Sợ Gì Gió Mưa Ta Yêu Nhau

Chương 1:




1.
9 giờ sáng, tôi vừa về đến nhà xuất bản thì điện thoại bàn reo lên. Tôi bắt máy, một giọng nói quen thuộc mang ý giận xộc thẳng vào màng tai.
“Alo, đây là điện thoại của Đường Mật phải không?”
Tôi day day trán, cảm thấy đau đầu. Hít sâu một hơi, tôi bất lực hạ giọng: “Rốt cuộc ngài muốn làm gì?”
Đầu dây bên kia có lẽ bị câu nói này kích thích, lập tức cao giọng: “Mẹ muốn làm gì? Hả, Đường Mật? Mẹ gọi di động cho con không nhận, gửi tin nhắn không trả lời, buộc mẹ ruột phải điện thoại đến cơ quan con mới có thể tìm được, con còn hỏi mẹ muốn gì?”
Dừng một lát, giọng bà bắt đầu mang vẻ ấm ức, “Con xem con gái nhà ai như con… Sao mẹ lại sinh con thế này…”
Tôi véo phần giữa mày, chỉ cảm thấy đầu càng đau. “Được, rốt cuộc là tìm con có chuyện gì? Lại là xem mắt?”
Đầu dây bên kia trong chớp mắt im lặng.
“Đường Khuynh đã về. 7 giờ rưỡi tối nay con đến nhà hàng Thuận Ái cạnh bệnh viện Hải Thành cùng ăn tối.”
Là giọng mệnh lệnh.
Đồng nghiệp lục tục đến nơi, hết đợt này đến đợt khác chào hỏi nhau, tôi cầm điện thoại, lấy đại một cớ. “Tối nay con có việc.”
“Việc gì lớn hơn anh trai con về?” ngữ điệu bà không tốt, “Bất kể chuyện gì đều phải từ chối hết cho mẹ.”
Có lẽ những năm gần đây, tôi đã quá quen với giọng điệu nói chuyện này của bà, so với tức giận thì bất lực nhiều hơn.
“Con thật sự có việc,” tôi nói, “Hơn nữa, con đi… cũng rất kỳ quái.”
Bên kia im lặng một lát, rồi lại vẻ tủi thân. “Đường Mật, con còn trách mẹ cho nên cố ý nói như vậy để mẹ khó chịu phải không?”
Tôi lặng yên, “Mẹ nghĩ nhiều rồi.”
“Lần này Đường Khuynh về nước trong thời gian ngắn, chú Đường con gần đây sức khỏe không tốt, bây giờ chỉ muốn người một nhà cùng ăn bữa cơm. Chú Đường con tuy không phải cha ruột nhưng từ nhỏ đến lớn đã chi cho con biết bao nhiêu tiền, du học không phải đều là tiền của ông ấy sao? Đường Mật, con có lương tâm một chút được không? Chưa kể bệnh viện của bà ngoại con không phải cũng do chú Đường tìm giúp sao? Con có thể thông cảm cho mẹ không, chỉ tới ăn bữa cơm, trên bàn ăn này có ai có lỗi với con mà con không thể đến ăn một lát? Con muốn để người ta cảm thấy Đường Lệ Lệ mẹ đây nuôi một đứa “ăn cháo đá bát” sao?”
Tiếng nức nở bắt đầu phát ra từ đầu bên kia, tôi nhắm mắt lại, "Được rồi, con đi.”
Đặt điện thoại xuống, tôi mở máy di động. Bà đã gửi cho tôi rất nhiều tin nhắn WeChat. Tôi nhìn điện thoại cười khổ.
Ảnh đại diện của mẹ nhiều năm không thay đổi, đó là bức tranh do Đường Khuynh vẽ khi còn bé. Trong tranh có ba người, cha, mẹ và Đường Khuynh.
Còn tôi, giống như sự tồn tại thừa thãi mà bà phải chịu trách nhiệm.
