Kiếm Lai - Phong Hỏa Hí Chư Hầu

Chương 389: Khí phách của phu tử




Muốn đến miếu thờ hà bá dâng hương phải đi khoảng nửa canh giờ, không tính là gần. Trần Bình An không có vấn đề gì, nhưng người đàn ông đưa hương lại hơi áy náy, càng tò mò về lai lịch của nhóm người này.
Không giống với phần lớn quốc gia ở Bảo Bình châu, quan hệ với trên núi cực kỳ mật thiết, triều đình nước Thanh Loan không bao giờ cố gắng đề cao địa vị của môn phái tiên gia. Đối với rất nhiều xung đột trên núi dưới núi, hoàng đế họ Đường đều thể hiện sự kiên quyết và khí phách không tầm thường. Chuyện này khiến nước Thanh Loan, nhất là những gia đình phú quý, rất quen thuộc với thần tiên ma quái và yêu tinh sông núi. Cho nên người nước Thanh Loan luôn cảm thấy mình cao hơn người nước khác.
Hôm nay lại có vô số thế gia áo mũ tràn vào nước Thanh Loan, cộng thêm trận Phật Đạo tranh luận cả nước chú ý, danh tiếng của nước Thanh Loan ở đông nam bộ Bảo Bình châu nhất thời không đâu sánh bằng.
Người đàn ông kia tu vi thấp kém, chỉ là cảnh giới thứ ba mà thôi. Thỉnh thoảng túi tiền căng phồng, hắn lại mời hai ba hảo hữu uống rượu trò chuyện, phát hiện cảm giác ưu việt khi là con dân Thanh Loan không hề kém hơn luyện khí sĩ chút nào.
Đây có lẽ là tình cảm nước nhà.
Có điều hắn cũng không dám đảm bảo, sau khi mình trở thành thần tiên năm cảnh giới trung, liệu có giống như những tiên sư gia phả kia hay không.
Có điều ước nguyện tốt đẹp quá xa xôi, đường dưới chân vẫn phải đi từng bước, cơm trong chén vẫn phải ăn từng miếng, chẳng hạn như hiện giờ mình phải cố gắng lôi kéo đám người xứ khác này.
Trong mắt hắn, người cầm đầu nhóm này là thanh niên đeo kiếm đeo hòm trúc kia, chuyện này không cần nghi ngờ. Người trẻ tuổi này bước chân nhẹ nhàng, phong thái nghiêm nghị, hẳn là tiên sư gia phả, có điều lai lịch thật sự chắc vẫn đến từ hào phiệt thế tộc.
Hắn đã nhìn thấy rất nhiều tiên sư trẻ tuổi xuất thân không tốt lắm, nhưng đầu thai lại tốt, cho nên tư chất xuất chúng. Lúc còn nhỏ sớm lấy được cơ duyên tu đạo, lọt vào mắt xanh của một số cao nhân vân du, hoặc là một số tu sĩ môn phái tiên gia chuyên phụ trách tìm kiếm hạt giống tốt, một bước lên trời.
Loại tu sĩ trẻ tuổi này, tính tình ngày sau quả thật là ăn mây uống sương, không giống người thường. Mỗi lần xuống núi du lịch, rèn luyện đạo tâm trong hồng trần, có lẽ sẽ không hùng hổ ép người, nhưng cũng hiếm khi bình dị gần gũi. Dù là đối diện với quan to quyền quý, tướng soái công khanh, hay là hào hiệp giang hồ, hảo hán võ lâm, bọn họ đều đối xử như nhau, chỉ có hai chữ “hờ hững”.
Tiểu nha đầu đen nhẻm đeo đao trúc kiếm trúc, có lẽ là vãn bối trong gia tộc của công tử trẻ tuổi, nhìn rất lanh lợi. Còn hai lão già thấp bé kia, quá nửa là thị vệ tùy tùng, che gió che mưa giúp chủ nhân trên đường giang hồ.
