[Pháp Y Tần Minh Hệ Liệt] Người Giải Mã Tử Thi

Chương 7.3: Vụ án thứ bảy – Cậu bé mắt to - Phần 3




Hôm sau là ngày nghỉ, tôi vui vẻ chạy đến tiệm đồ chơi, mua cho bé Thanh Hoa một món quà nho nhỏ, rồi ôm 5000 tệ đến bệnh viện nhân dân tỉnh.
Khi tôi đến đó liền phát hiện không khí ở đây hơi khác lạ. Nhiều bác sĩ và y tá không ở phòng làm việc của mình, cũng không đi khám bệnh mà vội vã chạy tới phòng hồi sức cấp cứu. Hai chiếc xe cảnh sát rú còi inh ỏi cũng lao về hướng đó.
Tôi không để ý nhiều, lập tức đi đến khoa ngoại thần kinh. Dãy phòng bệnh vắng hoe, một cảm giác bất thường ùa lên trong lòng tôi. Tôi vội vàng cầm đồ chơi mua cho bé Thanh Hoa, bước đến trước cửa phòng bệnh của thằng bé.
Trong phòng không có một bóng người.
Lòng tôi chợt run lên. Tôi chạy tới phòng trực, thấy bác sĩ trực ban đang chống tay lên cửa sổ, nhìn đăm đăm xuống phía xa dưới kia.
“Bác sĩ, tôi là bạn của bệnh nhân giường 17 Ngô Thanh Hoa, xin hỏi…”
Bác sĩ trực đưa tay chỉ xuống: “Tôi cũng đang xem đây. Nghe nói bệnh nhân giường số 17 mất tích từ tối qua, sáng nay phát hiện thấy đã chết đuối ở hồ nước trước phòng hồi sức cấp cứu.”
Tôi bỗng thấy trời đất quay cuồng, ném món quà trên tay xuống, chạy như điên về phía phòng hồi sức cấp cứu.
Quanh hồ nước có rất nhiều bác sĩ, y tá, người nhà bệnh nhân đứng xem xét. Tiếng khóc thảm thiết lẫn giữa đám người lố nhố. Tôi tách mọi người ra, đưa giấy chứng nhận công tác cho công an đang đứng bảo vệ, rồi vén dải phân cách đi tới bên hồ.
Hồ này rất nhỏ, nước chỉ tầm 1,2 mét, không sâu nhưng cũng đủ ngập quá đỉnh đầu bé Thanh Hoa.
Bên hồ có vài người cảnh sát, đều là những người tôi quen. Thi thể đã được vớt lên, đàn anh Lý Hoa của tôi đang tiến hành khám nghiệm bên ngoài thi thể.
Bước chân tôi nặng trĩu, tôi chầm chậm tiến tới gần thi thể.
Một khuôn mặt quen thuộc, một đôi mắt to tròn thân quen, trong ánh mắt còn đọng nỗi hoảng sợ, sự bất lực vô tận.
Người chết chính là bệnh nhân đầu tiên của tôi, đứa bé khiến người ta yêu thương, đứa bé khiến trái tim người ta đau đớn – bé Thanh Hoa.
Bé Thanh Hoa nằm đó không chút sức sống, đôi mắt to đáng yêu vẫn mở… nhưng đã đánh mất tia sáng. Bố của Thanh Hoa, Ngô Kính Phong ngồi ngoài dải phân cách, âm thầm nức nở. Phó Ngọc dường như đã khóc lóc hồi lâu, có lẽ đã kiệt sức, thất thần ngồi bên cạnh Ngô Kính Phong, nước mắt còn chưa kịp khô, ánh mắt tuyệt vọng nhìn lên trời xa thẳm. Họ đều không nhận ra sự có mặt của tôi.
Khoang mũi miệng của bé Thanh Hoa đầy bọt nước, hai tay nhỏ nắm chặt toàn những rong rêu. Khám nghiệm bước đầu cho thấy nguyên nhân tử vong là chết đuối, không nghi ngờ gì nữa.