Buổi tối sau khi tan làm, tôi vẫn đi đến nhà hàng Thuận Ái. Đây là một nhà hàng nổi tiếng trên mạng do một minh tinh mở, trước đây mỗi khi lướt mạng tôi thường nhìn thấy, thức ăn ngon hay không không biết nhưng nghe nói rất khó đặt chỗ.
Nhà hàng thiết kế như mê cung, tôi vòng qua vòng lại mấy lượt vẫn không tìm được đúng phòng riêng. Tôi hơi mù đường nên bất đắc dĩ đành lấy điện thoại ra, định gọi cho mẹ. Bấm số điện thoại xong, ngẩng lên nhìn, tay tôi run lên suýt không giữ nổi điện thoại.
Đường Khuynh.
Bốn mắt nhìn nhau, anh như cũng sững sờ.
Năm chúng tôi chia xa, tôi mười tám, anh mười chín, hiện giờ anh mặc bộ vest cắt may khéo léo, còn tôi, một thân trang phục công sở chưa thay ra.
Dù sao cũng đã đến độ tuổi mà cho dù trong lòng sóng gió mãnh liệt thế nào thì mặt vẫn giữ được vẻ bình lặng như nước.
Anh rút đi vẻ học sinh, đường nét trên gương mặt trở nên cứng rắn hơn nhiều.
Nhưng giống như khi còn đi học, chỉ cần anh đứng đó là có thể khiến cô bé phục vụ đi ngang đỏ mặt.
Giọng mẹ bên đầu dây vọng ra: “Ui chà, sao lại thế hả? Nói con không được đến trễ, giờ đã 7h35 rồi!”
“Con…” lời còn chưa dứt, Đường Khuynh đã đi đến trước mặt tôi.
“Lại lạc đường?”
Giọng nói quen thuộc mang theo từ tính đi thẳng vào tim tôi, tôi cứng người, ngẩng đầu, đúng lúc đối diện tầm mắt anh trong gang tấc.
Đầu dây bên kia mẹ nói gì tôi không còn nghe thấy, bàn tay cầm điện thoại vô thức thõng xuống bên người.
Hành lang nhà hàng ồn ào, nhưng lúc này tựa như vô cùng yên tĩnh.
“Đã lâu không gặp.” Một lúc lâu sau, anh lên tiếng trước.
“Đã lâu không gặp,” tôi nghe tiếng mình nói. “Anh trai.”
2.
Đường Khuynh là anh trai khác cha khác mẹ của tôi.
Tôi là do mẹ Đường Lệ Lệ sinh ra trong lần mang thai ngoài ý muốn, nếu không phải do khi bà phát hiện thai đã quá lớn thì chắc tôi đã không được sinh ra trên cõi đời này.
Khi tôi một tuổi, bà đến Hải Thành làm việc. Bà làm bảo mẫu cho một nhà họ Đường, chủ nhà là người đàn ông đã ly hôn, có cậu con trai hai tuổi cần người chăm sóc.
Một năm sau, bà kết hôn với ông chủ, trở thành vợ mới của Đường Trung, là mẹ mới của Đường Khuynh.
Bà xem Đường Khuynh như con đẻ, thậm chí trước 16 tuổi, Đường Khuynh còn không biết Đường Lệ Lệ không phải mẹ ruột của mình.
Về huyện An, một năm bà chỉ về một lần. Chỉ đến ngày đó, bà đưa Đường Trung và Đường Khuynh về huyện An để tổ chức sinh nhật cho bà ngoại.
Hôm đó tôi phải trốn sang nhà hàng xóm bên cạnh, bởi vì không thể Đường Khuynh thấy tôi. Nếu tôi bị phát hiện, Đường Khuynh sẽ biết mình không phải con ruột Đường Lệ Lệ. Trước khi Đường Khuynh trưởng thành, bà chỉ có thể là mẹ của một mình anh, đây là thỏa thuận khi kết hôn của bà với Đường Trung.
