận mình thấp cổ bé họng, cho dù có lên tiếng thì cũng chẳng giúp được anh, nhưng thật ra là do em nhát gan sợ hãi nên mới không dám nói. Được gặp lại anh, em vui lắm, nói thẳng ra là không phải em muốn trả ơn đâu, em chỉ muốn bù đắp cho những tiếc nuối trong lòng mình thôi.”
Tôi gần như đã quên mất chuyện này. Từ nhỏ, tôi và Cố Nghê đã phải sống nương tựa vào nhau, thành thử tôi đã quen với việc che chở, săn sóc cho con bé, và cũng ghét nhất là phải chứng kiến cảnh mấy tên sếp lớn ức hiếp các cô gái. Người lão đạo diễn kia phát phì như con lợn, cả đời chỉ nghĩ đến việc lợi dụng con gái nhà lành. Tửu lượng tôi cao nên mới uống với lão. Kết quả, vì không uống thắng được nên lão mới cay cú tìm cách trị tôi, lão bắt tôi quay một cảnh quỳ gối suốt một tiếng đồng hồ.
“Anh chỉ làm chuyện mà một người đàn ông nên làm thôi.”. Tôi nói, “Em giúp đỡ anh nhiều lắm rồi, anh thật sự biết ơn điều đó.”
Cuối cùng, tôi tiễn Khương Yên ra cửa, cô ấy tạm biệt tôi với đôi mắt hoe đỏ, còn nắm tay tôi thật chặt và cổ vũ rằng tôi không được bỏ cuộc; tôi buồn cười, gật đầu liên tục. Tới khi cô đi rồi, tôi toan đóng cửa lại thì vô tình liếc thấy một bóng người đang lặng lẽ đứng ở đầu bên kia hành lang, người ấy đã ngóng chừng về phía này suốt một hồi lâu.
Tôi nheo mắt nhìn, hóa ra là Tịch Tông Hạc. Anh đứng bất động, cứ giữ miết tay nắm cửa như thể đang mở được nửa chừng thì bị tôi và Khương Yên thu hút.
Vốn dĩ anh vẫn đang nhìn theo hướng Khương Yên rời đi, nhưng có lẽ cảm nhận được tôi dán mắt vào mình, nên anh mới lia mắt sang để rà soát.
Tôi rùng mình, toàn thân sởn da gà, tưởng như vừa bị nhấn chìm vào lòng hồ băng tuyết lạnh giá.
Nhờ anh mà Dung Thân mới chịu bỏ qua cho tôi, nhưng tôi không chắc mình có nên đến cảm ơn anh trực tiếp hay không, ngay khi còn đang chần chừ, anh đã vào phòng và sập mạnh cửa lại, âm thanh vang vọng cả dãy hành lang.
Là anh ép tôi chứ đâu phải tôi ép anh, bày ra sắc mặt vậy cho ai xem?
Tôi nhìn hành lang vắng lặng, nhăn mày, học theo điệu bộ của anh, cũng quay lại đóng sầm cửa.
Bản edit này chỉ có ở wordpress của Hải Đường Lê Hoa.
Hết trưa hôm sau, tôi, Tịch Tông Hạc, Đỗ Vũ và An Hân Lam tập hợp thành một đội để ra đồng cấy lúa. Thửa ruộng ngập bùn, lạnh hơn tôi nghĩ, tầm khoảng mười độ.
Người bình thường còn cảm thấy lạnh, không biết Tịch Tông Hạc có chịu được không.
Nghĩ đến anh, tôi ngước lên, ngó quanh bốn phía để kiếm tìm bóng dáng anh. Bất chợt, tôi thấy đùi mình có cảm giác là lạ, đến khi cúi xuống nhìn thì phát hiện ra một con đỉa màu nâu đen đang nhằng nhẵng hút máu trên chân mình.
Da đầu tê dại trong tức khắc, tôi cứng người, không biết phải làm sao.
