Giáng sinh đã trôi qua được vài hôm. Có lẽ đây là Giáng sinh đáng thất vọng nhất trong hai chục năm cuộc đời của cô. Lần đầu tiên Jeanne không đón Giáng sinh cùng gia đình mình ở một làng nhỏ gần Dijon. Sau khi có một cuộc tranh luận (hơi to tiếng một chút) qua điện thoại với bố mình hồi tháng trước, Jeanne đã lập tức nhận lời mời gọi làm việc thời vụ ở một khách sạn trên bãi trượt Montgenèvre trên núi, tiếp giáp với biên giới Ý trong hai tuần nghỉ lễ Giáng sinh.
Là sinh viên năm thứ hai chuyên ngành Thiết kế đồ họa ở Học viên Khoa học Ứng dụng miền Trung nước Pháp, sau khi đã trải qua vô vàn bài thi khó nhằn của khóa học dự bị, sau khi đã hoàn toàn quen thuộc với môi trường khắc nghiệt của trường đào tạo kỹ sư, cô cảm thấy mình đã hoàn toàn bước lên một tầm cao mới về độ chín chắn và trưởng thành. Jeanne chỉ muốn được như những chú chim đủ lông đủ cánh, bay thật xa, khám phá thật nhiều vùng đất mới thay vì cứ náu mình dưới đôi cánh vững chãi của bố mẹ mình. Thế nhưng cuối tuần nào bố cô cũng giục cô về nhà, kỳ nghỉ nào mẹ cô cũng gọi điện hỏi bao giờ cô sẽ về. Nhìn đám bạn tung tăng xách ba lô đi du lịch khám phá mỗi kỳ nghỉ, cô lại cảm thấy xấu hổ khi từ trước đến nay, tất cả những lần cô đi chơi, du lịch, trại hè, vân vân... đều có bàn tay thu xếp từ đầu tới cuối của bố mẹ. Cho dù là đi trại hè một vài tuần với đám bạn, tối nào bố mẹ cô cũng gọi điện, chờ máy rất lâu chỉ để nói vài câu với cô. Cảm giác như thể cô vẫn đang bị một lớp chắn vô hình bao quanh cho dù đi xa tới đâu đi nữa. Điều này khiến cô càng ngày càng cảm thấy ngột ngạt, càng lúc càng thôi thúc ý muốn tự lên kế hoạch, tự đi xa một chuyến không liên lạc gì với người thân. Và kỳ nghỉ Giáng sinh này chính là dịp đầu tiên cô làm được điều đó.
Chỉ tiếc một điều, kế hoạch ban đầu của cô đã hoàn toàn thất bại. Cô vốn định sẽ làm hết tuần đầu tiên của kỳ nghỉ, rồi bắt tàu đêm về nhà vào đúng ngày Giáng sinh như một món quà bất ngờ cho bố mẹ. Nhưng đúng hôm trước Giáng sinh, ngày cuối trong hợp đồng làm việc thời vụ của cô, cơn bão tuyết khốn kiếp này đã ập tới, khiến cô bị nhốt lại như một con sư tử bị giam trong chuồng, chỉ biết rảo bước trong không gian chật hẹp đầy bực bội.
Bác chủ khách sạn rất tốt bụng, đã cho cô ở lại cho tới khi bão tan không lấy tiền sau khi thanh toán tiền công tuần làm việc đầu tiên như dự định. Bù lại cô vẫn sẽ giúp bác ấy dọn dẹp phần nhà ăn và quán bar mỗi ngày như trước, và lâu lâu có thể tự thưởng cho bản thân những khoảng thời gian yên tĩnh ở góc phòng để làm tiếp các đồ án ở trường hay là nghịch cây đàn ghi-ta cô hay để cạnh quầy bar.
Cô thích chơi đàn ghi-ta từ nhỏ. Khi ông nội cô còn sống, ông đã dạy cô những nốt đầu tiên, những phím bấm đầu tiên trên cây đàn kỳ diệu này. Cô cũng theo học vài khóa học ghi-ta nghiệp dư lúc còn bé, nhưng từ khi lên cấp ba, bị cuốn theo guồng xoáy học hành thi cử tốt nghiệp, hầu như cô không còn sờ vào đàn lần nào nữa. Mãi cho tới đầu năm nay cô được bố mẹ tặng quà sinh nhật là một cây đàn ghi-ta hiệu Gibson, cô mới tiếp tục niềm yêu thích của mình trở lại.
