*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
An Thiếu Ngôn một bụng lý lẽ muốn phun ra nhưng khi hắn nhìn Thuế Tử Duyệt lại không thể nói ra được lời nào. Hắn đứng im nhìn nàng rồi quay sang nhìn hai ông cháu đang bận rộn bên ngoài, môi mím chặt.
Dù có trăm ngàn lý do vẫn không thể thay đổi hiện thực tàn khốc.
An Thiếu Ngôn chưa nói thì Thuế Tử Duyệt đã bình tĩnh mở lời: "Việc hôm nay, ta thấy những người đó không phải kẻ đại gian đại ác. Nếu An công tử không nhúng tay, dù hai ông cháu không đấu lại đám gia đinh, cùng lắm họ chỉ đuổi ông lão và bắt đi tiểu nha đầu. Quan trọng nhất chính là hai ông cháu vẫn bảo toàn được mạng sống. Có câu «Giữ được rừng xanh, sợ gì không có củi đốt» Chỉ cần còn mạng chắc chắn sẽ có cơ hội trở mình. Nhưng An công tử đã xen vào. Hành động lo chuyện bao đồng của công tử đã chọc giận đám gia đinh cũng liên lụy hai ông cháu bị đánh chung với công tử. Nếu Tôn đại ca không kịp thời ra tay thì đối với thân thể của ông lão và tuổi tác của tiểu cô nương, nhẹ thì bị thương, nặng thì mạng cũng không còn. Trường hợp thứ nhất, tốt hay xấu cũng còn mạng, ít nhất vẫn còn hy vọng. Trường hợp thứ hai thì cả mạng cũng không còn, lấy đâu ra hy vọng. An công tử thực sự nghĩ bản thân công tử đã hành động nghĩa hiệp cứu nhân độ thế? Nếu hai ông cháu họ thực sự mất mạng, họ nên cảm kích hay oán hận công tử?"
An Thiếu Ngôn không trả lời.
Thuế Tử Duyệt thấy An Thiếu Ngôn im lặng nên nói tiếp: "Nếu hôm nay An công tử thành công ép đám gia đinh lùi bước nhưng An công tử có dám bảo đảm rằng công tử có khả năng bảo vệ hai ông cháu họ suốt cả đời? Một ngày nào đó đám gia đinh quay lại mà An công tử không có mặt ở đây thì hai ông cháu họ sẽ đối phó với đám người thẹn quá hóa giận kia ra sao? Có khi lúc đó còn có thêm rất nhiều người? An công tử đã từng nghĩ đến việc này chưa? Có sắp xếp gì chưa?" Vừa dứt lời, nụ cười trên mặt nàng cũng tắt lịm. Nàng nghiêm túc tiếp lời: "Không biết rõ năng lực của mình, chỉ lo hành động theo cảm tính, hoàn toàn không đắn đo hậu quả. Cái này có nên gọi là không biết tự lượng sức hay không?"
An Thiếu Ngôn câm nín. Hắn đã bị những lời của Thuế Tử Duyệt làm cho ngây ngẩn cả người. Từ trước đến nay, hắn chỉ lo đọc sách thánh hiền, có năng khiếu nên mọi người ở quê luôn nể mặt hắn. Vì vậy, hắn chưa suy nghĩ đến hậu quả của sự việc cho đến khi nghe được lời của Thuế Tử Duyệt.
Nói một cách chính xác, An Thiếu Ngôn chưa bao giờ nghĩ. Nếu chuyện thực sự sẽ xảy ra đúng như lời của Thuế Tử Duyệt thì hắn nên làm gì?
"Nếu tôi là công tử, tôi tuyệt đối sẽ không hành động theo cảm tính. Trước tiên, tôi sẽ ổn định thế cục, hoặc xuống nước hoặc lùi một bước, sau đó sẽ tính cách khác. Chưa đến lúc bất đắc dĩ, tuyệt đối không lấy mạng ra đùa. Nếu thực sự đến lúc đó...." Thuế Tử Duyệt nói đến đây, đôi mắt chợt khép khép rồi mới tiếp lời: "Nếu thực sự không còn cách cứu vãn thì đành lấy mạng ra đua. Đến lúc đó tôi sẽ không bao giờ lùi bước. An công tử..." Nàng ngắt lời chăm chú nhìn An Thiếu Ngôn. "Quan trường là nơi hiểm ác hơn công tử nghĩ. Nếu đụng chuyện mà vẫn cứ nóng nảy bồng bột thì chắc chắn sẽ không sống được lâu. An công tử...tự liệu thân." Nàng dứt lời, những gì nàng muốn nói cũng đã nói xong cũng không hề có ý định nhắc lại. Lúc này hai ông cháu đã bưng chén trà đến.
