Nếu Chỉ Là Thoáng Qua

Chương 23:




Tử Mặc không ngờ anh lại muốn đưa cô đi thăm mẹ anh, lại càng không nghĩ ngày đó sẽ đến nhanh như vậy – tối thứ Sáu, ba ngày sau Tết Nguyên tiêu. Hôm ấy tuyết rơi không nhiều, ngoài trời từng bông tuyết mỏng manh bị gió thổi bay lả tả. Anh vẻ mặt bình thản, vừa lái xe vừa hỏi: “Em muốn ăn gì?” Biết trong khoảng thời gian này tâm tình anh không được tốt nên cô nhường anh chọn: “Anh quyết định đi!” Anh không đáp lại, chiếc xe bon bon chạy giữa con đường đầy tuyết. Hai người yên lặng. Một lúc sau, xe dừng ở trước cổng bệnh viện. Giang Tu Nhân nghiêng đầu: “Anh muốn vào nhìn qua mẹ một chút!” Mấy ngày nay, ngày nào anh cũng vào bệnh viện, nhưng không hề mở miệng yêu cầu cô đi cùng. Giờ đây anh cũng chỉ nhìn cô mà không nói. Trong xe cực kỳ yên tĩnh. Cô hiểu ẩn ý trong lời anh không biết phải làm sao, chỉ quay đầu, mắt đối mắt: “Anh muốn em trả lời sao đây?” Anh cười, nhưng nụ cười không nhập vào đáy mắt: “Anh hi vọng em đi mà không cần anh phải nói!” Nếu anh đã nghĩ vậy, việc gì cô phải câu nệ? Cứ coi như đi thăm mẹ của bạn đi!
Tháo dây an toàn, cô đẩy cửa xe, xoay người. Anh cũng bước ra khỏi xe. Thang máy nhích lên từng tầng một, thỉnh thoảng lại phát ra tiếng kêu lanh canh làm người ta đứng nhấp nhổm không yên. Cô nắm chặt bàn tay phải đang đặt trong túi áo khoác, nơi đầu ngón tay tiếp xúc với lòng bàn tay nham nháp mồ hôi. Thang máy dừng tại khu bệnh chuyên biệt. Hành lang tĩnh mịch vốn vô cùng rộng rãi giờ bày đầy hoa tươi. Anh đi trước cô hai bước, thi thoảng quay đầu liếc cô một cái rồi lại quay đi. Chỉ là vài bước chân nho nhỏ nhưng cô thấy như xa cách vạn dặm. Một cô y tá đi ngang qua, cất tiếng chào: “Anh Giang, anh đã đến rồi à?” Cuối cùng họ đến trước một cửa phòng, anh dừng lại, quay đầu kéo tay cô: “Vào thôi, Mặc Mặc!” Chỉ cách một cánh cửa thôi mà như là hai thế giới, cô thấy hơi do dự, cũng có cảm giác sờ sợ. Anh nhẹ nhàng đẩy cửa, cuối cùng thì cô vẫn cùng anh bước vào.
Căn phòng rất rộng, cửa sổ và cửa ra sân thượng được phủ rèm màu cà phê, bốn phía cũng bày đầy hoa. Dưới chân là lớp thảm rất dầy, bước trên đó có cảm giác như đang đi trên mây. Qua khỏi cửa mới có thể thấy được giường bệnh. Mẹ anh đang ngồi dựa trên giường đọc sách, mái tóc được bới ra sau làm lộ vầng trán nhẵn nhụi, cặp mày thanh mảnh, chiếc mũi thanh tú, trông rất đoan trang quý phái. Trông bà không giống một người đang bệnh nặng chút nào. Thấy anh, bà cười hiền hòa, dịu dàng nói: “Cuối cùng con cũng đến…” Để ý thấy con trai còn dắt theo một cô gái nữa, câu nói của bà ngừng giữa chừng, nhưng ngay sau đó bà lại nở một nụ cười với cô. Bất giác, cô thấy nhẹ cả người. Anh vẫn cầm tay cô, gọi “Mẹ” một tiếng rồi quay sang cô giới thiệu: “Đây là Tử Mặc” Cô gật đầu: “Cháu chào bác.” Mẹ anh cười cười: “Tử Mặc, chào cháu, ngồi xuống đi!” Nét kinh ngạc lúc mới vừa thấy cô đã tan biến.
