Không Là Bè Bạn Bình Thường

Chương 63:




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Chu Chức Trừng và Giang Hướng Hoài chuẩn bị rời khỏi bệnh viện, Hà Kim Tự bỗng nói: “Luật sư Giang, chúng ta có thể nói vài câu không?”
Giang Hướng Hoài nhìn anh, gật đầu.
Chu Chức Trừng tiếp tục ngồi ở căn tin chờ hai người, trò chuyện với hai ông bà cụ kia.
Bà cụ biết mấy người trẻ tuổi này ban nãy nói đùa, hỏi lại: “Cháu với bác sĩ Hà chia tay à? Người kia là bạn trai mới của cháu sao?”
Chu Chức Trừng hơi ngập ngừng: “Dạ là bạn trai cũ.”
“Người tỉnh ngoài à?”
“Dạ.”
“Người ở ngoài không đáng tin đâu, đang làm gì?”
“Luật sư ạ.”
Bà cụ mặt tiếc nuối: “Vậy bác sĩ Hà vẫn tốt hơn.”
Ông cụ xen vào: “Từ Bắc thành đến à? Con trai tôi cũng ở Bắc thành.”
Bà cụ nghe hai chữ Bắc thành thì giận dỗi: “Con trai ông con trai ông, vậy ông nhanh đi tìm con trai ông đi, con trai ông ở Bắc thành ghê gớm lắm, đưa ông về Bắc thành đi, muốn đi thì đi nhanh đi.”
Ông cụ im lặng một lát, sau đó không nhịn được hạ giọng cãi lại: “Không phải bà cũng con gái bà con gái bà sao…”
Bà cụ mắng: “Ông nói thêm tiếng nữa là ngày mai tôi không đẩy xe lăn cho ông.”
Chu Chức Trừng mỉm cười nhẹ nhàng, ông cụ trước đây đến văn phòng luật tìm cô muốn ly hôn, đây là lần đầu tiên cô nhận vụ tư vấn ly hôn mà người lớn tuổi như vậy.
Khi đó cô mới xuống lầu định ăn cơm, thấy ông cụ chống gậy, tay cầm hai túi thức ăn mang về, đứng ở cầu thang lúng túng không biết làm sao để leo lên. Ông nhìn thấy cô liền hỏi: “Cháu là luật sư Chu à? Ông muốn ly hôn.”
Ông cụ không thể lên lầu, Chu Chức Trừng đỡ ông sang tiệm ăn vặt bên cạnh ngồi tạm. Cô muốn mời ông ăn cơm, ông xua tay từ chối: “Ông hỏi mấy câu thôi, ông mua cơm rồi, bà già ở nhà còn chờ ông mang cơm về đây.”
Ông thở dài: “Bà cụ nhà ông không chịu ly hôn, ông phải làm sao mới ly hôn được?”
“Những người khác trong nhà đâu ạ?”
“Ông chỉ có đứa con trai sống ở Bắc thành, cháu nội cũng đang đi học. Ông với bà già ở nhà là vợ chồng rổ rá cạp lại, hai ông bà không có con chung, bà ấy có đứa con gái sống ở nơi khác.”
“Sao hai người lại muốn ly hôn?”
Ông cụ im lặng.
Chu Chức Trừng lại hỏi: “Vậy ông có yêu cầu gì về việc phân chia tài sản không?”
“Ông là giáo viên, có lương hưu, tiền đều đưa hết cho vợ, nhà chỉ có một căn ông tự xây, đã có từ trước khi cưới bà ấy, không đáng mấy tiền.”
“Có thể hỏi vì sao bà không muốn ly hôn không ạ?”
Chu Chức Trừng mới hỏi xong, đã thấy một bà cụ dáng người khỏe mạnh xốc tấm màn nhựa của quán ăn ra, vọt vào chửi ầm lên: “Ông già chết tiệt, theo ông 30 năm, giờ ông muốn ly hôn với tôi, còn tìm luật sư có phải không? Đã bước nửa chân vào quan tài còn chưa bỏ ý định à?”
Giọng bà cụ lanh lảnh: “Mấy hôm trước thấy ông xem cô luật sư này trên TV, tôi biết ngay đầu óc gian xảo của ông mà. Chà, con trai muốn đón ông lên Bắc thành hưởng thụ phải không?”
