Thường Nga

Chương 8: Chuyện cũ




“Vừa mua thuốc giải rượu mấy ngày trước đã uống xong hết rồi à?” Tống Nhị hỏi.
Họ đang đi mua thuốc ở hiệu thuốc duy nhất trấn Bạch Thủy, đầu thu khi nóng khi lạnh, đau đầu phát sốt chẳng phải chuyện gì lạ lùng, thế nên trước cửa hiệu thuốc xếp hàng dài hiếm gặp. Tiểu nhị bốc thuốc đến là trôi chảy, trong lúc nói chuyện, họ đã chuyển từ cuối hàng đến giữa hàng, tiết trời chớm thu chưa đủ mát, hãy còn vương cái nóng bức chưa đi hẳn. Ngực người này chạm lưng người kia, chẳng bao lâu quần áo đã ướt mồ hôi, dính nhớp khó chịu.
“Ừ,” Tạ Bất Hối đáp, “Dạo này cha uống say tít mù.”
Tống Nhị lộ thần sắc khó nói thành lời: “Chú Tạ là khí khái đến vậy kia mà, ai ngờ lại trở nên thế này…”
Ngó thấy sắc mặt vốn mệt mỏi của Tạ Bất Hối như phủ một lớp sương, bèn ngậm miệng.
Rất nhanh đã đến lượt họ, tiểu nhị bốc thuốc trông thấy hai cậu nhóc choai choai, lập tức tỏ vẻ đã hiểu: “Vẫn là bột vỏ quất tỉnh rượu đúng không? Mấy thang?”
Tạ Bất Hối nhớ đến mùi rượu nồng nặc trong phòng cha trước khi ra cửa: “Năm thang ạ.”
Trong lúc đợi tiểu nhị bốc thuốc, đằng sau truyền đến tiếng xì xào: “Kia là thằng bé nhà họ Tạ đúng không, kể cũng tội, mẹ chạy mất, cha ngâm trong vạc rượu, thằng bé nó còn chưa lớn đã phải chăm sóc cha rồi.”
“Lại chẳng? Vợ Tạ Thất cũng thật nhẫn tâm, nói đi là đi… Nghe nói là bỏ trốn cùng tay thuyết thư họ Trần tới đây bận trước? Nom băng thanh ngọc khiết thế, ai ngờ bên trong lại lẳng lơ lăng loàn.”
Bốn đồng một thang thuốc giải rượu, Tạ Bất Hối mò trong túi tay áo ra một xâu hai mươi đồng đưa cho tiểu nhị. Nhìn quanh, cạnh quầy đặt một giỏ trúc đựng bã thuốc, bã thuốc nguội ngắt thoang thoảng tỏa ra mùi đắng nồng.
Tạ Bất Hối cúi xuống xách giỏ trúc lên, cánh tay quanh năm tập võ cuồn cuộn cơ bắp, cầm trong tay nhẹ nhàng xóc xóc.
Tống Nhị hoảng hồn nhìn nó.
“Đàn bà không nên chiều chuộng, chiều cái là lòng tham không đáy ngay…”
Tạ Bất Hối một tay đỡ đế giỏ trúc, xoay người trở tay ụp lên đầu kẻ xuyên tạc, bã thuốc như cỏ khô rào rào rơi xuống, có cọng chui vào trong vạt áo người kia, tiếng mắng chửi dồn dập liên tục.
Không đợi người chung quanh có phản ứng, nó đã nhấc chân chạy thẳng.
Về đến nhà lại thấy cửa mở rộng, có khách tới, trong phòng vọng ra tiếng nói chuyện nhỏ nhẹ, là giọng nữ nhân. Trong một chớp mắt, Tạ Bất Hối tưởng là mẹ về, mừng rỡ còn chưa kịp dâng lên đã nhanh chóng tắt ngóm – Mẹ chẳng bao giờ nói chuyện với cha bằng giọng điệu dịu dàng như thế.
Tạ Bất Hối nấp sau cửa dòm vào trong, cha vẫn nằm kềnh giữa đống vò rượu lộn xộn tanh bành, rượu chảy lênh láng, mặt đất bừa bộn. Trên người cha đắp tấm áo khoác cũ màu thạch anh, nom hơi quen mắt, chính là tấm áo mẹ khâu dở. Thoạt đầu, chỉ thi thoảng cha mới say, nhưng theo thời gian mẹ rời đi càng ngày càng dài, thời gian cha bí tỉ cũng mỗi lúc một nhiều hơn.
