Trường Ninh Tướng Quân

Chương 52:




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Tam Lang, Vương phi của con đâu?
Thân phận Nhiếp Chính Vương cao quý đặc biệt, cộng thêm quan viên đi cùng, tất nhiên phải có nghi trượng và binh sĩ hộ giá đi nam tuần, trên dưới tổng cộng gần ngàn. Có điều trong chuyến này, y không ngồi xa giá, không nhận cống nạp trên đường, thế nên cũng chưa đến mức xa hoa lãng phí.
Sáng hôm sau, Thiếu đế dẫn theo Hiền Vương và bá quan bên dưới đưa tiễn vợ chồng Nhiếp Chính Vương. Cậu đưa ra hoàng thành rồi vẫn lưu luyến không rời, ánh mắt ước gì có thể quăng y quan nhảy lên lưng ngựa đi cùng, đến cả Khương Hàm Nguyên cũng nhìn ra.
Thúc Thận Huy liên tục mời dừng lại. Lần cuối cùng, là đến đình Thập Lý ở ngoài thành Nam, y xuống ngựa hành lễ, trịnh trọng bái tạ, Thiếu đế đành dừng bước. Bỗng nhiên, như nhớ tới điều gì, không để ý đến ánh mắt soi mói của đại thần sau lưng, vội bước nhanh đến trước xa giá của Nhiếp Chính Vương phi. Khương Hàm Nguyên vội vàng xuống xe.
“Tam Hoàng thẩm, ta có tập môn vật lộn, chờ lần này thím nam tuần quay về, ta vời người đến chỉ điểm, được không?” Thúc Tiển hạ giọng nói. Ánh mắt sáng ngời nhìn Khương Hàm Nguyên.
Hiển nhiên, cậu vẫn canh cánh trong lòng chuyện mình vừa lại gần đã bị cô khóa bẻ cánh tay, chắc muốn lấy lại chút thể diện.
Khương Hàm Nguyên ngó Thúc Thận Huy bên cạnh. Y nhìn thẳng phía trước, vẻ bình thản như chẳng nghe thấy gì.
Y còn chưa báo cho Thiếu đế tin cô sắp về Bắc.
Tranh cường háo thắng, đây mới là khí chất thiếu niên, mà một vị quân càng nên như vậy. Cô rất thích, liền mỉm cười, đáp lời với mấy phần hàm hồ: “Nếu bệ hạ thuận tiện, thần phụ cũng ở đây, dĩ nhiên tuân lệnh.”
Mắt Thiếu đế sáng rỡ: “Hay lắm, quyết định vậy nhé! Tam Hoàng thẩm thuận buồm xuôi gió.”
Khương Hàm Nguyên bái tạ Thiếu đế xong về lại xe ngựa.
Trung tuần tháng tư năm Thiên Hòa thứ hai đoàn người rời Trường An, ra khỏi kinh bèn thu nghi trượng, dọc theo hướng đông nam quan đạo mà đi, lấy tốc độ hành quân, theo thứ tự đi ngang các quận Thượng Lạc, Nam Dương, Nhữ Nam, Nhữ m.
Các nơi này cũng không phải là mục đích chuyến Nam tuần lần này, gặp thành không vào, ngày đi đêm nghỉ. Nếu không có tình huống đặc biệt, vào ban đêm cũng chỉ thường hạ trại ở vùng đất gần quan đạo, Nhiếp Chính Vương trực tiếp gặp quan viên trong thành chạy đến chào hỏi ngay tại chỗ cắm trại đêm, chưa mảy may nhiễu động dân chúng. Đến cuối tháng tư, đoàn người đến quận Lư Giang.
Tô Hồ thục, thiên hạ túc*. Nam tuần lần này chủ yếu là tuần sát một vùng Tô Hồ Dương*. Đễ không chậm trễ hành trình, bắt đầu từ chỗ này, Nhiếp Chính Vương và đại đội đi cùng tách ra, lệnh cho quan viên theo tuyến đường định trước tiếp tục đi đến Dương Châu, còn y thì đưa Vương phi gọn nhẹ lên đường, đến Tiền Đường thăm Trang thái phi, xong xuôi, y lại đi Dương Châu họp mặt.