Anh ngồi với cô trên xô pha trò chuyện cùng mẹ: “Bên ngoài tuyết đang rơi mẹ ạ!” Mẹ anh nói: “Có lớn không? Mẹ cứ tưởng là con không tới chứ! Sau này gặp phải thời tiết như vậy, con không cần tới nữa. Ở đây có chuyên gia, có bác sĩ, có y tá, lại có người trông mẹ, người nào người nấy được việc hơn con nhiều!” “Vâng vâng vâng, là con vô dụng nhất!” Không tiện chen miệng vào, cô chỉ ngồi yên, thầm đánh giá tình cảm hai mẹ con anh quả thực rất tốt. Rồi bà nói: “Con đi kêu người ta pha một ấm trà lại đây. Tử Mặc, cháu muốn uống sữa hay gì nào?” “Không sao, cô ấy uống trà cũng được!” Anh đáp lại rồi đi ra ngoài. Cô biết, mẹ anh làm như vậy là có chủ ý. “Hai đứa ở biệt thự đó có được không?” Cô ngạc nhiên, ngẩng đầu, thấy mẹ anh khẽ mỉm cười nhìn mình, cũng cười đáp lại: “Dạ, rất tốt ạ.” “Tính nó như thế, cháu có chịu nổi không?” Cô chỉ cười trừ, không biết trả lời như thế nào. Bà Giang nói tiếp: “Tính nó với ba nó là từ một khuôn đúc ra, bướng không chịu nổi. Lúc trước ông ấy không cho nó ra nước ngoài học, thấy trong nước học cũng không thua kém gì, vậy mà nó vẫn quyết đi cho bằng được, giấu nhà đi thi. Lúc biết được, ông ấy nổi cơn thịnh nộ, lấy cái gạt tàn đập nó, cũng may là chỉ trúng vai. Sau đó nhốt nó vào trong phòng, cấm không cho ra ngoài, thế là nó cũng nhất quyết bỏ cơm, nửa điểm cũng không chịu thỏa hiệp.” Tưởng tượng ra cảnh đó, cô không khỏi mỉm cười. Đúng lúc này, anh mở cửa bước vào: “Hai người đang nói gì đấy?” Bà cười: “Đương nhiên là kể chuyện xấu của con hồi nhỏ rồi!” Anh trở nên hơi lúng túng: “Chuyện xấu gì? Mẹ, mẹ tha cho con đi, coi chừng mẹ hù người ta sợ chạy mất bây giờ!” Chuyện xấu hồi nhỏ của anh tính ra cũng không ít, cho nên chỉ có thể xuống nước năn nỉ mẹ.
Hai người ngồi thêm một hồi nữa rồi bà đuổi anh về. Ra khỏi bệnh viện, trông anh có vẻ rất vui, lúc lên xe cất tiếng hỏi: “Mẹ anh nói gì vậy?” Cô nhìn cảnh vật bên ngoài, đáp: “Có gì đâu!” Hồi nãy mới nói được vài câu, anh đã trở lại rồi. Thấy một nhà hàng, bụng đã đói meo, cô hỏi: “Thế chúng ta có còn cần ăn cơm không đây?” Anh bật cười: “Cần chứ, ai bảo không cần đâu!”
Thời gian trôi qua thật nhanh. Anh đang vào giai đoạn bận bù đầu với công việc, những chuyến công tác trọng yếu thì đi là không thể tránh khỏi, nhưng có thể thoái thác được thì liền thoái thác. Dù vậy, những cuộc điện thoại hàng ngày với mẹ vẫn được duy trì. Cô không hỏi nhiều về bệnh tình của bà, chỉ biết là bây giờ còn đang trong giai đoạn trị liệu bằng hóa chất. Có nhiều lúc, sự quan tâm chỉ cần giữ trong lòng, đâu nhất thiết phải biểu lộ ra bằng lời nói.
