Nhà Có Bé Ngoan

Chương 46:




Thời niên thiếu của Lâm Du chính thức kết thúc cùng bước chân tiến vào cổng trường đại học của Văn Chu Nghiêu. Nửa năm sau, từ một cửa hàng đồ gia dụng bình thường, Ý Linh Lung cũng khai trương chi nhánh đầu tiên. Quãng thời gian ấy cứ như chạy giặc, Lâm Du chỉ nhận được vài tin tức vụn vặt về Văn Chu Nghiêu giữa những lúc rảnh tay hiếm hoi, bản thân cậu thì liên tục xoay như chong chóng.
Mãi đến cuối năm ấy, Lâm Du mới biết tin Văn Chu Nghiêu ở lại Cừ Châu, anh không về ăn tết.
Nói là có một kỳ huấn luyện dã ngoại mùa đông dài hai tháng, Văn Chu Nghiêu đăng ký tham gia.
Anh cả không về, cả nhà đều tưởng Lâm Du sẽ không được vui.
Nhưng cậu không như thế.
Cậu nhờ người gửi hộ mấy món đồ đông, tấm huy chương giải sáng tạo thành phố trao tặng Ý Linh Lung, với cả một túi hàng tết rất to.
Rồi chưa tới một tuần sau đó, cậu nhận lại một chiếc vỏ đạn.
Một món quà nhỏ được xỏ dây bạc, để dưới nắng sẽ phản chiếu lấp lóe. Như nặng ngàn cân, chứa đựng ngàn dặm trường, là khát vọng hoài bão trong đáy lòng mà anh cả nhà họ Lâm không muốn để ai biết.
Lâm Du chưa từng hỏi thăm chuyện anh làm bên ngoài, cũng không đếm theo bước chân anh đã sải dài trên bao nhiêu cây số, vượt qua bao nhiêu núi sông.
Cậu chỉ cầm bức thư được gửi cùng mảnh vỏ đạn, ngắm nhìn câu chữ trên đó: Ở nhà phải ngoan, tết năm sau anh lại tặng em một ngôi sao.
Lâm Du biết là loại sao trên vai áo.
Cậu gấp thư lại thật cẩn thận, đặt vào giữa chiếc hộp sắt đựng đồ sưu tầm từ nhỏ tới lớn của mình, quay đầu bước vào một năm mới.
Văn Chu Nghiêu không bao giờ nuốt lời, không tới bốn năm, hộp sắt của Lâm Du đã chứa tổng cộng năm chiếc huy chương.
Mỗi chiếc đều có điểm khác biệt riêng, nhưng về đại thể là tương đồng.
Thời đại học của Văn Chu Nghiêu rất khác mọi người, khi rảnh rỗi Lâm Du từng đếm thử, trong mấy năm qua, tổng cộng Văn Chu Nghiêu chỉ về ba lần, thời gian gặp mặt mỗi lần không quá hai ngày. Trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, thi thoảng anh còn phải đến Tây Xuyên.
Không có đến một lần cậu thật sự được ngồi xuống đối diện thong thả nói chuyện với anh.
Thậm chí khó khăn lắm mới có một lần Văn Chu Nghiêu ở lại được nửa ngày lại đúng ngay dịp Lâm Du đang ở phía nam không chạy về kịp, cứ thế mà bỏ lỡ nhau.
Vẻ như những ngày tháng thong dong của những năm trung học đã qua đi không bao giờ trở lại được nữa.
Không chỉ của Văn Chu Nghiêu, mà cả của Lâm Du nữa.
Cậu cảm thấy như mình liên tục bị lên dây cót suốt mấy năm nay, cứ không ngừng tiến tới không thể dừng được, liên tục mở rộng từ một chi nhánh. Tầm cỡ phạm vi nằm ở mức Lâm Du chưa từng đạt tới ở kiếp trước.
Có người ghen ghét cũng có người bất ngờ.
Và một điều còn khó tin hơn nữa là đằng sau toàn bộ những thành công ấy, năm nay ông chủ mới tròn mười tám tuổi.
Lâm Du mười tám tuổi rất nhã nhặn, cơ ngơi đồ sộ như Ý Linh Lung đè trên vai lại trở thành công cụ mài giũa tốt nhất.
Mài cho viên ngọc thô nhỏ nhất của nhà họ Lâm tròn trịa sáng bóng, nhìn thoáng qua, sự chín chắn khéo léo đó chẳng hề giống một thiếu niên mười tám tuổi vừa trưởng thành.
Một chiếc gọng kính thư sinh lịch sự gác trên sống mũi thẳng tắp, chiều cao dừng ở khoảng một mét bảy mươi tám.
