Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 19: Hồi bảy (1)




Hàm Tử Quan huyết hồng sơn cốc
Giữa đêm thâu Quận kể chuyện xưa
Sáng sớm hôm sau, quân Minh lục tục kéo nhau lui khỏi Muộn Hải, tiến về Hàm Tử. Sử nói, Muộn Hải khí hậu ẩm thấp, quân Minh chịu không nổi mới phải lui quân chứ chẳng phải phải đánh không lại nhà Hồ.
Hai người Trương, Mộc ủ rũ giục ngựa đi trước, chẳng buồn cầm đao xách siêu nữa. Trận thua ở Muộn Hải thực là trí mạng, khiến cho sĩ khí trong quân tuột dốc, lòng tin vào chiến thắng tuyệt đối của các tướng lĩnh, binh sĩ cơ hồ bị đập tan tành. Họ Trương có viết một bài hịch để đốc thúc trấn an, cổ vũ quân sĩ, nhưng hiệu quả không lớn.
Người Minh rút lui quá gấp, nên cũng không hay chuyện doanh trại nhà Hồ bị nhân sĩ giang hồ đốt. Họ còn tưởng được Hồ Nguyên Trừng thả cho đi mà không thèm đuổi theo truy quét, chẳng tránh khỏi cảm thấy vừa thẹn vừa tức. Thẹn vì mình phải sống bằng sự thương hại của kẻ địch, còn tức giận do bị chính kẻ địch “ khinh thường ”.
Kể từ sau biến cố ở soái trướng, Phiêu Hương không cần phải đeo mặt nạ da người nữa. Cô nhóc chẳng thể nào nén nổi sự thích thú, trên đường đi đôi lúc còn ngâm nga một làn điệu dân ca. Con gái ai cũng thích đẹp ghét xấu, nhưng khi đeo tấm mặt nạ kia lên, hễ cứ bưng bát nước uống là dung mạo khủng khiếp của bản thân lại xuất hiện dưới đáy nước, thử hỏi làm sao nuốt trôi cho được.
Mà sau chuyện ở soái trướng, cô bé cũng không giữ thái độ thù địch với Liễu Thăng nữa. Tuy hai người này vẫn là một cặp oan gia, song không đến nỗi hở ra là động đao động kiếm như trước kia. Tất nhiên, điều kiện tiên quyết vẫn là không ai hé răng dò hỏi quân tình của phe đối phương.
Bảo đao của Hương Quận Gió đã đem qua doanh trại, nhưng vì nó quá bắt mắt đắt tiền nên cô gửi tạm ở chỗ ông, bản thân thì xin một thanh đơn đao để phòng thân. Phụ với Thạnh hãy còn áy náy việc Lý Bân giả xé áo cô, nên dù hãy còn nghi ngờ cũng đồng ý yêu cầu ấy ngay lập tức.
Việc Quận Gió cải tranh thành Lý Bân bị hai người này bưng bít, nhưng vẫn có phong thanh lưu truyền trong quân. Ai nghe được đều cảm thấy khó tin, hoặc kinh sợ thầm nghĩ: [ Nếu tay này vào trại không giả làm tướng quân mà mang theo dao để cứa cổ, e rằng chẳng mấy quân ta tan rã. ]
Cuối cùng Lý Bân đành phải lên tiếng trước ba quân:
“ Người này võ công kém cỏi, nội lực yếu đuối. Chỉ có mỗi ngón khinh công là lợi hại. Tiếc là hôm ấy ta có uống quá chén, không kịp đề phòng mới thất thủ. Chứ nước Nam này là nơi mạt võ, cho dù có mười tên xuất hiện thì cũng chẳng đáng ngại. Mọi người không cần lo. ”
Đến khi ấy doanh trại quân nhà Minh mới bình tĩnh lại một chút. Tuy vậy, Mộc Thạnh và Trương Phụ vẫn tăng gấp đôi số lính tuần tra khu vực trướng bồng của các tham tướng, lại cho kéo dài mỗi ca thêm một canh giờ. Cũng may, hai người cũng thu hẹp phạm vi tuần tra để cân bằng lại.
