Hôm nay chủ tử từ trong cung trở về, sắc mặt khó coi kinh người, bỏ bữa tối, không nói câu nào mà đi thẳng về tẩm viện. Tiểu Nhu thấp thỏm suốt chặng đường dò dẫm đến phòng ngủ, vốn định vào hầu hạ hắn rửa mặt lại bị ánh mắt hắn dọa cho đứng như trời trồng ngoài cửa, hai phiến cửa chạm hoa khép cái rầm trước mắt, một lát sau, then gài chặt.
Tiểu Nhu thở dài không thôi, chủ tử nhà mình vừa nóng tính lại bướng bỉnh. Từ nhỏ đến lớn, mỗi lần hắn nổi giận là không khác gì một tay bá vương rách trời rơi xuống, duy chỉ khi nào hắn thật sự tức giận đến mức đau lòng là im ỉm buồn một mình. Hoàng thượng hạ chỉ triệu Phương đại nhân về nước đã hơn hai tháng, có phải hôm nay… hắn nhận được tin tức gì bên kia.
Gã cứ lo ngay ngáy mà Dục Thanh đã chốt then cửa, gã không dám gõ không dám hỏi, âu sầu đứng ngoài cửa hồi lâu, đành sai đầy tớ tắt đèn dọn dẹp, sớm kết thúc ngày hôm nay.
Trong lòng chất chứa tâm sự, Tiểu Nhu mơ màng ngủ thẳng đến canh ba, bỗng có tiếng ngựa hí tan nát cõi lòng đập vào tai, gã mới giật nảy mình choàng tỉnh.
Mồ hôi lạnh thấm đẫm vạt áo, bên ngoài chẳng còn động tĩnh gì. Tiểu Nhu mở mắt trân trân một lát, tưởng mình mơ thấy ác mộng, đang định nằm xuống thì tiếng ngựa hí thê lương lại vang lên liên tiếp. Lần này Tiểu Nhu nghe rõ mồn một âm thanh phát ra từ chuồng ngựa ở sân sau, gã vội vã khoác áo chạy xộc ra khỏi phòng, chẳng kịp đốt đèn, hốt hoảng lao đến chuồng ngựa. Bọn tôi tớ cũng giật mình tỉnh giấc, nhao nhao mở cửa ra ngó dáo dác. Tiểu Nhu vừa chạy vừa xua tay không cho họ chạy sang, thuận tay nhận ngọn đèn xếp của người đưa tới, ngần ngừ trước cửa viện chỗ chuồng ngựa giây lát rồi nhấc chân đi vào.
Mùi rượu nồng nặc ứ đọng trong sân, Dục Thanh chỉ khoác một lần áo đơn, vung tay vụt roi lên lưng bảo mã Đạp Vân Thông, trên người chú ngựa đã bị quất biết bao vết roi, đôi mắt trợn trừng đầy hoảng hốt, nó giậm chân hí vang, lắc lắc cổ muốn bứt tung dây cương. Tiểu Nhu vứt đèn lồng nhào tới giữ chặt tay Dục Thanh, đau đớn nói: “Chủ tử! Ngài giận cá chém thớt chuyện gì, Đạp Vân Thông là bảo mã ngài yêu nhất, mai ngài tỉnh rượu lại hối hận đứt ruột đứt gan!”
“Đạp Vân Thông cái gì!” Dục Thanh vung tay xô gã sang một bên, giơ roi quất xuống: “Ta muốn Ngọc Túy Khinh Tuyết!”
“Ngọc Túy theo Phương đại nhân sang Thổ Phiên rồi, bây giờ ngài bảo chúng tiểu nhân phải đi đâu tìm đây chủ tử!”
“Vậy sao y không về?” Dục Thanh nói đoạn lại quất mạnh một roi, giọng hắn đã thêm phần nức nở, “Vậy sao y không về!”
Tiểu Nhu sững người, mí mắt giật giật theo từng tiếng hí thảm thiết, qua một hồi mới dè dặt hỏi: “Phương đại nhân…”
“Dâng tấu từ chối trở về vì ‘sứ mệnh chưa hết’.” Dục Thanh vứt roi xuống, xoay ngựa tựa dài trên cây cột buộc ngựa, giơ tay che lại hàng mày.
