Song Quy Nhạn

Chương 11: Giao thừa




Đêm giao thừa đúng ngày tuyết lớn, tuyết rơi là điềm báo của một năm được mùa, Thái phu nhân vô cùng cao hứng, sai người mở tiệc thưởng tuyết ở Dao Quang Các.
“Hôm nay là gia yến, chúng ta không cần giữ quy củ nam nữ chia bàn, nhà đã ít người còn chia cách thế thiếu tình cảm lắm, đỡ thành chuyện cười cho thiên hạ.” Thái phu nhân lên tiếng.
“Chuyện cười gì vậy mẹ?” Tam phu nhân Đỗ thị vội hỏi.
“Để Thanh Hề kể, là chuyện nhà nó.” Thái phu nhân cười nói.
Thanh Hề đành phải nói: “Tam thúc công (3)nhà em xưa nay rất giữ lễ, lần chúc thọ vừa rồi của ông, em là cháu gái nhưng lại không nhận ra thúc công nhà mình.”
Mọi người vừa nghe liền cười, Tam phu nhân cười thật yêu kiều, “Nào có chuyện cháu gái lại không nhận ra thúc công, đúng là giữ lễ quá nên mất tình thân.”
“Ai nói không phải, nhà chúng ta thì chưa đến mức đấy, nhưng nhà họ Mộ thì thật đấy.” Thái phu nhân cười nói.
Nói chuyện được một lúc, sau khi bày biện ở Dao Quang Các ổn thỏa, Nhị phu nhân đến thỉnh Thái phu nhân cùng mọi người đi qua các hành lang uốn lượn giữa những hòn giả sơn để đến Dao Quang Các. Thái phu nhân ngồi vị trí chủ tọa, trên một đôn thấp, trước mặt là hai kỷ trà, một kỷ bầy bình lô tam sự (4), một kỷ bầy hoa quả và chén rượu không quai cầm.
Từ Thái phu nhân đi xuống, bên trái là vợ chồng Phong Lưu – Thanh Hề, trước mặt hai người cũng là hai kỷ trà bầy hoa quả, bên phải Thái phu nhân là vợ chồng Nhị phu nhân, ngoài cùng bên trái là vợ chồng Tam phu nhân, ngoài cùng bên phải đương nhiên là vợ chồng Phong Cẩm.
Nhất thời Thái phu nhân lại sai người bế các cháu đến cho náo nhiệt. Con gái của vợ chồng Phong Cẩm là Uyển Thư Nhi đến đi còn chưa vững, vẫn nghiêng ngả lảo đảo đi về phía Thái phu nhân rồi trèo lên lòng bà, khiến Thái phu nhân phải cười, “Con khỉ con này bám ta quá.”
“Tổ mẫu, tuổi, tuổi…” Uyển Thư Nhi nói không rõ.
Mọi người nghe đều không hiểu gì, chỉ có Thương Nhược Văn thản nhiên cười nói: “Con bé nói mừng tuổi, là hầu gái trong nhà dạy hư, mẹ đừng để ý đến con bé, Uyển Thư Nhi, đến đây, đến chỗ mẹ.”
“Ta không phật lòng chuyện đó, Uyển Thư Nhi nhà ta thật thông minh, biết xin tiền mừng tuổi.” Thái phu nhân lấy ra một phong bao đặt vào tay Uyển Thư Nhi, Uyển Thư Nhi cười khanh khách, tụt xuống đất, chạy đến trong lòng Thương Nhược Văn đưa tiền mừng tuổi cho mẹ, reo lên: “Mẹ ơi, mẹ ơi…”
“Thật đúng là đứa giữ của.” Thái phu nhân cảm thán.
Sau đó, Thái phu nhân lại lần lượt mừng tuổi cho con nhà Nhị gia là Tố Hân và Tấn Ca Nhi(5), con nhà Tam gia là Tố Mi và Hiên Ca Nhi, rồi để mấy đứa bé lần lượt đi chúc tết các bác và chú.
“Mẹ, nhà chúng ta không giống Hầu phủ, mẹ vẫn sợ các cháu không nhận ra các bác các chú à?” Thanh Hề cười nói.
Thái phu nhân quay sang nhìn Phong Lưu, hắn xưa nay thường lạnh mặt, các cháu trai cháu gái đều sợ, chỉ có Uyển Thư Nhi vì còn nhỏ nên chưa nhận biết, lẫm chẫm đi đến trước mặt Phong Lưu, gọi một tiếng giòn tan “Đại bá phụ.”
Hôm nay giao thừa, tâm tình Thái phu nhân lại tốt, Phong Lưu cũng không muốn làm mẹ mất hứng, bèn bế Uyển Thư Nhi đáng yêu lên, đưa tiền mừng tuổi.
Thái phu nhân thấy thế mới hài lòng đưa mắt đi chỗ khác.
Thanh Hề nhìn mà nhói lòng. Nghĩ đến chuyện cả đời mình không có khả năng sinh được cô con gái đáng yêu như Uyển Thư Nhi, Phong Lưu không biết sẽ bế con của người phụ nữ nào.
