Thiên Kim Làm Vợ Kế

Chương 25: Chàng phải tốt với thiếp cả đời




Có thể nói Chu tú tài đã bị Nhược Thủy "đánh" cho thương tích đầy mình, đành tự lừa mình dối người an ủi bản thân rằng nàng chẳng qua cũng chỉ là vợ một thương nhân tầm thường mà thôi, tuy thế nhưng trong tâm trí vẫn không quên được hình bóng của Nhược Thủy.
Vài ngày sau, vào buổi sớm, Tiết gia lại nghênh đón một vị khách đến, vị này là người từ nhà mẹ Nhược Thủy, tên gọi Trung thúc. Trung thúc là trợ thủ đắc lực của Diêu thái phó, hẳn là Diêu lão phu nhân lo lắng nên cố tình phái ông đến đây thăm hỏi tình hình. Trung thúc đi xa nhưng chẳng mang nhiều đồ dùng, người cũng chỉ dẫn theo hai vị.
Diêu Trung dựa theo địa chỉ Diêu Nhược Táp viết cho để tìm đường đến Tiết gia, ngẩng đầu nhìn tấm biển đề mấy chữ ngoài cửa rồi ông ngoảnh lại phía sau ý bảo gã sai vặt chạy đến gõ cửa. Người gác công nhà họ Tiết thấy người đến thì vội chạy ra, gã sai vặt bước đến hỏi: "Xin hỏi nơi này có phải là quý phủ của Tiết Nhị gia Tiết Minh Viễn không ạ?"
Người gác cổng cười ha hả đáp: "Phải, các vị là?"
Gã sai vặt cười nói: "Chúng tôi từ kinh thành đến, phiền huynh đài thông báo một tiếng rằng có người từ nhà mẹ của Nhị phu nhân đến thăm."
Người gác cổng vừa nghe thấy là người nhà mẹ của Nhược Thủy bèn chăm chú quan sát kỹ càng, xem xem gia thế nhà mẹ Nhị phu nhân rốt cuộc thế nào. Sau khi vào trong bẩm báo, lúc này Tiết Minh Viễn đã ra ngoài, Nhược Thủy vừa nghe thấy là người từ nhà mẹ đến cũng khẩn trương ra đón. Khi nhìn thấy Trung thúc - người bên cạnh nàng từ nhỏ đến lớn - thì hai hàng nước mắt lập tức lăn dài trên gò má.
Nhược Thủy nghẹn ngào nói: "Ngài đã cao tuổi còn đích thân đến đây làm gì. Thanh Tố, mau đỡ Trung thúc vào nhà."
Trung thúc gặp được Nhược Thủy cũng không tránh khỏi xúc động, vừa đi vừa cười bảo: "Bây giờ không thể gọi là cô nương nữa rồi, phải gọi là cô nãi nãi. Lão phu nhân lo lắng nên cố tình bảo tiểu nhân đến thăm hỏi."
Nhược Thủy vừa nghe Trung thúc nhắc đến mẫu thân thì cảm xúc càng trào dâng, nước mắt rơi lã chã, phải lấy khăn tay che miệng cố gìm lại tiếng nấc. Nhược Thủy hỏi: "Mẫu thân con thế nào? Còn phụ thân thì sao? Có ai vì chuyện của con mà nói năng khó nghe không?"
Trung thúc vội vàng an ủi: "Sức khỏe lão phu nhân rất tốt, đại nhân cũng mạnh cả. Trong phủ bao năm qua cũng lắm chuyện gió mưa, việc này của cô nãi nãi cũng không tính là chuyện lớn. Dù nói là chuyện đã qua nhưng vẫn có người để ý, cho nên chúng tiểu nhân cũng không mang nhiều đồ đạc đến đây, chỉ lấy một ít thuốc bổ. Còn đây là thư của đại nhân và lão phu nhân gửi cho người."
