Thế Lực Khách Trú Và Vấn Đề Di Dân Vào Nam Kỳ

Chương 10: Kỳ 10:Tiếp theo và hết




Vấn đề buôn bán của người Bắc trong Nam kỳ - Trong Nam có nhiều nghề nghiệp khác dùng được người Trung, Bắc kỳ.


Trong trường buôn bán, trăm nghìn thứ hàng, song gồm cả chỉ có hai thứ: một là thứ hàng vật sản, một là thứ hàng chế tạo. Xứ Bắc buôn bán với xứ Nam, chỉ thuần ở hàng chế tạo mà thôi. Vì sự vận tải kềnh càng tốn kém, cho nên giá đem hẳn công nghệ vào trong ấy mà làm mà bán, thì tưởng cũng tiện lợi lắm, vì trong ấy cũng sẵn nguyên liệu, vả lại làm ngay đó bán ngay đó, thì thế nào cũng có giá rẻ hơn là chở ngoài này đem vào bán, dù cho làm ở trong ấy, mà có phải tốn kém vì đem người lôi thôi, thuê nhà đắt đỏ, chịu thuế nặng hơn đi nữa cũng vậy. Nhưng mà vấn đề đem công nghệ vào, dẫu biết có ích lợi đến thế nào, cũng chưa nhất định giải quyết được, mà còn phải đem ở ngoài này vào bán, thì cái địa vị các nhà buôn bán người Bắc ở trong Nam quan hệ lắm.
Tình hình thương nghiệp của người Bắc trong Nam bây giờ, trông thế mà chưa ra gì đâu: cho rằng ở Sài gòn, phố lớn như phố Catinal, là phố buôn của ngoại quốc cả, cửa hàng rẻ nhất cũng phải thuê đến 100$ một tháng, thế mà cửa hàng Bắc cũng len lỏi vào được dăm bảy nhà thật to; cho rằng ở các phố khác cũng có người Bắc buôn bán, và trong chợ Bến Thành, đàn bà Bắc cũng họp được riêng một dãy bán các hàng vặt; lại cho rằng đi khắp Lục tỉnh đều có trông thấy người Bắc đeo gói đi bán hàng rong, nhưng thế cũng chưa có thể gọi là phát đạt được, bởi trong Nam kỳ, đã có cơ hội hay cho người Bắc buôn bán, lại là địa điểm tốt cho người Bắc buôn bán, thế mà ta tính cho kỹ, gọi là cửa hàng của người Bắc kỳ buôn bán, suốt Nam kỳ dễ không được một trăm nhà, gọi là người đi buôn bán, dễ không được hai trăm người, như thế thật là ít lắm, chẳng uổng mất cái cơ hội hay, bỏ phí chỗ địa điểm tốt lắm ư?
Thế nào là cơ hội hay? Ta nên biết rằng xứ Nam kỳ vốn xưa nay là bạn hàng của ngoại quốc, thứ nhất là của Khách trú, cho nên đối với hàng Bắc là hàng trong nước chế ra, tuyệt nhiên không có cảm tình gì cả, mà cho là thường là xấu không dùng, duy chỉ có mười năm trở về đây, nhất là sau khi tảy chay Khách trú rồi, bấy giờ mới có lòng đoái thương đến đồ nội hoá, và biết đồ nội hoá cũng có thứ dùng thay cho đồ ngoại được. Tấm lòng ấy ngày một sốt sắng thêm, những muốn cho anh em ngoài Bắc vào mở mang buôn bán cho đông, để đối thị với Hoa kiều, nghĩa là rất sẵn lòng chiếu cố đến hàng Bắc, thế thì chẳng phải cơ hội hay là gì?
Thế nào là địa điểm tốt? Xứ Nam kỳ tức là một cái cổng trước của nước ta, là một cái quán nghỉ chân ở giữa đường cho khách hai phương đông tây đi qua lại tất phải vào, chứ không như xưa ta ngoài này, ở lọt mãi vào trong, ai có cần lắm thì họ mới đến. Nay muốn quảng cáo cho đồ chế tạo của mình, mà mình chưa có thể nói đến chuyện xuất thân ra ngoại quốc lập tiệm buôn bán được, thì còn có chỗ nào, dễ khiến cho người ngoại quốc đi lại ghé mắt vào hơn là Sài gòn, vì thế nói xứ Nam kỳ thật là cái địa điểm rất tốt cho cuộc buôn bán của người Bắc.
