Vì Em Là Bình An

Chương 17: Ngày xưa ơi




Trước khi tiếp tục câu chuyện về những gì sắp xảy ra trong ngày giỗ bà Cúc, chúng ta hãy lùi ngược thời gian mười năm, cùng “ngắm nhìn” Mai Bình An lúc vẫn còn tuổi teen, để hiểu hơn một chút về những điều đã tạo nên cô nàng kế toán hai lăm tuổi của ngày hôm nay.
……
Tại một trường THCS trong thành phố.
An lủi thủi một mình trực nhật sau khi cô bạn cùng bàn xin về sớm có việc. Hiện giờ đã là đầu lớp tám nhưng tình bạn giữa An và bạn bè cùng lớp vẫn chẳng mấy cải thiện so với hồi mới vào cấp hai. Hàng ngày con bé chỉ biết đi học, trưa về ăn cơm rồi chiều lại đạp xe đi tập guitar, khiêu vũ hoặc Kendo, tối thì phải làm bài tập. Nó đâu có thời gian dạo phố, ăn vặt cùng các bạn nên mối quan hệ với xung quanh tương đối nhạt nhoà. An làm lớp phó học tập, chức danh được định nghĩa là “giúp đỡ bạn bè trong học tập”. Tất nhiên, “giúp đỡ” ở đây là đưa bạn mượn vở bài tập hay nhắc bài trong giờ kiểm tra. Thế nhưng kể cả đã rất nhiệt tình với mọi người, An vẫn thuộc thành phần khó hoà nhập, có thể do tính tình quá hiền lành và kiệm lời. May mắn là con bé cũng chẳng mấy quan tâm. Có một kiểu người hoàn toàn có thể sống vui vẻ một mình và An thuộc nhóm này.
Chỉ là, không phải lúc nào cho đi điều tốt cũng sẽ nhận về điều tốt.
- Mày lại bắt nhỏ An trực nhật một mình hả? Làm biếng vừa thôi má. - Khanh nheo mắt cười cười.
Hằng xua tay, mồm đang phồng lên vì bánh tráng trộn.
- Tao giỡn chơi mà, ai dè con nhỏ lại đồng ý cái rẹt.
- Hiền chi hiền dữ vậy trời. - Một đứa khác xen vào. - Bị mày ăn hiếp hoài vậy mà con nhỏ vẫn chịu sao?
- Bởi ta nói, ngu thì chết chớ không bệnh tật chi hết…
Hội bà tám túm được “đề tài” hấp dẫn vội ra sức “mở máy”, người này một câu, kẻ khác một lời với đủ loại soi mói, bươi móc cô bạn cùng lớp. “Ở hiền gặp lành” đôi khi chỉ là một lý thuyết hay ho. Trên thực tế, có nhiều kẻ luôn muốn “đè đầu cưỡi cổ” người khác, khi người ta càng hiền lành nhường nhịn thì càng cố đạp lên. Không một đứa nào trong nhóm mảy may áy náy vì đã lợi dụng An như vậy. Chuyện đó diễn ra thường xuyên đến nỗi được coi là đương nhiên.
- Mà biết gì không? Con nhỏ không có ba đâu đó. - Hằng hạ giọng. - Tao ngồi kế bên nên coi được tờ lý lịch của nó.
- Hèn chi nó cứ dị dị…
“Phiên chợ” sôi nổi được một lát thì đột nhiên một giọng nói lạnh tanh cắt ngang:
- Đã lợi dụng còn nói xấu người ta, thiệt chịu hết nổi tụi bay.
Cả lũ giật mình, vội xoay ra.
- Tưởng ai… mày rảnh dữ ha Nhi? Còn đi nghe lén chuyện tụi này nữa.
- Tụi mày nói oang oang chứ tao thèm nghe lén à. - Nhi bĩu môi. - Mai tao sẽ méc cô chủ nhiệm tụi bay ăn hiếp, nói xấu nhỏ An.
- Ê ê, đừng có chơi dơ nha mậy. Coi chừng tụi tao.
