Một Mảnh Xuân Sầu

Chương 1:




1.
Bà cả gọi tôi tới rửa chân cho bà ấy.
Tôi thuần thục cởi từng lớp vải bó chân, nhẹ nhàng đặt đôi chân nhỏ xíu chưa đầy ba tấc kia vào chậu nước ấm, rồi tỉ mẫn xoa bóp, kỳ cọ.
Hai bàn chân của bà ấy trông rất đáng sợ, bốn ngón chân đều bị gãy gập, ép sát vào lòng bàn chân. Phải buộc chặt suốt nhiều năm trời, mới có được đôi gót sen ba tấc thế này.
Mỗi lần đụng mặt, bà ấy thường đắc ý khoe khoang: "Trong vòng mười dặm thôn xóm xung quanh, đôi gót sen này là bó đẹp nhất. Năm đó, nhờ có nó mà tôi may mắn nên duyên với lão gia."
Nói đoạn, còn khinh khỉnh liếc xéo đôi chân bình thường của tôi: "Bàn chân thô kệch của cô khó coi chêt đi được. Mấy kẻ chân to đều là lũ nghèo mạt rệp."
Tôi cười khổ đáp: "Chị cả nói không sai, em vốn là con gái nhà nghèo."
Nói chưa dứt câu thì bà ấy đột nhiên đổi sắc, hai bàn chân nhỏ giơ lên đá thẳng vào ngực tôi. Cú đá mạnh tới mức tôi ngã lăn quay ra đất, vướng đổ cả chậu rửa chân, làm nước văng tung tóe khắp sàn.
Bà ấy mắng: "Con tiểu tiện nhân, mạnh tay như vậy làm gì? Muốn bóp chết tôi à, để cô lên làm chính thất đúng không?"
Không kịp bận tâm cơn đau nhói ở lồng ngực, tôi lòm còm bò dậy dập đầu nhận lỗi.
Lúc này bà cả mới trừng mắt, hằn học quát: "Lấy chậu nước khác tới đây."
Tôi cúi đầu vâng dạ, rồi kính cẩn lui ra ngoài lấy nước.
Thực ra, làm gì có chuyện dùng lực mạnh hay nhẹ, mỗi lần rửa chân, bà ấy thường bất thình lình đạp tôi vài cái.
Tối qua lão gia ngủ lại phòng tôi, việc này càng khiến bà cả phật ý.
Bà ấy là thê, tôi là thiếp. Một khi đã muốn thì bà ấy có vô vàn cách để giày vò tôi.
Nói thật lòng, tôi cũng chán ghét dáng vẻ yếu đuối của mình. Nhưng trước kia, trong phủ này còn có một bà tư xinh đẹp như tranh, hơn nữa miệng lưỡi rất lợi hại.
Mỗi lần bà cả muốn dạy dỗ chị ta, chị ta đều có thể hiên ngang chống nạnh, mắng đến mức bà cả cứng họng, cũng không dám động tới chị ta.
Nhưng rồi kết cuộc thế nào?
Lão gia nhìn mãi thành quen, mất hết cảm giác mới mẻ, bà cả nói chị ta mắc bệnh truyền nhiễm, qua đời trên đường đưa đến bệnh viện, thi thể đã bị đem đi hoả táng.
Lão gia cũng chẳng mảy may bận tâm.
Tôi biết chị ta không hề mắc bệnh.
2.
Rửa chân cho bà cả xong xuôi, người tôi đã ướt như chuột lột, trên trán lấm tấm mồ côi. Khi ấy bà cả mới hài lòng buông tha, để tôi lê thân xác nhếch nhác trở về.
Tôi cúi đầu lui ra, miệng lặp đi lặp lại câu cảm ơn chị cả, nào ngờ vô tình đụng trúng ai đó.
Là một chàng trai trẻ trong bộ tây trang thẳng thớm, đúng theo phong cách tân thời mà giới trẻ đang ưa chuộng. Anh ta cắt tóc ngắn gọn gàng, tay xách chiếc vali nhỏ.
Khác hẳn với lão gia, nhà Thanh đã sớm suy tàn nhưng ông ấy vẫn một mực giữ lại bím tóc.
Phía sau vang lên tiếng kêu hồ hởi của bà cả: "Dung Xuyên, con trai của mẹ, con về rồi à."
