Lê Vân - Yêu Và Sống

Chương 1.3:




Vào thời điểm bố đi chiến trường, em út chưa tròn tuổi tôi Nhớ lần thấy mẹ nước mắt ngắn dài về nhà, túi xách nhỏ khoác vai, tay cầm một bơ gạo. Vì sao mẹ khóc? Tôi nghe lỏm bố gắt mẹ: “Có thế thôi mà cũng khóc. Quay lại bệnh viện đi”. Thì ra, bố bắt mẹ phải tự đi phá bỏ cái mầm thai đã 3 tháng tuổi. Mẹ bảo, đã ba lần mẹ đi bộ đến bệnh viện rồi nhưng cả ba lần đều không đủ can đảm. Cứ lên bàn nằm lại rên rỉ với bác sĩ… “hay là chị cho em về”. Bơ gạo cầm theo là để đóng cho bệnh viện nếu sau đó phải nằm lại.
Bà bác sĩ thương tình khuyên: “Chắc chồng em sợ sinh con gái nữa phải không? âu đó cũng là cái điềm. Số nó được làm người. Về đi em, về đi. Nếu sau này sinh được con trai, nhớ quay lại đây cho chị ăn mừng”.
Thế rồi lại con gái. Mẹ ngao ngán, nhưng tôi với em gái thì vui lắm, tranh nhau bế em. Em bé hay ăn chóng lớn, cực kỳ dễ nuôi và cả dễ tính. Thế nào cũng xong. Sáng ra, mẹ đặt em giữa sân với một chén sữa bột trộn đường. Ăn hết rồi mà em vẫn mút mát cái thìa thòm thèm, mặc cho ruồi bâu quanh mép. Như bù lại, em bụ bẫm dễ thương, ngay từ nhỏ đến khi lớn lên đều hợp mẹ nhất nhà.
Từ khi có thêm em bé, tôi lại càng bị đẩy lùi xa mẹ thêm chút nữa. Chỗ của tôi bên cạnh mẹ nay phải nhường em. Tôi ấm ức tranh giành vú mẹ với em gái thứ hai. Đêm nào cũng diễn ra cuộc ẩu đả trên ngực mẹ. Mà mẹ thì quá mệt vì những áp lực có tên và không tên của cuộc sống rồi. Mẹ chỉ muốn được nghỉ ngơi, vậy mà cũng không được yên. Thế là mẹ rít lên: “Giời ơi, tao chỉ muốn giết bớt chúng mày đi. Thế này thì làm sao tao sống nổi”.
Cuộc chiến ngưng lặng. Lời mẹ làm tôi sợ hãi vô cùng. Tôi đinh ninh mẹ nói thật. Nghĩ rằng, một lúc nào đó, mẹ sẽ giết chết hết chúng tôi đi cho khỏi bị quấy rầy, tôi mếu máo van nài mẹ: “Mẹ ơi, nếu có giết thì mẹ giết em Khanh. Con lớn rồi, con còn trông em cho mẹ đi làm”. Ôi, sao tôi có thể ngố tầu đến thế? Sao tôi có thể tin rằng mẹ muốn giết chúng tôi thật? Gần mười tuổi mà tôi vẫn thật ngây thơ khi tin vào tất cả những điều người lớn nói, kể cả những điều phi lý…
Sau khi bố đi B một thời gian, đến lượt mẹ cũng đi vào tuyến lửa Vĩnh Linh. Thời đó, lên đường phục vụ chiến trường là điều đương nhiên phải thế. Không do dự đắn đo.
Không viện lý do khó khăn để ở lại Hà Nội. Mọi người đều cố gắng thu xếp cuộc sống riêng tư để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tôi và Khanh được mẹ mang đến phố Sinh Từ gửi bác Đoàn trông nom. Vy bị gửi vào vườn trẻ, tuần bác Đoàn đón về một lần.
