Trở Về Đời Thanh

Chương 20: Săn bắn (3)




Khang Hi nhìn một vòng chung quanh rồi nói, “Trẫm từ trước tới nay dùng đi săn để luyện võ, không phải là thú vui hưởng lạc; mà để cảnh tỉnh và nhắc nhở các dũng sĩ Mãn Châu chúng ta, Đại Thanh triều của chúng ta nhất thống thiên hạ là nhờ vào đâu? Lẽ nào chúng ta đã quên các đức Thái tổ, Thái tông hoàng đế gây dựng sự nghiệp từ trên lưng ngựa, lấy cung tiễn định cơ đồ sao?"
“Ngày nay thiên hạ đã định,” Khang Hi nhình các chúng thần chung quanh nói tiếp, “ Có người trong số các ngươi liền cho rằng đã đến lúc có thể ăn chơi đàng điếm, hưởng thụ vinh hoa thái bình. Trẫm bao lâu nay không dừng việc đi săn bắn, không lẽ vì ham miếng ăn, tham miếng thịt ngon? Còn không phải là vì muốn ôn luyện võ bị quân sự?” Nói đến đây Khang Hi tự tay chỉ về phía trước của ngự trướng, nơi đó có để một cái biển chính hắn ngự bút: “Cư An Tư Nguy.”(1) Khang Hi tiếp tục nói, “’Cư An Tư Nguy’ là lời huấn dụ của Hoàng Thái Hậu quá cố. Trẫm không lúc nào dám quên, mỗi sáng sớm phải niệm thầm ba lượt, rồi mới nghe sư phụ Hùng Tứ Lý tiến giảng, sau đó mới ra thượng triều. Những lúc vi tuần xuất kinh, cũng canh cánh mang theo trong lòng, còn bọn các ngươi lại dám bỏ mặc ngoài tai sao.”
Các chúng thần chung quanh nghe xong hấp tấp rời ghế thấp giọng thỉnh tội: “ Hoàng thượng, chúng nô tài đã cô phụ lòng mong mỏi của thánh thượng, nay biết rõ là sai rồi.”
“Biết rõ là tốt rồi!” Khang Hi đưa tay ngoắc nhất đẳng thị vệ Vũ Đan đứng gần đó, nói, “Thưởng cho Tứ Hoàng tử một cái lộc vĩ *, hắn hôm nay lần đầu đi săn đã bắn được một đầu dê vàng, đáng được ban thưởng.”
Dận Chân hai tay tiếp nhận cái lộc vĩ được nướng vàng từ Vũ Đan, cảm kích nói: “Tạ Hoàng A Mã ban cho phần thưởng.”
Khang Hi cười cười nói: “Được rồi, bọn các ngươi cũng không cần quá căng thẳng, trẫm chỉ là cảm xúc nhất thời nói ra, hôm nay vẫn là muốn cùng một chỗ với các ngươi quân thần vui vẻ chung vui nói cười, không nói đến mấy cái này nữa. Dận Chỉ, ngươi biết truyện cười gì kể ra.”
Dận Chỉ đứng dậy cung kính đáp: “Nhi thần tuân mệnh. Gần đây, nhi thần học lại Luận Ngữ, nghe sư phó kể lại một câu truyện cười, nay tại chỗ này thuật lại cùng Hoàng a ma và các vị đại nhân nghe chơi cho vui.”
Khang Hi gật đầu khen ngợi, cười cười ý bảo hắn nói tiếp.
Dân Chỉ mở miệng điềm tĩnh tiếp tục nói, “Năm Trung Hòa đời Đường, có một tiết độ sứ tên gọi Hàn Giản, tính tình thô lỗ, mỗi khi luận đàm cùng các vị văn nhân tài tử, trí thức, đều không thông hiểu những gì các vị văn sĩ thuyết giảng, thường tự lấy làm sỉ nhục. Vì vậy nên đã cho mời một vị Hiếu Liêm (cử nhân) đến giảng "Vi Chính Thiên" trong Luận Ngữ, đã nghe được câu nói “Tam Thập Nhi Lập.” (2)Đến ngày hôm sau thấy hắn nói với những kẻ dưới là: ‘Ta hôm nay mới biết cổ nhân thật là những người chậm phát triển, đến ba mươi tuổi mới có thể đi đứng thẳng người.’”