Một thiếu nữ áo vàng ngồi xổm bên cạnh cha, khẽ giọng thì thầm: “Tạ công tử, Giảo Giảo đến để cảm tạ công tử lúc đó đã đuổi kẻ xấu đi, bằng không chỉ e bây giờ không biết Giảo Giảo ra làm sao.”
Tạ Bất Hối nhận ra thiếu nữ này, tam cô nương nhà họ Liễu ở Hà Đông, Liễu Giảo Giảo, là cô gái đợi gả bỏng tay nhất trấn Bạch Thủy, bà mối sắp giẫm hỏng ngưỡng cửa nhà họ Liễu rồi, nghe nói vì chưa lọt mắt được vị nam tử đến cầu hôn nào nên tới giờ vẫn chưa xác định hôn sự. Lúc trước có nghe cha kể là từng ra tay cứu giúp lúc Liễu Giảo Giảo bị cường hào ức hiếp, có điều, đó là chuyện hơn nửa năm trước.
“Sao Tạ công tử chảy nhiều mồ hôi vậy,” Liễu Giảo Giảo lấy một chiếc khăn lụa ra, cúi người xuống, “Giảo Giảo lau cho công tử nhé.”
Tạ Bất Hối trông thấy cha ngước cặp mắt say lờ đờ lên, mặc Liễu Giảo Giảo cầm khăn lụa chậm rãi lại gần.
Bàn tay trắng ngần của thiếu nữ sắp chạm đến trán cha thì thình lình, cha nện bầu rượu uống hết trong tay xuống mặt đất, gân cổ lên rống: “Cút!”
Suy cho cùng vẫn là cô nương khuê các chưa trải đời, thoắt chốc, Liễu Giảo Giảo đỏ hoe hốc mắt, vừa xấu hổ vừa giận dữ, y như một con thỏ bị kinh sợ, cầm khăn lụa bụm mặt chạy trối chết.
Tạ Bất Hối cho cha uống chén canh giải rượu, cha tỉnh táo hơn đôi chút, hai mắt trống rỗng nhìn trần nhà: “Bất Hối, con có biết khi xưa cha là người thế nào không?”
Tạ Bất Hối đặt chén sành sang một bên, nó biết cha không cần câu trả lời của nó, chỉ cần nó yên lặng lắng nghe.
Cha đưa bàn tay trái còn lại sờ cổ tay cụt khiếm khuyết bên phải: “Lúc bàn tay phải này vẫn còn, cha cũng từng là một thiếu niên phấn chấn hăm hở, áo đẹp ngựa sang, thậm chí còn cao ngạo bất kham hơn tuyệt đại đa số con em quan lại. Cha ta hi vọng ta sẽ bước lên hoạn lộ như sáu người anh đi trước, không thể nói được là vì không muốn đi hoạn lộ hay đơn thuần chỉ để chống đối phụ thân, tóm lại ta đã bỏ nhà một đi không trở lại, xông pha giang hồ bái sư tập võ, thề phải áo gấm về nhà cho cha mẹ rửa mắt.”
“Nói thật thì cha chẳng hề thấy lạ chuyện mẹ con bỏ đi, khi đó, một trong những nguyên nhân chính yếu khiến nàng thích ta chính là vì nhìn trúng ta dám can đảm quả quyết bỏ đi vì tự do.” Tạ Bất Hối không nhìn thấy vẻ mặt cha, chỉ nghe người bình thản nói, “Nhưng không ai có thể là thiếu niên mãi mãi… Ít nhất ta không thể.”
“Bây giờ nàng không có được tự do, trái lại còn bị đè nén, bị trói buộc, đương nhiên là muốn rời đi, mà tay thuyết thư kia thì có thể đem lại tự do cho nàng.” Giọng cha bình tĩnh mà sáng suốt, không hề giống một người say không còn biết trời đất trăng sao, thậm chí Tạ Bất Hối còn hoài nghi mấy ngày nay cha say rượu chỉ là đang lừa mình dối người chứ thực chất người chưa từng chân chính uống say, “Bất Hối, có lúc cha nghĩ, trong quá khứ mẹ con thực sự thích cha là vì bản thân nàng bị cha nàng bó buộc nên sinh lòng hướng về ta là một người đã giành được tự do trong cuộc đối kháng với phụ thân, bởi thế mà lầm tưởng lòng khát khao ấy là tình mến mộ.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.