- Tụi mày ngon quá ha? - Nhi cười khẩy. - Tính làm gì tao hả lũ ăn hại đ** khai, học thì ngu, làm thì nhác? Thứ con gái con đứa mặt dày trơ tráo…
Nhi tuôn một tràng như bắn rap khiến nhóm Hằng mặt mũi xám ngoét. Xét về thành tích học tập, Nhi còn giỏi hơn An, đặc biệt các môn tự nhiên, chưa kể ngoại hình xinh xắn nổi bật, dường như ở Nhi là tập hợp mọi sự ưu đãi từ tạo hoá. Chỉ là, tính cách kỳ quặc của con bé cũng đã làm sứt mẻ không ít những ưu điểm nổi trội kia, ví dụ như nó từng tranh luận tay đôi suốt một tiết với cô giáo khi trái quan điểm. Thẳng thắn và không hề sợ mất lòng, nó khiến chẳng mấy người muốn lại gần. Nhưng khác với An, không ai dám bắt nạt Nhi vì e ngại cá tính quá mạnh của nó.
- Tự mày muốn chết, đừng có trách tụi tao.
Cả lũ lừ lừ tiến lại, dồn Nhi vào một góc. Tuy mồm nói cứng nhưng nó bắt đầu hơi sợ, tay nắm chặt quai cặp, sẵn sàng xả thân mở đường máu.
- Bọn mày thôi đi. - Một tiếng nói nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát vang lên. - Đừng có ỷ đông hiếp yếu.
Tuy không chửi thành bài như Nhi, giọng An lại có một uy lực vô hình nào đó làm đám Hằng chùn bước. Hoặc giả do bị bắt quả tang nói xấu bạn sau lưng nên cả lũ có chút gì đó xấu hổ. Nhưng nếu dừng lại luôn thì mất mặt nên Khanh hùng hổ đẩy mạnh nó một cái rồi mới hiên ngang bỏ đi.
- Này… ư… ư…
An đưa tay bịt mồm bạn khiến câu nói của Nhi tắt lịm.
- Thôi mà, chấp chi tụi nó.
- Giỡn mặt tao hả mày? Bỏ là bỏ thế nào? - Nhi xắn tay áo rít lên. - Tao sẽ dạy mấy con nhỏ mất nết đó một bài học.
- Bỏ đi, tao chả để ý tụi nó nói gì đâu.
- Mày khờ quá à, hèn chi tối ngày bị ăn hiếp. - Nó bực bội hứ một tiếng. - Thôi vô lớp làm nốt đi, tao phụ mày.
Từ sau hôm đó, hai đứa trở thành bạn. Chẳng ai hiểu làm thế nào mà một “bà chằn” lại có thể chơi thân với một “bà bụt”, trừ người trong cuộc. An cảm động vì sự “xả thân” của Nhi còn với Nhi, thẳm sâu trong lòng, nó tự thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ bạn bởi An quá yếu đuối, không thể tồn tại giữa thế giới phức tạp này. Ấy là con bé Nhi mười lăm tuổi đã tin như vậy.
Suy nghĩ đó chỉ bị thay đổi vì một sự kiện đáng quên sau đây.
So với các bạn cùng lứa, Nhi dậy thì sớm hơn một chút nên tuy mới lớp tám, nó đã cao mét bảy, ba vòng “đâu ra đó”. Chẳng có gì ngạc nhiên khi nó luôn là tâm điểm của mọi sự chú ý, kéo theo vô vàn lợi thế lẫn hàng lô rắc rối.
Và rắc rối lớn nhất suốt bốn năm của hai đứa bắt nguồn từ… nhà vệ sinh. Chuyện là nhà vệ sinh trường khu nam và nữ được ngăn cách bởi một bức tường cao nhưng chưa chạm trần, chỉ cần nhảy mạnh là có thể đu người nhìn qua bên kia. Hẳn lúc thiết kế, vị kiến trúc sư chỉ nghĩ tới công năng mà không tính đến tâm sinh lý đám trẻ con mới lớn. Sự tò mò dẫn đến việc thi thoảng có một, hai nam sinh tìm cách trèo lên nhòm sang bên nữ. Thường thì các nạn nhân không biết hoặc nếu có biết cũng quá xấu hổ để tố cáo, kéo theo lắm phiền phức không cần thiết.
Nhưng tới lượt Nhi thì chuyện trở nên phức tạp hơn nhiều. Bình thường nó rất tránh cái nơi bốc mùi cách mười mét còn ngửi thấy này nhưng hôm đó nhịn hết nổi mới tranh thủ giờ năm phút chạy đi “giải quyết”. Một lũ con trai đứng gần đó bắt gặp hoa khôi của khối, cảm thấy cơ hội không đến lần hai vội lao vào bên nam, bám tường nhảy lên.
