Nhất Niệm Chi Tư

Chương 67: “Tôi sẽ không bị câm do bị ngạt khói đấy chứ?”




Kỷ Thần Phong sững sờ mất một lúc rồi cũng bật cười, như thể anh đang cười trước suy nghĩ kì quái của tôi, lại như cười chính bản thân mình vì chẳng thể nào kháng cự trước những lời mật ngọt của tôi.
“Mong rằng ngày ấy sẽ không xảy ra.” Nụ cười của Kỷ Thần Phong tựa như gió mát thổi trong đêm hè, vì hiếm có nên đặc biệt say đắm lòng người.
Chúng tôi cứ đứng dưới ánh đèn đường như thế mà cười với nhau, dù không biết có gì vui nhưng chẳng ai lên tiếng kêu ngừng, cả hai chìm đắm trong niềm hạnh phúc khó bề lí giải.
Mãi cho đến khi có một chiếc xe điện chạy qua, người lái đội mũ bảo hiểm cứ nhìn chằm chằm vào chúng tôi bằng ánh mắt lạ lùng, đã chạy qua được một đoạn rồi mà vẫn liên tục ngoái lại quan sát thêm mấy bận, hoàn toàn không hiểu nổi chúng tôi cười ngớ ngẩn như thế là vì điều gì.
Kỷ Thần Phong cũng chú ý tới đối phương, anh ho khúng khắng một tiếng rồi nói “đi thôi”, sau đó xoay người tiếp tục đi về phía trước.
Khi bước lên dãy bậc thang dài, ngoại trừ tiếng ve kêu râm ran rát cổ bỏng họng thì âm thanh duy nhất còn sót lại bên tai tôi chỉ là tiếng bước chân xen kẽ của mình và Kỷ Thần Phong.
Một bậc, hai bậc, ba bậc,… Tuy đã đi qua không ít lần nhưng chưa bao giờ tôi đếm xem dãy thang này có bao nhiêu bậc.
“Tang Niệm…” Kỷ Thần Phong đang đi phía trước bỗng cất tiếng gọi tôi.
“Hửm?” Tôi thử làm cả hai việc một lúc, vừa đáp lại tiếng anh gọi, vừa định bụng đếm tiếp.
“Nếu em có thể sống ở đây tròn một năm thì chúng mình sẽ làm lại từ đầu.”
Hai mươi bảy…
Bước chân thoáng chững lại, tôi kinh ngạc nhìn về phía Kỷ Thần Phong, người vẫn đang thư thả leo lên.
Một năm á?
Thế quái nào mà Kỷ Thần Phong lại có thể biến một câu nói hợp tình hợp lí trở nên khó chấp nhận như vậy? Mẹ kiếp anh ấy muốn tôi tu thành Liễu Hạ Huệ “ôm người trong lòng mà tâm lặng như nước” trong thời gian khảo sát một năm này hay sao?
(*) Chỉ người đàn ông đoan chính, dù ở cạnh nữ giới nhưng trong tâm không nảy sinh ý đồ xấu xa.
Tôi sải chân bước nhanh mấy bước để đuổi kịp theo Kỷ Thần Phong, dày mặt kì kèo với anh: “Một năm dài lắm, anh rút ngắn lại một chút được không?”
“Em muốn bao lâu?” Kỷ Thần Phong hỏi.
“Hai tháng nhé?” Thật ra tôi chỉ định bảo một tháng thôi, nhưng sợ mặc cả nhiều quá làm anh bực mình nên chỉ đành báo thêm.
Anh nghiêng đầu liếc tôi một cái rồi đáp: “Mười tháng.”
Tôi nghiến răng: “Sáu tháng.”
Anh suy nghĩ một lúc: “Chốt.”
Sau một phen cò kè mặc cả, cuối cùng thời hạn khảo sát cũng được rút ngắn xuống còn sáu tháng. Chỉ cần tôi ở lại thành Ruồi nửa năm, Kỷ Thần Phong sẽ bỏ qua những chuyện trong quá khứ và bắt đầu lại cùng tôi.
Dù sống ở đâu, bất kể là chung cư cao cấp hay khu ổ chuột, đối với tôi chúng đều giống nhau, cho dù nhà có chật hẹp, dây điện chằng chịt giăng kín trời, không sử dụng được thiết bị điện với công suất lớn, nhưng chỉ cần Kỷ Thần Phong ở đó, chỉ riêng điều này thôi cũng đủ để tôi đánh giá nơi này trọn vẹn năm sao.