Nhược Thủy vội vàng mở thư ra xem, trước tiên là thư của phụ thân, Diêu thái phó không vồn vã hỏi han, chỉ nói qua về cục diện hiện tại trong kinh thành. Đầu tiên là thái tử và con gái thứ ba của Quan đại nhân đã dạm hỏi, hôn sự này coi như là ván đã đóng thuyền. Song trước khi Quan cô nương trở thành thái tử phi thì thái tử đã cưới con gái của Lễ quốc công, còn có con gái của Văn Hoa điện Đại học sĩ làm trắc phi.
Chuyện nàng vội vàng gả ra ngoài, hoàng thượng dường như không phát hiện, từ dạo đó cũng không thấy nhắc đến chuyện của Nhược Thủy trước mặt Diêu thái phó. Đây cũng là ngầm chấp thuận cách làm của Diêu gia, ngay đến thái hậu trước kia luôn bông đùa với Diêu lão phu nhân rằng mong cháu dâu nhanh chóng nhập cung, từ dạo ấy cũng không thấy nhắc đến nữa. Có thể nói Diêu gia như chưa từng có một cô con gái này, đây cũng chính là kết quả tốt nhất theo ý Diêu thái phó.
Vị trí hiện tại của thái tử đã qua một lần tranh đấu, giờ lại cưới thêm mấy vị phi tử gia thế hiển hách làm hậu thuẫn, chuyện đăng cơ ngôi báu chỉ còn là sớm hay muộn. Dù sao trong kinh thành cũng đang tiến hành quét hết tàn dư của chuyện lần trước, cho nên cũng thể nói là quá yên bình. Ý Diêu thái phó ám chỉ rằng trong thời gian tới Nhược Thủy vẫn chưa thể hồi kinh, khi nào mọi chuyện yên ổn ông sẽ báo tin. Cuối cùng còn khiển trách Diêu Nhược Táp một chút vì tìm đối tượng cho Nhược Thủy là một thương nhân, khiến ông không mấy hài lòng.
Nhược Thủy xem xong thư của Diêu thái phó bèn thở dài một tiếng, cứ ngỡ chuyện của thái tử đã xảy ra từ lâu lắm rồi, thế nhưng thực tế mới chỉ qua ba tháng mà thôi. Sau đó Nhược Thủy mở tiếp phong thư của Diêu lão phu nhân ra xem, quả nhiên cách viết cũng khác, ngập tràn tình thương yêu của người mẹ. Diêu phu nhân dặn dò cặn kẽ Nhược Thủy đủ thứ chuyện, lại nghe nói là tìm được một thương nhân thì chỉ bảo lấy chồng theo chồng, gả chó thì theo chó. Chăm sóc tốt cho mấy đứa nhỏ, xử lý ổn thỏa chuyện trong nhà này nọ là tốt rồi.
Nhược Thủy xem xong thư của mẫu thân bèn kéo Trung thúc lại hỏi chuyện trong nhà. Trò chuyện mãi cho đến giờ Tiết Minh Viễn về nhà dùng cơm trưa. Sau khi Trung thúc đến, người gác cổng liền hỏi ý Nhược Thủy xem có cần báo cho Nhị gia để ngài về nhà hay không. Nhược Thủy không gọi Tiết Minh Viễn về mà chỉ bảo hạ nhân thông báo một tiếng.
Tiết Minh Viễn nghe nói người nhà mẹ Nhược Thủy đến, đến trưa lập tức quay về. Nhược Thủy thấy Tiết Minh Viễn thì cười nghênh đón: "Sao chàng đã về rồi? Chỉ là mẫu thân phái người đến thăm nom thiếp một chút thôi. Là người thân cận của phụ thân, cũng không phải thân thích nên không định gọi chàng về."
Tiết Minh Viễn cười nói: "Nhạc phụ nhạc mẫu có khỏe không? Người nhà của nàng đến ta về gặp cũng là phải nhẽ." Nói xong, Tiết Minh Viễn quay sang nhìn Trung thúc.
