Ôn Nguyễn Của Tri Hoán

Chương 73:




Edit: Cải Trắng
“Nguyễn Nguyễn à, ở đó đông lắm, không an toàn đâu con.”
Tạ Ngải nắm lấy tay Ôn Nguyễn, kiên nhẫn khuyên nhủ: “Chúng ta đến chỗ khác chụp được không con? Gần đây không phải cũng có mấy cây sao?”
“Nhưng con lỡ đồng ý với ông sẽ thay ông bà chụp thật nhiều ảnh đẹp ở đó rồi! Thế nên nhà mình tới tán cây anh đào lớn đó chụp nha mẹ! Thầy con bảo công viên giải trí kia nổi tiếng là vì có cái cây ấy đấy mẹ!”
Ôn Nguyễn múa tay lung tung trong không khí để miêu tả hình tròn siêu bự, phồng má làm nũng: “Đi mà đi mà mẹ! Sức khỏe của bà không tốt nên đành chịu chứ không con nghĩ chắc chắn bà muốn được ngắm cây hoa anh đào đẹp nhất!”
Tạ Ngải lắc đầu bất lực, nắm tay Ôn Nguyễn đi về phía nườm nượp người ra kẻ vào.
Dòng người đông đúc chen chúc xô đẩy. Sau đấy, chẳng biết ai vô ý huých mạnh một phát vào vai Tạ Ngải, làm bà rơi cả túi lẫn camera xuống đất.
Bà cau mày, buông tay Ôn Nguyễn, ngồi xổm xuống nhặt đồ rơi dưới đất lên.
Tới khi bà đứng dậy, quơ tay sang bên cạnh trong vô thức để tiếp tục nắm tay con gái thì phát hiện Ôn Nguyễn vốn đứng cạnh mình chẳng biết từ lúc nào đã lẫn trong dòng người qua lại.
“Nguyễn Nguyễn! Nguyễn Nguyễn!”
Buổi chiều là thời gian công viên đông người nhất.
Tạ Ngải gào thét khản cả giọng, hét gọi con tới khi không thể nói thành lời nữa vẫn không nghe được tiếng Ôn Nguyễn đáp lại.
Mãi cho tới buổi tối hôm đó, cục cảnh sát thông báo rằng họ tìm thấy Ôn Nguyễn trong chiếc thùng rác ở công viên đang chờ để vận chuyển ra ngoài.
Cũng may, ngoại trừ vết đập sau gáy dẫn tới hôn mê, không còn bất kỳ vết thương nào khác.
Lúc Tạ Ngải và Ôn Phong Thần chạy tới bệnh viện cũng là lúc Ôn Nguyễn bừng tỉnh khỏi cơn mê.
Cô lúc đó rất yếu. Ngay khi thấy cha mẹ xuất hiện, cuối cùng cô cũng không chịu nổi nữa, quai hàm bạnh ra, hốc mắt ầng ậc nước, gào khóc nức nở.
Cha mẹ thì xót con, thấy con gái khóc vội vàng lao tới ôm an ủi.
Phải đến mười phút sau, Ôn Nguyễn mới bình ổn lại cảm xúc. Tuy nhiên, cô vẫn thút tha thút thít nức nở, thỉnh thoảng lại nấc cụt một cái.
Dù giọng khàn đặc, nhưng Tạ Ngải vẫn dịu dàng dỗ cô: “Nguyễn Nguyễn ngoan nào. Con phải nhanh khỏe để còn xuất viện nhé? Về nhà rồi lại được đi tìm các bạn chơi.”
Ôn Nguyễn nằm trong lòng Tạ Ngải gật đầu đồng ý, nghẹn ngào nói bằng chất giọng non nớt: “Vâng ạ!”
Nghĩ một hồi, cô nói: “Con phải mau chóng khỏe lại, nhanh nhanh xuất viện để còn đi chụp cây hoa anh đào kia cho ông xem nữa!”
Nhưng không đợi Ôn Nguyễn kịp xuất viện, người thầy già đã đệ đơn từ chức, ngừng dạy lớp nghệ thuật.
Bức ảnh kia, cuối cùng chẳng đến được tay ông cụ.
*
“Cụ Trương hả? À bác biết, bác có ấn tượng khá sâu sắc với ông cụ.”