Da trắng, đường nét ngũ quan khi đã trưởng thành sắc nét mà không sắc bén, đối nhân xử thế lịch thiệp có chừng mực. Thi thoảng mặc tây trang đậm chất tinh anh, ở nhà rảnh rỗi thì lê dép nằm dài trong sân không chịu nhúc nhích.
"Lại bị tên nào giày vò nữa rồi?" Lâm Mạn Xu bưng một lồng bánh mới ra lò sải chân bước qua ngạch cửa, hỏi Lâm Du đang lười biếng nằm tắm nắng.
Lâm Du hé mắt ra nhìn cô, có vẻ đang nhức đầu lắm, "Cô đừng nhắc nữa, vẫn là mấy cái người tuần trước, hẹn ngày giao hàng xong xuôi lại hẹn lần hẹn lữa mãi. Con đích thân đến đó còn đẩy hàng đống lý do ra cho con."
Lâm Mạn Xu đi đến, tiện tay lấy một miếng bánh đậu đỏ đút cho cậu.
Rồi đưa tay lên lấy chiếc kính trên sống mũi cậu xuống bảo: "Ở nhà còn đeo cái này làm gì."
"Kính không gọng, đeo cho ra dáng ấy mà." Lâm Du ngồi lên trên ghế dài, tự thò tay vào lồng lấy bánh ăn, tiện giải thích nốt: "Là thần khí để trông già dặn hơn đó, mặt trẻ trung quá con cũng hết cách."
"Đúng là trông trẻ con thật." Lâm Mạn Xu giả vờ quan sát cậu rồi nói: "Chất học sinh đậm quá mà."
Những chi tiết nhỏ trong cách ăn vận thường ngày sẽ quyết định kết quả đàm phán của cậu, cho nên mấy năm nay rất ít khi Lâm Du ăn mặc thoải mái.
Cậu vừa ăn vừa hỏi Lâm Mạn Xu: "Bà nội đi đâu rồi ạ? Tháng trước con nhờ người ta đưa một lô đông trùng hạ thảo từ Tây bắc về, nghe nói chữa yếu phổi tốt lắm."
"Đi tìm bà cụ nhà bên cạnh tán gẫu rồi." Lâm Mạn Xu thở dài, "Bà cao tuổi rồi, đồ bổ mấy cũng không tác dụng gì nhiều, hay bệnh vặt."
Lâm Du không nói thêm gì nữa.
Bọn họ lớn dần lên, đương nhiên bà cụ cũng sẽ già dần đi.
Mấy năm nay thấy rõ hơn hẳn.
Lâm Thước vào một trường đại học bản địa. Lâm Hạo thì học kém quá, giờ đang tập trung hỗ trợ chuyện kinh doanh của chú hai.
Từ năm nay Lâm Bách Tòng bắt đầu đảm nhiệm việc của Hiệp hội Nghề Thủ công Mỹ nghệ Kiến Kinh, phải chạy khắp nơi lo thành lập các làng nghề, còn làm giám khảo của một cuộc thi tôn vinh văn hóa thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Lâu lắm rồi không nghe Lâm Đức An chê chú cổ hủ cứng nhắc.
Lâm Du bây giờ không còn là thợ cả bé Du nữa rồi. Cậu là người kế thừa chính thức của nghệ thuật điêu khắc gỗ nhà họ Lâm, một năm cậu sẽ nhận một đến hai đơn đặt hàng tượng gỗ khắc cỡ lớn. Thông thường một thành phẩm phải mất rất nhiều tháng mới hoàn thành.
Cho nên rất nhiều người thuộc Ý Linh Lung đều cảm thấy ông chủ nhỏ của mình là một chiến sĩ thi đua gương mẫu.
Một người liên tục quay cuồng, dường như chẳng cần ngủ nghỉ.
Lúc chú ba bước vào, Lâm Du đang cho miếng bánh cuối cùng vào miệng. Cậu khựng lại, nhìn nhìn lồng bánh rồi nói, "Không khéo quá, hết rồi ạ."
"Ai thèm mấy cái thứ ngọt ngấy đó của cháu." Lâm Chính Quân bước đến ngồi xuống chiếc ghế cạnh cậu.
Mấy năm nay chú ba vẫn không ổn định được, cứ vào nam ra bắc mãi.
Nhưng cũng hơn thời gian trước là sẽ không đi một mạch vài ba năm chẳng một mẩu tin, bây giờ chú ra ngoài nhiều nhất ba tháng là sẽ về một lần, ở nhà nửa tháng một tháng gì đó mới xuất phát đi tiếp.
Lâm Du không rõ tường tận đường đi nước bước của chú, nhưng cũng nắm được đại khái.
