Niệm Dao Dao

Chương 13:




13.
A Nhã sinh hạ một bé gái. Là một tiểu cô nương phấn điêu ngọc trác, ta nhìn rất thích. Vì chuyện lúc trước nên ta không qua lại bên đó mấy, chỉ nghe nói Hốt Hãn Tà cũng rất thích cô bé này, đặt tên là Đề Lệ, ngụ ý đóa hoa đẹp nhất chốn thảo nguyên. Ngọc Đường bảo A Nhã thừa dịp này nói thay cho Đại Yên thị rất nhiều, Hốt Hãn Tà không tỏ thái độ gì, nhưng vẫn qua chỗ Tang Ca.
Ta nghe được tin này thì không kinh ngạc mấy. Nguyệt Thị và tộc Hung Nô không thể trở mặt đơn giản như vậy, nhưng nếu gieo được khúc mắt giữa họ thì cũng xem như không phí công vô ích rồi.
Ta nghe nói trẻ con nhà khác mới sinh thường hay khóc, nhưng Đồ An lại rất ngoan. Ban ngày nó mở to đôi mắt lau láu nhìn người khác, thấy thích còn cười khanh khách. Nó mới mọc mỗi hai cái răng cửa, nhìn như con thỏ nhỏ, nhưng nó không biết ngượng mà vẫn cười suốt ngày. Ngay cả Đại phi xưa nay không ưa gì ta ôm nó cũng không cầm lòng được, phải ôm đến khi thằng bé đói bụng khóc váng lên mới buông tay.
Ngọc Đường và A Mạc thường xuyên theo bên cạnh ta, hai người thay phiên nhau chăm sóc thằng bé. Ngọc Đường tất nhiên là không cần phải nói, thay tã, cho ăn, ru ngủ đều vô cùng thuần thục. Theo lời con bé nói là lúc hoàng hậu nương nương đưa con bé tới cạnh ta đã tính toán cho nó theo hầu ta cả đời, dù là thị nữ hay là ma ma con bé đều phải biết.
A Mạc không được thế, hắn là một chàng trai từ nhỏ đã lớn lên ở chốn thảo nguyên, mỗi ngày đều được dạy cưỡi ngựa bắn tên, múa đao lộng thương. Đồ An chỉ là một đứa trẻ sơ sinh còn nhỏ xíu, hắn giữ thằng bé trong lồng ngực mà sợ tới mức không dám nhúc nhích.
Ngọc Đường rất thích cười hắn, bảo hắn ôm đứa nhỏ cho con bé đi dọn lều. Ta đứng ở ngoài nhìn cũng không nhịn được mà cười trộm.
Người hầu báo lại lát nữa Hốt Hãn Tà sẽ ghé qua, ta sai Ngọc Đường đi xuống nấu cơm, lại bế đứa bé từ tay A Mạc, bảo: “A Mạc, cắt một ít cỏ cho thỏ ăn giúp ta.”
“Vâng, thưa phu nhân.”
A Mạc rất nhanh nhạy, hái được một bó cỏ xanh non còn đọng cả sương sớm trên đó, rửa sạch sẽ.
Ta ôm con đứng trên tháp vẫy tay với hắn, lại chỉ mấy cái lồng sắt cạnh đó: “Cho chúng nó ăn đi.”
“Dạ.” A Mạc cung kính hành lễ, bỏ cỏ xanh lên bàn, rút ra mấy cọng cho thỏ ăn.
Ta thấy con thỏ đáng yêu, đưa tay lên vuốt ve chúng.
Mành bổng bị nhấc lên, Hốt Hãn Tà bước vào, thấy cảnh này thì hơi sửng sốt. Ta và A Mạc cùng đứng dậy hành lễ: “Thiền vu.”
Hốt Hãn Tà liếc A Mạc một cái rồi đỡ ta dậy. Hắn nhìn mấy con thỏ trên bàn, hỏi: “Bắt về khi nào đấy?”
