Tôi thấy thất vọng đến mức không thiết sống nữa. Cái cảm giác bất an như những con sóng khổ đau cứ dội vào lồng ngực tôi từng đợt, giống như những cụm mây trắng liên tục đuổi bắt nhau trên bầu trời chiều. Nó siết chặt trái tim tôi rồi thả lỏng ra, mạch máu nghẽn lại, hơi thở yếu ớt như tơ, mặt mũi tối tăm, lực toàn thân thoát ra khỏi đầu ngón tay khiến tôi không thể nào tiếp tục công việc đan áo.
Dạo này, trời cứ mưa mãi, không khí nặng nề, làm cái gì cũng thấy lo âu. Hôm nay, tôi mang chiếc ghế mây ra hành lang, định tiếp tục công việc đan áo dang dở từ hồi đầu xuân. Cuộn len màu hoa mẫu đơn nhạt được tôi thêm vào ít sợi màu xanh cô ban để đan thành một chiếc áo. Cái cuộn len này vốn là một chiếc khăn quàng mẹ đan tặng tôi hai mươi năm trước, khi tôi còn học tiểu học. Đầu chiếc khăn được mẹ đan thành một cái mũ trùm đầu, tôi đội vào và soi gương thấy mình giống như một con quỷ nhỏ. Vì cái màu này khác hẳn với những màu khăn của các bạn trong lớp nên tôi ghét nó lắm. Mặc dù cũng được bạn bè khen là "cái khăn đẹp đấy chứ" nhưng tôi vẫn cảm thấy xấu hổ và từ đó không quàng cái khăn này thêm lần nào nữa, bỏ bê nó trong một thời gian dài. Rồi đến mùa xuân năm nay, trong khi dọn dẹp những thứ hư cũ trong nhà kho để xem chúng còn dùng được hay phải vứt đi, tôi tìm thấy nó và tháo ra với ý định dùng để đan một chiếc áo len cho mình. Nhưng vì không ưa cái màu nhạt nhòa này nên tôi lại để đó. Hôm nay, do chẳng có việc gì làm, tôi lại lôi ra, chậm rãi tiếp tục công việc. Bất chợt, trong khi đan, tôi nhận ra cái màu len hồng nhạt này thật hợp với bầu trời mưa xam xám, chúng tan lẫn vào nhau thành một màu mềm mại dịu dàng không thể nào diễn tả được. Tôi đã không biết điều ấy. Tôi đã không biết rằng mình cần chú ý đến màu sắc trang phục sao cho hợp với màu trời. Khi thấy vẻ đẹp đẽ tuyệt vời của sự xứng hợp đó, tôi kinh ngạc đến ngẩn người ra. Tôi có thể cảm thấy sợi len đang cầm trong tay chợt trở nên ấm áp, và bầu trời mưa lạnh thì mượt như nhung. Điều này làm tôi nhớ đến bức tranh của Monet[1] vẽ một thánh đường trong sương mù. Nhờ sợi len cầm trong tay mà lần đầu tiên tôi hiểu được cái cảm nhận về "gu"[2] là như thế nào. Một sự tinh tế tuyệt diệu. Và tôi mới hiểu mẹ đã cố tình chọn màu hồng nhạt và đan cho tôi chiếc khăn quàng này để tôi mang trong trời tuyết mùa đông, vậy mà tôi đã ngu ngốc chê bai nó. Mà mẹ thì không bao giờ có ý định cưỡng ép tôi cả. Cho đến khi tôi hiểu được vẻ đẹp của màu sắc này thì cũng đã mất hai mươi năm. Trong thời gian đó, mẹ không giải thích một lời nào, im lặng chờ đợi cho đến khi tôi thấu hiểu. Nhưng khi tôi thấm dần sự cao đẹp của mẹ thì đám mây lo lắng sợ hãi không ngừng cũng nổi lên trong ngực tôi, rằng cả tôi và Naoji đã hiếp đáp một người mẹ tuyệt vời như vậy, làm mẹ suy nhược và hao mòn đến độ có thể giết chết mẹ luôn chăng? Càng nghĩ quanh nghĩ quẩn, tôi càng sợ hãi trước một tương lai tối tăm, dự tưởng đến toàn những điều không hay, trở nên lo lắng bất an đến không thiết sống nữa. Sức lực tuôn ra đầu ngón tay, tôi buông que đan ra đặt trên đầu gối, thở dài, ngẩng mặt lên và nhắm mắt lại. Bất giác tôi kêu lên:
[1] Claude Monet (1840-1926): họa sĩ nổi tiếng người Pháp, một trong những người sáng lập trường phái Ấn tượng.
[2] Nguyên văn tác giả dùng chữ "グウ" phiên âm trực tiếp từ gout, tiếng Pháp.
- Mẹ ơi!
- Gì đó con?
Hình như mẹ đang đọc sách ở cái bàn trong góc phòng khách và trả lời vẻ hơi bất ngờ.
Tôi bối rối, cố tình cất cao giọng:
- Cuối cùng thì hoa hồng cũng đã nở rồi. Mẹ có biết hay không? Bây giờ con mới để ý và thấy đó. Cuối cùng thì hồng cũng nở hoa.