- Á á á… - Nhi hét thất thanh. - bọn biến thái.
Tiếng la của con bé làm đám con trai cười hô hố, thằng đầu trò còn dội một gáo nước vào người nó.
- Em ướt át nhìn đẹp quá trời. - Thằng nhóc nhăn nhở cười.
- Đ** má thằng chó, đứng lại tao coi. - Con bé vừa vội vàng kéo khoá quần vừa dậm chân la lối.
An đứng ngoài giặt giẻ lau giật mình vì tiếng thét của bạn, lại thấy lũ con trai chạy ra từ toilet nam vẻ hỉ hả, trong tích tắc liền hiểu ngay chuyện gì vừa xảy ra. Nó vung cây gậy lau nhà đang sẵn trong tay làm một thằng trong nhóm ngã xuống. Cả lũ dừng lại đỡ bạn vừa kịp lúc Nhi đuổi tới, xối xả chửi bới.
- Tụi nó nhìn lén mày hả? - An quay qua hỏi.
- Ừ, coi nè, bọn nó còn hắt nước vô tao nữa. Đừng có cản, để tao chửi chết bà bọn khốn này đi. *** lũ biến thái chó chết, lũ dịch hạch, bại não, liệt dây thần kinh, đã vô liêm sỉ còn bất lực yếu sinh lý…
An suýt phì cười. Những câu chửi của Nhi luôn chẳng giống ai, nhưng tất nhiên, người bị chửi thì nào ai cười nổi. Tận về sau này, An vẫn cho rằng chỉ có phép màu mới giữ được hàm răng nhỏ bạn còn nguyên vẹn.
- Mày lui ra đi. - An nói khẽ, mắt vẫn nhìn đám con trai đối diện.
Nhi liền im bặt, chân tự động lùi lại. Bản thân nó cũng không hiểu tại sao mình lại răm rắp nghe theo An trong tình huống đó. Rồi trước sự kinh ngạc của những người có mặt, An vung cây gậy lau nhà lao tới bốn, năm thằng nhóc còn đang hằm hè vì cú vụt đầu tiên của nó.
Năm ấy, ở tuổi mười lăm An đã đạt nhất đẳng [1] và đang là ứng viên sáng giá cho chức vô địch Kendo không chuyên thành phố. Tính tình hiền lành không có nghĩa nó tập võ chỉ để làm cảnh. Ngược lại, trong quá trình tập luyện, con bé đã tự sàng lọc cho riêng mình những miếng đòn lợi hại, hiệu quả cao nhất. Với một người có mặt đều đặn tuần bốn buổi trên võ đường nhiều năm, luyện vung thanh kiếm gỗ nặng trịch hàng ngàn lần, tập các thế đánh hàng vạn lần thì mấy thằng nhóc cấp hai đâu có là gì. Nhất là khi chúng tay không tấc sắt còn An đang nắm cán chổi lau nhà bằng gỗ đủ cứng và dài.
Chỉ là bình thường An không bao giờ nhắc chuyện mình tập Kendo nên đến cả Nhi cũng không hề biết. Khỏi nói con bé đã kinh ngạc tới cỡ nào. Sự lo lắng cho nhỏ bạn hiền lành yếu đuối bấy lâu bỗng trở thành câu chuyện hài hước.
Hậu quả là ngày hôm sau, bà Cúc, bà Hoà - mẹ Nhi cùng phụ huynh đám nam sinh kia được mời lên uống nước trên phòng hội đồng. Đứa đầu trò bị đánh rạn xương ống chân, những đứa còn lại không đứa nào không bầm dập. Thực ra An đã nương tay tối đa, không thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Sự việc sau đó đã nổi đình nổi đám suốt một thời gian dài trong trường.
- Trời đất ơi, trần đời có con nhỏ nào đi đánh bạn ra nông nỗi vậy không hả? Thứ con gái gì đâu.
Một phụ huynh đã mở đầu cuộc họp như vậy, kéo theo sự hưởng ứng của những phụ huynh còn lại. Tất cả đều lên án bạo lực học đường và yêu cầu nhà trường phải phạt An thật nặng để răn đe. Họ cho rằng không thể để những học sinh khác noi theo việc lấy bạo lực giải quyết vấn đề.
Trong tất cả, chỉ có Nhi là nạn nhân thực sự nên không ai động tới bà Hoà. Nhưng xét cho cùng, con bé An vì bảo vệ con bà nên mới phải “chịu án”, chưa kể bản thân Nhi cũng đã phải chịu thiệt thòi, đời nào bà ngồi im.