Có lẽ nhân viên quay phim cũng nhận ra điều không ổn, cậu ta liếc xuống chân tôi rồi lập tức thốt ra một câu chửi thề. Nhưng bản thân cậu ta cũng chỉ là một tay mơ không quen sinh tồn ở chốn thôn dã, ngoài việc la lên thu hút nhiều người đến xem thì chẳng nghĩ ra cách để giải quyết con đỉa.
Thậm chí tôi còn không dám nhìn xuống chân mình, chỉ liếc thoáng qua thôi cũng thấy buồn nôn rồi. Thứ sinh vật này chưa từng xuất hiện trong cuộc sống của tôi, bây giờ, ngoại trừ hoảng sợ, tôi thật sự không thể bộc lộ ra bất kỳ cảm xúc nào khác.
Đỗ Vũ và An Hân Lam đứng cách tôi một khoảng không xa, vừa nghe dưới nước có đỉa đã nhảy cẫng lên, luống cuống đến độ mong sao bản thân có thể mọc cánh để bay thẳng vào bờ. Chỉ có mỗi mình Tịch Tông Hạc là đi ngược lại với mọi người, anh lội qua bùn để đến chỗ tôi.
Anh lặng lẽ nhìn tôi, rồi quỳ xuống kiểm tra bắp chân tôi.
“Nó có độc không?” Tôi lo lắng hỏi.
Anh nắm bắp chân tôi bằng một tay, tay kia vỗ vào chỗ bắp thịt gần con đỉa: “Không, anh thả lỏng đi.”
Anh cứ vỗ chân tôi như vậy cho đến khi con đỉa kia nới lỏng miệng hút và rơi xuống nước, máu từ từ chảy xuống qua vết hở nhỏ xuất hiện trên da tôi.
Mối nguy hiểm đã được giải quyết, tôi thở phào một hơi, toàn thân mềm oặt, may mà có Tịch Tông Hạc đỡ tôi vào bờ để xử lí vết thương.
Sau sự việc này, Tào Hi không dám cho nghệ sĩ xuống nước nữa, đành phải cho cảnh quay kết thúc trước thời hạn.
Sau khi được sát trùng và băng bó đơn giản, một lúc sau, chân tôi đã dừng chảy máu. Trên đường trở về, ỷ vào phía trước có camera nên tôi mới vờ như quan hệ giữa mình và Tịch Tông Hạc tốt lắm, còn cố tình sáp tới hỏi rằng sao anh biết cách đối phó với đỉa.
“Trước đây từng tham gia một số trại huấn luyện hướng đạo sinh, người hướng dẫn dạy chúng tôi cách sinh tồn trong tự nhiên.”
Tôi tỏ vẻ thán phục: “Vậy tức là nếu bị ném vào rừng thì cậu vẫn sống được đúng không?”
Anh dừng bước, nhìn tôi vài giây bằng vẻ mặt vô cảm rồi dứt khoát trả lời: “Không.”
Tôi còn chưa kịp phản ứng lại thì anh đã bỏ đi trước rồi. Bị tụt lại phía sau, tôi không muốn đuổi theo nữa nên đành đi cùng nhóm Đỗ Vũ.
“Nãy em sợ thót cả tim. Mấy hôm nữa em phải lên sàn catwalk, ngộ nhỡ bị đỉa cắn, rồi chẳng may vết thương bị nhiễm trùng hay gì đó, đến lúc ấy chắc khóc ngất luôn quá.” An Hân Lam nói.
Đỗ Vũ xoa xoa cánh tay: “Nhớ lại em cũng nổi hết cả da gà, anh Cố, nãy anh thấy sợ không?”
Tôi đi bên cạnh bọn họ, trợn mắt xạo sự: “Không sợ, có gì mà phải sợ chứ. Cậu học anh Tịch của cậu đi, trông người ta bình tĩnh thế cơ mà.”
Cậu ta ngước lên, ngóng theo bóng lưng của Tịch Tông Hạc rồi gật đầu lia lịa: “Vâng, nhất định em sẽ noi gương anh Tịch và trở thành một người đàn ông thực thụ!” Nói rồi, cậu ta thực hiện động tác “cố lên” rồi chạy tót về phía Tịch Tông Hạc, “Anh Tịch, em đến để học hỏi anh đây!”