Bác sĩ Lý quay đầu nhìn thái độ kinh ngạc của tôi, hỏi: “Sao thế? Người quen à?”
Tôi ngơ ngẩn gật đầu.
“Đứa bé trông rất dễ thương, thật đáng tiếc.” Bác sĩ Lý cúi đầu tiếp tục làm việc.
“Kiểm tra kết mạc thấy có nốt xuất huyết, móng tay xanh tím, có triệu chứng ngạt thở rõ ràng.” Bác sĩ Lý vừa khám nghiệm, vừa chậm rãi nói: “Niêm mạc mũi, miệng không có tổn thương, da cổ không có vết thương, không xuất huyết.”
Đây là phương pháp khám nghiệm bên ngoài thi thể, sau khi đã xác định nguyên nhân tử vong là do ngạt thở, cần phải kiểm tra xem có bị tác động bạo lực từ bên ngoài như bịt mũi miệng hoặc bóp nghẹt cổ hay không. Sau khi làm công tác loại bỏ các trường hợp này, phải xác định nguyên nhân tử vong thêm lần nữa, kết hợp giữa phương pháp loại trừ và biện pháp nhận định để đưa ra kết luận, tránh sai sót hoặc nhầm lẫn dẫn đến kết luận sai.
“Khoang mũi miệng có bọt nước, trong tay có mẫu vật rong rêu.” Bác sĩ Lý vừa nói vừa lấy mẫu rong rêu dưới nước, “Khớp với hình thái rong rêu trong hồ.”
Một bác sĩ pháp y thực tập cùng đợt với tôi đang đứng bên cạnh ghi chép lại lời miêu tả của bác sĩ Lý.
“Khám nghiệm bước đầu, nguyên nhân tử vong rất đơn giản, là chết đuối.” Lý Hoa quay lại nói với tôi, “Là họ hàng của cậu hay là người quen?”
“Là người quen”, tôi thuận miệng đáp. Lúc này tâm trạng của tôi rất phức tạp. Không biết có phải vì còn chút luyến tiếc với bé Thanh Hoa hay không, mà tôi cảm thấy ngờ vực, thấp thỏm không yên. Một đứa bé mang bệnh nặng, lại đi mấy trăm mét đến chỗ hồ nước rồi trượt chân ngã xuống, chuyện này thật khó tin. Nó trốn khỏi sự trông nom của bác sĩ, y tá và cha mẹ bằng cách nào? Đêm hôm khuya khoắt còn đến đây làm gì?
Tôi tới chỗ vợ chồng Ngô Kính Phong đang ngồi, nhẹ giọng hỏi: “Rốt cuộc là đã xảy ra chuyện gì?”
Ngô Kính Phong dường như đang bận lòng nghĩ ngợi gì đó, đột nhiên nghe thấy tôi hỏi liền hoảng sợ: “ A… A… Bác sĩ Tần? Tôi cũng không biết, tối hôm qua chúng tôi ra nhà vệ sinh bàn chuyện tiền nong thuốc thang, có lẽ lúc đó Thanh Hoa tự mình chạy ra ngoài. Chúng tôi tìm cả đêm, không ngờ nó… nó… U hu hu hu hu…” Nói xong Ngô Kính Phong lại bật khóc, khóc đến mức hai tay run lẩy bẩy.
Tôi an ủi họ đôi ba câu, rồi quay lại hiện trường.
Lúc này bác sĩ Lý đã cởi bỏ quần áo của bé Thanh Hoa, cần thận kiểm tra khắp cơ thể thằng bé: “Toàn thân không có vết thương trí mạng.”
Đột nhiên tôi cùng bác sĩ Lý đồng thời chú ý tới một vết sẫm màu nhỏ trên vai Thanh Hoa. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi nhận định đây là một vết xuất huyết dưới da, nói cách khác, đó là dấu hiệu bị tổn thương. Bác sĩ Lý cũng nhìn chăm chú, rồi nhỏ giọng nói: “Khả năng là có vấn đề.”