Ngay trước hành lang phòng khách là vườn hoa hồng. Đó là những bông hoa mà ngày xưa chú Wada đã mang về từ Anh hay Pháp tôi không nhớ nữa, nhưng chúng đã được mang về từ nơi xa xôi và cách đây khoảng hai ba tháng, chú đem đến trồng ở khu vườn nơi biệt trang này. Sáng nay tôi đã thấy một bông hoa hé nở nhưng tôi cố tình tỏ ra kinh ngạc như thể giờ mới nhận ra để giấu che đi nỗi xấu hổ của mình.
- Mẹ biết rồi.
Mẹ nói khẽ khàng.
- Đối với con chuyện này có vẻ trọng đại nhỉ?
- Có lẽ vậy đấy. Mẹ tội nghiệp cho con à?
- Không đâu. Mẹ chỉ muốn nói cái kiểu người của con là như vậy. Như trước đây con cũng từng dán bức tranh của Renoir[3] vào hộp diêm trong nhà bếp hay làm khăn tay cho búp bê vậy. Rồi con nói chuyện về hoa hồng trong vườn như thể nói về một sinh linh nào đấy.
[3] Pierre August Renoir (1841-1919): họa sĩ Pháp, trường phái Ấn tượng.
- Chắc tại vì con không có con mà.
Tôi thốt ra những lời mà chính mình cũng không ngờ. Nói xong, tôi bần thần đùa với mảnh len đan dở đặt trên đầu gối và nhớ về những ký ức buồn bã.
- Vì em đã hai mươi chín tuổi đấy.
Cái giọng nói trầm trầm của người đàn ông đó nghe như giọng nói trên điện thoại, chợt vang vọng bên tai một cách rõ ràng. Mặt tôi đỏ bừng lên vì thẹn.
Mẹ không nói gì và tiếp tục đọc sách. Dạo gần đây mẹ hay mang khẩu trang, có lẽ vì vậy mà quá kiệm lời. Việc này là do mẹ nghe lời Naoji nói. Khoảng chừng mười ngày trước, Naoji từ phương Nam trở về với sắc mặt xanh xám. Đó là một buổi chiều mùa hạ, chẳng báo trước một lời, nó bước vào từ cái cổng gỗ phía sau nhà.
- Tệ quá! Nhà gì mà tệ lậu thế này! Chị nên dán tấm biển là "Tiệm Lai Lai đây, có bán xíu mại" thì hơn.
Đó là lời chào đầu tiên của Naoji khi gặp mặt tôi.
Trước đó khoảng hai ba ngày, mẹ bị đau lưỡi nằm ngủ li bì. Nhìn bên ngoài, đầu lưỡi không có gì khác lạ nhưng mẹ nói là khi cử động thì nó rất đau nên đến bữa, mẹ chỉ húp được vài thìa cháo loãng. Khi tôi nói với mẹ là thử mời bác sĩ đến khám xem sao thì mẹ lắc đầu cười khổ sở mà nói "ông ta sẽ cười cho đấy". Tôi lấy thuốc Lugol xức lưỡi cho mẹ nhưng dường như chẳng có chút hiệu quả gì và tôi cứ lo lắng không yên.
Đúng lúc này thì Naoji trở về.
Naoji đến ngồi cạnh chiếc gối mẹ nằm, cúi đầu chào và nói "con đã về đây", rồi ngay lập tức đứng dậy đi vòng vòng xem xét ngôi nhà. Tôi cũng bước theo sau.
- Sao? Thấy mẹ thế nào? Có gì thay đổi không?
- Có có, thay đổi nhiều. Tiều tụy đi. Có lẽ chết sớm thì hay hơn. Người như mẹ làm sao có thể sống trong cái thế giới này được. Nhìn mẹ bi thảm đến độ không thể nào chịu nổi.
- Còn chị thì sao?
- Thô tục đi nhiều. Nhìn cái mặt chị như thể đã qua tay hai ba thằng đàn ông gì đó rồi vậy. Rượu chứ? Tối nay say một bữa đi nhỉ?
Tôi đến quán trọ duy nhất trong thôn, nói với cô Osaki chủ quán là em tôi mới trở về, nhờ cô ấy chia cho một ít rượu nhưng cô ấy bảo rằng thật không may rượu đã hết. Tôi về truyền đạt lại cho Naoji, mặt nó lạnh lùng như người chưa từng quen biết, bảo rằng tôi giao tiếp dở quá mà. Rồi sau khi hỏi tôi chỗ nhà trọ, nó xỏ guốc làm vườn lao ra khỏi nhà. Tôi chờ nó mãi mà không thấy trở về. Tôi làm mấy món trứng và táo nướng mà nó thích, rồi thay cái đèn bếp cho sáng hơn, cứ thế ngồi chờ. Đúng lúc ấy thì cô Osaki từ cánh cửa bếp ló đầu vào và hạ giọng thì thầm như nói điều gì quan trọng lắm:
- Này này, có sao không đấy? Hắn đang uống rượu Shochu.
Đôi mắt tròn như cá chép của cô ta mở to hơn thường lệ.
- Sochu? Ý cô nói là rượu cồn[4] ấy hả?
[4] Nguyên tác Mechiru メチル tức là methyl alcohol, thứ rượu pha cồn công nghiệp, rất độc hại.
- Không, không phải cồn đâu nhưng mà cũng gần như thế.
- Uống vào không bị bệnh gì chứ?.
========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1. Cô Gái Ngốc, Tôi Yêu Em
2. Ngài Ảnh Đế Đang Hot Và Cậu Nghệ Sĩ Hết Thời
3. Kẹo Sữa Bò
4. Đối Tượng Kết Hôn Của Tôi Lắm Mưu Nhiều Kế
=====================================
- Ừ, không đâu, nhưng mà...