Ta thả đứa bé lại vào nôi, cởi áo khoát ra cho hắn: “Mấy tháng trước, lúc chàng đánh giặc bên ngoài ấy. Ta mang thai nên chả ai muốn nói chuyện với ta, A Mạc bắt ít con thỏ về cho ta giải sầu.”
Hốt Hãn Tà híp mắt nhìn A Mạc quỳ trên đất, giọng vô cảm: “Được rồi, lui xuống đi.”
A Mạc như trút được gánh nặng, thở dài một hơi rồi lui ra ngoài trướng.
Hốt Hãn Tà xách tai con thỏ lên ngắm nghía, nó hoảng hốt mà giãy giụa loạn xạ. Ta hơi sợ hãi, vội vàng giữ tay hắn lại: “Chàng định làm gì?”
Hốt Hãn Tà liếc ta một cái, thả con thỏ xuống rồi quay qua hôn ta. Ta bị hắn giữ chặt trong lòng, muốn tránh cũng không thể tránh, chỉ đành bất lực. Nụ hôn của hắn dường như mang theo sự tức giận, dùng răng cắn môi ta một phát. Ta tức điên lên, đấm một cái lên vai hắn.
Hốt Hãn Tà buông ta ra, búng trán ta rồi hồi lâu mới cất lời: “Ngọc Đường cũng đến lúc gả chồng rồi nhỉ?”
Lòng ta run lên, nghĩ đến con bé, ấp úng nói: “Nó chỉ mới mười sáu, không vội.”
“A Mạc đã hai mươi rồi, cũng nên cưới vợ. Ta thấy chúng nó rất hợp nhau, chọn một ngày làm lễ đi.”
Ta nắm lấy vạt áo hắn, dẫu môi: “Ngọc Đường xuất giá rồi… ta phải làm sao bây giờ?”
Hốt Hãn Tà nở nụ cười: “Sao lại làm sao bây giờ? Con bé vẫn là nha hoàn của nàng, chỉ là tới tuổi rồi cũng cần dựng vợ gã chồng. Hơn nữa…” Hắn ngừng một chút: “Tới đầu xuân năm sau, ta phải phái A Mạc qua phía Tây rèn giũa rồi. Chuyện này vẫn nên giải quyết sớm thôi.”
***
Ngọc Đường thật ra cũng không ghét chuyện này. Con bé vốn không thích đàn ông Nguyệt Thị thô lỗ, khó khăn lắm mới gặp được A Mạc, con bé cũng vui. A Mạc biết chuyện thì ngày nào cũng tìm gặp Ngọc Đường, khi thì mang cho con bé nhành hoa, khi thì tìm về vài món đồ thú vị, tóm lại chỉ muốn dỗ nó vui vẻ.
Đồ An lớn nhanh như thổi, y phục không vừa nữa. Ta phải lôi kim chỉ ra may thêm, đang lục lọi tìm tấm vải hoa thì lại thấy lại bộ hỉ phục ngày ta gả tới Nguyệt Thị. Lễ phục đỏ rực, phía trên thêu hình tiên hạc đạp gió mà đi.
Đây là mẫu phi may cho ta. Ta nhớ rõ ngày ta xuất giá, mẹ ta không đưa tiễn được nên chỉ đành từng đường từng mũi thêu lên áo ta. Ta bấm đốt tay tính toán, phát hiện sang năm sau là sinh thần bốn mươi tuổi của mẫu phi, nên quyết tâm muốn may cho bà một bộ đồ mừng thọ nhờ hoàng thương ở Nguyệt Thị gửi về.
Sắp xếp xong đống đồ ngủ của Đồ An, ta bắt đầu cầm bút thử vẽ kiểu dáng, ngay cả lúc Hốt Hãn Tà bước vào cũng không để ý. Hắn ôm ta từ đằng sau, hỏi: “Đang làm gì thế?”
Ta hoảng sợ: “Đang vẽ mẫu thêu.”
“Thọ?”