Sau khi trải qua cái lạnh tê cóng và nỗi sợ vì bị đỉa cắn, Đỗ Vũ lại khiến tôi phải xuýt xoa đánh giá.
Cậu ta không thấy mình đang thể hiện bản thân một cách thái quá à?
Khi trở về trang trại, chú Tài đã bị đám trẻ con làm cho kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần, vừa thấy chúng tôi một cái là chú liền hồ hởi ngay ra mặt, cứ như lúc Columbus khám phá ra châu lục mới vậy.
Tôi không hòa đồng với đám trẻ lắm nên đành ra bếp sau với chú Tài, thà chơi với củi, gạo, dầu, muối còn hơn chơi với đám gấu con này.
Chắc đã ngứa nghề lắm rồi nên hôm nay chú Tài mới đích thân vào bếp, quyết tâm cho chúng tôi chiêm ngưỡng tay nghề nấu ăn của chú.
Tôi nhàn nhã đứng bên cạnh phụ chú một tay. Đang rửa rau thì một cậu bé dè dặt bước vào, em bẽn lẽn tiến đến chỗ tôi rồi lí nhí hỏi: “Anh ơi, anh cần em giúp gì không ạ?”
Trong số bảy, tám đứa trẻ đang chơi ở ngoài sân, em là người duy nhất tình nguyện vào bếp để giúp đỡ chúng tôi.
Tôi chỉ vào băng ghế nhỏ bên cạnh: “Em ngồi đây bóc vỏ đậu tương giúp anh nhé.”
“Vâng ạ.” Em ngoan ngoãn ngồi xuống ghế và bắt đầu bóc vỏ đậu tương.
Trong số các bé trai, vóc dáng của em không được cao lắm, em có đôi mắt to và làn da ngăm đen đặc trưng của người dân địa phương.
Cậu nhóc giật bắn mình và đánh rơi một hạt đậu xuống đất khi được tôi hỏi tên, em cuống quýt nhìn tôi như thể sợ tôi sẽ trách mắng nhóc.
Tôi vờ như không thấy sự bất an của em, cố gắng nói nhỏ nhẹ hết mức có thể: “Đây là lỗi của anh, đáng ra anh phải giới thiệu về bản thân mình trước chứ nhỉ. Tên anh là Cố Đường, em có thể cho anh biết tên em được không?”
Cậu bé bấm vỏ đậu tương, đáp lại tôi bằng giọng nhi nhí: “Dương Thiếu Kiệt ạ.”
“Tiểu Kiệt này, bố mẹ em đâu?”
Cậu bé ngưng tay, em gục đầu xuống, chốc lâu sau mới trả lời: “Mất rồi ạ. Bố mẹ em bị xe tải tông khi đang đi làm thuê cho người ta.”
Tôi đoán em mồ côi cha mẹ, nhưng lại không đoán được ngọn nguồn phía sau.
“Anh xin lỗi, đáng ra anh không nên nhắc đến nỗi buồn của em mới phải.” Tôi áy náy, sau đó nhanh chóng chuyển chủ đề, “Tiểu Kiệt, em đã từng nghĩ đến chuyện mình muốn trở thành người như thế nào trong tương lai chưa?”
Tiểu Kiệt bối rối ngẩng đầu nhìn tôi, ngoài trừ vẻ ngây thơ của một đứa trẻ, trên khuôn mặt non nớt của em còn hiện lên sự rụt rè và vẻ u buồn không đáng có.
Em ngập ngừng: “Em muốn… trở thành một người giàu có”.
Tuy không phải một câu trả lời thường gặp, nhưng nó lại mang tính thực tế cao. Tôi thấy em lo lắng nên an ủi: “Trả lời thông minh lắm, nếu ai cũng muốn trở thành nhà khoa học, phi công, luật sư, vậy ai sẽ kiếm tiền đây? Chẳng việc gì phải xấu hổ khi muốn trở thành người giàu có cả, hồi nhỏ anh cũng muốn trở thành một người giàu thật là giàu.”
