Hỷ Tang

Chương 1:




1.
Hôm nay là thứ sáu, tôi kiệt sức trở về nhà chuẩn bị tập trung vào những dự định cuối tuần.
Không nghĩ đến vừa cùng mẹ ngồi xuống ăn bữa cơm nóng hổi thì nghe thấy tiếng khóc lớn truyền sang từ nhà kế bên.
Mặt mẹ tôi biến sắc nói: “Không ổn rồi, La La con ở nhà tự ăn cơm đi, mẹ sang bên đó xem tình hình thế nào.”
Tôi gật gật đầu, làm việc mệt mỏi cả ngày, tôi cũng không còn hơi sức đâu để thắc mắc bên kia đã xảy ra chuyện gì nữa.
Ăn được một nửa, mẹ tôi quay về cùng vẻ mặt cực kỳ nghiêm trọng: “Ông Bạch vừa mới đi rồi.”
Ông ấy đã sống ở nhà bên cạnh kể từ khi tôi bắt đầu hiểu chuyện, mặc dù đều là những ngôi nhà biệt lập ở nông thôn, nhưng ông Bạch luôn chăm sóc chu đáo cho cô nhi góa phụ nhà tôi.
Ông Bạch còn tốt hơn cả ông ruột của tôi, trong lòng tôi, ông ấy chính là ông của tôi. Bình thường có món gì ngon, mẹ đều bảo tôi mang sang cho ông một ít.
Tôi rất buồn khi nghe tin ông ấy qua đời: “Mẹ, có cần con nghỉ làm vào thứ ba để dự đám tang không?”
Ở chỗ chúng tôi, sau khi mất phải nán lại ba ngày để người thân, bạn bè đến viếng rồi mới đưa đi hỏa táng và chôn cất.
Ba ngày sau vừa đúng thứ ba, nếu như muốn xin nghỉ phải báo cáo trước với lãnh đạo.
Mẹ cau mày suy nghĩ sau đó lắc đầu bảo tôi chủ nhật này cùng bà đi phúng điếu một chút là được rồi.
Tôi ngoan ngoãn gật đầu. Đột nhiên, mẹ như nhớ ra gì đó liền nói với tôi: “La La, ông Bạch năm nay đã tám mươi rồi, là hỷ tang, con đừng sợ, ông ấy ở trên trời sẽ phù hộ cho con.”
Tôi từ nhỏ đã sợ người chế.t, lần duy nhất tôi không sợ là khi cha tôi qua đời, tôi ở lại đám tang ông ấy ba ngày, đốt đèn trường minh và thắp hương cầu siêu cho ông.
Vì thế tôi có thể hiểu được lời mẹ nói, tôi đặt bát xuống nhìn mẹ: “Con không sợ, từ nhỏ ông Bạch đã đối xử với con rất tốt, ông đi rồi con cũng không sợ ông đâu.”
Mẹ tôi có vẻ nhẹ nhõm khi nghe tôi nói thế, nhưng trong lòng tôi lại nghi ngờ, cái chết của ông Bạch có gì đó không đúng.
Làm sao có thể là hỷ tang được, rõ ràng hôm qua khi tôi tan làm về nhà, ông ấy còn tràn đầy sức sống muốn hái mận cho tôi ăn cơ mà.
Thế mà hôm nay lại đột ngột qua đời?
Chuyện này e rằng không đơn giản như vậy, nhưng ông Bạch đã đi rồi, mẹ tôi cũng không muốn nói thêm nữa, tôi lại càng chẳng có tư cách để nhiều chuyện.
Suy cho cùng, ba người con trai và một cô con gái của ông ấy còn chưa lên tiếng thì tôi làm sao đến lượt.
Đêm đó, tôi trằn trọc không ngủ được, cứ nghĩ đến việc ông ấy đối xử với tôi tốt như thế nào, đã chăm sóc lo lắng mọi thứ cho tôi ra sao mỗi khi mẹ vắng nhà.
Mãi đến khi trời tờ mờ sáng, bên ngoài vang lên tiếng đập dao cùng tiếng khóc gọi hồn.