(*Tô Châu, Hàng Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc, Dương Châu – vùng này được mùa thì dân no ấm)
Y chỉ mang theo Lưu Hướng, dẫn một đội tùy vệ mấy chục người, ngoài ra còn có Trương Bảo đi cùng. Cuối cùng Khương Hàm Nguyên cũng thoát khỏi xa giá vướng víu, mặc thường phục, đội nón lá, cùng y cưỡi ngựa đi đường. Tốc độ so với kéo theo một đám quan viên nhanh hơn biết bao nhiêu.
Vốn họ mỗi ngày chỉ đi được nhanh nhất năm chục dặm, sau khi chuyển sang cưỡi ngựa gọn nhẹ, nếu nửa đường không gặp việc gì, phi nhanh cả ngày, thay ngựa ở trạm dịch ven đường, có thể đi chí ít ba trăm dặm một ngày. Mỗi lần ngang qua ruộng dâu huyện lớn ven đường, Thúc Thận Huy sẽ dừng lại, cải trang tự xuống ruộng, xem dân nuôi tằm thuỷ lợi, thấy nông dân lao động nghỉ ngơi dưới tán cây, y sẽ lên gặp, đưa ít món ăn uống, ngồi chung nói chuyện phiếm, hỏi thăm dân tình và chuyện thuế má nông tang.
Song dù thế, trên đường có chỗ chậm trễ, từ Lư Giang đến Tiền Đường cũng chỉ tầm hơn nửa tháng, hôm nay, ngày hai mươi tháng tư, bọn họ đã đến Tiền Đường. Còn đại đội đi Dương Châu kia, vẫn đang mới đi nửa đường, theo kế hoạch, đầu tháng năm mới có thể đến Dương Châu.
Nhiếp Chính Vương vì Bắc phạt mà Nam tuần, đồng thời, y đưa Vương phi mới cưới theo đến Tiền Đường thăm viếng Trang thái phi, tin tức sớm đã truyền đi xôn xao khắp nơi.
Ông ngoại của y là Ngô Việt vương. Trong thời loạn trước đây, sở dĩ dân chúng địa phương có thể tránh được họa chiến tranh có cuộc sống bình an qua ngày đó chính là dựa vào che chở của Ngô Việt vương. Dân chúng cực kỳ kính yêu ngài, mặc dù người đã sớm ra đi, nơi đây giờ vẫn có thần từ kỷ niệm về ông khắp nơi, hương khói nhà nhà đong đầy. Giờ Nhiếp Chính Vương muốn đến, sau khi tin tức loan ra, từ trên xuống dưới đều phát cuồng nhiệt vì đó. Quan viên viết tấu biểu thể hiện lòng trung. Đám nhà giàu kếch xù ganh đua so sánh lẫn nhau, thầm nghe ngóng, chuẩn bị riêng tranh chữ và các món quý giá, đợi chừng đó sẽ đến hiến. Bởi nơi đây giàu có, chùa chiền đạo quán mọc khắp. Những hòa thượng đạo sĩ đã xuất gia cũng không cam chịu lạc hậu, cá gỗ khua, lục lạc đánh, nhao nhao muốn đòi làm pháp sự cầu phúc cho vợ chồng Nhiếp Chính Vương. Còn bá tánh đầu đường cuối ngõ khi ngày một gần đến, mỗi ngày đều bàn tán mong chờ tháng năm vợ chồng ngài đến.
Mấy chục vạn người Tiền Đường, không có ai ngờ, vợ chồng Nhiếp Chính Vương đã đến sớm như thế. Giờ Tuất một khắc đêm đó, mấy chục người chuyến này, không làm kinh động bất kỳ một ai, lặng yên vào Tiền Đường, cũng chưa vào thành làm rộn mà trực tiếp đi đến hành cung, chỗ ở cũ của Ngô Việt Vương thành Tây Hồ trên núi Phượng Hoàng.
Trang thái phi biết tin từ trước, hôm nay liền chuyển từ ngôi miếu ẩn trong núi bình thường bà hay ở vào hành cung chờ.