Như thế tưởng các nhà có tư bản và có tài buôn bán ở ngoài ta, nếu có chí kinh doanh to tát, mà lấy chỗ đất ngoài này, có điều chật hẹp và bất lợi cho sự tiến hành của mình, thì nên vào Nam kỳ mà buôn bán, chắc không lo không phát đạt vậy.
Buôn bán là làm giàu cho mình, cho mình tức là cho nước, ai cũng biết thế, song lẽ vào Nam kỳ buôn bán bây giờ, đã sẵn có cơ hội hay địa điểm tốt, thì ta cũng phải biết lợi dụng theo đường chính nghĩa mới được, chớ có quá sinh lòng tham của một mình, mà có hại đến cả đại cục. Cứ cái hiện tình bây giờ, có người kêu rằng thương nghiệp của người Bắc trong Nam có cơ nguy, thiết nghĩ không phải là không có cớ đâu, mà cũng chẳng phải là lo xa gì lắm vậy.
Hiện nay, trong đảng người Bắc buôn bán ở trong Nam, ta có thể chia làm hai phái: một là phái dọn cửa hàng, hai là phái bán hàng xách, mà hình như phái nào cũng có chỗ tự rước cái cơ thất bại vào mình cả, là bởi quá sinh lòng tham. Thật thế, nhiều người Nam phải kêu rằng: hàng Bắc xấu quá, hàng Bắc đắt quá; xấu là tại một vài người bán hàng điêu chác, đắt là tại một vài người bán hàng tham lam, chứ thật bản chất và nguyên giá của hàng Bắc thật không đến nỗi quá xấu và quá đắt vậy. Nhưng người Nam kêu thế, không phải là sai đâu, tác giả đã nghiệm kỹ ra rằng: những đồ Bắc đem vào đến Nam kỳ, thì cái giá thường lên gấp đôi gấp ba, có khi gấp bốn cái giá ở ngoài này, đổ tại công cước nặng, và trong ấy tiền nhà cửa đắt, và thuế môn bài cao, cho nên phải bán thế mới được, nhưng tưởng tiền công cước nặng, tiền nhà cửa đắt, thuế môn bài cao đến đâu, (kỳ thực chỉ hơn độ gấp rưỡi ngoài này mà thôi) thì quyết giá hàng cũng không lên vọt quá như vậy được, bởi thế thành ra anh em trong Nam kỳ, ai chưa ra đến ngoài này, là chỗ công nghệ sản xuất bao giờ, thấy bán ở trong ấy, thích mua thì cứ mua và nghĩ là rẻ, còn ai đã từng ra ngoài này, thứ nhất là xem Hội chợ về thì thật không dám mua đồ Bắc bày ở thị trường trong ấy nữa, có mua cũng phải gửi ra ngoài này, vì được giá nhẹ và tốt hơn. Lại tệ nhất là phần nhiều quan viên đeo gói bán hàng xách, một bọc đằng sau lưng, đủ cả the lụa, đồ thêu, đồ khảm ... đi bán khắp Lục tỉnh, vì họ tính cả tiền ăn cao lâu, ngủ khách sạn vào đó nữa, cho nên thứ hàng gì cũng bán đắt hết sức, lại phải cái thói điêu chác, thí dụ như bán the lụa, người ta đòi mua thứ tốt, thì lại lộn xông thứ xấu, mà giá bán cũng chẳng rẻ gì, người Nam tin thật, mua về may mặc ít lâu phải quăng đi ngay, thì yên trí rằng hàng Bắc không ra gì, bận sau cạch không dám dùng nữa. Tình cảnh như thế, anh em Nam kỳ ta cũng hiểu lắm, cho nên có nhiều người đề xướng lên việc mua bán trực tiếp với người Bắc, mà không muốn gián tiếp do mấy tiệm buôn bán của người Bắc trong Nam bây giờ vậy. Ôi! Ta nên biết rằng: lúc mà anh em Nam kỳ ta sinh ra lòng ác phẫn Hoa kiều mà tảy chay họ, thì tức là lúc có cảm tình, có tín nhiệm đến hàng hoá Bắc lắm, thế thì tưởng ta không nên phụ lòng, phải buôn bán thật thà hẳn hoi, để giữ mối hàng cho lâu dài, mới mong có cơ mở mang ra được, chớ có nên thừa lúc anh em tin cậy đến mà tha hồ sinh cái lòng tham của mình, tuy mình có vơ vét được nhiều, nhưng làm hại cho toàn cục ở trong chỗ vô hình, thật là không nhỏ. Nếu cứ như thế, thì tưởng anh em Nam kỳ ta đã từng gây lên cái phong trào tảy chay khách trú năm nào, nay mai dễ lại gây lên cái phong trào tảy chay hàng Bắc nữa, biết đâu? Đến bấy giờ thì còn gì là tình anh em Nam, Bắc? Còn gì là thương nghiệp của mình trong Nam kỳ? Còn đâu là chỗ tiêu thị cho đồ chế tạo của Bắc nữa? Nghĩ mà lo thay!