Lúc hắn quan sát suy đoán thân phận của bọn họ, Trần Bình An cũng dùng ngôn ngữ thông dụng Đồng Diệp châu, giảng giải cho Bùi Tiền một chút nội tình của thần linh núi sông hà bá này.
Đám hà bá và hà bà, đều là thần linh được triều đình công nhận, có thể hưởng thụ hương khói cung phụng của dân chúng địa phương. Nhưng cấp bậc của bọn họ rất thấp, tương đương với tư lại tầng dưới chót trên quan trường, không được ghi vào gia phả vàng ngọc của thần linh núi sông. Nhưng so với miếu xây dựng bừa bãi trái với lễ chế, cho dù có quy mô lớn vẫn phải hâm mộ bọn họ.
Miếu xây dựng bừa bãi giống như lâu đài trên cát, không có hương khói thì sẽ đoạn tuyệt, kim thân mục nát, chờ chết mà thôi. Hơn nữa không có bậc thang để trèo lên, rất dễ biến thành mục tiêu bị tiên sư gia phả đánh chết, miếng thịt béo mà tu sĩ sông núi dòm ngó. Còn hà bá và hà bà, cho dù phong thủy một nơi trôi mất, hương khói lác đác, chỉ cần triều đình chính thống vẫn còn, chịu ra tay tương trợ, sẽ có thể thay đổi địa vị thần chủ, lại nhận hương khói, tu sửa kim thân.
Đến miếu thờ hà bá diện tích hơn mười mẫu, người coi miếu nhanh chóng ra cửa nghênh đón, tự mình giảng giải cho nhóm Trần Bình An về sự tích của hà bá lão gia, cùng với một số thư pháp của văn nhân thi sĩ trên tường.
Trên đường đến chủ điện dâng hương, người coi miếu còn gợi ý cho Trần Bình An, chỉ cần tốn thêm ba đến năm đồng tiền hoa tuyết, sẽ có thể lưu lại bút tích trên mấy bức tường trống, để cho hậu nhân chiêm ngưỡng. Miếu thờ sẽ cẩn thận bảo vệ, không để nó phải chịu mưa gió, giá cả tùy thuộc vào vị trí tốt xấu. Còn có cung dưỡng và đốt đèn chong, đều là chuyện tốt để kết thiện duyên. Có điều những chuyện này phải xem tâm ý của Trần Bình An, miếu thờ tuyệt đối sẽ không cưỡng cầu.
Người đàn ông đưa hương sắc mặt hơi lúng túng, không can dự vào chuyện này. Người coi miếu mấy lần dùng ánh mắt ra hiệu cho hắn nói giúp vài câu, nhưng hắn vẫn không mở miệng được. Hắn đã làm nghề nghiệp không hợp với thân phận luyện khí sĩ, khó tránh khỏi nhụt chí thiếu tự tin, cộng thêm bản tính vốn chất phác, không nói được những lời bay bướm, cho nên đành phải giả vờ không thấy ánh mắt của người coi miếu.
Trần Bình An phân biệt đưa cho Bùi Tiền và Chu Liễm ba nén hương, chỉ có Thạch Nhu là không cho. Dù sao cô vốn là nữ quỷ âm vật sống nhờ trong thân xác tiên nhân, sợ bị xung khắc.
Sau khi dâng hương xong, người coi miếu cảm thấy đã không có hi vọng kiếm thêm mấy khoản tiền dầu mè, nhưng cũng không vì vậy mà thay đổi sắc mặt, chỉ tiếc nuối mà thôi. Ông ta vẫn khách sáo mời nhóm người Trần Bình An đến nơi ở của mình uống ly trà.
Người đàn ông đưa hương lúc trước vẫn luôn trầm mặc, lúc này mới mở miệng, cũng mời Trần Bình An uống trà giống như người coi miếu. Hắn nói rằng từ xưa nước sông không phải là nước tốt để nấu trà, nhưng nước sông bên cạnh miếu thờ hà bá này thì lại khác, ẩn chứa một chút tinh hoa có lợi cho thân thể.
