Thật Ư? Thật Ư? Phải Là Hồng Phai Xanh Thắm

Chương 149: Con đường làm quan của Cố Đình Diệp




Cố Đình Dục vừa chết, thể xác và tinh thần Thiệu phu nhân liền sụp đổ. Tất thảy đau lòng mệt nhọc vốn dồn nén liền bung ra, ốm đau ngắc ngoải, sống dở chết dở. Thái phu nhân cũng tỏ ra “thương tâm quá độ”, rên rỉ trên giường.
Minh Lan thấy tình hình không ổn, suy tính mãi bèn hạ quyết tâm. Tang sự của Cố Đình Dục, nàng nhất định không thể ôm đồm. Chưa nói tới việc nàng không quen thuộc quy củ nhà họ Cố, trong hoàn cảnh này, bất kể nàng làm gì cũng sẽ có người xuyên tạc. Nhưng với tư cách một Hầu phu nhân mới ra lò thì rất khó khước từ, nghĩ đi nghĩ lại bèn trịnh trọng đi mời Huyên đại phu nhân tới hỗ trợ.
“Chẳng phải em lười nhác không chịu ra sức, mà vì tuổi em còn trẻ, chưa từng trải qua chuyện lớn gì. Việc tang lễ của anh Cả lại quan trọng biết mấy, nếu xảy ra sai lầm, không biết người ta nói ra nói vào thế nào đâu.” Minh Lan dứt khoát nói thẳng: “Cả phủ này chỉ có mỗi chị dâu làm em thấy yên tâm nhất, chị mà không giúp em thì em cũng không biết đi tìm ai nữa.”
Huyên Đại phu nhân vốn là người thích làm việc thiện, lại hay ôm đồm, thấy Minh Lan bày tỏ đầy thành khẩn như vậy bèn thoải mái đồng ý, về nhà liền thương lượng với chồng.
“Chuyện lớn như vậy mà nàng đã đáp ứng rồi?” Trong hai ngày tới, Cố Đình Bỉnh phải xuất phát đi Tây Bắc, Cố Đình Huyên còn đang bận rộn chuẩn bị. Vừa về nhà nghe thấy tin này tức khắc thấy không ổn, vội vàng bảo: “Việc của đích tôn chúng ta ít can dự vào thì hơn, kẻo lại xảy ra chuyện không hay, nhiều một chuyện chi bằng ít một chuyện!”
“Chàng thì biết gì!” Huyên Đại phu nhân lườm chồng, sán lại gần tỉ tê: “Việc này em tính cả rồi, dĩ nhiên là phiền toái nhưng mà có lợi. Thứ nhất, em dâu chính xác đang khó xử, việc ma chay này mà làm lớn thì sẽ khiến cậu Diệp không vui, nhưng nếu làm nhỏ lại khó tránh khỏi bị đàm tiếu. Em ôm việc này vào người sẽ khiến em ấy ghi nhớ chỗ tốt của em. Thứ hai…”
Chị ta đưa chén trà nóng cho chồng, nói khẽ: “Xem tình hình phủ ta thế này, trước sau gì chả ở riêng, đến lúc đó việc gì cũng phải dựa vào chính mình. Có điều mấy năm nay, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cha chồng cũng chỉ kêu cậu Hai đi làm, chúng ta muốn tìm cách lại không biết lối, người thì không có, bạc cũng không nhiều. Thừa dịp tang lễ này, chúng ta phải kết giao vài người hữu dụng mới được.”
Cố Đình Huyên không coi là đúng, lắc đầu nói: “Chúng ta chỉ có từng ấy thân thích bằng hữu, chẳng phải nàng đã sớm biết còn gì?”
“Chàng thật là!” Huyên Đại phu nhân dí mạnh vào trán chồng, trách: “Bọn họ làm sao có thể diện bằng những người vì cậu Diệp mà tới tế bái chứ! Đấy mới là tay cầm thực quyền đích thực. Họ thấy em dâu dám giao phó chuyện lớn như vậy cho em lại chả nhìn chúng ta bằng con mắt khác?!”
