*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Thẩm Thiều Quang sai Vu Tam leo thang thay biển hiệu ban đầu của cửa tiệm, treo tấm biển mới lên, A Viên đứng một bên chỉ huy: "Cao rồi, cao rồi, thấp rồi, thấp rồi...", chọc cho Vu Tam quay đầu trừng nàng ta.
Đối với địch ý của A Viên, lúc đầu Vu Tam không mấy để bụng, nhưng sau đó có lẽ là cảm thấy mình làm vậy thì quá thiệt thòi, cũng có thể là vì cuộc sống trong tiệm quá buồn chán, cho nên cũng trả đòn lại, hai người mũi nhọn đấu dao sắc, y như một đôi oan gia.
Nhưng mà thế này cũng có cái hay, dưới sự kích thích của Vu Tam, tài ăn nói của A Viên tiến bộ vượt bậc, đã chẳng còn bóng dáng nàng tỳ nữ khờ khạo ngày xưa, điều này khiến Thẩm Thiều Quang hết sức vui mừng.
Thẩm Thiều Quang vừa chia bánh rán cho khách vừa xin lỗi trước: "Từ ngày mười lăm trở đi, tiệm ăn chúng tôi chính thức đổi thành quán rượu, sau này sẽ chuyên bán các loại rượu thịt, cũng có các loại bánh ngọt, chỉ là buổi sáng không bán đồ ăn sáng nữa. Mong các vị vẫn sẽ thường xuyên chiếu cố việc làm ăn của quán như trước giờ."
Lập tức có người tỏ vẻ thất vọng: "Thế sau này bọn ta đi đâu mua đồ ăn sáng ngon thế này?"
Người bên cạnh cũng ghé miệng vào: "Ôi chao, cô nương có thể tiếp tục bán đồ ăn sáng không?"
"Tiểu lang quân nhà ta sáng nào cũng phải ăn bánh này xong mới chịu đi học, bây giờ đột nhiên nói với hắn là không có nữa, hắn lại không chịu đi học thì phải làm sao đây?"
Một chàng thư sinh áo trắng lắc đầu: "Ta sắp phải đi xa, vốn tưởng rằng lúc trở lại Trường An vẫn có thể được ăn bánh rán của cô nương, không ngờ rằng..."
Nghe được những lời tiếc nuối và khen ngợi này, Thẩm Thiều Quang cảm thấy vô cùng mãn nguyện. Có lẽ lòng người chính là như vậy, nếu ra đi mà không có níu kéo thì đúng là hơi thiêu thiếu, dù rằng có níu kéo cũng sẽ không thể thay đổi được ý định của người đi.
Nhưng sự tiếc nuối của một vị thực khách khác lại khiến Thẩm Thiều Quang có phần khó xử.
Từ sau hôm Liễu Phong đề thân không thành thì không còn tới tiệm nữa, hắn không tới nhưng có tôi tớ của hắn tới, vẫn mua một lèo mấy cái bánh rán như trước kia.
Đương nhiên Thẩm Thiều Quang cũng báo cho người tôi tớ này biết. Buổi chiều Liễu Phong đích thân tới chúc mừng Thẩm Thiều Quang, lại không khỏi tỏ vẻ tiếc nuối, cười nói: "Sau này khó mà được ăn bánh rán của cô nương nữa, không biết đám quỷ tham ăn trong nha môn phải làm sao đây?"
Ngoài mỉm cười đáp lại ra, Thẩm Thiều Quang cũng không biết nói gì, vị Liễu công tử này thật đúng là một quân tử.
Về chuyện ngừng bán đồ ăn sáng thì Thẩm Thiều Quang đã suy xét kĩ càng.
Hiện giờ thu nhập từ việc bán bánh rán chỉ chiếm một phần rất nhỏ, thế nhưng sức lực phải bỏ ra lại không ít, đêm hôm trước phải chuẩn bị, sáng hôm sau lại phải dậy sớm, bận bịu tới tận lúc mặt trời lên cao rồi lại phải mua đồ ăn chuẩn bị bữa trưa, một ngày ba bữa bận bịu đúng là hơi mệt, cho nên đã đến lúc phải đưa ra lựa chọn.
Huống hồ quán rượu thời này đều không bán đồ ăn sáng, nếu đã sửa lại thành quán rượu thì cứ tuân theo quy củ đi - tránh bị người ta bới móc đúng không? Thẩm Thiều Quang giễu cợt.
Mấy tháng nay Thẩm Thiều Quang vẫn nhớ chuyện quán rượu Vân Lai, nhưng khá ngạc nhiên là bên kia lại không hề có động tĩnh gì.
Chắc không phải là ấp ủ kế hoạch gì chứ? Hay là chuyện này vốn chỉ là hai tên phường đinh kia lừa nàng? Hay là... thật sự có "quý nhân" che chở cho nàng, đã giúp nàng giải quyết xong rồi? Thẩm Thiều Quang có cảm giác như từ điền văn nhảy sang truyện trinh thám.
Thật ra bên phía Vân Lai cũng rất buồn bực, nhất là khi thấy Thẩm Thiều Quang đường hoàng thay biển đổi thành quán rượu, Phùng chưởng quỹ không tài nào cười nổi nữa, cô nương trẻ đẹp có quý nhân che chở cho đúng là rất có khí phách.
Thẩm Thiều Quang không hề biết Phùng chưởng quỹ đã đặt nàng vào truyện ngôn tình sủng, quyết định vững bước trên con đường "làm ruộng" của mình.
Dựa vào quy mô, vị trí, trang hoàng trong tiệm và bản lĩnh của mình, Thẩm Thiều Quang định vị cho quán rượu Thẩm Ký trên thị trường là quán rượu đặc sắc hạng trung.
Phường Sùng Hiền là khu dân cư thuộc nhóm trung lưu trở lên, chưa nói tới những vị quan quyền quý và các thương gia giàu có, kể cả những hộ gia đình bình thường cũng có chút tiền dư dả. Ở chỗ thế này, tiệm ăn nhỏ cũ kĩ không chỉ lợi nhuận thấp mà còn dễ bị người ta chê, quán rượu lớn thì "cao siêu ít người hiểu", đây cũng không phải Đông Thị Tây Thị, chỉ có người một phường e là nuôi không nổi - đương nhiên Thẩm Thiều Quang cũng mở không nổi, cho nên mở một quán rượu thường thường hạng trung vừa sạch sẽ vừa có nét đặc sắc hẳn là thích hợp.
Thực ra với chút diện tích của Thẩm Ký mà so với những quán rượu bậc trung như quán rượu Vân Lai thì vẫn còn nhỏ lắm, nhưng nghĩ tới lưu lượng khách trong phường cũng chỉ như thế mà thôi, từng đó cũng miễn cưỡng xem như đủ rồi.
Nói tới cấp bậc của quán rượu thì sẽ nói đến đồ ăn, cái này liên quan đến một định vị khác - đặc sắc.
Nét đặc sắc của quán rượu Thẩm Ký là món nhỏ làm to, hoặc theo như cách nói của Vu Tam thì là "lấy rẻ làm đắt", thông qua quá trình chế biến tỉ mỉ, biến những nguyên liệu bình thường thành những món ăn hấp dẫn.
Các quán rượu bậc trung ở thời này chủ yếu bán các loại thịt như cá, thịt dê, thịt trâu, các quán rượu sang trọng thì ngoài bài trí xa hoa ra còn có các loại đồ ăn được chế biến tinh xảo hơn, nguyên liệu nấu ăn cũng cao cấp hơn, ngoài cá, thịt dê, thịt trâu ra còn có các loại đồ ăn cao sang như đuôi hươu, chân gấu, bướu lạc đà.