Phiêu Hương nghe lời phân trần ấy chỉ trộm cười, thầm nghĩ nếu Quận Gió không nhân từ thì có mười tên Lý Bân cũng chẳng thấy được mặt trời ngày thứ hai. Chẳng thế, mà suốt mấy ngày qua mặc cho số lượng lính lác tuần tra quanh lều Liễu Thăng tăng gấp đôi, Quận Gió vẫn hết đến rồi đi, hết đi lại về như chốn không người, chẳng ai phát hiện nổi một chút tung tích của ông.
Không nói đâu xa, ngay lúc này đây Quận Gió đang âm thầm giảng giải về các danh gia võ học nước Nam cho Tạng Cẩu dưới lốt một tên lính già.
" Võ ta không phát triển rộng rãi, chiêu số chẳng hề đa dạng như của người Tàu, nhưng bàn về độ thâm sâu uyên bác chắc chắn không hề kém cạnh. Con phải nhớ khi đi lại trong giang hồ nước Nam ta, có câu bắc khí nam quyền. Phía bắc sở trường binh khí, đa số các môn phái nổi danh đều chỉ chọn lấy một loại võ khí mà nghiên cứu chuyên tâm, có luyện công phu quyền chưởng cũng chỉ để hỗ trợ mà thôi.
Đây là do người dân phải chống lại sự xâm lấn của dân Tàu. Trung Hoa khí hậu rất lạnh, nên dân họ ngoại hình cũng cao lớn hơn. Dùng binh khí, là để san bằng khoảng cách trời sinh về mặt thể chất.
Ngoại trừ đao thương kiếm kích, bổng côn xoa việt như trong mười tám ban binh khí của Tàu thì dân Việt ta còn sáng tạo ra vô vàn món binh khí độc môn. Sau này con hành tẩu ở mấy trấn phía bắc thì không được vì vũ khí của địch thủ quái lạ mà khinh thường.
Có anh em họ Đậu ở ngoại thành Thăng Long, tức là Loa thành năm xưa, nổi danh với ngón " Nồi pháp ” gia truyền. Hay lại có phái Cửu Cung ở miền biển. Đệ tử phái ấy sử một tấm lưới đánh cá rất lành nghề. Trên các mắt lưới đều có gắn móc sắt hoặc lưỡi dao, một khi bị chụp trúng trừ phi có thân kim cương bất hoại, bằng không ắt phải trọng thương. ”
" Nồi pháp??? Hai anh em này dùng nồi đất đánh nhau ư? ”
Tạng Cẩu nghe ông giảng giải mà như si như say, choáng váng cả đầu óc. Nó từ lâu đã không còn là đứa bé mới ra đời nữa. Đi theo quân Minh lâu ngày, từng thấy rất nhiều loại binh khí. Từ phổ thông như đao kiếm cung mác, đến hiếm gặp như mâu, kích, qua nó đều thấy qua. Nhưng lần đầu tiên nghe có người có thể dùng nồi đất làm binh khí để đánh bại kẻ địch.
Quận Gió vuốt vuốt hàm râu, nói:
" Không phải nồi đất mà là nồi gang, nắp bằng thép cứng có mép được mài cho thật bén. Nói về dòng dõi xa xưa thì hai người này là hậu nhân của Lạc Tướng Đào Nồi dưới trướng Thục Phán An Dương Vương năm xưa. Sau khi Dương Vương mất nước vào tay Triệu Đà, dòng dõi Đào Nồi phải đổi họ thay tên, mai danh ẩn tích để tránh gặp hoạ diệt tộc.
Ngón nồi pháp này tương truyền được sáng chế cùng thời với nỏ Liên Châu huyền thoại. Tuy không nổi danh bằng thần nỗ, Loa thành song cũng rất cao thâm huyền ảo. Chiêu số có tổng cộng một trăm lẻ tám ngón, được chia làm ba sáu đường thiên cương dùng thân nồi, bảy hai thế địa sát dùng nắp nồi. Thiên cương chủ thủ, địa sát chủ công, chẳng những biến hoá khôn lường, lại phối hợp với nội công trầm ổn độc môn của họ thì mạnh như hổ thêm cánh.