Hoàn cảnh sống khó khăn cũng chẳng thành vấn đề, so với chuyện này, việc làm thế nào để duy trì được trạng thái “chỉ nhìn chứ không chạm” trong suốt nửa năm mới gọi là khó.
Nếu tôi chưa biết thời gian thụ án cụ thể thì vẫn có thể mong chờ việc dỡ bỏ lệnh cấm vào ngày mai, ngày mốt, hay thậm chí là ngay một giây sau, nhưng giờ tôi đã biết mình phải chịu đựng trong sáu tháng rồi thì mỗi giây mỗi phút đều trở thành nỗi giày vò.
Đặc biệt là vào mỗi tối và sáng sớm, việc cùng ngủ cùng thức với Kỷ Thần Phong trên một chiếc giường chẳng khác nào án tử hình.
Lẽ nào chỉ có tôi mới như vậy thôi ư? Sau nhiều lần tắm nước lạnh, tôi bắt đầu nảy sinh nghi ngờ về chính bản thân. Rõ ràng hồi trước Kỷ Thần Phong chỉ cần ôm tôi thôi là đã cứng rồi, sao bây giờ ngủ với tôi cả ngày mà anh ấy lại chẳng có phản ứng gì, là do sức hấp dẫn của tôi bị giảm xuống hay do anh ấy sinh bệnh sinh tật rồi?
Thế nhưng ngoài khía cạnh này ra thì những chuyện khác vẫn tiến triển theo chiều hướng tương đối khả quan: Kỷ Thần Phong đã nối lại liên lạc qua đường điện thoại với tôi, có việc gì anh đều sẽ báo qua điện thoại với tôi một tiếng; chúng tôi cùng đi siêu thị mua đồ gia dụng; đi làm gặp chuyện gì thú vị là anh sẽ chia sẻ với tôi vào bữa tối mỗi ngày.
Tôi ngồi khoanh chân, ăn uống giản dị rồi nghe Kỷ Thần Phong kể về chú chó có cái đuôi dài bị lệch hay một con mèo có màu lông đặc biệt, những hình ảnh mà trước đây tôi không tài nào tưởng tượng nổi giờ đã thể thành thói quen yêu thích của tôi.
Dưới sự hướng dẫn của Kỷ Thần Phong, tôi cũng dần học được một vài kĩ năng nấu nướng đơn giản, ví dụ như làm thế nào để nấu được cơm có độ mềm vừa phải bằng nồi cơm điện, hay làm cách nào để chiên trứng mà không bị dính chảo.
Mỗi khi tôi nhận được điểm kiểm tra cao và áp dụng thành công những kĩ năng này, chưa bao giờ Kỷ Thần Phong tiếc lời khen ngợi tôi.
“Em làm tốt lắm, Tiểu Niệm.”
Những lời khen ngợi này của anh khiến tôi vừa thương vừa ghét, nhưng cũng thật khó để có thể ngó lơ. Biết rõ là nghe xong sẽ chẳng giữ nổi mình nhưng lại vẫn muốn nghe. Đến mức chỉ gọt một quả táo thôi cũng hớn hở đưa cho anh xem, nếu được khen thì tâm trạng cả ngày hôm đó sẽ nhẹ bẫng như thả hồn trên mây.
Tôi không ngờ rằng con người lại có thể đạt được hạnh phúc một cách giản đơn như thế, càng không thể tin rằng bản thân lại dễ dàng thỏa mãn như trẻ nít còn thơ.
Một lần nữa điều này lại khiến tôi nhận thức sâu sắc một sự thật rằng — Đối với tôi, Kỷ Thần Phong chính là chất gây nghiện mạnh nhất mà đời này không thể nào bỏ được.
“Mua cà chua với thịt bò thôi à? Anh cần gì nữa không?” Vừa nói chuyện điện thoại với Kỷ Thần Phong, tôi vừa khóa cửa nhà rồi bước xuống bậc cầu thang dài.
“Em mua thêm ít hành nhé.”
“Ừm, em biết rồi.”
Tôi cúp điện thoại rồi ngâm nga đi xuống cầu thang. Lần trước, do bị Kỷ Thần Phong quấy rầy nên tôi chưa thể đếm chính xác được tổng số bậc, nhưng nếu cầu thang được chia đều theo số chiếu nghỉ, tôi vẫn nhớ lúc đi từ bậc cầu thang đầu tiên lên đến bậc chiếu nghỉ thứ nhất là rơi vào đúng hai mươi bậc, giờ có ba chiếu nghỉ, nghĩa là cái cầu thang này phải có ít nhất sáu mươi bậc.
