Liễu Tướng Quân

Chương 12: Hoàng Kim Lệnh




Liễu Trường Minh cầm Hoàng Kim Lệnh trong tay, một thoáng mơ hồ nổi lên trong lòng. Cận vệ rót cho ông một chén trà đưa tới trước mặt, cung kính nói: "Lão gia, Hoàng Kim Lệnh đến vào lúc này khiến Tử Y không yên tâm, hay là lão gia gọi thiếu gia quay lại đi, tìm một cái cớ không về Nội Đình nữa có được không?"
Liễu Trường Minh tựa lưng ra ghế thở dài lắc đầu: "Ngươi là một trong những người hiểu rõ hiểu Trường Lệnh, vậy ngươi thử nói xem liệu nó có đồng ý quay lại không? Và nếu nó đồng ý quay lại thì nên nói lý do là gì?"
Tử Y là nữ cận vệ trung thành đi theo bên cạnh Liễu Trường Minh, cũng là một trong hai người còn sót lại trong dòng chính của Triệu gia, chỉ là không thể để lộ tung tích vì sớm đã mang danh là người chết. Ngày Triệu gia bị thảm sát, khi vị phu nhân của tam công tử Triệu gia bị giết trong phòng mình, chính Liễu Trường Minh đã lợi dụng đêm tối lẻn vào phòng mổ bụng cứu đôi song thai ra, chỉ là cuối cùng phải phóng hỏa thiêu rụi Triệu gia trang để hủy thi diệt tích. Ôm hai đứa trẻ sơ sinh yếu ớt, dắt theo một nhũ nương và hơn mười cận vệ Ám Vệ quân chạy từ Hưng Trạch, vòng sang địa phận Bác Lăng thổ, Tỵ Sung quốc về cửa đông Bình Nguyên qua ải Bình Trạch bí mật vào địa phận An Hà.
Hơn ba tháng trường ngày nghỉ đêm đi, có lúc vượt rừng băng núi ròng rõ hơn mười ngày. Nước uống cùng lương thực đều cạn kiệt, cả đoàn người phải ăn rễ cây, uống nước sương cầm cự, dành toàn bộ lương khô cho nhũ nương ăn để có sữa cho hai đứa bé, khổ sở vất vả trăm bề mới lưu lại được cặp huyết mạch của Triệu gia này. Sau khi về đến Bình Nguyên, vì tránh tai mắt của người ngoài nên Tử Y và Liễu Tự được tách ra giao cho hai hộ nông dân nuôi dưỡng đến năm 7 tuổi mới mang về.
Triệu Tử Y được nuôi ở Từ Ức, sau đó vào Hồng Y Quân khắc khổ huấn luyện mười năm, hình thành sự tự giác bảo vệ cương thổ cao và có nhiều kinh nghiệm trên chiến trường nên đi theo Liễu Trường Minh. Triệu Liễu Tự được nuôi ở Bình Nguyên, từ bé lớn cùng Liễu Trường Lệnh nên đi theo bảo vệ hắn.
Tử Y được Liễu Trường Minh hỏi, suy nghĩ hồi lâu mới cúi người nhỏ giọng nói: "Lão gia, hay là để thiếu gia khôi phục thân phận quay về làm nữ nhi, đưa ra khỏi Bình Nguyên sống cuộc đời bình thường. Thiếu gia thông minh tháo vát, làm một thương nhân cũng được. Ở đây có lão gia, có Tử Y hẳn là có thể bảo toàn Liễu gia quân cùng bách tính Bình Nguyên – Từ Ức thêm mấy mươi năm."
Liễu Trường Minh lúc này mới ngẩng đầu nhìn Tử Y hỏi: "Vậy mấy mươi năm sau thì sao? Ngươi có thể chắc chắn cả ta và ngươi có thể chết già sao? Sau khi ta chết, hơn 30 vạn Liễu gia quân sẽ giao lại cho ai? Bách tính Từ Ức – Bình Nguyên ai sẽ bảo vệ? Người được phái tới có thật sự xem nơi này là nhà không, hay sẽ ra sức vơ vét của cải? Trời cao Hoàng đế xa, người có lòng tham thì không từ thủ đoạn, lúc đó Trường Lệnh cũng không chắc sẽ được bình yên."