Chỗ dừng chân này, là vùng đất Giang Nam núi sông ấm áp. Lần đầu Khương Hàm Nguyên đặt chân đến đây, xuống ngựa cạnh mặt hồ ở chân núi, theo Thúc Thận Huy đi dọc theo con đường men núi đến hành cung, quay đầu nhìn xa xa chung quanh.
Trời đã tối, vì cố đuổi đến trước khi thành đóng, những người du xuân cạnh hồ ban ngày đã tản hết. Lúc này phóng mắt nhìn chỉ thấy một mảnh trăng chưa tròn màu vàng nhạt lẳng lặng treo trên mặt hồ mênh mông vô bờ ảnh bóng núi mờ nhạt xa xa, khắp nơi đều đã tối đen, chỉ có hành cung và một tòa bảo tháp lưng chừng núi tỏa ra ánh đèn lờ mờ chiếu sáng.
Quang cảnh này hoàn toàn khác với vùng đất bắc hùng vĩ mênh mông cô từng yêu quý, mọi vật trước mắt, núi ấm nước êm, tĩnh mịch như mộng, không giống như nhân gian.
Bước chân cô chậm lại.
Thúc Thận Huy đang một mình đi trước, Trương Bảo theo sau lưng, tiếp đó là đội Lưu Hướng.
Tiểu hầu đáng thương này, sao có thể so thể trạng với đội thị vệ hùng dũng của Lưu Hướng kia chứ. Mới xuất phát mấy ngày, Khương Hàm Nguyên đã thấy hình như cậu ta bắt đầu đi hai hàng, sợ cậu không chịu nổi, đã từng mở miệng bảo cậu không cần theo cùng, cứ chờ đi sau cùng đội thị nữ Trang thị. Cậu lại không chịu. Cứ thế miễn cưỡng đuổi theo, một mạch đến nay, cưỡi ngựa đến cái mông muốn rớt thành hai nửa. Núi bên cạnh hồ thấp, vị trí hành cung không cao, chừng trăm bậc đi lên thôi song cậu leo muốn thừa chết thiếu sống, hai bắp đùi run rẩy, chợt thấy Vương phi ngừng bước, vội vàng dừng theo, thừa cơ thở thêm mấy ngụm.
Thúc Thận Huy nhanh bước lên núi, không dừng lại chút nào, Khương Hàm Nguyên đi hơi chậm, đã bị y bỏ mười mấy bước, giật mình, vội vàng thu mắt, tiếp tục cất bước đi lên.
Thân phận Trang thái phi cao quý bậc nào, dẫu xuất cung tới đây dưỡng bệnh tu hành, nhưng xung quanh cũng có Xá nhân, Chiêm sự, cung vệ vân vân dời đến ở. Đám người đều đang đợi đón tiếp vợ chồng Nhiếp Chính Vương. Trong đó một thái giám chấp sự vui vẻ nói: “Thái phi đã đến lúc ban ngày, đang chờ Nhiếp Chính Vương điện hạ và Vương phi điện hạ.”
“Mẫu thân ta khỏe không?” Thúc Thận Huy mở miệng liền hỏi.
“Khởi bẩm điện hạ, thân thể Thái phi an khang.”
Y không nói gì, dán mắt vào cửa cung, tăng tốc, gần như mấy bước thành một đạp trên cung giai đến cửa cung.
Khương Hàm Nguyên dõi theo bóng lưng vội vã của y, nhớ lúc trên đường Trương Bảo có luôn mồm đề cập, đã năm sáu năm y chưa xuất kinh gặp mặt Thái phi. Hẳn là đang bồn chồn nhớ mẹ.
Nhưng nói thật, với cô mà nói, cảnh sắp tới cũng không phải là cảnh đáng mong đợi. Thật sự cô không hề muốn đặt chân lên đoạn cung giai trước mặt này. Nhất là khi quan hệ với Thúc Thận Huy đã trở nên khó chịu thế.
