Mấy hôm nay thời tiết ở Kiến Kinh khá đẹp, mỗi sáng sớm các cụ ông cụ bà ở đường Thịnh Trường lại tụ họp ở đầu đường. Người đánh cờ, người tắm nắng tán gẫu. Hòa cùng tiếng rao hàng buổi sáng, hình thành cảnh sinh hoạt thường ngày mười năm như một vào thời điểm này.
Hiện tại bà cụ nhà họ Lâm là đối tượng được mọi người ngưỡng mộ nhất.
Con cái người nào cũng có sự nghiệp riêng, hàng cháu cũng nên người thành các thanh thiếu niên tương lai rộng mở, quan trọng là rất hiếu thảo.
Mỗi dịp lễ tết, đi công tác về, có đồ gì tốt là phải đưa đến cho bà cụ đầu tiên, đồ la liệt đầy đất, phòng gần không chứa nổi. Lần nào người chơi thân vào sân phòng của bà cụ là lại hâm mộ lần đó.
Gần đây bà cụ nghe nịnh nọt nhiều quá thấy hơi phiền cho nên không thích ra họp mặt lắm.
Nhưng hôm đó lại ngồi ở đầu đường từ sớm để bọn họ tha hồ nói.
"Hòa Tuệ à, gần đây ít thấy bà ra nhỉ." Có người nói.
Hòa Tuệ là tên thời con gái của bà cụ, bây giờ ngoài những người quen biết từ xưa thì chẳng còn mấy ai gọi tên này nữa. Bà cụ mặc áo ngắn khuy đũa, mái tóc bạc phơ chải búi gọn gàng từng sợi.
Bà cười nói: "Hôm nay trời đẹp, ra ngoài đi dạo."
Cả nhóm đang nói chuyện thì chợt nghe thấy tiếng động cơ xe hơi từ đầu đường xa xa. Chưa tới hai phút sau, một chiếc xe con đen xuất hiện trong tầm mắt mọi người.
Bà cụ đứng lên.
Có người ngồi sau nói: "Là Lâm Du đấy à?"
"Là nó là nó." Một người khác đáp lại, "Bây giờ đứa có tiền đồ nhất trong nhà họ Lâm là nhóc con này nhỉ? Mới bao lớn đâu, tháng trước tôi gặp nó bên ngoài, quá chừng người theo sau lưng, nghe nói người lái xe còn là trợ lý gì đấy, bọn tôi cũng chả hiểu."
Rồi có người cười bà cụ, "Còn tưởng bà đây là tắm nắng, thì ra là chờ cháu nội."
"Nó đi thăm anh cả về." Bà cụ nói, "Vốn hẹn sẽ về từ mấy hôm trước, kết quả nửa đường đổi hướng đến vùng ngoài công tác, mãi tới hôm nay mới về đến."
Lại người trả lời ngay: "Anh cả ấy là thằng con trai nhà họ Văn nhỉ, mấy năm sau chẳng thấy nó đâu. Nghe nói ở Tây Xuyên nhà họ Văn thường lên báo lắm, gia tài đồ sộ."
"Thằng bé bận." Bà cụ không muốn nói nhiều.
Mấy năm trước ông cụ nhà họ Văn có đến Kiến Kinh một lần, mấy người xung quanh đang rào đón để nghe ngóng chuyện người ta.
Văn Chu Nghiêu dù sao cũng là con cháu nhà mình, không đến lượt người ngoài dòm ngó bàn tán.
Trong lúc nói chuyện xe đã tới trước mặt.
Nhưng người đầu tiên nhảy xuống xe không phải Lâm Du mà lại là Lâm Thước đã gần ba tháng không gặp.
Lâm Thước bây giờ đã cao lớn ra dáng rồi, cũng đi học xa nhưng không như anh cả cả năm không về được một lần. Vốn cứ tưởng anh chàng này rời nhà là sẽ tự do bay nhảy ngay, kết quả ra ngoài được hai ba năm lại hay nhớ nhà đến đáng ngạc nhiên, có cơ hội là chạy về.
Bà cụ cười híp cả mắt, vui vẻ hỏi: "Sao hai đứa về cùng thế?"