- Vậy cô cứ để cho nó uống.
Cô Osaki gật đầu như thể nuốt nước miếng rồi quay về.
Tôi đi đến bên mẹ.
- Cô Osaki nói là nó đang uống rượu chỗ cô ấy.
Khi tôi nói vậy mẹ khẽ nhếch miệng cười:
- Hình như nó bỏ được á phiện rồi thì phải. Con làm cơm đi. Rồi từ giờ trở đi ba chúng ta ngủ trong phòng này luôn, nhưng để cho đệm của Naoji nằm ở giữa.
Tôi nghe mà muốn khóc.
Rất khuya Naoji mới trở về, chân dậm thình thình quanh nhà. Tôi mắc một cái màn lớn trong phòng, ba người ngủ trong đó.
- Sao em không kể cho mẹ nghe chuyện ở phương Nam?
Tôi vừa nằm vừa hỏi.
- Chẳng có gì, chẳng có gì. Quên hết cả rồi. Về đến Nhật Bản, em leo lên tàu hỏa. Từ cửa sổ tàu nhìn ra, thấy những cánh đồng lúa sao mà đẹp. Chỉ vậy thôi. Tắt đèn đi chứ. Em ngủ không được đây này.
Tôi tắt đèn. Ánh trăng mùa hạ tràn đầy ùa vào trong màn như cơn hồng thủy.
Sáng hôm sau, Naoji nằm dài trên giường, vừa hút thuốc lá vừa nhìn ra phía biển xa.
- Nghe nói mẹ đau lưỡi hả?
Nó hỏi như thể mới lần đầu nhận thấy mẹ không khỏe vậy.
Mẹ chỉ khẽ mỉm cười.
- Chắc chỉ là do tâm lý thôi. Tối ngủ mẹ cứ há miệng ra mà. Thật bất cẩn! Đeo khẩu trang vào đi! Lấy mấy cái bông băng ngâm trong dung dịch Rivanol rồi đắp lên khẩu trang là được đấy.
Tôi nghe thế thì bật cười:
- Liệu pháp chữa trị gì thế?
- Thì mỹ học liệu pháp chứ gì.
- Nhưng chắc là mẹ sẽ không mang khẩu trang đâu.
Không chỉ có khẩu trang mà mẹ còn rất ghét những thứ đắp lên mặt như bông băng hay mắt kính cũng vậy.
- Thế mẹ có mang khẩu trang không?
Tôi dò hỏi mẹ.
- Mang chứ!
Mẹ trả lời rất nghiêm túc khiến tôi sửng sốt. Dường như mẹ tin tất cả những gì Naoji nói và sẵn sàng nghe theo.
Sau bữa sáng, tôi làm như lời Naoji, lấy dung dịch Rivanol đổ vào bông băng, độn vào khẩu trang và mang đến chỗ mẹ. Cứ nằm trên đệm, mẹ im lặng nhận lấy, đeo cẩn thận hai đầu dây khẩu trang vào hai bên tai. Tôi thật buồn khi thấy mẹ nằm đó như một đứa trẻ.
Đến quá trưa, Naoji bảo mình phải gặp bạn bè và thầy dạy văn ở Tokyo, rồi thay quần áo lịch sự, lấy của mẹ hai ngàn yên, đi lên Tokyo mất dạng. Đã gần mười ngày trôi qua mà chưa thấy nó trở về. Mẹ thì cứ mang khẩu trang mà chờ Naoji mòn mỏi.
- Rivanol thật là thuốc hay. Đeo cái khẩu trang này vào, cơn đau lưỡi hết liền con à.
Mặc dù mẹ cười và nói vậy nhưng tôi nghĩ là mẹ đang nói dối mà thôi. Tuy mẹ nói là "không sao cả đâu" và đã ngồi dậy được nhưng hầu như không muốn ăn uống gì và ít khi mở miệng khiến tôi lo lắng bất an. Không biết bây giờ Naoji làm gì ở Tokyo? Chắc đang lang thang chơi bời với ông nhà văn Uehara rồi bị nuốt chửng trong vòng xoay điên loạn của kinh đô mất rồi. Tôi càng nghĩ càng thấy khổ tâm. Việc bất giác nói với mẹ chuyện hoa hồng rồi lỡ miệng nói là "tại vì không có con", khiến tôi càng day dứt không yên.
- Ah.
Tôi thốt ra rồi đứng dậy, nhưng không biết đi đâu, khổ sở bước lên cầu thang rồi bước vào căn phòng bài trí theo kiểu Tây Phương ở lầu hai.
Căn phòng này vốn được định trước là phòng của Naoji nên từ bốn năm ngày trước, tôi đã bàn với mẹ nhờ ông Nakai đến giúp mang tủ quần áo của Naoji, giá sách, bàn ghế với năm sáu cái hộp gỗ chứa đầy sách vở và tất cả những thứ trong phòng Naoji ở Nishikata mang hết lên đây. Rồi chúng tôi quyết định là đợi đến khi Naoji từ Tokyo trở về mới cùng nhau đặt để tủ quần áo, giá sách chỗ nào cho vừa ý nó nhất. Thành ra đồ đạc cứ để y như vậy. Giữa căn phòng bừa bãi ngổn ngang đồ đạc đến không có chỗ đặt chân đó, tôi vô tình cầm một quyển vở của Naoji trong cái hộp gỗ dưới chân và mở ra xem. Trên bìa quyển vở có ghi mấy chữ "Nhật ký hoa quỳnh"[5], trong đó viết tùy hứng những dòng như dưới đây. Đây hẳn là quyển nhật ký ghi lại tâm trạng khổ sở của Naoji khi nghiện á phiện.