Thuế Tử Duyệt nhìn chén trà rồi thong thả thưởng thức.
An Thiếu Ngôn ngồi bên kia bưng chén trà, vẻ mặt ngơ ngác. Hắn đưa mắt nhìn Thuế Tử Duyệt, nàng đang nói hai con đường phải chọn cho hai ông cháu. Đầu óc hắn trống rỗng.
Sau một hồi hỏi thăm, Thuế Tử Duyệt mới biết hai ông cháu này chính là người mà nàng phải thu tiền. Hiển nhiên, hai người họ không có tiền nộp địa tô cho nàng, ngược lại còn thiếu thêm 20 lượng.
Từ khi biết Thuế Tử Duyệt là người tới thu địa tô, hai ông cháu liềncúi thấp đầu, ông lão vội quỳ xuống.
Thuế Tử Duyệt vội vàng nói Liễu Nhi đỡ ông lão đứng dậy. Ông lão kiên quyết không đứng lên, miệng không ngừng cầu xin nàng đừng lấy lại đất, xin nàng cho họ thêm một năm nữa. Họ sẽ nghĩ cách gom đủ số bạc đã thiếu. Nếu nàng lấy lại đất, hai ông cháu sẽ không còn đường sống.
Thuế Tử Duyệt nhìn ông lão đang quỳ: "Ông lão, dù tôi cho hai ông cháu thêm một năm nữa thì với thể lực hiện tại của ông cũng không trả được tiền thuê cho ta. Không những không trả được tiền, ngay cả trồng trọt ông cũng lực bất đồng tâm." Nàng nhìn tiểu cô nương, thấy vẻ mặt quật cường của tiểu nha đầu và ánh mắt đang mở to thể hiện quyết tâm vô hạn. Nàng nhíu mày nói thêm: "Cháu gái của ông còn nhỏ, việc đồng án em ấy sẽ không làm nổi."
Tiểu cô nương đưa mắt nhìn ông lão đang giàn giụa nước mắt, lập tức nói lớn: "Em có thể!"
Thuế Tử Duyệt nhìn tiểu cô nương và nở nụ cười: "Thật có hiếu." Nàng quay sang ông lão nói: "Tôi có cách này, không biết ông có chịu hay không?"
Ông lão nghe Thuế Tử Duyệt có cách liền ngẩng đầu nhìn nàng nói: "Đại nhân, người là quý nhân của lão. Nếu đại nhân bằng lòng cho lão một con đường sống, kiếp sau lão sẽ làm trâu làm ngựa để báo đáp."
Thuế Tử Duyệt nghe lão nhân nói xong, hai hàng lông mày chợt rũ xuống, nàng mỉm cười. Nụ cười nhàn nhạt đã vô tình rơi vào mắt của An Thiếu Ngôn.
An Thiếu Ngôn vẫn ngu ngơ như cũ chỉ cảm thấy khuôn mặt nhu hòa kết hợp với nụ cười nhàn nhạt của Thuế Tử Duyệt chợt giống như ánh trăng sáng vào đêm. Nàng không đẹp như ánh mặt trời rực rỡ như Mộ Dung Lam nhưng nàng đẹp như ánh sáng dịu êm của mặt trăng chiếu rọi vạn vật trong đêm đen tăm tối.
Quân tử sáng tỏ như trăng.
An Thiếu Ngôn cảm thấy câu này rất thích hợp để tả Thuế Tử Duyệt.
Thuế Tử Duyệt không biết suy nghĩ vu vơ của tên thư sinh nhàn rỗi kia. Nàng còn đang nhìn ông lão quỳ trên đất. Nàng dịu dàng nói: "Không cần kiếp sau, kiếp này đã đủ rồi. Trong viện của tôi cần một nha hoàn. Mỗi tháng tôi sẽ cho em ấy 1 lượng bạc làm tiền tiêu hàng tháng, cuối năm sẽ cho 60 hộc*gạo trắng. Nếu cháu gái của ông làm việc tốt thì tiền hàng tháng và gạo cuối năm sẽ tăng. Còn ông, phủ của tôi không cần. Nhưng tôi thấy ông vẫn còn khỏe mạnh. Tôi có một căn nhà trống ở kinh thành, tôi thường xuyên tìm người sang đó dọn dẹp nhưng quá phiền phức. Nếu ông đồng ý giúp tôi, mỗi tháng tôi sẽ cho ông 1 lượng làm tiền tiêu nhưng cuối năm sẽ không có gạo cũng không bao ăn. Hai ông cháu thấy sao?"