Trên đường đi, trước mặt kẻ khác hai người tự nhiên như thường, dù ở đâu cũng ngủ cùng một phòng. Nhưng khi không còn ai, ngoài trừ trao đổi ngắn gọn cần thiết liên quan đến chuyến đi sẽ không nói gì thêm. Y thường vào đến là ngả lưng nằm ngủ, dĩ nhiên cô cũng chẳng có gì để nói. Mãi đến sáng nay, sắp khi lên đường, hai người mới có một cuộc trao đổi đặc biệt.
Thái độ y rất là khách khí, bày tỏ chờ khi gặp Mẫu phi mình, hy vọng cô giữ kín miệng, đừng để Mẫu phi biết quan hệ của hai người đã có quyết định chung.
Thật ra không cần y nhắc nhở, điểm này, Khương Hàm Nguyên dĩ nhiên biết.
Nhưng mà, rõ ràng là đồng sàng dị mộng lẫn nhau đồng ý sẽ thành người dưng, đợi mấy hôm nữa, Phàn Kính do cha phái tới đón cô sẽ đến, cô liền có thể đi, có lẽ cả đời này sẽ không cần tiếp tục gặp mặt y, đêm nay vẫn phải giả như không có việc gì, đi theo y, đối phó với mẫu phi y.
Khương Hàm Nguyên thật không chắc lắm. Cô vốn không rành mấy chuyện trường tụ thiện vũ* này. (có lợi mới làm tốt)
Trong lòng cô không chắc, bước chân lại chậm lại, để y bỏ lại phía sau..
Trời cao ơi! Nếu có thể không cần rơi vào cảnh này, Khương Hàm Nguyên tình nguyện giảm thọ ba năm.
Cô đang nao núng, bỗng nhìn thấy y dừng bước phía trước, quay lại nhìn mình. Nét mặt y vẫn đơ nhưng đáy mắt lại hơi nhấp nháy. Tựa như nhắc nhở, lại tại như ngầm cảnh báo.
Cô thầm cắn răng. Đương nhiên cũng không muốn để y mất mặt trước người mẹ nhiều năm không gặp, chỉnh đốn lại tinh thần đi theo. Mới vào cửa cung, cô đã thấy ngay, người đàn ông bên cạnh đã bắt đầu lộ nét tươi cười trên mặt.
Viên thái giám dẫn đường nói Thái phi đang ở Nam gian noãn Các, hỏi hai người có cần đi thay y phục không.
Khương Hàm Nguyên liếc qua Thúc Thận Huy.
Với thân phận Vương phi cô nên dùng bề ngoài phu nhân trong cung gặp mẹ y, hay là y phục đơn giản để cưỡi ngựa nhìn hơi phong trần mệt mỏi như lúc này, nhưng theo ý tứ của y. Cô sao cũng được nhỉ.
Y không hề nhìn cô, thuận miệng bảo không cần, không hề dừng bước, nhanh nhẹn bước tiếp.
Khương Hàm Nguyên đang định đuổi theo, vừa dợm bước đã nghe phía trước vọng tới đủ loại âm thanh như tiếng chân dồn dập. Cô ngước mắt theo hướng âm thanh thấy mấy bóng cung nhân mặc áo nâu xuất hiện. Đám cung nhân với một phụ nhân trung niên dẫn đầu đang vội bước đến chỗ này. Phụ nhân bước vội vàng, đi cực nhanh, bỗng nhìn thấy người đối diện đang trên đường đi tới mình, khựng lại. Sau lưng bà đám cung nhân đang gấp gáp đi theo cũng lục tục dừng bước, tất cả đều dừng lại.
Thúc Thận Huy khựng lại, chợt lên tiếng gọi “Mẫu thân”, rồi nhanh chân bước đến người phụ nữ kia, đến gần bà lại gọi mẹ, gập gối, quỳ ngay xuống đất.
“Mẫu phi ở trên cao, xin nhận một lạy của đứa con bất hiếu!” Y dập đầu mạnh xuống đất với phụ nhân.
Phụ nhân dừng tại chỗ, bình tĩnh nhìn bóng người đang bái lễ mình, vành mắt từ từ ửng đỏ, nhưng rất nhanh, bà nở nụ cười trên mặt, tiến tới định đỡ con trai lên.
Y không đứng dậy.