Cảm giác thiêu đốt muốn chết. Cái khổ sở này không thể nói nửa lời, một lời là được. Khi đã vương vào cõi nhân gian, đừng có coi thường cái địa ngục vô đáy, cổ kim chưa từng có tiền lệ này.
Tư tưởng à? Láo toét cả. Chủ nghĩa ư? Lý tưởng ư? Dối trá thôi. Trật tự ư? Chân lý ư? Sự thuần túy ư? Tất cả là vờ vịt đấy. Người ta nói dây cát đằng ở Fushijima có ngàn năm tuổi và ở Kumano cũng đến mấy trăm năm. Nghe nói hoa của dây cát đằng Fushijima dài nhất đến chín xích[6], của Kumano cũng năm xích có dư. Chỉ nghe thấy kích cỡ bông hoa thôi mà tim đã muốn nhảy dựng lên rồi.
Kia cũng là con của người ta. Đang sống[7].
Lý luận, cuối cùng cũng chỉ là thứ tình yêu hướng về lý luận, không phải là tình yêu hướng về con người đang sống.
Tiền và gái, lý luận ngượng ngùng vội vã lủi đi mất.
Một chút hé cười của một nàng xử nữ cũng đáng giá hơn tất cả những thứ học vấn về lịch sử, triết học, giáo dục, tôn giáo, pháp luật, chính trị, kinh tế, xã hội. Đó là điều mà tiến sĩ Faust[8] đã dũng cảm chứng minh.
Học vấn chỉ là một tên gọi khác của hư vinh. Đó là cố gắng của con người để trở thành không còn là người.
Tôi có thể thề điều này trước Goethe. Tôi có thể viết tuyệt hay về bất cứ điều gì không chừa bất cứ thể loại nào. Hoạt kê có mức độ, bi ai để lấy nước mắt độc giả, hay nghiêm túc đàng hoàng, một tiểu thuyết hoàn bích để có thể đọc ngâm nga, hay một kịch bản phim tôi đều có thể viết. Cái ý thức kiệt tác như thế có vẻ rẻ tiền. Đọc tiểu thuyết mà nghiêm trang sửa sang cổ áo chỉ là thái độ của kẻ điên[9]. Nếu thế thì phải mặc áo hakama đàng hoàng vào. Càng là tác phẩm hay thì nó càng nhìn càng như không có gì làm duyên làm dáng cả. Tôi sẽ cố tình viết một quyển tiểu thuyết chán ngắt và tệ hại để nhìn thấy gương mặt cười vui vẻ của bạn tôi, để bạn vui mừng chạy đến xoa đầu tôi. A, cái gương mặt tươi cười của bạn khi ấy!
[5] Nguyên tác là Yuugao nisshi "夕顔日誌 tịch nhan nhật chí", tịch nhan là một loài hoa thuộc họ bầu bí tối nở sáng tàn nên mới có tên "tịch nhan" gương mặt buổi tối). Chúng tôi dùng tạm từ hoa quỳnh, dù hoa quỳnh trong tiếng Nhật có một cái tên rất đẹp là "mỹ nhân dưới trăng" nguyệt hạ mỹ nhân)
[6] Xích: 尺 Shakuđơn vị đo chiều dài, một xích khoảng chừng 30.3cm.
[7] Được nhấn mạnh trong nguyên tác bằng chữ Katakana "アレモ人ノ子。生キテイル"
[8] Tên nhân vật chính trong vở kịch lừng danh cùng tên của văn hào Goethe.
[9] Chơi chữ. Thành ngữ Nhật "chỉnh trang cổ áo" 襟を正す ý nói nghiêm trang đàng hoàng, thái độ đứng đắn.
Tôi thổi cái kèn đồ chơi loan báo cho mọi người biết cái vẻ tệ hại văn chẳng ra văn, người chẳng ra người, rằng: "Nơi đây có một kẻ ngu ngốc nhất Nhật Bản này. Mọi người còn tuyệt hơn tôi nhiều lắm. Hãy giữ sức khỏe đi nhé!". Cái lời nguyện cầu ân tình này cuối cùng là cái gì vậy?
Bạn sẽ cười mà nói rằng: "Đó là cái tật xấu tệ hại của nó. Đáng tiếc làm sao!". Như vậy là bạn chẳng biết thế nào là được yêu thương cả.
Liệu có ai không phải là kẻ bất lương không nhỉ?
Những suy nghĩ vô nghĩa.
Tôi muốn tiền.
Nếu như không có...
Trong khi đang ngủ một cái chết tự nhiên.
Nợ tiền thuốc gần một ngàn yên rồi. Hôm nay lén dẫn người của tiệm cầm đồ về nhà, đi vào phòng và nói "anh xem có thứ gì đáng giá không thì cầm giùm, tôi cần tiền gấp lắm". Không thèm nhìn kỹ càng căn phòng, anh ta phán một câu: "Thôi, bỏ đi. Đây đâu phải là đồ đạc của cậu". "Được rồi, nếu vậy anh hãy cầm những thứ mà tôi mua bằng tiền của mình đi", tôi lên giọng. Nhưng không có một thứ nào trong đống đồ tạp nham của tôi đáng giá cả.
