Quỳnh - Thiên Nguyên

Chương 16: Bức họa cuối cùng




Tên nam nhân to lớn vừa hạ cây gậy xuống, cánh tay cũng mỏi lắm rồi, tầm mắt tính nương sang bên phải để nhìn chỉ thị của bà chủ. Bỗng mắt hắn chạm phải hình ảnh gì đó ghê rợn lắm, hắn thả lỏng tay đánh rơi cây gậy xuống đất, tiếp sau đó cả thân người to lớn không kiềm chế được cũng ngồi bệch xuống theo.
"Máu.. chảy máu.." Mắt hắn dán chặt vào một nơi, run lẩy bẩy thều thào thành tiếng.
Phản ứng của hắn gợi sự chú ý của mọi người xung quanh, có người tiến lên vài bước để xem cho rõ, trong đó có Mợ cả. Nhưng trước khi kịp thấy gì, bà đã mở miệng la trước:
"Sao lại ngưng tay rồi, tiếp tục đánh cho.. Áaa!"
Tiếng thét của Mợ cả chính xác là hồi chuông làng báo sự, làm mọi người bừng tỉnh, sau đó hoảng loạn hò hét nhau gọi thầy thuốc.
Mọi người chạy qua chạy lại, chỉ dám nhìn một lần cảnh tượng trước mắt, nếu không bỏ chạy đi thì cũng chỉ đứng cách đó xa một chút, để bóng người nằm giữa khoảng sân rộng ngày càng lẻ loi.
Vào lúc mọi người không để ý, một dòng máu đỏ tươi đã từ từ chảy ra giữa hai chân người con gái ấy, thấm ướt chiếc váy đụp yêu quý của nàng. Hồi còn sống, mấy chị trong thôn Hạ hay trêu Quỳnh, bảo là nàng trẻ đẹp như thế, sao không may vài bộ đồ mới mà mặc, mặc đồ cũ thì chẳng có ai thèm ngó đâu. Mỗi lần nghe thế Quỳnh chỉ thẹn thùng cười rồi thôi. Chiếc váy đụp là đồ của mẹ nàng để lại, nó lớn lên cùng nàng, ngấm nước mắt của nàng qua từng ngày khổ sở ở nhà họ Lý, nay nó cùng Quỳnh chịu tổn thương bởi bao lời nhục mạ, và cùng căm ghét thứ dòng máu Quỳnh đang mang trong người.
Tí tách, tí tách..
Máu cứ chảy mãi, nhỏ thành vũng xuống mặt đất, Mợ cả tái mặt, chân nhũn đi, cánh tay của người hầu bên cạnh bà run rẩy theo. Quỳnh nằm giữa sân, yên tĩnh nhắm mắt như đang ngủ một giấc. Chưa bao giờ bà thấy Mợ ba ngoan ngoãn như vậy, đối với bà, Quỳnh là một đứa con gái xui xẻo, hồ ly tinh đáng sợ, vừa xuất hiện đã cướp hết mọi điều tốt đẹp trong căn nhà này. Dù rằng bà từng thấy nàng khóc, thấy vết thương do nàng bị đánh bởi chồng mình, nhưng cứ mỗi lần nghĩ tới vì sao chồng lại cưới nàng về, cả ánh mắt của ông khi nhìn Quỳnh, bà lại chỉ nhớ mỗi cơn uất ức trào dâng trong lòng, làm gì nghĩ tới chuyện, mình cũng từng như nàng, cũng từng gả cho người mình không yêu..
Mợ cả lấy ông Lý năm 16 tuổi, đến bây giờ đã hơn chục năm ở trong căn nhà này làm mưa làm gió, nhưng hai người vẫn chưa có mụn con nào.