Người coi miếu cảm thấy vừa bực vừa buồn cười. Thừa dịp nhóm người Trần Bình An phía trước đang thưởng thức chữ khắc trong hành lang, ông ta lén lút đá người đưa hương một cái, nói:
- Khuỷu tay chìa ra ngoài hơi quá rồi.
Người đàn ông kia dường như đã quen với chuyện này, chỉ cười hì hì.
Trần Bình An khéo léo từ chối lời mời của người coi miếu, chỉ hỏi Bùi Tiền có muốn viết chữ trên tường hay không.
Bùi Tiền lắc đầu. Ba đến năm đồng tiền hoa tuyết, người coi miếu này sao không trực tiếp cướp tiền đi? Quy ra bạc có thể đè chết cô rồi, cô cũng không muốn sư phụ tốn số tiền này. Con diều chim cắt mua ở cửa tiệm quận thành, cũng chỉ tám lượng bạc mà thôi.
Trần Bình An quay đầu nhìn ông lão coi miếu, cười nói:
- Làm phiền giúp chúng ta chọn một bức tường bình thường, giá ba đồng tiền hoa tuyết, hai chúng ta muốn viết mấy câu. Đúng rồi, có yêu cầu gì về số chữ không?
Bùi Tiền thiếu chút nữa đã vứt gậy leo núi trong tay. Cô nắm lấy tay áo Trần Bình An, đầu nhỏ lắc lư như trống bỏi.
Người coi miếu vội vàng nói:
- Nếu không phải là bức tường phong thủy tốt nhất nơi này của chúng ta, với ba đồng tiền hoa tuyết, cho dù công tử viết đầy một bức tường cũng không sao.
Sau đó ông ta bước nhanh dẫn đường, nhờ người đưa hương chuyển lời, bảo trong miếu mau chuẩn bị bút mực tốt nhất.
Nhóm người dừng lại trong hành lang ở viện thứ tư. Nhân lúc rãnh rỗi chờ đợi bút mực, người coi miếu tươi cười tự đắc, chỉ vào một bài thơ từ văn nhân trên bức tường cách đó không xa, khoe khoang nói:
- Nơi này mặc dù nằm ở phía sau, không nổi bật, nhưng lại là nơi có phong thủy tốt của miếu thờ chúng ta. Nói một câu thật lòng, ta cảm thấy có duyên với công tử, cho nên mới dẫn công tử đến đây. Bên kia là thư pháp của Liễu lão thị lang nước Thanh Loan chúng ta. Vị Liễu lão thị lang này là danh sĩ chân chính của nước Thanh Loan, một nhà nho lớn hoàn toàn xứng đáng, viết chữ hành rất đẹp. Chắc công tử đã sớm nhìn ra trình độ, không cần ta nói thêm gì nữa.
Trần Bình An gật đầu nói:
- Bút lực mạnh mẽ, đường nét cứng cáp.
Đây cũng không phải Trần Bình An học đòi văn vẻ, mà là hắn quả thật đã nhìn thấy không ít chữ tốt.
Chẳng hạn như Lý Hi Thánh, Thôi Đông Sơn, Chung Khôi.
Người coi miếu giơ ngón cái lên khen ngợi:
- Công tử là người trong nghề, ánh mắt rất tốt.
Trần Bình An hơi chột dạ. Cũng giống như học đành cờ, trong chuyện viết chữ này, tư chất của hắn rất bình thường. Cho dù là nung gốm nặn phôi trước kia, cũng không thể nói là có thiên phú.
Bùi Tiền càng thấp thỏm. Tiền là chắc chắn phải tốn rồi, không viết thì uổng phí. Nếu như không có ai quản, cô chỉ muốn viết đầy cả sàn nhà miếu thờ hà bá này, thậm chí viết lên cả tượng thần hà bá kia, mới cảm thấy không chịu thiệt. Nhưng chữ của cô lại bị lão đầu bếp Chu Liễm chê là giun bò gà bới, như vậy nếu tùy tiện viết lên tường, cô sợ sẽ làm sư phụ mất mặt.