“Có chắc là xuất huyết dưới da không?” Tôi hỏi. Thật ra tôi biết, đây chắc chắn là xuất huyết dưới da, hơn nữa còn là hình thành trước khi chết không lâu.
Lý Hoa gật đầu.
“Có lẽ là tổn thương hình thành khi rơi xuống nước, bị va chạm vào đâu đó.” Tôi không muốn tin rằng có người sẽ làm đau một đứa trẻ đáng yêu lại bệnh nặng như vậy. Thằng bé được yêu thích đến thế nào chứ? Mọi người thương nó còn không hết, sao có thể làm đau nó đây? Trừ khi…
“Vị trí này nằm ở phần lõm trên vai, nếu là tổn thương hình thành do va chạm thì phải ở những chỗ nhô ra như bả vai, cổ, đầu… Không thể có chuyện chỗ nhô ra không bị thương, mà lại bị thương ở chỗ lõm vào được.” Bác sĩ Lý nói.
“Nếu là va đập vào vật cứng bất ngờ xuất hiện thì sao?” Dù tôi không muốn tin rằng có người sẽ sát hại bé Thanh Hoa, nhưng nhìn bờ hồ bằng phẳng cùng mặt nước yên ả, tôi biết khả năng này là không thể xảy ra.
“Tôi cảm thấy tình huống có khả năng lớn nhất là sau khi thằng bé rơi xuống nước, có vật cứng đè xuống vai nó, không cho nó nổi lên.” Bác sĩ Lý nghiến răng nói.
Tôi quay đầu nhìn hai vợ chồng Ngô Kính Phong. Phó Ngọc vẫn kiệt sức ngồi tựa vào chồng, mông lung nhìn lên bầu trời. Mà Ngô Kính Phong lại ngừng khóc, dường như đã nhận ra điều gì, nhìn vào phía bên trong dải cách ly. Bất chợt anh ta bắt gặp ánh mắt của tôi, vội nhìn tránh ra chỗ khác.
Cảm giác khó hiểu trong lòng tôi lại dâng lên.
Tôi lấy găng tay từ hộp dụng cụ khám nghiệm ra, bắt đầu giúp bác sĩ Lý kiểm tra hai tay của bé Thanh Hoa. Chúng tôi đểu biết rằng trong các vụ án mạng, hai tay của nạn nhân thường có lưu lại thông tin hoặc chứng cứ. Thậm chí đôi khi còn có thể trở thành chứng cứ quan trọng.
Lúc này thi thể của bé Thanh Hoa đã cứng lại, tôi tốn nhiều sức lực mới mở được hai bàn tay ra. Bỗng nhiên tôi phát hiện ra một vài hiện tượng không bình thường.
Tôi phát hiện trong lòng bàn tay phải của bé Thanh Hoa có một cái dằm. Mảnh dằm nhỏ cứng đâm sâu vào da thằng bé.
Chúng tôi dùng kẹp rút mảnh dằm ra, sau khi quan sát kỹ, chúng tôi đồng thanh: “Là dằm trúc!”
Nhưng ở hiện trường không thấy một bóng trúc, trong hồ lại càng chẳng có. Quan trọng hơn là nhìn vết thương trên bàn tay bé Thanh Hoa có thể thấy phản ứng sinh hoạt (1)không quá rõ ràng. Nói cách khác, khi dằm trúc đâm vào tay thì bé Thanh Hoa đã rơi vào tình trạng hấp hối.
“Việc này tương đối khả nghi.” Lý Hoa vừa nói vừa gọi một người cảnh sát tới, “Mang thi thể về giải phẫu, có thể là án mạng.”
“Án mạng?” Phía cảnh sát vẫn cho rằng đây là vụ tai nạn ngoài ý muốn, bởi vậy rất ngạc nhiên, “Ai giết thằng bé? Chẳng lẽ là…?” Nói rồi nhìn ra phía ngoài dải cách ly nơi vợ chồng Ngô Kính Phong đang ngồi.