Đáng tiếc là bộ võ nồi này quá chú trọng vào đôi tay, công phu hai chân lại có phần qua loa. Nếu gặp họ chỉ cần đánh liên tiếp vào hạ bàn, thì nồi pháp có lợi hại hơn cũng sẽ bị phá giải. ”
Quận Gió là vua của giới lục lâm, nói khó nghe một chút thì là ông trùm của phường trộm cắp. Làm vua trộm, chẳng những cần phải hiểu rõ mục tiêu, mà đặc điểm của các môn các phái cũng cần nắm được ít nhiều. Để nếu mục tiêu có thuê họ làm vệ sĩ, thì chí ít cũng không bị rơi vào thế bị động.
Thầy giỏi ngoại trừ võ công ra còn truyền thụ cả những kiến thức ngoài lề này nữa. Tạng Cẩu có trí nhớ hơn người, mấy điều trên nó chỉ nghe qua một lần là nhớ được.
“ Phía nam thì nghệ thuật chiến đấu bằng tay không phát triển hơn nhiều, nhân sĩ giang hồ cũng thường đi lại tay trần chứ hiếm khi mang binh khí theo người. Những bài võ cổ như Võ Trâu, võ Gà hay võ Ngựa nức tiếng xa gần đã lâu về tính thực dụng và hiểm hóc của nó.
Thầy từng gặp một vị võ sư ở cửa biển Kì La, có luyện chiêu Ngưu Giác chỉ trong pho Đông A thần chỉ đến mức đăng phong tạo cực, hùng kình hàm hậu không gì không xuyên phá được. Y đã có lần dùng ngón tay cái đâm thủng áo giáp, đủ biết uy lực ra sao.
Lại có một vị Mã chân nhân tu trên chùa Phúc Tâm bên dòng sông Hương, môn võ ngựa của y đã đến mức muốn sao được vậy. Ngọn cước song phi liên hoàn mạnh tới nỗi có thể đá gãy liền tù tì một khóm tre ngà, in dấu chân lên đá tảng.
Song trên đời không có gì là hoàn mĩ. Điểm yếu của võ công phía nam đa phần thường là khoảng cách. Vì không chú trọng binh khí, nên võ lâm phía nam thường gặp bất lợi khi địch thủ thạo môn ám khí. ”
“ Sư phụ, điều này con hiểu. Dùng vũ khí còn có thể đỡ gạt mũi tên, dao ngắn, chứ dùng hai tay thì khó càng thêm khó. ”
“ Đúng, nhưng chưa đủ. Ám khí, mạnh ở chỗ xuất kì bất ý, khiến đối phương không kịp trở tay. Thế nên mới có nhiều người bôi thuốc độc, chỉ cần ném trúng một phát thì kẻ thù sẽ như cá nằm trên thớt. Lại nói, ám khí thì có vô vàn loại. Tụ tiễn, chuỷ thủ, thấu cốt đinh, độc châm, thiết liên tử…v.v… Quỷ Diện Phi Châu của thầy cũng là một loại ám khí đả huyệt.
Nghe tay Khiếu Hoá Tăng khoe, gần mạn sông Đà có một người họ Lê, ám khí độc môn y dùng phỏng theo hình lá trầu và quả cau. Cau dùng như thiết liên tử, chuyên để đả huyệt. Còn lá trầu mảnh như giấy sắc như dao, lại bôi một chất kịch độc màu trắng tượng trưng cho vôi. Ba thứ kết hợp lại, sẽ tạo nên màu đỏ, đỏ của máu nạn nhân. Ám khí Trầu Không giết người dễ như giết gà, thật không thể xem nhẹ.