Lúc này tôi mới biết anh ta chính là Triệu Dung Xuyên, con trai duy nhất của lão gia, bấy lâu nay đều ở nước ngoài học tập.
Tôi cúi gằm mặt, định chuồn đi mau lẹ. Triệu Dung Xuyên lại đuổi theo, hỏi: "Cô là ai, sao lại ở nhà tôi?”
Anh ta mỉm cười, dung mạo bừng sáng lấp lánh.
Tôi ngập ngừng hồi lâu vẫn không tài nào nói cho đối phương biết tôi là tiểu thiếp của cha anh ta.
Nhìn dáng vẻ vị thiếu gia này, đoán chừng còn lớn hơn tôi mấy tuổi.
Quả thật không thốt nên lời.
Trái lại, bà cả ở một bên pha trò đùa cợt: "Cô ta ấy à, má năm của con đó, mau gọi má năm đi."
Nụ cười trên môi Triệu Dung Xuyên tức thì tắt lịm, ánh mắt thay đổi hoàn toàn. Từ cái nhìn quan sát ban đầu biến thành khinh bỉ lẫn phỉ nhổ. Cuối cùng chỉ đọng lại chút thương hại.
Tôi biết anh ta đang nghĩ gì, ánh mắt đó tôi đã trông thấy vô số lần.
Rốt cuộc, tôi không chịu nổi tình cảnh xấu hổ này, đành quay đầu chạy trối chêt.
Tôi thực lòng ngưỡng mộ những người khinh thường tôi ra mặt, bởi chắc chắn họ chưa hề nếm trải cảm giác đói đến ngắc ngoải.
3.
Một năm trước tôi gả vào Triệu phủ, bắt đầu tháng ngày đi theo Triệu lão gia.
Gia cảnh của tôi vốn không tệ, nhưng cha tôi sinh tật nghiện ngập. Dần dà, không chỉ biến bản thân thành bộ dạng quỷ quái, nom khô quắt như một que củi, mà còn đẩy cả nhà vào cảnh tán gia bại sản.
Năm đó mất mùa, giá lương thực leo thang. Gia đình năm người bọn tôi, đều đói khát trơ xương.
Thời cuộc hỗn loạn, Đại Thanh suy vong, mở ra Dân quốc. Hoàng đế thoái vị, tổng thống nắm quyền.
Chiến trận liên miên, trời đất biến chuyển từng ngày.
Bần cùng, tôi quyết định ra đường ăn xin kiếm sống.
Có lúc đứng trên phố ca hát mua vui, có lúc đi làm thuê cho nhóm hạ nhân của mấy gia đình giàu có, làm hàng tá công việc bẩn thỉu mà bọn họ ghê tay không muốn làm.
Nhưng bận đầu tắt mặt tối, số tiền kiếm được còn chẳng đủ mua nửa cái màn thầu.
Cha tôi nói cứ thế này mãi thì không ổn, ông ấy định bán tôi vào nhà chứa. Thứ nhất là tôi có thể kiếm cơm no bụng, thứ hai là cứu vớt gia đình qua cơn khốn khó.
Tôi rất sợ hãi.
Nghe thiên hạ đồn đãi, phụ nữ trong nhà chứa không chỉ bị ngàn người cưỡi, vạn người đè mà về sau còn mắc bệnh bẩn thỉu. Một khi đã nhiễm bệnh, toàn thân sẽ lở loét chảy mủ, quả thật sống không bằng chêt.
Tôi muốn trốn chạy, nhưng giờ đường xá hỗn tạp, bát nháo. Sợ là chưa kịp chạy khỏi thành, đã bị dao bay, đạn lạc làm toi mạng, không thì cũng bị bọn cướp bắt đi.
Để tránh lưu lạc đến nỗi làm gái điêm, tôi càng nỗ lực ca hát, đồng thời chẳng quản nắng mưa, quần quật làm thuê làm mướn. May mắn thay, giọng hát của tôi đã lọt vào mắt xanh của một chủ đoàn hát, người ta mua đứt tôi với ba thỏi bạc.