Bác sĩ Lý không nói gì, tôi lại chú ý tới sự thay đổi của Ngô Kính Phong. Có lẽ anh ta đã loáng thoáng nghe thấy chúng tôi trao đổi, thân thể bắt đầu run rẩy.
“Vậy bố mẹ thằng bé…” Cảnh sát hỏi.
“Cứ đưa hết về đồn đã.” Bác sĩ Lý nói.
Anh cảnh sát đáp một tiếng rồi đi ra chỗ hai vợ chồng Ngô Kính Phong. Tôi thực sự không đành lòng nhìn cảnh tang tóc này, con vừa chết, hai vợ chồng đã đau khổ đến thế còn phải lên đồn công an. Tôi quay đầu đi, không dám nhìn thêm nữa.
Đột nhiên, tôi nghe thấy Ngô Kính Phong khàn giọng kêu khóc: “Thanh Hoa, bố xin lỗi con, bố không muốn con đau đớn thêm nữa. Con đau, bố càng đau hơn!”
Tôi giật mình quay đầu nhìn lại. Thấy Ngô Kính Phong quỳ trên mặt đất gào khóc. Phó Ngọc vẫn ngồi ngẩn người, nhìn lên trời cao.
Thế này chẳng khác nào nhận tội, là Ngô Kính Phong đã giết bé Thanh Hoa. Nhìn tình trạng của Phó Ngọc, có lẽ chị ấy cũng biết hết ngọn nguồn.
Không gian bỗng lặng ngắt, trừ Ngô Kính Phong vẫn đang khóc thảm thiết, còn mọi người đều yên lặng. Những người đứng đó sợ đến ngây người, họ không thể tưởng tượng được chuyện một người cha đủ tàn nhẫn để giết chết con đẻ, thậm chí là tận mắt chứng kiến con mình từ từ chết đuối.
“Không ngờ suy đoán của chúng ta lại được xác minh nhanh như vậy.” Bác sĩ Lý vỗ vai tôi như an ủi, “Chúng tôi về nhà xác tiến hành giải phẫu, cậu có đi không? Dù muốn hay không, cậu cũng không nên đi. Tôi sợ cậu không chịu nổi, hơn nữa nếu là người quen của cậu thì theo quy định, cậu không được tham gia.”
Tôi như không nghe thấy bác sĩ Lý nói gì, đầu óc trống rỗng, những thứ không muốn thấy cứ hiển hiện trước mắt. Trong lúc nhất thời tôi choáng váng, không biết nên làm gì.
“Này, không sao chứ?” Bác sĩ Lý quan tâm hỏi.
“Không… Không sao.” Tôi phục hồi tinh thần.
Nước mắt tuôn rơi. Vì bé Thanh Hoa đáng thương. Vì đôi vợ chồng số khổ ấy.
“Anh nói gì cơ? Giải phẫu? Vẫn còn cần giải phẫu ư?”
“Đúng vậy, giải phẫu là cần thiết, xây dựng chứng cứ vững chắc. Nếu là vụ án cố ý giết người thì phải khởi tố. Khi đó cần đến chứng cứ.”
Nghe đến “cố ý giết người”, lòng tôi chấn động mạnh. Tôi thật không muốn đôi vợ chồng khổ sở ấy bước lên đoạn đầu đài.
“Nhưng bọn họ cũng vì không muốn con mình phải đau đớn nữa. Pháp luật có thể vô tình vậy sao?” Tôi nói, “Hổ dữ không ăn thịt con, anh ta cũng vì không còn cách nào khác.”
Bác sĩ Lý nhún vai, tỏ vẻ hiểu được cảm xúc của tôi, nói tiếp: “Chúng ta giải phẫu thi thể còn có mục đích khác, chính là xác minh tình trạng bệnh tật của thằng bé lúc còn sống. Nếu là bệnh nan y, hơn nữa là bệnh nặng rất đau đớn, tôi tin rằng nếu chúng ta viết rõ bệnh trạng vào biên bản giảm định, thì sẽ giảm bớt chứng cứ buộc tội hữu hiệu cho vợ chồng họ.”