Điểm yếu chung của các loại ám khí là kình lực yếu, nếu đối phương cảnh giác thì có thể dễ dàng chặn được. ”
Sáng giảng chuyện giang hồ thì chiều chiều, Quận Gió mới dạy võ công. Trước tiên ông dạy Tạng Cẩu những thứ võ nghệ cơ bản. Đa số chúng được truyền xuống từ phương Bắc, là thứ mà ai hành tẩu giang hồ cũng phải biết như " Thiên Cân Truỵ ", " Quy Tức Công ”, " Bích Hổ Du Tường ”, " Điểm Huyệt Tiệt Mạch ”, " Súc Cốt Công ”, " Dạ Hành công ”, “ Nhạn Hành công ”…v.v…
Lần đầu tiên trong đời Tạng Cẩu có cảm giác bị nghẹn kiến thức, đến cuối buổi phải ngồi ôm đầu một lúc mới tiêu hoá được hết những gì vừa bị nhồi sọ. Phiêu Hương cũng ngồi cạnh nghe giảng. Cô từ bé chỉ học võ công gia truyền, những môn công phu tưởng như vô cùng phổ thông ấy cô lại chẳng biết mảy may. Nay được đích thân Quận Gió chỉ dẫn, chẳng khác nào học sinh mất gốc được thầy hay chám lỗ hổng kiến thức cho, thu lợi còn hơn Tạng Cẩu.
Tối ấy, trước khi Phiêu Hương về trướng bồng đi ngủ thì Tạng Cẩu có kéo áo cô lại hỏi:.
========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1. Cô Gái Ngốc, Tôi Yêu Em
2. Ngài Ảnh Đế Đang Hot Và Cậu Nghệ Sĩ Hết Thời
3. Kẹo Sữa Bò
4. Đối Tượng Kết Hôn Của Tôi Lắm Mưu Nhiều Kế
=====================================
" Này, cho Cẩu hỏi chút. Hồi sáng sư phụ buột miệng nói cái gì đó về bảy tông sư nước Nam. Tớ gặng hỏi mãi ông cũng không mở miệng lấy một lời, sáng mai cậu hỏi giúp được không? ”
Phiêu Hương nói:
" Cái ấy chẳng cần hỏi, ta nói đằng ấy nghe cũng được. ”
Tằng hắng một cái cho miệng đỡ khô, cũng để bản thân bình tĩnh lại một chút, cô bé bắt đầu kể bằng giọng hưng phấn.
Chuyện phải nói từ đại chiến hai phái chính - tà xảy ra hai mươi năm trước. Hai bên ai cũng muốn thống nhất giang hồ, thành ra giết nhau đến độ máu chảy thành sông. Trên triều có hôn quân, trong dân gian lại có chiến loạn, trăm họ ngày ngày nơm nớp lo sợ không phút nào được yên.
Cuối cùng, nhân vật đức cao vọng trọng nhất nước là Tuệ Tĩnh thiền sư (*) đã phải đúc ra ba tấm thánh lệnh Võ Lâm, phân chia lại các thế lực bạch đạo - hắc đạo trên giang hồ thành ba phe: Quần Hùng, Lục Lâm, Ẩn Thế.
Hai phái chính - tà về một nhà, gọi chung là Liên Minh Quần Hùng. Các loại sơn trại, thuỷ tặc hành nghề buôn không vốn thì quy vào Lục Lâm. Còn Ẩn Thế bao gồm các thiền phái, mật tông lánh đời.
Sau khi thiền sư bắc tiến để hoàn thiện nghề y nước ta, các môn các phái lại nhất quyết cử đại diện của mình đến đất tổ Phong Châu, tổ chức đại hội võ lâm.
Cả võ lâm rục rịch, muốn dùng võ mà luận anh hùng, xem xem ai mới xứng là người đủ khả năng và nhân phẩm thống lĩnh các bang các phái. Cuộc tuyển chọn kéo dài suốt một tháng dưới sự chứng kiến của chư vị quốc tổ, ai cũng có thể tham gia. Thậm chí những hiệp khách không môn không phái như Khiếu Hoá tăng cũng không phải ngoại lệ.
