Tự Truyện Tâm Linh - Nghiệp Âm

Chương 8: Tầm sư học đạo




“Nghiệp âm”? Thầy Hữu hỏi lại cô Trà một lần nữa để xác thực lại những gì mình vừa nghe. Hình như bản thân thầy Hữu đang ngờ vực lắm về hai từ “Nghiệp Âm” mà cô Trà vừa nói. Có lẽ từ ngày xuất sơn cho tới giờ cũng đã nhiều năm chính bản thân thầy Hữu cũng chưa gặp ai nhắc tới hai từ này nữa. Ấy vậy mà ngày hôm nay vô tình lại có người tới diện kiến mình để hỏi về điều này, quả thật là kỳ lạ. Mẹ tôi thấy cô Trà lên tiếng chào hỏi thì cũng nhanh nhẹn mà rằng, 
- Kính thầy, mẹ con con từ Hà Nội về đây cũng đã đợi được quá nửa ngày, mong thầy chiếu cố cho hai mẹ con con được gặp thầy thưa chuyện sớm.
Thầy Hữu bấy giờ có vẻ như không để ý tới lời nói của mẹ tôi cho lắm, ánh mắt của thầy đang tập trung nhìn vào tôi, tôi cảm nhận được sự bất ngờ cũng như hoài nghi qua cái nhìn đó. Tôi cũng chẳng rõ những cảm nhận đó là thật hay giả. Nhưng kỳ thực, cho tới mãi sau này, chính cô Trà cũng bộc bạch với tôi rằng, “chưa bao giờ cô thấy thầy Hữu phải sững sờ đến như vậy, họa chăng phải có thứ gì đó đặc biệt lắm thì mới khiến cho con người ta tập trung đến thế”.
Mẹ tôi thấy thầy Hữu có vẻ đang ưu tư nên cũng không dám thuận lời, có vẻ như mẹ tôi thấy vậy thì trong lòng cũng lo lắng lắm. Ai đi xem số ở đâu mà chả vậy, nếu như bản thân mình hay con cái mà vô tình được các thầy đặc biệt quan tâm thì ắt là lành ít mà dữ nhiều. Thử hỏi không lo sao cho được?
Cô Trà biết ý mẹ tôi đang nóng lòng mới lên tiếng,
- Kìa, thầy Hữu, mẹ con cô ấy đang chờ thầy trả lời đấy, thầy xem thu xếp giúp cho họ sớm, đường xá từ Hà Nội về đây cũng xa xôi mà cô ấy còn có con mọn ở nhà, mong thầy chiếu cố cho. 
Thầy Hữu lúc đấy mới sực tỉnh, dường như thầy Hữu cũng đang rất hào hứng với hai chữ “Nghiệp Âm” và bản thân người mang nghiệp là tôi nên thầy nói luôn,
-Cậu này đến đây hôm nay âu cũng là chữ duyên, Hữu đây chờ cậu đã sáu năm rồi. Cô dẫn cháu vào sảnh nhà tôi ngồi đợi, tôi xử lý nốt vài chuyện rồi sẽ trao đổi với hai mẹ con ngay, thầy Hữu nói với mẹ tôi.
Mẹ tôi tức thì kéo tôi theo chân thầy Hữu vào nhà nhưng cũng không quên dùng kính ngữ để cảm ơn cô Trà, nếu hôm nay không có cô thì chắc tới tối mịt mẹ con tôi cũng chẳng tài nào mà được diện kiến người được coi là “kỳ nhân” của vùng đất Tứ Kỳ này.