Một thời gian dài Mợ cả phải chịu áp lực từ chồng, mấy lần ông muốn bỏ vợ, nhưng Mợ cả cố gắng dùng lời ngon tiếng ngọt, thể hiện chút tài mọn của mình mới được giữ ở lại. Bà đã từng bị sỉ nhục, mặt dày mày dạn bám lấy người đàn ông, để còn có nơi gọi là điểm tựa dựa vào, vì bà biết rằng một khi mình ra khỏi căn nhà này, cuộc đời bà có khi lưu lạc đầu đường xó chợ cũng là chuyện thường.
Vậy nên, sự tồn tại của Quỳnh chính là vết thương, nỗi ám ảnh khôn nguôi trong lòng Mợ cả. Bà tự cho mình cái quyền định đoạt người khác, nhưng dù làm như thế nào bà cũng không thể xua đi nỗi bứt rứt và áp lực vô hình từ nàng.
Nay khi nhìn mối đe dọa chậm rãi biến mất, không hiểu sao lòng Mợ cả nặng như chì, cảm giác kinh khủng hơn cả lúc nghe tin chồng mình sẽ cưới vợ hai.
Vũng máu đỏ tươi kia quá chói mắt, vì biết nó là cái gì, cho nên lòng bà càng lạnh, chộn rộn không yên.
Mất một lúc sau thầy thuốc mới chạy đến, vừa nhìn thấy cảnh đó, ông buột miệng thốt lên: "Ôi.."
Người con gái nằm đó, thân hình như cành cây gãy trước gió lớn, khô héo mất sức sống, chiếc áo rách bươm hằn vết gậy, còn thân dưới nhuộm màu đỏ gai mắt.
Tàn nhẫn, quá sức tàn nhẫn, sao mọi người có thể vừa nhìn cảnh này vừa nói chuyện với nhau? Chỉ có ma quỷ mới không phản ứng với cái mùi tanh nồng của máu đó.
Đám người đứng cách đó thật xa, nhìn thầy thuốc bước vào, lật người Quỳnh lên, vươn tay bắt mạch cho Quỳnh. Ông thở dài một tiếng, sau đó không đành lòng quay mặt đi, tay đưa ra vuốt mắt nàng xuống.
"An nghỉ nhé cô nương."
Mợ cả nghe thầy thuốc bẩm báo, hít một hơi thật sâu vào lồng ngực căng tức, cố lấy lại bình tĩnh.
Bé Mai đỡ lấy bà bên cạnh, gương mặt trắng bệch như tờ giấy mỏng, nhưng bình tĩnh hơn bà rất nhiều lần, chính xác là cô gái nhỏ cũng biết sợ, nhưng niềm vui nở rộ trong lồng ngực thì chiếm lấy nhiều hơn. Thấy Mợ cả nói không ra hơi, bé Mai nhanh nhảu cướp lời, thay bà nói lời trong lòng mình với đám người ở khác.
"Đem chôn đi đi."
* * *
Danh họa Trần Trang nổi tiếng khắp nơi nơi, người này thủ thỉ người kia, một truyền mười, mười truyền một trăm đến tận kinh thành. Nhà vua nghe nói về bức tranh truyền kì được lưu truyền ở ngoài kia, nóng lòng phái biết bao nhiều hộ vệ tìm cho bằng được bản gốc cho ông. Nhưng dù tìm kiếm bao lâu, bọn họ chẳng truy ra được gì, Trần Trang thì không cần phải nói, lần cuối mọi người nhìn thấy anh chính là mười năm trước rồi, từ đó về sau bặt vô âm tín. May mắn tìm lại được vài người từng nhìn thấy bức tranh đó, thế mà ai cũng đều bùi ngùi lắc đầu, chặt đứt hi vọng.
Tất cả bọn họ đều chỉ là vô tình nhìn thấy, sau đó vô tình lưu lại trong đầu mãi mãi không quên.
Đến cuối đời, khi lâm vào cơn bệnh nặng biết chắc mình không qua khỏi, nhà vua cuối cùng đã nghe được tin tức tốt đẹp từ người hầu mình, về niềm nhung nhớ cách đây nửa đời người của ông, đến cuối đời thì đã được toại nguyện.