Cố Đình Huyên xưa nay sợ phiền phức, nhưng nghĩ con cái đang lớn dần, cần mai mối, cần đi học, tương lai khó tránh khỏi còn cần tìm việc làm, không thể lần nào cũng ỷ lại vào Cố Đình Diệp, cuối cùng đành thở dài gật đầu.
Vì bày tỏ thành ý, hôm sau Minh Lan đích thân tới chỗ Thiệu thị lấy đối bài và chìa khoá nhà kho, phí nước bọt hồi lâu mới bày tỏ rõ ràng nỗi khổ tâm của mình cộng với việc nhờ người khác trợ giúp, đâu ngờ xong xuôi Thiệu thị mới thì thào: “…Mọi thứ đều ở chỗ mẹ…”
Sao không nói sớm! Minh Lan lập tức sang chỗ Thái phu nhân.
Trên trán Thái phu nhân quấn chiếc khăn vàng nhạt, bộ dạng mệt mỏi nằm uống thuốc. Minh Lan lần thứ hai giải thích rõ ngọn ngành xong, bà ta tựa hồ hơi ngây ra, nhìn Minh Lan hồi lâu bằng đôi mắt đỏ vằn tia máu khiến nàng âm thầm kinh hãi, sau rồi mới kêu Hướng ma ma đi lấy đồ.
Minh Lan trộm lau mồ hôi lạnh, hả lòng hả dạ đưa đối bài và chìa khoá cho Huyên Đại phu nhân. Nàng khăng khăng “bản thân trẻ tuổi, không thể một mình đảm đương chuyện lớn”, lại tin chắc Thái phu nhân không dám bảo Chu thị tiếp nhận việc này.
Hiện giờ bên ngoài tin đồn bay đầy trời, hướng thẳng vào bà mẹ kế Thái phu nhân này mấy chục năm qua luôn “ủ mưu đồ xấu”, nếu bây giờ lại để Chu thị ôm việc vào người thì càng có cớ rồi. Bà ta ôm quyền vài chục năm, viện lý do con trưởng ốm yếu mà kêu dâu trưởng tận tâm chăm sóc, đến bây giờ còn không chịu buông tay đâu!
Huyên Đại phu nhân là người nhanh nhẹn, hơn nữa không bị cản tay liền thuận buồm xuôi gió xử lý việc tang lễ hết sức ổn thoả. Khiêm tốn mà không thiếu trang trọng, lễ tiết chu toàn mà không lộn xộn. Lúc cần khóc tang thì cả phủ dậy tiếng khóc như sấm động, nửa dặm ngoài cũng nghe thấy rõ ràng. Lúc cần tiếp đãi khách khứa thì tôi tớ lần lượt đan xen, gọn gàng ngăn nắp.
Trong khi đó Minh Lan chỉ cần giấu nửa bình dầu hoa quế, mỗi ngày tới trước linh tiền của Cố Đình Dục khóc mấy lần là xong, còn có thể quen thuộc quan hệ nhân sự trong phủ Ninh Viễn hầu, nhân tiện ngắm nhìn nhà kho mà nàng tò mò đã lâu.
Nàng sâu sắc nhận thấy đã thỉnh cầu đúng người, cứ cách một ngày lại bày tỏ lòng biết ơn với Huyên Đại phu nhân một hồi, mỗi lần đều thay đổi từ ngữ không hề trùng lặp, thổi phồng tới mức chị ta vô cùng sung sướng, quên hẳn nỗi vất vả chỉ được ngủ hai canh giờ mỗi ngày.
Ngoài ra, thời gian còn lại Minh Lan hầu như tiêu tốn trong phòng Thiệu thị.
Theo lời thái y, bệnh của Thái phu nhân thuộc về vấn đề điều dưỡng “tâm tình”, song Thiệu thị thì lại bệnh đến như núi lở, mãnh liệt tới mức có biểu hiện của “dầu hết đèn tắt”. Minh Lan giật nảy mình, nghĩ thà rằng chăm sóc người sống còn có cảm giác thành tựu hơn là ra ngoài tỏ vẻ đau buồn cho người ta xem, hơn nữa tương lai cũng dễ sống chung.