Có tiền thì bệnh tình của mẹ tôi có thể thuyên giảm; có tiền thì mấy tên xã hội đen kia sẽ không hất sơn đỏ lên cửa nữa; có tiền thì có thể chu cấp cho em gái ăn học, rồi mua váy, giúp em làm đẹp như bạn bè đồng trang lứa của mình.
Tôi chưa từng nghĩ rằng thích tiền là một điều tầm thường thô tục. Có lẽ những người giữ quan điểm như vậy chưa từng rơi vào hoàn cảnh túng bấn tột cùng. Tôi bị ám ảnh bởi đồng tiền, tôi say mê nó, tôi sẵn sàng trở thành nô lệ cho nó. Chỉ cần không quay lại khoảng thời gian trước đây thì bắt tôi làm gì cũng được.
“Vậy em… cũng có thể trở thành một ngôi sao như anh ạ?” Tiểu Kiệt hỏi bằng giọng thấp thỏm.
“Được chứ.”, Tôi xoa đầu cậu bé, “Anh cũng không được sinh ra trong gia đình giàu có, nhưng chẳng phải cuộc sống hiện tại của anh vẫn rất đầy đủ, ấm no sao? Miễn là em chịu thương chịu khó, chăm chỉ học hành, phấn đấu thi đậu vào trường đại học Điện ảnh và Truyền hình, thì một ngày nào đó em sẽ tỏa sáng thôi.”
Tiểu Kiệt nhắm tịt một bên mắt vì bị tôi xoa mạnh đầu, cậu nhóc đỏ mặt: “Cảm ơn anh ạ, em hiểu rồi, em nhất định sẽ chăm chỉ.”
Tôi cười nói: “Cố gắng lên!”
Cười vậy, nhưng tôi vẫn hơi u sầu, không biết con của mình và Tịch Tông Hạc có hiểu chuyện và đáng yêu được thế này không nữa. Sau khi con chào đời, chắc chắn anh sẽ không đồng ý cho tôi đến thăm con thường xuyên, nói không chừng còn giấu con đi nữa. Suy nghĩ vừa ập đến lại giày vò tôi một phen, và khiến tôi đau đầu như búa bổ.
Sau bữa ăn, ê-kíp chương trình còn đặc biệt chuẩn bị pháo bông để chúng tôi chơi cùng các em nhỏ trong sân. Thừa dịp không ai chú ý, tôi kéo Tiểu Kiệt vào một góc vắng, lén đưa cho em một nghìn tệ.
Em luống cuống nhìn tôi, không biết làm sao cho phải với số tiền trong tay.
“Em muốn làm gì cũng được.” Tôi ngồi xổm xuống, nói với em, “Mang đi chơi cũng được, đóng học phí hay đưa cho người thân cũng được, quyết định tùy thuộc vào em. Số phận của em nằm trong tay em, người khác có thể làm chủ cho em một lần, hai lần, nhưng không thể làm chủ cả đời được. Tuổi trẻ của em cũng như số tiền này vậy, càng tiêu xài hoang phí thì càng nhanh hết, em phải suy nghĩ thật kỹ về cách chi tiêu.”
Dù ngờ ngợ và có chỗ hiểu chỗ không nhưng cậu nhóc vẫn gật đầu lia lịa, có lẽ em sợ hãi trước dáng vẻ nghiêm túc của tôi.
Sau đó, chúng tôi trở lại chỗ mọi người, cùng nhau vung vẩy pháo bông trong sân.
Cũng chính vào lúc này, tôi vô tình phát hiện ra Tịch Tông Hạc đang đứng trong góc đấm chân một mình, trông anh không thoải mái lắm, đi cũng hơi khiên cưỡng.
Hẳn là do ban ngày ngâm nước lạnh, chân anh lại quý giá khôn nhường, không chịu được nhiệt độ thấp, bằng không tôi lại dỗ dành anh.