Khoảnh khắc cầm trên tay bức họa ấy, ông đã hiểu thế nào là kinh ngạc.
Từ trong lồng ngực thổn thức cảm xúc lạ, nhà vua không dám thở mạnh, tay hết sức nhẹ nhàng nâng niu đến mức run lên. Ngay cả người hầu đứng chung quanh cũng không nhịn được lén nhìn, cuối cùng lại ngẩn ngơ không dời mắt nổi.
Bọn họ đã hiểu vì sao vật này đã trở thành truyền kỳ, và họa sĩ Trần Trang ấy đã trở thành nghệ nhân danh bất hư truyền.
Một đóa hoa Quỳnh xinh đẹp nở rộ trên bức tranh, sắc trắng tinh khôi đó làm lòng người rung động, một vẻ đẹp tao nhã, thuần khiết, dường như có thể thấy được vật trong bức tranh đang e thẹn mỉm cười với người xem. Mà thứ hớp hồn mọi người không chỉ có vậy, đằng sau từng lớp cánh hoa mềm mại đó là gương mặt của một nữ nhân nửa ẩn nửa hiện. Nụ cười của nàng chính là thứ khiến đóa hoa thêm tràn ngập sức sống, và sóng lòng của nhà vua bị dao động cũng vì va phải nụ cười ấy của nàng.
Đó là một vẻ đẹp khiến người khác rung động, nhưng cũng sẽ làm ta cảm thấy ngờ ngợ một nỗi bất an cùng thương cảm.
Một vẻ đẹp làm người nhìn biết chắc được nàng đã sống không dễ dàng gì, và có lẽ cuộc đời nàng được định sẵn chính là mệnh khổ.
Người nhìn thấy bức họa đều cảm thán bằng sự kinh diễm, không chỉ vì sự tuyệt mỹ làm người ta mê mẩn của nó, còn là vì đây chính là tuyệt tác mà Trần Trang đã dành tất cả tình cảm của mình để vẽ nên, khắc họa người trong lòng của chàng.
Ai cũng cảm nhận được, một thứ tình cảm sâu nặng đến mức tràn ra khỏi trang giấy, không bút mực nào có thể kiềm hãm được, đến nỗi vừa nhìn vào đã khiến ai nấy đều thở dài một hơi. Tình yêu của Trần Trang và người ấy đã cảm động đến tận linh hồn họ.
Khi biết đây là bức họa cuối cùng của họa sĩ tài ba ấy, ai ai cũng tiếc than thay cho một bậc tài năng. Vô số câu chuyện về Trần Trang và người tình được vẽ ra, trở thành đề tài trò chuyện của mọi người ở thời bấy giờ. Có người cho rằng người yêu chàng đã lấy người khác, hai người là uyên ương chia cắt, chàng ôm một mối tương tư nhớ mãi về nàng, từ đó không cầm bút được nữa. Có người lại nói hai người đã hạnh phúc bên nhau, Trần Trang muốn bức họa cuối cùng là dành cho người mình yêu, trước khi cả hai bỏ đi biệt xứ làm lại từ đầu.
Vô số chuyện, vô số câu đùa, nhưng lời nào cũng là thật lòng. Họ thật sự mong tình cảm thiêng liêng này là sự thật, và hai người luôn luôn nhớ về nhau.
Về sau, chuyện này chìm vào dĩ vãng, bức họa lại một lần nữa thất lạc theo năm tháng lịch sử, tuy nhiên khi vẫn còn người nhắc đến, thì vẫn sẽ còn người thở dài một hơi và ước nguyện cho tình yêu của hai người. Bởi người ta sẽ mãi mãi không bao giờ quên được, dòng chữ màu đỏ thẫm còn vương mùi máu nhạt nhòa phía cuối bức tranh, viết lên bốn chữ khiến bọn họ thổn thức: Quỳnh, ta nợ em.
HẾT.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.