Ông cụ bị mắng không dám hé răng một câu, cũng nhát gan, chỉ dám kéo kéo tay bà cụ: “Nói nhỏ thôi, đừng ầm ĩ mọi người biết hết.”
“Biết hết càng tốt. Thầy Lưu cưới lần đầu vợ chết, cưới lần 2 còn ly hôn, xem ông còn lăn lộn ở Nam Nhật này thế nào!”
Ông cụ mặt đỏ bừng, Chu Chức Trừng đành khuyên nhủ: “Ông mua cơm cho bà, hay là ngồi xuống ăn cơm trước… Ăn xong lại mắng nhé?”
Nhìn hai phần cơm, bà cụ ngừng nói, vẻ tủi thân. Ba người ngồi ăn cơm.
Bà cụ vừa ăn vừa khóc: “Con cái đều là của nợ. Con ông ấy không muốn nuôi tôi, nói tôi còn ở đây nên không cho ông ấy một xu, nói ông ấy tái hôn thì không có nghĩa vụ cấp dưỡng, cũng muốn đoạn tuyệt quan hệ với ông ấy. Còn con gái tôi cũng có ý nghĩ đó, nó muốn đón tôi qua bên nó, nói giờ tôi không đi thì sau này ông ấy chết thì nó mặc kệ tôi, dù gì nó là con gái lấy chồng không cần phụng dưỡng mẹ. Vì vậy hai chúng tôi bắt buộc phải ly hôn.”
Bà lau nước mắt: “Số tôi khổ, chồng mất sớm, khó khăn lắm mới lấy một người giáo viên, lại bị buộc ly hôn, mấy chục năm tình cảm bạn già…”
Ông cụ cũng khó chịu: “Con gái cũng vì thương bà ấy, không muốn bà ấy phải chăm sóc người chân cẳng đi lại khó khăn như ông. Ông lớn tuổi hơn bà ấy, sớm muộn gì cũng ra đi trước bà ấy, ông đi rồi bà ấy còn có một mình cũng khổ.”
Sau này, khi Chu Chức Trừng tiếp nhận vụ án, tìm hiểu thêm thì đề nghị với ông cụ: “Hay là chúng ta không thực hiện việc ly hôn mà khởi kiện hai đứa con không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng?”
Kiện tụng dĩ nhiên là phương án tệ nhất, những vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình thì tốt nhất nên liên hệ con cái hai bên phối hợp giải quyết trước khi khởi kiện, nếu không dù có đưa ra tòa thì cũng không thành công, chỉ là đổi thành thẩm phán đứng ra hòa giải.
Con gái bà chủ yếu thương mẹ làm trâu làm ngựa cực khổ cả đời, đến khi ông cụ mất thì lại trắng tay, thà rằng bây giờ tách ra, cô ấy cũng không để ý đến tài sản của ông cụ.
Con trai ông cụ rất quá đáng, nói với Chu Chức Trừng một hơi “ba không phụng dưỡng: “Tái hôn không phụng dưỡng, từ bỏ quyền thừa kế không phụng dưỡng, không chăm sóc con cháu không phụng dưỡng.”
Chu Chức Trừng khiêm tốn hỏi: “Đây là quy định ở đâu?”
Anh ta trả lời: “Tự quy ước.”
Chu Chức Trừng đành phải trả lời theo quy định pháp luật: “Luật hôn nhân quy định con cái có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ, kể cả con riêng. Luật hôn nhân cũng quy định nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ của con cái không chấm dứt khi có sự thay đổi về mối quan hệ hôn nhân của cha mẹ. Nói cách khác, không những anh phải nuôi cha mình mà còn phải có nghĩa vụ phụng dưỡng người vợ đã tái hôn của cha anh.
Pháp luật cho phép anh từ bỏ quyền thừa kế gia sản, nhưng “Luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi” quy định anh không được từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng bằng cách từ bỏ quyền thừa kế.
Thầy Lưu ở thị trấn, con trai anh ở Bắc thành, anh muốn ông ấy chăm sóc con anh bằng cách nào? Huống chi ông bà nội cũng không có nghĩa vụ pháp lý phải cấp dưỡng cho cháu nội, đây không phải lý do để anh từ chối nghĩa vụ phụng dưỡng.