Tử Y cúi đầu không nói được gì, Liễu Trường Minh đứng lên đi về phía cửa sổ, từ vị trí của ông đứng có thể nhìn thấy Vọng Hồi các. Ông mơ hồ như thấy lại Liễu Trường Lệnh năm bảy tám tuổi, nằm nghiêng trên ghế dài ngủ thật ngon lành, ánh nắng ban mai chiếu trên cơ thể, nét mặt bình yên xinh đẹp vô cùng.
Từ nhỏ, Liễu Trường Lệnh đã phải ép mình hình thành thói quen đêm thức ngày ngủ. Khi màn đêm chưa buông xuống thì không được đọc sách, không được cầm bút luyện chữ, cũng không được cầm kiếm luyện võ. Mà khi màn đêm buông xuống, những điều đó cũng chỉ có thể làm trong mật thất, tránh khỏi ánh mắt của người khác, âm thầm bí mật học hành khổ luyện. Những việc người khác có thể quang minh chính đại làm thì đối với Liễu Trường Lệnh lại là thứ không thể làm trước mặt bàn dân thiên hạ, ngày ngày phải tỏ ra lười biếng ngang bướng để người ta chỉ trỏ bàn tán.
Không chỉ vậy, từ nhỏ đã phải ngâm qua rất nhiều loại độc, thường xuyên nói với bên ngoài thân thể yếu ớt nhiều bệnh. Thời khắc nào cũng phải nhớ bản thân bị trúng độc vào ngày đầy tháng dẫn đến tình trạng sức không tốt, tránh lạnh tránh gió, tránh xa sông nước. Tuổi thơ gian nan như thế vừa qua đi, bây giờ lại phải vào Nội Đình làm con tin chịu cảnh ngày đêm bị dòm ngó. Tài trí phải đem ra suy tính làm sao vừa làm một người vô dụng, vừa phải khéo léo dừng trước điểm mấu chốt giới hạn để không bị trách tội.
Rõ ràng là một nữ nhi lại phải ép bản thân xem mình như nam tử, ngày ngày ra vào lâu quán trêu ghẹo cô nương, làm ra những hành vi phóng đãng bại hoại. Giờ đây gánh trên vai an nguy của toàn Liễu gia quân, đặt trong lòng sự bình yên của trăm họ. Nữ nhi của ông vì vinh quang trăm năm của Liễu gia mà bước từng bước đến dưới miệng cọp, sẵn sàng vì đại cục hi sinh cả cuộc đời mình.
Liễu Trường Minh tự hỏi lòng, Liễu gia ông vì sao lại phải bước đến cục diện như hôm nay. Mỹ danh Định Quốc An công có thể sánh ngang với Vương gia khác họ của Hoàng thất, đất phong càng không thua kém bất kỳ vị Vương gia nào. Có thành trì, có quân đội nhưng hoàn toàn không có khả năng đoạt ngôi soán vị, không có khả năng tự xưng vương. Bao nhiêu năm qua ông an phận thủ thường, tránh xa sự lôi kéo của các thế lực, một lòng gìn giữ Từ Ức – Bình Nguyên như vậy lẽ nào không đủ để chứng tỏ lòng trung của ông, vì sao lại đề phòng Liễu gia như thế?
Bao đời Liễu gia chinh chiến giữ gìn từng tất đất phía Nam An Hà Quốc, cái ông muốn giữ cũng chỉ là bình an của dân chúng Bình Nguyên và Từ Ức, ông cũng chỉ muốn giữ lấy vinh quang của nhà họ Liễu mà thôi. Ông không hề muốn tranh đoạt cái gì, cũng chưa từng có dị tâm gì, tại sao lại gian nan như vậy?