Song lẽ, sự thế ngày nay, còn có chỗ khôi phục lại được miễn là mấy nhà buôn bán - hoặc đã ở hoặc sắp vào Nam kỳ - cho có lương tâm là đủ. Không ai cầu phần nhiều các ông phải nói rằng: mình vào buôn bán như thế, là chấn hưng thương nghiệp của nước mình, và cạnh tranh lợi quyền với Khách trú, vì có cái nghĩa cao quá, mà chỉ cầu rằng các ông buôn bán cho phát tài, do cái nguồn đứng đắn, thật thà, và trong sạch mà ra; trước hết là đừng có tham lam.
Ai lại không hiểu rằng: một thứ hàng, đem từ ngoài Bắc này vào, trải mấy lần chuyên chở, mà trong ấy, nhất thiết từ nhà cửa, ăn uống, thuế mà đều đắt cả, thì tự nhiên thứ hàng phải cao hơn chỗ xuất sản của nó, nhưng cái giá cao đó cũng có chừng mực mà thôi, không có thế gì cao lên cho tới gấp đôi gấp ba được. Ta xem như những đồ hàng Tây mua ở bên này, so với những đồ hàng mua tận bên Tây gửi sang, chở qua đại dương hàng tháng mới tới, thì cũng không thấy đắt hơn bao nhiêu, phương chi từ Bắc vào Nam, có xa xôi tốn kém gì cho lắm mà kể. Nếu bảo trong nghề buôn bán, có thứ hàng, ví bằng không bán đắt lên, thì nhà nghê có chỗ chịu thiệt thòi, không nói với ai được; thế thì nên chia ra tuỳ thứ hàng bán đắt bán rẻ mới phải. Nếu thế, có thứ hàng thích dụng cho những người sang trọng giàu có, thứ hàng ấy dẫu bán đắt cũng không sao, còn những thứ hàng nào thích dụng cho những người ít tiền, là phần đông người nhấtt, thì nên bán rẻ một chút, lấy chỗ bán được nhiều làm lợi nhiều, còn hơn bán nhiều mà lợi ít vậy. Hàng Bắc như đồ khảm, đồ đồng, đồ chạm, những cái to tát lềnh kềnh nhưng chế tạo rất khéo, đem vào Nam kỳ chỉ bán cho người ngoại quốc hay là mấy ông triệu phú người mình, thì dẫu vốn nó 100$, bán lên 200$, hay là 200$ bán len 400$ cũng được, vì những đồ ấy ai sẵn tiền mà thích dùng thì mấy cũng mua, đã mua thì mình bán đắt mấy chẳng hệ gì, chớ đến những hàng thường dùng nhất như là cái áo the hay đôi guốc ... thì phải bán rẻ lắm mới phải, chỉ nên cao hơn chỗ xuất sản đôi chút mà thôi. Cớ gì cái áo the hạng tốt ngoài này chỉ độ 5$ đem vào bán lên tới 7$, 8$, đôi guốc vốn chỉ có 14$, một trăm là kể cả cước, thế mà đem vào bán tới 20$30 một đôi, thế chẳng phải là đắt, thì còn gì nữa.