Đầu tiên là tượng bàn tay bằng thạch cao. Đó là bàn tay phải của thần Vệ Nữ. Bàn tay trắng ngần, đẹp như một đóa hoa thược dược đặt trên một cái bệ. Tuy nhiên nếu nhìn kẻ bàn tay trắng tinh khôi không một chút gân, một chút vân tay này anh sẽ kinh ngạc nhận thấy nỗi khổ đau và thẹn thùng của Venus khi nàng bị đàn ông nhìn thấy lúc khỏa thân, khiến nàng gần như ngừng thở. Cảm nhận này chắc chắn làm anh đau đớn thắt ngực. Đây là một thứ đồ cổ hiếm thấy đấy. Anh ta nói nó đáng giá năm mươi xu.
Thứ đến là bản đồ vùng phụ cận Paris, một con quay bằng cenluloid với đường kính dài gần một xích, thêm một cây bút đặc chế để viết được những chữ còn mảnh hơn sợi chỉ. Đây là những thứ tôi mua được với giá hời đấy. Anh ta cười và bảo "thôi tôi đi đây". "Chờ chút đã", tôi ngăn lại và sau khi chất lên lưng anh ta một đống sách, anh ta đưa tôi năm yên. Những quyển sách trên giá sách của tôi hầu hết đều là ấn bản bỏ túi mà tôi mua ở hàng sách cũ nên rẻ là phải.
Chỉ có năm yên để giải quyết món nợ ngàn yên. Thực lực của tôi trên đời này chỉ có vậy. Đây không phải là chuyện cười đâu.
Kẻ phóng đãng ư? Nhưng không như thế thì không thể nào sống được. Tôi thích những người rủa tôi "chết đi" hơn là những người phê phán tôi bằng những lời như vậy. Thật thoải mái. Nhưng người ta hiếm khi nói câu "chết đi". Toàn là một lũ đạo đức giả thâm hiểm bần tiện.
Chính nghĩa à? Bản chất của cái gọi là đấu tranh giai cấp đâu nằm ở chỗ đó. Nhân đạo à? Đừng nói đùa nữa. Tôi biết cả rồi. Đó là đánh đổ kẻ khác vì hạnh phúc của mình chứ gì. Là chuyện giết chóc đấy. Nếu không ra tuyên cáo "chết đi" thì sao nào? Không lừa ai được cả.
Tuy nhiên trong giai cấp của chúng ta không có những kẻ bất toàn. Những kẻ đần độn, yêu ma, keo kiệt, chó điên, đại ngôn khoác lác đang từ trên đám mây kia mà tiểu xuống đấy.
Ngay cả việc ban phát lời nói "chết đi" chúng cũng thấy uổng phí nữa.
Chiến tranh. Chiến tranh Nhật Bản là một sự liều lĩnh tuyệt vọng.
Bị cuốn vào cơn tuyệt vọng đó rồi chết thật là đáng chán! Chẳng thà tự mình chết còn hơn.
Con người khi nói dối thì nhất thiết làm ra vẻ mặt nghiêm túc. Cái vẻ nghiêm túc của những tên chỉ huy khi ấy. Phù...
Tôi muốn chơi với những người không nghĩ là mình được tôn kính. Tuy nhiên, những người tốt như thế không dễ gì chơi với tôi.
Khi tôi giả vờ nghiêm chỉnh đĩnh đạc, người ta truyền tai nhau rằng tôi là người chín chắn. Khi tôi giả bộ lười biếng, người ta nói tôi là kẻ lười chảy thây. Khi tôi làm ra vẻ là mình không viết được tiểu thuyết, người ta nói tôi không viết tiểu thuyết được đâu. Khi tôi giả vờ nói dối, người ta bảo tôi là kẻ nói dối đấy. Khi tôi ra vẻ giàu có, người ta bảo tôi là kẻ lắm tiền. Khi tôi làm bộ lạnh nhạt, người ta bảo tôi là kẻ lạnh lùng. Nhưng khi tôi đau khổ thật sự bất giác buông lời than thở, người ta lại bảo tôi đang làm bộ tịch khổ đau.
Thế giới này thật là sai lạc.
Kết cuộc, chẳng còn cách nào khác hơn là tự sát chăng?
Khi nghĩ đến việc mình chỉ còn cách tự sát để chấm dứt đau khổ giày vò, tôi đã gào khóc.
Vào buổi sáng mùa xuân, ánh sáng chiếu vào cành hoa mơ có hai ba cánh hoa đã nở, một chàng học sinh ở Heidelberg đã treo cổ trên cành cây đó và chết.
- Mẹ à, hãy la mắng con đi!
- Về chuyện gì chứ?
- Người ta nói con yếu đuối.
- Vậy sao? Kẻ yếu đuối à? Thôi đủ rồi đấy.
Mẹ tốt vô cùng. Nghĩ về mẹ tự nhiên mình muốn khóc. Để gửi lời xin lỗi đến mẹ thì chỉ còn cách chết đi thôi.
Hãy tha thứ cho tôi! Bây giờ xin hãy tha thứ cho tôi!
Năm năm tháng tháng trôi đi
Vẫn mù lòa
Con chim hạc nhỏ
Lớn lên và béo ra
Bài thơ năm mới)
Morphine, atromol, narcopon, philipon, pantopon, papinal, panopin, atropin[10].
[10] Các chất gây nghiện.