Thẩm Thiều Quang thì lại muốn chơi bài độc, kiên định với các món từ thịt lợn, cộng thêm các loại gia cầm như gà vịt - ở thời đại này, thịt gà không được coi là thịt, giá cũng rất rẻ.
Nhắc đến chuyện thịt gà không được coi là thịt thì còn có một câu chuyện cười. Một vị danh thần thời Trinh Quán là Mã Tuần rất thích ăn thịt gà, đi tới đâu cũng ăn thịt gà. Có người đi cáo trạng, Thái Tông nói: "Ta cấm ngự sử ăn thịt là sợ châu huyện tiêu phí, thịt gà thì có đáng là gì?" Nhìn xem, chính miệng Lý Nhị bệ hạ nói thịt gà không coi là thịt!
* Trinh Quán là niên hiệu của vua Đường Thái Tông (Lý Thế Dân).
Nghe nói thịt gà không được coi là thịt là bởi vì gà nhỏ, không cần tới đồ tể để chuyên môn giết gà. Thẩm Thiều Quang lại cảm thấy có thể là bởi vì nuôi gà tốn ít lương thực mà cũng bớt việc, cho dù là nông thôn hay thành thị đều có thể nuôi với số lượng lớn, cho nên thịt gà mới rẻ, và cũng chính vì rẻ cho nên mới không được coi là "thịt".
Thực ra thịt gà và thịt lợn đều rất ngon, cũng hoàn toàn có thể chế biến ra các món ăn tinh xảo, làm tăng đẳng cấp của bọn chúng. Phất cao lá cờ chấn hưng thịt gà thịt lợn, Thẩm Thiều Quang cảm thấy trách nhiệm của mình thật trọng đại.
Để tương xứng với độ cầu kỳ của quá trình chế biến và giá cả món ăn thì Thẩm Thiều Quang còn đặc biệt đi tìm mua một loạt đồ sứ, có chén có ấm, có đĩa đủ ba cỡ nhỏ trung bình to, còn có tô canh, bát cơm, thìa, một đám trắng tinh tròn trịa, lớp men trơn mịn sáng bóng, không có hoa văn gì, mang đến một loại cảm giác giản dị mộc mạc.
Người bán đồ sứ nói rằng đây là sứ Hình Dao, Thẩm Thiều Quang thì không nghiên cứu về đồ gốm nên cũng không biết có phải thật không, nhưng nếu nói về chất lượng thì đúng là rất tốt, mà quan trọng hơn nữa là giá cũng không đắt.
Người bán đồ sứ nói, mặc dù Hình Dao là lò gốm nổi tiếng và lâu đời nhưng bây giờ đã dần suy thoái, bị rất nhiều người cho là Định Dao.
* Hình Dao là nơi sản xuất sứ trắng thời cổ đại ở Trung Quốc. Sứ Hình Dao xuất hiện lần đầu tiên từ thời Bắc Triều, phát triển nhanh chóng vào thời nhà Tùy và đạt tới giai đoạn hoàng kim vào thời nhà Đường, nổi danh là rẻ mà đẹp, được đặc trưng bởi lớp men trắng như tuyết, hình dạng tròn trịa như mặt trăng, mỏng mà bền, gõ vào có tiếng vang trong vắt. Sứ Hình Dao có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn minh vật chất của Trung Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung.
** Định Dao là một loại gốm sứ truyền thống của Trung Quốc, bắt nguồn từ huyện Khúc Dương (thuộc tỉnh Hà Bắc ngày nay), xuất hiện sau gốm sứ Hình Dao, là một trong sáu đại danh gốm thời Tống.
"Sứ Định Dao sao có thể vừa tròn trịa vừa mỏng như vậy chứ?" Người bán đồ gốm bất bình thay cho gốm sứ Hình Dao, trông y như trung thần bị oan vậy.
Thẩm Thiều Quang cười trả tiền, nhận được cái danh là Bá Lạc trong mắt người chủ cửa hàng đồ gốm.
* Bá Lạc là vị thần cai quản loài ngựa trong truyền thuyết, được dân gian dùng để chỉ những người tinh thông nhận biết tính chất của loài ngựa, về sau lại dùng để chỉ những người tinh mắt, có thể nhìn ra người tài trong một lĩnh vực nào đó.
Thẩm Thiều Quang lại nói chuyện với Vu Tam về cách bày biện trên đĩa, cách phối hợp màu sắc, về sức hấp dẫn của màu trắng... Nghe không kĩ lại tưởng là nàng đang dạy quốc họa cho Vu Tam.
"Theo cách bày biện của cô nương thì một đĩa có thể chia thành ba đĩa!" Vu Tam nhìn Thẩm Thiều Quang với vẻ hoài nghi.
Thẩm Thiều Quang bị người ta nghi là gian thương thì cũng không nổi giận: "Bớt đồ ăn không phải là mục đích chính, mục đích chính của chúng ta là đẹp. Đương nhiên cũng không thể vì hình mà làm tổn hại đến chất, dù sao người ta đến đây là để ăn cơm chứ không phải tới ăn cái đĩa."
Vu Tam gật đầu, cảm thấy cô nương vẫn còn đường cứu chữa.
Thẩm Thiều Quang lại thúc giục Vu Tam luyện cách tỉa hoa từ củ cải, dưa chuột.
Người từng học quốc họa thì ít nhiều gì cũng có thể tự khắc được con dấu, Thẩm Thiều Quang từng tự khắc một con dấu chữ Thẩm, chính là con dấu để triện chữ lên túi bánh rán, nhưng nếu bảo nàng tỉa rau củ thì lại không tốt lắm, không ngờ rằng Vu Tam vừa làm đã đâu ra đấy, có hình có dạng, đúng là trời sinh khéo tay.
A Viên thấy bọn họ chơi vui thì cũng tham gia vào, tỉa một hồi, nhìn trong tay Vu Tam, lại nhìn trong tay Thẩm Thiều Quang, tức giận nhét của mình vào trong miệng, "rắc rắc, rắc rắc", từ đó về sau chẳng bao giờ có ý định học tỉa hoa nữa.
Có vốn tích lũy từ tiệm ăn cũ, quán rượu của Thẩm Thiều Quang buôn bán thuận lợi suôn sẻ hơn hẳn các quán rượu mới mở - cả về lượng khách lẫn phương thức làm ăn của quán.
Buổi trưa thì việc buôn bán hơi kém hơn một chút, dù sao thì những người làm quan và buôn bán đều không tới, nhưng tới buổi chiều thì hầu như hôm nào cũng đầy khách, trong đó có không ít người giàu có.
Lúc Thẩm Thiều Quang đang tính sổ sách thì một ông lão mặc áo gấm phủ lông đi vào trong quán.
Bây giờ vẫn còn sớm, trong quán không có khách, Thẩm Thiều Quang mời ông lão tùy ý chọn chỗ ngồi, lại dùng khay nhỏ bưng một cốc đồ uống tới, cười nói: "Lão trượng uống chút nước táo đỏ câu kỷ tử nóng cho ấm người."
Đã đến cuối thu đầu đông, không biết lúc nào thì sẽ có trận tuyết đầu mùa. Để khu hàn, Thẩm Thiều Quang dùng gừng, táo đỏ, câu kỷ tử nấu thành nước táo đỏ này, uống vào cả người đều sẽ ấm áp dễ chịu.