Lúc này người đưa hương và một thiếu niên được miếu thờ hà bá nuôi dưỡng đã cầm bút và nghiên mực tới.
Bùi Tiền càng khẩn trương, vội vàng gác gậy leo núi vào tường, tháo bọc vải xuống, lấy ra một quyển sách, dự định trích một câu văn hay trong đó. Cô có trí nhớ tốt, thực ra đã sớm thuộc lòng, nhưng lúc này đầu nhỏ lại trống rỗng, không nhớ được câu nào.
Chu Liễm ở một bên giống như cười trên nỗi đau của người khác, chế nhạo nói:
- Đọc sách lâu như thế, chép chữ nhiều như vậy, xem như uổng phí rồi. Hóa ra không có chữ nào vào bụng, sách thánh hiền vẫn thuộc về thánh hiền, tiểu ngu ngốc vẫn là tiểu ngu ngốc.
Bùi Tiền không rảnh để ý tới lão đầu bếp xấu xa này, lật sách rào rào. Nhưng tìm tới tìm lui vẫn cảm thấy không đủ tốt, nếu thật sự viết lên tường thì sẽ rất mất mặt.
Bùi Tiền khép sách lại, vẻ mặt như đưa đám, nói với Trần Bình An:
- Sư phụ, không phải ngài có rất nhiều thẻ trúc viết đầy chữ sao? Cho con mượn mấy thẻ được không? Con không biết viết gì cả.
Trần Bình An vốn đã cầm bút lông, dự định viết vài câu văn hay mà mình tán thưởng. Nhìn thấy dáng vẻ đáng thương này của Bùi Tiền, hắn cố nhịn cười, đưa bút lông cho Bùi Tiền, nói:
- Hãy viết một câu mà ngươi cảm thấy có đạo lý nhất trong sách, nếu thật sự không nghĩ ra, cứ tùy ý viết vài lời thật lòng là được. Không cần khẩn trương như vậy, cứ giống như chép sách bình thường.
Nhìn nụ cười của Trần Bình An, Bùi Tiền an lòng hơn một chút. Cô hít thở sâu một hơi, cầm lấy bút lông, sau đó ngẩng đầu nhìn bức tường trắng tinh này, luôn cảm thấy rất đáng sợ. Thế là ánh mắt của cô không ngừng di chuyển xuống dưới, cuối cùng chậm rãi ngồi xuống, lại dự định viết chữ ở chân tường. Đã không có yêu ma quỷ quái mà cô sợ nhất, cũng không có Thôi Đông Sơn, Bùi Tiền lại rụt rè đến mức này, đúng là chuyện hiếm lạ giống như mặt trời mọc ở hướng tây vậy.
Trần Bình An nhớ tới một chuyện xưa lúc còn nhỏ. Khi đó hắn, Lưu Tiện Dương và Cố Xán mũi thò lò, cùng nhau dùng than củi viết tên lên ngôi miếu nhỏ kia. Lưu Tiện Dương và Cố Xán vì muốn tranh cao thấp với những cái tên khác, đã suy nghĩ vô số biện pháp. Cuối cùng bọn hắn trộm cái thang của một gia đình trong trấn nhỏ, khiêng chạy như bay qua cầu vòm đá đến miếu nhỏ kia, sau đó mới viết tên của ba người lên chỗ cao nhất trên bức tường.
Lưu Tiện Dương trộm thang của một gia đình ở ngõ Kỵ Long, Cố Xán trộm than củi ở nhà mình, cuối cùng là Trần Bình An đỡ thang, ba người hợp tác hoàn thành. Lưu Tiện Dương viết chữ lớn nhất. Cố Xán thì không biết viết chữ, cái chữ “Xán” kia là Trần Bình An nhờ hàng xóm Trĩ Khuê chỉ dạy, mới giúp hắn viết lên.
Lúc này nhìn thấy dáng vẻ tội nghiệp của Bùi Tiền, Trần Bình An tươi cười kéo tai xách cô bé lên, sau đó ngồi xổm xuống, bảo cô bé cưỡi lên cổ mình, dặn dò:
- Viết ở chỗ cao nhất, cũng ít người thấy được.