“Cháu bé! Cháu bé!”
Vừa đi xuống được vài bước thì tôi chợt nghe thấy tiếng có người gọi mình từ phía sau.
Tôi ngoái đầu lại nhìn thì thấy một bà cụ nhỏ thó có mái tóc bạc phơ, trông tầm hơn bảy mươi tuổi đang vươn tay vẫy vẫy với mình từ cửa sổ chống trộm, ra hiệu cho tôi đi tới.
“Có chuyện gì thế ạ?” Tôi ngập ngừng tiến mấy bước về phía bà ấy, tôi chắc chắn rằng tôi không quen bà cụ này.
“Đây đây, bà có thể nhờ cháu giúp đỡ cái này được không?” Bà cụ run run lấy từ trong túi ra một xấp tiền lẻ được bọc trong khăn tay, “Bà già rồi, đi đứng không tiện, không leo nổi cầu thang. Cháu bé thương xót, mua giùm bà một bao gạo được không?” Nói rồi bà cụ đưa cho tôi một tờ tiền nhàu nát.
Cách gọi “cháu bé” này khá mới lạ đối với tôi, dường như trong kí ức của tôi, chưa từng có ai gọi tôi giống như vậy.
“Chỉ gạo thôi đúng không ạ?”
Bà đã ngần nay tuổi rồi nên hẳn là không biết về dịch vụ “giao hàng tận nhà”. Mà đằng nào tôi cũng đang trên đường đi siêu thị, xách thêm có mỗi bao gạo, coi như đang làm việc tốt.
“Ừ, gạo thôi, gạo thôi.” Đối phương vui mừng khôn xiết, “Cảm ơn cháu bé nhé.”
Sau khi xác nhận rằng chỉ cần mua mỗi gạo là xong, tôi nhận lấy tiền trong tay bà cụ rồi hỏi kĩ về loại gạo và nhãn hiệu gạo bà cụ hay ăn, sau đó quay người rời đi.
Bản edit này chỉ có ở wordpress của Hải Đường Lê Hoa.
Mua hết các thứ Kỷ Thần Phong yêu cầu xong, tôi quay ra mua gạo giúp bà cụ. Tôi xách hai túi đồ lớn đi về, vừa đến ngã tư thì thấy có cột khói đen bốc lên nghi ngút từ đằng xa.
Có rất nhiều người đứng dưới cầu thang đang nháo nha nháo nhác chỉ trỏ lên phía trên.
Biết chắc là có vấn đề xảy ra rồi, tôi vội vã mang đồ chạy nhanh tới thì thấy khói đen bốc lên từ phía cuối cầu thang. Tôi còn loáng thoáng trông thấy được ngọn lửa đang phát ra.
“Chẳng biết có phải do mạch điện bị cũ gây ra hay không mà khói lớn quá.”
“Gọi cứu hỏa rồi, họ sẽ đến sớm thôi…”
“Không biết trên kia còn ai không…”
“Này? Cậu đẹp trai đi đâu vậy? Trên đó nguy hiểm lắm, cậu đừng có lên… Này!”
Tôi quăng túi đồ xuống, bất chấp những lời can ngăn mà chạy thẳng lên cầu thang, leo lên trên với tốc độ nhanh nhất có thể.
Càng lên cao, khói càng bốc ngùn ngụt, khi lên đến chiếu nghỉ thứ ba thì tầm nhìn đã có phần hạn chế.
“Mở cửa ra!” Tôi đập ruỳnh ruỳnh vào cửa nhà bà cụ nhưng không thấy động tĩnh gì, tôi chuyển sang đập cửa sổ chống trộm nhưng cũng chẳng có ai trả lời.
Đừng bảo là chết ở trong luôn rồi nhé?
Tôi thở hồng hộc, do không còn nhiều thời gian để do dự nên tôi đạp mạnh một phát vào cửa và lập tức khiến ổ khóa cũ kĩ bị long ra.
Khói đen hít vào qua đường miệng khiến cổ họng tôi bỏng rát vì đau. Đến cú đá thứ hai, cuối cùng tôi cũng phá được khóa cửa để lao vào nhà, bà cụ ngã lăn ra đất, vẫn còn tỉnh táo nhưng ho sặc sụa.
Tôi đỡ bà dậy, nghe bà cụ cứ liên tục lẩm bẩm trong mồm là “sắp chết rồi, sắp chết rồi” mà khóe mắt tôi giật giật, tôi kéo tay bà cụ, khom xuống, cõng bà lên lưng.