Đưa bọn trẻ về nhà xong thì trời cũng đã tối mịt, mọi người bắt đầu về phòng nghỉ ngơi. Tranh thủ lúc Tịch Tông Hạc chưa về, tôi đổ nước nóng vào đầy một chậu gỗ rồi bê ra phòng ngoài, đặt xuống cạnh chân giường anh. Chờ đến khi anh bước vào, tôi mới đánh đòn phủ đầu, chủ động rủ anh vào ngâm chân.
“May mà hồi sáng có cậu, hay tối nay tôi mát xa chân cho cậu nhé? Coi như quà báo đáp vậy.”
Rơi vào tính thề bế tắc, không mắng tôi trước camera được nên anh đành đáp lại một cách máy móc: “Không cần…”
Tôi vỗ xuống nệm, không chịu nhượng bộ: “Lại đây!”
Anh vẫn đứng yên: “Không cần thật mà.”
Tôi không ừ hử gì nữa mà trân trân nhìn anh suốt một lúc lâu.
Anh hít một hơi thật sâu, vì bị dồn ép bởi hình tượng quan hệ “hòa hợp và thân thiện” của cả hai mà sau khi giằng co thêm vài ba phút, cuối cùng cũng đành chậm rãi bước tới.
Anh đi khập khễnh, bước thật chậm, điều này khiến tôi lo lắng không sao nguôi được.
Đợi anh đặt chân vào chậu nước rồi, tôi mới xắn tay áo lên, và bắt đầu xoa bóp cẩn thận từ gót chân. Có vẻ vì cơn đau đã dịu xuống, nên hàng mày vốn cau chặt của anh mới dần giãn ra.
“Thoải mái à?”
Anh đáp lại một cách lạnh nhạt, “Ừ”.
Tôi cảm thấy hài lòng khi nhận được câu trả lời tích cực của anh, đang định cố gắng hơn thì chợt nghe anh nói.
“Tôi thấy anh đưa tiền cho đứa nhỏ kia.”
Tôi liếc về phía máy quay, ra hiệu với nhân viên biên tập trong tương lai: “Đừng cắt đoạn sau nhé.”
Tịch Tông Hạc tỏ vẻ khó hiểu: “Sao không cho cắt?”
Chắc anh nghĩ mục đích tôi đưa tiền cho cậu bé kia là để camera quay được, sau đó nhờ nhân viên biên tập ghép nối phân đoạn này, tới khi chương trình phát sóng, tôi sẽ nhận được cái danh “người thiện tâm”.
Tôi ngước lên, cười với anh: “Số tiền ấy cũng ít thôi mà, có phải ủng hộ tận mấy chục triệu đâu mà khoe ra.”
“Quan trọng là cái tâm thôi.”
Tôi lại cúi đầu: “Chưa chắc đã có tâm.”
Tôi thấy hình ảnh của mình được lồng trong em, một tuổi thơ bất hạnh và yếu đuối. Muốn cầu xin sự giúp đỡ, nhưng chẳng thể nhờ vả được ai; muốn được hy vọng, nhưng lại bị thực tế phũ phàng hết lần này đến lần khác.
Tôi không còn nơi nương tựa, ngước mắt nhìn lên chỉ thấy mây trời đen kịt lưới.
“Thật đáng tiếc.”. Tôi nghe Tịch Tông Hạc nói như vậy.
Tiếc điều gì đây? Tiếc vì tôi không làm việc thiện vì cái tâm, hay tiếc vì tôi không thể lợi dụng chuyện này để thu hút thêm fan?
Rồi vài phút sau đó, không ai trong chúng tôi chủ động mở lời.
Nước nguội dần, tôi vắt kiệt khăn và nói: “Tôi giúp cậu bé, nhưng đó chỉ là sự giúp đỡ trong tạm thời. Tâm lý của những đứa trẻ thiếu thốn cha mẹ thường phát triển theo hai chiều hướng trái ngược nhau, hoặc cực kỳ tự ti, hoặc hết sức ngạo mạn. Tính Tiểu Kiệt hơi khép kín quá, không biết sau này có đỡ hơn không.”