Khang Hi còn đang ngậm một ngụm rượu trong miệng, nghe đến đó cũng phải phun hết cả ra. Tất cả mọi người cũng ha ha cười. Cao Sĩ Kỳ càng là cười đến đến không nói được câu nào.
Một lát sau, Khang Hi cố gắng lắm mới ngưng cười được, nói: “Lão Tam kể rất hay, nửa bộ Luận Ngữ trị thiên hạ, các ngươi” Khang Hi phẩy tay chỉ chỉ các nhất đẳng thị vệ đang đứng quanh đó nói, “cũng nên thử đọc sách. Các ngươi là những người thân cận chung quanh trẫm. Trẫm cũng không thể đem tất cả các ngươi trói buộc quanh người suốt đời. Sớm muộn gì rồi cũng phải thả cho đi ra ngoài. Đọc sách, tu thân, dưỡng tính, mới có thể làm quan tạo phúc cho bá tánh một phương.”
Các thị vệ kính cẩn nói: “Chúng nô tài nhất định tuân theo thánh mệnh. Siêng năng đọc sách nhiều hơn.”
Khang Hi lại sai người mang bản Luận Ngữ có lời phê của Vương Dương Minh ban thưởng cho Tam Hoàng tử
Kế tiếp, Khang Hi quay đầu sang nhìn Dận Chân bảo: “Dận Chân, ngươi tuy tuổi còn nhỏ, nhưng là cũng bắt đầu đọc sách rồi. Trẫm không có ý làm khó dễ ngươi bắt ngươi phải kể truyện cười. Nhưng trước mặt các vị đại thần, ngươi cũng phải để cho Hoàng A Mã nhìn xem việc học của ngươi đã tiến triển đến đâu.”
“Dạ” Dận Chân cao giọng đáp, trong lòng đã có chủ ý.
“Hoàng A Mã, chư vị đại nhân, Dận Chân gần đây có được đọc một bài thơ của Hoàng A Mã, hôm nay vừa vặn hợp với khung cảnh lúc này, Dận Chân xin phép bêu xấu."
Sau đó không nhanh không chậm mà thong thả đọc lại bài thơ thất luật của Khang Hi tả cảnh đi săn mà Cố Bát Đại đã dạy cho hắn mấy ngày trước.
“Trú lậu hi văn tử mạch trường
Phi phi tế vũ quá nam trang
Vân phi ngự uyễn thu hoa thấp
Phong đáo hồng môn dã thảo hương
Ngọc liễn diêu lâm bình điện khoát
Vũ kỳ cận bàng viễn lâm dương
Sơ tình thiểu khoảnh bố vi liệp
Hảo sấn thanh lương dược túc sương”
Sau khi ngâm thơ xong, Dận Chân vẻ mặt hàm hồ hướng tới Khang Hi nói: “Nhi thần khi mới nghe qua bài này, đã bị khí thế của Hoàng A Mã trong thơ làm rung động, lần này may mắn được ý chỉ của Hoàng A Mã cho đi theo, nhi thần có thể thấy cảnh hùng tráng của cuộc săn, nội tâm càng là xúc động mãnh liệt. Hoàng A Mã bắn không phí một cây tên, bách phát bách trúng, chỉ một lần săn đuổi đã bắn được hai mươi mốt con hươu, mười sáu đầu dê vàng. Hoàng A Mã đúng là Ba Đồ Lỗ (3) đệ nhất của Đại Thanh chúng ta!"
Mọi người nghe vậy, đều tranh nhau nhao nhao lên phụ họa. Chỉ có Thái tử là trong nội tâm có phần bất mãn, nghĩ thầm: “Lão Tứ đúng là tiểu quỷ, người thì bé, mà mưu quỷ thì lớn, đem việc nói quá phóng đại lên, đúng là thuật vỗ mông ngựa xuất quỷ nhập thần.”