Dù sao thì chuyện chú có thể ở nhà thời gian dài cũng có liên quan mật thiết với việc Hướng Nghị đang không có mặt tại Kiến Kinh. Chú ba đang tránh Hướng Nghị, triệt tiêu mọi khả năng gặp mặt.
Có lúc Lâm Du cũng cảm thấy rất khó tin, phải là tình cảm như thế nào mới dây dưa bấy nhiêu năm rồi vẫn chưa cắt đứt được vậy chứ.
Nhưng Lâm Du chưa từng xen vào, kiếp trước cậu cũng từng bị mắc kẹt trong những cảm xúc như thế, đó là trải nghiệm tệ đến không thể tệ hơn.
May mà từ lần ở miền nam vài năm trước, Tưởng Thế Trạch không còn xuất hiện thêm lần nào nữa.
Thi thoảng nghe bọn Trương Gia Duệ tán dóc nhắc, hình như hắn xuống miền nam một mình rồi, không biết làm gì mà phải bồi thường rất nhiều tiền, khiến cho bố mẹ phải bán hết nhà cửa ở Kiến Kinh rồi cả gia đình cùng dọn đi.
Lâm Du thì như đang nghe tin về một người hoàn toàn xa lạ, vừa vào tai này là ra luôn tai kia.
Cho nên mới có câu ba mươi năm Hà Đông ba mươi năm Hà Tây, kiếp trước chuyến làm ăn đầu tiên của Tưởng Thế Trạch sau khi xuôi năm đã mang về cho cậu ta món tiền đầu tiên, sau lưng còn có Lâm Du tất tả ngược xuôi thu vén cho. Bây giờ có được ký ức dự đoán trước tương lai lại lỗ đến nhẵn túi.
"Gặp thời" thật sự là một chuyện khó đoán.
Lâm Du cũng chẳng thấy hả hê là mấy, cũng không có gì bất mãn, dù sao cũng là người chả liên quan gì.
"Lần này chú ở nhà bao lâu." Lâm Du hỏi chú ba.
Lâm Chính Quân: "Chắc còn một tuần."
Lâm Du gật đầu, hiện tại sự nghiệp của cậu lớn mạnh, thỉnh thoảng phía Hướng Nghị có động thái gì cậu còn biết trước cả chú ba.
Lâm Du nói: "Nếu đi thì chú lên đường sớm một hai ngày nhé, lần trước cháu tuồn tin cho chú, cái lão đó giam hàng của cháu lại cảng những hai ngày."
"Yên chí." Lâm Chính Quân bảo, "Anh ta biết chừng mực mà, sẽ không làm ảnh hưởng đến công việc của cháu đâu."
Lâm Du: "Tốt nhất là thế, nếu không cháu không khách sáo đâu."
Lâm Chính Quân liếc nhìn sắc mặt Lâm Du, như cười như không, "Cứng nhỉ? Bé bi nhà mình giờ là đại gia rồi há."
Lâm Du đảo mắt, "Chú ba, cháu chỉ là một nghệ nhân nho nhỏ làm ăn đàng hoàng mà thôi, trước đây nếu không nhờ có chú Thiên Hướng giúp, gặp phải người như Hướng Nghị, chú mà bị mang đi lần nữa thì cháu cũng không cứu nổi."
"Cho chú gửi lời hỏi thăm anh cháu nhé." Lâm Chính Quân vỗ vai Lâm Du, lại cười nói: "Chú cứ tưởng Tiểu Du nhà họ Lâm ta vào năm ra bắc không sợ trời không sợ đất, thì ra sau lưng có người chống lưng cơ đấy."
Người trong nhà đùa mấy câu vui miệng cũng chẳng có gì.
Đang là tháng tư, thời tiết Kiến Kinh năm nay bắt đầu có xu hướng nóng lên.
Lâm Du tán gẫu với chú ba cả buổi rồi lại hỏi: "Lần này chú đi đâu?"
"Cừ Châu." Lâm Chính Quân đáp.
Lâm Du sững người, "Cừ Châu?"
"Phải, chính là Cừ Châu mà cháu nghĩ đó." Lâm Chính Quân thấy cậu ngẩn người thì lại cười cười rồi bảo: "Nhưng mà tiếc thật đấy, lần này chú đến rìa nam Cừ Châu, ngược hướng với chỗ của Văn Chu Nghiêu, nếu không có thể ghé gặp nó rồi."
Lâm Du hoàn hồn lại, "Chú có đi cũng chưa chắc đã gặp được, có khi anh ấy còn chẳng ở trường."
Đừng nói là bây giờ Văn Chu Nghiêu đã sắp tốt nghiệp, ngay trong mấy năm trước thì thời gian anh thật sự ở trong trường cũng không nhiều. Đây cũng là nguyên nhân mà cả nhà rất ít khi nhận được tin từ anh.
