Ngõ Nhỏ Có Người Đang Đợi

Chương 29:




35.
Ngày hôm sau khi thức dậy, bên người trống không, tim tôi thắt lại. Vội vã loạng choạng xuống lầu, khi ở cầu thang nghe được tiếng nói quen thuộc, tôi mới chậm rãi dừng bước.
“Anh, rốt cuộc đám người đó lại xuất hiện. Lô bị bắt trước đó cũng của bọn chúng.”
Cảnh sát Tiểu Phó ngồi trên sô pha, áo quần nhàu nhĩ, vẻ phong trần mệt mỏi. Chu Hải Yến ngồi đối diện, mặt nghiêm nghị.
Ngay khi nghe tiếng bước chân tôi, tiếng nói ngưng lại.
Cảnh sát Tiểu Phó nói sang chuyện khác.
“A, em gái dậy rồi? Thi đại học đúng là mệt cực, em cần nghỉ ngơi thêm mấy ngày. Ủa mà dì đâu? Ra ngoài mua đồ ăn hả?”
Nghĩ tới gì đó, anh ấy cau mày, tức tối.
“Mấy người trong hẻm này độc mồm độc miệng quá, đồn đại không có giới hạn, nói với anh là dì…” dường như lời này quá xui xẻo, anh không nói tiếp.
Phòng khách im lặng.
Cảnh sát Tiểu Phó nhìn tôi, rồi nhìn người đối diện, khó hiểu: “Sao hai người không nói tiếng nào?”
“Là thật.” giọng Chu Hải Yến bình tĩnh.
Anh ấy sững sờ vài giây, vẻ mặt cứng lại, không tin nổi. “Không, mấy người đùa gì vậy? Một người đang yên lành vậy, tao mới ra ngoài có mấy ngày thôi. Dù gì tao cũng không tin, có phải dì không muốn gặp tao không? Tao đi là được chứ gì, da mặt tao dày, chờ dì hết giận thì tao qua lại không được sao?”
Nói rồi mũi chua xót, tầm mắt mơ hồ, anh giơ tay xách chiếc áo khoác phía sau mặc vào, tay run rẩy kéo khóa mấy lần vẫn không kéo lên được.
“Mẹ nhờ tôi xin lỗi cậu, không phải bà cố ý giận cá chém thớt với cậu.” Chu Hải Yến nói.
“Đừng nói nữa! Tôi không tin!” Giọng anh ấy khàn đặc.
Cảnh sát Tiểu Phó không muốn chấp nhận sự thật này, anh lựa chọn trốn tránh, kéo khóa không được thì quay người chạy ra khỏi cửa.
Tôi hiểu tâm trạng của anh ấy. Suy cho cùng, chúng tôi giống nhau, anh không cha không mẹ, tôi có cũng như không. Mấy năm nay, mẹ Chu đối xử tốt với anh, anh đều biết, tuy không nói ra nhưng trong lòng anh xem bà như mẹ.
Nhưng cuộc đời là thế, cái gì sợ, cái gì đến, cái gì mong đợi, đều chẳng có.
Giống như ban nãy nghe họ trò chuyện đôi câu, mặc dù không hiểu họ nói gì nhưng trong lòng tôi có cảm giác bất an lo lắng khó hiểu.
Cảm giác bất an mơ hồ này được chứng thực sau mấy ngày Chu Hải Yến đi sớm về khuya.
Anh trở nên rất bận, tiệm xăm cũng không mở cửa.
Đôi mắt đen nhánh ngày càng sâu thẳm, thỉnh thoảng lướt qua thậm chí sẽ thấy khiếp sợ vì sự lạnh lùng kinh người.
Dường như mẹ đi rồi thì anh thay đổi thành một người khác, theo thân dây leo trói buộc anh rời đi, máu nóng dần lộ rõ sau lớp vỏ dịu dàng che giấu, móng vuốt răng nanh sắc nhọn từ từ vươn ra, sự cuồng dã trong người không thể áp chế được.