Bác sĩ Lý nói rất đúng, chức trách của bác sĩ pháp y cũng bao gồm xác định mức độ phạm tội của tội phạm. Nghe bác sĩ pháp y nói xong, trong lòng tôi an bình hơn nhiều.
Nếu không thể tham dự quá trình giải phẫu, tôi liền xin được cùng đưa vợ chồng Ngô Kính Phong về đồn công an. Có bác sĩ pháp y tham dự thẩm vấn cũng không phải chuyện xấu. Vụ án nhanh chóng được chuyển cho đội hình sự. Tôi được vào phòng thẩm vấn cùng các thành viên đội hình sự.
Trong phòng thẩm vấn, Ngô Kính Phong thú nhận tội ác của mình không hề e dè: “Cũng vì chúng tôi không thể duy trì được nữa. Mỗi lần thấy Thanh Hoa đau đầu, nôn mửa, rồi thấy đôi mắt con càng ngày càng hỏng nặng, nhìn con đói đến ngất đi nhưng cứ ăn lại nôn, lòng tôi đau như đứt từng khúc ruột. Bác sĩ nói đã không còn hi vọng sống nữa, vậy tại sao còn bắt thằng bé chịu nhiều đau đớn vậy? Mỗi ngày đều thấy cái chết treo trên đầu, khi nó không thể ăn được, còn phải dẫn ống vào dạ dày. Nhìn con đau như thế, tôi không đành lòng. Hôm qua tôi cùng vợ bàn tính xong, quay lại phòng bệnh thấy Thanh Hoa đang chơi, chúng tôi bèn dẫn con đi ăn KFC. Thằng bé thích ăn KFC nhất, trước khi ra đi, tôi vẫn muốn cho con ăn thứ nó thích nhất. Ở trước tiệm KFC có một chiếc gậy trúc, tôi tiện tay mang theo. Vốn định dùng gậy đánh chết nó, nhưng tôi không làm được. Sau đó thằng bé đến chơi bên hồ nước, tôi liền đẩy nó xuống, không ngờ nó còn nổi lên, còn gọi ‘Bố ơi! Bố ơi!’, chắc nó nghĩ tôi đang đùa với nó thôi. Tôi lúc đó quyết tâm dùng gậy nhấn Thanh Hoa xuống, nó nắm lấy cây gậy. Giãy dụa… giãy dụa… Cứ như vậy từ từ bất động, trong mắt toàn là sợ hãi và khó hiểu. Nó không biết tại sao bố thân yêu lại muốn nó chết. Tôi mãi mãi không thể quên được ánh mắt của con, mãi mãi không thể nào quên được…”
Ngô Kính Phong vừa thấp giọng kể rõ vụ án vừa nghẹn ngào, nước mắt thấm đẫm vạt áo. Tôi và cảnh sát hình sự trong phòng không khỏi đau lòng.
Khi tôi ra khỏi văn phòng đội hình sự đã thấy nhân viên khám nghiệm mang gậy trúc tang vật trở về. Xem ra vụ án này đã chắc như đinh đóng cột.
Sau khi phá án, trong lòng tôi không hề thoải mái. Tất cả chỉ toàn những muộn phiền và đau thương, vì đôi vợ chồng khốn khổ ấy, vì tôi không rõ tội giết người này là đúng hay sai.
Tôi biết, vợ chồng Ngô Kính Phong sẽ không bị phán tội nặng. Nhưng tôi không biết trái tim họ liệu đã tàn lụi hay chưa? Chỉ mong sau khi họ chịu trách nhiệm trước pháp luật xong, quãng đời còn lại có thể bước qua những tháng ngày đau buồn mà tiếp tục sống tốt.
(1)Chỉ khi còn sống thì cơ thể con người mới có một số phản ứng như chảy máu, ứ máu, nuốt, tắc mạch máu… Từ đó người ta có thể xác định vết thương hình thành từ khi còn sống hay sau khi chết mới có. Phản ứng này được gọi là phản ứng sinh hoạt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.