Vì vậy bà sẽ cho tôi và bà ngoại tiền, gửi váy, đồ chơi cho tôi, nhưng không đến gặp tôi. Mấy năm trước tôi còn vì không được gặp mẹ mà gây gổ, khóc lóc, nhưng dần dần cũng quen.
Vì tôi biết, tôi có làm gì chăng nữa cũng không thể gặp bà.
Mãi đến năm Đường Khuynh học lớp 10, mẹ ruột anh trở lại Hải Thành, làm ầm ĩ muốn gặp anh. Khi đó Đường Khuynh mới biết, hóa ra Đường Lệ Lệ không phải mẹ ruột của anh, hóa ra, còn có tôi tồn tại.
Đó là khi tôi vừa nhận được thư mời nhập học của trường cấp ba trực thuộc đại học Hải Thành, bà ngoại có biểu hiện của bệnh Alzheimer của người già. Bà đột nhiên quên nhiều việc, đột nhiên lạc đường, đột nhiên dùng ánh mắt xa lạ nhìn tôi.
Đường Lệ Lệ và Đường Trung đưa bà đến viện dưỡng lão ở Hải Thành, không còn cách nào khác, đành đưa tôi đến nhà họ Đường.
Đó là lần đầu tiên tôi gặp Đường Khuynh.
Anh đang đứng trong đại sảnh, mặc một chiếc áo phông trắng, ánh mặt trời chiếu rọi cả người, giống như anh hùng trong truyện tranh manga, sạch sẽ và đẹp trai.
“Đường Mật, chào em,” anh đặt quả bóng nảy đang ném xuống, “Anh là Đường Khuynh.”
Tôi ngẩn ngơ nhìn anh, mẹ tôi lập tức đập mạnh vào lưng tôi. “Con bé này chưa có tiếp xúc bên ngoài, không thích nói chuyện.” Bà giải thích với Đường Trung, “Sau này từ từ em dạy nó.”
Nhưng mà bà không từ từ dạy tôi.
Vì để Đường Khuynh không bị người ta nói ra nói vào ở trường, họ yêu cầu tôi ở trong ký túc xá.
“Nếu Đường Khuynh hỏi con thì con nói do mình muốn vậy, biết chưa?” Mẹ vừa thu dọn đồ đạc vừa liên tục dặn dò, “Ở ký túc xá rất tốt, có thể tập trung học hành. Đường Khuynh cần chuẩn bị thi cử, con ở nhà sẽ ảnh hưởng anh, sau này chú Đường trách thì không tốt.”
Ngoài việc đó, bà còn dặn dò rất nhiều, bao gồm không được nói về quan hệ của tôi với Đường Khuynh trong trường, không được nói chuyện trong nhà, vân vân…
16 năm, cuối cùng tôi cũng được gặp mẹ mình, nhưng dường như bà chỉ là mẹ Đường Khuynh.
Trong nhà này, chỉ có Đường Khuynh quan tâm tôi.
Ngày nhập học, tôi rời khỏi nhà, mẹ sắp xếp tôi đi trước nửa tiếng để tránh đi cùng Đường Khuynh.
Đến trường rồi tôi mới biết, Đường Khuynh là người nổi tiếng. Anh không chỉ là hội trưởng hội học sinh của trường mà còn luôn là người đứng nhất khối, là học sinh ưu tú nhất khối 11, thậm chí là toàn trường trung học trực thuộc đại học Hải Thành.
Trưa hôm nhập học không có giờ học, tôi ở ký túc xá thu dọn đồ đạc xong. Bạn bè rủ đi vòng quanh làm quen khuôn viên trường.
Trên sân bóng rổ, tôi thấy Đường Khuynh. Anh dẫn bóng đột phá vòng vây, cầu thủ đối phương chưa kịp phản ứng thì anh đã ghi điểm.
Trong tiếng hoan hô, đột nhiên có người hỏi tôi: “Ơ Đường Mật, cậu với Đường Khuynh đều họ Đường, không phải có quan hệ thân thích gì chứ?”