Đây là những người ở đám tang đến mở đường, đập dao để dọa ma quỷ ở đó tránh đường còn tiếng khóc sẽ thu hút linh hồn của ông Bạch trở về nhà.
À, chắc chắn phải có người chịu trách nhiệm thắp hương cúng viếng thần linh bốn phương nữa.
Đã có nhiều đám tang trong làng nên những chuyện này tôi cũng hiểu chút chút.
Ngày hôm nay chắc hẳn những con cháu hiếu thảo của ông Bạch cùng họ hàng và bạn bè sẽ gửi “chăn hỷ” đến.
Nghĩ ngợi về điều đó làm tôi thiếp đi đến tận trưa mới bị đánh thức bởi một tiếng động lớn.
“Ông Bạch, con trai cả của ông sắp nhận chăn hỷ, ông hãy phù hộ cho đường tài lộc của anh ấy được thuận lợi.”
Tiếng la hét này làm tôi vô cùng lo lắng, nhưng sau đó lại không có âm thanh nào khác.
Cái này không đúng, không thể chỉ có một người đưa chăn, cũng không phải là hét lên từng người một như thế.
Qua nửa giờ không còn nghe thấy âm thanh gì nữa, tôi mặc đồ ngủ ra ngoài kiểm tra mới phát hiện mẹ không có ở nhà.
Chắc bà ấy sang nhà kế bên phụ giúp rồi, trong thôn chính là như thế, chỉ cần một nhà có chuyện mọi người đều sẽ đến đỡ một tay.
Ngay khi tôi tính đi nấu cơm thì giọng nói run rẩy đó lại vang lên lần nữa: “ Lão Bạch, con trai thứ của ông sẽ nhận chăn hỷ, ông hãy bảo vệ cho gia đình anh ấy bình an”
Sau đó lại là một khoảng lặng kéo dài, tôi chăm chú nghe đến mức nước chuẩn bị cuốn trôi hết gạo trong nồi xuống cống.
Cho đến khi mẹ trở về, bà tắt vòi nước, vỗ tôi mấy cái, hỏi tôi đang nghĩ gì mà nhập tâm thế.
Thấy mẹ quay lại, tôi vội hỏi: “Mẹ, nhà ông Bạch thế nào rồi, hôm nay chăn hỷ bị đắp nhầm ạ? Chuyện này không phải nên gọi liên tục à, sao mới hét hai lần đã ngừng rồi?”
Mẹ thở dài, cầm lấy nồi cơm trong tay tôi rồi kể chuyện đã xảy ra ở nhà hàng xóm.
Chăn hỷ căn bản không đắp được cho ông Bạch, mấy lần liên tiếp cứ đắp lại tuột không lý do, sắc mặt con trai cả của ông tối sầm cả lại.
Mọi người đều nói là do ông ấy có ác cảm với người con này nên không chịu nhận chăn hỷ của hắn.
Không còn cách nào khác đành phải lấy chăn của con trai thứ đắp trước, vì chuyện này mà chủ tang lễ tái mặt nói rằng nhà anh ta có chuyện, cần trở về ngay.
Đưa bao nhiêu tiền anh ta cũng không chịu ở lại. Ông Bạch sinh thời là một người tốt, xảy ra những chuyện này vào ngày đầu tiên của đám tang, e là sau khi chôn cất, những lời bàn tán về gia đình của ông ấy sẽ vang khắp làng.
Mẹ nói giờ bà ấy về xem tôi đã dậy chưa để nấu cơm cho tôi, rồi sang thôn bên cạnh nhờ chú Hai qua giúp.
Chú Hai tôi cũng được tính là một bán đạo sĩ, ông ấy rất giỏi xử lý những chuyện như thế này, có điều chi phí phải trả hơi cao.
Không mở thì thôi, đã mở thì một lần ăn được cả nửa năm, gia đình ông Bạch cũng tốn rất nhiều tiền để thuê chú Hai tôi.
Tôi nghiêm túc nhìn vào mắt mẹ rồi hỏi: “ Hai đứa con trai của ông Bạch thật sự không có vấn đề gì chứ, đây là lần đầu tiên trong thôn chăn hỷ không thể đắp được đó ạ.”