Từ sau khi có Vu Tam, lại không còn bán đồ ăn sáng nữa, Thẩm Thiều Quang trở nên nhàn nhã hơn không ít, thế là nấu chút đồ uống, có khách quen tới thì bưng lên vài cốc, sau rồi trở thành đồ uống miễn phí trong quán.
Nghe Thẩm Thiều Quang gọi "lão trượng", ông lão cười xúc động, nói cảm tạ, bưng cốc nước lên uống, lại đưa mắt quan sát cách bài trí trong quán, ánh mắt rơi vào bức tranh quán nhỏ bên núi kia.
Thẩm Thiều Quang đưa thực đơn tới, ông lão nhìn chữ trên thực đơn, lại liếc mắt nhìn bức tranh kia: "Thực đơn này của cô nương là mời người nào viết?"
"Chỉ là quán nhỏ bên đường, không long trọng được như vậy, là do ta tùy tiện viết."
Ông lão hơi ngạc nhiên nhìn Thẩm Thiều Quang: "Vậy bức tranh trên tường cũng là do cô nương vẽ?"
"Phải, vẽ linh tinh mà thôi, đã để lão trượng chê cười rồi."
"Không biết sư phụ của cô nương là người nơi nào?" Nói xong thì tự mình nở nụ cười trước, trong lòng lại hơi run run, chủ một cửa hàng nhỏ thì sư phụ có thể là người phương nào chứ, có lẽ cô nương này cũng chỉ là con cháu trong nhà danh gia vọng tộc sa sút mà thôi, lại nghĩ đến tên quán "Thẩm Ký", bèn cẩn thận quan sát Thẩm Thiều Quang, như thể muốn nhìn ra một bóng dáng khác từ trên người nàng.
Thẩm Thiều Quang nói bậy: "Là một nương tử giã gạo họ Lý." Thực ra cũng không tính là nói bậy, đó là một cung nữ dạy học hơn bốn mươi tuổi, quả thật trước kia từng phụ trách công việc giã gạo, cho dù sau đó đã chuyển sang dạy học nhưng những vết chai trên tay vẫn còn nguyên đó.
Ông lão không thể nhìn ra bóng dáng cũ nào từ trên mặt cô nương xinh đẹp này, cũng chỉ có thể gật đầu, dân gian không thiếu người tài ba cũng không ít những cuộc gặp gỡ kém duyên, hôm nay trở lại chốn cũ, trong lòng vẫn canh cánh chuyện năm xưa nên thấy cái gì cũng sinh lòng nghi hoặc.
Ông lão tùy ý gọi mấy món chiêu bài của quán như "sư tử đầu", "thịt mã não", "ức gà nấu cà", "gà rán", "canh cá thịt dê", "thịt phù dung", lại gọi thêm "cá chua ngọt", "rau cải xào", "rau cần nộm muối chua", "đậu phụ bát bảo", còn thêm một giác rượu.
Đồ ăn lần lượt được chuẩn bị xong, A Viên bưng lên từng đĩa, đặt lên bàn.
A Viên lớn lên ở chốn phố phường, tính tình cũng qua loa đại khái, mặc dù Thẩm Thiều Quang cũng dạy nàng ta đôi chút nhưng động tác vẫn khó tránh khỏi không đủ cẩn thận, ông lão hơi nhíu mày một chút nhưng cũng không nói gì.
Thẩm Thiều Quang nhận lấy ấm nước nóng trong tay A Viên, cười nói: "Ta hâm trước cho lão trượng một ấm vậy?"
Ông lão gật đầu.
Thẩm Thiều Quang ngồi xuống bên cạnh, chậm rãi rót nước nóng vào trong khay hâm rượu, ước chừng thời gian, thử đưa tay chạm vào thành ấm, thấy nhiệt độ thích hợp thì cầm ấm rượu lên, lắc lắc một chút để rượu trong ấm nóng đều, dùng một chiếc khăn vải trắng như tuyết lau qua bên dưới đáy ấm, sau đó mới rót cho ông lão một bát.
Ông lão mỉm cười gật đầu một cái, nhưng lại khen cái khác: "Thịt mã não của cô nương làm tốt lắm."
Còn chưa ăn mà đã nói tốt thì hoặc là nịnh nọt hoặc là đã từng ăn, ông lão này chắc hẳn là vế sau.
Thẩm Thiều Quang cười híp mắt nói cảm ơn, lại mời khách chậm rãi thưởng thức, sau đó xách ấm nước đi vào bếp.
Thực ra trong quán thường chỉ bưng khay hâm rượu lên, đổ nước nóng, sau đó sẽ không màng đến nữa, để khách tự mình hâm rượu, nhưng vừa rồi động tác của A Viên hơi mạnh, hình như đã khiến người ta không vui, Thẩm Thiều Quang đành phải tự mình đi bù đắp.
Chắc hẳn ông lão này không phải nhà giàu có thì cũng là bậc quyền quý, quy củ trong nhà rất nghiêm, tôi tớ tỳ nữ trong nhà đều nhỏ nhẹ, chưa từng thấy ai như A Viên...
Thẩm Thiều Quang bao che khuyết điểm, cảm thấy mặc dù động tác của A Viên hơi mạnh nhưng cũng không coi là thô lỗ, cùng lắm cũng chỉ xem như là... thẳng thắn đáng yêu, nhưng xem ra người khác không nghĩ như vậy. Ôi chao, cái nghề phục vụ...
Thẩm Thiều Quang lại thấy nghi hoặc, ông lão này không giàu cũng quyền quý, thế nhưng tại sao bên cạnh lại không dẫn theo tùy tùng nô bộc mà lại một mình chạy ra bên ngoài uống rượu?
Đang nghĩ ngợi thì tôi tớ của ông lão tới, còn dẫn theo một người quen - Lâm thiếu doãn.
"An Nhiên à, tới đây!" Ông lão cười gọi Lâm thiếu doãn.
Lên tiếng gọi, nhìn thấy Lâm thiếu doãn nhưng vẫn ngồi yên, e rằng không chỉ tuổi tác cao mà thân phận cũng cao, Thẩm Thiều Quang đoán, vị này chắc hẳn là quan to trong triều, ít nhất cũng phải tam phẩm trở lên.
Quả nhiên, Lâm thiếu doãn đi tới hành lễ, gọi là "Lý tướng công".
Ồ! Là tể tướng đương triều.
Hai vị quan lớn hàn huyên, tôi tớ của vị tể tướng kia đi tới yêu cầu bao cả quán.
Thẩm Thiều Quang cười đồng ý, chuyện bao quán này là thích nhất, làm việc ít mà vẫn lấy được tiền. Nàng lập tức lấy giấy bút ra nhanh tay viết mấy chữ "Khách đã bao quán, kính xin thứ lỗi", tự mình dán lên tấm biển trước giờ dùng để quảng cáo món ăn, xách ra treo trước cửa.
Gió len lỏi vào trong cổ áo, Thẩm Thiều Quang khép cổ áo lại, nhìn lên trời, sắc trời hơi âm u, chưa biết chừng mai sẽ có tuyết rơi. Nàng đi vào bên trong, thuận tay đóng kín cửa, hạ tấm rèm lông cừu trước cửa xuống, lại đi vào phòng bếp dặn dò Vu Tam và A Viên mấy câu, mong cho khách ăn ngon miệng, ngoài phí đặt bao thì sẽ cho thêm chút tiền trà nước - kẻ có tiền thích tiêu pha mà.