Được một lúc Thái phu nhân lại sợ trời lạnh làm mấy đứa trẻ con cảm, lại sai người bế về nhà cho ngủ, sau đó mới gọi Thanh Hề tỉnh lại.
“Mẹ, mẹ thật bất công, các cháu như Hân Thư Nhi được mừng tuổi, sao chúng con lại không được, mẹ cũng đâu thể giữ các cháu gái mãi được.” Thanh Hề gắt giọng.
“Con khỉ con này dám bẫy ta, ta gom góp được ít tiền riêng, các ngươi xem cũng bị nó bòn hết rồi, thôi thôi, để cho con khỏi nhấp nhổm.” Thái phu nhân lại lấy tiền mừng tuổi đã chuẩn bị trước ra, lần lượt mừng tuổi các con.
“Cám ơn mẹ, người ta nói nhà có người già như có báu vật thật không sai, mẹ phải sống lâu trăm tuổi, để chúng con được thêm chút tiền tiêu vặt.” Thanh Hề cầm tiền mừng tuổi, mắt lấp lánh long lanh.
“Câu nào của con cũng thấy tiền là tiền, đồ quỷ tham tiền, lớn rồi vẫn còn như trẻ con.” Thái phu nhân cười mắng.
“Nào có lớn, con chỉ hơn Hân Thư Nhi có mấy tuổi thôi mà.” Thanh Hề nhăn mặt.
“Được rồi, nói mới nhớ Hân Thư Nhi cũng sắp đến tuổi rồi, con nhớ chú ý việc hôn nhân cho con bé.” Thái phu nhân quay đầu nói với Nhị phu nhân.
“Con vẫn chú ý, không biết mẹ đã có mối nào chưa?” Nhị phu nhân nhân cơ hội hỏi.
Thái phu nhân nghĩ một chút, “Cũng có mấy nhà, nhưng vẫn phải hỏi thăm cẩn thận, có nhà nhìn thì hào nhoáng đấy, nhưng chỉ là mẽ ngoài thế thôi, con cũng đừng ham vinh hoa phú quý.”
Nhị phu nhân gật đầu.
Sau đó Thái phu nhân lại hỏi thăm lần lượt từng đứa cháu, trước tiên là chuyện học hành của hai cháu trai, sau là hỏi đến chuyện nữ công gia chánh của Hân Thư Nhi và Mi Thư Nhi.
Thanh Hề nhân thấy thế cười nói: “Mẹ, chẳng trách tóc mẹ càng ngày càng bạc, mẹ cứ lo nghĩ suốt ngày, không bằng để con kể chuyện cười cho mẹ giải sầu.”
“Kể đi, không buồn cười là phạt rượu.” Thái phu nhân nói.
Thanh Hề nhân nói: “Ở phía Nam kinh thành có một người xay gạo tên là Thẩm Truân Tử, hôm đó hắn đến quán trà nghe kể truyện, nghe chuyện Dương Văn Quảng bị vây ở Liễu Thành, trong thì thiếu lương thực, ngoài thì không ai giúp, hắn nghe mà than thở, về đến nhà vẫn ngày đêm lo nghĩ, còn nói với người nhà: ‘Dương Văn Quảng kia bị bao vây như thế, giải thoát thế nào?’, buồn bã đến ăn không ngon, ngủ không yên, cuối cùng người nhà hắn không thể không khuyên hắn ra ngoài du ngoạn, để giảm bớt nỗi sầu.”
“Được đấy, Thẩm Truân Tử này cũng thú vị đấy, nghe kể truyện mà cũng buồn được thế.” Thái phu nhân cười nói.
“Vẫn còn đoạn sau mà, Thẩm Truân Tử kia ra ngoài du ngoạn, nhìn thấy một người gánh trúc vào thành để bán, liền thầm lo nghĩ: Trúc này sắc nhọn, nhất định sẽ có người đi đường bị thương.’ Vì thế về nhà lại lo lắng đến ngã bệnh, người nhà hoảng sợ tìm thầy hỏi thuốc, mãi vẫn không tiến triển gì, cuối cùng đành phải mời pháp sư đến hóa giải.”
“Người này thật đúng là nghĩ nhiều hại thân.” Nhị phu nhân cũng cười nói.
“Đừng vội, vẫn chưa hết mà. Pháp sư kia đến nói: ‘Ta xem xét sổ sách âm phủ, kiếp sau hắn đầu thai là con gái, gả cho một người dân tộc Hồi tên là Ma Cáp, ngoại hình rất xấu xí.’ Pháp sư vừa nói đến đó, bệnh của Thẩm Truân Tử lại nặng thêm, bạn bè họ hàng đến thăm hỏi, khuyên hắn nên nghĩ thoáng một chút, thì sẽ khỏi bệnh thôi. Mọi người đoán xem Thẩm Truân Tử nói gì, hay lắm đấy.” Thanh Hề không kiềm chế được nên cười khúc khích.
“Đại tẩu nói đi, đại tẩu cười thế mọi người sốt ruột lắm.” Tam phu nhân cũng tò mò.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.