Trung thúc đã quan sát Tiết Minh Viễn từ khi mới bước vào, cốt là muốn xem xem dáng dấp vị cô gia này ra sao. Diêu thái phó rất không hài lòng về Tiết Minh Viễn nên mới phái ông đến. Trung thúc thầm lắc đầu. Vóc người cô gia hơi mập, da dẻ cũng trắng, khuôn mặt bình thường, đứng ở bên cạnh cô nương nhà ông đúng là... Điểm được duy chỉ có cặp mắt kia, vừa to lại vừa có thần sắc, rất kiên định, không tránh nhé, hơn nữa gương mặt luôn nở nụ cười, đúng là người làm ăn. Ít ra lúc này cũng tìm được một điểm tốt.
Trung thúc thấy Nhược Thủy giới thiệu mình với Tiết Minh Viễn thì vội bước đến hành lễ: "Tiểu nhân thỉnh an cô gia."
Tiết Minh Viễn thấy Diêu Trung tuy tóc đã bạc, nhưng tinh thần lại minh mẫn, y phục trên người chỉn chu, lúc cúi đầu thì thấy đến giày cũng không dính đất, nhất định là một người làm việc rất cẩn thận. Tiết Minh Viễn cười nói: "Lão nhân gia đi đường vất vả, xin hãy mau mau đứng lên."
Tiết Minh Viễn khách khí trò chuyện vài câu rồi bảo: "Người đâu, thu dọn một gian phòng cho Trung thúc. Chúng ta dùng cơm trưa trước rồi hẵng tiếp tục hàn huyên."
Nào ngờ Trung thúc lại đứng dậy cáo từ, ông nói: "Chúng tiểu nhân không phiền cô gia và cô nãi nãi nữa. Chúng tiểu nhân còn phải đến phủ Chu đại nhân, sáng mai lên thuyền đi sớm."
Tiết Minh Viễn hơi ngạc nhiên, y hỏi: "Sao lại gấp như vậy? Ở đây thêm vài ngày, nói chuyện trong nhà cũng khiến Nhược Thủy vui vẻ một chút."
Trung thúc khách khí nói: "Không phải là chúng tiểu nhân không muốn, mà thật sự trong nhà cũng bộn bề nhiều việc. Đại nhân cũng có dặn dò chúng tiểu nhân phải nhanh chóng quay về."
Tiết Minh Viễn gật đầu: "Vậy ta cũng không giữ các vị lại, sau khi trở về xin giúp ta thỉnh an nhạc phụ nhạc mẫu. Hai vị lão nhân gia có rảnh rỗi thì xin hãy đến chơi."
Dùng cơm xong, Trung thúc đi ngay. Nhược Thủy có phần thất vọng, người nhà mà đến rồi đi quá vội vàng, quá xa cách. Tiết Minh Viễn an ủi: "Người nhà đến thăm nàng phải vui vẻ mới đúng, sao lại càng ủ dột thế này."
Nhược Thủy cười đáp: "Buổi chiều chàng không phải đến cửa hàng sao?"
Tiết Minh Viễn lắc đầu, sau đó thần thần bí bí ra ngoài cầm về một cuộn tranh, trao cho Nhược Thủy như là vật gì trân quý lắm.
Nhược Thủy thắc mắc song cũng nhận lấy, trong lòng tự hỏi không biết từ lúc nào Tiết Minh Viễn cũng bắt đầu học đòi văn vẻ, mở ra xem thì thấy hóa ra chính là thi tác mà nàng làm hôm du ngoạn rừng quế, Tiết Minh Viễn còn đem làm thành tranh thơ. Nhược Thủy ngượng ngùng mà rằng: "Cũng chẳng phải tuyệt phẩm gì, đáng để làm thành tranh sao. Với lại chúng ta treo ở đâu đây?"
Tiết Minh Viễn cầm lấy cuộn tranh cười bảo: "Đây là tác phẩm lớn của phu nhân ta mà, ta thích là được, đem treo trong thư phòng đi."
Nhược Thủy vội vàng nói: "Ấy, treo ở thư phòng của chàng chẳng phải các chưởng quy hãy lui tới đều nhìn thấy sao. Không được, nếu như chàng thích thì thiếp sẽ viết một bức khác. Cái này không được." Nàng vừa nói vừa vươn tay như muốn đoạt lấy cuộn tranh, Tiết Minh Viễn sao có thể để nàng toại nguyện, y đặt cuộn tranh sang một bên, sau đó dịu dàng ôm nàng đè lên giường. May mà lúc này đang là tiết thu, hoạt động một chút cũng không quá nóng nực.