Siết chặt Hoàng Kim Lệnh, trong lòng Liễu Trường Minh dấy lên nhiều lo lắng. Hoàng Kim Lệnh này chỉ có ba tấm, một tấm đang nằm trong tay Thái hậu, một tấm sẽ trao cho Thái tử tương lai, và một tấm phải nằm trong tay đương kim Hoàng thượng. Vì sao lại đưa đến tay ông, và tấm Hoàng Kim Lệnh này vốn nằm trong tay ai?
Định Quốc An công đã là một vị trí hứng chịu vô vàn sự kiêng dè, trao tấm Hoàng Kim Lệnh này vào tay ông khác nào trao thêm quyền lực cho Định Quốc An phủ, mà đây lại là thực quyền chân chính.
Người cầm trong tay Hoàng Kim Lệnh có thể tự ý điều động quân đội của bất cứ thành trì nào, ra lệnh sai khiến bất kỳ tướng lĩnh nào kể cả nguyên soái của một đại quân. Đi đến phủ quan lại nào cũng có thể lấy được ngân lượng hay vật phẩm nào vừa ý, miễn là không cướp thê tử nữ nhi nhà quan lại khác thì đều được tự do hành sự. Cầm Hoàng Kim Lệnh trong tay cũng có thể tiền trảm hậu tấu từ quan nhị phẩm trở xuống. Trừ Thái hậu, Hoàng thượng, Hoàng hậu và người cùng cầm Hoàng Kim Lệnh, bất cứ ai cũng phải đáp ứng yêu cầu được đưa ra. Tập trung đủ ba tấm Hoàng Kim Lệnh, vào thời khắc quan trọng có thể ép vua thoái vị. Quyền hạn cao gần như tuyệt đối.
Hơn thế nữa, người cầm Hoàng Kim Lệnh một khi phạm vào tội phải tru di cửu tộc còn có thể cứu được toàn gia, chỉ cần một người một mạng, tước bỏ tất cả danh vị, tịch biên tài sản có liên quan thì thân quyến có thể sống bình thường như bao người khác, người trong tộc vẫn có thể đỗ đạt công danh ra làm quan, gia nhập quân đội làm tướng nếu có đủ tài cán, hoàn toàn không bị liên lụy.
Có phải Hoàng đế muốn tước bỏ Định Quốc An phủ, triệt để phế đi danh vị này, thu lại binh quyền hay không? Ông chết không đáng tiếc, nhưng Liễu gia quân phải làm sao, dân chúng phải làm sao khi thay đổi người cai quản, và con ông phải làm sao?
Ban cho ông Hoàng Kim Lệnh, ông không còn lo lắng Liễu Trường Lệnh sẽ bị ông liên lụy nhưng vốn dĩ trong lòng Liễu Trường Lệnh vẫn còn chưa tháo gỡ mối thù diệt tộc của Dung gia, lại chưa nguôi việc Triệu gia chết oan cả nhà. Trên dưới mấy trăm mạng người cùng một mạng của Dung Y Lan, giữa Hoàng gia và Liễu Trường Lệnh từ sớm đã có một cái hố sâu không thể nào lấp được, mà Liễu Trường Lệnh là người có thù tất báo, có ơn tất đền, ông chỉ lo lắng một ngày Hoàng thượng chạm vào giới hạn của hắn sẽ khiến hắn thực sự bùng nổ, ôm theo tất cả oán hận cá chết lưới rách làm ra chuyện không thể vãn hồi.
Liễu Trường Minh tự nhận bản thân không phải là thánh nhân nên nếu là người khác thì ông đã sớm không tiếc giá nào mà báo thù cho thê tử và tam tộc, nhưng trớ trêu thay đó lại là Hoàng đế đương triều, là An Thạch mà ông đã dùng mười mấy năm bảo hộ, ông làm sao báo thù đây? Làm sao dấy binh tạo phản bỏ qua nổi khổ muôn dân trăm họ đây? Làm sao vứt bỏ lời huấn thị của Liễu gia bao đời đây?