Vào được đoàn hát, rốt cuộc cũng không cần âu sầu chuyện cơm ăn, áo mặc. Tuy nhiên, một khi lười biếng qua loa, hoặc lỡ hôm nào thất thần hát sai chữ, đều sẽ chiếu theo khuôn phép, bị chủ đoàn đánh đập tàn nhẫn, rồi bỏ đói suốt ngày hôm đó.
Lăn lộn trong đoàn hát cả năm trời, tôi lại được Triệu lão gia để mắt trong một lần ông ấy đến nghe ca kịch.
Triệu lão gia là quan viên triều Thanh, nhà giàu nứt đố đổ vách. Mặc dù thời vàng son đã khép lại, ông ấy vẫn đại phú đại quý, giàu càng thêm giàu.
Triệu lão gia cảm thấy tôi hát rất êm tai, dáng vẻ lại yêu kiều nịnh mắt, nên tiện tay mua tôi về làm tiểu thiếp thứ năm của ông ấy.
Nghe đâu, số tiền mua tôi còn không bằng giá của một con vẹt trong Triệu phủ.
Bà cả là người đàn bà chanh chua, hễ tâm tình không vui thì lôi đầu tôi ra đánh mắng đã thành chuyện như cơm bữa.
Mỗi khi có phu nhân hay tiểu thư nào đến nhà làm khách, bà ấy đều bảo tôi ra hầu hạ. Mấy phu nhân đó cũng không lấy làm kỳ quái, tùy ý sai khiến tôi đủ điều.
"Chị, em bảo này, lão gia nhà chị còn được không vậy? Rước về con nha đầu non choẹt thế kia, coi chừng có ngày nó trèo tường tìm ong bướm ve vãn đấy!"
Cả nhóm phụ nữ nhìn nhau cười khúc khích, phát ra thứ âm thanh làm tôi rợn gáy.
Còn mấy vị tiểu thư khác luôn thích dán mắt vào tôi, ánh mắt soi mói từ đầu tới chân. Bộ dạng như không thể tin nổi.
Đúng thế, rõ ràng chúng tôi là trạc tuổi nhau.
Bọn họ thường sẽ mặc đồng phục nữ sinh, không thì cũng xúng xính váy vóc kiểu phương Tây, cùng giày da tinh xảo, trông xinh xắn, thanh lịch biết bao.
Tôi vô cùng ngưỡng mộ, gần như phát điên vì ngưỡng mộ, ngưỡng mộ đến mức hai mắt sắp nứt toát.
Thế mà bọn họ vẫn không buông tha, cứ thích truy hỏi tới cùng: "Cô còn trẻ như vậy, chẳng phải nên đi học sao? Cớ chi muốn gả cho một ông già?"
Tôi cười khổ, còn có thể vì gì nữa. Bởi vì nghèo rớt mồng tơi.
Nhưng tôi không dám nói, tôi sợ bọn họ sẽ mở to đôi mắt ngây thơ, hỏi tại sao cô lại nghèo đến nỗi đó.
Tôi từng ngậm đắng nuốt cay, nhưng dù kể lể thế nào, thì hôm nay tôi cũng có cơm no, áo ấm.
Trong thôn chúng tôi, non nửa thôn dân đã chêt mòn trong cơn đói kém. Nghe đâu, ngoài chỗ hố chôn tập thể, xac chêt chất chồng thành đống, mặc cho lũ chó hoang đỏ ngầu mắt tranh nhau xâu xé.
Chí ít, tôi kiên cường hơn bọn họ.
4.
Thiếu gia trở về, trong phủ tưng bừng náo nhiệt.
Tối hôm đó, bà cả chuẩn bị bữa cơm thịnh soạn, Triệu lão gia còn mời một người bạn tốt ghé chơi.
Trên bàn, chủ khách nâng cốc say sưa, âm thanh ồn ã bất tận bên tai.
Vị khách quý kia họ Tào, cũng giống như Triệu lão gia, vẫn giữ kiểu tóc bím của Đại Thanh.
Tiểu thiếp không có tư cách ngồi vào bàn ăn. Tôi phải đứng bên cạnh hầu hạ, quan sát xem cốc ai cạn thì lập tức châm đầy, chén ai vơi thì gắp thêm món mới.
Lúc châm rượu cho vị Tào đại nhân kia, ông ta đã ngà ngà say, nhưng bất chợt túm lấy cổ tay tôi. Tôi giật mình hét to, làm cốc rượu ngã lăn lốc.
