Ngõ Nhỏ Có Người Đang Đợi

Chương 6:




7.
Mơ mơ màng màng. Dường như ngủ rất lâu.
Xung quanh có mùi thuốc sát trùng. Khóe môi mát lạnh, hình như không còn sưng lên.
Tay phải có lòng bàn tay nhẹ nhàng nắm lấy, có vài phần thương xót.
Bên tai là tiếng chuyện trò khe khẽ của người đàn ông và phụ nữ.
“Thằng nhóc chết tiệt, con bé ngất xỉu có hơn một nửa là do bị con dọa.” Giọng trách móc.
“Con còn oan hơn Thị Kính nữa đó.” Tiếng lười nhác của người đàn ông.
“Oan gì mà oan hả? Bác sĩ mới nói đó, sốt cao, cảm xúc kích động, suy dinh dưỡng lâu ngày, hạ đường huyết, con dám nói hai cái trước không liên quan tới con hả? Người sốt nóng đến muốn chín, con còn ở đó nói đông nói tây.” Giọng người phụ nữ đang nhẹ nhàng bỗng cao lên một quãng tám.
Có vẻ như giận quá, lòng bàn tay giật giật, người phụ nữ đứng dậy đấm cho người đàn ông một đấm.
“Uiii daaa.” Người đàn ông rên lên như đau đớn.
Hơi thở quen thuộc lại đến gần, bàn tay phải tôi lại được giữ chặt trong cảm giác ấm áp.
“Con không biết lúc mẹ thay áo bệnh nhân cho con bé, người gầy nhom, toàn thân đầy những vết bầm xanh xanh tím tím, không một khoảng thịt da nào lành lặn.” Tiếng nói bên tai ngừng lại, nghẹn ngào, “Con bé nhỏ vầy đã chịu khổ bao lâu rồi.”
Giọng nói lười nhác của người đàn ông chợt thu lại, mang theo vẻ sắc bén. “Mẹ nó, Đường Thế Quốc đúng là lão súc sinh, con gái ruột mà xuống tay tàn nhẫn như vậy. Biết trước thế này hôm đó nên đánh c/h/ế/t lão.”
“Chu Hải Yến! Con không yên ổn được hả?”
Tựa như chạm vào vùng cấm của cả hai, hai người im lặng đối đầu. Trong nhất thời, phòng bệnh quá sức yên tĩnh. Nước thuốc lạnh lẽo truyền dần theo kim qua mu bàn tay phải, dần dần đi vào cơ thể.
Hóa ra anh tên Chu Hải Yến.
Trong mơ màng, tôi nghĩ đến một từ:
Sông trong biển lặng*.
(Chú thích: 河清海晏 là tên của hai nhân vật chính Hà Thanh - Hải Yến, đồng thời là một câu thành ngữ Trung Quốc. (Hoàng) Hà = sông; Thanh = trong veo/trong vắt; Hải = Biển; Yến = trời trong/trời trong không một gợn mây gọi là yến. Nước sông Hoàng Hà trong vắt, biển lặng sóng. Đó là một phép ẩn dụ cho hòa bình trên thế gian.
Theo Baidu https://baike.baidu.com/.../%E6%B2%B3%E6%B8%85%E6.../4425977
“Hà thanh hải yến, thì hòa tuế phong, quốc thái dân an.” (Chú thích: Sông trong biển lặng, mùa màng sung túc, đất nước thái bình dân tình an ổn.)
Cô Lý từng khen tên tôi rất hay.
Chu Hải Yến, tên anh cũng rất hay.
Ba mẹ anh chắc hẳn rất yêu anh.
Ngày tôi sinh, mẹ nói ba đặt tên cho tôi, ông ta không kiên nhẫn, tiện tay chỉ dòng sông nhỏ bên bờ ruộng, nói nước rất trong, vậy thì gọi là Đường Hà Thanh. Thế là mẹ tôi đồng ý.
Mãi đến khi gặp được cô Lý, nghe cô giải thích tôi mới biết rằng cỏ dại cũng có thể nở hoa.
Tiếng nói bên tai dần mơ hồ. Dưới tác dụng của thuốc, tôi lại ngủ thiếp đi.
Khi thức dậy lần nữa đã là buổi chiều.
“Người nhà ấn ở đây một lúc, đừng để chảy máu.” Chai dịch truyền cuối cùng đã hết. Y tá rút kim xong, dặn người đàn ông đứng bên cạnh.
Chu Hải Yến kéo cái ghế đẩu ngồi xuống, ngón tay thô ráp ấn lên lớp băng dính trên mu bàn tay tôi.
Lực không mạnh không nhẹ.
Tôi giơ tay ra rồi rụt lại, muốn nói tự mình làm. Vừa mở miệng, cổ họng khô khốc đắng nghét, giọng khàn như vịt kêu.
Anh đè tay tôi lại, lấy chiếc ly giấy trên bàn cạnh giường đưa tôi. “Em nghỉ ngơi đi, giọng như bị pháo nổ.”
“…”
Không thể phản bác. Tôi dùng tay trái nhận lấy. Nhấp một hớp, nước vừa ấm, ngòn ngọt.
Là nước đường.
Tôi chớp chớp mắt, ngậm nước đường trong miệng một lúc rồi mới nuốt xuống.
Trong phòng chỉ có tôi và anh ấy, không biết phải nói gì. Tôi đành cúi đầu nhấp hết ngụm nước này đến ngụm khác.
Lát sau. Người đàn ông thấy thời gian tương đối, thả tay ra. “Lát nữa đưa em đi chụp phim kiểm tra tai.”
Tôi nhìn lên, lắc đầu theo bản năng.
Không cần.