(*hộc: đơn vị đo lường gạo, 1 hộc = 10 đấu, tùy theo triều đại sẽ có sự thay đổi nhất định)
Chiếu theo tình huống hiện tại của Cẩm quốc, điều kiện mà Thuế Tử Duyệt đưa ra quá tốt. Một lượng bạc làm tiền tiêu hàng tháng chỉ có nha hoàn của phú hộ mới được hưởng. Tiểu cô nương chưa gì đã được hưởng, cuối năm còn được cho 60 hộc gạo trắng, tới 60 hộc. Nếu trong nhà chỉ có hai ông cháu thì 60 hộc gạo đủ cho họ ăn hơn hai năm.
Ông lão bất ngờ vì điều kiện quá tốt. Ông vội vàng quỳ xuống dập đầu lạy ba cái, đồng ý không cần suy nghĩ. Ông lão cảm kích muôn phần. Một lão già sắp xuống mồ như ông mà Thuế Tử Duyệt cũng chịu cho 1 lượng làm tiền tiêu mỗi tháng, tuy không bao cơm cũng không cho gạo nhưng gạo của cháu gái đã đủ cho ông ăn rồi. Cuối năm, gạo còn dư có thể đem bán lấy chút tiền. Ngày thường, ông cũng không xài tiền, cố gắng dành dụm để làm của hồi môn cho cháu gái sau này. Huống chi, tuổi tác ông đã cao, nếu không đồng ý thì không còn cách nào khác để nuôi cháu gái và bản thân. Tuy làm nô tỳ sẽ thành tiện tịch nhưng đại nhân là người tốt, ông và cháu gái được làm việc cho đại nhân là ông trời có mắt. Ông làm sao không chịu?
"Nhưng...năm nay hai ông cháu chưa trả tiền thuê cho tôi nên tôi sẽ trừ vào tiền tiêu mỗi tháng của hai người. Tiền tiêu mỗi tháng sẽ giảm một nửa cho đến khi trừ hết số tiền thuê mới thôi. Còn tiền bán thân của tiểu cô nương, tôi vừa mới trả xong, sẽ không đưa nữa. 20 lượng là giá rất hiếm ở thị trường mua bán."
Ông lão cũng biết điều đó, một nha hoàn tốt giá chỉ có 7-8 lượng nên 20 lượng là một cái giá rất cao. Tuy cháu gái ông rất lanh lợi nhưng không đến giá đó. Vì vậy, ông lão càng quyết định mau lẹ hơn.
Thuế Tử Duyệt nhìn hai ông cháu rồi nói với tiểu cô nương: "Tiểu cô nương, em tên gì?"
Tiểu cô nương trưởng thành sớm thấy Thuế Tử Duyệt chẳng những cứu hai ông cháu còn cho họ con đường sống. Cô bé biết vị đại nhân trước mặt này sẽ là chủ tử của bọn họ nên vô cùng cảm kích, cung kính trả lời: "Em tên Trần Thanh Hà."
Thuế Tử Duyệt nghe xong gật đầu nói: "Trần Thanh Hà là tên của em nên en có thể giữ lại. Tôi sẽ gọi em là Thanh Hà. Sáng sớm mai hai ông cháu hãy đến phủ Bình An Vương, tôi sẽ bảo Liễu Nhi đứng ở cửa đón hai người. Sau đó em sẽ đi theo Liễu Nhi tỷ tỷ đến phòng thu chi, lấy trước 30 hộc gạo trắng để ông em cầm về. Còn ông lão, đến lúc ấy sẽ sai người dẫn ông đến căn nhà đó." Thuế Tử Duyệt thấy nhà hai ông cháu không còn hột gạo nên nàng cho họ lấy trước một nửa. Ông lão không được bao cơm. Nếu chờ đến cuối năm mới được lãnh gạo, chưa đến cuối năm ông lão đã bị đói chết.
Thanh Hà nghe nói vậy liền dập đầu tạ ơn.
Thuế Tử Duyệt sắp xếp xong mới quay sang hỏi An Thiếu Ngôn: "An công tử thấy ta sắp xếp như vầy đã tốt chưa?"
An Thiếu Ngôn bị gọi tên, giật mình cả người, lập tức tỉnh táo lại. Hắn nhìn Thuế Tử Duyệt rồi nhìn hai ông cháu, cuối cùng mới gật đầu trả lời: "Rất tốt"
Thuế Tử Duyệt nghe xong chỉ mỉm cười, không nói thêm lời nào.