Thiệu thị chẳng hề để ý Minh Lan, bất luận Minh Lan nói gì làm gì, chị ta hết thảy đều lạnh nhạt nhắm mắt. Minh Lan không hề tức giận, ôn hoà chăm sóc chị ta, xem phương thuốc, thử thuốc, chọn vài chuyện quan trọng về tình hình khách khứa ở ngoài linh đường kể lại, còn đưa Dung nhi tới làm bạn với Nhàn nhi. Ngày ngày mang đồ ăn ngon đồ chơi vui từ Trừng viên tới, làm cho trẻ con tạm quên đau buồn, tốt xấu có thể ăn có thể ngủ chút. Thiệu thị vốn không phải người vững tâm, thấy Minh Lan dè dặt quan tâm thì không khỏi mềm lòng, nghĩ tới những ân oán năm xưa dù thế nào cũng không nên vạ lây tới nàng dâu mới vào cửa mấy tháng, liền dần dần thay đổi thái độ, nhã nhặn khách khí với Minh Lan hơn rất nhiều.
Minh Lan trông chị ta tâm tàn ý lạnh, không nghĩ khỏi bệnh, chỉ một mực đau buồn, bệnh tình càng thêm nặng nề thì thỉnh thoảng kể lại vài chuyện thuở nhỏ của mình, cực lực phóng đại sau khi Vệ thị mới mất, chính nàng “sợ hãi, “bàng hoàng”, “cô đơn” cộng thêm đủ loại thiếu tương trợ.
“…’Trẻ con không mẹ khác gì cọng cỏ’, lời này thật sự vô cùng chính xác…” Mắt mũi Minh Lan hoe đỏ (do vừa mới tới linh tiền khóc một trận), khe khẽ nghẹn ngào: “Phu nhân của em tuy rất tốt, nhưng bà dù sao vẫn phải trông nom cả đại gia đình cùng với các anh chị em khác… Nếu không phải có bà nội rủ lòng thương, em, em thật không biết…” Để lại một đoạn thật dài dấu ba chấm, cho Thiệu thị tự đi mà suy tưởng.
Thiệu thị nghe quả nhiên vô cùng sợ hãi, dù nàng ta có coi Thái phu nhân là “người tốt” thì cũng không thể yên tâm phó thác con gái cho bà ta. Bụng nghĩ con gái đã không có cha rồi, nếu lại không có mẹ thì tương lai sẽ ra sao. Tâm chí tức thì kiên định, bệnh liền tốt hơn nhiều. Đến hôm đưa tang chị ta còn có thể đứng dậy đi ra cảm tạ thân thích bằng hữu.
Đương nhiên, Minh Lan cũng nhận được khen ngợi to lớn. Thái phu nhân mỉm cười khen nàng đôi câu, Minh Lan một mặt tỏ ra khiêm tốn, một mặt thầm nghĩ: Lấy ngài làm gương, ta tất nhiên sẽ học hành chăm chỉ.
Nói đi nói lại thì đây vẫn là lần đầu tiên Minh Lan nghiêm túc để tang chu toàn, chẳng những không cho đám hầu gái trong viện được mặc quần áo màu sáng, ngay cả Dung nhi cũng được may cho hai bộ y phục trắng mới, chính nàng càng là từ đầu đến chân bới không ra khuyết điểm.
Áo ngoài thêu hoa văn cành hoa đơn sắc, trang sức bạc sáng trắng như tuyết, không có tí màu sắc nào, ngay cả tua rua san hô trên mũi giày cũng bỏ đi. Minh Lan mặc bộ trang phục xoay một vòng trước mặt Cố Đình Diệp, hỏi cảm nhận.
Cố Đình Diệp nhếch môi: “Ước chừng tôi đây chết đi tình thế cũng giống thế này.”
Đèn lồng treo trước cửa Hầu phủ đều trắng thuần một màu, Minh Lan nghĩ cửa Trừng viên cũng phải treo hai cái đèn lồng nhỏ màu trắng, bèn nói: “Treo ba tháng là được rồi.” Nào ngờ Cố Đình Diệp phản pháo: “Lúc ông cụ mất chỉ treo mỗi trăm ngày, treo lâu đến thế để người không biết lại tưởng tôi chết rồi à.”
Minh Lan thở dài.
Được rồi, dạo gần đây gã này tính khí không tốt, nói chuyện kì quái, hơi tí là châm chọc.