“Chủ tử…” Tiểu Nhu vừa mới thương ngựa mà trách móc hắn giận cá chém thớt, nay nhìn hắn thế này lại thấy thương hắn muôn phần, bước tới dìu cánh tay hắn, “Chờ Phương đại nhân xong hết công sự, ắt sẽ trở về. Chủ tử đã uống nhiều rượu lại hứng gió, giờ chắc đau đầu rồi chứ ạ? Tiểu nhân dìu chủ tử về phòng nghỉ ngơi, uống chén canh gừng.”
“Y đang trốn ta, y không muốn gặp ta…” Dục Thanh bóp trán ngồi thụp xuống, giọng nói đã pha tiếng khóc se sẽ, “Y vẫn luôn trốn… cứ trốn mãi… ‘Sau này dù ngài không đuổi tôi, tôi cũng không đi nữa đâu’, chỉ để lừa ta mà thôi…”
“Chủ tử…” Tiểu Nhu thương hắn, không biết khuyên thế nào, chỉ đành ngồi xuống theo hắn, ôm lấy hắn như dỗ dành một đứa trẻ, “Phương đại nhân ắt có nỗi khổ bất đắc dĩ, Thổ Phiên nào phải nơi tốt lành gì, không phải do không muốn gặp ngài nên mới từ chối quay về đâu.”
“… Ngươi nói đi, y thì có gì tốt đâu… Nhát gan, sợ phiền, hiền như khúc gỗ, nhạt nhẽo… Trăm nết chẳng được một nết… Ngươi nói đi, y thì có gì tốt chứ, ta đây hết lòng hết dạ với y, ta giành giật tình yêu, tranh đoạt mạng sống cho y… Y nơi ấy chỉ một câu ‘Sứ mệnh chưa hết’ đã rũ bỏ tất cả… Vậy suốt cả quãng thời gian qua ta làm mọi thứ vì điều gì… Mấy năm nay ta… rốt cuộc là vì điều gì…”
“Phương đại nhân có ưu điểm của riêng ngài ấy, mặc dù chủ tử nói vậy nhưng cả ngài và tiểu nhân đều biết. Có lẽ Phương đại nhân… có lẽ y không muốn ngài tranh đoạt vì y nữa, nên mới không muốn về.”
“Ta nhớ y lắm! Ta nhớ y thì phải làm sao…” Dục Thanh bấu vào tay áo Tiểu Nhu, đôi mắt nhòa lệ tựa trên vai gã, “… Y như thế mà ta vẫn nhớ y… Ngươi nói đi, y không nhớ ta chút nào sao… Ngay cả trong thư cũng thế… y toàn nói đến triều vụ, y chỉ toàn khách sáo…”
Tiểu Nhu vuốt lưng cho hắn, vừa nghĩ vừa nói: “Điều Phương đại nhân mong mỏi… là chủ tử được bình an, có lẽ thư này hoàng thượng sẽ kiểm tra, nếu không phải… nếu không xác nhận chủ tử và Phương đại nhân thực chẳng có cử chỉ gì trái lẽ thường, ngài ấy cũng sẽ không dễ gì mà chuẩn cho y về đây. Phương đại nhân đều vì tốt cho ngài, đợi mai này…” Gã chẳng dám nói thẳng là Dục Thanh đăng cơ, bèn phải nói: “Mai này mọi chuyện ổn định lại, Phương đại nhân ắt sẽ trở về, tất nhiên cũng không đi đâu nữa.”
Dục Thanh lắc đầu, tiếng sột soạt của vải vóc vang lên: “Y đang trách ta, trách ta có lòng tranh đoạt đế vị.”
Tiểu Nhu cười, “Sao Phương đại nhân có thể mất vui vì hoàng thượng truyền đế vị cho chủ tử được?”
“Ta làm hoàng đế sẽ có tam cung lục viện, bảy mươi hai phi tần. Những lời y ngấm ngầm chỉ điểm ta trong thư vốn là để ta không bị tam ca ám hại, bây giờ ta lại dùng nó để ám hại tam ca, đoạt sủng ái từ phụ hoàng, y thấy ta quyết ý muốn làm hoàng đế liền lạnh lòng, chẳng muốn về nữa…”
“Chủ tử nghĩ nhiều rồi, Phương đại nhân có tư cách gì mà quản chuyện ngài thành gia lập thất…”
Dục Thanh ngẩng đầu quát nghiêm: “Tại sao y lại không có, y có! Nhưng y…” Dục Thanh lắc đầu rồi lại gục xuống, “… Nhưng y chưa bao giờ nói, chỉ cần y nói một câu thôi, ta sẽ…”
Tiểu Nhu tỉ mỉ trông chừng phản ứng của Dục Thanh, dè dặt thưa: “Tính nết Phương đại nhân nào có quá đáng như thế, nhất định là do chủ tử nghĩ nhiều quá thôi.”