Khoảng cách giữa chúng tôi dường như ngày càng xa.
Anh đã nói sẽ không đi.
Nhưng hình như anh muốn nuốt lời.
36.
Tối nay, tôi ngồi trên sô pha đợi anh, chờ đến khi tiếng xe quen thuộc từ xa đến gần. Xe ngừng trong sân, người lại không xuống ngay.
Tôi đi ra cửa, thấy người đàn ông bắt chéo đôi chân dài dựa vào thùng xe, tay kẹp điếu thuốc lá, đường cong sườn mặt sắc bén rõ nét, hàng mi đen dài rủ xuống, gương mặt nặng nề chìm dần trong làn khói.
Ánh sáng bên cạnh bị che khuất. Thấy tôi đến, anh dẫm tắt thuốc, cảm xúc trong đáy mắt tan đi, mắt hiện ánh sáng ôn hòa. “Sao còn chưa ngủ?”
“Em đợi anh.”
Tôi đến gần anh, dùng ngón út chạm đầu ngón út lạnh giá của bàn tay phải anh, móc nhẹ rồi vờ thản nhiên kéo anh đi về phía trước.
Giây sau, bàn tay to mạnh mẽ tách các ngón tay tôi ra, nắm ngược lại, mười ngón giao nhau. Giọng anh mang ý cười, “Đi thôi.”
Tôi lặng lẽ bình ổn nhịp thở, kiềm nén nhịp tim dồn dập, nhưng âm thầm tăng thêm lực trên tay.
Chúng tôi nắm tay như vậy, nhìn anh đóng cửa bằng một tay, đi lên lầu, cuối cùng vào phòng ngủ lấy áo ngủ. Khi mở ngăn kéo, anh ho nhẹ. Tôi quay đi nhắm mắt lại, ra hiệu: “Anh lấy đồ của anh đi, em không thèm nhìn.”
Ngăn kéo mở ra rồi đóng lại nhanh chóng.
Đi theo anh đến cửa nhà tắm tôi vẫn không chịu buông tay. Không biết vì sao mà như phải cảm nhận nhiệt độ cơ thể của nhau thì sự bồn chồn trong tim mới có thể yên ổn.
Anh cúi mắt nhìn tôi, ám chỉ ẩn ý: “Anh muốn đi tắm.”
Tôi ừ.
Anh nhướng mày, nhấn mạnh: “Không phải rửa mặt, mà là tắm.”
Tôi đúng lý hợp tình, “Em biết.”
Anh giơ hai bàn tay đang nắm chặt giơ lên lắc lắc, mắt hiện rõ “Biết còn không thả tay ra.”
“Em bịt mắt không nhìn được chưa?”
“Không được.” Anh lạnh lùng liếc tôi.
“Vậy anh không đóng cửa được không?”
“… Không được.” Anh đỏ mặt.
Mí mắt tôi run run, đột nhiên ngẩng lên đề nghị: “Hay tối nay anh đừng tắm?”
Anh ngạc nhiên nhìn tôi với vẻ khó tả. “Không được.”
Cuối cùng, tôi cố chấp ngồi xổm trước cửa phòng tắm đóng chặt, cửa kính mờ, bên ngoài không nhìn thấy gì, bên trong cũng không thấy bên ngoài. Trừ khi dán sát mặt vào mới có thể nhìn thấy mờ mờ hình dạng người bên trong.
Tôi quay lưng về nhà tắm, bàn tay dán lên cửa. Thỉnh thoảng hỏi, “Có thấy em không?”
“… Thấy.”
Lát sau. Lại hỏi, “Có thấy em không?”
“…Thấy.”
Lại lát sau.
Anh: “Thấy, vẫn luôn thấy.”