Giống như anh tích góp đủ sức mạnh chỉ chầu chực gây phiền toái cho kẻ thù, nào ngờ không đợi anh thật sự xuất chiêu, người ta đã chết rồi. Sau khi chết còn được an táng long trọng, những kẻ tmuốn giúp anh thêm thể diện lại không biết nội tình (vì không kịp tạo thế) thì càng khao khát bày tỏ, kẻ này biểu hiện còn bi thương hơn so với kẻ kia. Hắn lại không thể oang oang rằng “tôi và anh trai tôi là oan gia kiếp trước đối thủ kiếp này, các người không cần phải ra sức như thế”, v.v…
Thực ra Minh Lan cũng không vui vẻ gì, tang lễ cũng đã tổ chức xong, nhưng đống tiền bạc lễ vật lại cuồn cuộn chảy vào phủ Hầu… Nàng quặn đau trong lòng, đích tôn chưa ở riêng, vàng bạc tài vật đều phải đưa vào kho trong phủ, nhưng tương lai phỏng chừng chính nàng mới là người phải đi trả lễ, thật không biết sau này ở riêng còn được mẩu vụn nào không.
Có điều nàng vẫn phải khoan dung khuyên nhủ: “Dù sao người chết là chuyện hệ trọng, người cũng đã chết rồi, chàng còn so đo làm gì.”
“Từ lúc tôi hiểu chuyện đã biết anh ta không sống lâu được.” Cố Đình Diệp hờ hững: “Nhưng đâu có thấy anh ta thiếu chiêu trò.”
Thuở nhỏ, ấn tượng sâu nhất của hắn với anh Cả, đó chính là Cố Đình Dục một mặt thì tỏ ra sống dở chết dở để mọi người nâng đỡ uống thuốc, một mặt thì buông lời gièm pha bằng ánh mắt xấu xa với cha mình. Từ nhỏ đến lớn hắn ta chịu không ít đau khổ trong tay con bệnh này. Trong mắt hắn, người  bệnh vẫn có thể làm điều ác, thông cảm không ảnh hưởng tới căm hận, kẻ làm điều xấu thì dù có đang nằm trên giường bệnh vẫn phải kéo dậy mà nhận phạt.
Quan niệm này có ý tứ khá giống với hiện đại, Minh Lan tức thì tỏ ra tán thưởng vạn phần: “Chồng em quả nhiên ân oán phân minh, xứng danh trượng phu.”
Cố Đình Diệp liếc nàng, tâm tình tốt lên nhiều, cười mắng: “Mồm miệng lanh lợi lắm! Em không đến chính điện mà khua môi múa mép với đám văn nhân thật là đáng tiếc!”
Gần đây hắn có rất nhiều ý kiến đối với đám văn nhân, được rồi, đây chính là nguyên nhân thứ hai khiến hắn hậm hực.
Từ tháng sáu tới nay, hắn chính thức kiêm chức Phó đô đốc của phủ đô đốc Ngũ quân, lĩnh Tả quân đồng thời thêm chức Thái tử thiếu bảo, địa vị tăng lên dẫn đến hắn trực tiếp tham dự thảo luận chuyện quân chuyện nước. Cùng với thời cuộc ổn định, tất cả sóng ngầm mãnh liệt dần dần chuyển sang đấu văn, chính điện trở thành nơi các phe phái trường kỳ đấu đá, một đống người ngày ngày văng nước bọt tung toé.
*Phủ đô đốc Ngũ quân: Gồm Trung quân, Tả quân, Hữu quân, Tiền quân, Hậu quân. Là một tổ chức được thành lập từ thời nhà Minh, thống lĩnh quân đội.
*Thái tử thái bảo: Cùng với thái sư, thái phó là những chức quan liên quan đến thái tử (Đông cung). Thái sư dạy văn, thái phó dạy võ, thái bảo bảo vệ an toàn. Chức “thái bảo” thường là một chức quan vinh dự mà không có thực chất.
Đặt thụy hiệu* cho tiên đế, bọn họ phải tranh cãi. Nghi thức đãi ngộ bất đồng cho hai cung Thái hậu, bọn họ phải tranh cãi. Thay đổi nhân sự, bọn họ cũng phải tranh cãi. Còn như quyết định quốc sách như bố trí hành chính, bọn họ càng phải tranh cãi ầm ĩ tới mức ngay cả cơm cũng không cần ăn. Tổ chế triều đại vốn thiên về quan văn khống chế võ tướng, võ quan phần lớn dâng tấu, thảo luận tranh cãi thuộc về công việc của quan văn.