- Trước khi mắng người khác, các anh chị phải coi mấy thằng nhỏ đã làm gì chớ.
- Tụi nó còn con nít, quậy phá là bình thường, đáng gì đâu mà con nhỏ kia phải đánh bạn tới mức đó. Ban giám hiệu không hạ hạnh kiểm, ghi vô học bạ, bêu lên trước toàn trường tội hành hung thì tụi tui không có để yên đâu.
Bà Cúc im lặng lắng nghe suốt từ lúc bắt đầu cuộc họp, giờ mới nhấp ngụm trà, thủng thẳng lên tiếng:
- Vâng, chuyện con tôi sai thì tôi không có gì bào chữa. - Bà cười nhạt. - Nhưng con nhỏ sai không có nghĩa là con các anh chị đúng. Tôi không phản đối hình phạt các anh chị đề xuất nhưng con các anh chị cũng phải bị hạ hạnh kiểm, ghi vô học bạ, bêu lên trước toàn trường tội quấy rối tình dục.
- Nè, chị coi chừng, đừng có ăn nói tào lao. - Đám phụ huynh đập bàn hét, mặt đỏ gay.
- Đó không phải con nít quậy phá mà là quấy rối. Nhà trường mà không phạt thoả đáng cả đôi bên đúng người đúng tội, tôi sẽ mang đơn kèm ảnh bọn nhỏ và cả các anh chị kiện lên báo chí và Bộ Giáo dục.
- Chị…
Đứng nhòm lén qua khe cửa, An không tin nổi vào mắt mình. Ngày thường bà Cúc là người rất chất phác, luôn toát ra vẻ e dè và có phần khép nép. Vậy nhưng lúc này, bà mẹ hiền lành của nó đang toả ra một thứ uy lực đáng sợ, đủ sức đè bẹp những cái mồm oang oang tranh nhau kết tội nó.
- Phải đó, không giải quyết rõ ràng như chị Cúc nói, nhà tui cũng không để yên đâu. - Bà Hoà tiếp lời, giọng như đinh đóng cột.
Thế là cuối cùng, thay vì “lưỡng bại câu thương”, các phụ huynh và nhà trường thống nhất giải quyết sự việc nhẹ nhàng bằng mấy cái bản kiểm điểm “thủ tục” và vài buổi trực nhật thay cho một vụ scandal lớn tổn hại tất cả các bên. Công bằng mà nói, lý do hiệu trưởng nhanh chóng muốn hoà giải ngoài sự cứng rắn của bà Cúc thì còn nhờ một phần lớn việc bà Hoà bênh An ra mặt. Có ai không biết bố mẹ Nhi, người là chủ doanh nghiệp lớn chuyên xuất khẩu trái cây, người là trưởng văn phòng đại diện công ty nước ngoài? Có ai không biết câu chuyện ngày Nhi mới vào lớp sáu, ông Hưng đã tuyên bố xây tặng trường một cái thư viện? Tất nhiên chẳng giáo viên nào muốn làm phật ý nhà tài trợ kim cương này.
- Con xin lỗi mẹ. - Trên đường về, An cúi gằm mặt lí nhí.
- Vì sao xin lỗi? - Bà Cúc hỏi lại giọng đều đều không ra vui buồn.
- Vì đã làm phiền mẹ.
- Chứ không phải vì đánh bạn à?
- Dạ không. - Một vẻ cương quyết lạ thường hiện lên trong mắt nó. - Dù mẹ có phạt thế nào con cũng chịu nhưng con không thấy mình có lỗi chi hết trơn. Tụi nó đáng bị vậy.
Bà Cúc nhìn lướt qua con gái rồi quay đi, như thể không muốn con nhìn thấy vẻ mặt mình.
- Ừm, tất nhiên là phải phạt rồi… mày làm mẹ nghỉ mất một buổi làm. - Bà bỗng cười nhẹ. - Nhưng mẹ sẽ còn phạt nặng hơn nếu mày bỏ qua cho tụi nó.
An tròn mắt nhìn mẹ. Nó những tưởng bà sẽ phải rày la ghê lắm vì vốn bà và các thầy luôn răn đe nó không được tuỳ tiện đánh người bên ngoài võ đường. Nhưng chưa bao giờ mẹ khiến nó hết bất ngờ.