Bác gái làm trong ban của tổ dân phố rảnh rỗi ngồi tán gẫu đôi câu với Phó Tri Hoán và Ôn Nguyễn, cắn hạt dưa xong thở dài nói: “Cụ ấy qua đời cách đây mười năm rồi. Ông cụ đáng thương lắm, bạn đời mất sớm, suốt ngày cứ loanh quanh lủi thủi một mình.”
Sau khi xác nhận lại với gia đình, Phó Tri Hoán mới biết lớp nghệ thuật Phó Dư Tình theo học năm đó cùng một chỗ với Ôn Nguyễn.
Thầy giáo, cũng cùng một người.
Một vụ án suốt bao nhiêu năm qua không kiếm ra manh mối, cuối cùng giờ cũng xuất hiện điểm trùng hợp mang tính mấu chốt.
Ông cụ ấy tên Trương Chí Vĩ, thời trẻ từng là nghệ sĩ đường phố, sau đó thì xin vào đoàn nghệ thuật làm việc. Tiền lương tuy không cao nhưng gắng gượng chút cũng đủ cho gia đình sống qua ngày.
Tới khi lớn tuổi thì có ở trong đoàn nghệ thuật cũng chẳng làm được việc gì nên ông cụ chuyển hướng sang làm thấy giáo cho một trung tâm chuyên mở lớp dạy nghệ thuật.
“Haiz, số ông ấy khổ lắm.Vất vả nuôi con trai khôn lớn, rồi lớn lên thằng con ấy lại trở thành đứa bất hiếu.”
Nói đến đây, bác gái dừng cắn hạt dưa, nhìn ngang ngó dọc mấy giây xong vẫy tay với Ôn Nguyễn, thì thầm rằng: “Con của ông cụ ấy hư từ nhỏ, nhìn là biết sau này lớn lên thuộc dạng không học vấn không nghề nghiệp. Trước kia nó dính líu tới nhiều vụ lắm, ngày nào cảnh sát cũng tới tóm người. Thế mà chẳng hiểu sao khoảng hai mươi năm trước, nó bất ngờ có rất nhiều tiền. Mọi người hỏi nó làm gì mà có nhiều tiền thế thì nó không nói, nhưng lần nào về cũng vàng bạc đeo đầy người, có cả siêu xe đỗ xịch bên dưới.”
“Nhưng có tiền cũng có ích gì đâu. Thằng đấy lòng dạ thâm độc lắm! Mới đầu một năm còn trở về thăm ông cụ cỡ một, hai lần gì đó, sau này thì mặc kệ luôn. Ông cụ ấy cầm lương hưu đau khổ dè xẻn từng đồng một, được bữa nay lo bữa mai, khỏi phải nói cũng biết thảm thế nào.”
Bác gái vừa nói vừa tức giận vỗ đùi đánh “đét” một cái: “Mười năm trước, không biết cụ Trương nghĩ quẩn thế nào mà dứt khoát nhảy từ ban công xuống, mất mạng luôn. Âu có lẽ cũng do ông ấy khổ quá, không chịu nổi nữa.”
Phó Tri Hoán cau mày, mở miệng hỏi: “Bác này, trước kia người dân sống trong tiểu khu có ai cảm thấy cha con nhà họ rất kỳ lạ không? Hoặc là cảm thấy hai người đó rất đáng để chú ý?”
Bác gái xoa cằm suy nghĩ một lúc, sau đó vỗ tay phát như bừng tỉnh, ghé sát vào hai người nói: “Có! Hai người cũng biết rồi đấy, mấy bà già rảnh rỗi như chúng tôi bình thường rất hay ngồi lê đôi mách, bàn tán chút chuyện trong nhà. Vừa hay, hàng xóm sống đối diện nhà cụ Trương có quan hệ khá thân thiết với bác.”
“Cụ bà sống trong căn hộ đối diện nhà cụ Trương ban đêm rất hay mất ngủ, mỗi lần như thế đều bò dậy xem TV. Không ngờ có một hôm, bà ấy loáng thoáng nghe thấy tiếng cụ Trương cãi nhau với con trai. Cụ thể ra sao không rõ nhưng có nghe được mấy từ kiểu “con của người có tiền”, “chết người rồi”. Mà chỉ cần thế thôi đã đủ hãi rồi! Có điều, từ đó về sau, tinh thần cụ Trương càng ngày càng kém.”