“Nhi tử thật sự là bất hiếu, đã lâu vậy cũng không thể tới thăm mẫu thân một lần. Xin mẫu thân trách phạt!” Giọng y đầy nặng nề tự trách mình và nồng nàn tình cảm.
Phụ nhân cười, lệnh y đứng dậy. Y lại dập đầu lần nữa, rồi mới để phụ nhân kia đỡ dậy. Bà thoạt đầu mỉm cười không nói, dừng mắt trên người con trai nhìn một lát, lên tiếng, vừa mở miệng đã nói, “Tam Lang, Vương phi của con đâu?”
Khương Hàm Nguyên đã sớm nhận ra người phụ nữ này chính là mẹ của Thúc Thận Huy, vị Hoàng Quý phi đến từ nước Ngô Việt năm xưa được cực kỳ sủng ái trong cung. Cũng vì gặp bà ấy hôm nay, Khương Hàm Nguyên mới hiểu dung mạo của Thúc Thận Huy từ đâu mà ra.
Hôm sau ngày đại hôn lúc cô bái Thái miếu, từng nhìn thấy di ảnh của Thánh Võ Hoàng đế. Khuôn mặt của Thánh Võ Hoàng đế góc cạnh như được đao rìu đẽo đục, ngũ quan sắc sảo nghiêm túc, dù chỉ là một bức tranh cũng gây cảm giác áp lực rất bức người. Khuôn mặt Thúc Thận Huy bình thường cũng có mấy phần thần vận của Thánh Võ Hoàng đế nhưng nét đẹp trong dung mạo y đa phần là đến từ mẹ.
Người phụ nữ trước mặt này, làn da trắng nõn, tóc đen bóng, dung mạo cực đẹp, đôi mắt như ẩn chứa ánh sáng. Nếu bà cung trang hẳn sẽ như Thần phi trên trời. Nhưng bà ăn mặc rất mộc mạc. Phía trên mặc một bộ thường phục bằng gấm màu xám tuyết thêm hoa văn chìm, bên dưới là váy dài. Từ trên xuống dưới cả người chỉ có một màu sáng duy nhất là cây trâm ngọc màu xanh biếc trong suốt cắm trên búi tóc. Bộ trang phục khiến bà lộ vẻ trang trọng mà trầm tĩnh. Không chỉ thế, trong nét mặt thanh tú văn nhã của bà, từ trong cao quý lộ ra khí chất dịu dàng ôn hòa như nước tĩnh, khiến người kìm lòng không đặng mà sinh ra cảm giác thân thiết.
Khương Hàm Nguyên chưa từng gặp một người phụ nữ xinh đẹp cao quý đoan trang mà dịu dàng như thế, trong giây lát ngây ra, chợt thấy Thúc Thận Huy quay lại ngó mình, tiếp đó, y xoay người đi tới bên cạnh mình.
Cô nhanh chóng tỉnh táo lại, đứng thẳng người, nhìn y đi đến trước mặt mình, đưa tay qua, cách một lớp ống tay áo dắt tay cô đưa đến trước mặt mẹ y.
“Mẫu thân, nàng chính là Vương phi của con, tên là Hàm Nguyên.”
Y buông lỏng ống tay áo cô, bắt đầu mỉm cười giới thiệu cô cho mẹ mình, trong đó, thi thoảng hơi nghiêng đầu, lúc nhìn cô, nét mặt lộ vẻ dịu dàng, trong thoáng chốc, suýt nữa Khương Hàm Nguyên tưởng rằng mình đã gặp lại một Thúc Thận Huy vừa mới chạm mặt đêm tân hôn.
“Nàng vội vã muốn gặp mặt mẫu thân nên cả đường đều cưỡi ngựa theo con, cũng như con, vừa rồi không kịp thay y phục, mẫu thân thứ lỗi.” Y lại nói.
Giờ đến phiên mình.
Khương Hàm Nguyên đứng thẳng, hai tay buông thẳng tắp, rũ mắt, dùng hết mọi sức lực, cuối cùng, từ trong miệng cứng đờ phát ra hai tiếng “Mẫu thân”.