Nay muốn cho các nhà buôn bán trong Nam, từ cửa hàng cho đến hàng xách, đều giữ được một mực thăng bằng cả, thì phải làm thế mà ước hẹn nhau? ước hẹn nhau mà không giữ được đúng, thì hoá ra nhà nọ chẳng làm nguy cho nhà kia lắm ư? Vì thế mà các nhà buôn, người Bắc ở trong Nam, phải có đoàn thể với nhau lắm mới được. Thường tình của người ta, mấy ai thoát khỏi được tấm lòng tư lợi thứ nhất là trong cái nghiệp buôn bán, thì tấm lòng ấy càng nặng lắm những cũng đừng có quá vụ tư lợi mà mất tin của khách mua hàng, và làm hại những bạn đồng nghiệp, như câu truyện “mua dạ làm mũ” đã thuật ở đoạn trước, mà phải cùng gắn bó với nhau, khi giá hàng cao thì cùng cao, khi giá hàng hạ thì cùng hạ, đừng có kẻ thế này, người thế kia, làm loạn cái lòng tin của anh em Nam kỳ lên, chẳng biết hàng Bắc thế nào là phải giá nữa. Không nói thì ai trông thấy cũng biết rằng: Hoa kiều buôn bán ở đâu, cũng có đoàn thể lắm, chẳng có ký giao kèo gì với nhau cả, mà rõ họ buôn bán, hình như có luật nhất định hay nhất là họ đi đâu cũng ở quần tụ lại với nhau một khi hay là một dãy phố, để chống đỡ bênh vực cho nhau, cái gương ấy ta nên theo lắm.
Người Bắc vào lập tiệm buôn bán ở Saigon bâu giờ, tưởng có cần chi cứ phải ở phố Catinal mới bán được. Vẫn biết phải ở phố ấy là phố tấp nập nhất thì dễ buôn dễ bán, nhưng mà tiền nhà cửa đắt quá, ta thấy có tiệm Bắc thuê đến non 200$ một tháng, ít lắm cũng phải 70$ hay 80$, có khi tranh nhau thuê cái cửa hàng mà phải các cho nhau đến hàng 5,700$ hay nghìn bạc, là chưa nói đến; thành ra chỉ chạy tiền nhà là đủ vất vả. Ai chịu tiền nhà ấy cho? Đồ hàng hoá, đáng lẽ đồ hàng hoá không đắt, nhân thế mà đắt vậy. Vì tưởng lầm rằng phố ấy mới là cái địa điểm cần dùng cho mình, phải thầy thợ và tranh dành nhau lắm mới đặt chân vào nổi, cho nên ta thấy nhiều nhà buôn của ngưồi Bắc mình, tự vị trí mình vào đó là bởi gắng gượng, hoặc cố lấy chỗ đó để thanh trương với người ta, và lấy thế vay nợ mấy ông sét ty cho dễ, nhiều ông đã từng thất bại, ấy là chứng cớ rõ ràng đấy rồi. Nào có nghĩ đâu rằng: hàng Bắc muốn cho ai nấy đều biết đều chuộng, chẳng cần gì lấy phố Catinal làm chỗ chiêu hàng mới được; mà chỉ nên chiêu hàng ở chỗ “buôn bán thật thà, hàng hoá tốt và rẻ” mà thôi, thì trong thành phố Saigon, không thiếu gì chỗ cũng tốt và rẻ tiền hơn: như những phố Charner, Pélerin, Espangne và Ami-ral Courbet ... Thế thì tưởng người Bắc nên mở tiệm buôn bán ở những phố ấy hay nếu cùng tụ họp với nhau được nguyên một dãy phố, bắt chước như bọn Hoa thương thì càng hay, gội hẳn là “phố người Bắc”; bấy giờ khách Lục tỉnh lên Saigon mua hàng, hay là người ngoại quốc đi qua, muốn xem cuộc buôn bán và đồ chế tạo của người bản xứ, tự khắc phải đến đó mà xem, miễn làm sao mình khiến cho người ta phải chú ý đến mình là được vậy.