*Thụy hiệu: Là danh hiệu sau khi chết của vua, phi tần, chư hầu, quan lại có địa vị nhất định, căn cứ vào sự tích và phẩm đức của người đó khi còn sống.
Trước kia khi Cố Đình Diệp chỉ quản “một mẫu ba sào ruộng” của hắn, đứng trên chính điện dự thính có thể chỉ cần nghe tai trái ra tai phải, dẫu sao những chuyện quan trọng sẽ được sao chép gửi tới tay trọng thần tự nghiên cứu. Nhưng giờ đây hắn tính nửa văn nửa võ, đành phải dựng thẳng tai nghe ngóng, bởi khi hoàng đế bị quan văn bắt bẻ đến mức không nói nên lời thì thường thích nhất hỏi một câu: “X ái khanh, khanh cho rằng việc này thế nào?”
Vị X ái khanh này thông thường do Thẩm Tòng Hưng, Diêu các lão, cộng thêm chính hắn Cố đại nhân thay phiên gách vác, những người còn lại thay phiên diễn xuất.
Cho rằng cái đầu nó! Nếu hắn có bản lĩnh văn chương thì cần gì theo con đường liếm máu lưỡi đao mà kiếm cơm ăn.
Thụy hiệu của tiên đế thiếu hay thừa một chữ “văn”, liên quan quái gì đến hắn? Chỉ có mỗi chuyện này cũng khiến hai phái vốn có ân oán liền bày đội ngũ chỉnh tề, tranh cãi từ bình minh tới khi tối khuya, miệng đầy chi hồ giả dã, trích dẫn kinh sử, từ chuyện Tam Hoàng Ngũ Đế đến chuyện tiên đế khi về già sủng hạnh Tiểu Vinh phi là đúng hay không.
Kiểu cãi nhau này coi như nhã nhặn, dù sao hoàng đế cũng không ý kiến gì nhiều, nhìn xem triều thần cãi nhau cũng rất thú vị.
Tân đế hiển nhiên quá non, không biết triều đình hiểm ác, giữa lúc hai bên phe phái tranh cãi mãi chưa xong bèn cầu hoàng đế làm trọng tài.
Hoàng đế mà không đồng ý thì chính là bất hiếu. Lão hoàng đế trước lúc lâm chung tự mình đưa ngươi từ chỗ khỉ ho cò gáy kéo tới, chăm sóc ngươi, ủng hộ ngươi, lập ngươi làm thái tử kế vị, vậy mà ngươi còn dám nói lão hoàng đế không tốt?! Ngươi đúng là không có lương tâm!
Sau đó tiếp tục cãi nhau, liên tiếp trích dẫn kinh sử.
Nếu hoàng đế đồng ý thì lại là không rõ chính sự. Chính vì lão hoàng đế lề mề, kéo dài việc lập trữ tới hơn mười năm, dẫn đến cả nước gió tanh mưa máu, kinh thành tựa hồ như tắm qua một lần máu, bao nhiêu trung thần lương tướng chết trong hai lần biến loạn, đến mức đấy mà còn không bày tỏ thái độ? Hoàng thượng ơi là hoàng thượng, ngươi phải vì công bằng cho lòng dân thiên hạ mà can đảm hy sinh chữ hiếu tầm thường của bản thân chứ!
Sau đó tiếp tục cãi nhau, lại liên tiếp trích dẫn kinh sử.
Tân thiên tử cười ngất, ai da mẹ ơi, nằm cũng trúng đạn.
May mà hắn cũng có người giúp đỡ, tranh luận độ nửa năm, phí bao công sức mới yên ổn việc này.
Trận tiếp theo, triều đình lại náo nhiệt vì vấn đề đãi ngộ của hai cung Thái hậu.