Ôn Nguyễn hít sâu một hơi, hỏi: “Vậy bác biết con trai cụ Trương giờ đang sống ở đâu không ạ?”
Bác gái lắc đầu: “Bác không biết. Bọn bác không quen thân gì với nó cả.”
Sau khi cảm ơn và chào tạm biệt bác gái trong ban tổ dân phố, Phó Tri Hoán với Ôn Nguyễn quay lại xe, lái tới đồn cảnh sát ban nãy.
Xe mở radio. Giọng phát thanh viên nữ trong veo khỏe khoắn, thông qua sóng âm mang tới tin tức nóng hổi: “Vụ án về một cháu bé bị hành hạ đến chết xảy ra cách đây hai mươi năm đã có bước tiến triển mới. Mặc dù từ đó tới nay hung thủ chưa bị bắt, nhưng dưới sự nỗ lực không ngừng của cảnh sát, cuối cùng họ cũng bắt được manh mối mang tính đột phá. Có người liên quan tới vụ án năm xưa đã ra tự thú…”
“Cạch!”
Ôn Nguyễn đưa tay tắt radio.
Phó Tri Hoán cụp mắt nói: “Cảm ơn em.”
Ôn Nguyễn lắc đầu, cười nhẹ nói: “Có gì đâu. Chúng ta cũng ghi âm cả cuộc trò chuyện với bác gái ban nãy rồi mà. Bây giờ cảnh sát lật án, một lần nữa vào cuộc, chắc chắn sẽ nhanh chóng tìm ra con trai cụ Trương thôi. Đến lúc đó chỉ cần so DNA là biết chân tướng.”
“Chắc chắn hung thủ sẽ bị đưa ra trước công lý.”
Ánh mắt Phó Tri Hoán dần trở nên ấm áp theo từng lời Ôn Nguyễn nói, không còn lạnh lùng và đáng sợ như ban đầu nữa.
Tiếng cười của anh rất khẽ, tưởng chừng như đó chỉ ảo giác thoáng qua. Anh đáp: “Ừm, anh cũng tin là vậy.”
Sau khi tắt radio, bầu không khí trong xe rơi vào yên tĩnh. Thứ duy nhất có tiếng vang là tiếng gió thổi đập vào kính xe, ồn ào đến mức làm lòng người rối bời.
Khi chân tướng ngày một áp sát, Phó Tri Hoán phát hiện, mớ cảm xúc cứ ngỡ bản thân đã khống chế tốt từ lâu, nay lại quấy nhiễu anh tới chật vật.
Anh đã đánh giá bản thân quá cao.
Anh không thể nào bình tĩnh khi đối mặt với kẻ đã gây tổn thương cho người nhà mình, cũng không thể duy trì lý trí tuyệt đối khi nghe những lời làm chứng ám ảnh máu me.
Anh không chấp nhận được sự thật. Chấp nhận sự thật rằng Phó Dư Tình đã chết dưới tay một kẻ đê hèn như thế.
Cuối cùng, bọn họ cũng gặp một cái đèn giao thông chuyển đỏ. Phó Tri Hoán mím môi, tựa người vào lưng ghế, yên lặng ngẩng đầu nhìn đèn. Con ngươi đen láy lạnh tanh không chút cảm xúc, trống rỗng không chứa nổi bất cứ vật gì.
Có con chim sẻ vỗ cánh bay lên đậu bên trên đèn giao thông. Xong xuôi, nó đập cánh thêm mấy cái, xoay tới xoay lui chọn vị trí đặt chân thoải mái nhất.
Phó Tri Hoán bình tĩnh thu hồi ánh mắt.
Nhưng những lúc như này, con người cũng như mặt biển phẳng lặng bất thường vậy, phía sau sự bình yên kia là cơn sóng thần có thể ập tới bất cứ lúc nào. Ngay giây sau, có tiếng vang lớn đột ngột vang lên…
Phó Tri Hoán siết chặt tay thành quyền, đập mạnh vào bệ để đồ phía trước, mạnh đến mức làm túi thơm treo dưới kính chiếu hậu cũng đung đưa theo.
Chú chim sẻ đậu trên đèn giao thông hình như cũng cảm nhận được cơn rung vừa rồi, đột ngột vỗ cánh bay đi.
Ôn Nguyễn nghe tiếng nhưng không nói gì, bình tĩnh quay qua nhìn Phó Tri Hoán.