Tôi: “…”
Anh tắm rất nhanh rồi bước ra. Ăn mặc kín mít, mái tóc đen còn nhỏ nước, nước chảy dọc từ cằm xuống xương quai xanh.
Anh kéo tôi khỏi đất, nhướng mắt. “Tối nay em giống y biến thái.”
Tôi đuối lý không phản bác, đi theo anh vào phòng ngủ, dự định chứng thực tội danh.
Chúng tôi đã ngủ cùng rất nhiều lần, đa số ở phòng tôi, tôi lôi kéo không cho anh đi. Khác với phòng tôi, phòng anh chỉ có màu đen trắng xám đơn giản.
Tôi tự leo lên giường anh, nằm bên cạnh anh, yên lặng nắm chặt tay anh.
Anh ngẫm nghĩ gì đó, nói: “Tối nay em sao vậy?”
Tôi cắn cắn môi, không đáp, mân mê ngón tay anh.
Ngay khi anh nghĩ tôi không trả lời, tôi bỗng mở miệng: “Có phải anh phải đi không?”
Thời gian như dừng lại. Mỗi giây anh do dự đối với tôi không khác gì chờ đợi trước giờ hành quyết.
Giọng anh nghèn nghẹn, “Anh…”
“Anh muốn đi làm cảnh sát sao? Em biết, em biết anh là cảnh sát, giống anh Tiểu Phó vậy. Anh định đi tới thành phố khác sao? Anh dẫn em theo có được không? Anh đi thành phố nào thì em đăng ký học ở thành phố đó, điểm của em có thể xin được. Em sẽ ngoan ngoãn, nghe lời, em rất thông minh, trưởng thành rồi, đến lúc đó có thể làm thêm kiến tiền, em sẽ không liên lụy anh.”
Tôi nói hết mọi khả năng mà mình có thể nghĩ ra, càng nói càng lộn xộn.
“À phải rồi, quên nói với anh, em muốn học pháp y. Sau này tốt nghiệp sẽ có cơ hội làm việc cùng anh, chúng ta cùng làm việc, sẽ ở cùng nhau, biết đâu em có thể giúp anh phá án như trong phim vậy. Em sẽ không làm phiền anh, em hứa sẽ rất ngoan ngoãn nghe lời. Chu Hải Yến, anh dẫn em theo được không?”
Câu cuối cùng không kiềm được mà khóc nức nở.
“Thanh Thanh chúng ta thông minh, hiểu chuyện quá.” Anh thở dài, cúi đầu ôm mặt rôi, run run hôn khóe mắt tôi.
Hai vầng trán áp vào nhau, gối ướt đẫm, khó phân rõ là của ai.
Nỗi bất an trong lòng càng mãnh liệt, tôi bấu những đầu ngón tay mình đến trắng bệch.
Anh ngẩng lên vỗ nhẹ lưng tôi như dỗ dành đứa trẻ, giọng anh như nghẹn trong cổ, cố gắng trêu đùa: “Sau này khóc ít thôi, tuổi còn nhỏ mà mắt khóc tới hỏng rồi.”
Nước mắt đã ngừng nhưng vẫn còn rơi trong lòng. Tôi thậm chí không biết tiếng anh trai giữ được anh, hay là tiếng gọi Chu Hải Yến sẽ giữ được anh, hay là cả hai đều không giữ được.
Anh bỗng hỏi: “Em muốn nghe chuyện của ba mẹ anh không?”
Không để tôi đáp, anh tự kể:
“Thật ra cuộc đời mẹ rất khổ. Bà là con thứ hai trong nhà, trên có một người anh hơn bà 4 tuổi, dưới có đứa em trai nhỏ hơn bà 10 tuổi. Gia đình trọng nam khinh nữ, mẹ cáng đáng hết việc nhà, ngay cả chăm sóc em cũng là bà.