Hoàng đế tất nhiên muốn mẹ đẻ được đối đãi cao, nhưng một đám văn thần không đồng ý, nói tiên đế trước lúc lâm chung từng có khẩu dụ với các vị cố mệnh đại thần: “Sau khi ta mất, cần phải đối xử tử tế với Hoàng quý phi, tất cả lễ nghi đãi ngộ đều ngang với Hoàng hậu.”
Kỳ thực khi ấy lão Hoàng đế bệnh hồ đồ, gần tắt thở đến nơi, mơ mơ tỉnh tỉnh chỉ nhận ra được Đức phi làm bạn nhiều năm. Nếu dựa theo quan điểm pháp luật thời hiện đại, di chúc bằng miệng như vậy không chính xác.
Tranh cãi ồn ào nửa tháng, Hoàng đế tức đến nỗi nghiến răng kèn kẹt, đám người kia chẳng những một bước không nhường, còn nói dựa theo thời gian vào cung, đòi hỏi Thánh Đức Thái hậu phải được vào ở Đông điện to lớn tôn quý.
Lúc ấy lão Cảnh ngẫu nhiên bị Hoàng đế điểm danh bắt lên tiếng, nhất thời sơ suất, buột miệng nói “mẹ đẻ tất nhiên cao quý hơn người dưng”, lời này tức thì chọc đúng tổ ong vò vẽ.
Đồng chí lão Cảnh lập tức bị trách mắng rợp trời ngập đất như tro núi lửa, từ những câu nhẹ như “không có học vấn”, “không hiểu lễ nghi”, hoang đường vô tri”… đến những câu nặng hơn “lòng dạ khó lường”, “mưu đồ làm loạn”.
Đáng thương thay đồng chí lão Cảnh bị mắng choáng váng hết hồn, nghe nói sau đó phải nhờ Chung Đại Hữu dìu về nhà.
Cố Đình Diệp phỏng đoán, hoàng đế kỳ thật rất đồng tình với lão Cảnh.
Ở nơi đất Thục dân phong chất phác, cách giải quyết thông thường là có ân tất trả, có thù tất báo. Có chuyện gì thì móc dao “ba đao sáu động*” là giải quyết xong. Phỏng chừng đồng chí lão Cảnh chưa từng trải qua kiểu công kích mạnh mẽ của đám quan văn như thế này. Bọn họ phần lớn vẻ ngoài nhã nhặn nho nhã, nội tâm thì hung tàn dũng mãnh, không động thủ, chỉ động khẩu. Dùng ngòi bút cùn mắng ngươi từ tổ tông cho tới thằng cháu của em gái vợ chú Hai dạo lầu xanh mà không trả tiền, tuyệt đối giết người không thấy máu.
*Ba đao sáu động là một phương thức trừng phạt trên giang hồ.
Hôm sau, tấu chương vạch tội hắn nhiều như bông tuyết bay vào nội các.
Căn cứ vào lễ giáo quy củ trong gia tộc thời cổ đại, mẹ đẻ không quan trọng bằng mẹ Cả. Nếu con vợ lẽ đạt được thành tựu lớn thì cũng là mẹ cả được khen ngợi phong cáo mệnh, không liên quan đến mẹ đẻ là vợ lẽ (nhưng cuộc sống có thể tốt hơn nhiều). Nếu muốn giúp mẹ đẻ vốn là vợ lẽ cũng được vinh quang thì nhất định phải cho mẹ cả trước, sau đó mới giảm dần đến mẹ đẻ.
Lão Cảnh thật oan uổng, hắn vốn dĩ không hề đối nghịch với lễ giáo hùng mạnh.
Kỳ thực tỉ mỉ phân tích ra, tình huống hoàng gia không phải như thế.
Thánh An hoàng hậu không phải tấn chức từ phi vị lên thẳng Thái hậu, bà rõ ràng là hoàng hậu được sắc phong đầy đủ nghi lễ, ngược lại chính hoàng quý phi (Đức phi) mới là nhảy từ phi tần lên thành thái hậu, hoàng đế lại không phải con ruột của bà, dựa vào gì mà đòi tranh luận?!
Đám quan văn hiển nhiên đánh lừa dư luận, bắt được nhược điểm của lão Cảnh bèn thừa cơ làm loạn, không ngừng ồn ào, từ một câu mà xuyên tạc lung tung.