Đoàn thể về hình thức thì như thế, còn mặt tinh thần, thì thiết nghĩ đảng thương gia Bắc kỳ trong ấy buôn bán, phải tổ chức với nhau ra một cơ quan gì, thí dụ như Phòng Thương mại để làm trụ mới được. Người Bắc buôn bán thịnh vượng như thế, sao không lập ra một phòng Thương mại Annam, điều ấy không những người mình lấy làm lạ, mà người Pháp như ông chủ báo Eveil Economique là M.Cucheroussert cũng lấy làm lạ, và từng nói rằng: “trong lúc ở xứ Đông Pháp này, chỗ nào cũng có Phòng Thương mại Tâu và ở chợ Lớn cũng còn có Phòng Thương mại riêng, để mưu mở mang và bênh vực việc buôn bán của nhau?” Tự người mình không làm chăng? Tự Chính phủ không cho làm chăng? Cái đó ta không biết, nhưng chỉ biết rằng: người mình bây giờ, cũng có nhiều người đủ tư cách để chủ trương riêng một Phòng Thương mại lắm vậy. Tuy thế, dầu có lập ra được chăng nữa, chỉ nên lập ra ở Hanoi là chỗ trung tâm của Thương mại và công nghệ ở ta mà thôi, chứ một số ít người Bắc buôn bán trong Nam; chưa cần gì đến Phòng Thương mại cho lắm, hãy cần lấy một cơ quan gì như là hội “Thương gia liên hiệp” để bênh vực lấy quyền lợi, khuyến khích lấy nghề nghiệp cho nhau là đủ, không nữa thì có một tờ báo làm cơ quan cũng hay.
Giá có được tờ báo, chỉ xuất bản mỗi tuần lễ một lần, thì cũng có lợi được cả hai mặt: một mặt là làm hẳn ngay như tờ “Thương -vụ - chu – san” (Tiếng Pháp,Trung), trong chỉ biên toàn tin tầu, giá ngũ cốc và hàng hoá vật sản của Bắc kỳ do một hội buôn nào ở ngoài này làm thông tin cho, như thế thì khiến cho anh em Nam kỳ ta dễ sự mua dùng hàng Bắc, vì đã có biểu giá rõ ràng, dẫu nhà buôn có muốn tham lam cũng không được; một mặt để giữ gìn lấy danh dự mình, ta nên biết rằng: trong Nam hãy còn một số ít người, hoặc thấy người Bắc làm mất lòng tin, hoặc thấy người Bắc hành động mạnh, mà sinh ra ác cảm với bọn “cọc cạch” (Ấy là cái tên riêng mà anh em trong Nam ta dùng để chỉ người Bắc, không rõ là nghĩa làm sao, cũng tức như gọi Hoa kiều là “Chệt”, gọi người Quảng Bình là “tụi ghe bầu”, gọi người Huế là “tụi vàng chân”, mà gọi chung người Trung kỳ là “đồ Huế” vậy. Song đó toàn là tên gọi đùa, không nên lấy gì làm quan hệ), cái thái độ ấy có khi tỏ rõ ra lắm, là thường thấy trèo lên trên tờ báo nữa, cho nên tưởng người Bắc cũng nên có lời gì đáp lại, không phải là cãi nhau, mà là phân giải, cốt sao giữ lấy cái tình nghĩa anh em cho vững. Hoặc có người hỏi tiền đâu mà duy trì lấy tờ báo ấy được, thì tưởng cũng không khó, chỉ mỗi nhà buôn bán (riêng các nhà buônn Bắc thôi) đăng cho một cái cáo bạch, to thì 20$, nhỏ thì 5$ hay 10$, độ vài chục nhà như thế là đủ giữ sống được tờ báo ấy, mà có thể nay tỉnh này mai tỉnh khác, gửi không đi chiêu hàng, không cần phải bán cho ai cả. Ngày trước tác giả đã bàn định đem tờ “Nam kỳ kinh tế báo” riêng làm cơ quan buôn bán của người Bắc kiều thương trong Nam, y như là báo “Nam kỳ Hoa kiều Nhật báo” của Khách trú ở Chợ Lớn vậy, song không được mấy ông tán thành, ý hẳn sợ khai cái giá mục hàng hoá cho phân minh ra, thì khó bán đắt sao? Từ bấy đến giờ, loanh quanh vẫn có hội Bắc kỳ nghĩa trang, mỗi năm đánh vài bữa chén say, thêm mấy nấm đất mới... chỉ lo “chết không có chỗ chôn” thôi.