Nhà ông bà không muốn cho mẹ đi học. Mấy năm khôi phục thi đại học, nhà nước tập trung vào giáo dục, mỗi ngày mẹ mang theo cái sọt nhỏ cắt cỏ cho heo ở cạnh trường, vừa cắt vừa nhìn lén, nghe lén bên cửa sổ. Thầy cô phát hiện cũng không đuổi mẹ đi, từ 6 tuổi tới 8 tuổi, mẹ nhờ thông minh mà tự học. Thời điểm đó một chương trình học vài năm, vì vậy sao đó giáo viên phá lệ cho bà một quyển sách học.
Mẹ học cũng không bỏ bê việc nhà, hơn nữa thầy cô còn đến nhà thuyết phục ông bà, cho mẹ đi học không cần bỏ tiền, mà thời đó người làm công tác văn hóa rất được tôn trọng, thế nên mẹ được đi học.
Năm mẹ thi đại học là năm 1989, phía nam sông Dương tử lũ lụt, đồng ruộng bị tàn phá, hoa màu mất sạch sau một đêm, anh trai bà cũng không có tiền cưới vợ. Họ bèn bàn tính bán mẹ cho ông già trưởng thôn làm vợ. Bà dù đánh chết cũng không chịu, khóc lóc cầu xin họ, bà nói mình chắc chắn có thể vào đại học, đến lúc đó sẽ có thể kiếm nhiều tiền cho anh trai cưới vợ. Thế nhưng họ không nghe.
Sau đó mẹ bỏ trốn, trên người không có tiền, cứ chạy suốt đêm đến ga tàu hỏa. Nhà ga có người hát rong, có ăn xin. Mẹ da mặt mỏng, xương sống lại cứng, không muốn làm ăn xin, bà nhảy múa ở đó. Bà học được một điệu nhảy duy nhất từ cô giáo trong trường. Nhưng không ai để ý đến bà, nhảy suốt một ngày, bà muốn mua nước uống cũng không có tiền. Thấy chuyến tàu cuối cùng sắp rời ga, bà cuống cuồng.
Lúc này một người đàn ông mặc quân phục xuất hiện. Ông ấy khen mẹ múa đẹp, rồi hỏi mẹ đi đâu. Ông xem màn múa này nên có thể mua cho mẹ một vé tàu. Mẹ không biết đi đâu nên hỏi ông đang đi đâu, rồi giả vờ như cùng đường với ông.
Năm đó ba anh mới xuất ngũ về, 23 tuổi, lớn hơn mẹ chừng 5 tuổi nhưng mẹ anh lại rất thích đọc sách. Ông đi nhiều, mẹ đọc nhiều, trên tàu hai người trò chuyện rất vui vẻ, càng trò chuyện càng cảm thấy như gặp tri kỷ, thế nên khi xuống tàu phát hiện mẹ lừa mình, ông cũng chỉ khen mẹ thông minh, một người gan dạ một người tốt bụng, một người dám giữ một người dám đi theo.
Hai người cùng vào nhà máy, cùng dựng quán bán hàng, còn nhặt phế liệu. Dần dà hai người cùng nhìn nhau vừa mắt, tính chuyện kết hôn. Nhưng không có hộ khẩu, mẹ đề nghị hay là cứ chung sống như vợ chồng đi, ba nói sao cũng không chịu. Ông dồn hết tiền dành dụm bao năm qua đi về quê mẹ, đổi lấy hộ khẩu của mẹ, cũng mua đứt quan hệ của mẹ với gia đình từ đó.
Hai người đường hoàng kết hôn, tổ chức một đám cưới đơn giản. Sau khi cưới, có thời gian ba làm tài xế taxi, mẹ làm giáo viên tiểu học ở nông thôn. Cuộc sống tuy cực khổ nhưng ngọt ngào.