"Bà nội." Cả hai cùng tíu tít chào hỏi rồi sà đến cạnh bà cụ. Lâm Du ôm tay bà nói: "Chuyến này vừa khéo con đi ngang chỗ anh hai, anh ấy biết nên một hai đòi về."
"Rõ ràng là em thất đức trước." Lâm Thước nói, "Em mà nói sớm sẽ đến Cừ Châu thì anh đã đi cùng rồi. Cũng lâu lắm rồi anh chưa gặp anh cả."
"Anh đi làm chi?" Lâm Du lườm.
Bà cụ để mặc hai người đấu võ mồm, ba bà cháu chầm chậm bước về nhà.
Sắp đến cửa thì bà cụ hỏi Lâm Du: "Anh cả con khỏe chứ?"
"Khỏe lắm ạ." Lâm Du gật đầu, "Chỉ là huấn luyện rất gian khổ, chỗ các anh ấy đi điều kiện khá tệ, một lần mấy tháng liền. Lần này cũng may nhờ chú ba, đúng vào dịp anh ấy về trường mấy ngày."
"Bây giờ khổ cực là bình thường." Bà cụ thở dài, "Con đường nó đi làm sao không gian khổ cho được."
Lâm Thước vừa sải bước vào cửa vừa hỏi Lâm Du: "Em còn chưa nói lần này đi Cừ Châu để làm gì đấy. Trên đường đi hỏi rồi cũng chẳng chịu nói. Bộ anh cả lén cho em cái gì hay hả?"
Lâm Du vòng ra sau giả vờ trốn anh chàng, "Bản thân mình muốn đi ăn chơi thì cứ nói thẳng đi, anh đi thử xem anh cả có đá cho bay về không."
Trong lòng Lâm Du đang cất giữ một bí mật, nhưng biểu hiện bên ngoài vẫn vô cùng bình thản.
Cứ như cậu thật sự chỉ đi thăm anh mình một chuyến, sau đó vẫn còn hơi sức chạy đi xử lý công việc rồi mới về. Nào ai hay biết, nếu không có mấy ngày vừa qua trì hoãn lại, cậu sợ những nhớ mong, những tình cảm vượt quá giới hạn anh em sẽ tràn ra từ ánh mắt không sao che giấu được.
Vừa hưởng thụ vị ngọt vì đột phá quan hệ, vừa cẩn thận giữ yên nội tâm của mình.
Cậu không thể kiềm được mình lao về phía anh trong hốt hoảng, rồi cũng tự gói ghém cảm xúc tập quen với những ngày không có anh.
Cậu không có dự định chủ động phơi bày điều gì cả.
Căn nguyên của đủ loại nhân quả kiếp trước đều bắt đầu lên men từ giây phút cậu bất chấp tất cả để công khai với gia đình. Cậu biết mình không thể gồng gánh nổi cái giá đắt đến vậy.
Dù bị phủ lấp dưới sự kiêng dè ấy, bí mật nho nhỏ được giấu kín vẫn như thứ hương mê khiến người ta sinh nghiện, mang trong mình sự hấp dẫn chí mạng đối với cậu.
Cậu lao đầu vào, nhưng chưa từng hối hận.
Từ khi về nhà cậu cũng không liên lạc với Văn Chu Nghiêu nhiều, tại đa số thời điểm gửi tin đi rất khó khăn, cho nên vẫn giữ nguyên thói quen ra ngoài là gửi thư về đã có từ lâu. Từng giọt cuộc sống của anh xuất hiện thật sống động trên mặt giấy đến trước mắt cậu, đổ đầy khoảng trống của những năm đã qua. Chữ viết của Văn Chu Nghiêu luôn có chút phóng khoáng ngạo nghễ, lực viết xuyên qua cả trang giấy, có khi giữa lúc hối hả huấn luyện, chỉ đôi ba dòng chữ trên giấy cũng đủ cho Lâm Du xem thật lâu.
Lâm Du cảm thấy anh mình hiểu được điều cậu kiêng dè nên những con chữ ấy chẳng mang theo gì khác ngoài cuộc sống thường ngày.
Một lần duy nhất, khi anh xác định thời điểm mình sẽ đến Đôn Châu liền viết thư báo về nhà.