Lại còn mấy nhà buôn ở ngoài Bắc này nữa. Thường thấy anh em Nam kỳ ta vẫn phàn nàn rằng: “Mình muốn tránh sự mua đồ Bắc ở trong này phải đắt đỏ, nên mới gửi thẳng ra tận tổ mà mua, ai dè mấy ông ngoài ấy, lần trước thì còn gở hàng tốt, chuyến sau thì gởi thứ vừa, chuyến sau nữa thì gởi thứ xấu, mà cái giá có khi lại đắt hơn mấy tiệm bán trong này, thiệt không sao mà tin cậy được”. Điều trách ấy không phải là nói sai, ấy cũng chỉ tại mấy nhà buôn ngoài này tham quá. Nếu không mau chấn chỉnh lại, và trừ cho tuyệt sự tham lam man trá kia đi, mà mất mối hàng Nam - kỳ, thì thương, công nghiệp cảu ngoài Bắc nguy vậy. Ôi! Đối với các nhà công thương Bắc, dù ở ngoài hay ở trong Nam cũng vậy, xứ Nam kỳ tức là “con gà đẻ trứng vàng” của họ, nếu tham mà vội mổ, thì chẳng có gì đâu!
* * *
Ngoài nghề làm ruộng, đi buôn, làm nghề ra trong Nam kỳ còn nhiều công việc lặt vặt, có thể dung được người Trung, Bắc vào bao nhiêu, tưởng cũng không lo hết.
Tác giả vẫn nói mãi rằng trong Nam kỳ thiếu nhân công lắm, đến nỗi ở các châu thành, thì công việc như thợ mộc, thợ nề, thợ giặt, cho đến vót đũa đan rỏ gánh nước kéo xe bò... nhất thiết là các chú làm hết, mà ở nhà quê, mướn được người cày cho thửa ruộng, hay là đứa ở đi cắt cỏ chăn trâu cũng khó; bọn người làm được những công việc ấy ở ngoài này thừa nhiều, sao không tìm cách vào trong ấy kiếm việc mà làm ăn. Nhân công ngoài này đã được tiếng là chăm chỉ, cẩn thận, dễ bảo, như thế thì vào trong Nam kỳ sẽ được hoan nghinh, vả chăng trong ấy cũng cần dùng đến mình lắm. Thứ nhất là bọn trẻ con ở nhà quê ngoài mình, thường vì cái cảnh ngộ nhà nghèo thất học, lớn lên đi bắt ốc mò cua, cả ngày không kiếm đủ bữa, đói rét khổ thân, thì nên tìm cách thế nào cho chúng, hoặc là theo ghe, theo mành, vào trong Nam kỳ mà làm thuê làm mướn kiếm ăn, hoạ mai sau có dịp gì mở mày mở mặt ra được, còn hơn là cứ sống mãi ở ngoài này, thành ra bọn người trọn đời vô giai cấp, vô sinh kế. Việc này đã thấy anh em Trung kỳ ta làm nhiều, và thấy có hiệu quả hay lắm: là nhờ bọn lái mành người Quảng Bình, thường đem theo những con nít độ mươi lăm tuổi vào bán cho người Nam kỳ nuôi làm đứa ở, thành ra những chốn nhà quê ở Nam kỳ bây giờ, ta thường thấy có nhiều nhà nuôi người Trung kỳ lắm. Ta chỉ phàn nàn một điều là trong sự bán đó, có khi là bán thật, có khi là bán lừa, khiến cho trong ấy người ta mất tin, là có ông lái mành đem trẻ con vào bán độ mươi lăm đồng, làm giấy hẳn hoi rồi, đứa trẻ con ở lại, còn ông lái thì ra mành, nhưng họ đã dặn dò ước hẹn thế nào không biết, chỉ biết được một vài ngày, thì đứa kia trốn đi, tưởng đi đâu, té ra xuống mành, để ông lái đem đi bán chỗ khác để kiếm mươi lăm đồng nữa, nhà chủ mất của mất người thật, nhưng ông lái đã thẳng buồm xa khơi rồi, biết đâu mà kiếm nữa, thấy nhiều nơi bị cái lối “láu” mà mấy bác lái mành làm như thế, thành ra mấy chỗ nhà quê, dù có muốn mua người cách ấy nữa, cũng vẫn chờn và ghét cáu bọn “ghe bầu”, thế là một vài kẻ làm bậy, hư cả tiếng phần đông, đáng ân hận quá. Mong rằng anh em trong Nam ta cố bắt cho được những kẻ “buôn người lừa đảo” ấy, đem ra pháp luật trị tội cho nghiêm, để cho kẻ khác sợ, vì cái tình tệ của chúng lừa dối còn nhiều, không những gì một câu chuyện đã nói.