Lúc đầu tân đế lên ngôi, chính do nhất thời không chống cự nổi chiến thuật biển người của bọn họ, bị nước bọt văng đầy trời làm cho choáng váng đầu óc nên mới sắc phong hai cung thái hậu. Giờ đây hậu cung bị cản tay khắp nơi, nhớ tới mà hối hận không thôi.
Ước chường có người phía sau chỉ bảo, sau khi suy nghĩ cẩn thận, hoàng đế càng lúc càng kiên định lập trường, vì mẹ đẻ, cũng vì sau này bản thân dễ chịu hơn, dù cho Thánh Đức thái hậu có đi thái miếu khóc lóc với tiên đế, hắn cũng quyết không chịu nhường.
Một mạch miễn chức năm sáu tên quan đi đầu xung phong, lại hàng chức hơn mười kẻ nữa mới chèn ép được đám người kiêu ngạo kia, nhân tiện đổ tội Thánh Đức Thái hậu bị bệnh chịu khổ lên đầu đám quái vật đó, lấy tội danh “chia rẽ tình cảm hoàng gia, rắp tâm làm loạn”.
Cuộc chiến lần này đại thắng, chỉ đáng thương thay đồng chí lão Cảnh, đến nay vẫn cáo ốm ở nhà, ngại ngùng không dám ra ngoài gặp người.
Có điều Diêu các lão nói, cách làm cứng rắn này không nên dùng nhiều. Lần này hoàng đế chiếm lý lẽ, hơn nữa xác thực không dính dáng nhiều tới lợi ích xã tắc. Giả như lần nào Hoàng đế cũng ỷ thế hiếp người thì danh tiếng không hề tốt.
Minh Lan gật gù, đúng là gừng càng già càng cay. Diêu các lão nói quá chuẩn.
Cần phải nghe nhiều lời khuyên can, chọn lọc ý kiến bề tôi, hợp mưu hợp sức mới là tốt. Dù sao nhóm người Hoàng đế và Cố Đình Diệp còn thiếu kinh nghiệm, rất nhiều chuyện chính sự vẫn còn đang học hỏi. Dân tình bốn phương tám hướng khác biệt rất lớn, quan trường phe phái khó phân. Nếu cứ khăng khăng cố chấp, nhỡ đâu xảy ra chuyện xấu, ngay cả đường hoãn cũng không có thì tất cả đều là lỗi sai của một mình hoàng đế rồi.
Vì thế bạn học Cố đành phải cố gắng hơn.
Để không làm hoàng đế thất vọng, càng không giẫm vào vết xe đổ của đồng chí lão Cảnh, buổi tối hắn phải xem nhiều hồ sơ, phân tích nghiền ngẫm. Lúc đi làm phải lên tinh thần nghe đám văn nhân tranh cãi, không dám lười biếng một khắc, hết giờ làm về phủ còn phải tới chỗ anh cả oan gia khóc tang, cho dù không chảy ra được nước mắt cũng phải gào khan mấy tiếng. Cứ như vậy hắn không hậm hực mới là lạ.
May mà hắn cũng là người cực thông minh. Đến khi đại ca ma quỷ đầy 49 ngày, hắn đã có thể xen miệng vài câu tại triều chính, hơn nữa, y theo lời Diêu các lão, hắn chen vào vô cùng có độ.
Vài hôm trước, trên triều hình bắt đầu nghị luận chuyện thuế muối.
Những năm gần đây thuế muối hỗn loạn, tư nhân buôn muối thành phong trào, quan viên thu tiền nhưng không nộp thuế, các khoản mục vô cùng kín kẽ, trên dưới đồng tâm. Tiên đế từng phái mấy nhóm người tới điều tra, không phải tay không mà về thì cũng là tự mình rơi vào vũng bùn, cuối cùng ngồi xe tù về kinh phục mệnh.
Đương kim hoàng đế muốn chỉnh đốn, bá quan theo thường lệ không ngừng tranh cãi, đại khái ý tứ là không nên động vào, một khi động vào lại kéo theo vô số liên hệ, thiên hạ bất an.
Cố Đình Diệp nghe cả một buổi sáng, bắt lấy kẻ ồn ào hăng say nhất, vẻ mặt khiêm tốn hỏi: “Không tính đến chuyện khác, chuyện thuế muối này đến cùng có cần phải chỉnh đốn hay không.”