Cô bước vào phòng lấy đồ đi tắm thì thấy anh đang nói chuyện qua điện thoại với mẹ: “Mẹ, mẹ cũng biết tính con rồi đấy. Bây giờ cái gì con cũng có thể nghe ba, nhưng chuyện này thì tuyệt đối không có đường thương lượng.” Hình như có chuyện gì đó mà nghe giọng anh rất gay gắt. Anh ngẩng đầu, thấy cô vào liền ngừng lại: “Được rồi, con không nói nhiều nữa. Mai con lại qua thăm mẹ. Mẹ nhớ ăn thêm một chút gì đó đi, bác sĩ nói gần đây khẩu vị của mẹ rất kém…”
Tắm xong đi ra ngoài, thấy anh xoài người trên ghế có vẻ mỏi mệt, cô lay lay, muốn anh đi ngủ. Anh túm lấy tay cô, kéo vào lòng ôm thật chặt, ngón tay lơ đãng cuốn cuốn một lọn tóc dài, đầu tựa vào vai cô. Lúc này đây, cảm giác bất lực lan tràn mọi ngóc ngách trong thân thể anh. Hóa ra, trên đời này cũng có chuyện mà anh không có cách nào làm được. “Sao lại phải như vậy chứ?” Anh trầm giọng nói, trông thật quẫn bách. Từ trước tới nay, anh luôn luôn tràn trề sức sống, vạn sự đều thuận lợi, chưa từng thấy một Giang Tu Nhân bất lực như vậy. Lòng cô thắt lại, tùy ý anh ôm chặt mình.
Hôm nay, mẹ anh phái người đến tìm cô. Suốt dọc đường đi, dù bên ngoài tỏ ra bình thường, nhưng trong lòng vẫn nhấp nhổm không yên. Trên TV có rất nhiều cảnh gia đình nhà trai không chấp thuận người mà con mình chọn, đến gặp cô gái, đưa ra một khoản tiền với điều kiện cô phải biến mất. Chuyện đó sẽ không xảy ra với chính cô chứ? Vậy thì quá là hèn kém rồi!
Đến nơi, người đưa cô tới cung kính mở cửa, mời cô vào. Bên trong phòng vẫn bày đầy hoa tươi thuộc đủ các loài, bước chân vào có cảm giác như đang lạc vào biển hoa, chỉ khác là trong hương hoa có lẫn mùi thuốc, nhắc người ta nhớ đây là bệnh viện. Mẹ anh ngồi trên xô pha, trên bàn trà là một bình hoa mà có lẽ bà đang cắm dở trước khi cô đến. Thấy cô, bà cười tươi: “Lại đây, bác không quấy rầy cháu làm việc chứ?” Cô cười: “Dạ không!” Mặc dù mẹ anh không ngạo mạn khinh người như trên TV vẫn chiếu, nhưng cô vẫn cảm thấy không được tự nhiên. “Thư ký Lưu, thay ấm trà giúp tôi nhé!” Rất nhanh, người vận âu phục phẳng phiu vừa đưa cô tới kia đã bưng lên một ấm trà đặt trên bàn, rót ra hai chén đặt trước mặt hai người, sau đó lui ra ngoài.
“Cha của bác thích uống trà nên rất hay nói về nghệ thuật pha trà bác. Cũng là pha, nhưng nước đầu tiên là đắng, nước thứ hai ngọt, sau nước thứ ba thì đậm đà, đến nước thứ năm thì mất đi mùi vị.” Lần đầu tiên nghe nói về kinh nghiệm pha trà, tuy nghe cũng hay nhưng cô vẫn không hiểu tại sao mẹ anh lại nói những chuyện này với mình.
Bà Giang nâng chén trà lên: “Cháu uống một ngụm thử xem.” Cô làm theo lời bà, thấy quả nhiên là đắng. Bà nói tiếp: “Bác sống một đời rồi, nghiệm ra hôn nhân và tình yêu không khác với pha trà là mấy, có khi đắng, lúc ngọt ngào, lâu rồi thì sẽ chẳng còn vị gì cả.”
“Cháu đừng thấy bác thì sợ. Bác cũng chỉ là một người mẹ bình thường, biết Tu Nhân thích cháu nên muốn hiểu cháu hơn mà thôi.” Cô ngẩng đầu, thấy mẹ anh vẫn cười hiền lành, tuyệt không giống những vai ác trong phim, lạnh lùng, cao ngạo. Sao vậy kìa, có phải diễn lầm rồi không? Nếu bà cũng y như vậy, ít ra còn nằm trong dự liệu, nhưng bà lại dịu dàng, dễ gần thế này, không khỏi khiến cô bối rối.
“Cái tính ngang ngạnh của Tu Nhân cũng chỉ có cháu thu phục được thôi. Người ta nói mỗi thứ đều có khắc tinh của mình, quả là có lý. Cháu biết đấy, những năm qua nó lêu lổng bên ngoài, chúng tôi cũng không có cách nào quản được, chỉ biết nhắm một mắt mở một mắt. Nhưng nói gì thì nói, bác chưa từng gặp những người phụ nữ bên ngoài của nó bao giờ, cháu là người đầu tiên nó dẫn đến trước mặt bác đấy.” Ngạc nhiên biết anh đối với mình là hết lòng, cô thấy thật ngọt ngào.