Đến lúc sinh anh ra, ba anh thành cảnh sát, mẹ ở nhà vừa chăm con vừa mua bán vặt vãnh. Tuy cuộc sống không quá tốt nhưng mỗi tháng có nguồn thu nhập ổn định. Lúc mẹ sinh anh bị khó sinh, một người đàn ông to cao như ba anh mà nghe tiếng mẹ hét đau đớn thì xông thẳng vào phòng sinh, bác sĩ cản cũng không kịp. Ông nắm tay mẹ, quay lại hét với bác sĩ, giữ người lớn giữ người lớn, bỏ đứa bé. Bác sĩ nói đứa bé khỏe mạnh, không thể bỏ được.”
Giọng Chu Hải Yến hài hước, tôi còn hoen nước mắt mà vẫn phải bật cười. Anh xoa đầu tôi, tiếp tục.
“Sau này mẹ con đều bình an. Ba chăm sóc mẹ ở cữ vừa xong thì đi buộc ga-rô, nói không bao giờ sinh con nữa.
Nhà anh là điển hình mẹ hiền cha nghiêm. Lúc nhỏ chỉ cần anh chọc mẹ giận là ba anh tan ca về bảo đảm sẽ đập anh một trận. Nhưng thật ra họ đều rất thương anh. Từ nhỏ anh đã thấy ba rất ngầu, cực kỳ sùng bái ông, mỗi lần nghe ông bắt người xấu đều cảm thấy ba là một anh hùng.
Ba ở ngoài hung dữ đến đâu thì về nhà tốt với mẹ bấy nhiêu. Nhà của anh luôn luôn là mẹ quản lý tiền bạc, ba nói đơn vị bao ăn, mình không cần tiêu tiền. Chỉ cần ba ở nhà là mọi việc nhà ông làm hết, từ nhỏ ông dạy anh, đàn ông trong mắt có công việc thì trong lòng mới có nhà. Ông sẽ rửa chân cho mẹ, sẽ bóp vai cho mẹ, biết mẹ thích hoa quế thì ông trồng trong sân một cây.
Nếu nói điểm không tốt thì ba không bao giờ tham dự những cuộc họp phụ huynh của anh. Anh lấy họ mẹ, cột thông tin về ba luôn bỏ trống. Ông cũng không bao giờ chụp ảnh, thậm chí năm đó vì nghèo nên ba mẹ không có một tấm ảnh cưới.
Sau này ba càng bận, có lúc nửa năm không về nhà một lần. Những hàng xóm láng giường luôn chế nhạo ba có người khác. Hỏi ba làm việc gì, ông cũng không nói. Khi anh gần như đã thất vọng về ba, mẹ vẫn tin ba không làm gì có lỗi với mẹ.
Mãi đến khi ba anh bị bắn được đưa về, mẹ con anh mới mơ hồ nhận ra có thể công việc ông không bình thường. Ba ở nhà dưỡng thương nửa năm, ông cũng không nói rõ với anh là ông đang làm gì, chỉ hướng dẫn anh biết sự khác biệt giữa hoa Anh túc và hoa Poppy, bảo anh cả đời phải ghi nhớ sự xuất hiện của cây độc, thấy là phải tiêu hủy.
Lúc đó anh hiểu ông đang làm gì. Anh hỏi ông có đáng giá không, ông nói, việc người khác không muốn làm cũng phải có người làm. Anh chịu ảnh hưởng chủ nghĩa anh hùng của ba, nộp đơn vào đại học cảnh sát, muốn đi theo con đường của ông, làm một người mạnh mẽ giỏi giang.
Sau khi bình phục, ông lại bận rộn không về nhà. Lần cuối khi ông đi, ông hứa với mẹ, ông sẽ về mừng sinh nhật mẹ. Chỉ tiếc sinh nhật năm 2012 của mẹ đó, chờ không được ba còn sống về mà là lãnh đạo đơn vị ôm hủ tro cốt và lá cờ thưởng hạng nhất của ba.
Trong chiến dịch truy bắt tập đoàn buôn bán ma túy ở biên giới, ba vật lộn với một kẻ buôn ma túy liều mạng, ông c/h/ế/t vì lựu đạn nổ. Theo đồng đội ông nói, ngực ba bị nổ thành than tổ ong, tay chân bụng đều không còn.