Vừa dứt lời, cô cảm thấy trên tay ấm áp, một bàn tay mềm mại và ấm áp duỗi đến cầm tay cô, rồi, nhẹ nhàng vỗ về mu bàn tay cô, như trấn an, vừa như tán thưởng.
“Năm ngoái vừa nghe tin Tam Lang cưới con, ta vui đến mất ngủ cả một đêm. Con ta từ nhỏ ngang bướng, ỷ vào mấy phần được phụ hoàng cưng chiều, vô pháp vô thiên, còn thường lén xuất cung đi chơi. Ta thường buồn rầu, không biết sau này ai có thể quản thúc được nó. Chẳng ngờ rằng giờ đây nó có thể lấy được nữ tướng nước Ngụy ta, đây là vinh hạnh của nó, ta rất yên tâm, về sau cũng không cần cứ mãi nhớ nhung nó.”
Khương Hàm Nguyên nghe mặt mình phát nóng, nhướng mắt, thấy bà đang mỉm cười ngắm mình, vội nói: “Ngài quá khen. Con từ nhỏ lớn lên nơi biên cương, cũng chỉ là một kẻ nhà binh thô lỗ vô tri, sao xứng đáng với lời ngài.”
Trang thái phi cười lắc đầu, “Con gái ngốc à! Sao có thể tự nói mình vậy! Được phong hào hoàng tử ở đâu cũng có, song phong hào nữ tướng quân, chớ nói bản triều, mấy trăm năm cũng khó tìm ra một vị. Ta nói nó lấy con là vinh hạnh, có gì mà con không gánh nổi.”
Lúc bà nói câu này, người bên cạnh có biểu tình gì, sau đó bà còn nói gì, Khương Hàm Nguyên đều không còn để ý.
Cô bị một tiếng “Con gái ngốc” gọi đến ngơ ngẩn. Cô yên lặng nhìn người phụ nữ này, trong tích tắc, trong lòng ngũ vị tạp trần, không biết sao, lại chợt nhớ đến người mẹ của mình không có duyên gặp mặt, đáy mắt tựa như mơ hồ nóng lên.
“Hàm Nguyên, con có tên mụ chứ?” Trang Thái phi vừa cười vừa hỏi cô.
Khương Hàm Nguyên chưa hoàn toàn hoàn hồn, nghe thấy tiếng mình vang bên tai: “Hủy Hủy, Hủy Hủy —— Hủy của Hổ Hủy* “

(hổ và tê giác – dùng để so sánh với người hung mãnh tàn ác)
Cô chợt giật mình, đột ngột ngậm miệng, tự dưng sinh mấy phần hối hận, vô thức liếc sang người bên cạnh. Y đứng thẳng, mặt vẫn tỉnh rụi, như hoàn toàn không để ý vừa rồi cô nói cái gì. Cô bèn âm thầm thở phào.
“Hủy Hủy. Tê giác là loại thụy thú thời thượng cổ* (hình minh họa), chẳng những vũ dũng, mà còn rất chắc chắn mẫu mực.”
“Tên rất hay!”
Trang thái phi cười khen hay, “Vậy từ đây ta sẽ gọi con là Hủy Hủy.”
“Con đói bụng chưa, ta dẫn con đi dùng cơm.” Từ lúc bà dắt tay Khương Hàm Nguyên, từ đầu đến cuối không buông, dứt lời, vứt thằng con, dẫn cô vào trong.
Thúc Thận Huy đứng thẳng, ngó bóng lưng của hai người.
Y biết, mẹ y thật sự thích người bà vừa gặp, con gái Khương gia. Bà vứt bỏ đứa con mấy năm không gặp, dẫn nàng ấy đi dùng cơm.
Cũng coi như chứng minh ánh mắt y lúc trước nhỉ. Y cảm nhận được mấy phần mừng rỡ, thậm chí còn thoảng có chút kiêu ngạo mơ hồ.
Nhưng mà Hủy Hủy, Hủy Hủy…
Cái tên này, chẳng ra làm sao cả.
Y lặng lẽ thầm gọi trong lòng hai lần, khóe miệng hơi giật giật, đi theo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.