Lắng Nghe Trong Gió

Chương 5:




Làng Lục Gia Yến ở ven sông, chừng như xưa hơn và cần cù chân chất hơn dân Thượng Hải, nhà cửa ở đây thường là một tầng xây gạch hoặc xây đá, đường lát đá xanh bóng hoặc sỏi to. Hơn hai giờ chiều, tôi đi theo con đường lát đá xanh từ bến đò Lục Gia Yến vào làng, chỉ một lúc sau đã trông thấy bờ giếng xây to như một sân khấu, một đôi trai gái đang múc nước giặt áo quần. Khi tôi hỏi họ người tôi cần tìm, hai người chừng như biết tôi cần tìm ai. Một phụ nữ lớn tuổi hơn nói với tôi:
“Người anh tìm tên là Bỉnh, anh ta rất rất thính tai, rất thính, chưa biết chừng chúng ta đang nói chuyện ở đây anh ấy cũng nghe thấy. Chắc anh ấy đang ở ngôi từ đường kia, anh cứ đến đấy mà tìm”.
Chị này vừa nói vừa đưa tay chỉ đường. Tôi cứ ngỡ chị chỉ một căn nhà màu xám gần đấy, nhưng chị bảo không phải, rồi chị lại chỉ tay, nói với tôi:
“Ở kia kìa nhà có hai cái cột tròn to, có cái xe đạp dựng ở cửa đấy”.
Chị chỉ cái nhà lầu hình bát giác trong tận cùng ngõ, từ đây đến đấy phải một trăm mét. Xa như vậy mà anh ta có thể nghe thấy tiếng chúng tôi nói chuyện, làm gì có người như thế? Máy nghe CR-60 của Mĩ còn kém xa.
Chợt tôi cảm thấy vô cùng bí ẩn.
Từ đường là nới biểu tượng cho sự giàu có và cổ xưa của làng Lục Gia Yến, mái cong, diềm tường và cột còn khắc long li quy phượng, hổ phù sư tử bởi những người duy mĩ thời xưa khắc, đến nay đã trải qua bao thăng trầm. Chỗ nào cũng trông thấy tì vết, không khó để hình dung từ rất lâu rồi, ngôi từ đường này không được sửa chữa. Nhưng trông nó vẫn bề thế, không hề có cảm giác bị hư hỏng, có điều nhiều người nhàn rỗi, có phần phức tạp tụ tập tại đây. Người nhàn rỗi chủ yếu là các ông già, phụ nữ bế con, có cả người tàn tật. Xem ra chỗ này đã trở thành nơi công cộng cho những người nhàn rỗi tụ tập.
Tôi đi đi lại lại trước từ đường một lúc, sau đấy mới bước vào trong sân. Có hai nhóm đang chơi tam cúc, một loại bài dân gian rất thịnh hành ở miền Nam, một nhóm khác đang chơi cờ tướng. Tuy tôi ăn mặc đơn giản, nói tiếng Thượng Hải, nhưng sự xuất hiện của tôi cũng khiến người xung quanh phải chú ý. Tôi đi vòng quanh, lén nhìn, chỉ mong nhận ra Bỉnh trong đó. Nhưng không có cảm giác gì. Một đứa trẻ chừng mười một, mười hai tuổi, tay băng bó, nó phát hiện tay tôi đeo đồng hồ, rất hiếu kì bám theo để nhìn. Tôi tháo cái đồng hồ đưa cho nó xem, xem xong, tôi hỏi nó, anh Bỉnh có ở đây không? Nó bảo có, ở nhà ngang ngoài kia, nói xong nó đưa tôi đi ra, vừa đi vừa tò mò hỏi tôi:
“Chú tìm anh Bỉnh làm gì?”
“Nghe nói anh ấy rất thính tai, phải không?”
“Chú biết cả chuyện ấy cơ à? Xem ra chú không phải người làng cháu?”. Thấy tôi gật đầu, nó liền tỏ ra bí mật, cảnh cáo tôi: “Chú đừng nói với anh ấy chú không phải người làng này nhé, để xem anh ấy có nhận ra không”. Nó cười, nói tiếp: “Cháu nghĩ, anh ấy biết”.