Cô rất thích những bài hát từ thời những năm 1960, 1970 của ông nội, có lẽ vì ông đã dạy chúng cho cô từ những năm tháng đầu đời. Một sở thích khác của cô là các ngôn ngữ, nên thi thoảng cô cũng thử dịch những bài hát mà ông thích ra tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh rồi hát cho ông nghe. Lần nào ông cũng lim dim mắt, những ngón tay đầy vết chai khẽ khàng đánh nhịp trên tay vịn ghế xa-lông, hai chân vắt chéo, và rồi ông cũng cất tiếng hát bè với cô. Ông hát bằng tiếng Pháp, ở bè phụ, còn cô phải cố gắng tập trung để hát bằng ngôn ngữ khác ở bè chính. Một khi cô nhầm, ông sẽ mở choàng mắt nhìn cô đầy trêu ngươi, ra điều "À ra cháu cũng chỉ làm được có thế thôi ư?" khiến cá tính bướng bỉnh của cô bùng lên. Hai ông cháu hát lại từ đầu, cho tới khi có thể hòa giọng đầy nhịp nhàng, mỗi người một thứ ngôn ngữ, mỗi người một bè cao độ khác nhau, nhưng vẫn hòa quyện vào với nhau một cách đầy khó tả.
Lạ thật, tối nay không hiểu sao cô lại nhớ ông nội vô cùng. Ông đã mất ngay trước khi cô nhận được giấy báo nhập học vào khoa Thiết kế đồ họa hai năm trước. Cô cứ ngỡ mình đã quen việc không còn ông ở đó, lim dim mắt khi nghe cô hát, cất tiếng hát bè cùng với cô. Nhưng tối nay, sau khi hát bài hát "Vòng xoáy cuộc đời" mà ông thích nhất, mà cô dịch ra tiếng Ý rồi hát cùng ông nội nhiều nhất, Jeanne bỗng thấy lòng mình như chững lại với một nỗi buồn miên man không cách nào dứt được.
"Cháu biết không, bài hát này do một nhạc sĩ đặc biệt viết tặng Jeanne Moreau và mối tình kỳ lạ của cô ấy. Bài hát này ông từng nghe bà nội cháu hát rất nhiều lần, nên với ông, nó là bài hát của bà ấy, của riêng bà ấy dành cho ông, cho dù khi ông bà ở bên nhau hay cả khi khoảng cách giữa ông bà đã không còn đếm nổi. Khi cháu ra đời, bố cháu bế cháu đến chào ông, đôi mắt của cháu lần đầu tiên nhìn ông, trong veo y hệt như lần đầu tiên ông gặp bà nội cháu. Vậy nên, ông mới đặt tên cho cháu là Jeanne... Bé Jeanne của ông..."
Và đôi mắt của ông lại lim dim, như thể lại đang chìm vào biển ký ức cùng với người vợ đã quá cố từ lâu, cùng với những giai điệu man mác buồn nhưng lại thấp thoáng hi vọng kia. Niềm hi vọng rằng dù chia cách bao lâu, bao xa, những người thương yêu rồi sẽ gặp lại nhau.
Và họ quấn quýt bên nhau trọn đời...
Jeanne nhếch mép thành một nửa nụ cười đầy vẻ giễu cợt. Cuối cùng ông cũng đã gặp được vợ mình ở thế giới bên kia. Họ đã nằm cùng nhau dưới cùng một tấm bia đá khắc câu ấy. Câu hát kết thúc bài hát "Vòng xoáy cuộc đời" mà ông đã chọn để khắc lên bia đá một mai kia mình rời bỏ thế gian.
Bố mẹ cô giờ hẳn đang ngồi quây quần bên lò sưởi, nướng mớ hạt dẻ nhặt trong rừng cùng các anh chị lớn của cô, vui vẻ nói cười rôm rả về ông X bà Y nào đó trong làng lại tranh cãi chuyện con mèo sang vườn nhà kia ị bậy, hay là về cô B và anh C nào đó sống với nhau bao nhiêu lâu mà mãi chẳng chịu làm đám cưới, mặc cho đứa lớn nhất trong ba đứa con của họ đã sắp vào cấp Hai... Rộn ràng ấm cúng không khác gì bầu không khí giữa đám khách trọ đủ thứ quốc tịch đang tán gẫu bất kể ngôn ngữ, màu da, tôn giáo đằng kia.