Một khi đã bước vào ngành đó sẽ bị giới hạn bởi rất nhiều điều lệ bảo mật.
Làm gì, gặp ai, ở đâu, rất nhiều thông tin không thể tiết lộ tùy tiện.
Trong phương diện này mạng lưới quan hệ của nhà họ Văn bỏ xa gia tộc làm thủ công mỹ nghệ truyền thống như nhà họ Lâm. Mấy năm nay ông cụ Văn dồn rất nhiều tâm huyết vào bồi dưỡng. Lâm Du không lo cho vấn đề an toàn của anh lắm.
Lâm Chính Quân thấy cậu thờ ơ thế thì lên tiếng: "Nếu chú nói vừa khéo mấy hôm nay anh cháu đang ở trường thì sao?"
"Sao chú biết ạ?" Lâm Du hỏi ngay.
Lâm Chính Quân bật cười, "Cháu tưởng chú ba cháu ăn chơi trác táng cả ngày chỉ biết lêu lổng ngoài đường đấy à? Chú mới nhận tin, nó vừa đi tập huấn về trường, chắc chừng không tới nửa năm nữa là rời trường."
Lâm Du khẽ a một tiếng rồi hoàn hồn đáp: "Đúng vậy, cũng sắp đến lúc."
"Không đi tìm nó à?" Lâm Chính Quân hỏi.
Lâm Du hoang mang: "Tìm ai ạ?"
"Còn là ai được nữa?" Lâm Chính Quân nói tiếp: "Anh cháu, Văn Chu Nghiêu."
Lâm Du chần chừ nửa giây rồi nói: "Chắc không cần đâu, anh ấy bận thế, cháu cũng không có thời gian, có đi cũng chưa chắc gặp được. Với lại tuần sau cháu..."
Lâm Du nói dở rồi tự ngậm miệng trong ánh mắt của chú ba.
Cậu dụi mũi, "Được rồi, cháu thừa nhận, toàn là mượn cớ thế thôi."
Mấy năm rồi, cũng không phải bọn họ không hề gặp mặt. Thời gian cứ vùn vụt qua, dường như chẳng còn lý do để nhất định phải gặp hay không gặp nhau. Văn Chu Nghiêu vẫn là Văn Chu Nghiêu, là anh lớn của nhà họ Lâm, là một trong những người quan trọng nhất đời này của Lâm Du, thậm chí còn có ý nghĩa khác hẳn người nhà có quan hệ huyết thống.
Hồi tưởng lại, những năm vừa qua cậu đến rất nhiều nơi, nhưng hình như chẳng hề đến Cừ Chân một lần nào.
Ban đầu là thật sự không có dịp, lâu dần trở thành một dạng trốn tránh.
Ở Cừ Châu có một người quá quan trọng, quan trọng đến độ chỉ cần đặt chân đến đó thôi cậu cũng sợ mình không thể quay đầu thoát thân.
Cậu sợ ký ức trong quá khứ sẽ dồn dập kéo về, sợ khoảng thời gian mà ngày nào cũng được gặp nhau tràn ngập trong tâm trí, sợ cảm giác quay đầu bất kỳ lúc nào anh cũng sẽ ở ngay đó vụt mất.
Cậu sợ gặp rồi, bản thân mình sẽ không cách nào tiến tới được.
Lâm Du chưa từng nghi ngờ ảnh hưởng của anh lên mình.
Cái tên Văn Chu Nghiêu theo cậu xuyên qua kiếp trước kiếp này mà không một thứ nguyên do nào giải thích được. Dù cho đến hiện tại anh vẫn chỉ mang danh anh trai, Lâm Du cũng sẽ không chủ quan mà tự thử thách giới hạn của bản thân.
Lâm Du nói: "Cháu biết, khi còn nhỏ cháu quá ỷ lại vào anh ấy. Lỡ gặp rồi lại túm chặt lấy anh cháu không chịu buông thì hình tượng cháu nhọc nhằn xây dựng bao năm nay sụp đổ trong một sớm một chiều à."
Lâm Chính Quân đứng lên, rút một tấm vé xe đưa cậu.
Y vỗ nhẹ tấm vé vào vai cậu rồi nói: "Đi đi, đi tìm anh cháu làm chuyện mất mặt chút nào, giờ da mặt cháu dày quá."
"Mặt cháu dày bao giờ?" Lâm Du chần chừ nhận lấy tấm vé, cúi đầu nhìn rồi thuận miệng hỏi.
Chú ba: "Dày chứ, đến cả chuyện mình không dám đi cũng kiềm không nói ra miệng được cơ mà."

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.