Trở lại sau quầy mới phát hiện ra là quên bưng nước táo đỏ câu kỷ tử lên cho Lâm thiếu doãn, nhưng thấy bọn họ đã bắt đầu ăn uống thì cũng thôi, chỉ luẩn quẩn trong quầy.
A Viên bưng đĩa cá sốt chua ngọt đi tới, lần này động tác đã nhẹ nhàng hơn nhiều, Thẩm Thiều Quang tự nhủ đúng là trẻ nhỏ dễ dạy.
Lý Duyệt nếm thử một chút cá sốt chua ngọt: "Mùi vị tươi ngon, có hương vị như mưa bụi Giang Nam!"
Lâm Yến mỉm cười, cũng gắp một đũa, quả thật là tươi mới lại thanh dịu, khác hẳn mùi vị đậm đà của các món cá trong kinh thành, hơi giống món cá thái lát. Lâm Yến liếc mắt nhìn bà chủ quán phía sau quầy, đầu lưỡi của bà nội đúng là nhạy bén thật, quả thật Thẩm Ký đã đổi đầu bếp.
"Khi đó nhàn hạ, chèo thuyền trên hồ, cho dù có chút mưa nhẹ cũng không về. Khoác áo tơi cài nón lá cả một buổi kiểu gì cũng câu được mấy con cá, chủ yếu là cá chép và cá diếc, thỉnh thoảng cũng có cá mè, có lần còn câu được một con cá rô bốn mang, chỉ tiếc là không có ai chia sẻ." Nụ cười của Lý Duyệt dần nhạt đi.
Dừng lại một chút, Lý Duyệt lại cười nói tiếp: "Lúc còn ở Giang Nam thường nhớ tới tương dầu ở trong kinh thành, nhớ mùi bánh nướng vừng buổi sáng, nhớ cả thịt dê trong quán rượu người Hồ ở Tây Thị, bây giờ trở về kinh rồi thì lại nhớ canh rau nhút nhớ cá rô. Con người thật đúng là kỳ lạ."
Giọng Lâm Yến chậm rãi: "Giang Nam ẩm ướt ấm áp, trong kinh thành thì bốn mùa đều khô, ẩm thực nơi nào cũng liên quan chặt chẽ với khí hậu và sản vật nơi đó..."
Thẩm Thiều Quang vừa tính toán sổ sách vừa dỏng tai lên nghe người ta nói chuyện phiếm. Ha ha, vị tể tướng này văn nghệ cỡ nào thì vị thiếu doãn kia chả hiểu phong tình cỡ đó!
Lão tướng công nói Giang Nam mưa bụi, thuần lư chi tư, Lâm thiếu doãn lại nói nhập gia tùy tục, đất khác ăn khác, loáng thoáng như nói thơ ca đi trái với tự nhiên... Lâm thiếu doãn thật đúng là uổng phí cái khuôn mặt như thơ như họa của mình.
Thẩm Thiều Quang lén nhìn khuôn mặt vị tể tướng kia, đúng là một ông cụ đẹp lão, mặt mày hiền lành lại có nét phóng khoáng, đoán chừng ba mươi năm trước cũng làm xiêu lòng bao nhiêu cô nương. So với vị chân giò muối Kim Hoa lâu năm đích thực này thì Lâm thiếu doãn chỉ có thể xem là hàng nửa năm chưa đủ độ mà thôi, "thiếu nữ văn nghệ" Thẩm Thiều Quang lập tức nảy lòng chê bai vị thiếu doãn này.
Lý Duyệt thì lại không chê, hơi thở dài, gật đầu: "Ngươi nói rất phải! Nghĩ nhiều rồi lại tiếc nuối nhiều."
Rốt cuộc khuôn mặt lạnh tanh của Lâm Yến cũng không khống chế được hiện lên chút tiếc nuối, nhưng rồi lại nhanh chóng bình thường trở lại.
Không biết là do trời âm u hay là trời càng ngày càng mau tối mà trong quán dần tối đi, Thẩm Thiều Quang bưng giá cắm nến đi tới, đặt ở cách hai vị khách một khoảng không xa, cũng thắp mấy cái đèn trên vách, hâm nóng rượu cho hai người lần nữa.
Nhìn động tác nhẹ nhàng tao nhã của cô nương trong quán, lại nhìn khuôn mặt dịu dàng thanh cao của nàng, Lý Duyệt đột nhiên nhớ tới việc nàng gọi mình là "lão trượng", cười nói: "Cũng không trách được ta cứ nhớ nhung chuyện quá khứ! Vừa bước chân vào quán, nghe cô nương gọi ta là "lão trượng" ta còn hơi ngẩn ra, thì ra mặc dù không "phát phẫn vong thực, lạc dĩ vong ưu" thì cũng "lão chi tương chí" rồi."
* Trích Luận Ngữ: "Diệp Công vấn Tử Lộ ư Khổng Tử, Tử Lộ bất đối. Tử viết: Nhữ hề bất viết, kỳ vi nhân dã, phát phẫn vong thực, lạc dĩ vong ưu, bất tri lão chi tương chí vân nhĩ." Giải nghĩa là: Diệp Công hỏi Tử Lộ về Khổng Tử, Tử Lộ không đáp. Khổng Tử (biết vậy) nói với Tử Lộ: Sao ngươi không nói thầy của ngươi theo đạo nhân, lo lắng quên ăn, vui quên cả sầu, chẳng hề biết tuổi già đã đến.
Lý Duyệt thành gia lập thất muộn, con trai con gái đến giờ vẫn chưa thành gia, chưa có đời thứ ba, bình thường đồng liêu đều gọi bằng chức vụ, đột nhiên nghe người ta gọi "lão trượng" thì không khỏi hơi ngỡ ngàng.
Thẩm Thiều Quang ngừng tay, sau đó cầm khăn vải lau đáy ấm rượu, nhẹ nhàng rót rượu cho Lý tướng công: "Mời lang quân dùng."
Lý Duyệt và Lâm Yến đều ngẩn người một lúc, sau đó Lý tướng công bật cười ha hả, đến cả Lâm Yến cũng nhịn không được.
"Cô nương ngươi thật là..." Lý Duyệt chỉ chỉ Thẩm Thiều Quang, cười nói: "Thật đúng là tinh ranh."
Thẩm Thiều Quang mặt dày, cười đáp: "Trước đó là ta gọi sai."
Lý Duyệt lại bật cười.
Lâm Yến liếc mắt nhìn Thẩm Thiều Quang, vừa rồi lúc rót rượu còn có đôi phần dáng vẻ của cung nữ, bây giờ cười lên mặt mày cong cong lại trông giống một đứa bé nghịch ngợm, lại nhớ tới những màn ăn nói đặc sắc trước đây của nàng thì không khỏi lại lần nữa đóng cho Thẩm Thiều Quang cái dấu "dẻo mồm dẻo mép".
A Viên lại bưng gà rán lên, Thẩm Thiều Quang đặt lên bàn, cười nói: "Món này là dùng gà non ba tháng luộc lên, sau đó chưng cách thủy, cuối cùng mới chiên lên, bên ngoài giòn mà bên trong lại mềm, nên ăn nhân lúc còn nóng, mời hai vị lang quân thưởng thức." Nói xong thì hơi khom người, lui về phía sau quầy.