Tôi lúc đó đang học lớp bốn, trường cấp một Nghĩa Đô, ngôi trường rợp bóng mát của ba cây vú sữa. Sáng sáng, tôi đi bộ ra bến tàu điện Cửa Nam, lên tàu nhiều hôm trốn vé năm xu. Đến Bưởi, bến đỗ cuối cùng, tôi chẳng cần chờ cho tàu đỗ hẳn đã nhảy xuống rất thành thạo. Trước giờ vào lớp, tôi còn kịp ghé vào cửa hàng ăn uống mậu dịch làm một ly sữa đậu nành nóng hổi loãng toẹt và cái quẩy làm bằng bột mỳ viện trợ. Bữa sáng của tôi chỉ một hào rưỡi mà ngon thật là ngon. Hôm nào không trốn được vé tàu, tôi làm một bát mỳ không người lái giá một hào. Cái món “không người lái” rất phổ biến thời chiến tranh vì nó không có thịt không có nhân. Nhưng chẳng sao cả, miễn là nọ được cái bụng để có sức mà học…
Thời điểm nhận trông nom ba chị em tôi, bác Đoàn vẫn chưa có chồng, và tất nhiên là chưa có con. Bác là một hình ảnh điển hình cho mẫu người con gái gia giáo, khép nép của Hà Nội cổ. Tôi không bao giờ quên ngày bác đạp xe vào thăm tôi nơi sơ tán, và những săn sóc ân tình của bác Đoàn khi sẵn lòng nhận nuôi nấng ba chị em chúng tôi. Bác hiền hậu thế, nề nếp thế mà tại sao đời bác sau này cũng chẳng sung sướng gì!
***
Nhà cỏ thêm Khanh, tôi hết được là trẻ con, có thêm Vy, tôi thực sự khoác lên mình trọng trách của một người chị cả. Tôi vẫn nhớ như in ngày Khanh ra đời. Không biết vì vất vả hay vì những cuộc cãi lộn triền miên với bố mà mẹ sinh Khanh khi em mới được có bảy tháng tuổi. Khanh ra đời chỉ nặng có một cân bảy, người vừa bằng cái chai nhỏ xíu. Tôi và bố vào thăm mẹ ở nhà hộ sinh phố Hàng Bún, vì không đúng giờ thăm nên hai bố con phải đứng ngoài gọi vọng vào. Mẹ ngó qua cửa sổ, bằng chỉ một cánh tay, mẹ nâng cao em bé lên cho tôi nhìn. Có em bé, mẹ không còn là mẹ của riêng tôi nữa. Rồi thì cái gì cũng phải nhường em. Nếu chẳng may hai chị em lỡ tranh giành nhau thì tất cả đều do lỗi ở tôi vì tôi là chị lớn rồi, dù tôi chỉ mới lên năm tuổi. Từ đó, như con mèo gầy gò tha con chuột, tôi phải thay mẹ trông em mỗi khi bố mẹ đi diễn đêm. Chúng tôi tha lôi nhau khắp các nhà trong xóm…
Là một đứa trẻ hiếu động ham chơi, tôi tham gia tất cả các trò chơi của bọn con trai thời ấy như đánh khăng, chơi bi, nhảy ngựa… Để em ngồi một chỗ, tôi say sưa chơi trò ú tim trốn tìm. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn đường, tôi úp mặt vào gốc cây sấu, miệng đếm năm, mười, mười lăm, hai mươi… nhưng mắt thì ti hí nhìn. Đếm đến một trăm, cuộc kiếm tìm bắt đầu. Tôi thường tóm gọn lũ bạn vì con mắt không cưỡng được cứ hấp háy nhìn trộm qua kẽ ngón tay.