Bùi Tiền cầm bút lông, ngồi trên cổ Trần Bình An, một tay vò đầu, thật lâu không dám hạ bút. Trần Bình An cũng không thúc giục.
Chu Liễm cười xấu xa nói:
- Bùi đại nữ hiệp ngươi cứ viết “cỏ đầu tường chính trực kiên trung, kẻ bồi tiền thừa gió bẻ măng” là được rồi, rất hợp thời, còn thực tế. Giống như những hào hiệp giang hồ trong tiểu thuyết du hiệp diễn nghĩa mà ta tặng ngươi, sau khi chém giết kẻ ác, cũng phải hô lớn một tiếng “ta ở đây”. Nhất định có thể tiếng tăm lan xa, danh chấn giang hồ. Không chừng khi chúng ta đến kinh thành nước Thanh Loan, mọi người nhìn thấy ngươi đều phải ôm quyền tôn xưng một tiếng Bùi nữ hiệp, chẳng phải là một câu chuyện được mọi người ca tụng?
Bùi Tiền quay đầu, nhíu gương mặt nhỏ nhắn, khàn giọng nói:
- Chu Liễm ngươi còn nói như vậy, còn nói như vậy, ta sẽ... khóc cho ngươi xem!
Trần Bình An nhấc chân đá Chu Liễm một cái, cười mắng:
- Già không nên nết, chỉ biết ức hiếp Bùi Tiền.
Chu Liễm cười ha hả, gật đầu nói:
- Thiếu gia đã lên tiếng, lão nô sẽ tha cho nó một lần. Con nhóc này mỗi lần ăn đến bụng tròn căng lại còn kén chọn, lão nô giận không kìm được.
Thạch Nhu cảm thấy không chịu nổi một già một trẻ này.
Lúc trước thỉnh thoảng rời khỏi đường lớn, trèo đèo lội suối đi qua vài thôn xóm trong rừng núi, gặp phải chó địa phương sủa lớn với bọn họ. Nha đầu tên là Bùi Tiền này sẽ cầm gậy leo núi chạy tới, thi triển một trận Phong Ma kiếm pháp, bụi đất tung bay, người chạy còn nhanh hơn cả chó.
Lão lưu manh Chu Liễm này lại nhàm chán đến mức giúp cô bé chặn đường con chó, đè nó nằm sấp dưới đất. Sau đó Bùi Tiền ngồi xuống ấn đầu con chó, trừng mắt hỏi:
- Tiểu lão đệ, có chuyện gì thế? Còn hung dữ nữa không? Mau xin lỗi Bùi nữ hiệp, nếu không sẽ đánh đầu chó của ngươi...
Thôn dân và trẻ con nhìn thấy liền mắng chửi chạy qua. Trần Bình An dẫn đầu dưới chân bôi dầu chuồn mất, những người khác cũng bỏ chạy theo.
Thạch Nhu không hiểu, chuyện này thú vị sao? Trần Bình An ngày thường luôn nghiêm chỉnh, dường như còn... chạy rất vui vẻ? Không nói đến đứa trẻ Bùi Tiền kia, các ngươi một người là tiên sinh của Thôi đại ma đầu, một người là đại tông sư cảnh giới Viễn Du, không biết xấu hổ à?
Tại bờ sông nhìn thấy một con ngỗng trắng lớn, lão lưu manh liền xúi Bùi Tiền đi qua so chiêu. Kết quả Bùi Tiền bị ngỗng dí kêu oa oa, cái mông còn bị mổ nhiều lần, đầu đổ mồ hôi chạy đến bên cạnh Trần Bình An, cảm khái nói một câu “quá lợi hại rồi, đánh không lại nó”. Lúc ấy Trần Bình An cũng cười không ít hơn Chu Liễm.
Thạch Nhu luôn cảm thấy mình và ba người này không hợp nhau. Cô thậm chí suy nghĩ, mình đi theo bên cạnh Thôi Đông Sơn liệu có tốt hơn không?