Liễu gia bao đời trung quân ái quốc, đem tính mệnh và sự bình yên của dân chúng đặt lên đầu tiên, một khi Hoàng triều đổi chủ, phong ba chiến loạn nổi lên, vừa nội chiến vừa ngoại tộc thừa cơ xâm lăng thì ông khác nào tội đồ muôn thuở, làm sao đối mặt với tổ tiên.
Bao nhiêu năm qua ông nuốt hận mà sống, quyết không về Nội Đình một phần vì sự nghi kị của Hoàng đế, một phần vì mang trong lòng mối hận không thể bao dung, có thù không thế báo thà ông không gặp lại nữa.
Còn hiện tại nếu như Hoàng đế giết ông, Liễu Trường Lệnh có thể nhẫn nhịn nuốt giận mà sống như ông không? Tính hắn cố chấp cương quyết, lòng mang tư thù chưa báo, liệu khi tiếp nhận thêm một đòn như thế hắn còn có thể im lặng sao? Hắn sẽ không, nhất định Liễu Trường Lệnh sẽ báo thù, thậm chí Liễu Trường Lệnh sẽ chọn cách cực đoan nhất để báo thù rửa hận chứ quyết không sống nhục. Tấm Hoàng Kim Lệnh này có thể tháo gỡ gông cùm hay là sợi dây oan trái càng kéo càng chặt hơn, cho đến khi một trong hai bên hoàn toàn biến mất.
Suy nghĩ hồi lâu, Liễu Trường Minh đưa Hoàng Kim Lệnh cho Tử Y và dặn dò: "Ngươi vào mật thất dùng trâm cài tóc của Trường Lệnh đặt trên bàn mở Kỷ Lạp Độc Cách ra, bảo quản Hoàng Kim Lệnh cùng khóa trường mệnh của Trường Lệnh trong đó, rồi mang trâm cài đến cho ta."
Tử Y nghe xong khó hiểu nhíu nhíu mày, đi đến bên cạnh Liễu Trường Minh vừa nhận Hoàng Kim Lệnh vừa hỏi: "Khóa trường mệnh của thiếu gia? Vậy còn.."
Liễu Trường Minh gật đầu khẳng định: "Trường Lệnh đã mang thuốc đi rồi, nó đã quyết tâm từ bỏ thân phận nữ nhi của mình."
Tử Y có chút khó tin lùi ra sau hai bước, như có phần không tin vào tai mình lẩm bẩm: "Không thể nào, thiếu gia còn trẻ như vậy, thông minh như vậy sẽ không tự phá hủy chính mình đâu."
Liễu Trường Minh quay lại nhìn Tử Y, giọng nói có chút bất đắc dĩ: "Ta cũng mong nó suy nghĩ lại, nhưng e là khả năng đó rất thấp. Trường Lệnh xưa nay cố chấp cứng đầu, việc gì nó đã quyết định rồi thì cả ta cũng không thể thay đổi được."
Tử Y đau lòng lặng lẽ chảy hai hàng nước mắt, yếu ớt nói: "Lão gia, vậy lỡ như sau này thiếu gia vừa ý ai đó thì phải làm sao? Một đời dài như vậy, thiếu gia phải làm sao đây?"
Liễu Trường Minh không nói gì, ánh mắt nhìn về chiếc ghế dài trên Vọng Hồi Các, trong đáy mắt hiện lên nét đau thương không thể che giấu. Thật lâu sau, khóe mắt Liễu Trường Minh chảy một giọt nước mắt thật chậm nhưng ông cũng không buồn lau.
Ánh nắng chiếu lên chiếc ghế dài trên Vọng Hồi Các, chậu hoa Nguyệt Quế gần đó khẽ rung rinh trong gió nhưng bóng dáng Liễu Trường Lệnh đã không còn. Từ hôm nay trở đi, phụ tử ông chia cắt hai phương khó có ngày trùng phùng, con đường phía sau phải để một mình Liễu Trường Lệnh bước tiếp, ông chỉ có thể cố gắng hết sức mở ra một con đường để ngày sau Liễu Trường Lệnh có thể an toàn rút lui, một đời bình an trọn vẹn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.