Thường Nga

Chương 1: Mẹ




Có mây trong mắt mẹ.
Tống Nhị nhà bên bị mẹ nó dùng roi mây đánh cho gào la om sòm như lợn bị chọc tiết, một tiếng vừa hạ xuống thì lại thêm một tiếng vang dội hơn, inh ỏi chói tai, làm Tạ Bất Hối nhớ đến tiếng ve trỗi dậy vào ngày hè.
Trán bỗng đau nhói như kim châm, Tạ Bất Hối hoàn hồn.
Ngước mắt lên, mẹ đang cầm khăn nhúng nước lau cát bụi dính trên vết thương cho nó, trong tiếng quất roi vùn vụt của roi mây và tiếng bạn chơi cùng kêu khóc, cử chỉ của mẹ càng có vẻ dịu dàng hơn.
Bất kể lần này nó và Tống Nhị nô đùa bước hụt, ngã xuống sườn núi bị trầy trán, hay hồi sáu, bảy tuổi không cẩn thận đá gãy chân trẻ con nhà khác, Tạ Bất Hối có nghịch ngợm thế nào đi chăng nữa, mẹ cũng chẳng bao giờ phiền não, giống như người mãi mãi không biết tức giận, giống như…
Giống như một bức tượng đất hình người.
“Sao thế?”
Mẹ dừng tay, hỏi.
Giọng mềm mại dịu dàng, gương mặt nhìn nghiêng nổi bật sống mũi cao thẳng, ấn đường đỏ thắm nốt ruồi son.
Thật thà mà nói bằng lương tâm, chẳng tâng bốc chút nào, Tạ Bất Hối chưa từng thấy người phụ nữ nào đẹp hơn mẹ mình, Liễu cô nương bị bà mối giẫm hỏng ngưỡng cửa nhà trong trấn Bạch Thủy so với mẹ cũng thua chị kém em, núi cao còn có núi cao hơn.
Tống Nhị rất ghen tị khi nó có một người mẹ mỹ nhân dịu hiền như vậy, trước giờ bọn trẻ con trong trấn Bạch Thủy đều rất thích mẹ, mẹ đối xử với tất cả bọn chúng đều rất tốt, như với nó vậy. Có lúc thậm chí, Tạ Bất Hối còn cảm thấy trong mắt mẹ, thực ra nó cũng chẳng khác gì trẻ con nhà khác.
Tống Nhị nhà bên khóc khàn cả giọng, gào khan nghe như nồi hơi mẻ đun nước.
Tạ Bất Hối mất một hồi lâu mới rặn ra được hai giọt nước mắt: “Đau.”
Nó tưởng rằng mẹ sẽ mắng nó “Đáng đời”, Tống Nhị mà nhõng nhẽo với mẹ nó thế thì đã sớm ăn một cái tát rồi…
Nhưng không.
Mẹ chỉ giơ bàn tay láng mịn lên, nhẹ nhàng xoa đầu nó: “Vậy mẹ nhẹ tay hơn nữa nhé.”
Tạ Bất Hối vốn nên cảm thấy mình đang ở cõi cực lạc, nhưng chẳng biết tại sao, tự dưng nó lại hơi hâm mộ Tống Nhị đang bị mẹ nó đánh trầy da sứt thịt ở nhà bên.
Lúc tiếng khóc lóc của Tống Nhị dừng lại, mẹ cũng đã thoa xong thuốc trị thương thượng hạng cho nó, đứng dậy đi tới bên thùng gỗ đựng nước giặt cái khăn dính đầy vết máu.
Khi đi, sống lưng mẹ thẳng tắp như thân lúa mạch, bước chân dịch về phía trước mà vạt váy vẫn bất động.
Dáng vẻ đoan trang nhã nhặn của người khiến Tạ Bất Hối nhớ đến con thiên nga vào nhầm trấn Bạch Thủy hai ngày trước, cái cổ mảnh dẻ thon dài đẹp đẽ, đầu ngẩng thật cao.
Mẹ khác hẳn những người phụ nữ khác trong trấn, như thể một sinh ra ở quẻ càn, một sinh ra từ quẻ khôn, khác biệt một trời một vực.
Năm nay mẹ đã hăm bảy, đôi bàn tay vẫn trắng trẻo mềm mại như thiếu nữ đôi tám. Mẹ gần như chẳng bao giờ làm việc nặng, đồ ăn đều do tiểu nhị của quán trọ duy nhất trong trấn mang đến, quần áo thì giao cho bà Vương mù, đều đặn cứ cách vài ngày lại đưa tiền đồng cho bà ấy. Đa số thời gian, mẹ đều vô cùng buồn chán, thỉnh thoảng làm ít việc thêu thùa, khác với người ta ở chỗ hoa văn tinh xảo trang nhã, đường kim mũi chỉ phức tạp. Có bận Tạ Bất Hối nghe mẹ Tống Nhị nói đó gọi là lối thêu kinh tú, chỉ con gái bên Lạc Dương mới học được.
Bên tai vọng lại tiếng mẹ Tống Nhị oang oang: “A Bảo, lại đây!”
Lão nhị nhà họ Tống tên là Tống Dụ, tên này là mời một tú tài dừng chân nghỉ ngơi ở trấn Bạch Thủy đặt cho, sau đó mẹ Tống Nhị chê tên nó đọc không thuận miệng nên thường gọi bằng nhũ danh.
Tạ Bất Hối chưa từng nghe mẹ gọi tên mình.
Có lần nó và Tống Nhị mải chơi quên giờ, vô tình ngoái đầu mới phát hiện ra mẹ đang đứng yên lặng sau lưng không xa, là tới tìm nó về nhà ăn tối. Khi ấy là tháng Chạp lãnh lẽo, mẹ thà chịu gió rét cũng không muốn gọi tên nó.
Có một dạo Tạ Bất Hối rất muốn hỏi mẹ, đã không vừa ý thì vì sao ban đầu phải lấy tên này cho nó?
Lời đến cửa miệng lại chẳng dám nói ra.
Có mây trong mắt mẹ, đôi mắt đẹp mơ mơ màng màng, tựa như quanh năm suốt tháng bao phủ trong mây khói vấn vít, khiến người ta chẳng thể nhìn thấu, tựa như chỉ thoáng không để ý sẽ tiêu tan như mây trời.
Gần như là bản năng, Tạ Bất Hối biết rằng nếu nó hỏi câu này ra khỏi miệng sẽ gây nên hậu quả có hối cũng chẳng kịp.
Mẹ Tống Nhị không đánh nổi nữa, vừa thở hổn hển vừa bận bịu bôi thuốc cho Tống Nhị, nhà không còn thuốc cao chữa trầy xước bầm tím nữa, bèn sang nhà họ Tạ mượn dùng.
Chẳng biết xuất phát từ tâm tư gì, Tạ Bất Hối lặng lẽ trốn sau cửa, nghe mẹ Tống Nhị hỏi: “… Em gái, sao em chẳng tức giận gì thế? Trông em cứ như chẳng quan tâm gì đến con cái nhà mình ấy.”
Cây nhãn ngoài nhà bị gió thổi kêu xào xạc.
Nó nghe mẹ đáp bằng chất giọng như oanh hót:
“Quan tâm, nhưng không thích.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.