Trong Nam kỳ lại còn nhiều chỗ cho đám nhà nho ngoài mình dung thân được nữa. Hoặc có ông ngờ là tác giả nói chơi, nhưng mà là nói thật. Trong Nam kỳ tuy là chịu cái văn hoá mới rộng hơn ngoài ta thật, nhưng mà dân tâm vẫn là thuần hậu, tục thượng vẫn còn cổ phong, còn nhớ đến tổ, đến vua, biết đến giống nòi và lịch sử lắm, chớ không phải đã biến hoá hẳn, theo như nhiều người đã tưởng lầm đâu. Cho nên trong dân gian, ta vẫn thấy nhiều nơi còn học chữ nho, còn chơi câu đố, cũng tin địa lý, cũng ưa thuốc ta, cũng sùng việc lễ báo, cũng tin việc bói toán ... chỉ vì những kẻ làm việc ấy, thì trong Nam ta không còn mà thôi. Vậy tưởng bọn nhà nho thất cước nào ở ngoài mình, loanh quanh mà chẳng mưu được việc gì để tự hoạt, thì nên đánh liều mà lưu lạc vào Nam kỳ một phen, làm những nghệ “phiếm” ấy, tuy là bất đắc dĩ thật, nhưng mình cứ lấy chính nghĩa mà làm, nghĩ cũng chẳng có hại, rồi nhân đó tìm lấy cơ hội xuất thân, chưa chắc đã không có phen đạt được mục đích, ta thấy nhiều ông đồ Nghệ Tĩnh, lưu lạc vào trong Nam kỳ dạy học và làm thuốc rất đông, mà trong số ấy đã có nhiều người lập nên được cơ sở hẳn hoi, ấy là một chứng cớ vậy.
Sau hết, những người học hành dở dang ở ngoài mình, hoặc là có một chuyên nghề gì trong tay, mà vì ngoài này khó khăn, không thừa địa vị cho mà đứng, thì cũng nên lần mò vào Nam kỳ kiếm việc ở các hãng buôn và cửa tiệm mà làm; người mình đã được tiếng là chăm chỉ, dễ bảo, cho nên các hãng buôn - thứ nhất là của người Pháp – thích dùng người Bắc lắm, thế thì lo có kẻ không dám cất bước, chớ không lo không có chỗ làm vậy.
Nói tóm lại, ngoài này ta vẫn đồn nhau rằng: Trong Nam kỳ là xứ dễ làm ăn lắm, thì thật thế không sai!
MẤY LỜI NÓI SAU HẾT
Sau hết, tác giả còn muốn nói mấy lời nữa.
Trong trường kinh tế của nước mình, không những gì có toán đại địch mấy mươi vạn người Hoa kiều là cái vạ ngay trước mắt mà thôi đâu, lại còn cái vạ sau lưng nữa cũng ghê gớm lắm: là cái vạ người Nhật. Nay mai, điều ước Pháp - Nhật ký xong, xứ Đông Pháp này ở giữa, có lợi to mà chưa chắc không có hại lớn, vì cái tài thực dân của người Nhật còn giỏi gấp mấy người Tầu, ở Californie mà nước mỹ thấy haij cho sự sinh hoạt của dân mình, nên phải mời 30 vạn ông đi là thế. Đến nay mai thị trường ta thêm cờ buôn của Nhật, đồ công nghệ chế tạo của Nhật nữa, thì lo ta không còn đất để chân, mà mấy người Nhật sang kinh doanh bên nước mình thế nào cũng phải xung đột với người Tàu, để tranh quyền cướp lợi, bấy giờ hai ông xung đột với nhau, ta ở giữa làm cái trường giao chiến của họ, thì không phải đầu tất phải tai, khỏi bị thương làm sao được. Sự thế ấy chóng hay chầy, liệu cũng có ngày tới, nếu ta không tính cái phương công thủ trước đi, bấy giờ hai mặt bị đánh cả, chẳng cũng nguy lắm ư?