Hôm nay Lý Duyệt tới phường Sùng Hiền, trở lại chốn cũ, nhớ tới rất nhiều chuyện trước kia, lại thêm sự ủy thác của bạn cũ, đối diện với Lâm Yến mới buồn bã cảm khái, nào ngờ tâm trạng buồn bã cảm khái đã bị một câu "lang quân" của Thẩm Thiều Quang đuổi mất hơn nửa, Lý Duyệt cũng không nhắc tới chuyện không vui nữa, ngược lại dốc lòng hoàn thành nguyện vọng do bạn cũ nhờ cậy.
"Năm nay An Nhiên bao nhiêu rồi?" Đề thân với người ta luôn bắt đầu từ việc hỏi tuổi tác.
"Yến hai mươi lăm rồi."
"Tới lúc nên cưới vợ rồi. Thái phu nhân trong nhà đã vừa ý ai chưa?"
Thẩm Thiều Quang suýt nữa thì vỗ tay tán thưởng, ta đã bảo là tài nấu nướng của ta đã kéo chân một nửa vị tiên mà. "Tất đắc giai phụ" rõ ràng là đã ứng nghiệm, tể tướng làm mối thì nhất định phải là quý nữ danh gia vọng tộc.
"Yến không biết." Lâm Yến trả lời.
Không biết chính là không có, Lý Duyệt cười nói: "Mấy hôm trước ta tới nhà Tần phó xạ uống rượu, thấy ngũ nương nhà hắn càng lớn càng xinh đẹp. Lần trước gặp vẫn chỉ là một đứa bé cao ba thước, thắt hai bím tóc, vậy mà đã có thể học thuộc toàn bộ "Luận Ngữ", "Kinh Thi", làm mấy bài thơ ngắn, chỉ là hơi nghịch ngợm. Lần này gặp lại đã là một cô nương xinh đẹp, tính tình cũng trầm ổn..."
Lâm Yến chỉ nghe.
"An Nhiên đã gặp qua ngũ nương Tần gia này chưa?" Lý Duyệt lại vòng vo, nhướng mày cười hỏi.
"Yến đã từng gặp qua vị cô nương này."
Lý Duyệt cứ như vậy cười nhìn hắn.
Lâm Yến nhếch miệng, nghiêm mặt nói: "Trong nhà Yến suy sút, e là không xứng với Tần cô nương."
Thẩm Thiều Quang dừng bút, quý nữ như Tần ngũ nương vừa xinh đẹp lại có tài, thế mà cũng không bằng lòng? Cho nên quả nhiên là trong lòng Lâm thiếu doãn vẫn đang hoài niệm vị hôn thê của hắn, tình thâm không gì lay động được? Đúng là nam nhân tốt...
Một lát sau, Lý Duyệt hỏi: "An Nhiên vẫn còn để ý chuyện năm đó Thôi thượng thư bị lưu đày, Tần phó xạ không ra tay giúp đỡ sao?"
Lâm Yến nhìn về phía Lý Duyệt, một lát sau mới nói: "Yến cũng không dám trách ai, chỉ là... cách làm việc của Yến và Tần gia khác biệt, cho dù có kết thân cũng khó vui vẻ hạnh phúc."
Lý Duyệt cũng không phải là người có tính khí tốt, nhưng đối với vị vãn bối này lại rất có lòng kiên nhẫn.
Nhìn tấm rèm buông trước cửa, Lý Duyệt chậm rãi nói: "Từ sau khi về kinh tới giờ, đây là lần đầu tiên ta tới Sùng Hiền Phường, năm đó thì cứ vài ba ngày lại tới một lần. Trong phường này có hai vị cố nhân của ta, trong đó có một người ngươi biết, chính là Tây Liễu tiên sinh ở thư viện Quảng Bình."
Tây Liễu tiên sinh là đại nho đương thời, chừng mười năm trước thì từ quan về dạy học, rất được đám sĩ tử tôn kính.
"Nhà hắn ở ngay phía sau nhà ngươi, hình như bây giờ đã là một cái am rồi."
Lâm Yến hơi ngạc nhiên, trong thành Trường An này không thiếu quý nhân quyên nhà cho các vị tăng ni, chỉ là không ngờ rằng Tây Liễu tiên sinh cũng làm thế, lại còn ở gần hắn như vậy.
Lâm Yến chờ Lý Duyệt nói về một vị cố nhân khác, nhưng Lý Duyệt lại không nói.
"Lúc đó chúng ta thường cùng nhau uống rượu, ở ngay nhà Sở Cửu." Tây Liễu tiên sinh họ Sở, đứng hàng thứ chín.
"Sở Cửu trẻ hơn bọn ta, chỉ mới hai mươi mấy tuổi, còn chưa cưới vợ." Lý Duyệt nhìn Lâm Yến, cười nói: "Giống như ngươi vậy."
Lâm Yến mỉm cười một cái.
"Trong nhà ngươi còn có bà nội, còn trong nhà hắn thì hắn là lớn nhất, cho nên bọn ta toàn tới nhà hắn, uống rượu múa kiếm, ngâm thơ hát khúc... Mãi cho tới khi xảy ra chuyện Ngô Vương."
Thẩm Thiều Quang nắm chặt cây bút trong tay, chuyện Ngô Vương xảy ra, Sở Cửu... Vị bằng hữu còn lại của Lý tướng công chắc hẳn là phụ thân của nguyên thân, hoặc cũng có thể nói là vị phụ thân chưa từng gặp mặt của nàng ở kiếp này.
Cố gắng lục lại trí nhớ, ký ức còn sót lại liên quan tới vị thúc thúc họ Sở này là một người trẻ tuổi với khuôn mặt chữ điền chính trực, mặc dù tướng mạo đoan chính nhưng lại thích lén lút nhét kẹo mạch nha vào trong tay đám trẻ con - có lẽ đây là nguyên nhân khiến nàng vẫn còn có thể nhớ được hắn, nhưng lại không hề có chút ký ức nào về chuyện nhà của hắn chính là am Quang Minh hiện giờ, chắc là mỗi lần phụ thân tới đó đều không mang hài tử theo.
Thẩm Thiều Quang nhìn Lý tướng công, cũng không có ấn tượng gì.
"Ngô Vương là người phong nhã, bọn ta đều có qua lại với hắn." Nhắc đến vị vương gia từng làm phản thời tiên đế này, Lý Duyệt cũng không hề có vẻ kiêng kỵ, quả thật chuyện này năm đó đã hơi thiếu căn cứ, đến giờ bản án vẫn chưa được lật lại, một mặt là vì tiên đế đã khâm định, mặt khác cũng có chút nhân tố thực tế.
"Trong đó Thẩm Ngũ và hắn là ngâm thơ xướng họa nhiều nhất, cũng hiểu nhau nhất. Lúc Ngô Vương gặp chuyện không may, bọn ta đều nghĩ cách cứu giúp, Thẩm Ngũ thì có lòng nhất, chạy khắp nơi xin giúp đỡ, còn quỳ gối trước cung Đại Minh trần tình cho Ngô Vương, nói rằng người nhàn tản thích tiêu dao như Ngô Vương không thể nào có lòng làm phản được. Bậc thềm trước điện chính là nơi Thẩm Ngũ đổ lệ."
Lâm Yến mím chặt môi, năm đó bản thân hắn vì chuyện của Thôi sư mà lòng như lửa đốt, gặp trắc trở đủ bề, giống Thẩm Ngũ cỡ nào, chỉ tiếc rằng năm đó hắn vẫn chỉ là quan nhỏ chức thấp, không thể gặp mặt thánh thượng, không thể trần tình trước thềm điện...