Tôi sửng sốt, lắc đầu, “Không…”
Chưa dứt lời, trong sân chợt có tiếng kêu vang dội.
“Đường Mật!”
Đường Khuynh ném bóng đi, mắt lộ vẻ ngạc nhiên vui vẻ, chạy về phía tôi trong ánh mắt chăm chú của đám đông, thở hổn hển. “Không phải đã bảo sáng nay đi cùng anh sao? Sao em lại đi trước? Sao tự nhiên lại ở ký túc xá vậy? Anh đến lớp em 4 lần cũng chưa gặp em.”
Anh không tránh mặt tôi, không ghét tôi, thoải mái phóng khoáng giới thiệu với mọi người, tôi là em gái anh.
Đúng ra tôi nên ghét anh.
Anh đã cướp mẹ tôi, lấy tất cả tình yêu của bà trong 16 năm. Nhưng tôi không ghét nổi.
Ở trường, Đường Khuynh chủ động quan tâm đến mọi việc của tôi, thậm chí còn mang trái cây từ nhà lên cho tôi mỗi ngày.
Có bạn học nào hỏi, anh đều cười nói: “Đây là em gái tôi, Đường Mật, học lớp 10.”
Dần dà, tôi quen thuộc với Đường Khuynh, nhưng tiếng “anh trai” vẫn không thể gọi ra miệng.
Khi đó, anh có bạn gái, chị ấy tên Vu Tịnh. Chỉ có điều họ luôn cãi nhau.
Có lần tôi đến văn phòng lấy bài thi, vô tình nghe hai người cãi nhau ngoài hành lang.
“Sao ngày mai tan học không thể đi KTV với em?”
“Ngày mai thứ năm, tuần nào anh cũng dạy kèm Mật Mật học toán.”
“Anh quan tâm nhiều thế làm gì? Nó không tự học được sao, cứ quấn lấy anh nhờ kèm cặp?”
“Em ấy học toán không tốt, anh chủ động muốn giúp em ấy mà.”
“Anh giúp nhiều thứ quá rồi! Cuộc sống, học hành, mọi thứ của nó anh đều bận tâm,” giọng Vu Tịnh cao lên, “Đường Khuynh, anh đâu có nợ con bé đó cái gì, cũng không cần vì sự áy náy đó mà liều mạng đền bù cho nó, chưa kể, người ta cảm kích anh sao? Cũng chưa thấy nó cảm ơn anh cái gì!”
“Em không hiểu,” một lúc sau Đường Khuynh nhẹ giọng nói, “Có vài việc tiền không thể bù đắp được, lúc anh không biết đã chiếm mẹ em ấy…” Anh dừng một lúc, “Thời gian không thể quay ngược lại, nhưng tóm lại anh vẫn muốn làm gì đó.”
“Con bé không phải em ruột anh, chẳng qua trùng hợp đều cùng họ Đường thôi…” Vu Tịnh nói nhỏ.
“Trong lòng anh,” giọng Đường Khuynh khẳng định, “Em ấy thực sự là em ruột anh.”
Có lẽ vì mấy chữ “em ruột anh” đã cho người quá thiếu tình thương như tôi sự an ủi rất lớn, từ đó về sau, quan hệ giữa tôi và Đường Khuynh trở nên thân thiết hơn rất nhiều.
Tôi bỏ được sự khúc mắc trong lòng, anh cũng giúp đỡ tôi không chút e dè.
Học kỳ một lớp 10, tôi bị bắt nạt trong trường. Tôi không nói với người lớn, nhưng sau khi Đường Khuynh biết thì cực kỳ tức giận.
Tôi không biết anh đã làm gì, nhưng sau đó những người đó được cho nghỉ học, cũng không còn ai tìm tôi gây rối nữa.
Kỳ nghỉ hè lớp 10 của tôi, anh và Vu Tịnh chia tay.