Bởi thế cho nên tước bớt cái thế lực Hoa kiều đi, là một việc phải làm gấp lắm vậy. Muốn tước bớt cái thế lực Hoa kiều, mà phải dùng đến kế di dân, kể cũng là hạ sách đó. Vì việc ấy nếu chính là quyền Chính trị phải can thiệp vào thì mới mau thành công được; song có hạ sách cũng còn hơn là không. Cách di dân không phải là một “miếng võ” ta đánh người Hoa kiều ngã ngay được, mà là miếng võ rất hiểm, thương tích đến hàng mươi lăm hay hai mươi năm sau này mới lộ ra, tuy công phu bây giờ nhọc nhằn, nhưng được điều là kết quả chắc chắn lắm, miễn là mình ra sức cho mạnh bạo mà thôi.
Hay không nói di dân vào Nam kỳ là cách tước bớt thế lực Hoa kiều đi nữa, thì việc di dân cũng là cần, bởi là anh em giống nòi, tất phải cùng nhau vui cười, cùng nhau than khóc, cùng phải đồng lao cộng tác với nhau. Trong chỗ u minh, tổ tôn ta bảo phải như thế. Phương chi, nói ngay một vấn đề mưu sinh thì việc di dân có quan hệ cho cả cuộc sinh hoạt và tương lai của mấy xứ, ta mưu sinh của ta, mà trong chỗ vô hình, tự nhiên có xung đột với khách trú vậy. Cái tình Nam Bắc liên lạc phải từ đó mà ra, chớ không trông gì ở sự lấy văn tự rêu rao cùng là cách giao tế giả dối mà nên được.
Vẫn đã hay rằng: vấn đề di dân này khó quá. Khó là có tiếng xướng mà chưa từng thấy có tiếng họa theo. Đó, trong lúc xứ Nam kỳ đang cần bao nhiêu nhân công, mà người mình lại phải đâm đầu sang Nouvelle – Caledonic là một xứ chẳng có lợi hại gì quan hệ đến việc mình; trong đất Việt Nam, đâu cũng là lãnh thổ của cha ông ta ngày xưa, mà con cháu bây giờ đi lại với nhau có nhiều chỗ ngăn trở; trong lúc ta đã có Chính phủ Pháp bảo hộ cho, thế mà quyền lợi gì của ta, người Tàu cũng lũng đoạn được hết, và mỗi ngày họ một tràn lan cả ta; trong lúc hoàn cầu muốn chém giết nhau chỉ vì một cái quyền lợi kinh tế, như Nhật và Mỹ vì 30 vạn dân bị đuổi ở Califonia về, như Ai cập đang đòi lại đất Soudan ở tay Anh, như giáo dân Georgie cách mạng Chính phủ Nga, chỉ vì muốn gỡ cái vạ cộng sản, nói tóm lại một việc gì xảy ra ở thế giới bây giờ, mà sau này có đánh nhau, trong cũng chỉ tại tranh nhau một cái mối hàng, một mỏ dầu hoả, hay là một vài miếng đất mà thôi; ấy việc đời càng gần càng kíp như vậy, thế mà người mình chỉ những mơ màng về văn chương, về danh vị, về cái lối “thù phụng cho khéo”, để người ngoại quốc như Tàu móc cơm lột áo mình ra lúc nào mà không biết ... Ôi! Đói, rét, hèn, yếu là bốn cái bệnh nặng ở đời, sinh ra tại giời, tại cái hoàn cảnh, hay tại cảnh ngộ? Chỉ là tại người.
Thật thế, muốn làm việc gì cũng vậy, người cốt có lòng gây trước, rồi lấy khí đẩy theo, thì đủ chế thắng được cả mọi sự ngăn trở, giời làm gì, hoàn cảnh làm gì, cảnh ngộ làm gì được. Vấn đề di dân này muốn giải quyết được cần phải thế, ấy là lời hô sau hết của người viết cuốn sách này vậy.
HẾT


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.