Thầy Lưu ủy quyền cho tôi không phải đến để khởi kiện anh, anh cũng có con, hẳn nên hiểu tầm quan trọng trong quan hệ vợ chồng, cha con. Hai ông bà đã làm bạn 30 năm, tuổi già lại bị mấy người cương quyết chia rẽ. Hơn nữa, thầy Lưu có tiền lương hưu, ông ấy tự nuôi nổi bản thân và vợ, các người từ chối phụng dưỡng, uy hiếp họ không phải vì vấn đề kinh tế mà là tình cảm giữa cha mẹ con cái. Thầy Lưu vì chuyện anh muốn bắt ông và vợ ly hôn nên mới tìm đến văn phòng chúng tôi.
Hai người tình cảm vợ chồng sâu đậm, không muốn rời xa nhau, cha anh bây giờ đi lại khó khăn, nếu thật như bà cụ tham tiền của như lời anh nói, không có tình cảm thật thì bà ấy đã ly hôn từ lâu. Bởi vì cha anh nói nếu ly hôn thì ông sẽ cho bà một khoản tiền mà ông dành dụm được, bà cần gì ở lại làm bảo mẫu chăm sóc ông ấy chứ?”
Con gái bà cụ dễ giải quyết, cô ấy chỉ vì tương lai của mẹ. Cô ấy cũng bằng lòng chi tiền phụng dưỡng mỗi tháng, Chu Chức Trừng muốn làm cô ấy yên tâm nên nói thầy Lưu lập di chúc, ra công chứng, cho bà cụ lúc tuổi già một sự bảo đảm. Tài sản chia làm ba phần, một con trai một con gái và bà. Hai người con cũng ký thỏa thuận, mỗi người định kỳ sẽ chuyển tiền phụng dưỡng hai ông bà cụ.
Đây là vụ án mà Chu Chức Trừng rất thích. Tuy nói hôn nhân bây giờ như lời nguyền nhưng trên đời này vẫn có rất nhiều người mang tình yêu đi vào hôn nhân, bởi vì hiếm có nên càng muốn bảo vệ, trong khi nhiều người nghĩ công việc luật sư khi giải quyết việc ly hôn là “chia rẽ một đôi lại một đôi”. Cô làm việc ở huyện thành, không giống thành phố lớn chỉ tập trung cho một lĩnh vực, thế nên cô không phải thuần túy là luật sư ly hôn. Cô từng thực hiện nhiều vụ ly hôn, đã từng chứng kiến những vụ ly hôn do theo dõi chồng ngoại tình lâu ngày, từng gặp những người đàn ông lừa tiền sính lễ, từng gặp chồng dùng tài sản chung để nuôi nhân tình; còn có người mẹ đáng thương bị chồng giấu con đi, buộc phải khởi kiện để xin tòa xử lý…
Luật hôn nhân quy định nam nữ bình đẳng về mặt pháp luật, nhưng quan niệm xã hội truyền thống không công bằng với phụ nữ, phụ nữ thường thiệt thòi trong hôn nhân, hy sinh công việc, làm nội trợ, phải trả giá lớn cho việc sinh nở. Khi ly hôn, những hy sinh trong hôn nhân biến thành lưỡi dao đâm thẳng vào phụ nữ.
Rất lâu trước kia cô đã hiểu, luật sư tiếp nhận tư vấn án ly hôn không phải là đi chia rẽ một đôi vợ chồng mà là trợ giúp các bên giải quyết vấn đề, mang lại lợi ích tối đa cho đương sự, cũng không thể để họ đã không còn tình yêu lại còn không có tiền tài.
Thầy Lưu sau đó còn viết một bức tranh chữ đưa tặng cô: “Luật sư giỏi giang, có tình có nghĩa.”
Chu Chức Trừng thích chữ “tình” kia, luật sư ở đây cần có tình người, lắng nghe nỗi đau, chia sẻ hạnh phúc, giải quyết khó khăn cho đương sự!
*
Hà Kim Tự dẫn Giang Hướng Hoài đến công viên nhỏ cạnh căn tin bệnh viện, không ngờ hôm nay trong vườn đông người, không có ghế trống.