Ta gật đầu: “Mẫu phi của ta… năm sau tròn bốn mươi. Ta không còn cách nào hiếu kính cho bà, nên mới may chút đồ gửi về. Chàng sai thương đội mang về giúp ta được không?”
Hốt Hãn Tà im lặng thật lâu, ta vội bảo: “Ta nhớ lúc trước chàng bảo không cho ta gặp lại người Tề quốc mà, nhưng mà… Mẫu phi sinh ra ta, nuôi ta lớn, ta rất nhớ bà.”
Hốt Hãn Tà cầm bức tranh lên xem, thở dài: “Ban ngày Đồ An có nghịch không?”
“Đồ An ngoan lắm.”
Ban đêm thêu thùa hại mắt, ta sẽ phái ít người hầu qua chăm con giúp nàng, nàng cứ chuyên tâm làm chuyện của mình đi.
“Không cần đâu.” Ta không thích người Nguyệt Thị ở cạnh ta, đến đây lâu như vậy mà bên cạnh ta chỉ có mỗi Ngọc Đường, ngay cả Tào Lô ta cũng không cho nàng lui tới thường xuyên.
Hốt Hãn Tà nhìn ta, ánh mắt không cho phép cãi lại: “Mai ta sẽ phái ít người hầu qua đây. Hôm nay nàng ngủ sớm đi, sáng mai hãy làm.”
Ta không dám cãi lời hắn, chỉ đành im lặng nhận những thị nữ hắn đưa qua. Hắn còn bắt mấy con thỏ đi, bảo súc sinh rất đáng ghét, chờ ta thêu xong hắn cho người gửi đi cũng không muộn.
Ta biết hắn không vui, nhưng việc đã đến nước này, bộ đồ mừng thọ này ta nhất định phải gửi đến mẫu phi.
Lễ cưới của Ngọc Đường được định vào đầu xuân năm sau, xong xuôi hết rồi A Mạc sẽ đi về phía Tây. Ta không đành lòng nhìn bọn họ mới vừa tân hôn đã chia lìa, nhưng cũng không muốn Ngọc Đường rời xa ta. Cả hai cùng mâu thuẫn, ta nghĩ không ra cách nào, đành phải quẳng chuyện này ra sau đầu, chờ đầu xuân năm sau rồi hãy nói. Đồ An đã biết đi, có khi ta dạy nó nói chuyện, nó cũng bì bà bì bõm đáp lời ta.
Một hôm Ngọc Đường vội vàng chạy tới báo ta biết, nói là Tề quốc vừa mới phái sứ giả tới chúc mừng, cung chúc Hốt Hãn Tà có được lân nhi(*), bình định phía Tây. Ta vui vẻ đứng dậy, vốn nghĩ sẽ tiếp kiến thế nào, nhưng nghĩ đến lệnh cấm của Hốt Hãn Tà lại ũ rũ.
(*) Thời xưa, lân nhi ý chỉ bé trai mới sinh, được dùng trong các lời nói chúc mừng
Bức “Thọ” đã được thêu gần xong, ta cũng nhận mệnh. Không gặp cũng được, chỉ cần chuyển đồ cho ta là được rồi.
Nhưng cuối cùng ta vẫn không gửi đi được.
Từ khi có hiệp ước tới nay, Tề quốc, Tây Vực và Nguyệt Thị chung sống hòa bình, không còn trạng thái giương cung bạt kiếm. Ba nước giao thương với nhau, buôn bán qua lại không ít. Sứ giả Tề quốc lần này qua đây mang theo không ít hạ lễ.
Trong đó cũng có quà giành cho ta.
Ngọc Đường biết Hốt Hãn Tà không thích ta tiếp kiến sứ giả Tề quốc nên đã để ta ở trong lều, còn con bé ra ngoài lấy đồ về— là một con diều.
Ta hơi ngạc nhiên, mãi đến khi nhìn dòng chữ viết lên trên đó, ta mới biết vì sao là một con diều không bay được.