Đối phương vẫn không chịu buông tay, ngược lại ra sức siết chặt hơn, câu từ phảng phất hơi men: "Mười đầu ngón tay như búp măng, cổ tay nõn nà tựa củ sen, Triệu huynh, phủ của huynh còn có nha hoàn duyên dáng thế cơ à."
Tôi cố gắng vùng ra, đỏ mặt van nài: "Đại nhân xin ngài tự trọng, tôi là bà năm của Triệu phủ!"
Tào đại nhân tức thì dừng tay, nét mặt lộ vẻ bối rối.
Triệu lão gia lại tươi cười cởi mở: "Một tiểu thiếp thôi mà, lão đệ thích thì huynh tặng đệ là được rồi."
Sau đó, ông ấy lại trầm trọng: "Chỉ cần đại nghiệp của chúng ta có thể thành công, thì sá gì một người phụ nữ!"
Đêm đó, khách khứa chè chén no say, nên tạm nghỉ lại phủ một đêm. Bà cả đích thân dẫn tôi đến phòng của Tào đại nhân kia.
Tôi bị ông ta ăn sạch sẽ, sau đó ném sang một bên như ném một miếng giẻ rách.
Giữa không gian tối om, tôi rấm rứt rơi lệ, tâm trí miên man một ý nghĩ, phận tôi cũng chẳng khá hơn gái điêm là bao.
5.
Lúc họ Tào kia chuẩn bị ra về, lại không hề tỏ ý dẫn tôi theo cùng. Ông ta viện cớ trong nhà có một chính thê hung hãn, sợ tôi qua đó sẽ chịu tủi thân, dứt lời liền nghênh ngang rời đi.
Triệu lão gia cười đon đả tiễn khách ra tận cửa. Rồi ông ấy quay lại, đảo mắt thấy tôi thì lập tức đổi sắc, mắng một câu: "Tiện nhân."
Đợi Triệu lão gia khuất dạng, bà cả vội lượn lờ trước mặt tôi, chế giễu: "Nếu không phải tối qua cô lả lơi quyến rũ Tào đại nhân, thì làm gì có cớ sự này? Nhân lúc còn sớm, mau tìm sợi dây thừng treo cổ đi, ít nhất cũng lãi được cái danh trung trinh tiết liệt."
Chỉ có bà hai lẳng lặng ném cho tôi cái nhìn thương xót lẫn bất lực.
Tôi trở về phòng mình, bần thần nhìn vài tia sáng xuyên qua khung cửa sổ bé tẹo.
Tôi là loài giun dế, mà giun dế thì đời nào có tôn nghiêm, chỉ đành mặc người chi phối.
Tôi biết lão gia sẽ không giêt tôi, tôi vẫn có cơ hội sống tiếp. Nhưng sau này, ông ấy sẽ không bước chân vào phòng tôi nữa, thay vào đó, để tôi đi hầu hạ bạn bè cùng đồng liêu của ông ấy...
Và hết thảy những ai hữu ích trong mắt ông ấy, tôi đều phải giúp sức nịnh bợ lấy lòng.
Chuyện này, hệt như bà ba trước kia, bị coi như một kiện hàng, dâng lên giường của vô số người. Cuối cùng, chị ta nhảy vào hồ sen trong sân, dìm mình xuống nước sâu.
Tôi mờ mịt tự hỏi, liệu tôi có bước lên vết xe đổ đó không.
Bà hai sợ tôi nghĩ không thông, đêm đến còn gõ cửa phòng tôi hỏi han.
Bà hai tên thật là Quý Chi, chị ấy lớn hơn tôi chừng mười tuổi.
Tính ra chị ấy còn trẻ lắm, nhưng mấy năm qua đã sảy thai hai lần, sau đó lại không điều dưỡng tốt, nên giờ trông như một đoá hoa héo khô, tiều tụy.
Chị ấy rưng rưng nước mắt, vừa chải tóc cho tôi, vừa khuyên răn: "Em năm à, tuyệt đối đừng nghe mấy lời của bà cả, dù thế nào cũng đừng quẩn trí, đâu có thứ gì quan trọng hơn việc tồn tại!"
Đúng vậy, lòng tôi thầm nhủ.
Phải sống tiếp, dù là phận giun dế cũng phải sống tiếp

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.