Khang Hi cười ha hả nói: Không ngờ Cố Bát Đại lại nhớ rõ bài thơ trẫm làm chơi nhiều năm trước, cũng không ngờ con có thể học thuộc không sai một chữ nào. Chỉ là trẫm muốn các con ghi nhớ, trẫm càng muốn tất cả các con đều phải trở thành Ba Đồ Lỗ của Đại Thanh ta, có thể trợ giúp Hoàng A Mã, trở thành rường cột của triều đình!"
Các vị hoàng tử đều cùng quỳ gối xuống đồng thanh vâng mệnh. Khang Hi cũng không quên thưởng cho Dận Chân một thanh đoản kiếm làm hắn sung sướng không thôi.
Mọi người lại cùng nhau vui vẻ ăn thịt, uống thêm vài tuần rượu nữa mới tan tiệc.
Sang ngày thứ hai, cuộc săn bắn lại tiếp tục. Khang Hi bởi vì ngày hôm trước không bắt gặp một con thú dữ nào, nên đã đặc biệt ra lệnh cho binh lính thắt chặt vòng vây, còn mình thì dẫn các thị vệ và các hoàng tử tiến về hướng núi trên cao.
Đi một hồi, Khang Hi thoáng thấy gì đó, tần ngần một chút, hơi buông lỏng dây cương, con ngựa đang cưỡi đột nhiên tung vó chạy lên phía trước.
Mọi người thấy kỳ quái, tưởng chuyện gì, đều hốt hoảng thúc ngựa chạy vội theo, làm nhất thời vó ngựa tung bay, gió bụi mịt mù, làm bầu không khí của buổi săn bắt bị đẩy nhanh hơn rất nhiều.
Đột nhiên Khang Hi ghì chặt cương ngựa, ổn định thân hình nhìn bốn phía chung quanh; đám tùy tùng cũng kìm giữ ngựa lại, nhìn về hướng hoàng đế. Bốn phía vắng lặng, chỉ có vài cột khói bụi, Khang Hi vượt qua đàn ngựa, tiến về phía trước, cao giọng hỏi lớn: “Đây là chỗ nào?”
“Nam Sơn!” Có người lớn tiếng đáp trả.
“Nam Sơn là chỗ nào?”
Mọi người cảm thấy kỳ quái, Nam Sơn là Nam Sơn, còn cần gì phải hỏi là chỗ nào? Mọi người nhìn nhau không biết nói sao. Khang Hi chuyển sang hỏi thái tử: “Dận Nhưng đây là nơi nào?” Thái tử đảo mắt nhìn một vòng, hấp tấp đáp, “Nơi này là chỗ Hoàng A Mã đi săn.” Khang Hi khẽ hừ nhẹ một tiếng nói, “Hãy suy nghĩ thật kĩ lần nữa đi!"
Thái tử tâm lý luống cuống, không khỏi đưa mắt nhìn các huynh đệ chung quanh. Đại Hoàng tử Dận Thì vội vàng cướp lời nói, “Nhi thần biết rõ, nơi đây là nơi hoàng a ma mấy năm trước đánh chết một con gấu đen lớn.”
Khang Hi nghe xong, cảm thấy càng nói càng sai, không khỏi muốn phát hỏa, đang muốn quay ra răn dạy, đột nhiên trong đám người, có tiếng hô lớn: “Đây là nơi Đại tướng quân Đồ Hải đại thắng thân vương Bố Nhĩ Ni (4) của Sát Cáp Nhĩ cùng với La Bố Tàng Đan Tăng (5)!”