Gã quan kia nhăn nhó hồi lâu, sau đó lải nhải thêm một đống nào là khó xử, ảnh hưởng, hậu quả thế nào.
Cố Đình Diệp lại hỏi: “Vậy ý của ngài là không chấn chỉnh? Cứ để lộn xộn như thế?”
Bất luận bọn họ loanh quanh thế nào, Cố Đình Diệp chỉ hỏi một câu: “Vì quốc vì dân, cuối cùng có nên chấn chỉnh thuế muối hay không”.
Thuế muối chiếm 1/5 thu nhập quốc khố, bây giờ còn không có đủ 1/50, chuyện thuế muối mục nát như vậy, viên quan nào lại dám nói không cần chỉnh đốn, nhất thời cả triều im lặng. Thấy tình hình này, hoàng đế tức thì vô cùng phấn khởi.
Tốt lắm tốt lắm, ai nấy đều cho rằng phải chấn chỉnh thuế muối, như vậy vấn đề kế tiếp chính là “chỉnh như thế nào”, “phái ai đi chỉnh”, “từ từ chỉnh hay đao sắc chặt đay rối”.
Minh Lan cực kì tán thưởng, Cố Đình Diệp quả nhiên đi đúng đường, đọc chưa đầy hai ngày sách luận đã biết cách cắt đứt tranh cãi, song nghe đến đoạn triều đình thảo luận xem nên chọn ai đi chỉnh đốn thuế muối, Minh Lan không khỏi lo sợ: “Chàng… muốn đi ư?”
Cố Đình Diệp vung tay áo ngồi ngay ngắn trên ghế thái sư, mỉm cười nói: “Sáng nay tôi đã nói với hoàng thượng rồi, chuyện tỉ mỉ như thế tôi không làm được.”
Minh Lan vỗ ngực, thở phào nhẹ nhõm.
Phụ nữ thời cổ đại thật khó làm, vừa không muốn ông xã làm Hải Thụy*, càng sợ ông xã biến thành Nghiêm Tung, tốt nhất nên giống Đàm Luân, vừa lưỡng toàn trung nghĩa, bạn bè khắp thiên hạ, vừa chết già mà vẫn quan cao lộc hậu, cuối cùng còn kéo dài phúc khí cho con cháu.
*Hải Thụy là một vị quan thanh liêm nổi tiếng triều Minh.
*Nghiêm Tung là một vị quyền thần, gian thần nổi tiếng thời Minh.
*Đàm Luân là một vị danh tướng kháng giặc Oa/Uy thời Minh.

Cố Đình Diệp thấy vậy liền cười vân vê vành tai nàng, ôn hoà nói: “Em đừng lo lắng. Lần này hoàng thượng nhìn chuẩn lắm, năm trước lưỡng Hoài* vừa xong chiến loạn, vệ sở quân doanh các nơi thay đổi nhiều người, nhiều Đô chỉ huy sứ thần phục hoàng mệnh, hoàng thượng mới quyết định động thủ.”
*Lưỡng Hoài: Chỉ Hoài Nam, Hoài Bắc.
Minh Lan ôm cánh tay chồng, cười tủm tỉm như hoa bìm bìm, chôn đầu vào bả vai chồng, khẽ khàng: “Chỉ cần chàng bình an, vinh hoa phú quý em cũng chẳng màng.” Giọng nói dịu dàng, thân thể mềm mại.
Cố Đình Diệp ngứa ngáy trong lòng, trở tay ôm Minh Lan, mắt ánh vẻ mờ ám, khóe miệng nhoẻn cười, một tay từ từ mò xuống eo nàng.
Minh Lan đè cái tay hắn lại, đỏ mặt lên: “Đang để tang mà.”
Không có loại tránh thai nào là chắc chắn hoàn toàn, huống chi bây giờ nàng đang trong kỳ nguy hiểm.
Cố Đình Diệp tối sầm mặt, ôm Minh Lan vần vò hồi lâu, cuối cùng thẳng người dậy, bước nhanh ra ngoài. Minh Lan thấy sắc mặt hắn không tốt bèn nhỏ giọng hỏi với theo.
“Đi bỏ đèn lồng xuống.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.