Lúc này Bùi Tiền cuối cùng đã cầm bút viết chữ, có điều viết lưu niệm trên tường và chép sách trên giấy là hai chuyện khác nhau, nét ngang đầu tiên xiêu xiêu vẹo vẹo. Bùi Tiền hít sâu một hơi, đưa tay lau mồ hôi trên mặt, cắn răng viết xong bốn chữ “thiên địa hợp khí”.
Sau khi viết được nửa câu, cô hơi ngửa người về phía sau, xem kỹ chữ của mình, nhìn thế nào cũng thấy khôi hài, không được một nửa công lực bình thường chép sách. Cô không cần nhìn Chu Liễm, cũng biết lão đầu bếp này đang lén cười, chế nhạo cô hạ bút chỉ có quỷ chứ không có thần.
Bùi Tiền do dự, dứt khoát vứt nửa câu kia sang một bên, đầu bút hơi dời xuống dưới, chấm chấm mực, viết một câu “Bùi Tiền và sư phụ đến đây dạo chơi”.
Hoàn tất!
Bùi Tiền xem như hài lòng, chữ vẫn chẳng ra gì, nhưng nội dung tạm được.
Không hổ là thầy trò, lúc trước ở thôn trang của lão kiếm thánh Tống Vũ Thiêu nước Sơ Thủy, trên vách đá phía sau thác nước, Trần Bình An cũng làm theo cách này.
Trần Bình An cũng không ép Bùi Tiền viết thêm, nói với Chu Liễm:
- Ngươi cũng viết một chút nhé?
Chu Liễm xoa xoa tay, cười ha hả nói:
- Vẫn thôi đi, đã bao nhiêu năm không cầm bút rồi, nhất định là không quen tay, không lưu loát, làm trò cười cho người trong nghề.
Trần Bình An vẫn đưa bút lông cho Chu Liễm.
Chu Liễm không phải là người ngại ngùng gì, cầm bút rồi cũng không chần chừ, một tay đặt sau người, tay kia cầm bút chấm mực, chuẩn bị trong lòng.
Đã thấy qua “bút lực” của cô bé, người coi miếu, người đàn ông đưa hương và Thạch Nhu đều không ôm hi vọng với Chu Liễm. Hơn nữa lão già lom khom này tự xưng là “lão nô”, người không biết nội tình đều sẽ cảm thấy lão chỉ là người hầu của hào phiệt, cho dù biết một chút văn chương và bút mực, lại có thể tốt đến đâu?
Trần Bình An thì biết nội tình của Chu Liễm. Tại đất lành Ngẫu Hoa, trước khi Chu Liễm hoàn toàn phát điên, từng được khen là “Chu Liễm quý công tử, xấu hổ trích tiên nhân”.
Chỉ chốc lát sau, Chu Liễm đã viết một bài hùng văn của đất lành Ngẫu Hoa, nội dung như châu ngọc. Chữ trên tường được viết theo lối chữ thảo, số lượng không nhiều, giống như nước chảy mây trôi, khiến người ta kinh ngạc.
Người coi miếu vốn biết hàng, lẩm bẩm nói:
- Tụ như núi cao, tan như mưa gió. Nhanh như sấm chớp, lẹ như chim ưng... thật là tuyệt diệu, đã xuất thần nhập hóa, chắc chắn là một vị đại sư giấu tài trong giới thư pháp...
Chu Liễm phần nhiều dùng cách viết mực nhạt bút khô, cho nên chấm mực rất ít, ý tứ nối tiếp chặt chẽ, có thể nói là liền mạch lưu loát. Ngay cả Thạch Nhu cũng phải thừa nhận, một lão lưu manh có thể viết ra chữ tốt như vậy, đúng là thiên lý khó dung.
Chu Liễm trả bút lông cho Trần Bình An, lễ độ cung kính nói:
- Thiếu gia, lão nô cả gan tung gạch nhử ngọc rồi (gợi ý để kéo mọi người vào cuộc), xin đừng cười nhạo.