Thú vị nhất là trò chơi nhảy ngựa. Cả lũ con trai con gái nhảy chồm lên lưng nhau cho đến khi “bọn ngựa” nặng quá ngã lăn ra đất. Cứ thế say sưa cho đến lúc gà lên chuồng… Các ông bố bà mẹ í ới gọi con về đi ngủ, chỉ còn trơ trọi lại hai chị em tôi. Chìa khóa cửa cầm tay, nhưng tôi không dám lên căn gác nhỏ vì nó mới tối tăm làm sao? Tôi sợ ma. Bố mẹ diễn đêm mãi chưa về. Ngoài đường đã vắng tanh. Lang thang mãi, tôi tha em vào bất cứ nhà nào trong xóm ngủ nhờ. Mãi đêm khuya, bỗng nghe giọng mẹ thì thào như trong mơ: “Bà ơi, ông ơi, có các cháu ngủ đây không?”. Sáng ra, tôi thấy mình tỉnh dậy trên chiếc giường nhà mình. Hai chị em ngủ như chết, mẹ tha về nhà lúc nào không biết.
Phố tôi ở có vỉa hè rất rộng, hai bên đường trồng cả thảy ba hàng cây sấu. Hai hàng bên này và một hàng bên kia. Những gốc sấu sù sì, rễ trồi lên quằn quèo như lưng cá sấu. Mùa hè, lá sấu mơn mởn xanh mướt. Hoa sấu nhỏ li ti, gặp cơn gió, hoa rụng trắng xóa vỉa hè. Mùa thu, lá sấu vàng rơi phủ kín đường đi khiến cho con phố Phan Đình Phùng biến thành một tấm thảm vàng trải dài… Nhưng trưa hè trôn ngủ, tôi lang thang dọc vỉa hè nhặt sấu chín rụng. Vị sấu chín vừa ngọt vừa chua vừa thơm mùi sấu… Ngày ấy, hình như mưa bão nhiều hơn bây giờ. Những hàng sấu nghiêng ngả vặn mình chống đỡ cơn gió quật. Gió hun hút thổi và mưa như trút nước khiến những cành khô gãy răng rắc. Chờ cho mưa ngớt, lũ trẻ con chúng tôi ùa ra phố hò reo nhặt sấu rụng. Lắm hôm, chúng tôi nhặt được hàng rổ, hàng chậu sấu. Sấu xanh mang về để mẹ nấu canh chua hoặc dầm vào bát nước rau muống luộc. Trái sấu dầm biển màu xanh của bát nước luộc rau thành một màu vàng trong vắt. Vài trái dầm vào bát nước mắm chấm rau. Thêm bát cà pháo giòn mặn, rất dễ trôi cơm vào mùa hè oi bức, thế là cả nhà có một bữa cơm giản dị đặc trưng của người Hà Nội. Có vậy thôi mà không thể nào quên…
Hà Nội tuổi thơ tôi không chỉ có mùi thơm của sấu chín mà còn phảng phất mùi xà phòng giặt hôi xì dùng thay kem đánh răng. Thời thiếu đói, sau nhiều ngày hết kem đánh răng, tôi tặc lưỡi, quẹt cái bàn chải nhỏ vào bánh xà phòng giặt 702 do Liên Xô viện trợ - thứ xà phòng chuyên dùng cho công nhân giặt rửa dầu mỡ trong xưởng máy. Đưa lên miệng, tôi cảm thấy rõ mùi xà phòng nhưng kệ, cứ chải răng, miễn là nó cũng tạo ra một thứ bọt giống như bọt kem đánh răng. Nó khiến tôi nhiều phen nôn ọe muốn ói mửa.
Thiếu lương thực, thiếu chất đốt, thành phố toàn một màu xám xịt. Không ai dám mặc quần áo màu sáng vì lấy xạ phòng đâu mà giặt! Nhiều lần hết dầu, không thể sang hàng xóm xin vài que củi đun dở về giúp mẹ thổi trước nồi cơm, tôi lẳng lặng vác bao tải rách và cái chổi xể ra đường.
Không còn thú vui nhênh nhang nhặt sấu chín rụng nữa, tôi đi bộ đến đường Hoàng Diệu, con đường có hai hàng cây xà cừ cổ thụ. Lá xà cừ dày và đanh. Cơn gió mùa hè bứt lá vàng khô ném dạt sang hai bên lề đường. Tôi nhỏ nhoi men theo gờ cống quét lá cho vào bao tải. Cứ lom khom, lụi cụi, mải mê quét, ngẩng lên mới biết đã đi hết con đường từ khi nào.