Hai người không thân, Hà Kim Tự mời xong thì cũng hối hận, anh với Chu Chức Trừng cũng chỉ là hẹn hò qua mai mối trong năm nay, anh đứng trên lập trường gì mà hẹn nói chuyện với luật sư Giang, người đã quen biết với cô nhiều năm?
Không khí hơi lúng túng.
Tình cờ có hai ông cụ nhìn thấy Hà Kim Tự, thấy hai người đứng ngẩn ngơ thì bước khỏi máy đi bộ, nhiệt tình mời: “Bác sĩ Hà, giờ nghỉ muốn đến đây thả lỏng sao? Đến đây đến đây, chúng tôi nhường cho cậu chơi.”

Hà Kim Tự vội từ chối: “Không cần không cần ạ.”
Nụ cười của Giang Hướng Hoài rất nhạt, cũng không hứng thú, muốn từ chối.
Nhưng hai người sao đánh bại được hai ông cụ, hơn nữa chân cẳng hai ông bất tiện, run run rẩy rẩy, hai người cũng không dám phản kháng mạnh, chỉ đành miễn cưỡng vịn tay lên tay nắm, hai chân dẫm lên bàn đạp.
Một ông cụ sốt ruột giục: “Di chuyển đi, tay vịn, đẩy đùi lên.”
Ông cụ kia còn sốt ruột đến mức vỗ mông Giang Hướng Hoài: “Cậu cũng cử động đi.”
Cơ bắp Giang đại luật sư cứng đờ, môi mím lại thành một đường thẳng, anh muốn né đi nhưng tay ông cụ còn ở trên mông anh, nếu anh không chịu nhấc chân chắc hẳn ông cụ sẽ vỗ mông anh nữa.
Hình ảnh mang nét đẹp lãng mạn mộc mạc, hai người đàn ông cao ráo đẹp trai đang lắc lư chân trên máy đi bộ màu vàng rực ở công viên, gió nhè nhẹ lay, bóng nắng lấp loáng, không khí mang nét thanh xuân niên thiếu.
Bên cạnh là hai ông cụ đứng chỉ đạo: “Mở rộng chân ra.”
“Đừng dùng sức quá, cẩn thận tét háng.”
Hà Kim Tự lên tiếng trước: “Tôi khá ngạc nhiên, luật sư Giang, anh tốt hơn tôi tưởng tượng. Tôi vốn nghĩ anh và Trừng Trừng là người của hai thế giới, Nam Nhật rất nhàn nhã, nhưng từ trong ra ngoài con người anh lại quá căng thẳng, quá chú trọng mọi thứ.”
Môi Giang Hướng Hoài có ý cười nhạt nhẽo: “Vậy chỉ có thể chứng minh anh cũng không hiểu Trừng Trừng, dĩ nhiên càng không hiểu tôi. Anh chỉ cảm thấy Trừng Trừng ở thị trấn nhỏ này như cá gặp nước nhưng anh không biết, em ấy ở đâu cũng rất tốt, từ trước đến giờ em ấy và tôi chưa bao giờ là người của hai thế giới.”
Năm đó tính tình cô vẫn còn trẻ con nhưng theo anh tham gia xã giao nhiều nên cũng rất bình thản, cô không vì tiền tài hay địa vị mà cảm thấy tự ti, nhưng sẽ vì học thức nông cạn, năng lực làm việc còn ít mà cảm thấy thất vọng. Nếu không phải vì những lời cay nghiệt mà anh nói khi chia tay, có lẽ cô cũng không nghĩ tình yêu trong sáng, nồng nàn của mình lại phải suy xét đến hoàn cảnh gia đình và lợi ích.
“Nếu em ấy theo kế hoạch đã định tiếp tục đi tới, đi du học lấy bằng thạc sĩ Luật, quay lại Minh Địch, mấy năm sau em ấy có thể thuận lợi lên làm cộng sự.” Anh tiếp tục cười nói, “Anh cũng không hiểu tôi nên anh không biết, nếu em ấy không muốn dừng lại vì tôi, tôi sẽ đến bên em ấy. Ở đây mọi thứ đều tốt cả.”