Sau lần hành động đó, những kẻ buôn bán ma túy lẩn trốn. Vì sợ người nhà bị trả thù nên ba anh mất mà không có lễ tang, không thể có bia mộ, thậm chí Thanh minh cũng không thể đi tảo mộ.
Từ đó tinh thần mẹ sa sút, thậm chí bà bị ám ảnh bởi nghề nghiệp này, rất lo lắng cho sự an toàn của anh. Bà van xin anh đừng đi theo con đường của ba nên khi tốt nghiệp đại học, chưa đầy nửa năm sau anh đưa mẹ dọn đến đây, bắt đầu lại từ đầu.
Phó Viễn là người anh em tốt nhất của anh ở trường đại học, chuyện ba anh hy sinh, cậu ấy cũng đoán được ít nhiều.
Chuyện sau đó thì em cũng đã biết.”
Trái tim như bị một bàn tay vô hình bóp chặt, không thể hít thở. Tôi chưa từng nghĩ tới câu chuyện xưa lại thê thảm và bi đát như vậy.
Thảo nào tôi chưa bao giờ thấy mẹ tổ chức sinh nhật; thảo nào chưa từng thấy bà đi tảo mộ; thảo nào mỗi ngày 5 hàng tháng bà sẽ đau khổ như vậy, đó vốn phải là ngày vui vẻ hạnh phúc nhất mà lại gánh chịu một kết quả không thể chấp nhận nổi.
Khi bà bị ba tôi mắng chồng bà là con ma đoản mệnh, đáng chết sớm, trong lòng khó chịu biết bao.
Chú hy sinh năm 46 tuổi, cho nên dì cũng tự sát năm 46 tuổi, không muốn sống thêm một ngày nào nữa.
Đối với bà mà nói, sự ra đi của chồng không phải là một cơn mưa rào mà là khoảng thời gian ẩm ướt dài đằng đẵng trong suốt phần đời còn lại của bà.
Những gì anh nói với cảnh sát Tiểu Phó mấy hôm trước mà tôi không hiểu đột nhiên rõ ràng.
Người trước ngã xuống, người sau tiến lên.
Anh cũng đi lên con đường của chú, trở thành một cảnh sát chống ma túy.
Lời can ngăn không nói thành lời, không có lập trường cũng không có lý do để nói.
Không ai có thể tha thứ thay cho ai, không ai có thể ngăn cản người đi xa.
Có người trong máu có gió, cả đời đã định phải chạy tới. Mà chỉ cần chạy về phía trước, nhất định sẽ có người bên người tụt lại phía sau.
Tôi từng đọc một câu trong sách:
Nếu bạn khát vọng một điều gì đó, hãy làm cho nó được tự do, nếu nó quay trở lại bên cạnh bạn, tức là nó thuộc về bạn, nếu nó không quay lại, vậy thì bạn chưa bao giờ có được nó.
Người cũng vậy, tình yêu cũng vậy.
Tôi lau nước mắt trên mặt, hỏi bằng giọng bình tĩnh nhất có thể: “Chu Hải Yến, khi nào thì anh đi?”
“Không biết, có lẽ là ngày mai, có lẽ là ngày kia.”
“Phải đi bao lâu? Chúng ta còn gặp lại không?”
Anh im lặng nhìn tôi, không nói lời nào.
Tôi gắng gượng hết sức để không khóc, “Em sẽ đợi anh, đợi anh trở về.”
Hốc mắt anh dần đỏ lên. Anh nói: “Nếu vĩnh viễn cũng không đợi được thì sao?”
Tôi nghiêm túc nói: “Không, trời sẽ không tàn nhẫn như vậy, em tin rằng anh sẽ trở về.”
Anh nói, “Được, anh sẽ trở về.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.