Nhẹ nhàng, bình tĩnh quan sát anh.
Phó Tri Hoán siết tay đến run rẩy. Anh hít sâu một hơi tự điều chỉnh lại hô hấp, thu tay về nắm lấy vô lăng, nghẹn giọng nói: “Xin lỗi em. Để em bị dọa rồi.”
Ôn Nguyễn bật cười, quay đầu tiếp tục nhìn thẳng phía sau. Một lúc sau, cô dịu dàng gọi: “Phó Tri Hoán.”
“Hửm?”
“Anh trai của Phó Dư Tình tuyệt vời lắm!”
*
Hai mươi năm trước.
Tiếng gió dồn dập đập vào khung cửa sổ như tín hiệu báo rằng sắp có một trận bão càn quét qua làm dấy lên sự hoảng hốt, khiến cho căn phòng sáng sủa bị bao trùm bởi cảm giác âm u.
“Không, cha không làm được!”
Trương Chí Vĩ vỗ mạnh bàn một cái, chắp tay sau lưng đi tới đi rồi giơ ngón trỏ chỉ thẳng vào mặt con trai là Trương Hồng Duệ: “Mày xem lại mình đi, sao mày có thể nghĩ ra đến việc làm chuyện kinh tởm như thế hả? Đứa trẻ nào cũng là báu vật vô gió của cha mẹ, mày bảo người ta bắt cóc những đứa trẻ ấy đi thì cha mẹ sống thế nào hả?”
Trương Hồng Duệ ngồi trên sofa nghe vậy cũng chỉ nhếch mép cười nhạt: “Thế mới nói, con làm thế không phải bắt cóc, mà chỉ là mượn đứa bé một tí thôi. Con nghe nói, lớp nghệ thuật cha đang dạy có rất nhiều cô bé là con của gia đình có tiền đúng không? Cha cứ lừa chúng nó đến công viên hoa anh đào một chuyến, trong đó có người của chúng ta rồi. Mình giữ đứa bé một lúc để moi tiền các phụ huynh thôi, xong chuyện thả người luôn.”
“Không được!”
Trương Chí Vĩ tức tới đỏ mặt tía tai. Ông tự đấm ngực mình cho xuôi giận rồi vớ cái chổi lông gà đập Trương Hồng Duệ, tiện tay cầm luôn điện thoại lên: “Tao phải báo cảnh sát! Không thể để mày tiếp tục làm những chuyện hại người như thế được!”
“Cha báo cảnh sát đi! Đến lúc đó mẹ con chết trong bệnh viện có phải cha sẽ rất vui không?”
Trương Hồng Duệ đứng phắt dậy, cao giọng nói: “Cha tự ngẫm lại xem một ngày mẹ nằm trong bệnh viện sẽ đốt bao nhiêu tiền? Cha có bán thận lấy tiền cũng không đổi được nhiều tiền như thế đâu. Nếu không phải con mặt dày mày dạn cầu xin, có khi mẹ đã sớm không có giường để nằm rồi. Cha có bản lĩnh thì báo cảnh sát đi! Từ ngày mai cả gia đình chúng ta sẽ ngồi im chờ chết!”
Câu nói ấy làm ông chết sững.
Trương Chí Vĩ run tay làm rơi điện thoại xuống đất, lảo đảo lui về sau mấy bước ngã ngồi trên sofa, ôm đầu nghĩ tới người bạn đời đã sống với mình hơn nửa đời người, lưỡng lự không quyết.
Con người luôn luôn ích kỷ như vậy đấy.
Bình thường thì bô bô cái miệng nói toàn đạo lý, nhưng tới lúc phải đưa ra lựa chọn, cán cân trong nghiêng chung quy vẫn nghiêng về nghĩ cho bản thân.
Không dám thừa nhận mình là kẻ xấu, chỉ biết vừa làm, vừa tìm cho mình những lý do không thể từ chối.
Nếu ông không làm vậy, bạn già sẽ mất mạng.
Ông làm vậy là do bất đắc dĩ.
Ông đã nhiều lần tự nhủ rằng: Mình làm vậy là vì muốn người thương sống sót, do bị dồn đến đường cùng mới phải làm vậy thôi.
Có điều, đây là tật xấu chung của hầu hết kẻ ác.