Hai tháng đó, người lớn không có nhà nên ngày nào anh cũng dẫn tôi ra ngoài chơi. Một ngày trước khi kỳ nghỉ hè kết thúc, hai chúng tôi đến một công viên cổ kính ở Hải Thành. Nơi đó có rất nhiều cây cổ thụ, rợp bóng mát, tản bộ dưới tàng cây rất dễ chịu.
Khi anh đi mua nước, tôi rảnh rỗi không có gì làm nên đi đến một tòa tháp nhỏ hai tầng. Nhưng đi lên mới phát hiện, tòa tháp này làm bằng gỗ, bị nước mưa ngấm lâu năm nên đã mục gần hết, tôi dẫm lên thì đã thấy lay động. Tôi sợ hãi, lên không được, xuống không xong, không dám cử động.
“Mật Mật!”
Lúc này Đường Khuynh chạy đến, mặt lo lắng, “Đừng nhúc nhích.”
Anh dịch sang phải mấy bước, giơ hai tay ra: “Mật Mật, đừng sợ, em nhảy xuống đi, anh sẽ đỡ được em.”
Tôi sợ đến trào nước mắt, “Không được, em không dám.”
“Đừng sợ.” Mắt anh kiên định, “Chắc chắn anh sẽ đỡ được em.”
Tôi nhắm mắt lại, quyết tâm nhảy ào xuống.
Cú va chạm mạnh khiến anh loạng choạng lùi về sau mấy bước, cuối cùng ôm tôi ngã ngửa ra đất.
Tôi nằm trên người anh, rất gần, gần đến mức có thể nghe mùi nước giặt quần áo thơm thơm trên người anh.
Tôi nghe được nhịp tim của mình.
Bắt đầu từ khi nào? Đại khái chính là từ lúc ấy.
Khai giảng năm 11, tôi bắt đầu tránh mặt anh.
Cho đến một ngày, tôi đã hỏi kỹ mẹ là anh không có nhà, ai ngờ về đến nhà lại gặp anh.
Trong nhà chỉ có mình anh.
Anh ép tôi ra sau cửa, chống tay vào tường, hỏi tôi, “Mật Mật, sao em tránh mặt anh?”
“Không có ạ.” Tôi thì thào chống chế.
“Không có?” Anh cười, “Anh đến lớp tìm, em không ra, mấy lần ở xa thấy anh thì lập tức quay người bỏ đi, bây giờ cuối tuần em cũng không về nhà.” Anh thở dài, “Anh đắc tội với em sao?”
“Không ạ…” tôi cắn môi, “Em định ở lại trường học thêm, anh… anh tìm em làm gì?”
“Còn làm gì nữa giờ?” Anh cầm quyển sách gõ đầu tôi, “Em đủ lông đủ cánh rồi hả, toán của học kỳ này hiểu hết sao? Thi tốt rồi? Không phải muốn đậu đại học Hải Thành sao?”
“Em… học kỳ này cũng tạm…”
“Còn tạm cái gì? Giáo viên toán của em là chủ nhiệm lớp 11 của anh, anh hỏi điểm của em khó lắm sao?” Anh giả vờ giận dữ, “Em vậy mà không muốn học toán, không muốn kèm thêm?”
Tôi không muốn anh dạy kèm, nhưng không phải vì nguyên nhân này.
Nguyên nhân giấu sâu trong lòng kia, tôi không thể nói thành lời.
Tôi thích anh nhiều đến mức không thể nói không với anh.
Hai chúng tôi lại quay về mối quan hệ như trước, nhưng anh càng đối xử tốt với tôi thì tôi càng khổ sở.
Tôi biết mình không nên nảy sinh tình cảm với anh, nhưng tôi không thể kìm nén được.
Cứ thế, mãi đến năm tôi học 12.
Ba tháng trước khi thi đại học, bí mật tôi giấu trong lòng rốt cuộc bị mẹ phát hiện.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.