Trần Bình An dở khóc dở cười, Chu Liễm ngươi làm vậy không phải là đẩy ta lên đống lửa sao?
Người khác quả nhiên đầy vẻ mong đợi.
Trần Bình An nghĩ thầm, đành phải khiến bọn họ thất vọng rồi. Chu Liễm cũng không phải tung gạch nhử ngọc gì, lát nữa người khác sẽ biết thế nào là châu ngọc đi trước, gạch ngói theo sau.
Trần Bình An vốn định dựa theo suy nghĩ trong lòng, viết mấy câu được ghi trên thẻ trúc.
Chu Liễm lại mỉm cười nói:
- Hay là thiếu gia cũng viết vài lời thật lòng? Thiếu gia ý cảnh sâu xa, có thể tìm một con đường khác, cần gì phải học theo người xưa.
Trần Bình An ngẫm nghĩ, sau đó đứng yên, một tay nắm lại đặt ở bụng, tay kia cầm bút viết chữ. Vẫn là lối chữ khải ngay ngắn, không có bất kỳ điểm nào xuất sắc, chỉ có nghiêm túc quy củ mà thôi.
Đợi sau khi Trần Bình An viết xong hai câu, chung quanh đều yên tĩnh không tiếng động. Hắn cười khổ trả lại bút lông.
Người coi miếu và người đàn ông đưa hương tiễn bọn họ ra khỏi miếu thờ hà bá. Trên đường đi người coi miếu lại thuận tiện nhắc tới vị Liễu lão thị lang kia, có vẻ rất lo lắng.
Hóa ra sau khi vị đại nho nước Thanh Loan này từ quan quy ẩn, đã cư ngụ ở vườn Sư Tử nằm giữa non xanh nước biếc, được khen là một trong mười vườn nổi tiếng nhất nước Thanh Loan. Cuối đông năm ngoái vườn Sư Tử đã xảy ra một chuyện lạ, một con hồ ly xuất hiện với hình dạng thiếu niên tuấn tú, đã gây họa cho khuê nữ của Liễu lão thị lang, đến mức điên đảo thần hồn. Một thiếu nữ tuổi xuân vốn phong nhã tài hoa, lại bị ức hiếp thành một kẻ đáng thương ốm yếu.
Hồ ly đạo hạnh cao thâm kia tính tình kỳ quái khó lường, cũng không giết người, ngược lại văn chương bay bổng, tinh thông học vấn tam giáo. Có một lần ngồi luận đạo với Liễu lão thị lang, đã nói đến mức lão thị lang nổi danh một nước cũng phải cứng họng không trả lời được.
Sau đó lão thị lang đã dốc hết gia sản, mời rất nhiều thần tiên trên núi đến nhà hàng phục yêu vật. Không ngờ những lão thần tiên của các ngọn núi, tiên sư gia phả, thậm chí là một số tu sĩ sông núi thanh danh không tốt nhưng bản lĩnh cao siêu, tất cả đều bị hồ ly đùa giỡn đến tối tăm mặt mày. Không phải bị cướp binh khí thuận tay thì cũng bị trộm linh khí pháp bảo, còn phải lén lút cầu ông nội bà nội xin hồ ly trả lại.
Chuyện này Trần Bình An đã đọc được trên công báo của nhà trọ tiên gia Bách Hoa Uyển ở quận thành, chỉ là khi đó không để tâm lắm. Trên công báo còn viết số tiền treo thưởng của vườn Sư Tử, bất kể là ai, chỉ cần có thể trục xuất hồ ly kia, Liễu lão thị lang sẽ hai tay dâng lên ba món đồ cổ tổ truyền.
Khi đến gần cửa lớn miếu thờ, người đàn ông đưa hương không nhịn được cảm khái nói:
- Liễu lão thị lang là thanh quan hiếm hoi, nếp nhà rất tốt. Mấy năm trước ta từng may mắn gặp được một vị con cháu họ Liễu, người đọc sách trẻ tuổi kia quả thật ôn hòa, lương thiện, cung kính, khiêm nhường, từ đó có thể thấy nếp nhà họ Liễu nghiêm chỉnh thế nào.