Tự hào là gì? Tự hào là gì chứ?
Con người, không, lũ đàn ông nếu không nghĩ những câu đại loại như "ta là ưu việt", "ta cũng có những điểm tốt đấy chứ" thì không thể nào sống được.
Tôi căm ghét con người và con người cũng căm ghét tôi.
Một cuộc cạnh tranh trí tuệ.
Sự nghiêm túc = cảm giác ngu ngốc.
Dù sao đi nữa, để sống còn, con người phải lừa đảo thôi.
Một bức thư xin vay nợ:
"Hãy trả lời
Xin chị hãy trả lời đi!
Và hãy báo tin vui đấy nhé!
Em đang một mình rên rỉ khi nghĩ đến những nỗi nhục.
Không phải em đang đóng kịch đâu. Tuyệt đối không.
Van chị đấy!
Em tưởng mình có thể chết đi vì hổ thẹn.
Không phải là lời nói khoa trương đâu.
Mỗi ngày mỗi ngày em đợi hồi âm, sáng trưa chiều tối đều run lẩy bẩy.
Đừng để em phải gặm đất cát mà.
Trong đêm khuya, em có thể nghe ra tiếng cười thầm thì vọng từ những bức tường, em trăn trở không yên.
Đừng trêu chọc em nữa.
Chị ơi."
Đọc tới đây, tôi gấp quyển Nhật ký hoa quỳnh bỏ lại vào chiếc hộp gỗ rồi bước đến bên cửa sổ, mở thật rộng cánh cửa ra, vừa nhìn xuống khu vườn nghi ngút hơi mưa trắng xóa vừa nghĩ đến chuyện xa xưa.
Đã sáu năm trôi qua kể từ ngày đó. Việc Naoji nghiện ngập ma túy là nguyên nhân dẫn đến cuộc ly hôn của tôi, mà không, không thể nói như vậy được. Dù không có chuyện này thì cuộc hôn nhân của tôi đến một lúc nào đó cũng sẽ kết thúc mà thôi. Tôi có cảm giác rằng khi tôi sinh ra số phận đã được an bài như vậy.
Naoji túng quẫn không có tiền để trả cho tiệm thuốc nên thường xuyên vòi tôi. Tôi mới về làm dâu nhà Yamaki nên chuyện tiền nong không thể tự do được. Ngoài ra, việc lấy tiền của nhà chồng lén lút đưa cho em trai là chuyện không đứng đắn. Vì thế tôi mới bàn với Oseki, người theo tôi về bên nhà chồng, đem bán nữ trang và âu phục của tôi. Em tôi đã gửi thư xin tiền và còn viết rằng: "Bây giờ em vô cùng khổ sở và ngượng ngập nên không dám gặp mặt, thậm chí không dám nói chuyện điện thoại với chị. Chị hãy đưa tiền cho Oseki mang đến chung cư Kayano, phố X ở Kyobashi, chỗ tiểu thuyết gia - ông Uehara Jiro đang sống. Em chắc rằng chị cũng biết tên người này. Ông Uehara tuy bị xã hội đánh giá là người đạo đức suy đồi nhưng tuyệt đối không phải như thế. Vì vậy chị hãy yên tâm mà cho mang tiền tới chỗ ông ấy. Sau đó ông Uehara sẽ lập tức gọi điện thoại báo cho em biết. Xin chị hãy làm như thế nhé! Em không muốn cho mẹ biết chuyện nghiện thuốc lần này. Trong lúc mẹ chưa hay biết gì, em muốn cố gắng cai nghiện. Em dự định sau khi nhận được tiền của chị sẽ đem trả hết nợ cho tiệm thuốc, sau đó sẽ đi đến biệt trang Shiobara để tịnh dưỡng và quay về với mẹ. Em hứa như vậy đó. Ngay khi trả hết nợ, em sẽ từ bỏ ma túy. Em xin thề với thần linh. Xin hãy tin em! Hãy giấu mẹ và nhờ Oseki đi đến chung cư Kayano chỗ ông Uehara dùm em!". Tôi làm theo yêu cầu của nó, đưa tiền cho Oseki lén lút mang đến chung cư cho ông Uehara. Nhưng những lời thề thốt trong thư của thằng em tôi như cá trê chui ống. Nó không đến biệt trang Shiobara, cũng chẳng cai nghiện mà coi bộ còn sa đà hơn. Rồi những lời thề thốt thống thiết trong những lá thư xin tiền tiếp theo khiến tôi mủi lòng nên mặc dù biết chắc cũng là dối trá thôi nhưng tôi vẫn đưa trâm cài cho Oseki đi bán và đưa tiền đến chung cư chỗ ông Uehara.
- Ông Uehara là người như thế nào?
- Nhỏ thó, sắc mặt tối tăm, u ám, lạnh lùng.
Oseki trả lời như vậy.
- Nhưng hiếm khi ông ấy có ở nhà. Thường thì chỉ có bà vợ và đứa con gái chừng sáu bảy tuổi thôi. Bà vợ không đẹp nhưng dịu dàng và nhanh nhẹn. Chúng ta có thể yên tâm đưa tiền cho bà ấy.