Mà kể cũng lạ thật, có vẻ như những người làm việc âm đều có sở thích sống và sinh hoạt gần với thiên nhiên thì phải. Cả một cụm nhà vườn hơn hai trăm mét được thầy Hữu khéo léo sử dụng một cách hoàn hảo. Trước mặt của căn nhà là sân gạch tráng men đỏ, cái loại gạch này cách đây chục năm là mốt của dân kiến trúc lúc bấy giờ. Mười nhà làm sân thì tới chín nhà phải lát loại gạch men này. Kể ra thì thầy Hữu cũng không phải là lớp người tụt hậu so với thời đại cho lắm. Hai bên hông nhà được bao bọc bởi hơn trăm mét vườn trái mà chủ đạo là xoài, thiết nghĩ với vườn cây như thế này thì người chủ hẳn cũng phải dành không ít thời gian để chăm bẵm cho cái thú vườn tược của mình. Tạm gác lại những cảnh vật về kiến trúc nhà vườn của thầy Hữu sang một bên, một điều mà cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ khi bước vào trong căn nhà của thầy đó là mùi vị. Ở đó là mùi vị của sự yên bình, một mùi vị mà thông qua khí quản nó có thể tìm tới mọi ngóc ngách trong tâm hồn ta để xoa dịu những suy nghĩ hỗn độn về vạn sự trong tiềm thức. Chưa kể đến âm thanh của dòng nước róc rách chảy qua những phiến đá cuội mấp mô khiến cho âm sắc và cảnh vật được cân bằng, tạo cho con người ta cảm giác được trở về với những gì thường nhật, bình dị nhất. Tôi vốn gọi đó là hơi thở của sự bình yên. 
Mẹ con tôi ngồi sát về phía bể cá để chờ đợi, phần vì tôi rất thích ngắm sự dị chuyển của đàn cá và dòng nước, phần cũng vì trong nhà thầy la liệt là những người ngồi đợi để tới lượt. Trông ai cũng toát lên cái vẻ hồi hộp và háo hức lắm, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai nói với ai câu nào, khả dĩ lắm thì mới có người lên tiếng mà dăm câu ba điều rồi họ lại thôi. 
Thầy Hữu từ trên tầng đi xuống, có mấy người ăn mặc sang trọng lắm cũng xuống theo. Thầy Hữu quay lại hình như dặn dò mấy người đó việc gì đấy rồi lên tiếng, 
- Thực sự xin lỗi mọi người, hôm nay Hữu đây có việc hệ trọng phải làm. Ai có công có việc gì thì xin khất tới ngày mai, nếu hệ trọng lắm thì xin ở lại còn không thì đành lỡ hẹn ngày hôm nay. 
Mấy người có mặt lúc đó tỏ vẻ bất ngờ, có người thì uể oải vì chờ cả ngày mà không được việc nhưng cũng đành xin phép thầy Hữu mà ra về. Đoạn thầy Hữu tiến lại chỗ hai mẹ con tôi ngồi chào hỏi rồi mời hai mẹ con lên tầng trên để bàn chuyện. Chắc hẳn hai chữ “Nghiệp Âm” phải quan trọng lắm thì thầy Hữu mới dành riêng thời gian cho hai mẹ con tôi như vậy. Vừa đi thầy Hữu vừa hỏi, 
- Xin hỏi cô có phải khi cháu hạ sinh là đúng vào lúc chính Tý hay không, chưa kể ngay trước lúc sinh vốn đã có ý định bỏ cháu vì không thấy tim thai hay không? 
Mẹ tôi hoảng hốt, quả thật câu chuyện tôi thiếu chút nữa đã bỏ mạng trong bụng mẹ trước giờ sinh gần như chẳng mấy ai biết ngoài mẹ tôi và một người họ hàng mà tại sao nay thầy Hữu lại rõ như thể chính ông ấy có mặt vào ngày hôm đó vậy, mẹ tôi ấp ủng đáp, 
- Dạ đúng thầy ạ, cháu nó may mắn được chào đời vào đúng 0h của ngày 16 âm lịch. Cũng may năm đó có người họ hàng quyết tâm xin được mổ ngay nên mới có cháu nó ngày hôm nay, nếu không thì..
Thầy Hữu cắt lời, 
-Điều này một phần cũng là ý trời, mời cô với cháu ngồi. Trước hết tôi xin phép không giải thích gì nhiều, ngay đây tôi xin thỉnh bà cô tổ của nhà cậu này lên để nói chuyện, bà cùng lính của bà đi theo hai mẹ con cô tới đây ắt hẳn có chuyện muốn nói.