"Hành động của Thẩm Ngũ chọc cho tiên đế giận dữ, sau đó..." Lý Duyệt nhắm chặt mắt, không nói tiếp được nữa.
Dừng một lúc, giọng Lý Duyệt mới ổn định trở lại: "Lúc Thôi thượng thư gặp chuyện không may, nghe người ta nói ngươi cũng vì hắn mà chạy vạy khắp nơi, cho nên ta mới nhớ tới người kia."
Lâm Yến gật đầu, cũng hiểu ra được một chút tại sao vị tướng công này lại coi trọng hắn như vậy, thì ra là vì giống với bạn cũ của hắn. Lại tính thời gian, Lý tướng công bị giáng chức đi Giang Nam, Sở tiên sinh phẫn nộ từ quan, chắc hẳn đều liên quan tới chuyện này.
Lý tướng công lại quay trở lại nói về Tần phó xạ: "Năm đó Tần Thập Tam cũng từng nói đỡ cho Ngô Vương, cũng bị tiên đế quát mắng trước mặt mọi người, cũng không phải là..."
Lý Duyệt ngẫm nghĩ: "Thôi thượng thư gặp chuyện không may, Tần Thập Tam không giúp ngươi có lẽ là vì bị chuyện Thẩm Ngũ dọa sợ." Lý Duyệt không nói tiếp rằng, cũng có thể là vì sự điên cuồng của tiên đế trong mấy năm cuối dọa cho sợ.
"Hắn cũng không phải người vô tâm thiếu đức."
Lâm Yến đứng lên, trịnh trọng hành lễ với Lý tướng công: "Đa tạ tướng công đã báo cho biết những chuyện này, Yến vô cùng cảm kích."
Lý Duyệt nâng tay lên ý bảo hắn ngồi xuống: "Nói với ngươi những cái này cũng không hẳn là vì nói giúp cho cô nương nhà Tần Thập Tam, cũng có phần vì hôm nay trở lại phường Sùng Hiền này, trong lòng xúc động, thật sự muốn tìm người nói chuyện."
"Mấy năm trước chân ta bị thương, bây giờ cứ trở trời là đau nhức khó chịu, trong lòng thỉnh thoảng cũng đau nhói, có lẽ cũng chỉ vài năm nữa thôi sẽ xin từ quan. Ba mươi năm chìm nổi trên quan trường, cuối cùng cũng đầu xuôi đuôi lọt, trong lòng lão hủ cũng được an ủi. Tần Thập Tam cũng chẳng còn bao lâu nữa là đến tuổi nghỉ hưu rồi, mấy vị cựu thần khác cũng vậy, về sau triều đình này còn phải nhờ cậy đám người trẻ tuổi các ngươi gánh vác."
Lâm Yến cung kính nghe.
"... Phải cẩn thận hơn nữa mới được."
Mấy năm nay làm quan, Lâm Yến cũng đã dần mất đi nhiệt huyết năm đó. Lời dặn tha thiết của Lý tướng công giống như của một người trưởng bối chân chính đối với bậc vãn bối của mình, lại cũng giống như lời năm đó Thôi sư dặn hắn, Lâm Yến đón nhận sự gửi gắm của hắn, gật đầu cung kính nói được.
Lâm Yến đột nhiên hỏi: "Xin hỏi tên và tước hiệu của vị Thẩm công này?"
"Thẩm Khiêm, xuất thân từ Thẩm thị ở Lạc Hạ, đứng hàng thứ năm, năm đó lúc gặp chuyện không may thì đang đảm nhiệm chức thị lang bộ Lễ."
Lâm Yến mở mắt ra lớn hơn nữa, chậm rãi gật đầu, lại hơi nghiêng đầu nhìn về phía quầy hàng, ánh đèn mờ nhạt chiếu nghiêng lên mặt nàng, khuôn mặt trang nghiêm trầm tĩnh, cán bút trong tay nàng đong đưa, không biết là đang viết hay tính toán cái gì.
Lâm Yến lại quay mặt trở về, rót cho Lý tướng công một chén rượu, lại tự rót cho mình một chén.
Cũng chỉ là ôn lại chút chuyện năm xưa, hai người cứ thế uống cạn một giác rượu, lúc ra cửa, bước chân Lý tướng công hơi lảo đảo, Lâm Yến và người tôi tớ kia mỗi người đỡ một bên.
Thẩm Thiều Quang dẫn A Viên đưa tiễn: "Quý khách đi thong thả."
Lâm Yến quay đầu, đối diện đôi mắt hơi ửng đỏ nhưng vẫn gắng cong lên vờ như vui vẻ kia.
Lâm Yến gật đầu với nàng.
Không biết nô bộc của Lý tướng công đã mang xe đến chờ sẵn ngoài quán từ lúc nào, tôi tớ của Lâm Yến cũng đã đợi sẵn. Lâm Yến cáo biệt với Lý tướng công, nhìn theo xe hắn dần đi xa.
Lâm Yến xoay người sang hướng khác, lại quay đầu nhìn bóng dáng gầy nhỏ bên dưới ánh đèn chập chờn, sau đó chậm rãi đi về nhà, tôi tớ cũng yên lặng đi theo phía sau.
Vào cửa, nhìn rừng trúc xào xạc trước sân, Lâm Yến đột nhiên quay đầu dặn Lưu Thường đi theo đằng sau: "Tra thử xem trong phường này có người nào họ Thẩm mười năm trước làm quan từ ngũ phẩm trở lên."
Lưu Thường hành lễ đáp lại: "Vâng."
Chu quản gia cười nói: "Chủ cũ của tòa nhà này hình như là họ Thẩm."
Lâm Yến dừng chân, quay đầu lại.
"Lão nô nghe một chủ hộ lâu năm trong phường này nhắc tới một lần, tới giờ vẫn nhớ." Sau đó thấp giọng nói: "Hình như nhà họ gặp chuyện."
Lâm Yến gật đầu, tiếp tục đi vào. Đi tới trước viện của bà nội thì bên trong đã tắt đèn, vú già gác đêm đi ra, nhỏ giọng bẩm báo với Lâm Yến về chuyện ăn, ngủ của thái phu nhân, cũng không có gì đặc biệt, Lâm Yến dặn dò mấy câu rồi quay đi.
"A lang không về phòng sao?" Lưu Thường hỏi. Viện của Lâm Yến ở ngay bên cạnh viện của thái phu nhân để tiện chăm sóc, nhưng rõ ràng đường bây giờ không phải đường về trong viện.
"Mới ăn cơm xong, ta đi tản bộ một lát. Các ngươi giải tán hết đi." Lâm Yến phân phó.
"Ta cầm đèn lồng cho a lang vậy?"
"Không cần đâu." Lâm Yến nhận lấy đèn lồng trong tay Lưu Thường.
Tất cả đám tôi tớ theo hầu đều hành lễ rồi lui xuống.
Lâm Yến chậm rãi đi tới đình nghỉ mát trong vườn, ngồi cạnh bàn cờ bằng đá.
Tối nay bầu trời hơi u ám, không trăng không sao, cả vườn hoa và cây cỏ đều trở nên đìu hiu, chỉ có mấy dây leo vướng víu nhau đu đưa trong gió, cảnh vật đều trở nên vắng vẻ thê lương.