Người nói đúng là thiếu Chiêm Sự Cao Sĩ Kỳ. Cao Sĩ Kỳ vì cuộc đi săn bắn này đã nhiều lần tìm hiểu, các tài liệu về địa lý chung quanh Nam Sơn, con người, và những sự kiện lịch sử gắn liền với vùng này đều đã thuộc như lòng bàn tay, quả nhiên, Khang Hi gật gật đầu khen thưởng, “Đúng vậy! Hơn năm năm trước, Bố Nhĩ Ni của bộ lạc Sát Cáp Nhĩ cấu kết với La Bố Tàng Đan Tân, thừa lúc trẫm đang lo bình định Tam Phiên, đang thiếu binh, thiếu quân lương, đã đem mấy vạn quân tấn công kinh thành, trẫm gặp khó khăn tứ bề, quẫn bách, trong kinh chỉ còn có vẻn vẹn hai vạn quân, làm sao có thể kháng địch. Đúng lúc ấy thì Đồ Hải đứng ra tâu xin, nguyện thống lĩnh các gia đinh trong các vương phủ, tôn thất, tập hợp thành đội ngũ tân binh hành quân đến đây đánh địch. Cuối tháng bảy, phản quân đến đây, không đợi cho quân địch kịp nghĩ ngơi chuẩn bị, Đồ Hải tung quân xuất kích đánh phủ đầu. Bố Nhĩ Ni chiến bại bỏ mình, đám La Bố Tàng Đan Tăng chỉ còn ba ngàn tàn quân bỏ chạy về Khoa Bố Đa. Đây là nơi chiến địa đẫm máu, là một chiến công to lớn bảo vệ triều đình, quốc thổ, thế mà tất cả các ngươi đều không nhớ! Tại sao phải khắc ghi sự gian khổ dựng nghiệp của tổ tiên, tại sao phải kiên thủ giữ vững vạn dặm cương thổ quốc gia? Ngày nay các ngươi mở miệng ra là binh pháp chiến sách, khép miệng lại là thi thư, lễ nghĩa, nhưng lại quên nguồn, quên gốc, không hiểu đại nghĩa bảo vệ quốc gia, như thế trăm năm về sau, đất đai của Đại Thanh ta còn đâu!” Dứt lời, thở dài một tiếng, hồi lâu không nói.
====================
Lời dịch giả:
* lộc vĩ: tính dịch ra là cái đuôi hưu nướng, nhưng nghĩ lại đuôi hưu nướng thì không thấy đặc biệt, hấp dẫn, nên đành để nguyên lộc vĩ để nghe có vẻ xôm tụ, lạ lạ.
** mong các đọc giả thông cảm lượng thứ, nói đến thơ thì người dịch chịu chết đứng như Từ Hải. Đọc giả đành phải cảm nhận thơ Hán Việt theo cảm nhận riêng vậy. Xin thứ lỗi!
@ Vivi: Ta cũng thúc thủ vô sách luôn. đợi cao nhân, cao nhân a...
Chú thích:
(1) "Cư An Tư Nguy": Sống yên ổn nghĩ đến ngày gian nguy.
(2): "Tam thập nhi lập": Tam thập nhi lập” nghĩa là người ta đến 30 tuổi mới có thể tự-lập, dựng nên sự-nghiệp cho mình. (trong Luận Ngữ). Thế nhưng nhân vật trong câu chuyện cười của Dận Chỉ lại là một kẻ thô lỗ, chữ "Lập" tiếng Trung có nghĩa là đứng, cho nên hắn nghe thành ba mươi tuổi mới có thể đứng thẳng.
(3) Ba Đồ Lỗ: dũng sĩ, 巴图鲁 là một danh hiệu vinh dự của người Mãn Châu trong triều đại nhà Thanh (xem chú thích
(4), (5): Bố Nhĩ Ni (1654 - 1675) là thủ lĩnh của bộ tộc Sát Cáp Nhĩ. Năm Khang Hi thứ 8 (1669), cha của Bố Nhĩ Ni là thân vương Sát Cáp Nhĩ - A Bố Nại bị Khang Hi cách tước và giam chầm ở Thịnh Kinh. Để trấn an bộ tộc Sát Cáp Nhi, Bố Nhĩ Ni được kế thừa tước thân vương của cha hắn. Năm Khang Hi thứ 14 (1675) Bố Nhĩ Ni thừa lúc Ngô Tam Quế sắp làm phản, cùng huynh đệ La Bố Tàng Đan Tăng giấy binh phản Thanh, mưu đồ cứu cha nhưng không thành, Bố Nhĩ Ni bị giết, La Bố Tàng Đan Tăng chạy về Mông Cổ...
Trong sách sử viết về Niên Canh Nghiêu còn một anh La Bố Tàng Đan Tân nữa. Chắc là con cháu của vị kể trên. Cũng làm phản chống triều đình nhà Thanh khi Ung Chính mới lên ngôi và bị quân đội nhà Thanh do Niên Canh Nghiêu và Phủ Viễn đại tướng quân Dận Đề thống lĩnh dập tắt ngay sau đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.