Thầy Hữu bảo mẹ tôi ngồi chân xếp vàng, hai tay đan vào nhau đặt trước bụng giống như tư thế ngồi thiền của các nhà sư. Kế đó thầy Hữu lấy một cây nhang hơ quanh mặt mẹ tôi miệng lẩm bẩm đọc chú ngữ, tôi chỉ kịp nghe được tới câu cung thỉnh gia tiên vong linh thánh tổ Nguyễn họ thì mẹ tôi bật dậy cười ha hả. Chàng cười đó nghe có phần oai linh lắm, chắc hẳn bà cô tổ đã ngự vào mẹ tôi rồi đây, mẹ tôi đập tay xuống đất rồi nói lớn, 
-Lính ghế nhà ai thơm danh nức tiếng ở đâu để cháu chắt của ta phải tìm tới tận đây ấy nhỉ 
Thầy Hữu lấy rượu cung kính mời rồi đáp lại,
- Thưa trên tôi đây là Hữu, hành đạo theo lệnh Phật Thánh mà giúp đời, hôm nay rước bóng bà tổ cô họ Nguyễn về đây xin dâng hương dâng hoa để tỏ lòng thành kính của Hữu. Sau đó xin thỉnh giáo bà về chuyện của cậu bé này, thầy Hữu chỉ vào tôi mà nói. 
Mẹ tôi, đúng hơn là bóng bà tổ cô nhấp ngụm rượu rồi chép miệng một tiếng để ra vẻ là rượu ngon, bà tổ cô vừa cười vừa nói, 
- Thằng này kiếp số tu tập nhiều đời, nay có duyên được hạ sinh vào nhà họ Nguyễn âu cũng là cái phúc cái phần của dòng họ, kể từ ngày nó sinh là dòng họ được hưởng quả phúc từ đấy. Duy chỉ có bố mẹ nó là phải chịu kiếp vận long đong hết 45 tuổi để tạo gia cảnh khó khăn nhằm cho nó hiểu được cái nghèo, cái khổ là như thế nào. Cái “nghiệp âm” vốn là duyên nợ với cửa Phật Thánh, với đạo pháp ở kiếp trước chưa trọn mà còn phải tiếp tục tu tập ở kiếp này cho vuông tròn nên mới sinh ra hai từ này. Hôm nay ta cất công theo mẹ con nó tới đây cũng là muốn có lời xin gửi gắm nó cho Hữu ngươi, vốn cũng biết ngươi trên đội việc Thánh dưới gánh việc trần nhưng vẫn hy vọng ngươi có thể giúp cho. Nếu được thì đúng là “duyên kiếp đã định, kỳ nhân tầm đạo”.
Thầy Hữu thấy vậy thì cúi gập đầu xuống mà thưa rằng, 
-Thưa trên, tôi đây tài hèn đức mọn làm sao đủ sức để gánh vác trọng trách này, một phần cũng phải để xem cơ duyên của cháu nó với đạo pháp tới đâu nữa?
Bà tổ cô cau mày lại, một tay nắm hờ dơ lên phía trước ra vẻ đồng ý rồi nói, 
-Vậy nhà ngươi hãy qua đồng đài âm dương thỉnh ý Tiên Thánh, nếu như vạn sự vốn do trời định thì xin hãy lấy ý trời mà làm đại cục. 
Thầy Hữu gật đầu, mặt quay về phía ban thờ, hai tay chắp lại mà vái. Kế đó thầy Hữu lấy ra hai đồng xu và một cái đĩa sứ con, một tay cầm đĩa một tay cầm hai đồng xu tung vào chính giữa lòng đĩa. Ngay sau khi hai đồng xu dừng lại thì mẹ tôi ngã vật ra phía sau mắt nhắm mắt mở như vừa tỉnh dậy, mẹ tôi hình như vẫn ý thức được sự việc xảy ra xung quanh khi bị nhập liền vội vàng ngồi dậy nhìn vào đồng đài âm dương rồi hỏi thầy Hữu ngay, 
-Thưa thầy, như này có nghĩa là? …

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.