Mẹ chỉ dặn tôi đừng có xen vào việc của người khác, ngày mai bà sẽ dắt tôi đến cúng bái ông Bạch, bây giờ tôi cứ ở nhà đi.
Tôi nhún nhún vai, rõ là đã hai mươi lăm tuổi rồi mà vẫn bị xem là trẻ con.
Chú Hai tôi rất nhanh đã tới, họ nói chăn hỷ cuối cùng cũng đắp lên được rồi.
Nhưng thứ mà tôi nhìn thấy khi đến linh đường vào ngày hôm sau là chiếc chăn hỷ được đóng đinh vào thi thể của ông Bạch.
Ở chỗ chúng tôi, việc thờ cúng phải quỳ bằng cả hai chân, thắp hương và lạy ba lễ mới tính là hoàn thành.
Hôm nay khi bước vào cửa, tôi cảm thấy không khí trong linh đường có gì đó không đúng, chiếc chăn hỷ đắp lên người ông Bạch bỗng “ngoan ngoãn” lạ thường.
Vào lúc mẹ đưa cho tôi nén hương, cùng tôi bước tới phía trước và quỳ xuống lạy.
Tôi đã nhìn thấy những cây đinh sắt đỏ sẫm sáng rực trên mép chăn, nhìn thoáng qua tôi đếm được khoảng năm chiếc.
Tôi muốn kéo mẹ lại cho bà ấy xem có phải tôi bị ảo giác không, nhưng sự cứng đờ cùng với tầm mắt của tôi đã khiến người khác bất mãn.
“La La, cha tôi từ khi cô còn nhỏ đã đối xử với cô rất tốt, giờ cô cúi đầu quỳ lạy lão già như ông ấy cũng cảm thấy khó khăn sao. Cứ đứng trố mắt ra như vậy, cô làm người kiểu gì thế, thật vô lương tâm.”
Người đang nói là con gái của ông Bạch, cô ấy cũng trạc tuổi tôi, lấy chồng cách đây hai năm, lần này trở về bụng khá tròn, về vai vế mà nói thì tôi phải gọi cô ấy là bác mới đúng.
Nhìn vẻ kỳ lạ trên mặt của mẹ tôi và mọi người trong thôn, hẳn là đều cảm thấy tôi đang đứng ngẩn ra ở linh đường của ông Bạch.
Tôi thở dài, cuối cùng ba lễ lạy cũng xong xuôi, định về nhà kể mẹ nghe về phát hiện kỳ quái này.
Sau khi xong ba lễ lạy, tôi gặp lại chú Hai, người mà tôi đã lâu không gặp kể từ khi cha qua đời. Ngoại trừ dịp Tết Nguyên Đán, chúng tôi cơ bản không liên lạc với họ hàng bên đó.
Theo như lời mẹ tôi nói thì là: “Cha con qua đời, nhà chúng ta lại không có con trai nên họ muốn cắt đứt với mình là điều dễ hiểu, con cũng đừng oán trách họ làm gì. Dù không có bọn họ thì mẹ vẫn có thể nuôi dạy con nên người, không cần phải trông cậy vào bọn họ.”
Nghe có vẻ mạnh mẽ. nhưng thật ra trước khi tôi tốt nghiệp, có mấy lần tôi thấy mẹ lén lút trùm chăn khóc và vay tiền dì.
Dù khó khăn và mệt mỏi đến mấy, bà ấy vẫn cố gắng cho tôi ăn học đầy đủ, bất kể người khác có nói như thế nào, cha mẹ vẫn rất yêu thương tôi.
Chú Hai không hề cảm thấy xa lạ khi nhìn thấy tôi, còn đến hỏi tôi năm nay bao nhiêu tuổi, tôi cười gượng nói với chú ấy là mình đã tốt nghiệp được hai ba năm rồi.
Chú ấy là người làm ăn, không sợ xấu hổ, khi đổi chủ đề thì nói mình tuổi tác đã cao, trí nhớ không còn tốt như trước nữa.
Đồng thời trách móc mẹ và tôi mấy năm nay trở nên lạnh nhạt với bọn họ, còn hỏi mẹ đã tìm được cha mới cho tôi chưa.