Còn cô thì vẫn ngồi ở đây, lạnh buốt đôi tay sau khi chơi đàn khá lâu, trong lòng cũng cảm thấy lạnh buốt một nỗi cô đơn trống trải, sánh ngang được với cơn bão tuyết đang rít gào bên ngoài. Jeanne bước tới khu ghế cao sát quầy bar, nơi bác chủ khách sạn đang đứng chống cằm lim dim mắt nhìn về phía đám khách trọ quây quần bên lò sưởi bên kia căn phòng. Cô định vòng ra sau quầy bar tự lấy nước, nhưng bất chợt đổi ý, như thể một thứ gì đó thôi thúc cô nhờ vả người khác, hỏi người khác một điều gì đó... thay vì lầm lũi tự làm mọi việc một mình hoặc chủ động giúp đỡ người khác bất kỳ khi nào như cả chục ngày nay.
"Bác Giulia, bác có thể làm cho cháu một cốc chanh nóng được không? Loại mà bác làm cho cô khách bị đau bụng chiều qua ấy.". Tiên Hiệp Hay
Bác Giulia mở bừng mắt và mỉm cười dịu dàng. "Sao nào cô bé, cháu biết pha món đó mà?" Đôi mắt bác hấp háy tinh nghịch như thể nhìn thẳng vào đáy lòng cô.
Jeanne cười ngượng nghịu. "Vâng, nhưng tự dưng cháu thèm cốc chanh nóng của bác pha cơ, có một mùi vị gì đó mà cháu không cách nào tạo ra được mỗi lần thử tự làm..."
"Được rồi ragazza của bác, có thêm rượu rhum, hay là loại không rượu rhum?" Bác Giulia có một giọng tiếng Pháp rất nhẹ nhàng, pha lẫn chút rung lưỡi đặc trưng của Ý khi phát âm chữ R thay vì chỉ rung cuống họng như tiếng Pháp của cô. Mỗi lần cô nghe bác nhắc đến chữ rhum là lại không nhịn được khẽ mỉm cười.
"Có rượu rhum đi ạ. Đêm nay cháu sẽ cần nó để ngủ ngon hơn." Jeanne khẽ nháy mắt với người phụ nữ trung niên hơi đẫy đà vẻ phúc hậu trước mặt.
Món đồ uống sở trường của bà mà mọi vị khách phái nữ ở đây đều yêu thích. Cốc chanh nóng, Citron chaud trong tiếng Pháp, Hot lemon trong tiếng Anh, Limetta calda trong tiếng Ý. Nước vắt quả chanh, dầm với chút lá bạc hà và vài lát gừng tươi, một thìa mật ong, rồi pha loãng với nửa cốc nước nóng. Ai thích rượu có thể thêm một shot rượu rhum. Nhiều người đàn ông thấy vợ, bạn gái của mình uống cốc chanh nóng ấy đều bĩu môi, chẳng qua là cocktail Mojito loại uống nóng. Giulia chỉ cười và nháy mắt với vị nữ khách thoáng vẻ lúng túng trước mặt. Cô ấy vừa giẫm vào tuyết lạnh đúng ngày đèn đỏ, nên bà tặng một cốc chanh nóng cho cô gái thoáng vẻ mệt mỏi trước mặt.
Jeanne cũng rất muốn pha được một cốc chanh nóng như Giulia, nhưng cô thử mãi vẫn chưa làm được hoàn hảo như thế. Vẫn còn thiếu chút gì đó để cân bằng giữa vị cay nồng của gừng, vị ngọt thanh của mật ong, vị chua gắt nhưng thơm nức của nước chanh vỏ xanh...
"Bí mật, ragazza ạ, đó là bí mật của bác." Giulia lại hấp háy đôi mắt thoáng vết nhăn và mỉm cười với cô. "Cũng như vì sao cậu chàng tóc sẫm kia nhìn cháu tha thiết hầu như không chớp mắt lúc cháu hát bài nhạc đó lúc nãy, đó cũng là bí mật của cậu ấy."
(Ragazza: cô bé trong tiếng Ý, người lớn tuổi hay gọi thân mật những cô gái trẻ.)