Trương Chí Vĩ cắn răng đồng ý với lời đề nghị của con trai, trước đó không quên để lộ chút “chính nghĩa” của bản thân: “Nhất định không được làm hại đến mạng người.”
Nghe mới cảm động và đầy chính nghĩa làm sao!
Nhưng chung quy vẫn là người không có liêm sỉ, chỉ biết dùng câu đó để chừa lại cho mình một con đường sống, tự thôi miên bản thân vẫn là người lương thiện.
Mãi về sau, tới khi nghe được tin tức rợn người kia, Trương Chí Vĩ mới biết được quyết định của mình gây ra tai họa khủng khiếp đến cỡ nào.
Ban đêm, ông với con trai lời qua tiếng lại.
“Trẻ con bé tí như thế mà mày cũng ra tay được! Mày đúng là cái thằng súc sinh! Tao, tao phải báo cảnh sát!”
“Thôi đi, giờ ông có báo thì ông cũng sẽ bị bắt. Tôi phục ông luôn rồi đấy! Đến nước này rồi mà còn giả bộ như mình là người tốt, con bé kia chẳng phải là người ông lừa tới đó sao? Tôi là súc sinh thì ông là loại gì? Được thôi, ông báo đi! Hai ta bị bắt, mẹ tôi cũng rút luôn ống thở!”
Một câu trí mạng.
Những tán cây phát triển đều nhờ bộ phận rễ cắm sâu dưới lòng đất hút chất dinh dưỡng.
Cái ác công khai như những cành cây vươn ra bên ngoài hay tội ác ẩn sâu dưới lòng đất như rễ cây, về bản chất chẳng có gì khác nhau.
Trương Chí Vĩ lùi bước thêm lần nữa.
Vẫn là cái cớ cũ.
“Tôi làm tất cả những điều này là vì người bạn già, để người thân mình có thể sống sót.”
Tôi không làm vì bản thân.
Tôi là người lương thiện, làm vậy vì bất đắc dĩ.
Nhưng cuối cùng, bao nhiêu cũng chẳng thể cứu sống vợ ông.
Trước khi đi, bà cụ trừng to mắt, cổ họng khô khốc phát ra những tiếng rên rỉ khò khè.
Không ai hiểu bà cụ muốn nói gì, nhưng Trương Chí Vĩ biết, điều này đồng nghĩa với việc tội ác mình che giấu bấy lâu nay bị rạch nát.
Con trai tiếp tục làm những chuyện ghê tởm ngay dưới mí mắt ông nhưng ông giờ chẳng dám nhắc tới hai chữ báo cảnh sát nữa.
Bẵng đi mấy năm, ông mới dần dần ngộ ra sự thật rằng, miệng mình luôn nói làm tất cả vì người mình yêu nhưng thực chất là lấy người nhà ra làm bia đỡ đạn.
Cuối cùng, ai cũng vì muốn bản thân có thể sống sót.
Ngôi nhà càng lúc càng lạnh, tinh thần ông liên tục bị tra tấn bởi các cơn ác mộng, dần dà dẫn đến suy nhược trí óc.
Mỗi lần mở mắt nhắm mắt đều thoáng hiện lên hình ảnh những đứa trẻ năm ấy.
Vào ngày sinh nhật lần thứ 73, Trương Chí Vĩ quyết định tặng cho bản thân một món quà.
Giải thoát.
*
Phó Tri Hoán nhận được một cuộc gọi.
“Cậu Phó, sau khi trải qua nhiều lần điều tra chúng tôi đã tìm được tung tích con trai Trương Chí Vĩ – Trương Hồng Duệ. Qua so sánh hai mẫu DNA, chúng tôi cũng xác nhận được ông ta là người đã hại chết em gái cậu. Nhưng…”
“Nhưng sao?”
“Hai tháng trước, Trương Hồng Duệ được chuẩn đoán mắc ung thư não giai đoạn cuối, hiện đang nằm trong phòng điều trị tích cực. Bác sĩ nói thời gian của ông ta không còn nhiều.”
Tác giả có lời muốn nói: Dựa theo tuyến thời gian, năm Trương Hồng Duệ ra tay là 39 tuổi, Trương Chí Vĩ 63 tuổi.
Hai mươi năm sau, Trương Hồng Duệ bây giờ khoảng 59, 60 tuổi.
- -----oOo------

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.