“Bà đừng nói nữa, chẳng phải cháu đến cứu bà rồi hay sao?”
Căn nhà ngập ngụa trong khói cháy, trong chớp mắt, thậm chí ngay cả việc cửa ra vào nằm ở đâu cũng rất khó để xác định được. Cũng may là bà cụ thuộc dạng nhỏ người nhẹ cân nên tôi vẫn có thể di chuyển lanh lẹ khi đang cõng bà trên lưng.
Tôi lao xuống hàng cầu thang dài rồi đặt cụ xuống bậc thềm dưới cùng, bà cụ choáng váng, lỗ mũi đen xì vì dính tro. Không cần soi gương tôi cũng biết mình chẳng khá khẩm hơn bà là bao.
Tôi nhìn lại phía sau, cánh cửa sắt màu xanh của nhà Kỷ Thần Phong đã bị nuốt chửng bởi đám khói dày đặc, tuy nó còn cách điểm bốc cháy một đoạn, nhưng vì người dân ở thành Ruồi có thói quen chất đồ lẫn lộn lên nhau nên không thể đảm bảo rằng căn nhà sẽ không bị cháy lan sang.
Nhẫn của tôi…
Các thứ khác có bị bén lửa thì thôi đành kệ vậy, nhưng tôi phải tặng chiếc nhẫn ấy cho Kỷ Thần Phong, tôi phải lấy chúng về. Tôi phải lấy chúng về cho bằng được.
Chưa kịp lấy lại nhịp thở thì tôi đã lại chạy ngược lên trên cầu thang, nhảy cóc hai, ba bậc một lần mà leo lên.
“Sao lại chạy lên nữa rồi…”
“Trên đấy còn ai à?”
Tôi phớt lờ tiếng còi xe cứu hỏa truyền đến từ đằng xa, leo một lèo hết sáu mươi bậc cầu thang.
Tôi nín thở, mở cửa bước vào nhà, vì điểm cháy nằm ở phía dưới nên khói bốc lên nghi ngút, xộc vào khắp nhà.
Mắt, mũi, cổ họng, thậm chí ngay đến phổi của tôi cũng đau buốt theo từng nhịp thở. Tôi lôi vali ra khỏi gầm giường, chỉ còn mỗi bước mở vali để lấy hộp nhẫn ra là xong, nhưng bởi khói quá đặc nên tôi nhập mã sai mất mấy lần liên.
Trong cơn tức giận, tôi xách vali chạy ra cửa, chỉ mới đó thôi mà đám lửa bên dưới đã bùng lên dữ dội. Luồng khí nóng phả thẳng vào mặt như muốn ép cho người ta không sao thở nổi.
Tôi kéo vali đi xuống mấy bậc cầu thang, song lại cảm thấy làm thế này quá chậm nên dứt khoát đặt thẳng cái vali lại rồi lấy chân đá nó xuống dưới, còn mình thì chạy đuổi theo.
Xuống đến chiếu nghỉ thứ hai, tôi được nhân viên cứu hỏa chạy lên dập lửa tìm thấy rồi dìu xuống dưới.
Ba xe cứu hỏa và hai xe cứu thương đã đậu sẵn bên đường, viên lính cứu hỏa giao tôi cho nhân viên y tế xong lại tức tốc chạy ngược dòng người quay về điểm cũ.
“Thưa anh, anh có thấy khó chịu ở đâu không?” Nhân viên y tế hỏi tôi theo quy trình.
Tôi tránh khỏi tay đối phương, ngồi xổm xuống và thử mở vali thêm một lần nữa, cuối cùng lần này tôi cũng nhập đúng mật khẩu.
Đến khi siết chặt hộp đựng nhẫn trong lòng bàn tay rồi, tôi mới thở phào một hơi nhẹ nhõm.
Tôi vừa đứng dậy thì thấy trước mắt tối sầm, tôi loạng choạng, được nhân viên y tế ở bên cạnh đỡ lấy.
“Anh gì ơi?”
Tôi muốn nói cho người kia biết rằng mình chỉ bị mất sức chứ không làm sao cả, thế nhưng khi mở miệng tôi lại chẳng phát ra được âm thanh nào.
“Tôi…” Tôi cố gắng hết sức nhưng chỉ bật ra được một tiếng khàn đặc khó nghe.
Tôi chạm vào cổ họng mình, vì cơn ngứa dữ dội trong khí quản mà bắt đầu ho hắng, khiến cổ họng càng thêm đau nhức.
Chết tiệt, tôi sẽ không bị câm do bị ngạt khói đấy chứ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.