Đương Hoàng Diệu từ bấy đến nay vẫn không hề thay đổi Mỗi lần phóng xe máy qua đó, kỷ niệm đi quét lá khô lại ùa về cùng tiếng lá xà cừ lạo xạo đâu đây…
Thật là vui khi có thể đỡ đần mẹ đôi chút trong những trưa hè Hà Nội, còn mùa giông bão? Tôi chờ đợi mùa giông bão đến để kéo mẹ ra đường. Hai bóng người một lớn một bé đội nón khoác mảnh vải nhựa lao đi. Mặc mưa to gió lớn quất vào mặt đau rát, mặc các cành cây ngả nghiêng vặn vẹo chực gãy, tôi rủ mẹ ra đường kiếm củi về đun. Chẳng hiểu sao, cả mẹ và tôi đều không nghĩ đến nguy hiểm. Cành cây to đổ xuống có thể đè chết cả hai mẹ con. Chính cái nghèo đói thiếu thốn đã đẩy chúng tôi đi… Một vai mẹ gánh một đầu cành cây to, đầu kia ngả xuống vai tôi gầy gò, xương xẩu. Mẹ cao hơn nên hầu như sức nặng của cành cây trút cả vào tôi, một con bé mới bảy tuổi đầu. Nhưng tôi cảm thấy tôi còn hăng hái hơn cả mẹ. Tôi đi băng băng kéo mẹ lướt theo. Lá xà cừ dễ bén đun mau hết, cành cây ướt, chặt ra phơi khô cũng nấu được vài bữa cơm…
***
Tôi đã khát khao biết bao nhiêu những lời nói thương yêu nâng niu, những cử chỉ bảo ban dạy dỗ ân tình… Với thói quen một mình chịu đựng từ nhỏ, nên dù có ốm đau, bệnh tật thế nào, tôi cũng gắng gượng dậy. Tôi chỉ chịu nằm xuống khi không thể nào nhúc nhích được nữa. Vào những lúc ấy, nếu ai đó cho tôi một câu hỏi thăm, một chút ân tình, cũng đủ làm tôi òa vỡ. Như chạm vào nỗi đau. Như chạm vào niềm khao khát mong mỏi… Bất cứ ai, chỉ cần quan tâm đến tôi một chút thôi, cũng đủ để làm tôi trào nước mắt vì cảm động.
Tôi không quen được chăm sóc như vậy. Không thể chịu đựng nổi cái sự dịu dàng đến thế. Hóa ra tôi là kẻ yểu đuối vô cùng. Càng yếu đuối, tôi càng cố cất dấu cái sự yêu đuối của mình, cố tạo ra một cái vỏ bọc, rằng mình được yêu thương chiều chuộng, mình đầy đủ mạnh mẽ. Nhưng từ sâu thẳm trái tim, chỉ một câu nói trìu mến, chỉ một cái nhìn thương yêu của người đời cho nhau, cũng có thể làm tôi bị tổn thương. Không mấy ai hiểu được tôi là một kẻ yếu đuối như thế nào.