Số tiền tiết kiệm trong con heo đất kia cố gắng lắm mới có thể trả nổi chi phí truyền dịch. Còn kiểm tra kia, quá đắt, tôi không trả nổi.
Giọng nói tôi lào khào nói cả buổi, hai người mắt to trừng mắt nhỏ, không hiểu.
Lúc này tôi nhớ ra, dùng tay diễn tả bằng ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ môi của người câm điếc, sợ anh không hiểu.
Kết quả là anh nghĩ thật lâu, nhíu mày: “Không phải chứ, em diễn kịch câm à? Ơ ơ a a, không hiểu.”
Tôi sốt ruột. Giơ ngón trỏ và ngón cái xoa xoa vào nhau, chỉ chỉ bản thân, xua xua tay, lại chỉ về anh.
Vầy là rõ ràng rồi chứ, tôi nói tôi không có tiền trả anh. Thấy anh có vẻ bừng tỉnh, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Anh: “Em nói muốn tặng mình cho tôi? Sau đó không muốn cho nữa?”
Tôi nghẹn. luồng hơi giữ trong ngực không thể thở ra hay nuốt xuống.
Lý giải này hơi quá đáng.
“Được rồi được rồi, thằng nhóc con đừng trêu trẻ con nữa.”
Cửa mở ra, giọng phụ nữ quen thuộc bước vào.
Mẹ Chu Hải Yến.
Sáng nay vội vàng không kịp nhìn, giờ đã có thể thấy rõ ràng. Gương mặt hai người rất giống nhau nhưng nét của bà dịu dàng, mềm mại, không như Chu Hải Yến, hung dữ.
Bà giận dỗi đẩy Chu Hải Yến ra khỏi ghế.
Trêu tôi?
Tôi nhân cơ hội lén nhìn anh xác nhận.
Người đàn ông ngoảnh mặt đi, sờ sờ mũi.
“…”
Thật là…
Dì Chu đặt cà mèn trên tay xuống bàn mở ra. Mùi cháo thơm tỏa khắp phòng.
Bà sờ trán tôi, cười nói: “Nào, mới hạ sốt nên ăn thanh đạm chút, khỏe lại thì mình ăn thịt cá.”
Tôi nhìn nồi cháo trắng mềm thơm trước mặt, vừa nuốt nước miếng vừa lắc đầu xin lỗi. Tôi không có gì để đền đáp họ. Những thứ tôi sở hữu quá ít ỏi.
“Cả ngày không ăn sao mà được? Ngoan nào.”
Tôi cúi đầu, mân mê tay không nói.
Bà thở dài. Quay đầu đập tay vào lưng Chu Hải Yến. Tiếng vang lớn đến tôi kinh ngạc.
“Đều tại thằng nhóc con đó, con bé chắc chắn là bị con dọa rồi.”
“…”
Chu Hải Yến không nói nên lời. “Phải phải phải, tại con tại con. Người con muốn đội nồi gì cũng được, có thể dùng xào rau nữa.” (Đội nồi: Kiểu như chụp mũ, đổ oan, đổ thừa.)
“Con bé không ăn cháo, con làm sao thì làm.”
Dì Chu bĩu môi ra hiệu cho tôi. “Thanh Thanh, dì đánh nó.”
Chu Hải Yến tặc lưỡi. Bưng chén lên, lấy muỗng khuấy khuấy, cúi người xuống gần. Trong ánh mắt sắc bén có vài ý năn nỉ.
“Bà cô nhỏ à, chúng ta không thù không oán mà em hại tôi bị đánh hai lần, em cảm thấy vừa ý chưa?”
“…” Tôi không kiềm được bật cười thành tiếng. Nhận chén ăn từng muỗng một.
“Ăn từ từ thôi, không gấp.”
Chắc vì cháo quá nóng, nóng đến mức mắt tôi nóng ran. Nước mắt trượt dài từ má xuống miệng, mặn chát, tôi cố kìm lại mà không được.
Sao tôi không hiểu lòng họ. Hàng xóm nhà tôi dỗ đứa bé 4 tuổi ăn cơm cũng vậy.
Nhưng tôi đã không còn là một đứa trẻ. Mà cho dù khi còn là đứa bé, mẹ cũng không dỗ dành tôi ăn cơm như thế.
Ba tôi ghét con gái, không cho tôi ngồi ăn cơm cùng bàn, vì vậy trước giờ luôn là tôi lấy một ít thức ăn, ăn một mình trong góc.
Nếu gắp hai miếng thịt, đũa của ông ta sẽ đánh vào tay tôi, nói tôi tham ăn, ích kỷ.
Nếu bới cơm đầy bát, bàn tay ông ta sẽ đập lên mặt tôi, nói tôi ham ăn biếng làm.
Mỗi lần ăn cơm tôi đều ăn ngấu nghiến, sợ ăn chậm thì giây tiếp theo bát sẽ bị ba tôi ném rớt không còn mà ăn.
Trước kia mẹ còn từng khen tôi với hàng xóm rằng từ bé tôi đã không khiến người khác lo lắng về việc ăn uống, ăn như con heo con vậy.
Bà ấy, trước giờ chỉ nhìn thấy những việc bà muốn thấy.
Nước mắt như sợi dây chuỗi bị đứt, rơi ào ạt xuống. Sợ bị hai người phát hiện, tôi cúi đầu, gần như chôn đầu vào bát cháo.
Trước kia tôi thật sự không thích khóc.
Người thanh niên nắm một túi khăn giấy nhưng lại không dám đưa. Anh nuốt nước bọt, giọng căng thẳng.
“Mẹ, lần này hình như là vì cháo mẹ nấu không ngon.”
“…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.