Cuối thư dành lại một câu: "Viết đến đây mà hình như vẫn chưa nghĩ ra sẽ mang gì về cho em, chợt nhớ đến mấy năm trước từng chôn một vò rượu thanh mai dưới gốc cây em thường ngồi trong sân, là quà mừng thành niên cho em. Tháng ngày đã trọn, thay lời tương tư."
Hoàn toàn không giống lời anh cậu sẽ nói thường ngày, Lâm Du lại cầm thư ngây ngẩn cả một buổi chiều, nụ cười ánh trên mắt, cẩn thận đặt thư vào vách kép trong cùng của ngăn kéo cất giữ.
Tối hôm ấy liền hào hứng chạy ra sân đào rượu.
Hoàn toàn quên sạch lời anh dặn không được uống nhiều gì gì đó, cũng chẳng nghĩ tới đây là rượu anh chôn, khó khăn lắm mới có lời nhớ mình, nên để dành lại người ta một ít, một mình cậu uống cạn cả vò rượu.
Ngày hôm sau cậu bị Dương Hoài Ngọc lôi dậy, cô còn trầm trồ: "Đi xã giao đấy à? Mới tí tuổi đầu không biết học cái hay, nhà mình không ưng văn hóa rượu thịt đâu đấy nhé!"
Lâm Du cười nói với Dương Hoài Ngọc, cậu thấy vị rất ngon.
Rồi bị Dương Hoài Ngọc bực bội tét cho hai phát.
Đến trung tuần tháng năm, có một hoạt động của phòng triển lãm mà Lâm Bách Tòng phụ trách nhưng không còn thời gian rảnh nên bảo Lâm Du đến giúp xử lý giai đoạn cuối.
Mấy năm gần đây Lâm Bách Tòng rất ít nhận những hạng mục quy mô lớn, bức phù điêu "Tháng năm chót vót" đang làm hiện tại khắc họa lại hình ảnh phố thị khi vừa cải cách mấy năm trước, đến trước mắt đã thực hiện được ba tháng, chỉ thợ khắc thôi đã điều động hơn trăm người.
Lâm Du tạm gác chuyện trong tay lại, chọn một ngày cuối tuần để sang đó.
Xưởng làm việc hơn hai trăm mét vuông đầy các thợ thầy phụ trách các phần tới tới lui lui.
Từ xa Lâm Du đã thấy được Lâm Bách Tòng đang nói chuyện với ai đó nên cậu không tới bắt chuyện mà đi một vòng xung quanh.
Trong góc có hai người thợ đang tranh luận chuyện chọn vật liệu cho phần khung.
Thấy Lâm Du đến họ liền gọi: "Thầy Du, cậu phân xử với?"
Lâm Du nghe thấy liền cười nói: "Phân xử thì cháu không dám." Cậu cầm bảng mẫu để cạnh đó lên xem xét một lúc rồi nói: "Quả thật gỗ tếch phù hợp hơn gỗ bách một chút, màu gỗ tếch mịn, hợp làm nền cho nhân vật hơn. Nói một cách tương đối thì gỗ bách sẽ dày dặn cứng cáp hơn..."
Lâm Du chưa nói hết câu đã nghe thấy tiếng nói chuyện từ phía sau: "Đây là con trai Lão Lâm đấy à?"
"Ừ." Giọng Lâm Bách Tòng đáp lại, rồi chú cười nói với Lâm Du: "Tiểu Du qua đây con."
Cậu bỏ đồ trong tay xuống để đi tới.
"Bố." Cậu gọi.
Ánh mắt hướng về hai người đi cùng Lâm Bách Tòng.
Một người tuổi tương đương với Lâm Bách Tòng, đang vui mừng nhìn Lâm Du nói với Lâm Bách Tòng: "Lão Lâm, thằng con ông đúng là tuổi trẻ tài cao, tôi nghe nhắc từ lâu rồi đấy."
Lâm Bách Tòng khiêm tốn: "Nó ấy à, cả ngày chỉ biết rị mọ mấy cái chuyện của nó, trò trẻ con thôi."
Lâm Bách Tòng giới thiệu cho Lâm Du: "Đây là Hội phó của Hội đồng Văn hóa Nghệ thuật Kiến Kinh, con gọi là bác Lý."
"Chào bác Lý ạ." Lâm Du lên tiếng.