Giọng Dục Thanh bí bách truyền ra từ trong lòng Tiểu Nhu, “Tính y là thế đó, y chẳng biết tranh giành chuyện gì bao giờ, cứ trốn mãi… Trốn chui trốn lủi, vậy mà lại là một kẻ mềm lòng không trốn nổi việc gì. Lư Hoành là thế, Lộng Bích là vậy, chuyện như thế sau này sẽ còn tái diễn, một ngày nào đó y sẽ bị tính nết của mình hại chết, ta muốn che chở cho y cả đời vô lo vô nghĩ, không làm hoàng đế thì làm gì nữa…”
Nhất thời Tiểu Nhu không nói được gì.
Hóa ra là thế, không muốn lên ngôi là vì y, muốn đăng cơ cũng là vì y. Thân phận như thế mà lại si tình tới nông nỗi này, không biết vì sao hắn khiến người ta cảm thấy đôi phần sợ hãi.
“… Mai sau chủ tử sẽ có cơ hội giãi bày những lời này cho Phương đại nhân nghe, nhất định y sẽ cảm động lắm, căm giận gì, tránh né gì cũng không còn đâu.”
Dục Thanh lắc đầu, ngửa đầu ra sau tựa vào cây trụ gỗ trong chuồng, “Ngươi không biết đâu, trên đời này không có ai giả ngốc giỏi hơn y đâu.”
Tiểu Nhu không biết nên nói gì, chỉ đành nhìn hắn. Dục Thanh đứng dậy, kéo tay áo lau nước mắt, vừa đi về vừa nói: “Bây giờ phải xuất binh cứu Lâu Lan, ta cứ thoải mái mà đi thôi.”
Trời vừa vào thu, khí trời Khẩu Bắc liền trở lạnh. Thái Hạnh cầm chén sành đơm cơm chà lên gương mặt lạnh cóng vì gió rét, xếp hàng trong dòng người đang chầm chậm nhích từng bước về phía trước, đầu miên man nghĩ xem nên đi đâu đòi cho thiếu gia một chiếc áo bông mới được. Lão Mã nấu cơm thấy gã đứng lên hàng đầu rồi còn ngơ ra, cầm muôi cơm gõ gõ bát của gã. Thái Hạnh hoàn hồn, toét miệng cười.
“Lão Mã ơi.”
Lão Mã hỏi gã: “Hôm nay rét thế này chủ tử ngươi có ổn không đó?”
Mạch Sở Địch từng giúp lão Mã viết mấy phong thư, bởi vậy lão thường thường hỏi thăm y, có thức ăn ngon cũng thường đơm thêm một muôi.
Thái Hạnh thở dài, “Tinh thần thì ổn nhưng cơ thể thì… Cháu chẳng phải là đại phu, chủ tử bảo không sao, cháu cũng chả biết thật hay giả.”
“Người ngợm mà khó chịu không giả vờ nổi đâu.” Lão Mã vừa nói vừa múc thêm vào bát nửa muôi bầu xào, “Tinh thần ổn là được rồi.”
Thái Hạnh liền gật đầu.
Người xếp sau bỗng đụng đụng gã, Thái Hạnh để người ta chờ lâu, gật đầu tính đi, không ngờ người ta lại hỏi: “Tên Thái Hạnh à? Chủ tử nhà ngươi có cho xem mặt chút không?”
Hàng người dài đằng trước bỗng vang tiếng cười, Thái Hạnh hơi cáu nhưng biết đối phương không có ác ý gì bèn nói: “Ai chẳng có hai mắt một miệng, có gì hay mà xem.”
Xa xa có người cao giọng: “Sao bảo là đẹp như thần tiên cơ mà, giả à?”
Những lời này Thái Hạnh không thích nghe, bĩu môi đáp: “Thần tiên đã là gì, dĩ nhiên là đẹp hơn cả thần tiên.”
Người xung quanh lại đâm chọc gã, “Thế dẫn bọn ta qua xem đi, chúng ta cũng được xem thần tiên trông như thế nào.”
Lại một tràng cười giòn giã.