Đèn lồng được treo trên lan can, có thể nhìn thấy thấp thoáng mấy vết khắc cũ trên cây cột sơn đỏ, bên cạnh ghi chú mấy chữ "A Tề ba tuổi", "A Tề năm tuổi", "A Tề sáu tuổi", "A Tề tám tuổi", cao hơn một đoạn thì có hai nét khắc "A Chương mười một tuổi" và "A Chương mười ba tuổi", vết khắc rất tùy ý, lộ rõ khí khái ung dung phóng khoáng.
Lâm Yến từng nhìn thấy nét chữ của người bán tòa nhà này, đoan chính câu nệ, không phải như thế này.
"A Tề..." Lâm Yến loáng thoáng như nhìn thấy một đôi mắt hạnh sáng long lanh.
"Năm đó khi Bàng quân sư đi theo tiên chủ hẳn là cũng oan ức lắm nhỉ, dù sao tiên chủ cũng chỉ là kẻ buôn giày dệt chiếu thôi mà."
"Nếu cô nương là Chức Nữ thì sẽ làm sao?"
"Đánh hắn! Đánh tới lúc hắn khóc gọi mẹ mới thôi!" Thẩm Thiều Quang hung dữ đáp lại.
"Là nhờ đâu chứ? Là vì ở giữa có chi phí giáo dục của "mẹ nuôi" đó! Cũng giống như thịt lợn của chúng ta..."
Ai biết được rằng phía sau sự tinh ranh giảo hoạt, khí thế ngạo mạn và dương dương tự đắc kia lại là thân thế bi thương như vậy...
Lâm Yến cũng đã từng gặp con cháu của nhiều tội thần, phần lớn đều hoặc là dè dặt cẩn thận tới mức nhút nhát, hoặc là hận đời đến mức đáng thương, hiếm có người vẫn nở rộ rực rỡ như vậy, không biết là vì tính tình cứng cỏi hay là... trời sinh đã vô tâm?
Thật ra vô tâm cũng tốt, Lâm Yến nhớ tới Thôi Ninh, nếu lúc đó nàng ấy có thể... Lâm Yến nhắm mắt lại, mà thôi, ai có số mệnh của người nấy.
Lục tham quân của ty Kinh Triệu làm quan trong kinh đã nhiều năm, biết rất nhiều chuyện cũ trong kinh thành, lại rất thích nói chuyện, Lâm Yến tùy ý nhắc tới, hắn liền tuôn ra một tràng.
"Thẩm thị lang kia tuổi tác cũng xấp xỉ hạ quan, là con cháu Thẩm thị ở Lạc Hạ, thi đậu tiến sĩ, văn thải phong lưu, con người cũng tuấn nhã..."
Lúc Lâm Yến tra chuyện cũ của Thẩm gia thì Thẩm Thiều Quang đang nghiên cứu món lẩu.
Hôm đó nghe nhắc tới mấy chuyện cũ trong nhà, lại đối chiếu với những người những chuyện còn sót lại trong đầu, không biết là sự việc thật sự khiến người ta bi thương hay là vì máu mủ tương liên mà Thẩm Thiều Quang cứ buồn bã trong lòng, mấy đêm liền còn nằm mơ thấy chuyện lúc còn nhỏ của nguyên thân.
Một đứa bé nho nhỏ, có lẽ chính là nàng, nhưng lại cũng không giống là nàng, người cha nhân từ, người mẹ nhã nhặn thanh cao lại hơi kiêu ngạo, người ca ca tính tình trầm ổn, rừng trúc trước sân, khóm hải đường ở hậu viện, con chim anh vũ dưới mái hiên, giá đu dưới tán cây... Lúc tỉnh lại thì vỏ gối ướt đẫm.
Để chống lại cảm xúc bi thương này, Thẩm Thiều Quang bày thêm thú vui.
Nếu đã không chết thì phải sống cho thật tốt.
Cứ giày vò dằn vặt cái gì? Giày vò dằn vặt nồi lẩu ấy!
Người sành ăn Viên Mai từng nói "cai lẩu", cho rằng cho dù thành phần nguyên liệu là gì thì món lẩu vẫn cứ thiếu sang, vẫn tỏa ra thứ mùi "tra tấn linh hồn". Mặc dù trước giờ Thẩm Thiều Quang vẫn luôn coi ghi chép của Viên Mai như một loại tài liệu nghiên cứu tiêu chuẩn nhưng nàng lại không hề đồng ý với điều này. Mùa đông mà không có lẩu mới là thiếu vị ấy.
Lần lượt cho thịt trâu thái mỏng, thịt dê thái mỏng, thịt gà thái mỏng, thịt lợn thái mỏng, thịt cá thái mỏng, tôm viên, cá viên, thịt viên các loại cùng với các thứ rau như nấm, măng, cải trắng, cải dầu, thêm một số chế phẩm từ đậu phụ vào trong nồi lẩu theo sở thích cá nhân, chấm với hỗn hợp từ tương dầu, nước sốt tương vừng, chao và nước sốt hải sản các loại, ăn xì xà xì xụp...
Đã ăn là không tài nào dừng lại được!
Vẻ đẹp của lẩu chính là ở cái không khí ồn ào náo nhiệt lúc người ta thưởng thức, cho nên người luôn chú trọng sự tinh xảo đẹp đẽ như Viên Tử không cách nào tiếp nhận được.
Món lẩu này thì triều nào cũng có. Mùa đông ở trong cung sẽ bày ra một cái vạc nhỏ, cho nguyên liệu vào, vừa nấu vừa ăn.
Cái khác là ở chỗ mỗi lần chỉ nấu một loại, hoặc thịt trâu, thịt dê, hoặc cá, thịt nai, thỉnh thoảng cũng có mấy thứ dân dã, nhưng không trộn lẫn đủ loại như ở thời hiện đại; nước lẩu thì thường là nước hầm xương, không có đủ loại nước dùng thần kỳ với ớt như thời hiện đại; nước chấm cũng không giống thời hiện đại, phần lớn là nước tương trong vắt thêm dầu vừng, có đôi lúc còn thêm một chút giấm chua.
Thẩm Thiều Quang cảm thấy mình nên để cho người dân thời Đại Đường - những con người thích náo nhiệt - được nếm thử món lẩu thời hiện đại.
Bước đầu tiên là phải đi đặt làm mấy cái nồi.
Thẩm Thiều Quang vẽ lại hình dạng của nồi lẩu thời hiện đại, thuê thợ thủ công chế tác, làm rất nhanh, chất lượng cũng khá, có đôi chỗ có thể nhìn ra dấu vết thủ công, nồi nào cũng nặng trịch, bền chắc vững vàng như thể có thể dùng tới tận lúc tận thế - cho nên cũng rất đắt! Ở thời đại tiền vàng như hiện giờ, làm mười cái nồi lẩu đã khiến Thẩm Thiều Quang đau đứt ruột.
Bước thứ hai là quảng cáo, tổ chức ngày hội ẩm thực lẩu được không nhỉ? Vẽ một bức tranh lẩu, viết mấy chữ "Lư đồng đỏ lửa, trăm vị cùng nồi", hoặc là lợi dụng tiết Tiểu Tuyết, viết mấy dòng quảng cáo đậm tính văn nghệ kiểu "Vãn lai thiên dục tuyết, năng ẩm nhất bôi vô"? Thẩm Thiều Quang nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng chọn cái trước. Không thể không nói, văn nghệ là một thứ kỹ thuật đòi hỏi trình độ cao, với tài thơ ca đậm mùi dầu mỡ như nàng thì vẫn nên đừng tự làm mình xấu mặt thì hơn.