Nếu so sánh tôi của ngày xưa với tôi bây giờ, à mà khác biệt quá, không thể so sánh được đâu. Ngày ấy tôi mơ mộng và vô tư nhưng vì bị đứa em liên tục viết thư xin một khoản tiền lớn nên cứ lo lắng không yên. Một ngày nọ, từ rạp kịch No trở về, tôi xuống xe ở Ginza, từ đó đi bộ đến chung cư Kayano. Ông Uehara đang một mình đọc báo trong nhà. Ông mặc bộ hakama kẻ sọc và cái ấn tượng đầu tiên về ông là rất kỳ dị, như một con thú lạ lần đầu tiên tôi nhìn thấy, trông vừa trẻ lại vừa già.
- Bà nhà tôi cùng đứa con đi nhận thực phẩm trợ cấp rồi.
Ông ta nói bằng giọng mũi, hơi ngắt quãng.
Dường như ông ta nghĩ tôi là bạn của bà nhà. Khi tôi nói mình là chị của Naoji thì ông bật cười và tự nhiên tôi cảm thấy ớn lạnh.
- Đi chơi chút nhé?
Nói xong, ông khoác hờ áo choàng lên vai, lấy từ tủ giày đôi guốc mới và nhanh chóng đi ra hành lang. Bên ngoài là buổi chiều ngày chớm đông. Gió từng cơn lạnh buốt. Dường như cơn gió từ dòng sông Sumida thổi đến. Ông Uehara hơi nâng vai phải lên như thể chống chọi với cơn gió ấy và yên lặng bước đi. Tôi lầm lũi chạy theo phía sau. Chúng tôi đi vào tầng hầm của tòa nhà phía sau nhà hát kịch Tokyo. Có chừng bốn năm nhóm khách đang ngồi đối diện nhau lặng lẽ uống rượu trong căn phòng hẹp dài chừng hai mươi chiếu. Ông Uehara uống sake bằng ly thủy tinh. Ông xin thêm một cái ly và mời tôi rượu. Tôi uống hai ly nhưng chẳng có cảm giác gì. Ông ấy uống rượu rồi hút thuốc nhưng vẫn im lặng. Đây là lần đầu tiên tôi đến nơi như thế này nhưng lại cảm thấy thoải mái và dễ chịu.
- Phải chi uống rượu thì tốt rồi...
- Gì ạ?
- Không, cậu em ấy. Phải chi cậu ấy chuyển qua uống rượu thì đỡ. Ngày xưa tôi cũng từng nghiện ngập đấy chứ. Con người ta không có thiện cảm với con nghiện. Mặc dù nghiện rượu thì cũng vậy thôi nhưng người ta dễ khoan dung cho kẻ nghiện rượu hơn. Tôi sẽ làm cho cậu em cô chuyển qua nghiện rượu nhé? Được không?
- Tôi có thấy người nghiện rượu một lần. Đó là dịp đầu năm, khi tôi định ra ngoài thì phát hiện người quen của tài xế nhà tôi đang ngồi trên xe mặt đỏ gay như con quỷ ấy, vừa ngủ vừa ngáy khò khò. Tôi giật mình và thét lên. Người tài xế nói anh ta nghiện rượu bét nhè và kéo anh ta xuống xe, nắm vai lôi đi đâu mất. Người anh ta mềm nhũn như không có xương vậy mà miệng thì cứ lầm bà lầm bầm cái gì không rõ. Đó là lần đầu tiên tôi thấy người nát rượu. Thật là buồn cười!
- Tôi cũng là kẻ nát rượu đấy.
- Ồ, nhưng hoàn toàn khác với kiểu ấy đúng không?
- Và cô cũng là kẻ nghiện rượu.
- Làm gì có chuyện ấy? Tôi đã thấy một kẻ nghiện rượu là như thế nào. Quả thực là hoàn toàn khác cơ.
Lần đầu tiên ông Uehara cười vui vẻ:
- Có lẽ là cậu em cô sẽ không trở thành kẻ nát rượu được đâu nhưng trước hết cứ tập cho cậu ấy uống rượu đã. Mình về thôi chứ nhỉ? Nếu khuya quá thì gây phiền cho cô.
- Không, không sao đâu ạ.
- Nói thực chứ nơi này tù túng quá. Tính tiền đi em ơi!
- Có đắt không ạ? Tôi có mang theo một ít tiền.
- Vậy thì nhường cô trả đấy.
- Có lẽ là không đủ đâu.
Tôi kiểm tra ví và nói cho ông Uehara biết số tiền mình có.
- Đừng ngớ ngẩn thế! Chừng đó đủ cho mình đi uống hai ba chỗ nữa đấy.
Ông Uehara nhăn mặt nói, xong phá ra cười.
- Hay mình đi đâu đó uống nữa nhỉ?
Nói xong ông lại nghiêm túc lắc đầu:
- Không được, đủ rồi. Tôi sẽ gọi tắc xi cho cô. Chúng ta về thôi.
Chúng tôi leo lên chiếc cầu thang tăm tối của căn phòng dưới tầng hầm. Ông Uehara đi trước tôi một bước, đến giữa cầu thang, ông ta xoay người lại và hôn tôi một cái rất nhanh. Môi tôi lúc ấy vẫn còn mím chặt.
Tôi chẳng yêu thích gì ông Uehara cả nhưng từ giờ phút ấy tôi đã có "bí mật" của riêng mình. Ông Uehara chạy lập cập lên cầu thang. Cảm giác của tôi thật trong suốt rõ ràng. Tôi cũng từ từ bước lên. Ra đến bên ngoài, gió từ bờ sông thổi vào gò má tôi mát rượi.
Ông Uehara bắt tắc xi cho tôi và chúng tôi chia tay nhau trong im lặng.