Thái Hạnh cầm được bát cơm rồi liền cười, “Các ngươi cầu trời khấn phật đi, đợi đầu xuân năm sau khí trời ấm lên, nếu cơ thể chủ tử ta khỏe mạnh nhất định sẽ ra cửa đi dạo, lúc đó muốn nhìn bao lâu chẳng được? Các ngươi nhớ cầu trời khấn phật cho chủ tử nhà ta đó, phù hộ y khỏe mạnh, chóng khỏi bệnh.”
Đám người nhao nhao đồng ý, tiếng cười hòa với nhau vang dội. Thái Hạnh xua xua tay, vội vàng chạy về.
Nơi chốn hoang sơ, lòng người lại ấm áp, nếu không có họ giúp đỡ, một thân một mình cũng khó mà chạy vạy cho đặng. Thái Hạnh ngẩng đầu nhìn sắc trời, bụng nghĩ hôm nay mà còn không uống thuốc đúng giờ, e là không gắng gượng nổi. Mà lúc đi, đến cả một chiếc áo ấm thiếu gia cũng chẳng mang thêm, mỗi người tháp tùng chỉ được mang năm cân* hành lí, một chiếc nghiên mực Đoan Khê đã chiếm nửa, còn giá bút, văn mực có cái nào mà không nặng? Nếu có thể bỏ bớt vài món, chắc cũng mang đủ dược liệu cho mấy tháng. Chẳng biết xe hàng tiếp theo trong kinh bao giờ mới tới. Nếu trời hạ đại tuyết, đường sá phong tỏa không có thuốc, phải làm thế nào cho phải.
(*5 cân = 2.5kg)
Thái Hạnh vừa than thở vừa rảo bước đi, chạy chậm trên con đường đất đen đã kết sương trắng mỏng tang.
Xốc tấm rèm cỏ tranh trong căn phòng gạch mộc, hơi lạnh rùng mình bao bọc lấy thân, căn phòng không có ánh nắng còn lạnh hơn cả bên ngoài. Mạch Sở Địch khoác chăn mỏng co ro bên giường lò viết thư, thấy gã về thì mỉm cười nhạt: “Trời hôm nay lạnh giá, việc quân doanh chắc là mệt lắm đây?”
Thống lĩnh doanh trại vùng này nhận được miếng ngon trong kinh, những quân dịch mà Mạch Sở Địch vốn phải làm được định cho Thái Hạnh tới thay, còn sắp xếp cho hai người họ một gian có lò sưởi, cũng coi như là chu toàn.
Thái Hạnh lắc đầu, “Khí trời lạnh, hoạt động một chút còn ấm người. Một ngày đêm rồi thiếu gia không động đậy, tiểu nhân bôi thuốc trước rồi dìu ngài đi lại.”
Mạch Sở Địch cười, “Không sao, ta sợ lạnh, không muốn động đậy gì cả. Hôm nay còn mấy phong thư, ta viết xong sẽ nghỉ ngơi, ngươi cứ sắc thuốc xong là được, ta sẽ tự đi bưng về, ngươi mệt mỏi cả một ngày rồi cũng nên nghỉ ngơi sớm đi.”
“Không biết hôm qua thiếu gia ngủ lúc canh mấy, hôm nay ngài còn viết thư? Ngày nào cũng viết cả xấp to, gửi đến năm sau vẫn đủ. Thiếu gia nghe tôi khuyên đi, hôm nay xuống đất đi lại một lát, uống thuốc rồi nghỉ ngơi sớm.”
“Ta viết thêm hai ba phong nữa thì đủ gửi tới năm sau rồi.” Mạch Sở Địch vừa nói vừa đặt bút xuống, chà xát hai tay, “Ta sợ sau này ở đây lâu lại quen, tay chân lười biếng, viết một lần cho xong, để Lạc Dương khỏi phải lo lắng.”
Thái Hạnh vào bếp sắc thuốc, tiếng nói truyền qua tấm mành cỏ, “Nói thì nói vậy, thiếu gia cũng đâu cần viết nhiều thế. Theo tiểu nhân thấy, ngài viết cho Thiếu phu nhân với tiểu thư một phong là được, thư cho Địch thái y thì tiết kiệm đi cũng không sao.”
Nét mặt Mạch Sở Địch nhạt dần, y nhịn mấy tiếng ho khan.