“Trước kia nó tuổi trẻ háo thắng, được nhiều người cưng nựng nên sống rất buông thả. Về nước, làm ra tiền một cái là mua ngay chiếc xe hơi giá hai trăm vạn, ngày ngày diễu đi khắp nơi. Chuyện đến tai ba nó, thế là ông ấy tìm nó về giáo huấn cho một bữa rồi kêu thư ký xử lý xe. Nó không chịu, hai người vừa thấy mặt đã y như đấu bò, đến tận bây giờ cũng không nói chuyện đàng hoàng với nhau. Bác lần nào cũng phải làm người hòa giải.”
Thấy chén trà của bà đã cạn, cô bưng ấm lên châm lại cho đầy. Mẹ anh đón lấy, uống vài hớp rồi nhìn cô: “Bây giờ, nó đã đằm tính hơn xưa nhiều, sự nghiệp cũng khá. Người ta cứ nói nó thành công là dựa vào cha, nhưng thật sự thì có tiếng mà không có miếng. Tính ông ấy như vậy, đời nào nhúng tay giúp nó, mỗi lần gặp không giảng cho nó một bài đã là tốt lắm rồi.”
Cô không tiện cắt ngang, chỉ yên vị làm người nghe. “Bác biết cháu với nó qua lại cũng được hai năm rồi, chưa có ai bên nó được lâu như vậy. Nếu cháu nghĩ bác không có tư tưởng phong kiến thì cháu lầm to. Bác chỉ có mỗi một mụn con, cho nên chỉ muốn nó được vui vẻ. Vả lại với tính nó, muốn ép cái đầu cứng như bò của nó xuống gặm cỏ còn khó hơn làm nước sông Hoàng chảy ngược. Qua trận bệnh này, bác cũng nghĩ thông rồi. Chuyện đời vô thường, chỉ cần Tu Nhân chọn cháu, bác cũng sẽ không phản đối.”
Trời đất! Sao lại như thế này? Có phải cô quá cực đoan rồi hay không, coi cha mẹ của ai cũng như cha mẹ Tôn Bình Hoa? Tử Mặc không thể nói được gì nữa.
“Cháu thì sao? Cháu đối với Tu Nhân thế nào? Có yêu nó không?” Đây là lời của một bà mẹ đang hỏi người yêu của con bà sao? Cô trầm ngâm giây lát, hít một hơi sâu rồi ngẩng đầu nhìn bà, ánh mắt trong veo: “Cháu cũng không biết, cháu chỉ biết bây giờ cháu yêu anh ấy, muốn được bên anh ấy. Cháu sẽ yêu anh ấy đến ngày nào không còn có thể yêu anh ấy được mới thôi!”
Như thế là đã đủ, không phải sao? Nếu cứ mở miệng ra là nói trọn đời trọn kiếp thì thật giả dối, bởi ai có thể biết được chuyện ngày sau. Nhưng cứ theo thực lòng mình, yêu cho đến khi mọi chuyện thay đổi, đến khi không còn có thể yêu nữa, thì đó cũng đủ rồi. Mà mọi thứ rất có thể thay đổi trong thời gian ngắn, một năm hai năm, nhưng cũng có thể là cả đời, đến tận khi nhắm mắt xuôi tay.
Mẹ anh cười. Tuy thư ký đã điều tra về cô vô cùng tường tận, nhưng bà phát hiện chỉ cần nhìn vào mắt cô sẽ hiểu cô là người như thế nào. Một người có đôi mắt trong veo như nước, không chút giả dối như thế nhất định là có một tâm hồn trong sáng. Có thể nghèo về vật chất đấy, nhưng nội tâm thì chắc chắn sẽ khác. Nếu không thì sao “thằng con chẳng ra gì” theo như lời của chồng bà lại có thể vì cô mà dừng bước, quyến luyến cho đến tận bây giờ, thậm chí còn cắm đầu vào chứ? Nghĩ đến ông chồng cố chấp, bà thở dài. Cứ luôn miệng mắng con là đầu bò, lại chẳng biết cái tính bưởng bỉnh của nó hoàn toàn là do di truyền từ chính mình mà ra!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.