Ngồi trong chiếc xe rung lắc, đột nhiên tôi cảm thấy cái thế gian này sao bao la như biển.
- Em cũng có người yêu đấy.
Một ngày, sau khi nghe câu nói đùa của chồng, tôi cảm thấy buồn bã và bật nói như vậy.
- Anh biết rồi. Hosoda chứ gì? Xem ra em không thể nào dứt tình với tay đó được nhỉ?
Tôi im lặng.
Mỗi lần có chuyện gì không vui xảy ra giữa hai vợ chồng là chủ đề đó lại được đưa ra. Tôi nghĩ chắc không xong rồi. Cũng giống như khi may áo mà cắt nhầm vải, ta không thể nào khâu lại mảnh vải đó được nữa; chỉ còn cách vứt bỏ tất cả và chọn cắt một tấm vải mới mà thôi.
- Lẽ nào đứa con trong bụng em lại là...
Một đêm khi nghe chồng nói câu đó, tôi sợ run bắn cả người lên. Bây giờ nghĩ lại, khi ấy cả chồng tôi và tôi đều còn non trẻ quá. Tôi chưa biết tình yêu là gì, cũng không hiểu được yêu đương là như thế nào nữa. Tôi rất thích những bức tranh mà anh Hosoda vẽ, tôi thường nói với mọi người là nếu làm vợ một người như thế, cuộc sống mỗi ngày sẽ tươi đẹp biết bao, và nếu như không kết hôn với người có sở thích cao quý như thế, cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết chừng nào. Vì thế mà mọi người hiểu lầm. Còn tôi thì nào có biết tình yêu là gì đâu, cũng nói là mình thích anh Hosoda, chẳng tỏ vẻ gì phản đối cả nên sự tình càng phức tạp thêm. Rồi đến ngay cả đứa con nhỏ bé trong bụng của tôi cũng trở thành cái đích ngắm nghi ngờ của chồng tôi nữa. Dù chúng tôi không ai đề cập đến chuyện ly hôn nhưng không biết từ lúc nào, không khí trong nhà trở nên không thể chịu đựng được. Tôi cùng với cô hầu Oseki trở về nhà mẹ. Sau đó đứa con sinh ra bị chết đi, tôi bệnh nằm liệt giường, chuyện tình cảm với bên nhà anh Yamaki thế là chấm dứt.
Chắc Naoji cũng thấy có phần trách nhiệm trong việc ly hôn của tôi nên nó khóc lóc bảo "em đáng chết" rồi gào khóc nghệch mặt ra. Khi tôi hỏi là em còn nợ nhà thuốc bao nhiêu tiền thì mới hay đó là một con số đáng sợ. Sau này tôi mới hiểu ra, lúc ấy Naoji đã nói dối. Số tiền thực sự phải trả sau khi xác minh nhiều gần gấp ba lần số tiền nó nói với tôi.
- Chị đã gặp ông Uehara rồi đấy. Ông ấy tốt nhỉ. Từ bây giờ em hãy giao du và đi uống rượu với ông ấy đi. Rượu thì rẻ tiền hơn nhiều đúng không? Tiền mua rượu thì lúc nào chị cũng có thể cho em được. Còn chuyện tiền thuốc thì đừng lo nữa. Rồi sẽ ổn thỏa thôi mà.
Chuyện tôi gặp ông Uehara và nói ông ấy là người tốt chắc làm em tôi vui lắm nên tối đó Naoji lấy tiền tôi đi ngay đến chỗ ông Uehara chơi.
Nghiện ngập có lẽ là một thứ bệnh thuộc về tinh thần. Tôi khen ngợi ông Uehara, đọc mấy quyển sách của ông ấy mà em tôi mượn về, rồi nói mấy câu như "người này giỏi giang nhỉ" thế là Naoji tỏ vẻ vui mừng nói "chị hiểu ông ấy à" rồi lại bắt tôi đọc mấy quyển sách khác của ông Uehara. Tôi cũng trở nên say sưa đọc và hai chị em nói với nhau ông Uehara thế này, ông Uehara thế kia. Em tôi đến nhà ông Uehara hầu như hàng đêm và cuối cùng, đúng theo kế hoạch của ông ấy, Naoji đã chuyển sang nghiện rượu. Chuyện trả tiền thuốc thì tôi đã lén bàn với mẹ. Mẹ lấy tay che mặt, bất động một hồi lâu rồi ngẩng mặt lên cười với một vẻ cô đơn vô hạn, nói "Chẳng còn cách nào khác. Mẹ không biết phải trả trong bao nhiêu năm mới hết nhưng mình cứ trả dần từng tháng vậy".
Từ đó đến giờ đã sáu năm trôi qua.
Hoa quỳnh. Thì ra em tôi cũng khổ. Hơn nữa, còn không có đường đi. Đến bây giờ, nó vẫn chưa biết mình phải làm gì. Chắc là vậy, nên mỗi ngày nó chỉ có uống rượu như chết mà thôi.
Nếu nghĩ theo cách khác thì chẳng phải tôi cũng bất lương hay sao? Nghĩ vậy chắc sẽ dễ dàng hơn cho Naoji.
"Liệu có ai không phải là kẻ bất lương không?". Naoji đã viết như vậy. Như thế thì cả tôi cũng bất lương, chú và mẹ cũng bất lương. Có lẽ đối với Naoji, bất lương là sự dịu dàng chăng?