“Ta đã hợp nhất thư cho phu nhân và phụ mẫu rồi, sao mà cho cả Như Hồng vào được, nàng đã gả đi, còn không thường về thăm nhà. Địch thái y là bạn thân, huống hồ trong thư còn kể chuyện bệnh tình, gã sẽ có lời chỉ điểm.”
“Lời thiếu gia lúc nào cũng có lí cả, tiểu nhân nói không lại thiếu gia, thiếu gia đừng nói nữa, giữ sức còn nghỉ ngơi. Tiểu nhân lấy cho thiếu gia cơm nóng này, hôm nay không biết lão Mã lấy đâu ra bầu xào…”
Mạch Sở Địch cười nhạt, nhấc bút lên lần nữa.
Ăn cơm xong uống thuốc, Thái Hạnh hầu hạ Mạch Sở Địch rửa mặt chải đầu sơ qua rồi trải giường chiếu nằm trong bếp. Trước kia Mạch Sở Địch để gã ngủ cùng trên giường lò, mà gã thì không dám lỗ mãng như thế, huống hồ bên bếp cũng còn nhiều hơi ấm, ngủ ở đây coi như là vừa. Gã vất vả cả ngày, đầu dính lên gối liền ngủ ngay, lúc mơ màng như nghe thấy tiếng sai bảo trịnh trọng từng câu từng chữ của Mạch Sở Địch trong phòng: “Bất kể mai này có xảy ra chuyện gì, mỗi tháng gửi một phong thư, ngươi nhất định phải nhớ kĩ.”
Thái Hạnh mơ mơ màng màng lên tiếng, tiếng ngáy khe khẽ vang lên.
Mạch Sở Địch đưa tay trái lên che chở cho đốm lửa trong ngọn đèn dầu, lồng ngực bỗng run lên, tay y nóng rẫy, nước mực trên đầu bút vấy ra trong cơn đau kinh hoàng, rơi xuống mặt giấy rồi thấm xuống.
“… Trông qua muôn núi nghìn non, dẫu sao vẫn đợi một mai tương phùng. Sở Địch bạch.”
(Sơn hà tương vọng, duy đãi trùng phùng.)
Y muốn bỏ phong thư này để chép một phong khác, nhấc bút mãi rồi lại buông.
Vô lực, cũng vô tâm.
Y nhìn những phong thư xếp đúng thứ tự bày trên đầu giường, lặng lẽ đếm lại, đủ để gửi tới năm sau.
Năm sau, vạn sự chung quy cũng đã định.
Y viết nhiều đến thế, cuối cùng thiếu một phong.
Y vén tay áo, tỉ mẩn mài mực. Mực hơi khô, y bèn đổ thêm chút nước từ trong bát, chầm chậm mài. Bút lông Hồ Châu, cán trúc tương phi* từ tốn chấm lên, ấy là bút lông sói nhất đẳng. Đem được chúng tới đây là chuyện tốt, không thì sao mà sánh bằng những chữ này đây.
(Trúc tương phi hay trúc đốm: tương truyền Vua Thuấn đi tuần ở Thương Ngô bị băng hà, hai vợ Vua Thuấn thương chồng than khóc ở khoảng giữa Trường Giang và Tương Giang nước mắt vẩy lên cây trúc, từ đó da trúc có đốm.)
“Nếu có kiếp sau…”
Rồi ngòi bút dừng trên giấy hồi lâu, mãi mới chuyển động lại.
“Nếu có kiếp sau, xin nguyện làm vết bớt trong lòng tay, làm nốt son giữa hàng mày, trường bạn trường tùy, đồng sinh…”
Y lắc đầu cười, chấm mực mới xóa đi những hàng chữ ấy, nước mực loang ra thấm ướt cả mười tờ thư.
Cần gì phải thế, phải để ngày đại cát của ngài không được thông thuận, thoải mái.
Giấy viết thư trên bàn đã bỏ hết, y chuyển mình với lên đầu giường lấy giấy mới, ngón tay run run trải hết giấy ra, lại ho khan mấy tiếng rồi mới đổ thêm nước vào nghiên mực.
Không khí lạnh giá thấm vào phổi, mỗi lần hít thở như có thanh đao đang róc thịt.
Đừng nói chi hoa đào Lạc Dương, đến cả ánh nắng ngày mai chắc cũng chẳng thể thấy được nữa.