Ra đến nhà ngoài, thằng nhỏ nhìn quanh, rồi đưa tôi đến trước một người mù:
“Anh Bỉnh, em đố anh, người này là ai?”
Lúc mới đến tôi đã chú ý người mù này rồi, anh ta ngồi trên cái ghế dài, tay cầm cái gậy tre thô kệch, cười ngượng ngùng, xem ra không những mù còn giống như người ngớ ngẩn. Thật sự tôi không nghĩ ông La Sơn lại giới thiệu cho tôi con người này, một người vừa mù vừa ngớ ngẩn. Anh ta nghe thằng nhỏ đố, tưởng chừng đấy là điều đang mong đợi, lập tức không cười nữa, vẻ mặt nghiêm túc chờ tôi lên tiếng, khiến tôi bối rối, không biết phải làm thế nào.
“Nói đi, chú nói xem nào”. Thằng nhỏ giục tôi.
“Cháu bảo chú nói gì?”
“Chú nói gì cũng được”. Tôi hơi do dự, thằng nhỏ lại giục: “Nhanh lên, chú nói đi”.
Tôi cảm thấy như vậy không tiện, giống như tôi hùa với trẻ con để lừa dối người mù, cho nên tôi không kịp nghĩ ngợi, nói với giọng khách khí: “Chào anh... anh Bỉnh, nghe nói tai anh rất thính, tôi đến...”. Tôi chưa kịp nói hết câu thì Bỉnh giơ hai tay lên trời vung mạnh, kêu lên: “Không đúng! Người này không phải người làng ta”. Giọng anh buồn buồn, nghe như từ trong hòm gỗ vọng ra. Nói thật, tôi chưa thấy thính lực của anh có gì khác, vì tiếng Thượng Hải của tôi không chính gốc, khá giống với người ở đây, nhưng cũng có đôi chỗ khác. Thậm chí tôi nghĩ, nếu bảo tôi nhắm mắt, Bỉnh và kể cả người ở đây, chỉ cần lên tiếng là tôi có thể nhận ra họ không phải người thành phố Thượng Hải, mà là người nhà quê. Đấy là một nhẽ. Lẽ nào đấy là thế mạnh của anh? Trong lúc tôi đang nghi ngờ, thằng nhỏ lại gây rắc rối cho tôi. Tôi phát hiện nó là đứa bé nghịch ngợm, cố tình chọc Bỉnh, một mực bảo Bỉnh đã nhầm.
“Ha ha, nhầm rồi, chú ấy là người làng ta đấy”.
“Không thể thế được...”.
“Tại sao không? Chú ấy là người làng ta nhưng công tác ở Bắc Kinh mới về”.
“Không thể thế được”.
Lần này thì cậu ta kiên quyết phủ nhận, hơn nữa còn tỏ ra cáu giận, mỗi lúc một cáu giận hơn, nghiến răng nghiến lợi, cuối cùng hét lên như điên: “Không đúng! Nhất định không đúng! Mày... mày nói dối! Đồ nói dối! Mày dối tao! Mày... mày... cả nhà, cả họ mày nói dối! Không phải là người tốt! Đồ nói dối! Lừa dối!”.
Cậu ta chửi mắng, mặt mày tím tái, toàn thân run lên như trúng gió.
Những người đứng quanh đấy vây lại, một ông già giống như người thành phố dỗ dành Bỉnh như dỗ trẻ con, một chị phụ nữ giả vờ tát dọa thằng nhỏ, vừa ra hiệu bảo nó xin lỗi Bỉnh, thằng nhỏ cũng đi tới giả vờ xin lỗi nhận sai, như vậy mới làm cho Bỉnh bình tĩnh trở lại.
Tôi thấy vô cùng kì lạ. Nếu như vừa rồi tôi xem Bỉnh là ngớ ngẩn, thì bây giờ nên nói Bỉnh làm tôi trở thành ngớ ngẩn, chỉ trước sau mấy phút tôi đã thấy Bỉnh không còn như đứa trẻ, cũng không ngớ ngẩn, lại đáng thương, tuy ngang bướng, nhưng lại rất yếu đuối.
Tôi cảm thấy vừa bí ẩn, vừa quái dị.
_________________

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.