Đương nhiên thứ quan trọng nhất đối với một ngày hội ẩm thực là kết hợp với giảm giá, ở thời hiện đại, các loại "lễ tết" đều đồng nghĩa với giảm giá và tiêu tiền.
Vu Tam không hề lạ lẫm gì với kiểu vừa nấu vừa ăn thế này - cho nên có thể thấy chủ trước của hắn thật sự đúng là một kẻ sành ăn. Vu Tam cũng hài lòng đón nhận kiểu hình dáng nồi như thế này, nhất là sau khi Thẩm Thiều Quang biểu diễn cho hắn xem sự thần kỳ của việc quay mở nắp thì hắn lại càng gật đầu tán thưởng.
Hiếm khi thấy vị "tiểu công cử" kiêu ngạo này tán thưởng như vậy, Thẩm Thiều Quang càng đắc ý giải thích cho hắn nghe về hình dạng của đường thông dưới đáy, về quan hệ giữa độ lửa và tốc độ không khí lưu thông.
* "Tiểu công cử" là từ lóng trên mạng, chỉ những người đàn ông mang trái tim nữ tính.
Đáng tiếc "tiểu công cử" lại không đồng ý với cái kiểu ăn "trăm vị cùng nồi" cái gì cũng ném hết vào trong nồi của Thẩm Thiều Quang: "Vậy chẳng phải là mùi vị lẫn lộn hết sao?"
"Cái cần chính là mùi vị lẫn lộn đấy!"
Vu Tam bị Thẩm Thiều Quang nói cho nghẹn họng không thốt được tiếng nào.
A Viên ở bên cạnh thì hớn ha hớn hở, mặc dù còn chưa được nếm thử nhưng đã quyết định thích cái món tên là lẩu này rồi.
Tìm một bữa rảnh, Thẩm Thiều Quang cho A Viên và Vu Tam ăn thử trước một bữa.
Vu Tam vô cùng miễn cưỡng, dưới sự uy hiếp của Thẩm Thiều Quang, chỉ đành không thể không ăn.
Nhưng sau đó, Vu Tam từ chỗ bị ép buộc biến thành tùy ý dửng dưng, nếu bàn về số lượng ăn thì Thẩm Thiều Quang cảm thấy có thể tính là hưởng thụ, đương nhiên là "công chúa" Vu Tam sẽ không thừa nhận điều này.
A Viên thì chả lo nghĩ nhiều như vậy, chỉ lo mỗi việc phồng mồm lên ăn - sao mà thứ này hợp khẩu vị mình thế chứ! Cô nương thật là giỏi quá đi!
Người chung ý tưởng với A Viên không ít, đương nhiên cũng có người về phe Vu Tam, lúc mới bắt đầu thì chỉ chọn một loại thịt cho vào nồi như kiểu truyền thống, nước tương cũng chỉ chọn loại nước tương trong vắt truyền thống, nhưng mà bàn bên cạnh bày đủ màu đủ sắc, ăn uống khí thế như vậy, hay là cũng thử xem sao?
Kết quả thử một lần rồi chẳng thể nào ngừng lại được.
Thẩm Thiều Quang chuẩn bị chừng bảy, tám loại nước tương, nước tương trong thêm dầu vừng, tương vừng, nước tương trong thêm dầu hoa tiêu, giấm gạo, tương trong, dầu vừng, còn có cả hành lá, mắm tôm, tỏi giã, bột hồ tiêu các loại để khách tự thêm. Gia vị thì cho vào lọ nhỏ trên bàn nguyên liệu, khách cần thì tự tới lấy.
Có thể là vì số lượng khách, cũng có thể là vì hơi nóng bốc lên từ nồi lẩu, quán rượu dường như trở nên náo nhiệt gấp đôi ngày thường.
Lúc Lâm Yến bước vào, nhìn thấy cảnh tượng ầm ĩ nhốn nháo như vậy thì không khỏi nhíu mày, đưa mắt nhìn quanh thì thấy Thẩm cô nương đang giúp khách bỏ thêm một ống gì đó vào một cái nồi hình dáng kỳ lạ, nàng mặc một cái áo người Hồ màu đỏ tươi còn mới tinh, mặt mày tươi rói, còn mang theo chút ý cười, hoàn toàn không có chút dáng vẻ nào của người dưới đèn tối hôm đó.
Thấy hắn, Thẩm Thiều Quang đi tới chào: "Mời Lâm công tử ngồi bên này."
Lâm Yến gật đầu, cùng nàng đi tới một bàn trong góc - cách xa mấy bàn ầm ĩ nhốn nháo kia một khoảng, nàng vẫn cứ giỏi đoán ý người khác như vậy.
Đáng tiếc câu tiếp theo lại chẳng hề giỏi đoán ý người khác chút nào: "Trong quán mới có thêm món lẩu, bất cứ loại thịt nào cũng có thể cho vào nồi lẩu ăn cùng nhau, công tử có muốn thử một chút không?" Thẩm Thiều Quang chỉ vào đống đĩa rải đầy bàn bên kia, cười nói.
"... Cũng được."
Thẩm Thiều Quang cười híp mắt, đưa thực đơn lẩu tới: "Công tử chọn đi. Hôm nay có cá chép tươi, có thể thái thành lát, thịt dê cũng rất tươi, còn có thịt viên mới vắt, chỉ là lúc ăn phải cẩn thận không để bẩn y phục..."
Nghe Thẩm cô nương hào hứng giới thiệu món ăn xong, Lâm Yến lạnh nhạt nói: "Nồi lẩu chỉ cần cá chép là được. Thêm một đĩa rau cải trộn giấm, đậu phụ rán và canh thịt viên như trước kia."
"..." Phán đoán trước đó không sai chút nào mà, quả thật là vị Lâm thiếu doãn này chả thú vị gì cả!
Nhưng nàng vẫn cười hỏi: "Có cần một bát rượu không? Hoặc là thêm món gì đó? Ngọc tiêm diện có bốn loại, thuần thịt lợn, thịt lợn trộn tôm, thịt lợn trộn rau dền muối chua, thịt lợn trộn rau cải."
Rau dền muối chua đã muối từ mùa xuân, mấy hôm nay mới mở bình. Mùa xuân thì ở ngoại thành chỗ nào cũng có rau dền, kể cả ở trong thành cũng chẳng đáng mấy đồng, đến mùa đông như bây giờ lại thành một thứ hay ho khó tìm, vì vậy nên được đón nhận rất nhiệt liệt. Thẩm Thiều Quang nghĩ bụng, chờ đến mùa xuân sang năm phải muối nhiều hơn nữa mới được.
Nghe nàng nói đến "rau dền muối chua", Lâm Yến đột nhiên nhớ đến "A Tề ba tuổi", "A Tề năm tuổi" trên cây cột.
* Chữ "Tề" trong tên A Tề chỉ một loại rau dền mọc dại thuộc họ Cải (tên khoa học: Capsella bursa-pastoris).
"Hay là thêm một ít bánh canh gà?"
Lâm Yến hơi mất tự nhiên khẽ ho một tiếng: "Một ít bánh canh gà đi."
Thẩm Thiều Quang còn chưa biết tên cúng cơm của mình đã bị người ta biết, trong bụng nàng còn đang nghĩ, xem ra tình cảm của Lâm thiếu doãn dành cho bánh canh gà đúng là chân ái.