Cuối cùng, cả võ lâm mới chọn ra được bảy người võ nghệ siêu quần bạt tuỵ, chính là bảy vị tông sư hiện tại. Trong chốn giang hồ không ai là không phục tài võ công của bọn họ, bèn tôn làm Bắc Đẩu Thất Tinh của võ lâm nước Nam.
Song thánh lệnh chỉ có ba cái, mà tông sư lại có đến bảy người. Thành thử không thể không có một buổi tỉ thí cuối cùng để phân chia ba tấm lệnh bài. Bảy người nghĩ đã ở Phong Châu rồi, chi bằng chọn đền thờ quốc tổ làm nơi thi đấu, vừa thiêng liêng lại thêm phần thành kính, cũng là để nói với tổ tiên rằng võ nghệ nước Nam do ông cha truyền lại hãy còn chưa thất truyền. Bảy người bèn sắm sửa hương hoả khấn tổ xin phép, rồi mới tỉ võ ngoài sân.
Trong sân đền Hùng ngày ấy có một cây đa cổ thụ, to hàng chét tay. Bảy người bèn coi ấy là nhân chứng do vua Hùng phái xuống trần, ra hẹn không ai được nhảy ra khỏi vùng bị bóng cây che phủ. Ngày hôm ấy về sau được gọi là đêm Hội Chí Tôn, còn cây đa cũng được đặt tên là Nhân Chứng.
Diễn biến của Hội Chí Tôn chỉ có cây đa Nhân Chứng được biết, người trong võ lâm chẳng ai tỏ tường. Nhưng sau tối hôm ấy, ba tấm thánh lệnh đều đã có chủ.
Ẩn Thế lệnh về tay Cứu Khổ thần tăng phái Nam Trúc Lâm, Quần Hùng lệnh thuộc về Thiên Cơ Lão Đạo còn Lục Lâm lệnh tất nhiên do vua trộm giữ. Không ai là không phục, ai về nhà nấy, đại chiến võ lâm quy mô lớn ở nước Nam mới chấm dứt.
Tạng Cẩu nghe xong chuyện xưa, hồi lâu mới hết bàng hoàng.
Đến lúc này nó mới biết, thì ra nước Nam không ít kì nhân, dòng dõi Lạc Hồng chẳng thiếu anh tài. Bất giác, một chút hào hùng nhen lên trong trái tim nhỏ bé của nó.
Cửa Hàm Tử thuộc vùng tả ngạn sông Hồng, gần bãi Màn Trù. Năm xưa năm mươi vạn quân Nguyên Mông sang xâm lấn, tướng giặc Toa Đô và cánh quân của y đã bỏ mình lại chốn này.
Biết được điều ấy làm Trương Phụ lo ay áy. Phải đóng quân ở địa phương người Nam từng làm nên chiến thắng lịch sử chống Mông - Nguyên thật khiến người ta bất an. Y cứ có cảm giác, rằng tại cửa quan này, binh tướng của Hồ Nguyên Trừng sẽ lần nữa làm nên lịch sử.
Nhưng nhìn các binh sĩ thể trạng rã rời, tinh thần mệt mỏi, y đành phải cắn răng lệnh cho ba quân hạ trại, nổi lửa nấu cơm. Chỗ y chọn nằm ở bờ bắc sông Hồng, gần một cánh rừng rộng. Có mấy nhánh sông phụ uốn lượn đi ra từ cánh rừng, thế nên quân Minh cũng không cần lo chuyện củi nước.
Mộc Thạnh và đám tham tướng đi khắp doanh chỉnh đốn lực lượng, nghỉ ngơi dưỡng sức để đánh một trận quyết định với quân Hồ. Mộc lại sai Lý Bân dẫn đám người Mạc Thuý, Nguyễn Huân, Đặng Nguyên đi dò la, vẽ bản đồ địa hình.