Y nhếch môi cười, hít sâu mấy hơi nén tiếng ho, lấy tay trái cầm cổ tay phải, cố gắng để nét bút vững vàng hơn, rồi y nhìn bút bằng ánh mắt chăm chú nhất đời mình. Dẫu gì, từng nét phẩy nét mác cũng đã khắc sâu vào xương cốt y, hóa thành giai tự Mạch thể nổi danh khắp thiên hạ.
“Thượng, tân đế.
Núi non nhàn dưỡng bệnh kinh niên, tạm bỏ áo quan chậm đường về. Gió xuân Lạc Dương sang năm mới, hoa đào sẽ nở hệt trước đây…”
(Sơn cư nhàn dưỡng kinh niên bệnh, tạm từ triều y hoãn quy trình. Lạc dương đông phong minh niên chí, đào hoa đắc tự cựu thì…)
Đỏ… đỏ thắm.
Trái tim đã vấy bẩn, mà máu hộc ra lại đỏ tươi đến thế.
Y chỉ sợ vết máu làm bẩn lá thư, nghiêng người nằm co ro trên giường đất, cơ thể run theo từng đợt co giật đau đớn trong buồng phổi. Bút lông rơi trên giường thấm ướt chăn đệm, nét mực loang lổ trong máu loãng. Y muốn cầm lấy bút nhưng chẳng còn chút sức nào, đến cả che lại máu trong miệng cũng không thể nữa.
Một chữ cuối cùng, chỉ còn một chữ cuối cùng thôi, sao có thể ngừng bước ở đây…
Tôi lừa ngài nhiều lắm, phụ ngài bao lần, chỉ một lần cuối cùng này, trời xanh không cho phép.
Trời xanh thương ngài cũng là chuyện tốt, phù hộ ngài đời này không còn bị ai phụ lòng.
Tam điện hạ, Tam ca ca, nếu tôi có thể gọi thành tiếng, ngài sẽ đến đây chứ…
Nếu tôi nói, từ khi mười lăm tuổi đến nay, mỗi một việc tôi làm đều sai rồi, phải chăng là đã sống uổng phí. Tôi dùng nửa đời mình đổi lấy ngài quay lại nhìn tôi lần nữa, có phải đã muộn rồi không…
Đến tận lúc này, vậy mà chẳng hề muốn khóc, vậy mà lòng chẳng chút hối hận, tôi chết đi cũng là đáng kiếp.
Được in dấu vào lòng ngài… để ngài hận tôi cả đời… cũng coi như, đáng giá.
Máu đỏ trước mắt dần bung nở như hoa cuối xuân ở Lạc Dương, tươi thắm mĩ miều, thiêu đốt đến tận chân trời xa vẫn không chịu thua. Y cưỡi ngựa hoa, khoác áo tiến sĩ màu ngọc bích, hoa cài trên mũ là bông thược dược.
Bách tính xem lễ hai bên đường đều mặc tấm áo sáng màu nhất, nữ tử gài trâm hoa phỉ thúy như dự tết Nguyên Tiêu. Ngựa y chầm chậm bước, đoàn người vỗ tay hoan hô, hỗn loạn mà náo nhiệt, y hơi mơ màng, nghe không rõ. Khi rẽ ở góc đường, y nhìn thấy Tam điện hạ ca ca của mình đang đứng xa xa, cười với y giữa muôn người. Hắn mặc thường phục màu đay, mà cao như vậy, khí khái như vậy, chỉ cần lướt qua cũng thấy nổi bật giữa ngàn vạn người.
Y nghiêng đầu nhìn sang mãi, ngựa càng đi càng xa, tiếng người tiếng pháo đều rút xuống như thủy triều. Thế là y nghe thấy có người đang hát, giọng của người con gái xuân thì, nàng vây trước ngựa, vỗ tay, vui vẻ mà cất tiếng, hát một lần rồi lại một lần. Đến giờ y vẫn còn nhớ lời ca của các nàng ấy.
“Chàng trai mặt ngọc nhà ai, quay xe về đến mạn ngoài Thiên Tân. Ngắm hoa bên phía đường đông, mà làm kinh động bao lòng Lạc Dương.”
(Bài “Lạc Dương mạch” của Lý Bạch, bản dịch từ thivien.net:
Bạch ngọc thùy gia lang, hồi xa độ Thiên Tân.
Khán hoa đông thượng mạch, kinh động Lạc Dương nhân.)
Tác giả:
Viết đến đây chính tôi cũng thấy đau lòng.