Người đời thường nghĩ tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là nghệ sĩ, chắc hẳn tôi sẽ được truyền dạy về tình yêu nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật diễn xuất. Nói ra có thể không ai hiểu tại sao, suốt cuộc đời mình, tôi lại chỉ ao ước có được một lời gọi “con ơi” trìu mến hay sự chăm sóc bảo ban của những người ruột thịt, mà không có. Và cũng bởi tôi không bao giờ bộc lộ ra với bất kỳ ai cái điều mình ao ước thèm khát nhất ấy, nên trong thâm tâm những người gần gũi tôi, họ không bao giờ hiểu được tại sao tôi cứ sống thu mình lại như thế. Dần dần trong tôi hình thành nên tính cách không thể chia sẻ. Cứ tự mình lo, tự mình nghĩ, tự mình sống theo một cách sống, cách nghĩ mà tôi biết là đôi khi rất trẻ con, rất lạ lùng… Đến bây giờ, nhìn lại một số những sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời mình từ lúc ấu thơ, tôi đã hiểu vì sao, tôi lại có tính cách khép kín, bướng bỉnh như thế…
Năm tôi 12 tuổi, một chiều thứ bảy như bao chiều thứ bảy khác, tôi sung sướng được thoát khỏi cái trại tập trung được gọi là trường múa để về nhà. Vì phải tìm một thứ gì đó, tôi đã lục tung các ngăn kéo trong nhà. Tình cờ, tôi thấy một tờ giấy được giấu kín dưới đáy ngăn kéo. Tôi choáng váng khi đọc hàng chữ: giấy ly hôn. Bố mẹ đã li hôn rồi ư? Từ bao giờ vậy? Tại sao họ không nói gì với tôi nhỉ? Tại sao họ dám tự động làm cái việc tày trời như vậy mà không hề cho tôi biết. Dù sao tôi cũng là đứa con lớn nhất trong nhà. Họ nên cho tôi biết mới phải!
Trong tờ giấy ly hôn, phần làm tôi đau đớn nhất là mục chia con. Bố nhận nuôi Vi, mẹ nhận nuôi Khanh. Không có tên tôi ở đó. Không ai nhận nuôi tôi cả. Vậy tôi là ai? Tôi không thuộc về ai cả. Bàng hoàng, ớn lạnh. Tôi muốn gào lên, nhưng không thể. Tôi còn có thể nói gì, khi mà tôi bỗng dưng bị hất ra ngoài. Tôi không là ai cả. Bố mẹ ơi, con là ai? Chỉ là một người dưng? Con muốn gào lên, thét lên đòi quyền làm con của mình, đòi quyền được thương yêu và chăm sóc, cũng sẽ vô nghĩa thôi! Mọi sự đã được định đoạt cả rồi.
Và cánh cửa lòng tôi khép lại.Vĩnh viễn. Sau một nỗi đau.
Cất tờ giấy về chỗ cũ, tôi không nói với ai một lời. Cho đến tận bây giờ, bố mẹ không hề biết rằng tôi đã biết chuyện chia con của họ. Vâng. Bố mẹ không thể nào biết rằng, họ đã làm trái tim tôi tan nát ra sao, với vết thương luôn rớm máu, tôi trở nên người yếu đuối thế nào. Bố mẹ không thể nào biết rằng, tôi đã cô tỏ ra mạnh mẽ để che dấu vết thương của mình, để bố mẹ yên tâm về tôi, một đứa con gái nghị lực, mạnh mẽ. Bố mẹ không thể nào biết rằng, họ đã vô tình đẩy tôi xa họ thêm, xa họ mãi… Tôi không thể nào bộc lộ cảm xúc của mình vì biết rằng, cái điều mình mong muốn sẽ không được đáp ứng. Vì sao? Vì cuộc sống quá ư là nghiệt ngã? Và còn vì, có lẽ, bố mẹ cũng đã hết lòng với tôi rồi nhưng chỉ được đến thế thôi.
***
Ôi những kỷ niệm khó phai của một thời nghèo khổ. Tôi không sợ nghèo. Nghèo mà yêu thương nhau chia sẻ cùng nhau. Tôi chỉ sợ lòng người độc ác, dẫm lên nhau mà sống.
Mỗi khi nhớ lại thời thơ ấu, tôi băn khoăn, phải chăng tôi đã quá nhậy cảm, để rồi tự mình làm mình đau đớn một cách không cần thiết? Phải chăng tôi đã quá ngốc nghếch khi cứ tự kỷ ám thị rằng, trong gia đình này, tôi chẳng là ai cả! Vậy thì tại sao tôi lại phải có mặt trên cõi đời này? Tại sao tôi phải hứng chịu những đau đớn này?
Đêm đêm, để dỗ giấc ngủ của mình, tôi thì thầm tự hỏi: Vân ơi, Vân là ai?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.