Lại nói đến Hồ Nguyên Trừng. Trận đánh Muộn Hải đang trên đà thắng lợi lại đột nhiên vấp phải sự quấy rối của cánh quân giang hồ, buộc phải thu quân. Chàng vẫn lấy điều ấy làm thẹn, bởi lẽ với số lượng pháo thần cơ trên thuyền đáng lí ra đã có thể đánh tan tành cả hai cánh quân của Trương Phụ và Mộc Thạnh chỉ với một trận.
Hồ Nguyên Trừng viết một phong thư gửi cho em trai mình, tức Khai Đại đế Hồ Hán Thương.
Bức mật thư này không được sử gia đề cập, nhưng trong ấy có ghi rằng: “ Cổ nhân có câu ngựa bắc, thuyền nam. Nay Trương Phụ lui quân ra đóng ở Hàm Tử, địa thế nơi ấy kị binh khó mà tung hoành ngang dọc được. Khi xưa thiết kị Nguyên - Mông nổi tiếng hung hãn thiện chiến còn phải thất bại, nữa là kị binh nhà Minh không dũng mãnh bằng nổi một thành. Nay xin hoàng huynh hạ chiếu ban quân tiếp lương, để Nguyên Trừng phá giặc. ”
Đêm trước khi cầm quân xuất chinh, chàng có đến tẩm cung vấn an thái thượng hoàng khi ấy là Hồ Quý Li. Không ngờ lại nghe được loáng thoáng tiếng Li nói trong lúc say: “ Trận này đừng nói là Nguyên Trừng, dù Hưng Đạo Đại Vương có sống dậy cũng chẳng cứu nổi Đại Ngu ta. Than ôi, giỏi cho một Cao Biền, cho một thế “ Rồng không đuôi ”. ”
Hồ Nguyên Trừng khi ấy không phục lời ấy, nghĩ thầm: “ Lời nói của đám thầy địa lí, sao có thể coi là thật được. Cứ coi như Cao Biền phát hiện ra miếng đất Thăng Long thì cũng chẳng đại biểu rằng y có thể tiên tri chiến cuộc của ngàn năm sau. Rồng dẫu không còn đuôi, vẫn sẽ vút bay lên chín tầng trời. ”
Rất nhiều năm sau, khi đã sắp mất nơi đất khách quê người, Nguyên Trừng mới thở dài mà nói:
“ Nhà Trần bấy giờ khí số đã tận, vua hủ bại còn tớ chỉ biết siểm nịnh mua vui, trong thiên hạ dân chúng có được an nhàn? Giặc Chăm từng đánh lên tận Thăng Long, để ai ra cản? Đứng lên thay triều hoán đại, đặng muôn dân được no cơm ấm áo thì đám hủ Nho bảo là sai, là bất trung bất nghĩa. Chẳng lẽ để mặc dân chúng trong cơn hoạn nạn là việc mà kẻ có lương tri nên làm chăng?
Hồ Quý Li ơi, có lẽ chỉ có thời gian mới rửa hết nỗi oan khiên, chỉ người đời sau mới tỏ được lòng người mà thôi. ”
(*) thiền sư Tuệ Tĩnh (1330-1400): có công sưu tầm sáng tạo ra nhiều bài thuốc dân gian, được tôn làm tiên thánh nghề thuốc nam. Cùng Hải Thượng Lãn Ông được y bác sĩ hiện nay cung kính gọi là tổ nghề. Năm 55 tuổi, ông bị cống sang Trung Quốc làm quan rồi mất luôn ở đó. Ngày nhậm chức ông đã khóc. Trên bia mộ nay hãy còn ghi dòng chữ " Ai về nước Nam cho tôi về với ".
Lưu ý: nửa sau cuộc đời Tuệ Tĩnh thiền sư trong truyện của Nghịch Tử sẽ được hư cấu hoá lên một chút, kết cục của ông cũng hơi khác so với trong chính sử. Âu cũng là chút lòng thành của kẻ hậu nhân, giúp hoàn thành ước nguyện của bậc tiên hiền. Muốn biết thiền sư đã lẩn khỏi phương bắc bằng cách nào, kính mời độc giả đón đọc những hồi sau của truyện.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.