“Thiên nhai nhược tỉ lân, hà xử phi ngô hương?”
(Con Cáo dịch tào lao: Nếu chân trời góc bể liền kề, nơi nào chả phải là chốn cố hương?)
Ta trầm mặc nhìn dòng chữ trên thân diều, ngơ ngác hỏi Ngọc Đường: “Hôm nay ai đến?”
“Là tộc đệ của Lưu hoàng hậu, Lưu Miễn.”
Tay ta dần rét run: “Thầy đâu?”
“Lô hầu… Từ khi trở về năm trước, sức khỏe không được tốt lắm…” Ngọc Đường cất lời mà nghẹn ngào, mắt long lanh nước.
Ta thấy nó như thế, nhíu mày hỏi: “Thầy sao vậy? Sức khỏe không tốt rồi có sao không?” Con bé cứ thế thì còn đáng sợ hơn là nói thành lời.
Ngọc Đường “hức” một tiếng rồi quỳ xuống, che mặt khóc, không nói được câu nào.
Lòng ta giật thót, vội ngồi xuống kéo tay con bé: “Thầy sao vậy?”
Ngọc Đường lắc đầu: “Công chúa, không phải Lô hầu… Là thái phi nương nương.”
Đồ của ta cuối cùng cũng không gửi  đi, vì chẳng ai nhận nữa.
Đội sứ giả của Tề quốc đi qua ngàn dặm. Ta nhìn bọn họ đi qua sông núi thảo nguyên, từng bước từng bước trở về nơi ta không thể quay về. Gió núi dữ dội, từng cây cỏ đều lung lay. Ta đứng trên triền núi, trên tay cầm con diều hoàng đế Tề quốc gửi.
“Thiên nhai nhược tỉ lân, hà xử phi ngô hương?”
Hắn không nghĩ tới nếu ta về, đám muội muội đều theo chồng hết cả, cha mẹ cũng chẳng còn, ta về làm gì cơ chứ?
Gió núi thổi qua ánh mắt khô khốc, không có lấy một giọt lệ. Con diều trong tay ta bay phấp phới, ta thả nó lên, là hình cánh én đầu xuân trên cây mộc lan, trông rất dễ thương, nhìn là biết không thuộc về chốn thảo nguyên rộng lớn của Nguyệt Thị.
Ta thả tay ra, con diều bị gió lớn thổi tung lên trời, xoay vòng vòng rồi lại bị một trận gió khác cuốn đi, xa khuất tầng mây.
Đi rồi cũng tốt, đi rồi cũng tốt. Từ nay về sau ta không còn gì lưu luyến, ta cũng có thể an tâm ở lại chốn này. Một năm hai năm ta có thể không quen, nhưng năm năm, mười năm, mười lăm năm, ta rồi cũng sẽ quên chốn cố hương trong trí nhớ, mãi đến khi chết, ta cũng không nhớ lại.
Ngọc Đường ôm Đồ An qua chỗ Tào Lô, để ta ở một mình. Trong lều trống trơn, không rộng lớn bằng điện Nghi Lan nhưng còn tĩnh mịch hơn. Ta cuộn người trên giường, vùi hết cả người trong chăn.
Như mở ra một không gian riêng, trong đó ta muốn làm gì cũng được.
Ta không biết Hốt Hãn Tà tới từ lúc nào, chỉ biết lúc ta nhìn thấy hắn, nước mắt ta không nhịn được mà rơi như mưa. Ta gục đầu lên vai hắn, tất cả những uất ức cùng nhớ thương đều trút ra hết—
“Ta đã không còn a nương nữa rồi. Phụ thân ta đã mất, ngay cả a nương ta cũng đi rồi.”
“Ta chỉ muốn quay về, lạy hai người một lạy.”
“Hốt Hãn Tà, ta chỉ muốn về lăng mộ của bọn họ dập đầu.”
Ta chỉ muốn dập đầu lạy họ một lần.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.