Nhìn thấy nụ cười trên mặt tôi dần trở nên khó coi, mẹ bước tới: “Chú Hai, tối nay mời chú đến nhà tôi ăn bữa cơm. Đúng là đã lâu quá không gặp rồi, trừ Tết Nguyên Đán thì quả thật hiếm khi có thời gian đến thăm hỏi, tôi sẽ nấu bữa tối thật ngon để chiêu đãi chú.”
Đây là nguyên tắc sống của mẹ tôi, một điều nhịn chín điều lành.
Cũng vì cái nguyên tắc chế.t tiệt này mà luôn có một số người hay đưa mồm đi chơi xa, được voi lại đòi tiên.
Chú Hai tôi chính là loại người như vậy, nghe mẹ tôi nói sẽ đãi liền không khách khí yêu cầu đủ mọi thứ.
“Chị dâu, chị biết đó, tôi không ăn thịt lợn, chỉ thích ăn thịt bò và thịt cừu, rượu phải là rượu trắng. Khi nấu ăn cho ít dầu ít muối thôi mới tốt cho sức khỏe.”
Mẹ vẫn mỉm cười lịch sự và đồng ý từng cái một.
Sau bữa trưa tại nhà ông Bạch, mẹ dẫn tôi đi chợ mua rau về chuẩn bị bữa tối.
Trên đường đi chúng tôi không nhắc đến chú Hai nữa, nhưng những chiếc đinh đỏ sẫm đó cứ lởn vởn trong đầu tôi.
Màu đỏ đó thật sự giống như là máu đã khô vậy.
Tôi cứ liên tục im lặng khiến mẹ lầm tưởng rằng tôi buồn vì mấy lời của chú Hai.
“Này, món khoái khẩu của con đó, trước kia lần nào cha ra ngoài cũng đều mua về cho con, lúc nào con cũng rất vui, bây giờ mẹ cũng mua cho con nhé.”
Tôi cắn một miếng kẹo hồ lô, quá ngọt, rồi lại mỉm cười nói với mẹ rằng nó rất ngon.
Nhưng thật sự thì từ lâu tôi đã không còn thích kẹo hồ lô nữa rồi, cũng như sau khi cha qua đời mẹ rất hiếm nhắc về ông ấy, tôi cũng chẳng mấy khi ăn những món gợi lại kỷ niệm như này nữa.
Hôm nay mẹ mua được thịt bò rất tươi, màu đỏ thẫm, chú bán thịt nói đó là con bò vừa mới mổ lúc trưa, bên cạnh còn có cả một nồi tiết bò rất tươi.
Màu đỏ này đã kích thích sự hiếu kỳ của tôi, trên đường về nhà tôi hỏi mẹ về những cây đinh.
“Mẹ, ở linh đường của ông Bạch không phải con ngẩn người ra đâu. Chỉ là... chỉ là con nhìn thấy chăn hỷ bị đóng đinh... rất nhiều đinh, đều được đóng chặt vào người ông ấy.”
Tôi không hề tỏ ra sợ hãi khi nói ra chuyện này mà thấy sốc và hiếu kỳ hơn, tôi muốn biết đã có chuyện gì xảy ra.
“Con thấy hết rồi.” Vẻ mặt của mẹ nằm ngoài dự tính của tôi, đó là loại biểu cảm của sự sợ hãi và hổ thẹn.
Câu trả lời của mẹ khiến tôi chắc chắn rằng mọi người đều biết về nó và đó không phải là bí mật, chỉ có tôi là hiếu kỳ vì lần đầu tiên nhìn thấy mà thôi.
“Mẹ, tại sao vậy? Chỉ vì không đắp được chăn hỷ mà bọn họ bất chấp sự yên ổn sau khi chết của ông Bạch và đóng đinh ông ấy sao?”
Tôi tức giận, không hiểu sao đám con cái của ông Bạch lại có thể nghĩ ra được loại chiêu trò độc địa như vậy.
Suốt dọc đường, mẹ không nói chuyện với tôi, cũng không trả lời câu hỏi của tôi.
Chỉ khi về đến nhà, trong lúc rửa thịt bò, mẹ tôi mới bắt đầu kể lại mọi chuyện xảy ra ngày hôm đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.