Sau đó, Nhược Thủy nằm gối đầu nghỉ ngơi trên cánh tay Tiết Minh Viễn, nàng nhìn cuộn tranh Tiết Minh Viễn mang về, sau lại nhìn sang mấy phong thư từ nhà gửi đến. Nàng thở dài một tiếng, có đôi khi không biết là tốt hay xấu. Họa hề, phúc chi sở ỷ; phúc hề, họa chi sở phục. (*Triết lý Lão Tử. Ý nghĩa: họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa đang rình rập.)
Ngày hôm sau, Nhược Thủy viết phong thư, gửi ra bến tàu nhờ Trung thúc mang về. Nhược Thủy vốn định dành thời gian giải quyết chuyện trong nhà, thế nhưng không ngờ lại gặp trúng ngày "khó ở", mỗi lần đến ngày này Nhược Thủy đều rất đau bụng, rất khổ sở. Cho nên khi ngày "khó ở" đến, Nhược Thủy trắng nhợt nằm bẹp trên giường. Chẳng khác nào đóa hoa héo rũ, không có chút sức sống.
Tiết Minh Viễn ngồi bên cạnh giường, nắm tay Nhược Thủy hỏi han: "Sao tay nàng lại lạnh thế này, để ta rờ chân xem nào. Ôi chao, sao không có chút hơi ấm nào cả." Nói đoạn, y đặt tay lên bụng Nhược Thủy, thì thầm bảo: "Nghe nói giữ ấm sẽ bớt đau, sau khi hết thì nàng nhớ uống thuốc, đừng để mỗi lần đến ngày này lại đau chết đi sống lại."
Nhược Thủy nhận lấy hơi ấm từ lòng bàn tay Tiết Minh Viễn đặt trên người, suy nghĩ một lát rồi khẽ nói: "Thiếp đến ngày rồi, hôm nay chàng phải đến chỗ Thẩm di nương."
Tiết Minh Viễn ừ một tiếng, chẳng nói gì thêm. Nhược Thủy khó nhọc hít thở, bàn tay to lớn của Tiết Minh Viễn phủ trên bụng nàng thật dễ chịu, dường như cơn đau kia chưa từng ghé qua, Nhược Thủy nằm trong chăn ấm thiêm thiếp ngủ.
Khi nàng thức dậy hình như đã là nửa đêm, Nhược Thủy vừa mở mắt ra đã thấy Tiết Minh Viễn nằm bên cạnh mình, một tay vẫn còn đặt trên bụng nàng. Nhược Thủy trở mình khiến Tiết Minh Viễn tỉnh giấc, cất tiếng hỏi: "Nàng tỉnh rồi sao? Nàng đói bụng hay lại bị đau vậy?"
Nhược Thủy lắc đầu, nhẹ nhàng đáp: "Sao chàng không sang bên kia?"
Tiết Minh Viễn hít hà một hơi rồi nói: "Lỡ như buổi tối nàng bị đau thì phải làm sao. Hơn nữa kiêng khem điều độ mới tốt cho sức khỏe."
Nhược Thủy cười nói: "Ai bảo chàng thế?"
Tiết Minh Viễn mơ màng đáp: "Cha ta." Y vừa nói vừa lim dim ngủ.
Nhược Thủy ngắm khuôn mặt Tiết Minh Viễn khi ngủ, khẽ vươn tay vuốt ve, thì thầm nói: "Nếu chàng có thể đối tốt với thiếp cả đời như vậy, thì dù có bắt thiếp làm gì thiếp cũng cam tâm tình nguyện. Chúng ta sẽ cùng nhau gầy dựng một gia đình chỉ của riêng chàng và thiếp."
Vì thế cho nên ba ngày sau, khi những ngày "khó ở" của Nhược Thủy vừa qua thì những ngày cay đắng của Thẩm Mộ Yên cũng đến.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.