“Tôi cũng không có cha mẹ.”.
Tôi sửng sốt, sau đó mới nhớ ra Tịch Tông Hạc cũng mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh được ông nội nuôi nấng, gần như là một đứa trẻ bị bỏ rơi.
Trước kia, tôi vẫn nghĩ anh là người không kiêu ngạo, không nóng nảy, không khiêm nhường, và cũng chẳng làm cao; chẳng qua bị tên cặn bã Giang Mộ kia làm tổn thương nên tính tình mới trở nên kỳ cục như bây giờ. Nhưng đến giờ tôi mới phát hiện, có lẽ vì tính anh vốn đã ngạo mạn sẵn cho nên mới không buồn để tâm tới những thứ tầm thường, nhỏ bé.
Khi người khác phản bội và lừa dối anh, lòng tự trọng của anh sẽ bị tổn thương, khi đó anh sẽ nghi ngờ cả thế giới và đóng cửa trái tim mình.
Tôi ngước nhìn anh, nói ra suy nghĩ của mình: “Vậy thì cậu phải là người hiểu rõ hơn mới đúng. Một đứa trẻ không có cha mẹ ở bên sẽ thiếu vắng hai tình yêu thương vô cùng quan trọng. Hai tình thương này cần rất nhiều thứ khác để bù đắp, nếu những khoảng trống ấy không được lấp đầy, tâm lý trong quá trình trưởng thành của chúng sẽ nhạy cảm và mong manh hơn. Nếu đã chọn sinh chúng ra thì họ phải có trách nhiệm với chúng, đây là nghĩa vụ của cha mẹ.” Tôi ngoái nhìn về phía máy quay, dặn dò, “Đoạn này chiếu được nhé.”
Tôi thừa nhận rằng bản thân có sự ích kỷ trong cuộc hội thoại này.
Tịch Tông Hạc nhấc chân ra khỏi chậu nước rồi xỏ vào dép.
“Không phải ai cũng xứng đáng làm cha mẹ.”.
Hai chúng tôi, một người nhìn từ trên xuống, một người ngước từ dưới lên, giống như vị vua cao quý cùng tên thái giám đang hầu hạ ngài.
Anh trưng ra vẻ mặt hời hợt, chẳng nể nang gì mà vạch trần mục đích của tôi: “Nếu đã xác định rằng con tôi chỉ nhận được một phần tình thương, tôi sẽ không tự hành hạ mình để bù đắp cho sự thiếu hụt ấy. Anh không cần diễn kịch trước mặt tôi, bất luận là những lời vừa rồi, hay là…”, anh đá vào chậu gỗ,” Cái này.”.
Và rồi, anh học theo bộ điệu khi nãy của tôi, lịch sự nói trước camera: “Cắt hai câu trên hộ tôi nhé, cảm ơn.”
Sự đề phòng mà anh dành cho tôi đã ra đến nông nỗi này. Bất kể tôi có làm gì, hay nói gì đi chăng nữa, thì dưới đôi mắt của ​​anh, mọi thứ đều ẩn giấu cả một mưu đồ riêng. Anh không tin tôi, và sẵn sàng đơm đặt tôi bằng những lời lẽ gây tổn thương nhất.
Tự ti mà kiêu ngạo, yếu đuối mà đa nghi, khe khắt và cũng thật hống hách.
Giống hệt như một đứa nhóc hư hỏng khó ưa, ỷ mình được nuông chiều nên làm mình làm mẩy.
“Được rồi.” Tôi cười khẩy, ném mạnh khăn vào trong chậu khiến nước bắn ra tung tóe, “Sau này, dù anh có đau đớn đến mức lăn qua lăn lại trước mặt em thì em cũng sẽ không thèm chớp mắt lấy một cái, anh muốn ai mát xa, đấm bóp cho thì cứ bảo người đó làm đi!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.