Ngay sau đó Lâm Bách Tòng chỉ vào người trẻ tuổi còn lại nói: "Đây là con trai của bác Lý, Lý Tùy Thanh, mới du học nước ngoài về, lớn hơn con, con cứ gọi anh là được."
Lâm Du nhìn thanh niên trắng trẻo trước mắt, cười đưa tay ra với thái độ đối đãi với khách hàng thường ngày: "Anh Tùy Thanh, chào anh, tên anh nghe rất hay."
Lý Tùy Thanh chỉnh lại bộ vest rồi bắt tay cậu rất đúng chuẩn Tây, cười nói: "Chào em."
Giọng anh ta hơi lơ lớ, hẳn đã sống ở nước ngoài khá lâu.
Lý Kiến Hùng đứng cạnh nói: "Tiểu Du à, thằng con này của bác ra nước ngoài du học hỏng hết cả đầu óc rồi, cứ nói với bác mấy thứ chẳng đâu ra đâu, làm bác đau đầu chết đi được. Thế này đi, hôm nay hai đứa có duyên gặp mặt rồi thì xem như đã quen, cháu rảnh rỗi thì dẫn nó đi đây đó giúp bác nhé, cho nên cảm nhận thử nền văn hóa trong nước. Bác cảm ơn cháu vô cùng."
Lâm Du nói: "Bác đừng khách sáo, chuyện nhỏ thôi mà, vừa hay năm nay cửa hàng của cháu có hợp tác với phía ngoại quốc, không chừng cháu còn phải học từ anh Tùy Thanh đây."
Lý Kiến Hùng sắp xếp cho con trai xong là đi làm việc của mình.
Người lớn đi rồi, Lâm Du nói thêm vài ba câu rồi cũng quay đi làm việc của mình, mãi đến khi trời sắp tối thấy một người vẫn lẳng lặng chờ gần đó mới sực nhớ ra sự tồn tại của anh ta.
Nhất thời thấy hơi áy náy trong lòng.
"Xin lỗi anh." Lâm Du cởi bao đeo bắp tay xuống rồi đi đến nói: "Lúc bận rộn em hay quên lắm, em mời anh ăn cơm nhé."
"Để anh mời em." Tác phong của Lý Tùy Thanh rất lịch sự đúng như người phương Tây.
Anh ta vừa đi ra ngoài cùng Lâm Du vừa thật lòng khen ngợi: "Anh thấy rất ít người trong nước có thể tập trung chăm chú được như em. Khi em nghiêm túc làm việc rất hấp dẫn, không giống thiếu niên vừa trưởng thành chút nào."
Được khen thẳng thừng như thế Lâm Du cũng không tiện đáp, chỉ cười bảo: "Cảm ơn anh."
Ra ngoài đi đường vòng để đến chỗ ăn cơm, để Lý Tùy Thanh được ngon miệng, Lâm Du chọn một tiệm chuyên nấu các món thanh đạm.
Khi trò chuyện sâu hơn, Lâm Du mới phát hiện Lý Tùy Thanh xuất ngoại không chỉ để du học mà thôi.
Anh ta có sự nghiệp của bản thân ở nước ngoài, còn làm về mảng điện tử, tuy vừa khởi bước thôi nhưng từ đại học đã bắt đầu khởi nghiệp với bạn, cũng xem như tự lực gầy dựng từng chút một.
Lâm Du đẩy thực đơn ra trước mặt ý bảo anh ta chọn món, cậu hỏi: "Sao anh lại nghĩ tới chuyện về nước?"
"Bố anh bảo về."
Lâm Du: "Bác ấy không ủng hộ ạ?"
"Không phải." Lý Tùy Thanh ngẩng lên, nở nụ cười khá phức tạp: "Vì anh nói với bố mình thích đàn ông, rồi bố anh nghĩ là anh bị bệnh."
Lâm Du sửng sốt, khựng lại mất mấy giây, "Vậy sao anh lại nói với em?"
"Vậy em có cảm thấy anh bất bình thường không?" Anh hỏi.
Lâm Du lắc đầu, "Không đâu anh."
"Em xem." Lý Tùy Thanh nhún vai, cười, "Anh cũng nghĩ em sẽ không thế."