Bác sĩ Hà nheo mắt, cười hỏi: “Tốt thế nào? Anh ghét ăn ở căn tin, Trừng Trừng lại ăn ngon lành, anh đứng ở đây đầy miễn cưỡng, nếu là Trừng Trừng thì đã cùng mọi người trò chuyện.”
“Tình nhân không phải anh em sinh đôi, không cần phải giống nhau mọi điều, em ấy muốn ăn ở căn tin, tôi có thể nhìn em ấy ăn, em ấy muốn ở đây trò chuyện cùng mọi người, không phải tôi cũng ở đây bị người ta sờ mông sao.” Giọng Giang Hướng Hoài vô cùng bình tĩnh.
Lúc này Hà Kim Tự mới cười thành tiếng, lại không nhịn được nói: “Mệ Thái rất muốn tôi làm cháu rể bà.”
Giang Hướng Hoài cũng biết, thế nên anh chỉ có thể tiếp tục nỗ lực.
“Tôi và Trừng Trừng bằng tuổi nhau.” Hà Kim Tự nói.
Giang Hướng Hoài thản nhiên, nhìn thấy Chu Chức Trừng đi ra khỏi căn tin, ý cười trên mặt anh rất dịu dàng: “Việc này tôi không thay đổi được, may là việc tôi lớn hơn vài tuổi có chút tác dụng, khi em ấy chưa độc lập, tôi có thể giúp em bước qua vài cạm bẫy, đi vòng qua một vài con đường.”
Hà Kim Tự cong cong môi.
Niên thiếu quen biết, mấy năm bầu bạn, yêu thầm thành thật, ngay cả công việc của cô đều có liên quan đến anh ấy.
Hà Kim Tự luôn cảm thấy việc cảnh cáo đối phương phải đối xử tốt với cô gái là điều ngu ngốc, nhưng anh vẫn bất giác nói khẽ: “Luật sư Giang, đừng làm điều có lỗi với tình cảm mười năm của cô ấy.”
Chu Chức Trừng không ngờ lại nhìn thấy Giang Hướng Hoài và Hà Kim Tự đang đi trên máy đi bộ, dù là cấp ba hay đại học, máy đi bộ này luôn được yêu thích giống như chơi xích đu, hai người đàn ông chơi nhìn cũng rất lãng mạn.
Chu Chức Trừng ước chừng thời gian, hẳn là còn kịp gặp cô bé kia, Lý Nhã Phương.
Giang Hướng Hoài đi về phía cô, không chịu nổi cảm giác bụng trống rỗng, anh nói nhỏ: “Anh ăn không no.”
Cô nhíu mày, biết anh kén chọn, “Không phải thức ăn ở tiệm đồ nướng anh cũng ăn hết sao?”
“Khác.”
“Khác cái gì?”
Anh thành thật: “Chỉ cần không có mùi miếng sắt chùi xoong là được.”
Huống chi thịt nướng với anh lại khác. Nhiều năm trước, vào một ngày mùa đông, anh từ Berkeley chạy đến chỗ cô, cô lấy tiền tiết kiệm đãi anh một bữa thịt nướng, cho dù không sạch sẽ thì anh vẫn sẽ ăn hết.
Chu Chức Trừng lái xe chở Giang Hướng Hoài đến một nhà hàng Tây ở huyện Nam Nhật. Phong cách bài trí xa hoa kiểu quê mùa, trong tiệm không có khách, chỉ có bàn hai người.
Chu Chức Trừng gọi điện thoại cho Lý Nhã Phương.
Lý Nhã Phương có vẻ ngạc nhiên: “Luật sư Chu?”
“Nhã Phương, em đang làm việc à?”
Lý Nhã Phương im lặng một lúc: “Dạ không.”
“Được nghỉ à, hay là xin nghỉ việc?”
Lý Nhã Phương nói: “Dạ bị đuổi rồi.” Giọng em trầm buồn, “Ông chủ biết em từng ở tù.”
Chu Chức Trừng mím môi: “Có tiện gặp mặt không? Chị Chu mời em ăn cơm.” Cô báo địa chỉ nhà hàng tây cho cô bé.
Lý Nhã Phương nói: “Từ đây em qua phải hơn 20 phút.”
“Không sao, đừng vội.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.