- Lần sau… - Bà Cúc hạ giọng dù xung quanh chẳng có ai. - xử lý kín đáo hơn một chút, đừng để nhiều người nhìn thấy là được.
- Dạ. - Nó toét miệng cười, nỗi lo lắng hai ngày nay bay mất tích.
Còn hình phạt của An là một tuần đi chợ nấu cơm nhưng cuối cùng, bà Cúc có thẳng thắn nhận xét là bà cảm thấy đó là hình phạt dành cho bà nhiều hơn là cho nó.
………………
An biết làm mẹ đơn thân không hề dễ dàng. Bà Cúc đã phải vừa làm cha, vừa làm mẹ, từ chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho con đến xông pha kiếm tiền ngoài xã hội. Bà làm kế toán cho một công ty nhỏ tới khi nghỉ hưu, nên sau này An thường đùa rằng kế toán là nghề “gia truyền” ở nhà cô. Tuy bà Cúc năng lực rất tốt nhưng mãi gần lúc về hưu bà mới được đề bạt lên trưởng phòng. Đó cũng là hi sinh bà dành cho An bởi chẳng ai muốn đề bạt một người suốt ngày tất bật đi muộn về sớm đưa rước con đi học. Để bù cho đồng lương kế toán ba cọc ba đồng, bà thường nhận làm ngoài giờ cho các công ty khác. Ấn tượng sâu đậm nhất về tuổi thơ của An là hình ảnh mẹ ngồi cặm cụi bên đống giấy tờ chi chít các con số dưới ánh đèn leo lét lúc đêm khuya. Nhưng mặc cho đời sống khó khăn, bà luôn lo cho cô mọi thứ rất tươm tất, tìm trường tốt cùng những giáo viên giỏi nhất. Hiểu sự vất vả của mẹ, cô chưa từng làm bà thất vọng. Sống trong môi trường áp lực của thể thao đối kháng từ nhỏ, cộng thêm kỳ vọng từ mẹ, An đã hình thành thói quen tự đặt cho mình những mục tiêu rất cao, ví dụ như giải quốc gia một môn tự nhiên, chức vô địch kiếm thuật hay học bổng toàn phần đi nước ngoài. Dường như niềm vui chinh phục luôn quá lớn, đến mức át đi mọi quan tâm về thời trang, đồ hiệu hay vô số sở thích mang tính xu hướng khác.
- Con gái con đứa mà chẳng có lấy một bộ đồ tử tế mà mặc. - Bà Cúc vừa gấp quần áo cho hai mẹ con vừa cằn nhằn. - Toàn đồ cũ rích không.
- Chị hai… - An xịu mặt. - con thấy có sao đâu nè.
Bà Cúc kéo con gái ngồi xuống bên cạnh, vuốt tóc cô:
- Con à… gỗ tốt mấy thì nước sơn vẫn rất quan trọng. Đừng để người ta đối xử với con tệ hơn những gì con xứng đáng chỉ vì vẻ bề ngoài. Hiểu không?
- Dạ, hiểu.
Vậy là ở tuổi mười tám, An lần đầu lò dò tới lớp dạy trang điểm, bắt đầu làm quen với phấn, son, kem nền, phấn mắt, mascara cùng hàng đống bút, cọ lỉnh kỉnh. Cô cũng tập đi giày cao gót, tìm hiểu một chút về quy tắc thời trang căn bản và thỉnh thoảng cập nhật ít xu thế. Song, dù có bao nhiêu kiến thức, An vẫn chỉ dễ chịu với sự xuề xoà, thế nên, cô đã đi tới một thoả hiệp với bản thân rằng, bình thường được phép thoải mái mặc gì mình thích nhưng khi cần thì phải đủ lộng lẫy để không bị lạc lõng, dị hợm. Xét cho cùng, đúng như người xưa vẫn nói, “giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời”. Về điểm này thì An biết mình đã làm mẹ - người luôn lịch sự chỉn chu, đi ra chợ cũng phải chải lại tóc và tô chút son - có chút không hài lòng.
______________
Chú thích:
[1] Trong Kendo (kiếm thuật Nhật Bản), tuy cũng chia ra kyu và dan (đẳng) như Judo, Karate nhưng Kendo không dùng đai để phân loại. Các kyu (9 đến 1) tương đương với màu đai trong các môn võ khác (từ trắng tới nâu) còn từ Dan 1 (nhất đẳng) trở lên là tương đương đai đen.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.