Người coi miếu thổn thức nói:
- Lại nhìn vị con cháu họ Liễu làm huyện lệnh ở gần chúng ta, trong bốn năm cần cù chăm chỉ, đã làm rất nhiều chuyện thiết thực, chúng ta đều nhìn thấy rõ ràng. Nếu nói người đọc sách họ Liễu mà ngươi gặp chỉ là học vấn gia giáo tốt, vậy thì vị huyện lệnh này lại là cứu giúp dân chúng thật sự. Ài, không biết hiện giờ vườn Sư Tử thế nào, hi vọng đã đuổi con hồ ly kia đi rồi.
Bùi Tiền nghe vậy sởn tóc gáy, thiếu chút nữa đã lấy bùa chú ra dán vào trán.
Chu Liễm cười cười, được rồi, muốn chúng ta đi thay trời hành đạo sao?
Thạch Nhu dĩ nhiên hi vọng nhiều một chuyện không bằng bớt một chuyện. Hồ ly có thể làm mưa làm gió nơi kinh kỳ, đạo hạnh tu vi chắc chắn không thấp. Lỡ may là đại yêu cảnh giới Kim Đan, đến lúc đó Chu Liễm lại cố ý hãm hại mình, khoanh tay đứng nhìn, chẳng lẽ cô thật sự phải ngăn cản đao kiếm pháp bảo cho Trần Bình An hành động theo cảm tính?
Trần Bình An vẫn luôn không nói chen vào, rời khỏi cửa lớn, ôm quyền từ biệt bọn người coi miếu, sau đó tiếp tục đi đến kinh thành nước Thanh Loan. Trên đường đi, hắn đột nhiên nói:
- Gia đình giàu có, ma quỷ dòm ngó.
Chu Liễm cười gật đầu nói:
- Chính xác.
Sau khi đám người Trần Bình An rời đi, trong miếu thờ hà bá tạm thời không có khách hành hương. Một văn sĩ nho nhã thân hình mờ mịt, có ánh sáng vàng lưu chuyển, từ trong tượng thần bước ra, đi đến hành lang ở viện thứ tư, đứng dưới bức tường kia.
Người coi miếu hơi hoảng hốt, tận tình khuyên bảo:
- Hà bá lão gia, hôm nay hương khói không nhiều, đừng ở lại quá lâu.
Thần linh núi sông nếu muốn dùng kim thân hiện thế, cần có tinh túy hương khói chống đỡ. Thần núi Nhạc hương khói thịnh vượng, dĩ nhiên không cần quan tâm, nhưng miếu thờ hà bá nho nhỏ này nhất định phải tính toán kỹ lưỡng.
Hà bá lão gia hình tượng nho sĩ trung niên cười cười, lộ ra vẻ mặt thư thái lâu ngày không gặp, quay đầu nhìn lên trời, thoải mái nói:
- Miếu của ta quá nhỏ, khí phách của phu tử lại quá lớn. Hà bá nho nhỏ giống như uống rượu mạnh say khướt. May mắn thay, may mắn thay, vui vẻ thay, vui vẻ thay.
Người coi miếu ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì. Ông ta phát hiện hà bá lão gia nhà mình vốn luôn ưu sầu, lúc này chẳng những giữa chân mày thần thái rạng rỡ, hơn nữa còn có ánh sáng vàng lưu chuyển, dường như ngưng kết hơn nhiều so với lúc trước.
Người coi miếu đột nhiên quay đầu, nhìn lại bức tường kia. Không phải nhìn bài văn chữ thảo, mà là hai câu chữ khải ngay ngắn.
Trăng trên trời, trăng nhân gian, trăng trên vai người đeo hòm sách du học, trăng trong mắt người lên cao dựa lan can, giỏ trúc múc nước vỡ lại tròn.
Gió giữa núi, gió bờ sông, gió dưới chân người ngự kiếm đến phương xa, gió lật sách trong thư phòng của thánh hiền, gió thổi lục bình có tương phùng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.